Đại giới đàn Cam Lộ Vị hoàn mãn
Những giọt cam lộ thanh lương
Mùa xuân năm nay, tại Đạo tràng Mai Thôn đã diễn ra Đại giới đàn Cam Lộ Vị, bắt đầu từ ngày 23.05 đến ngày 28.5.2014. Lễ rước giới bổn được tổ chức thật long trọng tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng. Dường như đất trời cũng hòa chung niềm vui của tứ chúng Làng Mai trong ngày khai mạc Đại giới đàn. Ngay khi giới bổn được rước vào thiền đường Nước Tĩnh thì trời bổng nhiên đổ mưa. Những giọt nước cam lộ rơi xuống làm cho đất trời và lòng người đều mát mẻ, thanh lương.
Đại giới đàn năm nay đã cung thỉnh được các vị tôn túc như Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni Sư Như Minh…vào Hội đồng truyền giới.
Trong lễ khai mạc Đại giới đàn, thầy Pháp Hữu – trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng – đã có lời tác bạch: “Chúng con ý thức rằng giới luật quý như châu báu, ai cũng muốn tìm cầu không mỏi mệt. Chính vì muốn bảo vệ gia sản thiêng liêng của chánh pháp cho nên Đạo tràng Mai Thôn đã tổ chức Đại giới đàn Cam Lộ Vị…”
Với tinh thần đó, Đại giới đàn đã truyền các giới cận sự (Năm Giới), giới Tiếp Hiện, giới Khất sĩ và Nữ Khất sĩ. Có tất cả 35 vị được thọ giới Khất sĩ, 49 vị thọ giới nữ Khất sĩ, 43 vị thọ giới Tiếp Hiện và 100 vị được thọ Năm Giới. Buổi truyền giới Khất sĩ và nữ Khất sĩ được truyền trực tuyến (qua mạng lưới Internet) cho các giới tử thuộc các trung tâm Làng Mai tại Mỹ và Thái Lan. Ngoài ra, còn có 66 vị tập sự giáo thọ – xuất sĩ và cư sĩ – được truyền đăng trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị.
Tình huynh đệ bao la
Đại giới đàn được tổ chức trong không khí trang nghiêm nhưng thật ấm áp tình thầy trò, tình huynh đệ của một đại gia đình tâm linh. Một điều rất đặc biệt trong Đại giới đàn lần này là tứ chúng Làng Mai may mắn được nghe Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh kể về “chuyện tình 60 năm” về trước. Hồi đó Sư Ông Làng Mai còn là một vị giáo thọ trẻ và Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh còn là những vị học tăng của Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
Trong lời mở đầu trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, Sư Ông Làng Mai chia sẻ:
“Hòa thượng Như Huệ đây hiện bây giờ là một vị cao tăng đang hành đạo tại Úc. Năm nay Ngài 82 tuổi, Ngài đã từng là một vị học tăng tại Phật Học Đường Nam Việt. Ngài có trí nhớ rất tốt, những bài văn, bài thơ, bài hát mà Ngài đã học trong lớp bây giờ Ngài vẫn còn thuộc lòng. Có lần trong chuyến hoằng pháp ở Úc, tôi có đến thăm Ngài. Ngài đọc lại cho tôi nghe bài Sám Quy Mạng (mà tôi đã dịch ra tiếng Việt khi còn là một vị giáo thọ trẻ ở Phật Học Đường Nam Việt), tôi hoàn toàn quên. Khi đó, tôi mới ghi chép lại và đưa vào cuốn Nhật tụng thiền môn. Nếu không có Ngài đây thì bài đó đã bị thất lạc rồi. Ngoài bài đó ra, Hòa thượng còn thuộc những bài khác nữa mà tôi đã quên. Có những bài ca dao mới mà tôi sáng tác thời đó, Ngài cũng thuộc lòng. Hòa thượng giống như một cuốn từ điển sống…
Hòa thượng ngồi bên tôi đây – Hòa thượng Minh Cảnh – cũng là một học tăng trong thời đó. Hòa thượng đây đã trở thành một vị học giả nổi tiếng, rất là giỏi về văn học Phật giáo Trung Quốc. Ngài đã làm ra bộ Bách khoa Phật giáo Từ điển. Ngài đã phiên dịch, sáng tác và chủ trì những lớp đào tạo cho các học giả. Ngài đã đào tạo ra nhiều nhân tài đã và đang làm việc cho nền dịch thuật và sáng tác tại Việt Nam.
