Nha Trang ngày về (p5)
A Cappella cho tất cảc
7h45’: Vấn đáp
Khoá tu lần này vì được tổ chức vào mùa hè nên rất đông các bạn trẻ tham dự. Tôi được thông báo số lượng phải hơn 400 người. Những điều nghe thấy…
… Và hôm nay sẽ có buổi vấn đáp.
Làm thế nào để biết được tình thương chân thật? Tình yêu đến từ rung động của trái tim hay là thể xác?
Thế nào là đồng tính luyến ái? Kết hôn với một người đồng giới có phải là một tội ác hay không?
Khi cái sai, cái xấu, cái giả liên tục xuất hiện trên những kênh thông tin đại chúng thì dần dần chúng cũng được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Vậy làm sao để ta không phải trở thành nạn nhân của những phương tiện truyền thông đó?
Nền văn hoá Á Đông vốn coi trọng sự khiêm tốn, đề cao những hình mẫu hoàn hảo. Nhưng sự khiêm tốn và hoàn hảo dần khiến cho người ta trở nên dối trá, giả tạo. Vậy làm sao để không phải trở thành nạn nhân của chính nền văn hoá đó?
Làm thế nào an vui khi xung quanh ta có quá nhiều khổ đau?
Những phương pháp tu tập vốn có nhiều sự khác biệt. Vậy ta phải làm sao có thể dung hòa để không gây ra sự đổ vỡ, nghi kỵ?
…
Thật là lạ thường, phải không Khánh Chung? Tại sao những thắc mắc như vậy lại xuất hiện giữa nơi đạo tràng thanh tịnh? Chúng ta có thể tự vấn mình: Gia đình, học đường và xã hội đã giữ một vai trò như thế nào, đã vận hành ra làm sao để rồi những dấu chấm than, chấm hỏi đó lại lưu vết in dấu trên mảnh đất già lam yên bình này? Dưới nơi Phật đài, tôi đã nghe không biết là bao những băn khoăn, hoang mang về giới tính, tình yêu, tuổi trẻ và lý tưởng…
Trên đường lên Kim Sơn, tôi đã chứng kiến một sự thật đau lòng. Hai con người chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường đi đã lao vào nhau như loài thú dữ. Không cần một lời giải thích, họ trút hết tất cả cơn giận dữ lên thân thể nhau. Và xung quanh dòng người vẫn còn đang chen chúc, giành giựt từng không gian ngã tư chật hẹp để tiến lên phía trước. Đây không còn là những hình ảnh hiếm gặp ít thấy. Tại sao kinh tế phát triển, đời sống đi lên mà máu vẫn chảy, nước mắt vẫn rơi?
Chúng ta hỏi nhau: Ai đã gây ra tình trạng này?
Loạn lạc, chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn khắp mười phương. Sự phát triển của khoa học chỉ có thể giảm bớt những bệnh tật về thân. Nhưng đứng trước những vấn đề của tâm, nhân loại bỗng trở nên nhỏ bé, bất lực. Những tiện nghi của công nghệ không thể thiết lập được truyền thông giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Loài người đã mất dấu nhau. Đau thương đã tràn lấp. Bóng tối vẫn trực chờ. Và trong đêm thâu hun hút đó một tia lửa nhỏ – ánh Đạo vàng – đã chớp loé, soi rọi, dẫn chiếu cho bao nhiêu linh hồn lạc bước tìm về lối cũ đường xưa….
