Giảng Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt
Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt
(Phụ Tử Cọng Hội Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 15, Đại Tạng Đại Chánh Tân Tu 198
(Purābheda Sutta- Sutta Nipāta, Attakavagga 10)
Phần 1
(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 03.01.2010 tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, Làng Mai )
Trong khóa tu mùa Đông này chúng ta vừa học kinh Cát Tường và kinh Mâu Ni. Hôm nay chúng ta học một kinh mới cũng với chủ đề mâu ni. Chúng ta có bản chữ Hán, mỗi thầy, mỗi sư cô, sư chú đều phải có một bản chữ Hán để theo dõi và phải học nhận diện được những chữ trong đó. Chúng ta cũng đã dịch kinh này ra tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Có nhiều kinh nói về đề tài mâu ni, đây là một kinh nằm trong đề tài đó. Kinh này có một bản bằng Hán văn và một bản bằng tiếng Pali. Khi so sánh hai bản chúng ta thấy rất vui tại vì hai bản kinh đi về hai miền, miền Bắc và miền Nam và sau 2000 năm thì lại gặp nhau để so sánh. Trong quá trình truyền thừa có thể có những sai sót vì hồi ấy kinh chưa được viết xuống giấy mà chỉ được truyền miệng nên khó tránh khỏi khuyết điểm trong khi truyền lại đời sau.
Khi học hai văn bản, văn bản chữ Hán và văn bản tiếng Pali chúng ta thấy đại ý của hai kinh giống nhau, tuyệt nhất là số bài kệ phần lớn gần giống như nhau. Bản chữ Hán mà chúng ta có ở đây được thực hiện vào khoảng thượng bán thế kỷ thứ ba nên văn rất xưa, rất khó hiểu. Nhiều khi tôi phải so sánh với văn bản tiếng Pali để có thể hiểu được trong kinh muốn nói gì.
Kinh này do cư sĩ Chi Khiêm dịch. Ông cũng đã từng dịch kinh Pháp Cú. Kinh này nằm trong một loạt kinh gọi là Nghĩa Túc Kinh 義 足 經, tiếng Phạn là Arthapada Sutra. Artha là nghĩa lý. Túc 足 là cái chân mà cũng có nghĩa là sự đầy đủ, chữ chân cũng có nghĩa là con đường. Nghĩa túc là nghĩa lý đầy đủ. Kinh Nghĩa Túc, như quí vị đã biết, được dịch vào nửa đầu thế kỷ thứ ba và là kinh thứ 198 trong Đại Tạng Tân Tu (Taisho Tripitaka). Người dịch là cư sĩ Chi Khiêm. Hồi đó có mặt với cư sĩ Chi Khiêm là một thầy tu từ Việt Nam sang, đó là thiền sư Tăng Hội. Hai người đã làm việc chung với nhau.
Hai người đã làm việc với nhau, đã dịch kinh với nhau. Cư sĩ Chi Khiêm dịch được vài chục kinh còn ghi chép lại trong Đại Tạng. Ông đã dịch những kinh tiểu thừa và cả kinh đại thừa. Có những bằng chứng cho thấy kinh Pháp Cú do Chi Khiêm dịch và kinh Nghĩa Túc này cũng do Chi Khiêm dịch. Những kinh này thuộc hệ thống tiểu thừa, nhưng Chi Khiêm cũng có dịch những kinh đại thừa như kinh Duy Ma Cật, kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã. Thầy Tăng Hội cũng dịch nhiều kinh thiền tiểu thừa và cả kinh đại thừa. Tác phẩm lớn của thầy là Lục Độ Tập Kinh, hiện nay đã được dịch ra tiếng Pháp. Tôi có một bản Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội bằng tiếng Pháp. Chi tiết đó tôi đọc trong sử và làm cho tôi có cảm tưởng là hai người đã làm việc chung với nhau, hai người đã chia sẻ với nhau những công trình phiên dịch.
Chi Khiêm được sinh ra ở Trung Quốc nhưng ông nội ông là người nước Nhục Chi (Indo-Scythe), vì vậy tên của ông có chữ Chi để nhớ đất nước của mình. Chi tiết đó cho chúng ta có cảm tưởng là sự liên hệ giữa thầy Tăng Hội và cư sĩ Chi Khiêm rất khắng khít. Cuối đời, Chi Khiêm đã thọ năm giới với thầy Tăng Hội và rút về một ngôi chùa để tu tập.
Trong sử có chép, khi thầy Tăng Hội qua nước Đông Ngô, đến Kiến Nghiệp, ở đó chưa có vị xuất sĩ người Ngô nào tại vì trong thời nhà Hán, nhà nước chưa cho phép người Hán xuất gia. Đến thời Tam Quốc cũng vậy và thầy Tăng Hội là người đầu tiên tổ chức đại giới đàn để truyền giới cho người Hoa. Với sự hỗ trợ của vua Ngô Tôn Quyền, thầy Tăng Hội đã lập được ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở nước Ngô gọi là chùa Kiến Sơ (First built). Dù sau này có khó khăn, có gặp pháp nạn, nhưng rốt cuộc ngôi chùa Kiến Sơ vẫn đứng vững. Kiến Sơ là trụ sở của đạo Bụt tại nước Ngô. Bây giờ đến Nam Kinh, chúng ta có thể tới thăm, tuy chùa không còn nữa nhưng vết tích ngày xưa vẫn còn đó. Ngày xưa, vào thế kỷ thứ ba, thầy Tăng Hội của chúng ta đã qua đó và giúp tạo dựng Phật giáo ở nơi này.
Khi thầy Tăng Hội sang Đông Ngô thì ở đó chưa có một vị xuất gia người Hoa nào. Lúc đó nhà Hán vừa tan rã, Trung Quốc chia ra làm ba nước gọi là Tam Quốc: Miền Bắc có nước Ngụy, miền Tây có nước Thục và miền Nam có nước Đông Ngô. Kinh đô của Đông Ngô là Kiến Nghiệp tức Nam Kinh bây giờ. Thầy Tăng Hội tới Kiến Nghiệp và lập ngôi chùa đầu tiên ở Đông Ngô. Vua Ngô lúc bấy giờ là Ngô Tôn Quyền.
Có một điều rất rõ là, tuy cư sĩ Chi Khiêm dịch kinh rất nhiều nhưng ông chưa thật sự thọ năm giới. Trong sử có ghi lại là vào lúc cuối đời thì cư sĩ Chi Khiêm đã thọ năm giới. Hồi đó làm gì có người xuất sĩ ở Đông Ngô để cư sĩ được thọ giới ngoài thiền sư Tăng Hội? Cho nên chúng ta có thể kết luận rằng, cư sĩ Chi Khiêm là đệ tử năm giới của thầy Tăng Hội. Đó là luận án của tôi.
Thầy Tăng Hội là con của một nhà doanh thương trẻ gốc Khương Cư (Sogdian) tới từ Ấn Độ. Cha của thầy qua tới đất Giao Châu, thấy ở đây dễ chịu nên muốn ở lại luôn. Ông cưới một cô gái Việt Nam và sinh ra thầy Tăng Hội. Vì vậy thầy Tăng Hội có cha gốc Khương Cư và mẹ gốc Việt Nam. Nhưng đến mười tuổi thì thầy mồ côi cả cha lẫn mẹ và được nhận vào chùa làm chú tiểu. Thầy rất thông minh nên học gì cũng nhanh. Thầy học tiếng Sanskrit, học chữ Hán. Khi lớn lên thầy trở thành một vị giáo thọ rất giỏi và dịch rất nhiều kinh ở Việt Nam. Khi sang nước Ngô thầy vẫn tiếp tục dịch kinh, có nhiều kinh thầy dịch hiện còn được giữ lại trong Đại Tạng Kinh chữ Hán tức Taisho Tripitaka.
