Nấu ăn – nghệ thuật chế tác hạnh phúc

Chân Chuẩn Nghiêm

Xóm Mới, ngày 26 tháng 6 năm 2017

Thầy kính thương!

Mỗi khi nghĩ đến Thầy trong mỗi chúng con lại dâng lên niềm biết ơn vô hạn. Cảm ơn Thầy đã dạy cho chúng con biết thở, biết đi, biết cười, biết điều phục cảm xúc để không cho ra những lời nói không dễ thương, khiến mình phải hối hận. Cảm ơn Thầy đã tạo ra một môi trường thật lành để chúng con cùng nhau tu học. Sự nghiệp xây dựng tăng thân của Thầy đã và đang được chúng con, những người con của Thầy, cả xuất gia và tại gia, đang chung tay góp sức dựng xây.

Thầy thường dạy chúng con rằng nhà bếp cũng là thiền đường và chúng con đang thực tập điều đó rất hạnh phúc. Chúng con thực tập nói lời ái ngữ khi cùng nhau nấu ăn trong bếp; biết gửi năng lượng lành vào những thức ăn mình đang nấu. Thầy biết không, trong một buổi ngồi chơi, kể chuyện cho nhau nghe, chị em chúng con nói chuyện với nhau:

– Sao mình không tổ chức khoá tu nấu ăn nhỉ?
– Ừ, cũng có thể.
– Sợ hơi khó, không biết mình có làm được không.
– Thì cứ thử xem sao.
– Nhưng nhà bếp nhỏ quá, không thể thuyết trình nấu ăn trong bếp được.
– Thì mình mang “nhà bếp” ra thiền đường.

Chị em chúng con cười giòn tan khi nghe như vậy. Cũng có người nói thêm: Thầy dạy rằng nhà bếp cũng là thiền đường, thì bây giờ mình làm cho thiền đường cũng là nhà bếp. Thầy chắc cũng sẽ hoan hỷ với sự linh hoạt này của chúng con, Thầy nhỉ.

Năm ngoái, năm 2016, có thể nói là năm chúng con “tập dượt” để tổ chức khoá tu nấu ăn. Vì là lần đầu tổ chức nên cũng còn điểm này, điểm nọ chưa hoàn hảo. Khi khoá tu kết thúc, chúng con cũng ngồi lại với nhau, nói cho nhau nghe những điểm chưa hoàn hảo ấy, để sang năm làm tốt hơn.

Nhờ vậy mà năm nay, khoá tu nấu ăn đã rất thành công. Đại chúng hạnh phúc lắm Thầy ạ. Cũng nhờ qua các món ăn được chọn để thuyết trình mà đại chúng có cơ hội được đi du lịch ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, qua các món: cà tím kho (miền Bắc); bánh xèo (miền Trung) và hủ tiếu (miền Nam).

Con nhận thấy một cái lợi khi ở trong đại chúng là mình được học hỏi rất nhiều. Món cà tím kho được sư cô Đàn Nghiêm trình bày rất khéo và đẹp. Món kho thì phải ăn với cơm nên sư cô đã hướng dẫn cho các bạn thiền sinh cách nấu cơm sao cho ngon, nhất là khi phải nấu cơm bằng bếp ga mà không phải là nồi cơm điện.  Cà tím kho là một món khá đơn giản, dễ nấu, nhưng “bí quyết” để nấu ăn ngon mà sư cô chia sẻ với các bạn thiền sinh là năng lượng bình an, thương yêu mà mình chế tác trong khi cắt gọt và nấu ăn.  Với “gia vị đặc biệt” này, món ăn sẽ ngon hơn rất nhiều.

Sư cô Đàn Nghiêm trang trí mâm cơm nhỏ với cà tím kho rất đẹp mắt. Khi nghe sư cô mời một vài vị lên để “kiểm tra chất lượng” thì một loạt cánh tay đưa lên. Sư cô lấy cơm, lấy cà tím vừa kho xong, còn nóng hổi mời đại chúng dùng thử. Ai nấy đều rất hạnh phúc.

Dù là khóa tu nấu ăn nhưng có rất nhiều thiền sinh nam về tham dự. Có người về một mình, cũng có người về cùng vợ hay bạn gái của mình. Cả hai người không chỉ học nấu ăn mà còn học cách làm sao để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Gia đình pháp đàm của con có một cặp vợ chồng người Pháp. Chú ấy có mẹ là người Việt nên rất muốn học nấu các món ăn Việt để rồi về nấu cho mẹ, cho gia đình. Cả cô và chú đều rất hạnh phúc. Con tin rằng gia đình cô chú ấy đã hạnh phúc rồi, đi khoá tu về sẽ còn hạnh phúc hơn nữa.

