Trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương

“Cách đây 43 năm (1944 – 1945), tại xứ Dừa tỉnh Kiến Hòa, lúc đó còn là cù lao An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, tình trạng giao động của một tâm hồn ưu tư về thời cuộc (Nhật chiếm Lạng Sơn 1940 rồi tràn vào Hải Phòng Hà Nội, tôi vào nam 1941) hòa nhiễm nỗi lòng chinh phu trong văn thơ đưa tôi đến việc sáng tác lần hồi 3 bài Hòn Vọng Phu thành một truyền kỳ cảm động…Mang nặng mối tình nước non đang xao xuyến, phân vân trước bao nhiêu nghi vấn của đời người nên tôi gởi thác tâm tình vào để tài dân tộc là Tích Người Đà Bà Hóa Đá…” – Nhạc sĩ Lê Thương.

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU
(Lá thư cuối cùng của nhạc sĩ Lê Thương viết cho sư cô Chân Không)

Lời giới thiệu:

Trước khi Làng Mai được thành lập, đã có Phương Vân Am (Tiếng Pháp là Les Patates Douce) – một trung tâm thực tập chánh niệm do Thầy Làng Mai tạo dựng từ năm 1970, tọa lạc ở rừng Othes thuộc làng F.10190. Fontvannes-Aube gần thành phố Troyes, cách Paris về phía đông nam 150 cây số. Phương Vân Am được thành lập năm 1970, là nơi mỗi cuối tuần các nhân  viên trong phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tại hội nghị Paris về tu ngày quán niệm. Văn phòng của phái đoàn Phật giáo Việt Nam trước đặt ở 8 Rue de la Goutle d’Or, Paris 16 e, sau dời về Sceaux.

Lê ThươngNgày chế độ miền nam sụp đổ, tất cả tăng thân làm việc tại Sceaux đã dời về Phương Vân Am để tu tập và tìm cách tiếp tục yểm trợ Phật sự bên nhà. Trong các hoạt động của Phương Vân Am, có nhà xuất bản Lá Bối, nhà in, chương trình cứu trợ thuyền nhân và chương trình giúp văn nghệ sĩ đang ở vào tình trạng khó khăn. Chương trình giúp văn nghệ sĩ được sư cô Chân Không phụ trách với sự giúp sức của nhiều thành phần khác của tăng thân. Phương thức là gởi những gói quà về cho các văn nghệ sĩ, trong đó chỉ có thuốc tây, rất hiếm ở Việt Nam hồi đó. Những thuốc ấy có thể được sử dụng hoặc được bán đổi. Tên người gửi quà thường thường cùng một họ với tên người được nhận, như đối với học giả Đào Duy Anh thì người gởi là Đào Thị Mây, tự xưng là cháu của học giả.

Người gởi quà cho Lê Thương là bác sĩ Phương Hương. Những lá thư của Lê Thương gửi cho Phương Hương còn được giữ lại nguyên vẹn. Một số những lá thư này sẽ được công bố trong tập ba của tác phẩm 52 năm theo Thầy Học Đạo của sư cô Chân Không.

Trang nhà Làng Mai xin đăng nguyên văn lá thư này để các bạn thân hữu biết Lê Thương sáng tác trường ca Hòn Vọng Phu trong hoàn cảnh nào và những tâm tư của nhạc sĩ trong hoàn cảnh khó khăn của giới văn nghệ sĩ Việt Nam thời ấy.

 

Bưu Thiếp – post card
Dấu bưu điện TP HCM 11.4.87

Mến gửi B/S Phương Hương
1 Route de Troyes
Fontvannes 10190 Estissac France

PH thân mến,

Trước tết năm Mẹo đã lãnh được quà của PH. Nay, mặc dầu sự nín lặng “vô lý” của tôi quà vẫn tới nơi rồi (sẽ lãnh ngày 13/4) Thật là diễm phúc cho một kẻ sống sót của bộ lạc Mohicans. Sức khỏe và tinh thần của tôi vẫn vững. Đời có sôi nổi đôi khi nhưng cứ ở hiền gặp lành, tin tưởng vào Th.Đế và giữ sức khỏe tối đa là có hi vọng màu xanh của bưu thiếp này sẽ chiếu lên đồng ruộng và non sông đất nước đang sôi sục về đổi mới tư duy và bầu cử QH, chống tiêu cực đủ các loại.

