Cô đơn

Chân Bội Nghiêm

 Có một cô đã đến viếng thăm chúng ta cách đây khoảng năm tháng. Cô ấy đã, đang và sẽ làm cho con người trên thế giới đau nhức, mệt mỏi, tuyệt vọng và lạ thay thức dậy. Không ai thấy được cô nhưng ai cũng sợ cô. Không ai có khả năng trừng phạt cô vì sức mạnh của cô thật sự là vô tận. Chính những vị có quyền lực nhiều nhất, những bác sĩ giỏi nhất, những nghiên cứu gia uy tín nhất vẫn chưa làm được gì để giúp cô rời đi. Cô đã lấy đi mạng sống của rất nhiều người và con số vẫn đang tăng lên mỗi phút. Nhưng không chỉ dừng tại đó, cô còn khiến cho một cô khác trong con người mỗi chúng ta trở nên mạnh hơn. Đó chính là cô đơn. COVID-19 đã thực sự làm cho nhiều người trở nên cô đơn. Nhưng hãy tự hỏi chính mình rằng: “Có phải thật sự COVID làm mình cô đơn, hay chính tự thân mình làm như thế?” Hầu như chuyện gì đang xảy ra bây giờ chúng ta cũng đổ lỗi cho COVID, nhưng chân lý của cuộc đời nhắc chúng ta cái gì cũng có hai mặt.

 Trong một đời người, chúng ta sẽ đi qua những giai đoạn khủng hoảng (crisis) khác nhau. Thế hệ ba mẹ tôi đã đi qua khủng hoảng vì chiến tranh, có người đi qua khủng hoảng kinh tế, có lúc mình đi qua khủng hoảng tình cảm, rồi lại đôi khi khủng hoảng truyền thông trong gia đình. Và giờ phút này chúng ta đang trải qua khủng hoảng cô đơn. Tất cả những khủng hoảng trên làm cho bao người điêu đứng, mất phương hướng và thậm chí tuyệt vọng. Nhiều người cho rằng chỉ có cái chết mới giúp họ thật sự hết khủng hoảng, nhưng họ đâu biết nếu làm thế là họ để lại “món quà” khủng hoảng này cho những người thương của mình. Để chấm dứt khủng hoảng, chính tự thân mình phải nỗ lực với sự yểm trợ của những người xung quanh. Tôi hay nhắc nhở tôi biết quên những khủng hoảng mình đã đi qua để mình an trú được trong hiện tại, làm nội lực lớn thêm. Để rồi khi có khủng hoảng khác đến, mình sẽ biết cách chăm sóc, an ủi và chuyển hoá mà không cần hất đuổi chúng. Trước khi cho nó đi qua thì chúng ta cần nhìn sâu và hiểu. Nhìn sâu và hiểu vẫn chưa đủ, chúng ta cần thay đổi cách nhận thức và hành xử của mình. Cô đơn cần điều đó lắm.

 

 