Kinh Nghĩa Túc là một tập hợp của nhiều kinh nhỏ. Kinh chúng ta học ở đây có tên “Kinh Cha Con Gặp Nhau”, cha là vua Tịnh Phạn và con là Bụt Thích Ca. Theo kinh này, sau khi thành đạo Bụt không về nhà liền để thăm gia đình. Cốt lõi của kinh có mười bốn bài kệ rất nguyên thủy, rất xưa. Những bài kệ này có phần tương đương trong tạng Pali. Ngoài mười bốn bài kệ còn có một đoạn văn xuôi dẫn nhập. Các nhà nghiên cứu đồng ý với nhau, phần văn xuôi được thêm vào sau để giải thích và tạo ra khung cảnh cho phần cốt lõi của kinh. Kinh Pháp Cú được viết dưới dạng toàn là thơ, còn kinh Pháp Cú Thí Dụ có những câu chuyện thí dụ bằng văn xuôi được đưa vào để đọc cho đỡ ngán và để giúp người ta hiểu thêm về những bài kệ. Phần văn xuôi có sau, phần văn vần (thơ) là căn bản. Ở đây chúng ta chỉ học phần văn vần tức những bài kệ.
Kinh Phụ Tử Cọng Hội (kinh Cha Con Gặp Nhau) 父 子 共 會 經 miêu tả lúc Bụt về thăm gia đình lần đầu, cả dòng họ Sakya tổ chức tiếp đón Bụt rất long trọng. Chính vua Tịnh Phạn cũng đi ra tiếp đón Bụt. Thấy Bụt đi rất uy nghi giữa một số đông đảo các thầy, vua Tịnh Phạn cúi xuống đảnh lễ Bụt. Có một vài vị bị sốc: “Trời ơi! Tại sao cha mà lại đi lạy con?” Vua Tịnh Phạn nói:
– Quí vị phải biết Siddharta là con của tôi. Nhưng khi hoàng hậu có mang Siddharta thì bà nằm mơ thấy có một con voi trắng sáu ngà chui vào bụng. Siddharta lớn lên mới mấy tuổi đã biết ngồi thiền, có bóng cây che cho đến khi mặt trời lặn…
Và vua kể lại những chuyện ngày xưa. Dòng họ Thích Ca và những người thân thuộc đều rất hoan hỷ đến nghe Bụt thuyết pháp và sau đó người nào cũng thọ năm giới.
Hồi đó người ta gọi Bụt là Gotama, Sakya Gotama. Đó là những năm đầu sau khi Bụt thành đạo, người ta chưa gọi Ngài nhiều bằng danh từ Bụt. Người ta gọi Ngài là Gotama muni hay Sakya muni. Muni có nghĩa là người tĩnh lặng, một vị đạo sĩ, một ông thầy tu tĩnh lặng, không nói nhiều, không có nhu yếu tranh luận hơn thua với người khác. Trong những năm đầu người ta thích gọi Đức Thế Tôn bằng danh từ Mâu ni. Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là ông thầy tu tĩnh lặng của dòng họ Thích Ca.
Kinh Nghĩa Túc (Arthapada Sutra) là một trong những kinh xưa nhất của Phật giáo nguyên thủy. Khi nghiên cứu kinh này, từ vấn đề bác ngữ cho đến vấn đề khảo cổ, các nhà khoa học nhận ra kinh này có sớm nhất và giọng văn cổ nhất so với tất cả các kinh khác. Các học giả đương thời đều công nhận kinh Nghĩa Túc có tính cách nguyên thủy nhất, nói lên được tinh thần của Phật giáo nguyên thủy.
Tại Làng Mai chúng ta phân biệt lịch sử đạo Bụt ra ba giai đoạn: đạo Bụt nguyên thủy (Original Buddhism, Primitive Buddhism), đạo Bụt bộ phái (Buddhism of different schools) và đạo Bụt đại thừa (Mahayana Buddhism). Sau khi đạo Bụt bộ phái có mặt được nhiều trăm năm thì bắt đầu có đạo Bụt đại thừa (Mahayana Buddhism, Buddhism of the Great Vehicle). Thường thường lâu nay chúng ta nghĩ rằng đạo Bụt nguyên thủy có mặt từ lúc Bụt thành đạo cho đến năm 140 N (N: nirvana, nhập diệt) tức cho đến 140 năm sau khi Bụt nhập diệt. Sau khi Bụt nhập diệt được 140 năm thì giáo đoàn của Ngài chia ra, ban đầu chia làm hai: Phái Thượng Tọa Bộ thiểu số, bảo thủ và phái Đại Chúng Bộ đa số, tiến bộ. Chuyện phân phái xảy ra mấy trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh.
Chúng ta thấy nhân cách của Đức Thế Tôn rất hùng mạnh. Trong thời của Ngài thì nhân cách đó giữ cho giáo đoàn được thống nhất. Đến sau khi Ngài nhập diệt rồi, trong gần một thế kỷ rưỡi nữa giáo đoàn của Ngài vẫn còn thống nhất. Mãi cho đến 140 năm sau khi Ngài nhập diệt thì giáo đoàn mới chia làm hai phái tiến bộ (Mahāsānghika) và phái bảo thủ (Sthavira). Từ hai phái đó chia ra làm hai mươi mấy phái, thời đại này gọi là thời đại Phật giáo bộ phái (Many schools Buddhism).
Đạo Bụt nguyên thủy có mặt trong khoảng 220 năm, nếu chúng ta định nghĩa Phật giáo nguyên thủy như vậy thì còn rộng rãi quá. Khi học kinh Nghĩa Túc chúng ta thấy đạo Bụt nguyên thủy chỉ có mặt chừng vài ba năm, đó là những năm đầu sau khi Bụt thành đạo. Lúc đó chưa có tu viện, Bụt còn đi du hành với các thầy. Kinh Nghĩa Túc là một trong những kinh được nói ra trong những năm đầu khi Bụt và các thầy chưa thành lập tu viện, còn đi với nhau như những đoàn du hành đây đó.
Tuy vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) có tặng cho một vườn tre nhưng đó chưa hẳn là tu viện. Đó chỉ là chỗ ngủ, chưa có nhà cửa, chưa có quy chế của một tu viện. Bụt và các thầy theo Bụt được gọi là những nhà đạo sĩ đi lang thang giáo hóa và danh từ Mâu ni dùng để chỉ những ông thầy tu như Bụt.
Hơn một năm sau khi thành đạo, Bụt trở về thành Ca Tỳ La Vệ, người ta đón tiếp rất đông, người ta nói tới Ngài như một vị mâu ni lớn, một vị đại mâu ni (maha muni). Trong kinh “Phụ Tử Cọng Hội” người ta đặt câu hỏi: “Thưa Gotama, thế nào là một vị mâu ni, thế nào là một vị thầy tu tĩnh lặng, một người có giới đức hoàn toàn? Chúng con muốn biết. Xin Ngài định nghĩa giùm cho, thế nào là vị mâu ni?”
Bài kệ 1:
Hữu giới cụ đương hà kiến 有戒具當何見
Vân thuyết ngôn tùng uẩn khổ 云說言從陰苦
Nguyện Cồ Đàm giải thuyết thử 願瞿曇解說此
Vấn chánh ý thế hùng sanh 問正意世雄生
Đây là bài kệ khó nhất trong kinh, chúng ta có thể dịch như sau:
Chúng con phải nhận diện như thế nào và phải nói như thế nào cho đúng về bậc toàn thiện có chánh kiến, có đầy đủ giới pháp, bậc được sinh ra như một vị anh hùng trên thế gian, bậc đó đã vượt thoát mọi ràng buộc khổ nạn? Xin Đức Gotama chỉ dạy cho chúng con.
