Làng Mai giữa lòng bản Mường

(Chân Trời Hiện Pháp)

 

 Những hạt giống đầu tiên

Tháng 4 năm 1976, thầy Nhất Hạnh được mời tham dự hội thảo Pacific Ashram tổ chức tại Chiang Mai. Người tổ chức là Sulak Sivaraksa – một giảng viên đại học. Ông là bạn của Thầy, quen biết Thầy một năm trước tại Sri Lanka, là người khởi xướng tư tưởng “bảo thủ cách tân”, được mệnh danh là “trí thức đất Xiêm”. Ông là người có can đảm nói ra ý kiến phê bình tôn giáo, chính trị, xã hội và cũng là một người rất tích cực trong phong trào Phật giáo nhập thế toàn cầu.

Lần đó thầy Nhất Hạnh đã tạm trú tại Wat Phalad – ngôi chùa trong rừng cây và thác sâu trên đường đi lên Doi Suthep. Tại đây, Thầy đã có cơ hội tiếp cận và giao lưu với các sinh viên trẻ Thái Lan đang có thao thức về đường hướng tâm linh trong việc phụng sự xã hội, đặc biệt là con đường Phật giáo – nền tảng tâm linh lâu đời của xứ sở này. Tình hình chính trị Thái Lan lúc bấy giờ khá căng thẳng, khiến cho các thế hệ trẻ phải thao thức tìm một lối ra. Chính phủ lúc ấy nắm quyền độc tài nên các sinh viên trẻ trong các trường đại học có ý thức dân chủ và có lý tưởng đã cùng nhau lên tiếng biểu tình nhưng bị đàn áp một cách bạo lực nên rất nhiều người trẻ thất vọng và hận thù. Một nhóm sinh viên không tin vào đường lối bạo lực và khuynh hướng cực tả hay cực hữu, không tin vào sự phân biệt kỳ thị con người mà chỉ tin vào con đường bất bạo động và sự truyền thông hòa giải. Họ đã tìm tới thầy Nhất Hạnh để được lắng nghe và tham khảo.

Người hùng bất bạo động

Lần đó, thầy Nhất Hạnh đã trao quyển “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” bằng tiếng Anh cho một sinh viên trẻ lúc đó vừa xuất gia tại chùa Wat Phalad để dịch sang tiếng Thái. Từ khi được phát hành, “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” đã trở thành một cuốn sách kinh điển, gây ấn tượng mạnh cho những người trẻ đầy lý tưởng xây dựng lại xã hội theo chiều hướng tâm linh trong những năm về sau. Cuốn sách trở thành cẩm nang cho con đường Đạo Bụt Nhập Thế và đã trả lời những câu hỏi thời đại rằng người tu Phật nên tĩnh tâm tại chỗ hay nên ra ngoài hoạt động để cải thiện tình trạng của xã hội. Nhóm thanh niên với lý tưởng hòa bình đã xem Thầy như một vị anh hùng dẫn bước trên con đường bất bạo động với những gì mà Thầy và chị Phượng (sau này là sư cô Chân Không) cũng như Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã từng thực hiện trong cuộc chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam. Đặc biệt là khả năng phụng sự xã hội nhưng vẫn đi đôi rất hài hòa với sự thực tập thiền và chánh niệm – vốn là nền tảng tâm linh của Bản Mường (Thái Lan).

 

 

Từ đó trở đi, sách của thầy Nhất Hạnh đã liên tiếp được dịch ra Thái văn và đã hỗ trợ đắc lực cho con đường đạo Phật đi vào cuộc đời của các thanh niên Phật tử Thái, như những quyển Nẻo Về Tiếp Nối Đường Đi (sách nói về sự kiện 5 sinh viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị ám sát và sự tự thiêu của Nhất Chi Mai), Thiền Hành Yếu Chỉ, Đạo Phật Ngày Nay, Nẻo Vào Thiền Học, An Lạc Từng Bước Chân… Tuy đã qua thời tai nạn chính trị nhưng những cuốn sách, những bài thơ và lời dạy của Thầy vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong nhóm người trẻ Thái Lan – bao gồm các vị độc giả, giới xuất gia và tại gia đang đi tìm đường hướng mới cho đạo Phật, xã hội, văn hoá, môi trường và thiên nhiên. Ít người quan tâm về các lĩnh vực trên mà không hề biết đến tên của Thầy.