Tôi còn nhớ lúc mới qua Mỹ tôi không có nhiều bạn học ở trường, nên không thích đến giờ ăn chút nào. Không phải thức ăn không ngon, mà bởi vì nhìn xung quanh ai cũng có bạn để ngồi ăn cùng, còn riêng tôi không có ai. Tôi ngồi một mình và cảm thấy sợ hãi. Cũng không phải sợ ai sẽ đến hại mình, mà sợ nhiều người sẽ nghĩ mình là người cô đơn, mình đã sống sao mà không ai muốn ngồi với mình. Dòng suy nghĩ tiêu cực đó cứ chảy mãi không ngừng. Khi mới vào tu tôi cũng sợ đi một mình trong tu viện vào ban ngày. Không phải tôi sợ dẫm lên rắn mà lại một lần nữa, sợ người khác nghĩ rằng mình đang cô đơn. Chúng ta thường nghĩ một mình mới cô đơn nhưng đôi lúc “đồng sàng dị mộng” như câu nói của những vị tiền bối.  Chính vì cô đơn nên mới “đồng sàng dị mộng”. Qua thời gian tôi thấy ở một mình mà cô đơn thì dễ chịu và ít đau nhức hơn là sống với nhiều người mà vẫn cô đơn, vì sự cô đơn của mình không ảnh hưởng tiêu cực lên người khác, và trong tâm mình vắng đi sự khiển trách hay buộc tội, như trong Truyện Kiều có câu: “Một mình mình biết, một mình mình hay”. Những lúc trong tâm có đủ bình an và nghị lực của một chiến sĩ, chúng ta có thể đi qua cô đơn một cách dễ dàng. Nhưng cũng có ngày tâm tư ta u tối, yếu đuối, cô đơn lại đến và chiếm quyền làm chủ ta. Vậy thì hãy nhìn chính nguồn gốc của cô đơn để chữa trị, như trong đạo Bụt dạy rằng: “Tất cả đều do tâm mà thôi”. Đừng đổ lỗi cô đơn do Cô Vy, đừng đổ lỗi cho một đối tượng nào ngoài mình, và cũng không đổ lỗi cho chính mình, vì “Tất cả do nhân duyên mà biểu hiện.” Quan trọng là mình có thể làm gì để cô đơn ngủ yên, và lỡ vị “khách quý” này có đến thì mình “đón chào” như thế nào.

Đâu phải những ai có nhiều bạn, dễ dàng vui cười hay có nhiều việc làm có tính chất quan trọng là không cô đơn. Tất cả chúng ta một lúc nào đó đều đã hoặc sẽ cảm thấy cô đơn, và có khi lúc đó chính là bây giờ. Nhiều người trước đây đến tu viện, than thở cùng với quý thầy và quý sư cô rằng mình không có đủ thời gian để ăn, để có mặt cho gia đình, để chăm sóc sức khoẻ của mình như mình mong muốn. Bây giờ không đi làm thì lại than rằng ở nhà chán quá, tù túng và thời gian trôi qua rất chậm. Cô vy đã mời gọi tất cả chúng ta từ người giàu đến người nghèo, từ học sinh đến doanh nhân ở nhà và không được đi đâu. Có nhiều người đã có được những trải nghiệm lần đầu tiên cho việc phải đối diện với chính mình và lắng nghe được những “lời tâm sự từ bên trong”. Trước đây, mình đã quá bận rộn mà không để ý đến người bạn cô đơn đó trong mình nên bây giờ cô đơn đến mình lại không biết nên làm gì, nên đã cô đơn lại càng cô đơn thêm. Hãy tưởng tượng bây giờ cô vy làm đứt đoạn đường đến dây internet, wifi. Ôi, nỗi sợ hãi sẽ như thế nào cho những ai đang trong tình trạng cô đơn.

 Trong ngày tôi tìm nhiều cách để nhắc nhở mình biết nếm được chất liệu hạnh phúc đang có trong giây phút hiện tại như khi ngồi ăn, đi bộ, vào nhà vệ sinh hoặc nằm trên giường. Thời gian gần đây những lúc nằm trên giường, với tấm mền thật ấm đắp lên mặt và thân thể, tôi có được niềm hạnh phúc thật sâu lắng và kỳ lạ. Suy nghĩ đầu tiên đến với tôi là, “Em sẽ không nhìn thấy tự thân mình như thế nào khi nằm trong “hòm”. Bây giờ em hãy hình dung mình đang nằm trong đó và hãy thở những hơi thở thật bình an. Nếu ngày mai em có ra đi, trong lòng em sẽ có đủ sự vô uý và tình thương cho tự thân.” Tôi cứ làm như thế, đêm này đến đêm khác và sau đó đi vào giấc ngủ dễ dàng, một giấc đến sáng mà không có mộng mị, không có những cản trở giữa đêm. Nếu nhìn cho kỹ, người mà tôi kề cận và gần gũi nhất trong ngày là chính là bản thân mình. Ai thấy được những gì tôi đang suy nghĩ? Ai hiểu thấu những nỗi niềm tôi đã và đang đi qua? Ai nhắc nhở hãy cười đi, hãy buông đi, hãy bước đi trong thảnh thơi, vội vàng làm gì ? Chính mình phải tinh chuyên làm công việc này tuy biết là mình đang sống chung với rất nhiều sư cô khác.