Hữu giới cụ: Ba chữ này có thể chỉ một con người có đầy đủ giới và hạnh.
Đương hà kiến: Phải nhận diện người đó như thế nào? Làm thế nào để nhận diện được một con người toàn thiện, một bậc mâu ni?
Vân thuyết ngôn: Chúng ta có thể nói gì về người đó?
Tùng uẩn khổ: Uẩn là ngũ uẩn, là những người lên xuống vì năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) của mình. Tùng uẩn khổ có nghĩa là người đó, khi so sánh thì nổi bật lên trong cuộc đời đầy khổ đau.
Nguyện Cồ Đàm giải thuyết thử: Cồ Đàm là phiên âm của chữ Gotama. Bậc toàn thiện có giới đức đầy đủ, làm sao nhận diện được, làm sao nói về người đó được, xin Đức Thế Tôn nói cho chúng con nghe.
Vấn chánh ý thế hùng sanh: Thế là cuộc đời, hùng là anh hùng. Có người đặt câu hỏi, đó là ý đưa ra để đặt cho một người được sinh ra trên cõi đời như một bậc anh hùng. Ở đây có ý khen ngợi Đức Thế Tôn là người sinh ra trên đời như một bậc anh hùng. Làm thế nào để có thể nhận diện được một con người toàn thiện như vậy trong số những người đang khổ đau, trầm luân trên đời.
Và đây là câu trả lời của Đức Thế Tôn:
Bài kệ 2:
Tiên dĩ hành khí trọng nhuế 先已行棄重恚
Diệc bất trước hậu lai nguyện 亦不著後來願
Lai hiện tại diệc bất thủ 來現在亦不取
Diệc bất thọ tôn kính không 亦不受尊敬空
Trước hết đó là một người đã buông bỏ hết tất cả những hận thù trong quá khứ, một người không còn mơ tưởng, không còn vướng mắc gì vào tương lai. Và cả chính trong hiện tại người đó cũng không vướng vào hư danh và sự tôn kính của người đời. Người đó là một bậc mâu ni, một người toàn thiện.
Đọc câu kệ này chúng ta thấy Làng Mai đi rất đúng với giáo lý nguyên thủy của Đức Thế Tôn.
Tiên dĩ hành là cái đã qua rồi.
Khí trọng nhuế: Khí là bỏ đi. Khí trọng nhuế là bỏ đi sự sân hận lặp đi lặp lại nhiều lần. Tiên dĩ hành khí trọng nhuế: Đó là người đã bỏ đi những hiềm hận về quá khứ. Trong quá khứ mình có những giận hờn, hận thù, lo lắng. Bây giờ đây mình an trú trong giây phút hiện tại, mình buông bỏ tất cả những hận thù dồn dập nhiều lần trong quá khứ.
Diệc bất trước hậu lai nguyện: Hậu lai là tương lai. Nguyện là những ước mơ, những dự án, những mong cầu. Người đó cũng không bị vướng mắc vào những mong cầu ở tương lai. Mình không bị ràng buộc bởi thù hận của quá khứ mà cũng không bị ràng buộc bởi những mong cầu trong tương lai.
Lai hiện tại diệc bất thủ: Trở về hiện tại cũng không bị vướng mắc vào những gì trong giây phút hiện tại.
Đó là tinh thần an trú trong hiện tại, không bị vướng mắc vào quá khứ và tương lai.
Diệc bất thọ tôn kính không: Cũng không bị lung lạc bởi sự tôn kính của người đời. Người đó được mọi người rất tôn trọng nhưng không bị sự sùng kính đó làm hư tại vì người đó không còn cái ngã.
Chúng ta biết, đức của người tu (người xuất sĩ) là sự khiêm nhường. Đức Thế Tôn là một người xuất phát từ dòng dõi vua chúa và trở thành một vị đạo sư, nhưng Ngài rất khiêm cung, rất lặng lẽ, không bao giờ khoe khoang nói mình là hơn người, là một người rất thong dong, giải thoát. Vì vậy nên người ta gọi người đó là một bậc mâu ni đích thực, một đại mâu ni.
Xin định nghĩa cho chúng con thế nào là một vị mâu ni đích thực, một người toàn thiện có đầy đủ giới đức? Câu trả lời đầu tiên của Đức Thế Tôn là: “Đó là người đã buông bỏ tất cả những hiềm hận về quá khứ và cũng không vướng mắc vào những ước ao, mơ tưởng về tương lai, chính trong hiện tại con người đó cũng có tự do, không bị hư danh và sự tôn kính làm cho hư hỏng”. Đó là định nghĩa đầu tiên của một vị mâu ni. Người xuất sĩ phải học cho được đức tính đó. Mình có một ít tài năng, nhưng tài năng đó so với tài năng của Đức Thế Tôn thì không bao nhiêu cả. Ngài là người đã được sinh ra trên cõi đời như một bậc anh hùng. Mình phải học cho được đức khiêm cung, vô ngã.
Bậc mâu ni, bậc có giới đức toàn vẹn chúng con phải nhận diện người đó như thế nào? Chúng con phải nói năng về người đó như thế nào? Xin đức Cồ Đàm nói cho chúng con nghe. Đó là câu hỏi. Còn tùng ấm khổ hay tùng uẩn khổ chỉ có nghĩa là người đó so sánh nổi bật lên trong cuộc đời khổ đau. Ấm tức là ngũ uẩn, là những người lên xuống vì năm thứ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình.
Câu trả lời của Đức Thế Tôn: “Trước hết đó là người đã buông bỏ tất cả những hận thù trong quá khứ, một người không còn mơ tưởng, vướng mắc gì trong tương lai mà chính trong hiện tại người ấy cũng không vương vấn gì vào những hư danh. Đó chính là một vị mâu ni toàn thiện”. Đó là câu trả lời đầu tiên.
Bài kệ 3
Vị lai tưởng bất trước ái 未來想不著愛
Cửu viễn tưởng diệc bất ưu 久遠想亦不憂
Hành viễn khả xả tế nhuyễn 行遠可捨細軟
Tà kiến tận thiểu vô hữu 邪見盡少無有
Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ. Người ấy trên bước đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.
Vị lai tưởng là những tư duy, những ý niệm về tương lai.
Bất trước ái là không vướng mắc vào đó. Sống trên đời mọi người thường hay đặt câu hỏi: Tương lai mình sẽ ra sao?
Vị lai tưởng bất trước ái là nghĩ đến những gì sẽ xảy ra mình không cần thắc mắc, lo âu. Mình không bị kẹt, không bị vướng mắc vào những tri giác, những tưởng tượng về tương lai. Nếu tu tập ở Làng Mai mà cứ nghĩ ngày mai sẽ ra sao thì mình không an trú được trong hiện tại, mình chưa có giải thoát.
Cửu viễn tưởng là những cái đi qua lâu rồi (perceptions of the past).
Diệc bất ưu: Cũng không lo lắng về chuyện đó.
Hành viễn khả xả tế nhuyễn: Trong bước đi người đó đã buông bỏ tất cả những tư tưởng tham đắm về tương lai và những ưu sầu về quá khứ, trong bước đường hiện tại người đó cũng không ôm đồm. Tế nhuyễn là những châu báu, của cải mà mình cho là của mình, trong đó có cả ý tưởng chứ không phải chỉ có vật chất mà thôi. Chữ tế nhuyễn dùng để chỉ những sở hữu quí báu của mình như châu báu, vàng bạc, nữ trang v.v…
Tà kiến tận thiểu vô hữu: Là những cái thấy sai lạc, những nhận thức sai lầm đã được chấm dứt, hoặc còn rất ít, coi như không còn nữa. Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ. Người ấy trên bước đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.
