Nhật ký Tây Ban Nha
Ghi chép của thị giả (phần I)
Tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan là những tăng thân có mặt hùng hậu nhất trong suốt một tháng khóa tu mùa hè mỗi năm tại Làng Mai. Từ bấy lâu, tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha luôn mơ ước có ngày được đón Thầy và tăng đoàn Làng Mai đến hướng dẫn tu học cho người dân nước này. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, giờ đây giấc mơ của họ đã thành hiện thực.
Tăng thân cư sĩ Tây Ban Nha đã tu tập và chuẩn bị hết lòng cho chuyến đi này. Điều đáng quý là tinh thần tu học và làm việc của họ rất đoàn kết và hòa hợp. Có một hình ảnh làm mọi người vô cùng cảm động, đó là ngày Thầy và Tăng đoàn đến Madrid, mỗi nhà cư sĩ đều chuẩn bị thêm trên bàn ăn chiều của gia đình một phần ăn để bày tỏ sự trân quý và lòng tôn kính của họ đối với sự có mặt của Thầy và Tăng đoàn tại đất nước này.
Pháp thoại đầu tiên tại Tây Ban Nha (ngày 27/4, tại Nhà hát lớn Lope de Vega)
Chủ nhật ngày 27/4 là ngày diễn ra pháp thoại công cộng tại Nhà hát lớn Teatro Lope De Vega. Sức chứa của nhà hát này là 1800 người. Khi công bố bán vé trên mạng thì chỉ trong một ngày, số vé đã bán hết. Rất nhiều người muốn đi nhưng không được. Trên hai phần ba khán giả là những người mới, chưa biết gì nhiều về pháp môn. Trước đó Ban tổ chức ở Madrid cố gắng tìm một nơi có sức chứa cỡ ba ngàn người tại trung tâm thủ đô nhưng không được nên đã chọn nhà hát này.
10 giờ 45, quý thầy và sư cô tập cho các bạn thiền sinh tập bài thiền ca “thở vào thở ra, là hoa tươi mát, là núi vững vàng, nước tĩnh lặng chiếu, không gian thênh thang”. Cùng với tiếng đệm đàn ghi ta, cả nhà hát đã vừa hát vừa tập thở. Khi hát “inspirando, espirando”(thở vào thở ra) là tất cả mọi người đều thực tập thở và dùng đôi tay để thể hiện lời bài hát. Hơi thở, lời hát và động tác diễn tả được kết hợp một cách nhịp nhàng và hợp nhất. Vào lúc 11 giờ, Thầy bắt đầu bài pháp thoại về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau.
Nếu biết cách khổ, mình sẽ khổ rất ít
Thầy chia sẻ rằng nếu chúng ta biết cách tận dụng khổ đau thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc và khổ đau cũng giống như bùn và sen. Nếu không có bùn thì cũng không có sen. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Sự thực tập chánh niệm là nhận diện khổ đau, nhìn sâu vào bản chất của khổ đau và học cách chăm sóc khổ đau trong ta. Học về nghệ thuật khổ đau để khổ đau ít hơn những người cùng hoàn cảnh như ta và cũng để tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho những người mà mình đã nguyện thương yêu.
Hầu hết chúng ta không biết cách khổ đau nên rất sợ khổ đau. Với năng lượng chánh niệm, chúng ta có đủ can đảm để trở về với tự thân, tiếp xúc khổ đau nơi chính mình. Nếu mình biết nghệ thuật thở và đi trong chánh niệm, khi đó mình có thể làm phát khởi năng lượng chánh niệm để trở về ôm ấp sự sợ hãi của mình và không bị tràn lấp bởi khổ đau. Với chánh niệm mình sẽ đủ mạnh để đối diện với khổ đau trong tự thân, để ôm ấp và nhìn kỹ bản chất của khổ đau. Nếu biết thực tập, mình có thể làm lắng dịu khổ đau, và cuối cùng chuyển hóa khổ đau để tạo ra hạnh phúc. Khổ đau trong ta có liên hệ tới khổ đau của cha mẹ, của ông bà tổ tiên. Chỉ cần dành một ít thời gian để nhìn kỹ khổ đau trong chính mình, ta sẽ hiểu được khổ đau của cha mẹ và tổ tiên. Khi đó, trong ta sẽ phát sinh một nguồn năng lượng từ bi có công năng trị liệu. Khi chúng ta bớt khổ và có thêm tình thương thì chúng ta sẽ dễ nhận diện khổ đau nơi người khác, hiểu họ hơn và có thể giúp họ bớt khổ.