 

Đã có những lúc tôi cô đơn khi ngồi trong phòng chung với ba sư cô, hay bên cạnh tôi có đến mấy chục sư cô khác nữa, và tôi tự hỏi mình tại sao như thế. Tôi có một kỷ niệm khiến mình không bao giờ quên, vào năm 2008 khi còn ở tại tu viện Bích Nham, tiểu bang New York, tôi lúc đấy mới hai mươi ba tuổi. Tu viện Bích Nham có thiên nhiên rất đẹp, điều kiện vật chất không thiếu, và nơi tôi ở nhìn ra ngoài là một khung trời bao la. Nhưng không hiểu sao cứ tối đến tôi lại có cảm giác trống vắng trong lòng và có khuynh hướng nghĩ đến người bạn trai cũ. Tôi thấy điều này không ổn tí nào. Lúc đó tôi đang ngồi tại phòng sinh hoạt chung (common room) và trong phòng có một tấm gương dài được dựng trên tường. Thế là tôi đến đứng trước tấm gương, nhìn vào ánh mắt của người trong gương thật kĩ, trực diện và đầy tình thương rồi nói rằng: “Chị biết em đang buồn và cô đơn và mình có cách để đi ra khỏi cảm giác này. Chỉ cần em mở lòng và đến chia sẻ với một hoặc hai sư cô em thương kính và tin tưởng đủ, thì lòng em sẽ khoẻ nhẹ hơn. Nếu ở một nơi có đến hai mươi người bạn đồng tu mà còn cô đơn là vì mình đang đóng cửa trái tim và cách tư duy của mình hiện đang đi về chiều hướng tiêu cực.” Tôi tiếp tục có những buổi “tâm tình với chính mình” như thế trước gương trong nhà vệ sinh, và tôi rất thích thú với công việc đó. Mỗi khi làm điều này tôi cần ít nhất 15-30 phút. Rất tiếc tại tu viện Mộc Lan không có những tấm gương như thế để tôi tiếp tục. Những chiếc gương của Mộc Lan được đặt tại các bồn rửa mặt và thường trực có người. Tôi đứng đó 15-30 phút thì chắc không ổn. “Không được cách này thì ta bày cách khác” là câu nói rất hay của ông bà tổ tiên mình. Người Mỹ thường nói, “If Plan A doesn’t work, there is always Plan B.” (Nếu phương án A không hiệu quả, mình luôn luôn có phương án B mà)