Tôi nín lặng vì được “ưu ái” của công an hỏi han trên 10  lần. Nay tôi cảm thấy như yên tĩnh mới biên thư ngắn rồi dài để cám ơn PH không quên an ủi giúp đỡ tôi và gia đình tôi mặc dầu gió mưa. Hình ảnh một PH áo tím tóc xõa, mắt nhìn quả quyết mà từ bi, đã thành một biểu hiện nhạc cảm tin đời, có ngày tôi sẽ tặng cho các trẻ thơ.

LT

 

T.p Ho Chi Minh 1-8-1987 đến 21- 10-87

PH thân mến!

Một chuyện “Sóng nổi đất bằng” từ tháng 10-86 đến giữa tháng 1-87 đã đặt tôi vào cuộc “kiểm tra tư tưởng” kéo dài đến 16 lần lên C.A thành phố.

Thẩm vấn có lễ phép và nể nang tuổi tác nhưng cũng soi mói khá nhiều làm tôi cụt hứng viết thư đến nay. Vì đến khoảng 5 lần có sự hỏi han về PH và quà tặng đều đều từ trước đến nay. Các bạn lãnh quà hầu hết đã chết hay ra đi nên không còn ai mà hỏi. Họ cho tôi coi qua 1 cái hình vợ chồng Nguyễn trước một hàng cờ bên đó nhưng lấy lại ngay khi tôi tính lật mặt sau để xem hình gởi cho ai. Họ cũng đưa tôi một hình đen trắng phóng đại và bảo tôi ký đằng sau là “giống PH”. Tôi không ký vì không biết rõ. Anh cũng có hỏi tôi đưa hình PH nhưng tôi nói là con cháu trong nhà tôi làm lạc mất rồi.

Họ nói là HH Thủy khai là PH chính là CN Phượng đã thường dùng nhiều tên khác nhau để liên lạc với văn thi sĩ – và cho coi xa xa một số đáy thùng có chữ viết gì đó.

Tôi nói không đúng và cho họ coi một lá thư có en-tête  Dr P.H mà tôi đã lãnh được từ lâu và chung qui họ muốn dồn tôi vào một thế bí thuộc loại “cấu kết với bên ngoài để hoạt động gì đó”, nhưng không đủ bằng chứng, và cũng không hề có như PH biết, nên cuối cùng đã để tôi yên. Tôi có hỏi như vậy họ không muốn tôi lãnh quà nữa sao? Thì sau vài phút họ nói là không có ý đó, nhưng tôi tự kết luận là nhiều thơ của tôi đã bị đọc và có lẽ có thư mất đi – Như thơ gởi cho tôi cũng có cái lạc mất. Hình vợ chồng Nguyễn chắc cũng số phận đó.

Gần một năm nay tại VN có cuộc báo chí hưởng ứng tinh thần đổi mới của Goocbachấp (Gorbachev) và nêu ra công khai nhiều chuyện bê bối của cán bộ, gọi là những “tiêu cực” của các cán bộ nhiều cơ quan.

Đọc nhiều mục như “nói thẳng nói thật” cũng thấy giới lãnh đạo, nhất là ở miền Nam cố gắng làm sạch sẽ chính quyền địa phương – từ bấy lâu nay quen hoành hành một mình một chợ và đã làm mất lòng dân.

Cuộc phấn đấu để “đổi mới tư duy”, thúc đẩy tiềm năng kinh tế, chọn người mới thích ứng được với tình thế khó khăn ngày một trầm trọng chắc sẽ lâu dài và có phần gay go. Dân chúng có hưởng ứng nhưng vẫn chờ xem.

Xã hội Sài Gòn không ngớt sôi động về mọi mặt, tìm tiền để sống, tìm hàng mua đi bán lại, ăn xài khi kiếm ra tiền, chờ tin tức giật gân để đọc, cho xe chạy đôn đáo, tìm các phương tiện kiếm ra tiền mong theo kịp với thời giá cứ lên cao bất thường mà không biết có thể kịp thời giá đó không?