Hôm nay, sự có mặt của các Ngài ngồi ở đây là một cái gì rất phi thường, rất mầu nhiệm. Trong những ngày vừa qua, trong những buổi ăn trưa, chúng tôi có cơ hội nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Hạnh phúc lắm!
Hồi đó tôi là một vị giáo thọ trẻ. Trong hình chụp với các vị học tăng thời đó thì thấy nét mặt của mọi người gần giống nhau, tôi chỉ hơn Hòa thượng đây (HT. Như Huệ) chỉ 5-6 tuổi. Nhìn vào không thể phân biệt được ai lớn, ai nhỏ. Chỉ khác nhau là tôi mặc áo tràng, còn các vị thì đều mặc áo nhật bình. Thầy trò, huynh đệ sống với nhau rất là hạnh phúc!
Hồi đó ở chùa Ấn Quang, Phật Học Đường Nam Việt, vị giáo thọ nào cũng có một thị giả hết. Và trong phòng các vị luôn luôn có một đĩa trái cây do các vị Phật tử cúng dường. Trong phòng tôi không có một đĩa trái cây như vậy, tại vì mình chưa phải là một vị hòa thượng đạo cao đức trọng nên không ai cúng dường hết (cười). Tôi cũng không có thị giả, tại vì mình còn trẻ quá, đâu cần đến thị giả. Nhưng có cái hay là trong phòng tôi luôn luôn có các thầy trẻ, các sư chú trẻ, tại vì thầy trò rất thương nhau, quấn quýt với nhau, hưởng sự có mặt của nhau, cùng một lý tưởng, cùng một hoài bão. Trong lớp học cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, rất là gần gũi nhau. Hạnh phúc của tôi là chưa bao giờ xa lìa tuổi trẻ.
Hồi đó tôi còn nhớ ở cư xá học tăng ở chùa Ấn Quang, cư xá dài, có hai hàng giường cho học tăng thôi, không có những phòng riêng cho 2-3 thầy ở như xóm Thượng bây giờ. Ở phía trước có một câu châm ngôn: “Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên”. Tôi là người gần gũi với các sư chú, các vị trẻ nhất, và tôi nuôi dưỡng họ bằng sự nồng nhiệt, bồ đề tâm, bằng tình thương yêu của tôi, vì vậy thầy trò, huynh đệ, anh em rất là gần nhau. Và tình huynh đệ rất là quý báu. Bây giờ ai nghĩ tới cũng còn cảm động hết.
Hình chụp với các vị học tăng ở chùa Ấn Quang
Hồi đó ở Phật học đường Nam Việt, ngoài Phật pháp ra còn học toán, khoa học, văn chương…Tôi cũng có dạy về văn chương, về thơ ca, về hành văn…Có những bài giảng văn, Hòa thượng Như Huệ đây còn học thuộc lòng, như bài Nhành lúa mới, Hòa thượng có thể đọc vanh vách từ đầu đến cuối. Ở đây ít có vị nào có ký ức tốt như Hòa thượng đây.
Có điều lạ là chúng tôi – ví dụ như tôi với hai Hòa thượng đây – chưa bao giờ giận nhau hết, rất là hay. Không biết tại sao vậy, hay quá! Và điều này tôi cũng được hưởng cả trước Phật học đường Nam Việt nữa. Bởi vì trước Phật học đường Nam Việt, tôi có học ở Phật học đường Báo Quốc, tôi cũng có những huynh đệ thương nhau như vậy.