Ngài Buddhadāsa Indapañño là một vị Sư có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trong giới Phật giáo nước Thái của thế kỷ vừa qua. Vì không hài lòng với hình thức giảng dạy của Phật giáo truyền thống vốn mang rất nhiều sắc thái nghi lễ thần bí hoặc thiếu tính thực tiễn, Ngài đã tự mình tìm hiểu và đi sâu vào kinh điển Phật giáo Nguyên Thuỷ trong tạng kinh Pali, cố gắng tìm nhiều cách áp dụng giáo lý trong thời đại mới và đồng thời thấy được sự kết nối giữa Phật giáo Nguyên Thủy với các truyền thống Phật giáo khác, nhất là Thiền tông. Sulak Sivaraksa, người được đề cập ở trên, đã đưa những cuốn sách của thầy Nhất Hạnh cho Ngài Buddhadāsa xem. Ngài đón nhận với sự cởi mở và nói rằng: “Vị sư này viết sách hay hơn tôi.” Trong thời gian cuối đời, Ngài đã đưa cuốn sách “Từng Bước Nở Hoa Sen” tiếng Thái được dịch bởi Sulak, cho vị thị giả là vị sư Singthong và nói: “Hãy đọc và thực tập theo cuốn sách này là đủ, chính tôi cũng sẽ thực tập theo như vậy.” Ngay trong cuốn sách ấy đã có lời tựa với nhiều sự hoan hỷ và tán thán của Đức Tăng Thống Thái Lan thời bấy giờ là Somdech Phra ñāṇasaṃvara, người được tôn kính là một vị sư đức độ, học bác và chuyên thiền.

Năm 1982, Thầy thành lập Làng Mai tại Pháp và bắt đầu có nhiều khách thiền sinh đến tu học theo con đường của Thầy từ khắp mọi nơi trên thế giới. Khoảng năm 2000, phái đoàn của Maechi Sansanee Sathirasut – một trong những vị nữ tu áo trắng có tầm ảnh hưởng lớn tại Thái, đã viếng thăm và tu tập cùng tứ chúng Làng Mai. Taweesak Uchukatanon – một nghệ sĩ trẻ – đã rất thích bài hát Quay Về Nương Tựa của tiếng Việt, sau đó dịch đoạn thở vào – thở ra và phổ nhạc lại trong tiếng Thái thành bài hát “Lom Hai Chay”. Bài hát được tổ chức của nữ tu Maechi phổ biến và lan rộng tới khắp các trường học của Thái Lan, thường được mở vào mỗi buổi sáng, trở thành bài hát thiền giúp hướng dẫn trẻ em biết lắng dịu và quay về với chính mình. Hạt lành của Làng Mai đã âm thầm tung bay trên mọi miền đất Thái dù rất ít người Thái biết rằng bài hát nổi tiếng này có xuất xứ từ Làng Mai.