Kinh tế vẫn điều động chính trị. Các giáo điều được theo bấy lâu nay về quản lý nhân dân đang được cởi mở dần dần: từ cách thả lỏng cho hàng hóa di chuyển tự do, đến các việc trì trệ hành chánh các kiểm soát quá kỹ trong đời sống người dân…đều được ông tổng bí thư Đảng N V Linh ra chỉ thị nới rộng, thả lỏng, giảm thiểu. Mọi sự đều theo gương Liên Xô cho tháo gỡ các chướng ngại, thường hạn chế lợi tức để người dân dễ sống hơn phần nào.

Kể ra thì đó là một gắng công, nhưng chắc lâu dài và khó khăn diệu vợi. Dân Sài Gòn thì vẫn có vẻ suy tư nhiều về thời thế và lo nghĩ trọn vẹn cho sự sống còn của gia đình, con cái. Người mắc bệnh lo âu thì lên tension mà chết, người thờ ơ với mưa gió dễ bị cảm cúm mà nằm ụ. Tang chay vẫn âm ỉ đó đây với tiếng kèn sáo bát âm và khói tại các lò thiêu tỏa mùi khét lẹt của các dịp hỏa táng. Bụi tro lại trở về với bụi tro.

Năm tháng chạy vùn vụt nhanh hơn bao giờ hết. Không khí cuối đời của tuổi già trà trộn với tin tức sôi sục của trần gian chạy nhanh vào cuối thế kỷ. Nhiều ý nghĩ bế tắc chặn ngang cái cuống họng không cho nói ra được gì hơn là băng khoăn rối nùi không cách gì tránh được định mệnh.

Cứ nghĩ yên bằng giấc ngủ mỗi đêm dài là lối giải thoát các lo nghĩ chằng chịt trong tâm não của các tuổi đời. Thanh niên lo hoạt động để tìm sống, người làm cha mẹ nhìn con cái với các thương mến và tội nghiệp chúng và tự hỏi: Đường hướng nào sẽ chiếm mất đám con tôi? Những lý tưởng xác xơ đang rách nát hay những ý niệm cũ càng của lòng ỷ lại vào an thân phì gia mặc thây cho thiên hạ quay cuồng?

Quả thật là tâm tư vẫn chằng chịt những ý nghĩ dọc ngang bủa vây từng ngày, từng tuần lễ – làm cho thơ tín viết mãi không xong và cảm hứng cũng vừa chớm nở đã bị tắt ngòi để yên lặng.

PH thân mến, tôi vừa bầy ra một can tràng rối rắm kéo dài gần một năm nay – nó làm cho tôi bặt tin đối với các bạn bè nơi xa.

Nay may ra tôi tìm lại được sự an lòng và tin tưởng để viết cho “tạm xong” lá thơ lê thê gởi qua đứa cháu đến PH, mong PH lãnh được nó và cho tôi hay tin bằng một carte postale để tôi yên dạ nhé.

Chào PH thân mến – L.T.

Ở thành phố lúc này rất là đông đảo, cương máu, bứu cổ, cancer tử cung, vú đau, gan mật, xuyển v.v.. Tan chế cũng phổ biến trên báo hằng ngày nhưng đọc kỹ thì kỳ khôi là tuổi thọ có vẻ cao. Các cụ bà vượt bức tường 80 cũng không ít, còn tường 70, 60 thì khá đông cho cả nam lẫn nữ. Có lẽ thọ để chờ xem…

Kinh tế có nhiều cải tiến. Hàng hóa bán ra theo tiêu chuẩn quy định trông đẹp và có chất lượng hơn xưa nhưng giá cả ôi là lên cao, vì mua bán qua quá nhiều trung gian – Nhà nước phải phấn đấu gay go với các thế lực “tiêu cực” không biết có thắng được hay không. Đó là hình ảnh bên ngoài xã hội. Còn phần nội tâm của dân TP về thời thế chung cuộc có lẽ là chờ sự thay đổi về cởi mở, về đời sống thoải mái hơn nữa.

Bấy lâu nay báo chí vẫn bàn tán rất nhiều xong không hiểu tương lai thực sự sẽ ra sao, thôi mặc cho thời thế xoay vần. Trong tờ riêng kèm đây, theo ý muốn của PH, tôi lại kể lại diễn trình biên soạn 3 bài HVP (Hòn Vọng Phu).