Hồi đó ở Huế có chiến tranh và chúng tôi tuy đã đi xuất gia rồi, nhưng có nhiều người cũng đồng thời phục vụ cho kháng chiến. Hồi đó Việt Nam tổ chức kháng chiến chống lại quân Pháp, tại vì quân Pháp trở lại chiếm cứ Việt Nam để tiếp tục sự đô hộ. Mà mình đã tu rồi thì đâu có cầm súng, nhưng mà mình có thể làm những công việc bất bạo động để giúp cho cuộc kháng chiến, ví dụ như liên lạc, tổ chức…Vì vậy cho nên có một số các huynh đệ bị lính Pháp bắn chết, trong đó có những vị rất xuất sắc.
Tôi xin đọc một đoạn trong cuốn Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông):
” Tôi may mắn trong thời gian xuất gia được thân cận với nhiều huynh đệ dễ thương, thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Hồi ấy có thầy Trọng Ân, thầy Trí Thuyên, thầy Thiện Hỷ, các chú Tâm Cát, Tâm Thường, Đức Trạm, Minh Tâm, Đồng Bổn, Châu Đức, Châu Toàn, Tánh Huyền…
Chúng tôi sống với nhau, tu học với nhau đầm ấm trong tình huynh đệ thật tuyệt vời. Chúng tôi ai cũng vừa yêu đạo vừa yêu quê hương. Ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trí Thuyên bị Pháp bắn chết ở tùng lâm Kim Sơn. Tâm Thường bị bắn chết ở núi Thiên Thai cạnh chùa Thiền Tông. Minh Tâm bị bắn tại huyện Phong Điền. Tánh Huyền bị bắn sau lưng chùa Tường Vân. Châu Quang bị bắn ở mặt trận thị xã Huế… Chúng tôi bí mật tổ chức cầu siêu cho các vị huynh đệ ấy. Chúng tôi cũng có một bức hình của thầy Trí Thuyên.
Bốn câu thơ sau đây được thầy Trọng Ân viết dưới bức chân dung của thầy Trí Thuyên:
Năm xưa ai đã cùng ai
Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh
Mà nay non nước chưa bình
Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?
….
Thầy Mật Thể mất năm 1961, tuổi mới 49. Chí nguyện chưa thành, nhưng đang được chúng tôi tiếp nối. Thầy Châu Toàn, đệ tử của thầy Mật Thể, đã được tôi chăm sóc và hướng dẫn chu đáo. Tôi đối xử với thầy Châu Toàn như một người em ruột. Có thể nói tôi yêu Châu Toàn còn hơn yêu em trai nữa, có thể bởi vì chúng tôi cùng có một thao thức chung, một lý tưởng chung. Mà điều này cũng đúng với thầy Châu Đức và với hàng chục anh em khác.Một điều lạ là chúng tôi chưa bao giờ giận nhau và cãi vã với nhau. Chúng tôi có một niềm tin sâu sắc nơi nhau.
Đời tôi có một may mắn là chưa bao giờ bị cách biệt với tuổi trẻ. Tại lớp Trung Học ở Ấn Quang, các vị như Như Trạm, Như Vạn, Như Huệ, Minh Cảnh, Thanh Văn, Thanh Hương, Thanh Tuệ, Trí Không (Tân Uyên), Long Nguyệt, Viên Hạnh, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Thắng Hoan, Thanh Hiện, v.v… tuy đều là học trò của tôi nhưng đồng thời cũng là những người em và những người cùng chí hướng. Cho tới nay mỗi lần nhớ tới những người ấy, tôi vẫn còn thấy biết ơn cái tình thầy trò và huynh đệ kia. Nó nuôi dưỡng chúng tôi. Nó bền bĩ và có khả năng nuôi dưỡng hơn bất cứ một thứ tình nào khác.