Chữ kiến này có nghĩa là một nhận định, một ý kiến, một chủ thuyết. Mỗi người trong chúng ta đều có một nhận định, một cái thấy, một ý kiến riêng. Chính vì sự khác nhau đó mà chúng ta chống đối nhau, chấp nhận nhau. Vì vậy, một vị mâu ni là người đã buông bỏ tất cả các kiến. Chúng ta không thể hiểu được bài kệ này nếu không hiểu được bối cảnh, tư tưởng và triết học trong thời của Bụt. Thời ấy có ít nhất là sáu giáo phái, giáo phái nào cũng đưa ra những ý thức hệ, những tư tưởng và chủ trương của mình. Họ đã đàm luận và cãi lộn nhau rất nhiều, vì vậy có người họ tự xưng là mâu ni nhưng thật ra họ không phải là mâu ni tại vì họ cãi lộn nhau nhiều quá. Trong khi đó mâu ni là người tĩnh lặng, người không có nhu yếu tranh luận. Sở dĩ mình còn cãi lộn, còn tranh luận là vì mình còn giữ ý kiến riêng của mình. Mình cho cái thấy của mình là cao hơn hết.
Chúng ta sẽ học những kinh khác thuộc loại này và sẽ thấy ý này cứ lặp đi lặp lại. Điều đó cho thấy thời của đức Thế Tôn có rất nhiều giáo phái đang tổ chức tranh luận hơn thua, trong khi Bụt khuyên mọi người đừng tranh luận nữa mà hãy tu đi, tại vì triết học và huyền học không thể nào tịnh hóa được thân tâm, chỉ có sự tu tập mới thanh lọc được con người. Vì vậy, đặc tính của một vị mâu ni là chỉ thực tập mà không tranh luận. Nếu mình chưa thấy được cái đó thì mình chưa hiểu được câu này. Nó có nghĩa là trên bước đường tu tập mình phải buông bỏ mọi thứ, buông bỏ hết những tư kiến của mình. Khi không còn chủ thuyết, không còn ý thức hệ thì sẽ không còn tranh luận.
Trong đạo Bụt, cái thấy chân chính được gọi là chánh kiến. Nhưng định nghĩa về chánh kiến trong đạo Bụt trước hết là buông bỏ tất cả các kiến. Vì vậy mình nói có những cái thấy sai lạc như cái thấy về thường, cái thấy về ngã. Sự vật vô thường mà mình tưởng là thường. Thành ra cái thấy về thường là một tà kiến. Chúng ta không thể tồn tại mãi được, người thương của chúng ta cũng vậy, không phải cứ còn mãi với chúng ta. Ai rồi cũng phải già, phải chết nhưng mình cứ nghĩ rằng mình trẻ khỏe hoài, đó là cái thấy thường (mọi thứ trường tồn). Đó là một tà kiến. Thành ra mình phải học để lấy cái tà kiến ấy ra. Phải luôn tâm niệm tôi là vô thường, người thương của tôi cũng vô thường. Ngày mai tôi sẽ rụng răng, không còn nhai được thức ăn cứng nữa, ngày kia người thân của tôi sẽ chống gậy đi lọm khọm, không dẻo dai như ngày hôm nay. Chúng ta phải thấy được như vậy, thấy về vô thường.
Để giúp mọi người vượt thoát cái thấy về thường Bụt đưa ra vô thường. Để giúp mọi người vượt thoát cái thấy về ngã, Bụt đã đưa ra vô ngã. Nhưng cái vô thường và vô ngã mà Bụt đưa ra không phải là những cái thấy, đó là những dụng cụ để đào bới, để nhổ gốc cái kia chứ không phải là một cái thấy mới để thay thế vào cái thấy cũ. Thành ra nếu mình tưởng vô thường, vô ngã cũng là những cái thấy như là những cái thấy về thường, về ngã thì mình vẫn chưa tiếp nhận được lời dạy của Bụt. Cái thấy đúng đắn là sự vắng mặt của các cái thấy.
Cái thấy về thường đã phải bỏ đi rồi nhưng cái thấy về vô thường cũng phải bỏ đi luôn. Tại vì cái thấy vô thường không phải là một cái thấy, mà nó là một dụng cụ để đào bới và nhổ bỏ cái thấy về thường mà thôi. Đạo Bụt là tự do đối với các cái thấy. Khi mình không giữ cho mình một chủ trương, một ý thức hệ, thì không có nhu yếu tranh luận nữa. Như vậy mới thật là một người tĩnh lặng. Còn tranh luận thì không phải là một vị mâu ni. Các vị đại mâu ni như vậy thì các vị tiểu mâu ni cũng phải học theo, phải im lặng, đừng tranh luận, vì tranh luận nghĩa là mình đang bảo vệ một cái thấy. Mình không có cái thấy nào để bênh vực cả, mình đã vượt thoát tất cả những cái thấy. Một vị đại mâu ni là một người đã vượt thoát tất cả mọi cái thấy. Hiểu được ý của câu này thì chúng ta mới hiểu được ý của Bụt.
Trên đường đi chúng ta phải buông bỏ tất cả, trong đó có những cái thấy của mình, đừng giữ lại một cái thấy nào.
Bài kệ 4
Dĩ khứ khủng vô úy bố 已 去 恐 無 畏 怖
Bất khả động tín vô nghi 不 可 動 信 無 疑
Vô tật tâm lạc bỉ dữ 無 嫉 心 樂 彼 與
Hành như thị ái tôn mạng 行 如 是 愛 尊 命
Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh tín, diệt trừ được nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỉ với những gì đang có, yêu nếp sống thảnh thơi. Buông bỏ tất cả mọi lo lắng, sợ hãi, trở nên vô úy bất bạo động. Nghĩa là người ta khiêu khích, đe dọa mình vẫn vững như đồng.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Khi mình đạt tới cái đó rồi thì sẽ không còn lo lắng, sợ hãi nữa, mà trở nên rất kiên cố, vững niềm tin vào con đường mà mình đang đi.
Vô tật tâm : tâm không ganh tị.
Lạc bỉ dữ: có hạnh phúc với tất cả những gì mình đang có. Cứ đi như vậy trong cuộc đời và tôn quý giây phút hiện tại thảnh thơi mà mình đang có. Đó là một bậc mâu ni.
Phần 2:
(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 7.1.2010 tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới, Làng Mai.)
Tuy tên của kinh là Phụ Tử Cọng Hội (Cha Con Gặp Nhau) nhưng “cha con gặp nhau” chỉ là cơ hội để Đức Thế Tôn giảng kinh còn nội dung của kinh nói về phẩm chất của một vị mâu ni. Trong kinh Mâu Ni đã học lần trước, chúng ta đã biết thế nào là phẩm chất của một vị mâu ni, một vị tu sĩ tĩnh lặng đạt tới sự bình an và không có nhu yếu nói nhiều. Trong kinh này chúng ta tiếp tục học và đi sâu hơn vào chủ đề đó.
Một vị mâu ni có nghĩa là một ông thầy tu tĩnh lặng. Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là một ông thầy tu tĩnh lặng thuộc dòng họ Thích Ca. Trước Đức Thích Ca đã có một vị mâu ni, đó là Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni Buddha). Lúc mới thành đạo, Bụt được người ta gọi là một vị mâu ni, một vị đại mâu ni (maha muni). Khi Bụt về thăm nhà, mọi người cũng gọi Ngài như vậy, và trong buổi hội họp đó có một người đặt câu hỏi: “Thế nào là một vị mâu ni?”