Tiếp theo đó, Thầy hướng dẫn đại chúng thực tập khi lắng nghe quý thầy, quý sư cô niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn. Mục đích của sự thực tập là làm phát khởi nguồn năng lượng từ bi để có thể được trị liệu. Quý thầy quý sư cô sẽ niệm danh hiệu Bồ tát và tiếp xúc khổ đau nơi chính mình để làm phát sinh nguồn năng lượng từ bi. Khi niệm lần thứ hai, quý thầy quý sư cô sẽ tiếp xúc với khổ đau của những người trước mặt, bên trái và bên phải và cũng là để cho nguồn năng lượng từ bi phát khởi. Khi niệm lần thứ ba, nguồn năng lượng từ bi của tăng thân sẽ hùng mạnh hơn, bởi việc tiếp xúc với khổ đau khắp nơi trên thế giới. Thầy nhấn mạnh: “Mục đích của việc niệm danh hiệu Bồ tát không phải là để cầu nguyện ai đó mang năng lượng từ bi tới cho ta.” Sự thực tập chánh niệm để tiếp xúc với khổ đau trong tự thân và nơi người khác sẽ làm phát sinh năng lượng từ bi trong ta.
Trong suốt thời gian niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, đại chúng trở về theo dõi hơi thở, dừng suy nghĩ, để cho nguồn năng lượng chánh niệm và từ bi nuôi dưỡng thân và tâm. Mọi người có thể buông bỏ những căng thẳng trong thân. Thầy dạy đại chúng thực tập mở lòng ra để trở thành một giọt nước trong dòng sông, cho phép dòng sông ôm ấp và chuyên chở mình. Nếu có nỗi đau, phiền muộn, sợ hãi thì đây là cơ hội tốt để được trị liệu. Chỉ cần mở lòng ra là năng lượng từ bi của tăng thân có thể đi vào, ôm ấp và giúp chuyển hóa những khổ đau trong mình, chỉ cần vài phút là có thể bớt khổ. Thầy nói trong khi nghe niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, mình có thể khóc nếu cảm thấy quá khổ đau, nhưng phải khóc trong chánh niệm với sự có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại.
Nghệ thuật sống tỉnh thức
Thầy chia sẻ về chánh niệm, về sự an trú trong giây phút hiện tại để không lỡ hẹn với sự sống. Nếu thực tập hơi thở chánh niệm, mình sẽ dừng được những suy nghĩ liên miên trong đầu. Chúng ta thường ở trong tình trạng: thân một nơi mà tâm một nẻo. Tâm bị lôi kéo theo những dự án trong tương lai hay những sợ hãi, khổ đau trong quá khứ. Chỉ cần một hơi thở nhẹ là tâm có thể trở về với thân. Nếu thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, mình có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, như trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo…Sự thực tập thiền đi, thiền thở giúp chúng ta trở về và có mặt trong giây phút hiện tại.
Thiết lập sự có mặt trong giây phút hiện tại, chúng ta có thể tiếp xúc với ngôi nhà đích thực trong tự thân. Ngôi nhà đích thực đó trước tiên là cơ thể của mình. Tiếp xúc sâu sắc sẽ thấy cơ thể mình chứa đựng cả vũ trụ. Cha mẹ, ông bà tổ tiên đang có mặt trong mỗi tế bào của mình. Vì vậy, chúng ta có thể tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và huyết thống bất cứ khi nào mình muốn. Đất mẹ và trời cha cũng có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể ta. Chỉ với một hơi thở nhẹ, chỉ khoảng 2 giây thôi, nhưng ta có thể khám phá ra nhiều điều. Trước tiên là ta nhận ra là ta đang có một thân thể khỏe mạnh, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm nơi tự thân và sự sống xung quanh. Vì thế sự thực tập chánh niệm có công năng chuyển hóa và trị liệu về hai mặt thân và tâm.
Khi làm việc trên máy tính hai giờ đồng hồ, chúng ta thường không ý thức về thân thể của mình. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể dùng tiếng chuông chánh niệm để mang tâm về với thân. Các bạn có thể tìm thấy các phần mềm hỗ trợ này trên trang nhà Làng Mai. Cứ sau mười lăm hay nữa giờ đồng hồ, sẽ có tiếng chuông thỉnh lên để giúp mình dừng lại công việc, buông thư trên ghế và thở một cách thoải mái.