Cây Mai nẩy mầm xanh                               

Năm 2007 là lần đầu tiên sau gần 30 năm, Thầy Làng Mai trở lại đất Thái. Vừa bước chân tới, Thầy đã nhìn lại sư cô Linh Nghiêm và nói: “Chúng ta đã bàn rất nhiều về chuyến đi Thái Lan và This is it”. Sư cô Linh Nghiêm là một trong những đệ tử thế hệ đầu tiên của Thầy và là một trong những người phụ nữ Thái Lan đầu tiên thọ giới Tỳ kheo ni – một trong tứ chúng đồng tu đã hoàn toàn vắng mặt trong lịch sử Phật giáo nước nhà, lại là người Thái Lan đầu tiên chính thức làm đệ tử xuất gia của Thiền sư Nhất Hạnh, vốn có ảnh hưởng từ trước đối với xã hội Thái Lan. Điều này đã gây thêm cảm hứng và sự kết nối chặt chẽ giữa Làng Mai và đất Thái. Cũng trong năm 2007, trước khi Thầy và tăng thân đến Thái, đã có một buổi hội thảo tại Bangkok với tựa đề “30 năm Thích Nhất Hạnh và xã hội Thái”. Duyên xưa ấy đang từ từ được hình thành rõ ràng hơn.

Năm 2009, sư cô Linh Nghiêm cùng các bạn Thái đã chọn được đất ở NongSarai, Pakchong để lập trung tâm Làng Mai nhỏ, bắt đầu với 5 thầy và 5 sư cô. Đến cuối năm, vì sự kiện Bát Nhã nên rất đông các vị xuất sĩ Làng Mai từ Việt Nam sang, tăng thân buộc phải đi tìm đất rộng hơn để có đủ không gian và xây dựng cơ sở cho các vị xuất sĩ cư trú cũng như các vị thiền sinh tới tu học. Thầy Làng Mai cùng tăng thân đồng ý đặt tên tu viện này là Tu viện Vườn Ươm – Trung Tâm Thiền Tập Quốc Tế Làng Mai Thái Lan và xem đây là trung tâm để các Tăng thân cư sĩ và xuất sĩ Làng Mai ở châu Á quay về tề tựu.

Bước khởi đầu, việc cư trú của các vị xuất sĩ Làng Mai – đa phần từ Việt Nam, đều được ủng hộ bởi các vị lãnh đạo trong giáo hội Phật giáo Thái Lan, đặc biệt là trường Đại học Mahachulalongkornrajavidayalaya (MCU). Bác Bun Lư Bunmayon là vị thí chủ đầy uy đức đã yểm trợ nơi cư trú cho quý sư cô, đích thân dẫn chúng Làng Mai đến thăm Ngài Somdetch PhraPutthacharn (Kiều Upaseno), quyền Tăng thống tại Wat Sraket, Bangkok lúc bấy giờ, là vị sư rất thân thiết với bác từ hồi trẻ. Ngài đã dặn dò bác như một lời phó thác: “Hãy chăm sóc, ủng hộ để các vị được sống yên ổn và đầy đủ các điều kiện.”

Cùng một thời điểm đó, đài truyền hình Thái đã chiếu tập phim tài liệu nói lên sự gắn liền vượt ngoài bộ phái giữa Thầy và Ngài Buddhadasa, hướng dẫn chương trình là Sutthichai Yun – nhà phân tích tin tức nổi tiếng và thầy Phramaha Wutthichai Vajiramedhi (thầy Wo) – một vị sư trẻ đầy năng lực có chí hướng làm mới Phật giáo để phù hợp với con người đương thời. Bộ phim gồm 12 tập mang tựa đề “Zen 2010: Từ Suan Mokkh đến Làng Mai”, là trung tâm của hai thiền sư, thuộc hai truyền thống Phật giáo mà phái đoàn đã viếng thăm để đi tìm sự tương quan của hai vị thiền sư.