Tôi bây giờ đang đi vào cái “tuổi đá vàng” nên có những điều không xảy đến trước đây mà bây giờ xảy đến thì mình chấp nhận và chào đón chúng dễ dàng hơn. Tôi suy đi ngẫm lại và thấy rằng mình cô đơn một phần vì mình để mất những gì thật đẹp đã có trong quá khứ. Trước đây mình tự nhiên và thoải mái đến với tất cả những vị đang sống chung và ai cũng đến được với mình, nhưng bây giờ không được như thế. Tôi thường đùa với chính mình rằng, “The magic is gone, sister Bội Nghiêm.”(Phép màu đã biến mất rồi sư cô Bội Nghiêm ơi) Rồi lại ngồi đó để nghĩ về những kỉ niệm đẹp, mà quên mất ai là người đang ngồi bên cạnh mình. Có những buổi ngồi dùng cơm với quý sư cô, nhìn đoá hoa đầy sức sống, tươi mát và tràn ngập phép lạ, tôi thầm nói, “Em là một mầu nhiệm.” Tôi không muốn ngừng tại đó vì tôi không muốn chỉ trân quý hay biết tả vẻ đẹp của thiên nhiên mà không làm được với những người mình đang sống chung. Thế là tôi nhìn ai đang ngồi trước mặt, ý thức ai đang ngồi bên trái và bên phải, và thầm nói rằng: “Sư chị, sư em cũng là những nhiệm mầu của sự sống, và tôi gửi lòng biết ơn tới họ vì vẫn đang còn ngồi đây dưới hình thức là một sư cô.” Buổi sáng ngồi thiền xong, nhìn xuống nền nhà và thấy con kiến, tôi nhận diện sự hiện hữu của nó, rồi cũng nhắc nhở mình sự hiện hữu nhiệm mầu của quý thầy. Dù tôi đang có nội kết hay khó khăn với đối tượng nào đó, sự thực tập của tôi vẫn giữ được lòng biết ơn và thấy được những điểm đẹp nơi người đó. Chỉ cần làm công việc đó trong năm giây nhưng cũng đủ để giúp mình từ từ có sự kết nối trở lại. Có những lúc tôi cảm giác như mình mất niềm tin nơi con người vì trái tim đã bị tổn thương nặng. Những vị mình tưởng là hiểu mình, sau này lại nói những câu làm mình nhức nhối, và vì cầu đã gãy rồi thì công trình xây dựng lại không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng tôi an ủi mình và âm thầm khuyến khích hãy cho tự thân và người khác một cơ hội. Có thể cho người làm mình đau khổ cơ hội mới hơi khó và cần thời gian nhưng ít nhất mình có thể cho những người khác. Chẳng ai muốn đánh mất những gì tốt đẹp nhưng điều này có thể xảy đến cho bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Vì vậy với tôi khi yêu, khi thương, không nên cho hết 100%, mà hãy giữ lại cho chính mình một chút yêu thương, để sau này khi “nước đã cạn” thì mình vẫn còn chút “nước” để uống và đi tiếp. Để lại 10-20% không chỉ riêng cho mình mà cho người kia nữa, để rồi sau này nghĩ lại trong lòng vẫn còn tình thương dành cho người ấy. Có một sư cô tặng tôi hai câu thơ mà tôi rất cảm động và tâm đắc: “Giờ nào chị tặng cho mình, giờ nào chị hiến cho tình xung quanh”. Hãy tặng cho mình sự chăm sóc ân cần, nụ cười đầy sự sống và tha thứ cho những lỗi lầm mình đã tự mình gây ra. Nhưng đừng chỉ ngồi đó chăm mình thôi mà cũng cần quan tâm, để ý và chăm sóc người khác vì điều gì cũng cần có sự thăng bằng. Sharing is caring (San sẻ cũng chính là quan tâm).