Thực tập chánh niệm có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc bất cứ khi nào mình muốn. Nếu lấy một tờ giấy viết xuống những điều kiện hạnh phúc, thì một tờ cũng không đủ, 2 tờ cũng không đủ, 10 tờ cũng không đủ. Mình có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc. Sở dĩ mình không nhận ra là do mình không có đủ chánh niệm. Chỉ một việc đơn giản thôi là khi mở vòi nước mình có thấy hạnh phúc không? Trên thế giới vẫn còn rất nhiều nơi, người ta phải đi tới vài dặm mới có thể có nước. Thầy còn nhắc chúng ta về những điều kiện căn bản, như còn cơ thể khỏe mạnh đây, hiện tại không nhức răng là một hạnh phúc lớn, còn đôi mắt sáng để nhìn thấy mình đang sống trong thiên đường của thế giới mầu nhiệm. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, đây là tập khí của chúng ta. Thật ra mình có nhiều hạnh phúc lắm. Đó là những gì mà Thầy luôn nhắc nhở mọi người.
Thầy còn chia sẻ là Thầy đã hơn tám mươi lăm tuổi, mà mỗi ngày Thầy vẫn còn có cơ hội bước đi những bước vững chãi và thảnh thơi. Với chánh niệm Thầy nhận ra là đôi chân Thầy vẫn còn khỏe và Thầy có thể nuôi dưỡng Thầy bằng việc đi như thế mỗi ngày. Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc.
Mỗi giây phút đều có thể trở thành mỗi giây phút vui tươi và hạnh phúc. Năng lượng chánh niệm luôn có trong ta, chỉ cần làm nó phát khởi bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm. Năng lượng này không chỉ giúp cho ta tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, mà còn có công năng phục hồi lại sự tươi mát, vẻ đẹp và sức khỏe. Không những thế nó còn giúp cho ta ôm ấp và chuyển hóa khổ đau trong tự thân.
Bốn yếu tố mang lại hạnh phúc
“Một người không có sự tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do thì không thể là người hạnh phúc” , Thầy chia sẻ về bốn yếu tố mang đến hạnh phúc. Thầy dạy đại chúng phương pháp thiền sỏi để chế tác bốn yếu tố: tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do trong tự thân. Nếu một người đang có đầy những lo lắng, giận hờn thì không thể nào có hạnh phúc. Nhiều người tin rằng hạnh phúc được làm bằng danh vọng, tiền tài, quyền lực và sắc dục. Nhưng nhìn xung quanh, nhiều người có những thứ ấy nhưng họ đâu có hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự được làm bằng hiểu biết và thương yêu. Ta không nên dành hết thời gian để chạy theo những thứ ấy mà phải dùng thời gian để vun trồng hiểu biết và thương yêu.
Hiểu biết là nền tảng căn bản của thương yêu. Nếu có hiểu biết, mình sẽ không muốn trừng phạt người mà mình nghĩ là nguyên nhân khiến mình khổ đau. Khi hiểu được những nỗi khổ niềm đau nơi người đó, những giận hờn sẽ tan biến. Mình sẽ không còn khổ đau về người đó nữa, trái lại mình còn muốn làm một điều gì đó giúp người ấy bớt khổ. Với hiểu biết và thương yêu mình sẽ có rất nhiều không gian trong trái tim. Mình có thể nhìn người làm mình khổ bằng đôi mắt từ bi. Bằng sự thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ, chúng ta có thể hòa giải và khôi phục lại những mối liên hệ của mình. Thầy còn nhắn nhủ: “Đọc sách nói về chánh niệm vẫn chưa đủ, cần phải tham dự khóa tu chánh niệm khoảng 5 – 6 ngày mới đủ khả năng giúp ta hòa giải những khó khăn“. Hiểu biết về chánh niệm thì dễ, nhưng thực hành thì cần phải có một môi trường yểm trợ để cho tập khí chánh niệm trong ta được phát triển thuần thục.