Trong tạng Pali chúng ta có kinh Purābheda Sutta nằm trong bộ Kinh Tập (Sutta Nipāta) tương đương với kinh Phụ Tử Cọng Hội này. Chữ Purābheda có nghĩa là: trước khi tan rã (before the disintegration). Tan rã cái gì? Tan rã hình hài của mình. Chúng ta có thể dịch kinh này là kinh Trước Khi Hình Hài Tan Rã hay kinh Khi Hình Hài Còn Đó. Bây giờ hình hài mình còn đây, mình đang còn sống nhưng thế nào cũng có một ngày hình hài này phải tan rã. Chúng ta cũng có thể dịch là kinh Khi Ta Còn Sống. Nhưng nội dung của kinh này nói về phẩm chất của một vị mâu ni. Vì vậy thầy trò mình sẽ đặt tên cho kinh này là kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt.
Tập san Ulysse, tập san tiếng Pháp nói về du lịch, số tháng giêng 2010 có nhiều trang nói về đạo Bụt và Đức Thích Ca.Trong đó có nói: “Bụt không phải là một vị thần linh, Bụt là một con người đã vượt thoát tất cả mọi đam mê (Bouddha est un homme, un être humain qui a dépassé toute passion)”. Câu đầu tiên của kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt là một câu hỏi: “Thế nào là một vị mâu ni?” Và câu trả lời đầu tiên là: “Người đã vượt thoát tất cả những đam mê”. Vì vậy kinh này được gọi là kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt, nghĩa là tuy hình hài còn đó nhưng mọi đam mê đều không còn nữa. Đam mê là những ngọn lửa thiêu đốt thân tâm ta suốt đêm ngày, vì vậy nên khi không còn đam mê thì hạnh phúc rất lớn. Chúng ta cũng có thể đặt tên cho kinh là Phẩm Chất Của Một Vị Mâu Ni.
Chúng ta có một bản chữ Hán, một bản tiếng Pali và hiện nay chúng ta đã dịch kinh này ra tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Hồi tôi còn là một học tăng, trong Phật học viện, không có máy in hay máy photocopy, mỗi người đều phải tự chép tay, có khi phải chép tay một bài học bằng chữ Hán dài tới bảy trang. Trong một viện Phật học chỉ có một pho tự điển, cơ hội sử dụng để tra cứu rất khó. Tôi phải dồn tất cả những chữ mình thắc mắc rồi xin phép một hôm nào đó vào trong viện để tra một lượt. Bây giờ mỗi người đã có sẵn một bản in để học, kinh lại còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và có sẵn bản gốc để tra cứu thì phải biết rằng mình rất may mắn.
Chúng ta ôn lại bốn bài kệ đã được học kỳ trước:
1. Đã tiếp nhận đầy đủ giới pháp, chúng con phải nhận diện như thế nào và phải nói như thế nào cho đúng về bậc có chánh kiến, bậc đã được sinh ra như một vị anh hùng trên thế gian, bậc đã vượt thoát mọi ràng buộc khổ nạn? Xin đức Gotama chỉ dạy.
2. Đó là người đã buông bỏ được mọi hiềm hận về quá khứ, mọi thắc mắc lo âu về tương lai. Trong giây phút hiện tại, người ấy cũng không bị hệ lụy vào bất cứ gì, cũng không bị kẹt vào hư danh và sự tôn kính của kẻ khác.
(Trong bản tiếng Pali, bài kệ thứ hai như thế này: Đó là một người tuy hình hài còn đó nhưng không còn ham muốn gì. Vì vậy nên người ta lấy câu này làm đề kinh.)
3. Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ, người ấy trên đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.
4. Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh tín, người ấy diệt trừ được mọi nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỷ với những gì đang có và yêu nếp sống thảnh thơi.
Bây giờ chúng ta học đến bài kệ thứ năm:
Bài kệ 5
Năng tự thủ bất đa vọng 能自守不多望
Tự đa đắc tuệ vô tật 自多得慧無嫉
Bất ác xú bất mô dã 不惡醜不嫫冶
Bất lưỡng thiệt xả hí nghi 不兩舌捨戲疑
Có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi hai chiều, người ấy buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ
Năng tự thủ: Có khả năng làm chủ chính mình. Mình có quyền lực, quyền lực này không do người khác đem tới mà có được nhờ vào sự thực tập của chính mình. Đó là khả năng làm chủ cuộc đời mình, không bị bất cứ thứ gì từ bên trong hay từ bên ngoài kéo đi. Chúng ta dịch là có khả năng tiết chế (self restrain).
Khi chơi, khi ngủ, khi ăn, khi làm việc, mình phải có khả năng tiết chế, phải điều độ, đừng để bị đam mê hay thói quen kéo theo. Ăn là một cơ hội để mình thực tập tự chủ. Thường thường ai cũng muốn ăn ngon, nhưng ngon hay dở cũng tùy thuộc rất nhiều vào chủ quyền của mình.
Ở Làng Mai, chúng ta khuyến khích nên ăn chậm, phải nhai ít nhất là 30 hay 50 lần trước khi nuốt. Trong khi ăn thì chú tâm vào thức ăn, chỉ ăn những thứ mình đang ăn, mà không nhai những lo lắng, ưu phiền, những dự án, những buồn khổ của mình. Điều đó phải thực tập vững vàng lắm mới làm được.
Trong khi ăn cơm, mình chỉ chú tâm vào việc ăn cơm thôi mà không suy nghĩ vẩn vơ. Khi bẻ một miếng bánh mì bỏ vào miệng nhai, mình phải ý thức rằng mình đang nhai một miếng bánh mì, mình đang tiếp xúc được với vũ trụ trong miếng bánh mì. Trong miếng bánh mì có ánh sáng mặt trời, có đám mây, có đại địa, có đủ tất cả. Khi nhai, chúng ta tiếp xúc được với tất cả vũ trụ qua miếng bánh mì dù miếng bánh mì đó có thể không lớn.
Trong một khóa tu sức khỏe chúng ta nên tổ chức bữa ăn đầu như vậy. Mỗi người được phát ba miếng bánh mì, mỗi miếng chỉ lớn bằng một đốt tay, và một phần ba ly sữa đậu nành. Ngày xưa, tôi đã hướng dẫn một khóa tu sức khỏe như vậy. Tôi phát cho mỗi người một lát bánh mì có thể bẻ thành ba hay bốn miếng. Sau khi nghe tiếng chuông và thở xong, mình bẻ bánh mì ra, nhìn sâu vào miếng bánh mì để thấy đây là một vị đại sứ mà vũ trụ đã gửi tới để nuôi mình. Chỉ cần một hay hai giây đồng hồ là mình có thể thấy được miếng bánh mì một cách rất sâu sắc. Trong miếng bánh mì có ánh sáng mặt trời, có đám mây, có hạt giống, có đất đai, có phân bón, có thời gian, có không gian, có người nông dân v.v… Với sự quán chiếu, mình không cần nhiều thời gian để có thể thấy được như vậy. Chỉ cần một giây đồng hồ thôi, với chánh niệm và chánh định, mình có thể thấy miếng bánh mì đó do vũ trụ gởi tới để nuôi mình. Đó là tuệ. Có chánh niệm và chánh định thì tự nhiên có tuệ. Có tuệ thì thấy được miếng bánh mì là tặng phẩm của đất trời và khi thấy được như vậy rồi mình mới bỏ miếng bánh mì vào miệng.
Trong truyền thống Cơ Đốc có lễ Bí tích thánh thể (Eucharistie), là lễ bẻ miếng bánh mì ra và coi miếng bánh mì đó là cơ thể của chúa Kitô. Ăn miếng bánh mì là đưa cơ thể của chúa Kitô vào trong người của mình. Đó là một phương pháp thực tập để tiếp xúc sâu sắc với chúa Kitô. Khi làm như vậy những người bạn Cơ Đốc của mình có thể làm với tính cách hình thức cho có lệ, nhưng cũng có thể làm với tính cách thiền quán. Nếu khi tiếp nhận miếng bánh mì và thấy rằng đây là cơ thể của chúa Jesus – thầy của mình, rồi bỏ miếng bánh mì vào miệng nhai thì mình thật sự đã tiếp xúc được với chúa Kitô. Đó chính là thiền quán.