Và một sự chuyển hoá nữa trong khoá tu mà khi nghe con cũng không ngờ. Đó là có một em gái, còn rất trẻ. Trước khi về tham dự khoá tu em vẫn còn hút thuốc, hơn hai mươi điếu thuốc mỗi ngày. Vậy mà không ngờ, về tới Làng, nhờ sự thực tập và năng lượng bình an, tươi vui của đại chúng mà em đã bỏ thuốc được. Em chia sẻ điều này trong giờ pháp đàm khiến ai cũng xúc động. Em hứa rằng khi rời Làng về nhà em sẽ vẫn giữ sự thực tập này. Thật mầu nhiệm phải không Thầy?!

Bước sang ngày thứ năm của khoá tu thì đại chúng được đi du lịch miền Trung qua món bánh xèo của sư cô Hào Nghiêm. Con biết Thầy cũng rất thích bánh xèo. Bánh xèo, mới chỉ nghe tên thôi cũng đã thấy ngon rồi. Khi sư cô bắt đầu phi boa rô thì thiền đường trở thành nhà bếp thực sự. Một mùi thơm lan toả khắp không gian. Tiếp theo sau đó sư cô đổ bột vô chảo có dầu phi boa rô thì nghe tiếng xèo. Sư cô vừa làm vừa giải thích, đó là lý do vì sao bánh có tên là bánh xèo. Đại chúng bắt đầu thấy đói bụng. Sư cô làm với những thao tác rất nhanh nhẹn nhưng đầy sự chính xác. Khi lật bánh, sư cô không cần dùng đũa hay vá, sư cô đã lật bánh trên không trung, nghĩa là sư cô làm mà giống như người ta làm xiếc. Chiếc bánh được hất lên không trung rồi rơi lại xuống chảo trong sự ngạc nhiên, đầy ngưỡng mộ của đại chúng. Và chiếc bánh đã được lật rồi. Điều này cũng giúp cho bánh được giòn hơn. Con chỉ nhìn sư cô làm mà trong lòng đầy sự ngưỡng mộ, vì con mà làm như vậy thì bánh sẽ bị rơi xuống … đất.

Thầy ơi, có rất nhiều người, khi họ chia sẻ ra thì con mới biết rằng họ đến với khóa tu nấu ăn mà không phải là để học nấu ăn. Họ đến vì pháp môn, vì tăng thân Thầy ạ. Khi nghe điều này con vui lắm, và thấy đỡ phần lo lắng vì con nấu ăn còn dở lắm. Nếu nói là hướng dẫn thiền hành, ngồi thiền, tụng kinh… mà chị em con làm không được thì mới là chuyện không bình thường. Còn hướng dẫn nấu ăn mà không làm được thì chắc cũng chẳng ai cười chị em con đâu vì tất cả chúng con đến đây để tu mà.

Có một cô thiền sinh, cô chia sẻ rằng cô đã chọn tham dự khóa tu nấu ăn mà không chọn khoá tu doanh nhân (diễn ra cùng thời gian đó tại xóm Thượng và xóm Hạ), mặc dù cô quản lý hơn 1000 nhân viên. Vậy mà trong khóa tu nấu ăn, cô đã học được cách điều phục cảm xúc, học chế tác niềm vui, bình an … qua những bài pháp thoại, những buổi thiền tọa, thiền hành, ăn cơm chánh niệm… Và cô mong muốn chia sẻ lại với nhân viên của cô những gì cô được học từ Làng Mai.

Khi thời gian của khoá tu được rút ngắn lại thì cũng là lúc tình thương yêu giữa người và người được mở ra. Mọi người đến với nhau một cách rất tự nhiên, không còn khoảng cách xa lạ. Tất cả đã hoà vào với nhau trong không khí của một đại gia đình tâm linh.

Ngày cuối cùng của khoá tu là một ngày vui như hội. Ai cũng lo trời mưa nhưng cuối cùng trời không mưa mà rất mát. Buổi sáng hôm đó có thuyết trình về nấu ăn, buổi chiều thì có thi nấu ăn theo gia đình. Sư cô Ước Nghiêm hướng dẫn đại chúng đi du lịch miền Nam Việt Nam qua món hủ tiếu. Sư cô nấu hủ tiếu rất ngon. Con nghĩ con cần phải học cho được cách nấu món này để khi về thăm nhà con sẽ nấu cho cả nhà ăn. Nhà con đến bây giờ vẫn chưa biết ăn chay. Khái niệm ăn chay của gia đình con chỉ là rau với đậu. Ăn như vậy mà cứ ngày này qua ngày khác thì thật chán. Ngày con đi xuất gia bố con lo con bị thiếu chất dinh dưỡng vì phải ăn chay. Nhưng rồi thời gian đã trả lời giúp con. Khi con về thăm nhà thì bố mẹ con yên tâm về con lắm.