Văn kể có hổn độn, lối viết có vẻ không được minh bạch như trước đây một đôi năm – mà viết 2 mặt giấy cho đỡ nặng thơ – mong PH thân mến ráng đọc và bỏ qua cho cảnh luống tuổi trong tôi.

Sự việc hơi chán chường là hoàng hôn của tuổi đời đang xâm lấn vài giác quan. May thay tinh thần vẫn còn minh bạch và lạc quan còn là thói không chừa được –  mặc dầu mây u ám vẫn lẫn quất chưa tan hẳn ở chân trời.

 

HÒN VỌNG PHU

Tháng Thu 87

Lời kể của Lê Thương mến gửi Phương Hương thân mến.

Cách đây 43 năm (1944-45), tại xứ Dừa tỉnh Kiến Hòa, lúc đó còn là cù lao An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, tình trạng giao động của một tâm hồn ưu tư về thời cuộc (Nhật chiếm Lạng Sơn 1940 rồi tràn vào Hải Phòng Hà Nội, tôi vào nam 1941) hòa nhiễm nỗi lòng chinh phu trong văn thơ đưa tôi đến việc sáng tác lần hồi 3 bài Hòn Vọng Phu thành một truyền kỳ cảm động.

Năm đó tôi tự cho là một kẻ phiêu lạc, đã từng ghé bến Quảng Châu Trung Hoa 4 tháng- ghi xong hơn 384 trang nhật ký, tiếc rằng nay đã mất hết ở Trà Vinh năm 1945 – mang nặng mối tình nước non đang xao xuyến, phân vân trước bao nhiêu nghi vấn của đời người, nên tôi gởi thác tâm tình vào để tài dân tộc là Tích Người Đàn Bà Hóa Đá.

Tất cả luân lý đông phương hầu như căn cứ trên lẽ tiết trung của  Con Người các thế hệ, các giai cấp trong một nhân sinh quan sâu đậm Tình và Nghĩa.

Người Mẹ ôm con đợi chồng rồi hóa đá quả là một truyện ly kỳ tuyệt đẹp. Thành đá đây là thành “chứng quả tình thâm, tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt. Tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã tan rã.”

Nước ta có 3 đá Vọng Phu: một ở Lạng Sơn có nàng Tô Thị như trong câu “ Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, hai là ở Phú Yên (nam trung việt ) có núi Vọng Phu, vùng Đèo Cả (tỉnh Phú Khánh), ba là ở Hà Tiên, có Vọng phu Thạch.

Núi Vọng phu ở Phú Yên tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u là đá đẹp nhất, xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến.

… Nhớ lại năm 1470 đầu niên hiệu Hồng Đức tại vùng này có “thạch bi sơn” làm biên giới Việt Nam và Chiêm Thành còn sót lại… Cảnh trí đường đèo quanh co, cây cỏ um tùm man rợ làm cho dân gian ghi tạc mấy câu vè siêu thực đầy tính bí hiểm: “Mưa Đồng Cộ, Gió Tu Hoa, Cọp ổ Gà, Ma Hòn Lớn”

Lời sơ giải của dân gian kể là: Trên một cao nguyên nhỏ vùng đèo, thường có mây dày đặc chỉ cần gọi nhau trên đó là có mưa rớt xuống (còn nhiều di tích dân cổ Chiêm Thành trên đó)

Đường lên ngọn cao nơi đó, sườn núi bị soi mòn, gió biển thổi qua các khúc quanh co, nghe như tiếng hú âm u. Đó là Mưa Đồng Cộ, gió Tu Hoa.

Cọp thời xưa dạn dĩ đến nỗi sau những trận mưa chúng ra đường lộ phơi nắng cho khô, bộ áo rằn ri, xe hơi thời đó bóp kèn năn nỉ chúng cũng không thèm nhúc nhích (xe thời đầu Pháp thuộc có mui dựng lên để hai bên hông trống rỗng) nên xe phải dừng lại cho mấy “ông ba mươi” đi hết mới chạy qua, vừa lên tốc độ chối chết vừa la như giặc.