Vị linh mục hành lễ phải có niệm, có định và có tuệ. Nếu ông chỉ làm như một cái máy thì sẽ không tạo ra được năng lượng niệm-định-tuệ trong nhà thờ, mà chỉ làm hình thức, kẹt vào nghi lễ mà không có nội dung.
Trong đạo Bụt mình không nói miếng bánh mì là thân thể của chúa Kitô mà mình nói miếng bánh mì là thân thể của vũ trụ. Nhìn vào miếng bánh mì chúng ta thấy tất cả vũ trụ, từ đám mây cho đến mặt trời, trái đất v.v… Khi thấy được như vậy tức là có tuệ, lúc ấy chúng ta mới bỏ miếng bánh mì vào trong miệng và nhai. Trong khi nhai ba mươi hay năm mươi lần mình tiếp xúc sâu sắc với vũ trụ bên trong cũng như bên ngoài.
Theo tôi, khi đã bỏ miếng bánh mì vào miệng thì chúng ta nên để miếng bánh trên tay xuống. Sau khi nhai miếng bánh trong miệng ra thành nước rất ngon ngọt và nuốt xuống rồi mới cầm miếng bánh mì lên để cắn hoặc bẻ miếng thứ hai. Chúng ta đừng cầm bánh mì trên tay, vì mình có thói quen ăn chưa xong miếng này đã cắn thêm miếng khác. Đó là một tập khí mà chúng ta phải tập lâu ngày mới bỏ được. Nhất là khi thức ăn có vị ngon ngọt thì mình quên mất, để tâm bị kéo theo mà không làm chủ được mình. Đó là cái tập khí đang ăn chứ không phải mình đang ăn (You are not eating, you are being eaten by your habit energy.)
Khi cầm bát và đưa thìa xúc cơm lên quý vị hãy nhìn một giây đồng hồ để thấy được vũ trụ trong muỗng cơm, rồi quý vị mỉm cười bỏ thìa cơm vào miệng nhai. Sau đó để thìa xuống, đừng cầm thìa tại vì cầm thìa mình sẽ sẵn sàng để múc thìa thứ hai. Lúc này chưa phải là thời gian để múc thìa thứ hai, đây là vấn đề của thìa thứ nhất. Trong khi nhai mình để hết tâm ý vào thìa cơm đang nhai, nhai càng lâu càng ngon.
Quí vị nghĩ rằng, bánh mì sẽ nhạt nhẽo nếu không có phết bơ hay mứt Điều đó không đúng! Làm sao ăn sáng mà không có bơ và mứt? Xin quí vị thử ăn một miếng bánh mì không có bơ và mứt xem! Nếu quí vị nhai 30 lần thì miếng bánh mì bắt đầu trở nên ngon, nhai 50 lần thì ngon hơn gấp hai và nhai 90 lần thì ngon hơn gấp ba, không cần có bơ và mứt mà cũng rất ngon. Nước miếng của mình trộn với bánh mì làm thành chất ngọt rất ngon. Trong thời gian nhai, hệ tiêu hóa đã thực hiện được 70% và khi nuốt vào bụng thì thức ăn được tiêu hóa rất dễ dàng. Ăn như vậy trong vòng nửa giờ thì tuy ăn ít, nhưng mình cảm thấy no đủ và mãn ý, còn ăn theo kiểu ngốn hết miếng này tới miếng khác thì không những đã không ngon mà còn khó tiêu và mình sẽ ăn quá nhiều.
Trong những khóa tu sức khỏe chúng ta phải làm như vậy trong bữa ăn đầu để mọi người thấy được rằng, với một miếng bánh mì rất nhỏ mình có thể nhai đến 100 lần, mà lại rất ngon. Quí vị thử đi, thử ngay trong ngày hôm nay mà xem. Trong chùa thế nào cũng còn bánh mì cũ, bánh mì cũ ăn cũng ngon lắm. Mình để tay xuống, đừng sẵn sàng để đút miếng thứ hai vào miệng. Tay cầm thìa rất quan trọng. Vì mình có tập khí bỏ thức ăn vào miệng liên tục nên phải bỏ tay xuống để thực tập vô vi; phải nhai cho hết, cho thành công, mỉm cười một cái rồi mới đưa tay ra lấy miếng bánh mì thứ hai. Nếu thực tập được như vậy tức là chúng ta đang khôi phục lại chủ quyền của mình.
Trong khi đi cũng vậy, mình đi như thế nào để có chủ quyền về cuộc đời của mình. Mình đang đi chứ không phải bị kéo đi. Đi như một vị Bụt, đi như một vị Thế Tôn.
Chữ tự thủ có nghĩa là mình phải có chủ quyền về cuộc đời của mình. Phải biết tự chế và làm chủ mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.
Bất đa vọng: Không trông cầu, không tham vọng nhiều. Biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại thì mỗi giây phút của đời sống trở thành một niềm hoan lạc, trở thành hạnh phúc. Mỗi bước chân là hạnh phúc, mỗi hơi thở là thảnh thơi. Mình thở như thế nào để mỗi hơi thở có thảnh thơi, có hạnh phúc. Mình đi như thế nào để mỗi bước chân có thảnh thơi, có hạnh phúc. Đó là tất cả bí quyết của sự tu học. Phải có niệm, có định và có tuệ. Khi hình hài còn đó chưa tan rã mà mình không biết thừa hưởng những giây phút như vậy, đến khi bệnh sắp chết rồi mới nói: “Trời ơi! Lâu nay mình không thật sự sống!”. Đó là tại vì mình không có khả năng xử lý được đời sống của mình, không biết sử dụng những giây phút mà cuộc đời đã hiến tặng cho mình. Mình phải tự chế, đừng để bị kéo đi bởi ham muốn, tham vọng và đánh mất đi sự sống trong giây phút hiện tại.
Tự đa đắc tuệ vô tật: Có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai. Tự đa đắc có nghĩa là chính mình đạt được rất nhiều. Tuệ là tuệ giác. Vô tật là không ganh ghét ai, chữ tật có nghĩa là ganh ghét.
Bất ác xú: Chữ xú có nghĩa là xấu. Không nói xấu ai.
Bất mô dã: Chữ dã có nghĩa là trau chuốt bên ngoài. Thiếu cái đẹp bên trong nên phải trau chuốt để có cái đẹp giả tạo bên ngoài.
Bất lưỡng thiệt: Không nói hai lưỡi, khi nói thế này, khi nói thế kia, với người này thì nói thế này, với người kia thì nói khác.
Xả hí nghi: Hí là hí luận, nghi là nghi ngờ. Buông bỏ mọi hí luận và nghi ngờ. Hí luận là đàm luận những gì không thật sự có ích lợi cho sự tu học của mình.
Bài kệ 6
Ý tất thoát vô sở trước 意悉脫無所著
Khí tự kiến vô ỷ vọng 棄自見無綺妄
An tường hành năng giải đối 安庠行能解對
Diệc bất dục đoạn dục tưởng 亦不欲斷欲想
Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước đi an tường, người ấy có khả năng giải tỏa được mọi tranh chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng.
Ý tất thoát: Tâm ý được giải thoát trọn vẹn. Thoát có nghĩa là không bị ràng buộc. Có những sợi dây trói buộc niềm tự do của mình lại không cho mình cựa quậy. Đó là phược, triền phược là trói lại. Những sợi dây phiền não, những sợi dây của sự giận hờn, nghi ngờ, mê đắm cột chặt lại khiến mình cứng ngắc không có tự do. Ý tất thoát là tâm cởi mở hoàn toàn tự do.