Trong năm 2010, Sư Ông và Tăng thân Làng Mai một lần nữa tới Thái Lan để thật sự đặt nền móng cho việc thành lập trung tâm thường trú. Lễ cúng dường được tổ chức trên khu đất được chọn, gần rừng quốc gia Khao Yai, Pakchong với sự tham gia của chư Tôn Túc và cư sĩ từ các nước gồm hơn 1000 người. Sư Ông đã tự tay trồng cây bồ đề như biểu tượng của bước khởi đầu mới này và nói rằng: “Thật ra đất nước Thái là nơi vốn sẵn có truyền thống Phật giáo rất đầy đủ mà không cần đi tìm ở đâu bên ngoài. Chúng ta chỉ cần tìm lại gia tài đó, nhìn sâu vào nó hơn để có thể thấy được viên kim cương quý báu mà có thể làm lợi lạc cho rất nhiều người. Nhưng chúng ta phải làm mới Phật giáo với những phương pháp phù hợp cho người đương thời để họ có thể tiếp nhận và áp dụng, chuyển hóa những khổ đau của thời đại”.

 

 

Mảnh đất màu mỡ thuận duyên tại đất Thái

Bản Mường là cách thức tổ chức xã hội của người Thái từ một làng (bản) trở thành nhỏ như thị trấn hay rộng lớn như một đất nước (mường). Bản Mường trong tiếng Thái có nghĩa là nước nhà, quê hương hay tổ quốc. Phật giáo đã du nhập đến xứ sở này từ hơn 2000 năm trước nhưng lịch sử chính thức của đất nước Thái Lan chỉ mới bắt đầu cách đây khoảng 800 năm. Xuyên suốt dòng lịch sử ấy, tất cả các đời vua Thái Lan đều là Phật tử và Phật giáo đã gắn bó với mọi tầng lớp trong xã hội, là nền tảng quan trọng của sự phát triển Bản Mường và văn hóa truyền thống. Phật giáo là một trong những tác nhân lớn nhất giúp cho Bản Mường của người Thái Lan không còn là một ngôi làng hay thị trấn trên núi rừng mà đã trở thành một nhà nước có quy mô tổ chức chặt chẽ, là một vương quốc có văn minh, có tầm ảnh hưởng và có sự giao lưu với ngoại quốc.

Tinh thần cởi mở, bao dung và từ bi của đạo Phật đi đôi dễ dàng với bản chất của dân tộc Thái là luôn luôn tìm cách thích nghi với những hoàn cảnh xã hội mới để phát triển, sống hài hòa, an lạc mà không đánh mất gốc rễ văn hóa dân tộc. Trong suốt lịch sử của dân tộc, Thái Lan là một nước chưa hề bị thế lực ngoại xâm đô hộ và đàn áp. Tuy nhiên, tinh thần bao dung và từ bi của đạo Phật lại làm cho người Thái rất cởi mở, phóng khoáng để tiếp thu những nguồn văn hoá khác từ nước ngoài, cũng như dễ dàng chấp nhận các tôn giáo khác và dân tộc khác, để họ có thể tự do hoạt động mà không bị đàn áp trên đất Thái. Đó là tinh thần sẵn sàng học hỏi, chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng mà thế giới đang hướng đến. Trong những thế kỷ qua, có rất nhiều người từ Việt Nam và Trung Quốc di cư đến Thái Lan và mang theo truyền thống tâm linh của họ, trong đó có Phật giáo. Các vị vua Thái và các chính quyền đều chấp nhận và ủng hộ. Đặc biệt, vua Rama IV từng ký sắc lệnh chấp nhận hai truyền thống Bắc tông của Việt Nam và Trung Quốc (Annam- nikaya và Chinnikaya) là một phần của Phật giáo Thái Lan, có quyền tự do hành đạo trên toàn nước và có thể thế phát cho người Thái xuất gia. Lịch sử đã được tiếp nối và ta cần nhận diện thêm những nhân duyên khác giúp hình thành nên một bối cảnh thích hợp cho sự có mặt của truyền thống Làng Mai tại Thái Lan.

 

(Thầy Trời Hiện Pháp là người Thái xuất gia theo truyền thống đạo Bụt Nam Tông Thái Lan. Hiện tại Thầy đang tu tập với đại chúng tu viện Vườn Ươm, Làng Mai Thái Lan. 

Bài viết được thầy viết bằng vốn Tiếng Việt tự học của mình)