Thông điệp của Khoá Tu
Tôi đã được dạy rằng khi ta có những khó khăn thì điều hay nhất ta có thể làm là thở một hơi thật sâu và mỉm một nụ cười thật nhẹ. Thở và Cười. Chỉ đơn giản vậy thôi. Đó chính là câu trả lời cho tất cả. Đó cũng là thông điệp của khóa tu lần này. Khi ta thật sự trở về với hơi thở, khi ta mỉm được nụ cười chân thật thì ta có bình an, thanh thản. Năng lượng của sự hay biết, của ý thức có mặt thì nỗi khỗ, niềm đau của ta sẽ không còn cơ hội vùng vẫy, khuấy động. Chúng sẽ lại là những hạt giống được ngủ yên trở về với mảnh đất tâm hồn. Vì vậy cho nên nếu mỗi ngày ta hết lòng thực tập theo từng câu kinh bài kệ, nếu ta đặt trọn tâm trí vào từng bước chân, hơi thở, nụ cười thì ta đang tích luỹ cho mình một nguồn năng lượng vĩ đại. Năng lượng đó sẽ như đất, nước, gió, lửa tưới tẩm những hạt giống mà ta đã gieo trồng. Để rồi một sớm mai kia, bạn của tôi ơi! Khi thăm lại khu vườn tâm thức bạn chỉ còn bắt gặp những dãy màu đỏ thắm vàng tươi ngập tràn. Vỏ cứng đã vỡ nát. Hạt mầm năm xưa đã là đoá xuân ngời trong bình minh toả rạng…
Có thể trong ta vẫn còn những vấn nghi, những khắc khoải. Có thể ta vẫn chưa tìm ra một câu trả lời rốt ráo cho những khó khăn bản thân. Nhưng chủ đích của một buổi vấn đáp hay pháp đàm không nhất thiết phải tìm ra một giải pháp hay một lối thoát. Tu học không phải là công trình của những khối óc. Mục đích của ta là được ngồi với nhau, có mặt cho nhau. Khi tham gia một buổi như vậy tức là ta có cơ hội được ngồi yên bên người anh người chị của mình. Ta thực tập sống trong tình anh chị em. Ta lắng nghe nỗi niềm của nhau, nói bằng lời ái ngữ và nghe với tâm buông bỏ. Ngồi lắng nghe người khác trút bớt nỗi lòng là ta có cơ hội được tiếp xúc gần hơn với thực tại của người ấy. Chỉ vậy thôi mà người kia bớt khổ. Trong buổi vấn đáp hôm nay, tôi thấy nhiều người đã ngồi thật tĩnh lặng. Tôi thấy mình đang được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi và bất động đó. Khi ta còn hơi thở, còn nụ cười thì ta có thể yên lòng. Lời giải đáp, một nẻo thoát, lối về chắc chắn sẽ sáng tỏ. Tôi mong sao mình sẽ luôn duy trì được nguồn năng lượng lớn lao này. Tôi nguyện ước: Trước mọi biến cố khó khăn, tôi vẫn sẽ luôn Thở và Cười được. Giữ được hơi thở và nụ cười thì mọi vết thương sẽ liền da, bao ách nạn sẽ đóng khép. Tôi có niềm tin như thế đó, Khánh Chung! Tôi có niềm tin nơi Bụt Dược Sư. Tin vào Bụt Dược Sư. Tin vào năng lực chuyển hoá, chữa lành mọi khổ đau, tật bệnh…
Quản lý năng lượng
Trong các câu hỏi được đưa ra, có một thắc mắc làm tôi giật mình chú ý. Đây cũng chính là tình trạng mà tôi đang mắc phải. Một bác Phật tử đã nhắc đến vấn đề “quản lý năng lượng” và hỏi rằng:
Làm sao tận dụng được thời gian tu học một cách hiệu quả?
Đầu tiên, ai trong chúng ta cũng đều thấy rằng quản lý thời gian sao cho thật khoa học là một điều cần thiết. Nhưng sau khi đã sắp xếp cho mình một thời khoá hoàn chỉnh “giờ nào việc đó” thì đôi lúc ta lại đánh mất mình trong chính thời khắc ấy. Vậy thì điều thứ hai là ta phải biết cách quản lý năng lượng của sự hay biết. Tức là ta phải biết cách duy trì Niệm Lực của mình.
Ví dụ như ta có hơn nửa tiếng đồng hồ để đi thiền hành với một người bạn đồng tu. Nhưng sao sự vững vàng của ta rất ít ỏi, nhưng khi nhìn sang người bên cạnh thì có khi chỉ vài bước chân thì niềm vui, sự bình an của họ đã toả chiếu. Khánh Chung có thấy sự khác biệt ấy không? Ba mươi phút của người này là thiên thu nhưng với người kia thì có khi chỉ là một cái ngoảnh mặt chuyển mình.
Câu hỏi ở đây là làm sao ta có thể quản lý Niệm Lực sau khi đã biết cách quản lý thời gian? Làm sao có thể làm cho năng lượng tỉnh thức của mình thật sự có mặt?