Cô đơn có mặt một phần cũng vì khi nghe một điều gì, thấy một thứ gì, nhìn vào một ai mà trong mình bắt đầu khởi lên sự trách móc và kết luận vội vàng, khiến mình đánh mất đi sự kết nối với người đó. Thế thì mình hãy chậm lại trong lúc nghe, thấy, nhìn, và điều này sẽ giúp mình chậm lại trong từng suy nghĩ. Chậm ở đây không hàm chứa sự trì trệ mà sẽ làm tăng trưởng cái định bên trong, giúp mình không nói và hành xử theo thói quen cũ. Có một sư cô dạy rằng: “Hãy thở vào và thở ra một hơi trước khi trả lời.” Nếu trước đây có người hỏi, “Hôm nay em có khoẻ không?” mình liền lập tức trả lời, “Dạ khoẻ.” thì bây giờ mình hãy cho một chút yên lặng giữa câu hỏi và câu trả lời. Tôi thấy mình có khuynh hướng để những khác biệt nhỏ nhoi của nhau làm mình trở thành xa lạ với người kia, mà quên mất cả hai cùng chung lý tưởng muốn được thực tập để hoàn thiện bản thân và giúp người bớt khổ. Ví dụ sư em tôi thích xem phim hoạt hình, tôi thích xem phim người thật đóng và dựa trên chuyện thật. Sư em m tôi ít thích tập thể dục còn tôi thường thích tập thể dục. Người bạn tôi bầu cho ông Trump còn tôi bầu cho bà Hillary. Tôi không muốn mình trở thành dại dột, cho phép những khác biệt không đâu làm cho tôi cô đơn khi ngồi bên cạnh người khác. Chỉ cần thêm thời gian và kiên nhẫn thì tôi sẽ thấy mình và người kia cũng có thể kết nối được. Hãy bắt đầu câu chuyện với tâm niệm không phán xét, phản ứng hay trách móc thì kết quả sẽ khác. Biết thương, biết tôn trọng là việc cần phải làm, nhưng mình cũng cần phải biết quên. Quên đi những việc tốt mình đã làm để cho ước muốn được công nhận có thể tan biến. Quên đi những câu nặng lời bởi có thể chính người này sẽ giúp mình ra khỏi hiểm nguy trong tương lai. Quên đi những gì đẹp của ngày hôm qua để biết rằng ngày hôm nay đẹp không kém. Càng quên thì mình lại càng biết. Đôi khi nhớ lại trở thành một chướng ngại vì mình cho rằng mọi thứ hẳn nhiên là thường, luôn luôn là như thế. Cuộc đời đẹp hơn khi con người biết quên đi những hận thù, trách móc, sợ hãi và âu lo. Tâm hồn mình sẽ rộng mở để lắng nghe tiếng chim hót, tiếng thông reo cất giọng, và tình thương trong mình sẽ được hát ca. Vậy nên hãy biết quên, biết quên những lỗi lầm mình đã tạo hoặc người kia đã làm, để cho mình và vị đó một cơ hội mới.

Cái gì đến trong cuộc đời cũng là cơ hội để tôi học hỏi và thực nghiệm. Cô đơn cũng thế, là trải nghiệm quý giá để tôi làm bạn với chúng, nhưng không tìm cách nuôi chúng lớn thêm trong tôi. Người bạn này tôi không muốn phải “đánh” (fight) hoặc “chiến đấu” (battle) như người Mỹ thường nói, “I am fighting/battling with my depression.” mà tôi chỉ muốn chăm sóc và chuyển hoá thôi. Đừng đổ lỗi cho Coronavirus, đừng đổ lỗi cho người khác và điều quan trọng không kém là đừng đổ lỗi cho chính mình. Đổ lỗi sẽ không giúp ích nhiều. Điều có thể giúp người bạn cô đơn trong mình là nhận biết rằng cô đơn đang có mặt, tìm hiểu được nguyên do dẫn đến cô đơn, mình đã cho cô đơn “ăn gì” mà mỗi ngày mỗi lớn. Và khi cơn bão tố dịu xuống thì mình thấy rằng, “à, cô đơn đã giúp mình không trở thành người cô phụ.” Và mình biết cho mình thức ăn gì mỗi ngày để lòng biết ơn được tăng trưởng. Khi cô đơn đến, đừng hỏi: “Tại sao tôi?” (Why me?) mà hãy mỉm cười chào đón rồi nói: “Try me.” (Thử tôi đi.) Đó là tuệ giác sâu sắc mà tôi học được từ một thầy đang tu học tại tu viện Mộc Lan. Đúng, tôi đồng ý rằng niềm cô đơn thường trở nên nhức nhối khi đang ở chốn đông người hơn là khi ở một mình. Biết thế rồi để tôi bắt đầu thay đổi cách nhận thức và tư duy của mình. Hãy là người bắt đầu tất cả mọi thứ. Con số 2020 dành cho những người có mắt sáng trọn vẹn, hoàn hảo và năm nay là năm 2020. Đây là lúc hãy dùng chánh niệm để làm cho mắt mình sáng, tâm mình yên đủ thì sự việc sẽ tỏa ánh sáng chân thật hơn.