Sau cùng Thầy cho mọi người có cơ hội đặt câu hỏi. Người đầu tiên đặt câu hỏi là một cô gái – trong buổi pháp thoại, cô là người phiên dịch cho những người bị khiếm thính đến dự buổi pháp thoại: “Những gì học được sáng nay rất có giá trị và quan trọng cho con trong đời sống hàng ngày. Nhưng con không biết những thực tập này có tác dụng như thế nào trong hoàn cảnh có chiến tranh và xung đột? ”
Thầy trả lời: Mình không cần phải đợi có chiến tranh rồi mới thực tập. Nếu biết cách thực tập trong thời gian hòa bình thì đã ngăn chặn được chiến tranh xảy ra rồi. Chiến tranh xảy ra là do hằng ngày mình không biết thực tập. Thầy nói rằng Thầy đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và rất khó để thực tập trong hoàn cảnh đó. Dưới bom đạn thì thật là khó để nói với nhau làm sao dừng lại cuộc chiến tranh. Vì vậy trong thời gian hòa bình, chúng ta nên thực tập chánh niệm để nhận biết rằng hòa bình đang có mặt. Hòa bình và chiến tranh tương tức với nhau. Nếu mình biết trân quý hòa bình thì mình sẽ không để cho chiến tranh xảy ra. Chúng ta phải nhắc nhau về điều kiện hạnh phúc trong thời bình để trân quý. Thực tế là khi có chiến tranh thì sự thực tập sẽ khó khăn hơn gấp trăm lần. Có nhiều người trẻ chưa từng đi qua chiến tranh nên không biết trân quý hòa bình mà họ đang có. Chúng ta nên nhắc cho các bạn trẻ đó thực tập chánh niệm. Sự giáo dục về hòa bình sẽ giúp cho họ hiểu và thấy được những khổ đau do chiến tranh gây ra.
Có một bạn trẻ đến từ Columbia đặt câu hỏi là: trong xã hội có rất nhiều hận thù, bạo động và tình dục đang tưới tẩm ta mỗi ngày, vậy ta phải thực tập như thế nào để không đánh mất mình? Đây là câu hỏi rất thực tế và Thầy đã trả lời: Nếu ta thực tập như một cá nhân thì tốt rồi, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu ta biết thực tập với một nhóm người hay một tăng thân. Nếu xây dựng tăng thân và sống có niềm vui, có tình huynh đệ, và chứng nghiệm được rằng hạnh phúc không phải do tiền bạc, quyền lực, sắc dục mang lại thì chúng ta sẽ giúp được cho nhiều người thức tỉnh. Họ sẽ không chạy theo những đối tượng thèm khát, vì như thế họ sẽ khổ đau rất nhiều. Nếu chúng ta có cái thấy đúng về hạnh phúc thì chúng ta sẽ không đi về hướng sai lầm.
Có một người trẻ đã hỏi Thầy về vấn đề một xã hội hiện đại, anh ta hỏi rằng: Làm sao thực tập chánh niệm trong những tình huống căng thẳng? Thầy mỉm cười và nói: “Chỉ cần nhận diện và nói là mình đang bị căng thẳng.” (mọi người cười lên) “và mình không muốn cho trạng thái này tiếp tục. Không muốn để cho nó cuốn mình đi. Sự thực tập thiền thở sẽ giúp mình lắng dịu và buông bỏ những căng thẳng. Mình phải tự hỏi: mình có muốn sống như vậy không, có muốn đánh mất mình như vậy không? Thấy được như vậy sẽ giúp mình không chấp nhận hoàn cảnh đó. Với sự thực tập chánh niệm, mình có đủ can đảm vượt qua hoàn cảnh. Mình có thể nhờ sự trợ giúp của tăng thân, của quý thầy quý sư cô. Đôi khi hoàn cảnh căng thẳng như thế giúp kiểm tra lại khả năng chánh niệm của mình tới đâu” . Và còn vài câu hỏi của các bạn trẻ nữa. Thầy đều trả lời và làm cho các bạn rất hạnh phúc. Có người chỉ mới đọc sách Thầy vài ngày trước đó, và ước rằng Thầy có mặt ở đây để cô được học hỏi trực tiếp. Và Thầy đã xuất hiện giống như một phép mầu, điều này khiến cho cô ta cảm thấy rất sung sướng và biết ơn.