Các vị như Minh Cảnh và Như Huệ tuy đã trở thành những vị hòa thượng lớn hay những học giả lớn, nhưng bây giờ mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn còn nắm tay nhau đi chơi như thường. Hòa thượng Như Huệ đang lãnh đạo Phật giáo tại Úc. Năm 1986, khi tôi đến thăm ngài tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide, ngài đã ra đón tôi ở cổng chùa và đặt đầu trên vai tôi một cách “nhõng nhẽo” khiến cho cả tứ chúng chùa Pháp Hoa đều kinh ngạc. Đối với các hòa thượng khác như Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thanh Từ, v.v… chúng tôi cũng chơi với nhau thân mật như thế….
(Từ trái sang: SC. Chân Không, Ni sư Như Minh, HT. Minh Cảnh, Sư Ông Làng Mai, HT. Như Huệ, HT. Minh Nghĩa)
Vào những năm 50, chúng tôi lên xây dựng một chúng xuất gia trẻ trên chùa Linh Quang ở cao nguyên Đà Lạt, lập Phật học viện để nuôi dưỡng chúng này. Thượng tọa Minh Cảnh trú trì ở đây yểm trợ chúng tôi hết lòng. Hồi đó có các thầy Tâm Hòa và thầy Quang Phú góp công giảng dạy. Chúng tôi thành lập trường Trung Học và Tiểu Học Tuệ Quang, một ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách điều khiển.
Năm 1954, đất nước chia đôi, tinh thần của giới xuất gia trẻ hoang mang. Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang Sài Gòn đã mời chúng tôi về để cải tổ lại chương trình giáo dục và thực tập cho học tăng và học ni tại đó. Chúng tôi lập ra một đoàn thể những người học tăng trẻ tuổi, xuất bản tạp chí Sen Hái Đầu Mùa, và xướng xuất phong trào Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Loạt bài đầu của ý thức mới này được đăng trên trang đầu của nhật báo Dân Chủ do Vũ Ngọc Các làm chủ nhiệm, lấy tên là Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Bụt lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) được thành lập năm 1964 và sau đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh….
Nói đề tài của câu chuyện là một chuyện tình, đúng là một chuyện tình, tại vì trong cuộc tình này không xảy ra những chuyện hệ lụy, vướng mắc, khổ đau, dìu nhau vào địa ngục. Trong cuộc tình này chỉ có tình huynh đệ, rất là hạnh phúc, rất là trong sáng, được nâng đỡ bởi lý tưởng làm mới đạo Bụt, để cho đạo Bụt có khả năng phục vụ được đất nước, quê hương và nhân loại như đã từng làm được trong quá khứ.”
Hòa thượng Minh Nghĩa và Ni sư Như Minh cũng có một buổi nói chuyện với đại chúng tại xóm Mới. Ni Sư Như Minh đã tặng đại chúng hai bài thơ mà Ni Sư vừa sáng tác trong dịp Đại giới đàn này, đó là bài: Trao truyền tâm đăng và bài Chiến công.
Được lắng nghe những câu chuyện, những lời tâm tình, chia sẻ của Chư Tôn Đức là một cơ hội không dễ gì có được đối với tứ chúng Làng Mai. Đó là những giây phút huyền thoại! Trong suốt thời gian Đại giới đàn, hạnh phúc nhất là được thấy hình ảnh Sư Ông Làng Mai nắm tay các Hòa thượng cùng đi thiền hành, rồi cùng ăn trưa, kể cho nhau nghe những kỷ niệm ngày xưa… thật là đẹp, nó chứng minh rằng tình huynh đệ là một cái gì có thật trong cuộc đời này.
Giờ đây Đại giới đàn đã đi qua, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh ấy vẫn còn và sẽ mãi được lưu giữ trong lòng của tất cả mọi người may mắn có mặt trong Đại giới đàn năm nay. Xin cảm ơn cuộc đời mầu nhiệm đã cho chúng con được sống những khoảnh khắc thiên thu ấy!
Để xem thêm hình ảnh của Đại giới đàn, xin bấm vào đây: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/dai-gioi-dan-cam-lo-vi