Còn Hòn Lớn thì nghe như một cái đảo âm u ngang vùng Phan Rang gì đó, có rất nhiều “ma hồi” đêm cứ lập lòe nhát các ngư phủ ghé thuyền tránh gió đến đó qua đêm!

Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài Hòn Vọng Phu 1.

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn…..(Hòn Vọng Phu 1)

(Bài này đã xong và đưa anh Lưu Hữu Phước trước ngày 23/9/45 để anh đem ra Bắc)

Ca sĩ Thái Thanh với Trường ca Hòn vọng phu – bản ghi âm trước 1975

Bài Ai xuôi vạn lý ( Hòn Vọng Phu 2) là cuối năm 1945 sang 46, tôi theo kháng chiến tỉnh Mỹ Tho đi từ Cai Lậy, thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim qua sông, đi với các em phần đông là học sinh Petrus Ký mà tôi là trưởng đoàn Ca Nhạc với những bài thanh niên lịch sử và riêng Hòn Vọng Phu  1 nghêu ngao qua các làng dừa từ Thành Triệu, An Khánh, Phú An Hòa, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, cho đến Dòng Sầm, gần Bình Đại…

Bỗng Tây đem tàu tấn công 3 Cù Lao, Minh, Bảo, An Hóa. Tiếng Canon 75 bắn tủa vào các bờ sông có dừa, máy bay phun lửa “spitfire” từ trời bắn xuống. Đoàn phải tan rã các em trong đoàn chạy hầu hết về gia đình, chỉ còn tôi và người bạn Ánh (nay đã chết) trốn được vào vùng lá Dòng Sầm cách Bình Đại 4 cây số.

Chúng tôi được vài gia đình người Cao Đài làm đầu tộc đạo nơi đó thương xót giấu trong bìa lá và giúp lương thực sống trong sự khủng khiếp hằng ngày vì tên Pháp lai Leroy và bọn lính Partisans đầu đỏ xục xạo làng xóm gieo khủng khiếp. Lúc đầu chúng tôi còn trốn vào sâu trong ruộng, đem gạo cơm đi ăn tối về nằm trong kho lúa. Sau vì còn thấy nguy hiểm nên anh tư- bà con với ông đầu tộc đạo dẫn chúng tôi vào bìa lá dòng Sầm dày 4,5 trăm thước sát cửa biển Bình Đại.

Tại nơi yên tĩnh này chúng tôi được sống bên bờ rạch dày đặt lá dừa nước! May mà còn chiếc mùng “Tuin”(tulle) để tránh muỗi, đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Tôi hay nghĩ đến sự chết thê thảm cô đơn và lẩn vẩn trong trí óc sự tiếc nuối mênh man như lòng người chinh phụ trong giang san Đèo Cả.

“Thôi đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.”

Nhờ cây viết máy Kao lo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, tôi viết mấy ô nhịp trên.

Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài Hòn Vọng Phu 2, tức Ai xuôi vạn lý, được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn tôi ghì lấy sự sống.

Ngày chót ở Dòng Sầm là ngày đại bố của tên Leroy. Hắn nghe tin có người lạ mặt trốn trong lá (vì có tên lính kín của hắn trà trộn trong đám người đi chặt lá bất ngờ gặp 2 chúng tôi).

Tên này giả đò thương hai chúng tôi, hỏi vu vơ vài câu rồi ra lộ làng. Anh Tư người che chở chúng tôi thấy nó chạy vội xuống Bình Đại, anh hốt hoảng vào kêu chúng tôi thu xếp túi áo quần, xóa vết củi than rồi tìm chổ trốn càng sâu càng tốt- như ráng chui dưới đống lá mới chặt kẻo vào bụi rậm thì dễ bị chúng bắn bừa vào cho chết.

Cả một ngày khủng khiếp tột độ kéo dài cho đến gần tối đêm, chúng tôi mới dám lần về nhà anh Tư, hỏi thăm nơi nào còn trốn được nữa. Anh dẫn đến nhà người bề trên trong dòng họ và cả trong đạo, năn nỉ xin giúp. Ông này chỉ lối cho chúng tôi ra một tha ma nhỏ có một mộ đào sẳn nhưng chưa chôn – Lấy rơm nơi gần đó trải đầy xuống đáy mộ, chúng tôi đành xuống đó nằm nghĩ qua đêm, yên lặng trong ngôi mộ như chờ lấp đất.