Hơn 2 giờ chiều, Thầy đã dừng buổi vấn đáp nhưng số người đặt câu hỏi còn nhiều. Thầy mời sư cô Chân Không hát. Sư cô đã hát bài le Sourire (Nụ cười) làm cho cả nhà hát thư giãn. Tuy đã 76 tuổi rồi mà giọng hát của sư cô vẫn còn trong trẻo như thời còn trẻ. Giọng hát đó chứa đựng một tâm nguyện tha thiết giúp người bớt nỗi sầu đau, đói nghèo… Vì thế đã không biết bao nhiêu người đồng cảm đã yểm trợ Sư cô rất nhiều trong các chương trình từ thiện, không những từ ngày còn chiến tranh mà bây giờ vẫn thế.
Thầy giảng xong, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay để tỏ lòng tri ân và kính ngưỡng Thầy đã ban cho họ một cơn mưa pháp mát lành. Nét căng thẳng trên các khuôn mặt, sự ồn ào lăng xăng của mấy giờ trước đó đã nhường chỗ cho những nụ cười và năng lượng bình an tỏa ra từ thính chúng. Mọi người ra về với món quà Thầy trao, đó là Hạt giống chánh niệm. Hạt giống chánh niệm đã được gieo trồng trong đất tâm của mỗi người có mặt trong buổi pháp thoại hôm ấy, mong sao hạt giống ấy được chăm bón cho cây tình thương được lớn lên mỗi ngày để hiến tặng cho đời nhiều bóng mát thương yêu.
Ngồi thiền và Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk)
Vào lúc 17 giờ cùng ngày (27/4), khoảng 100 người gồm quý thầy quý sư cô và tăng thân Madrid đã có mặt tại quảng trường lớn trước cung điện hoàng gia Palacio Reál của vua Juan Carlos II để hướng dẫn buổi Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk). Đại chúng ngồi thiền im lặng. Dần dần có nhiều người đến tham dự, và số lượng đã lên đến gần 1000 người.
Trước khi bắt đầu buổi Đi bộ cho hòa bình, sư cô Chân Không hướng dẫn thiền ngồi cho đại chúng. Sư cô chia sẻ rằng ai cũng dễ thương, nhưng vì giận hờn, lo lắng, sầu muộn nên gương mặt ai cũng khô héo. Sự thực tập là làm sao ngồi cho an, cho vững để giúp ta làm lắng dịu thân tâm và phục hồi lại sự tươi mát của mình. Thời tiết mùa xuân mát và có gió nhẹ nên mọi người ngồi rất thoải mái.
Quảng trường rất lớn và có rất nhiều nhóm người khác nhau. Có nhóm chơi nhạc, nhóm du khách, nhóm người trẻ tụ tập cuối tuần v.v…Có thể nói rất nhiều loại âm thanh xen lẫn nhau nơi quảng trường này. Đặc biệt hôm ấy có một loại âm thanh làm cho biết bao nhiêu người phải ngạc nhiên, đúng như lời Thầy dạy trong buổi pháp thoại 2 tuần trước khi đi Tây Ban Nha, đó là âm thanh của sự thinh lặng (the sound of no sound). Sau 30 phút, buổi ngồi thiền kết thúc. Sự tĩnh lặng của một tập thể hùng tráng đã có công năng đem mọi người đến với nhau mà không cần một lời mời gọi.
Sau khi hướng dẫn mọi người tập thể dục, thầy Pháp Lưu chia sẻ về thiền đi. Do loa âm thanh khá nhỏ, không thể dùng cho một tập thể đông như thế nên đại chúng đã áp dụng phương pháp “truyền tin”, một người nói muôn người lặp lại (human microphone). Đứng giữa một quảng trường lớn như vậy mà cả ngàn người đều “dị khẩu đồng thanh” thì không chỉ những người đó được nghe mà những người khác cũng được ảnh hưởng. Đại chúng bắt đầu đi từng bước thảnh thơi đến đền Ai Cập (Templo de DeBod). Đây là ngôi đền đã có lịch sử 2.200 năm, được tặng và chuyên chở tới Tây Ban Nha năm 1968 bởi chính quyền Ai Cập, là biểu tượng của mối liên hệ hữu nghị giữa hai nước.