Trong đời sống hằng ngày, tôi đã sắp xếp một giờ phút để có thể nhìn lại bản thân . Tôi có thể thực tập một mình rất kiên định rất miên mật. Nhưng sao hiệu quả vẫn chưa thấy. Đến khi tôi thực tập cùng tăng thân thì Niệm Lực trở nên sâu dày. Khi tham gia vào ngày Quán Niệm thì tôi thấy mình có nhiều thăng tiến hơn. Bước chân mình vững vàng hơn. Tiếng nói mình yêu thương hơn. Thế ngồi mình thanh thoát hơn. Khánh Chung đã thấy câu trả lời rồi phải không?
Khi ta chỉ là một hạt nước nhỏ thì làm sao có thể dưỡng nuôi, tưới tẩm cho gốc rễ thân tâm? Nhưng khi ta đã hòa điệu với hải hà thì ta có thể đi tới rất nhanh, rất mạnh. Ta hòa vào biển lớn, nương theo dòng ra tới đại dương…
Thoạt nhìn thì mình chỉ tu tập cho bản thân mình thôi. Nhưng khi mình thực tập hết lòng cùng đại chúng thì năng lượng bé nhỏ của ta được ôm ấp trong lòng tăng thân. Và sức mạnh của tăng thân – nguồn lực vĩ đại đó sẽ đi vào châu thân mình. Muốn quản lý năng lượng của sự hay biết thì ta nên nương vào sức mạnh của bốn chúng (Tâm thức của cộng đồng). Nếu muốn thành công trên phương diện tu học thì phải biết nương vào sức mạnh của tăng đoàn. Chân lý giản dị này tôi và Khánh Chung đã được nghe, được dạy. Ấy vậy mà tôi vẫn đôi lần bỏ quên đánh mất trên con đường dưỡng tánh tu tâm…
Ba sự quay về
Trưa nay, tôi thầm lặng cúi đầu quỳ gối dưới ngôi Tam Bảo. Khi năm vóc trở về với đất cũng là lúc tôi lãnh trọn cơn mưa trắng xóa cõi lòng.
Con về nương tựa Tăng
Đã về nương tựa Tăng
Về nương Tăng trong con
3 câu ngắn ngủi, vỡ lòng mà đến nay tôi vẫn chưa thuộc, khi nhớ khi quên.
Tôi nào có khác chi hình bóng ca nhân nơi đất khách quê người. Vì buồn giận tủi hờn mà chàng nghệ sĩ đã vội vã chia tay gánh hát của mình lang thang trên đường xa vạn dặm. Anh nghĩ là có thể an ổn một mình làm thân dế hát rong sau khi nắm bắt âm luật điệu thức. Anh nghĩ rằng mình có thể hát không cần nhạc đệm. Nhưng anh đâu có biết để hát A Cappella thật hay thì phải cần ít nhất 4 người. Rồi ngày trôi đi… Trôi đi… Bốn mùa thay lá… Một sớm mai tĩnh lặng, khi chân chùng gối mỏi, những dấu hỏi dấu chấm bắt đầu thành hình, thổn thức trái tim, cào xé da thịt…
Ba nghìn thế giới mà ta vẫn
Không biết về đâu? Trụ ở đâu?
Chùa xưa đã đốt. Ta đi vậy
Tam Bảo và em ở cõi nào?
Nhà thơ Du Tử Lê đã hỏi mình và cũng hỏi thay cho bao nhiêu linh hồn vô chủ. “Trụ ở đâu?” “Về đâu?”
Ta có thể trả lời. Sẽ không quá khó khăn để ta đáp lại. “Về nương tựa Tăng”. Nếu được nói một câu về Đạo Bụt thì tôi cũng xin chỉ cất lên bốn tiếng đơn sơ ấy. Nhưng tôi cũng biết rằng có những điều dung dị, giản đơn mà ta học hết kiếp này vẫn chưa xong, trả suốt đời sau cũng mãi còn.
Kim Sơn Tự đã giúp tôi trở về. Trưa nay, tôi đã về lại ngôi trường xưa cũ. Và nguyện ước luôn là kẻ học trò, mãi là người tập sự. Trưa nay, một lần nữa trong tư thế sát đất, tôi thầm ôn lại bài học Nương Tựa Quay Về…
Tim an bình. Tâm rộng mở.
(còn tiếp…)