Vô sở trước: Không bị vướng, không bị kẹt vào bất cứ một cái gì.
Khí tự kiến: Khí là buông bỏ, liệng đi, không dùng nữa. Kiến là những cái thấy của riêng mình. Mình có những quan điểm, những tư kiến và cứ khư khư giữ lấy những tư kiến đó cho là nhất trên đời. Đó là nguồn gốc của chiến tranh: Chỉ có tôi là nắm được chân lý, còn bọn họ không có chân lý. Khí tự kiến là buông bỏ những tà kiến của riêng mình.
Vô ỷ vọng: Ỷ có nghĩa là trau chuốt bên ngoài, thêu dệt ra cho đẹp. Vô ỷ vọng là không thêu dệt hư vọng.
An tường hành: bước đi một cách bình an, thảnh thơi, với những bước chân rất an lành. Đó là hình ảnh của vị mâu ni. Nhìn một người đi, mình biết người đó có phải là một vị mâu ni hay không. Dáng đi của người ấy rất an lành thảnh thơi, không hấp tấp, lật đật. Nhìn một sư cô, một sư chú hay một vị cư sĩ đi, mình biết người đó có dáng dấp của một vị mâu ni hay không, người đó có còn là một con lật đật hay không, hay là một người đã buông bỏ. Là học trò của Đức Thế Tôn mình phải học đi cho được như Đức Thế Tôn, đi những bước chân an tường, bước nào cũng rất vững giống như chiếc thuyền có thả neo xuống.
Chúng ta nên nhớ văn này là văn của thế kỷ thứ ba, rất xưa, và cư sĩ Chi Khiêm đã làm việc chung với thầy Tăng Hội.
Năng giải đối: Năng là có khả năng, giải là cởi mở, đối là những cuộc chạm trán, tranh chấp. Năng giải đối là có khả năng hòa giải được, giải quyết được những cuộc tranh chấp giữa người này với người kia.
Diệc bất dục đoạn dục tưởng: Người ấy không có ham muốn và đã cắt đứt tất cả mọi ham muốn. Những ham muốn phát sinh từ tri giác. Tri giác là tưởng. Tại vì tri giác bị sai lầm nên mới có ham muốn, nếu có tri giác đúng đắn thì sẽ không có ham muốn.
Ví dụ một con cá đang bơi lội thảnh thơi, tự nhiên thấy có một con mồi rất ngon. Con mồi này thật ra không ngon như con cá tưởng, vì nó được làm bằng nhựa và do một người câu cá vừa thả xuống, trong con mồi ấy lại có một lưỡi câu. Nếu không có tri giác đúng đắn con cá sẽ bị vọng tưởng kéo đi, nó nghĩ rằng nếu đớp được con mồi ấy thì nó sẽ hạnh phúc. Trong trường hợp này tưởng là vọng tưởng và là tri giác sai lầm. Con cá chưa thấy được sự thật là con mồi đó bằng nhựa không ăn được, và trong con mồi còn có một lưỡi câu.
Có vọng tưởng nên sinh ra dục, sinh ra đam mê, ham muốn. Nếu con cá biết rõ cắn con mồi đó nó sẽ chết, thì nó sẽ không có dục tưởng, mà không có dục tưởng thì sẽ không có dục. Học kinh Samidhi chúng ta biết rằng: dục tưởng là tri giác sai lầm đưa tới ham muốn. Nếu không có dục tưởng thì sẽ không có dục.
Chúng ta trông ngóng, chờ đợi, tìm cầu nhiều thứ. Chúng ta tưởng đạt tới những thứ đó thì mình sẽ có hạnh phúc. Phần lớn trong chúng ta đều có vọng tưởng về những thứ đó, nhất là về tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc dục. Chúng ta cứ nghĩ chúng sẽ đem lại cho mình an lạc và hạnh phúc. Nhưng chúng ta không biết rằng, những thứ đó là giả trá, có lưỡi câu nằm bên trong và một khi bị vướng vào rồi mình sẽ mất hết hạnh phúc, thảnh thơi. Chúng ta phải quán chiếu để đừng bị vướng vào những tri giác sai lầm đưa tới vọng tưởng. Vọng tưởng tức dục tưởng làm cho mình bị kẹt vào những đối tượng của dục. Mình không có dục là nhờ chấm dứt được dục tưởng. Tri giác sai lầm đưa tới sự ham muốn. Nếu tri giác của mình không sai lầm thì mình có tự do. Tri giác sai lầm đưa tới dục tưởng, mà hễ có dục tưởng thì mất tự do.
Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước đi an tường, có khả năng giải tỏa được mọi cuộc tranh chấp, không bị dục kéo đi và đoạn trừ được mọi dục tưởng.
Quí vị có thể nương trên lời giảng để làm cho bản dịch được đầy đủ hơn, bản tiếng Việt cũng như bản tiếng Pháp và tiếng Anh.
Bài kệ 7
Bất học cầu sở lạc dục 不學求所樂欲
Tất vô hữu diệc bất ưu 悉無有亦不憂
Vô oán nhuế xả ái dục 無怨恚捨愛欲
Bất vi vị sở khả sử 不為味所可使
Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi mình không có cái kia, người ấy không oán giận, không bị vị ngọt của ái dục sai sử.
Bất học cầu: Chữ học không phải chỉ có nghĩa đi tới trường học hỏi, đọc sách hay nghe giảng. Chữ học có nghĩa là thực tập, là sự học hỏi và hành trì của mình. Ngay cả sự tu hành của mình, dù là học Phật hay hành thiền, cũng không phải là để đi tìm cái vui trong dục. Chúng ta học và tu không phải để nắm bắt một cái gì trong tương lai mà là để có tự do ngay trong giây phút hiện tại. Mình không đi tìm cái gì cả. Sự tu học không phải là một phương tiện để mình đi tìm một khác. Chính cái học, cái tu là cứu cánh.
Chúng ta thấy ở đây phương tiện và mục đích không phải là hai. Mình đi không phải để tới mà để có hạnh phúc trong khi đi. Nếu tới được thì quá tốt, còn nếu không tới được cũng không sao, đi là có hạnh phúc rồi. Thở là để có dưỡng khí, nhưng trong khi thở mình phải có hạnh phúc. Ăn là để có chất bổ, nhưng trong khi ăn mình phải có hạnh phúc. Phương tiện là một với cứu cánh chứ không phải dùng phương tiện để đạt tới cứu cánh. Đó là mục đích của mình. Ý tưởng này trong kinh rất quan trọng: Không mưu toan, không học hỏi, không thực tập để đạt tới một cái gì đó, mình phải có hạnh phúc liền bây giờ.
Không có gì mà mình phải đi tìm cầu. Ý tưởng về vô đắc (bất khả đắc) đã có sẵn trong Phật giáo nguyên thỉ. Chúng ta có bài hát: Nowhere to go, nothing to do (Không đi đâu nữa, có chi để làm) đã diễn bày được ý tưởng này.
Tất vô hữu diệc bất ưu: Mình không tìm kiếm nên không có gì để chạy theo cả. Nếu không có cái đó mình cũng vui vẻ, không lo lắng, buồn rầu; mà có cái đó cũng chưa chắc là mình đã thích. Chúng ta thấy rất rõ tư tưởng này của kinh sẽ đưa tới ý niệm vô tác về sau.