Vòm trời sao hình chữ nhật tỏa xuống hai thằng người nửa sống nửa chết, tuy chưa chôn nhưng đang phó thác tâm hồn cho thượng đế với hai cái xác còn đầy sức sống cầu mong được thoát nạn. Sáng hôm sau lời nguyện đã được nghe từ thiên cao: Một em trong đoàn hát tìm được chúng tôi và dẫn qua đường làng đến Vang Quới, xuống đó may về được Mỹ Tho để ngồi tù…Rồi thoát nạn.

SaiGon cuối 1947. Hòn Vọng Phu 2 với nổi lòng “người Vọng Phu” (qua) lúc gió mưa thành hình và trong nội năm 1948 nỗi lòng ấy vang dội trên các sân khấu Sài Thành với giọng ca điêu luyện của nhiều nam nữ ca sĩ trong đó có Ánh Mai, sau này thành vợ cũ của Huỳnh Văn Tiểng và vài người đẹp đã quên tên.

Sống lại với nền tân nhạc giữa thời “khai sơn phá thạch” tôi không ngớt theo đuổi ý chí kể lại khúc chót của chuyện tích mặc dù mắc kẹt với bao sáng tác của năm 1948 một năm khởi sắc với 6 bài nhạc thời sự (Hòa Bình 48, Báo Thương, Liều Thuốc Độc Lập…Dao ca, tạp khúc ca, kịch ngắn v.v.) thâu âm đĩa hát, tìm nhà ở, tìm chổ dạy học lại.v.v.

Người Chinh Phu về (HVP3) với tình nghĩa vợ chồng đổi sang tình nghĩa non sông, nhìn đứa con để trao cho nó thanh kiếm sơn hà. “Trao nó đi gây lại cơ đồ”. Linh tính làm người Việt Nam giữa thời khói lửa vẫn đinh ninh là Hạnh Phúc vẫn là mục tiêu không kỳ hạn mà dân tộc phải tìm lâu dài cho đến khi quân bình được những cảm tình trái ngược mà lẽ đời sôi động của cuối thế kỷ đã lôi cuốn bao lớp người vào lãng phí sinh mạng như vào hận tủi bi thiết của nhân sử nòi Việt.

Đến đây nhân lúc mới khỏe lại về thân thể và tin đời, tôi gửi thác P Hương một điệp khúc tự sự của bài HVP 2.

Có thơ xuôi vạn lý nhắn Phương Hương mấy lời
Đá non sông tình ý vẫn trơ gan dưới đời
Ghi nghĩa nặng tình sâu
Và lòng thân tín với nhau
Vững như đá tảng non đầu
Vẫn chan chứa Tình Bể Dâu

Lê Thương


Tái bút :

Nhớ lại những giọng Hoàng Oanh, nõn nà thùy mị, rồi mới đây giọng Mai Hương, đơn chuyên thẳng tắp sau những thổn thức của Thái Thanh trong các kỳ diễn lại Ai Xuôi Vạn Lý. Phải kể nhiều về giọng Long Xuyên Tinh Nghệ của Phạm Bá Phước ( đã khuất) của Thanh Hùng và nhất là giọng Duy Khánh thiết tha chải chuốt và mới đây giọng Hoài Trung diễn kể Người Chinh Phu về còn cảm tình gió Khơi Dĩ Vãng. Nhớ PH qua sự nín lặng lâu dài chỉ vì bất tiện chứ không mảy may gì khác.

Mong Trời Phật giúp con người khả ái ấy giữ mãi được sức khỏe và tin tưởng về Mai Hậu. NB sẵn Noel, Nouvel An và tết mậu Thìn sắp tới xin chúc Phương Hương và gia đình toàn vẹn ở biệt thự Khoai Lang được tràn trề vui mừng sức khỏe và các cụ bà được sống lâu trăm tuổi để chờ ngày về thăm Bến Tre thân mến trong niềm vui an hòa của những năm xưa.

Cả gia đình tôi cầu chúc- LT.

 

Thủ bút của nhạc sĩ Lê Thương:

Lê Thương.1

Lê Thương.2

 

Xem thêm các trang thư còn lại