Để có được buổi đi thiền hành cho hòa bình giữa lòng thủ đô Madrid mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, tăng thân Madrid đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để liên lạc và xin phép chính quyền thành phố. Một lực lượng cảnh sát giao thông hùng hậu được cử đến, họ có mặt trước buổi đi thiền hành để ổn định giao thông. Họ đã tặng cho đại chúng một phần đường lớn trong hai phần đường của đại lộ. Có thể đây là lần đầu tiên người dân nơi đây thấy có một hiện tượng lạ như thế. Trước đó, như thường lệ mọi người và phương tiện vận chuyển qua lại tấp nập, vậy mà hôm nay đột nhiên cả đại lộ đều chậm lại. Khi những người đi bộ bên đường được biết là tăng thân đang đi thiền hành cho hòa bình thì rất nhiều người cũng đi theo.
Khi chúng tôi ngoái đầu nhìn lại thì đoàn người đã che kín gần 1 km. Số lượng đã gần 1000 người. Trong đoàn này không chỉ có người Tây Ban Nha mà còn nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác, tất nhiên trong đó có người Việt. Buổi sáng Thầy dạy: “Tu tập trong thời chiến tranh khó hơn gấp trăm lần” . Thật vậy, bước đi những bước thảnh thơi, tự do và được sự yểm trợ của cảnh sát mọi người không lo lắng, sợ hãi nhiều như khi mình phải đi dưới mưa bom bão đạn, vì vậy ai cũng trân quý điều kiện hạnh phúc mình đang có. Đâu có dễ gì mà cả ngàn người tập trung lại và đi được những bước thảnh thơi trong im lặng. Đâu dễ gì cho những đất nước còn đang có những khó khăn, xung đột có được một buổi ngồi yên và đi cho hòa bình với sự yểm trợ của cảnh sát. Mọi người ai cũng biết rằng đi vững chãi, bình an như thế là đi cho mình, cho tổ tiên mình và cho cả thế giới.
Đoàn người tiến dần đến ngọn đồi, nơi có đền thờ Ai Cập. Lực lượng cảnh sát đã có mặt khắp nơi để yểm trợ giao thông. Phía trước đoàn người, cảnh sát mở đường cho đại chúng, họ cũng thực tập bước chậm rãi theo đoàn. Do được tổ chức khéo léo nên dòng người cứ tiếp tục bước đều mà không có vấn đề ùn tắc hay căng thẳng xảy ra. Phía bên kia phần đường xe vẫn tiếp tục di chuyển, nhưng có điều hôm nay, các vị “hộ pháp” đã hướng dẫn cho các phương tiện giao thông “thiền chạy” cho hòa bình, bằng cách ra dấu hiệu giảm tốc độ trước khi vào khu vực có đoàn người thiền hành.
Đại chúng chậm rãi bước lên đồi, hướng về phía đền thờ nhưng không dừng lại đó mà tiếp tục đi vào bên trong khuôn viên, nơi có một khoảng đất rộng với không gian bao la phía trước. Khi đại chúng đến gần rào chắn của ngọn đồi thì dừng lại và ngồi thiền 30 phút. Kết thúc buổi Đi bộ cho hòa bình, mọi người cùng hát thiền ca và nắm tay nhau. Đã đến giờ ra xe buýt mà không ai muốn chia tay. Đã 8 giờ tối rồi mà trời vẫn còn nắng và sáng như 4 giờ chiều ở Việt Nam vậy. Sau ba tiếng chuông, mọi người xá nhau và tạm biệt. Chúng tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ đến cám ơn quý thầy quý sư cô đã cho họ có cơ hội tận hưởng sự bình an tuyệt vời như thế. Gương mặt ai cũng thư giãn rạng rỡ hẳn lên. Họ nói là sẽ đến Làng Mai trong một ngày gần đây.
Lại những cánh tay đưa lên vẫy chào thay lời tạm biệt. Đại chúng đã lên xe buýt mà bên dưới dòng người vẫn còn đứng đó đưa mắt hướng vào trong xe. Đúng là bốn biển đều là huynh đệ, những con người trước đây vài giờ đồng hồ chưa hề quen biết, và cho đến nay vẫn chưa hề biết đến tên nhau, nhưng từ trong sâu thẳm, tình nhân loại đã sống dậy một cách mạnh mẽ với năng lượng chia sẻ thương yêu. Ngày sắp qua nhưng tình người vẫn ở lại trong mỗi con người.
(còn tiếp)
Để xem thêm hình ảnh về buổi Ngồi thiền và Đi bộ cho hòa bình tại Madrid, xin bấm vào đây: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10152210145069635.1073741828.7691064634&type=1