Nấu hủ tiếu thật khó thế mà vẫn có nhiều gia đình đã đăng ký món này để nấu thi. Ngày này đại chúng không ai muốn nghỉ trưa vì ai cũng háo hức chuẩn bị cho buổi chiều. Ban tổ chức thì lo sắp xếp bàn ghế và các dụng cụ nấu ăn cho các gia đình. Đây là cơ hội để các bạn thiền sinh thể hiện tài năng. Trong những buổi thuyết trình, con thấy rất nhiều bạn thiền sinh ghi chép rất chăm chú. Và quả thực, khi thi nấu ăn các bạn đã làm được những gì đã được học.

Có một chú là nhà văn. Chú đến với khoá tu trễ bốn ngày. Khi vừa đến xóm Mới chú đã hỏi ngày hôm qua là ngày gì thì được biết là ngày làm biếng, chú vui lắm. Chú ấy vui vì như thế có nghĩa là chú không bị mất thêm một thời khoá nào. Gia đình của chú đã chọn nấu hủ tiếu. Chú thì nướng củ hành tây, các bạn khác thì chiên đậu hủ, pha nước chấm rất là “chuyên nghiệp”. Với sự kết hợp hài hoà của tất cả mọi người thì món hủ tiếu cũng được hoàn thành trong niềm vui chung của cả gia đình.

Khi nấu xong còn phải trang trí món ăn sao cho đẹp. Và tuệ giác của tập thể đã được thể hiện thật rõ. Các món ăn đều được các gia đình trang trí đẹp, đầy sự sáng tạo. Thật khó cho ban giám khảo khi chọn ra một giải nhất. Khi trình bày trước đại chúng và ban giám khảo, nhiều gia đình còn có những bài hát rất hay để tặng đại chúng nữa. Nếu con làm ban giám khảo thế nào con cũng bị “xiêu lòng”. Và điều chính của cuộc thi nấu ăn này là tình bằng hữu, tình huynh đệ càng thêm khăng khít.

Thầy thương kính! Qua khóa tu nấu ăn, ai cũng đã nhận ra rằng nấu ăn không chỉ đơn giản là nấu ăn mà đó là cả một nghệ thuật. Chú nhà văn con kể ở trên, chú ấy đã chia sẻ trong buổi Ngồi chơi bên nhau (Be – In) là chú sẽ đổi nghề nhà văn thành nghề đầu bếp. Con thì thầm nói trong bụng là: Chú ơi, chú có thể viết về đề tài: Nấu ăn và nghệ thuật chế tác hạnh phúc. Như thế thì chú làm được cả hai. Chú vẫn là nhà văn và chú cũng vẫn có thể là một đầu bếp giỏi với nhiều hạnh phúc.

Buổi truyền Năm giới con lại thêm một bất ngờ và hạnh phúc nữa Thầy ạ. Số người nhận Năm giới là trên 70 người, tức là một nửa số thiền sinh tham dự khóa tu. Một con số mà không ai ngờ tới. Thiền sinh về đây không chỉ được học nấu những món chay ngon và lành mà còn được học cách chế tác hạnh phúc cho chính mình, từ đó hiến tặng hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Qua khóa tu nấu ăn, nhiều thiền sinh nhận thấy rằng ăn chay cũng rất là ngon và chỉ cần ăn chay thôi cũng đã giúp bảo vệ đất mẹ rất nhiều rồi.

Thầy kính thương!

Mỗi lần nhìn sự chuyển hóa của thiền sinh qua một khóa tu, lòng con luôn tràn đầy niềm biết ơn. Con biết ơn Bụt, biết ơn Thầy đã cho chúng con có được một nếp sống tâm linh thật đẹp, thật lành và có cơ hội giúp cuộc đời bớt khổ. Có lẽ sang năm chúng con sẽ lại tổ chức khóa tu nấu ăn, và dần dần con tin là sự thực tập nấu ăn trong chánh niệm sẽ trở thành một  “pháp môn” mới để đem đạo Bụt đến với người Tây phương. Con tin rằng khi đọc đến đây, Thầy sẽ mỉm cười, phải không Thầy?

Với tất cả niềm thương kính!

  Con_Chuẩn Nghiêm

Để xem thêm hình ảnh của khoá tu, xin bấm vào đây: 

https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/khoa-tu-tai-lang-mai/khoa-tu-nau-an-1/

Để xem video clip, xin bấm vào đây:     https://www.youtube.com/watch?v=pwuQvSSvS7A