Vô tác 無 作 (apranihita) là một trong ba cánh cửa giải thoát. Không chạy theo bất cứ một cái gì; có khi được dịch là vô nguyện 無 願 (no longing) tức là không trông cầu một cái gì khác. Apranihita (aimlessness) là không đặt ra cho mình một đối tượng để chạy theo mà chỉ sống trong giây phút hiện tại, tiếng Pháp là la non-poursuite. Mình sống như thế nào để có hạnh phúc, có tự do trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Điều này rất quan trọng!
Chúng ta đang học một kinh thuộc loại kinh nguyên thỉ, nguyên thỉ của nguyên thỉ. Phật giáo nguyên thỉ kéo dài trong nhiều trăm năm, nhưng kinh này được nói trong những năm đầu sau khi Bụt thành đạo. Khi ấy Bụt và các vị xuất sĩ chưa có cơ sở, chưa có tu viện, chưa có tổ chức, còn đi như một nhóm xuất sĩ du hành trong nhân gian để thực tập và giảng dạy. Đó là thời tiền tu viện, thời rất nguyên thỉ. Sau đó, các đức vua và các vị nhà giàu mới cúng đất cho tăng đoàn xây tu viện. Tuy thời này còn được gọi là đạo Phật nguyên thỉ nhưng thật ra đã trở thành đạo Phật tu viện.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tu viện và tiếp theo, giai đoạn thứ ba, đạo Bụt trở thành một tôn giáo. Trong giai đoạn du hành, các vị mâu ni đi với nhau, sống thảnh thơi. Đây là giáo lý đầu tiên. Trong mùa Đông này mình có cơ hội học được một số kinh như vậy và đây là kinh thứ ba trong số những kinh ấy.
Đạo Bụt ở Việt Nam, Trung Quốc và nhất là ở Tây Tạng, đã trình bày đức Phật như một vị thần linh có rất nhiều quyền phép. Đó là giai đoạn thứ tư của đạo Phật (legendery Buddhism). Trong giai đoạn này chúng ta thấy có những huyền thoại nói Bụt làm phép thần thông, chiếu ra những đạo hào quang. Nhưng khi đọc những kinh như kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt này chúng ta tiếp xúc được với đức Phật nguyên thỉ, thấy được đức Phật như một con người và đây là một niềm hạnh phúc rất lớn của chúng ta.
Trong khi nghiên cứu và phiên dịch kinh này tôi thấy rất hạnh phúc vì tôi có cảm tưởng như mình đang thở được không khí trong những năm đầu của Phật giáo, khi Bụt và các thầy còn đang sống tự do, chưa có tu viện. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là có tu viện là mất tự do.
Giống như pha trà, khi rót nước đầu tiên vị của trà rất thơm, rất ngọt. Sau khi uống hết nước đầu sang tới nước thứ hai thì vị của trà không được ngon bằng. Ở đây cũng vậy, được học Kinh này chúng ta như được hưởng nước đầu thơm ngon của trà, chúng ta thấy được đạo Phật thật sự nguyên thỉ, rất hay.
Năm 1946-1947, các thầy, các sư chú chùa Từ Hiếu được lệnh tản cư, hồi ấy thành phố Huế sắp bị chiếm. Tưởng rằng chỉ di tản bảy hay mười ngày rồi được trở về chùa nên thầy trò chỉ mang theo có mấy chai tương. Ai dè thời gian di tản kéo dài, cuối cùng chỉ còn một phần ba lít tương mà cũng chưa được phép hồi cư. Vì vậy tôi phải đổ thêm nước muối vào lọ tương. Khi hái rau ngoài suối, ngoài đồng chấm vào nước tương này thì không còn ngon nữa. Nó không giống nước tương đầu, mà giống nước muối.
Chai tương bỏ nước muối ấy ăn hết được một nửa thì tôi lại đun nước muối đổ thêm vào, thành ra từ từ giống như là mình chấm nước muối chứ không phải là chấm tương.
Đạo Bụt mà chúng ta đang học cũng là nước đầu của đạo Bụt. Chúng ta có phước lắm nên mới được học kinh này.
Khi làm nước mắm người ta bỏ muối vào bể cá, nước đầu lấy ra được gọi là nước mắm nhĩ. Hết nước mắm nhĩ người ta đổ thêm nước muối vào làm nước thứ hai. Nước mắm thứ hai không còn giá trị như nước đầu nữa. Cũng vậy, đây là “đạo Phật nhĩ”, đạo Phật của những năm đầu, rất ngon. Thầy trò mình có cơ hội được nếm và được thở không khí thật sự nguyên thỉ của đạo Phật.
Vô oán nhuế xả ái dục: Không oán giận, không chạy theo dục, không đam mê đối tượng của dục lạc.
Bất vi vị sở khả sử: Không bị kéo theo bởi vị ngọt của dục. Không bị vị ngọt của ái dục sai sử. Câu này khi dịch tôi chịu ảnh hưởng của bản tiếng Pali. Tại sao những thứ đó không kéo mình đi được? Những thứ đó là sự giàu sang. Ai mà không muốn giàu sang? Nhưng tại sao các thầy, các sư cô, sư chú không chạy theo con đường tìm kiếm giàu sang mà lại đi tu? Tại vì mình có tuệ giác, mình thấy rằng: Chưa chắc sự giàu sang đã đem lại hạnh phúc. Sự thật là khi nhìn xung quanh, chúng ta thấy có những người quá giàu nhưng họ vẫn thấy chưa đủ giàu và vẫn muốn giàu thêm nữa. Họ không có thì giờ cho họ, cho người thương của họ và họ có nhiều đau khổ. Cho nên, tiền tài chưa chắc đã đem lại hạnh phúc. Đi xuất gia không có nghĩa là không muốn có hạnh phúc. Mình muốn có hạnh phúc nhưng mình biết hạnh phúc không phải được làm bằng chất liệu của sự giàu sang. Thi sĩ Nguyễn Bính có câu:
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ lo toàn chuyện viễn vông
Đi tu không phải là một chuyện viễn vông. Mình không đi tìm niết bàn hay một thiên đường viễn vông mà mình tìm hạnh phúc có thật trong giây phút hiện tại. Trong kinh “Tuổi trẻ và hạnh phúc” (Samidhi) có một cô thiên nữ hiện ra nói với thầy Samidhi:
– Tại sao thầy còn trẻ, tóc còn xanh, mắt còn sáng, mà thầy lại cạo đầu, xoay lưng với thế tục? Tại sao thầy không hưởng hạnh phúc trong hiện tại mà lại đi tìm hạnh phúc viễn vông trong tương lai?
Đi tu có phải là đi tìm một hạnh phúc viễn vông trong tương lai không? Thầy Samidhi trả lời:
– Không phải như vậy! Tôi không đi tìm chuyện viễn vông. Chính chuyện chạy theo năm dục mới là viễn vông. Pháp môn của tôi là hiện pháp lạc trú, tôi tìm hạnh phúc chân thật có ngay trong giây phút hiện tại.
Khi đi xuất gia mình đã có lập trường rất rạch ròi. Mình biết đối tượng mình tìm cầu không phải là sự giàu sang. Chạy theo tiền bạc sẽ làm cho mình đánh mất rất nhiều tự do. Đây là vị ngọt đầu tiên mà một vị mâu ni buông bỏ. Đối tượng buông bỏ tiếp theo là sắc dục. Tiền bạc có vị ngọt của tiền bạc, sắc dục có vị ngọt của sắc dục. Nhưng sắc dục có thể làm tiêu tan cuộc đời của mình, làm hao mòn sinh lực, làm hư hại thân thể và tâm hồn mình. Nó làm cho mình bệ rạc, mất hết sự sống, mất hết niềm vui. Đi tìm hạnh phúc về phía sắc dục rất nguy hiểm. Mình thấy rõ điều đó nên không bị vị ngọt của sắc dục lôi kéo. Trong hành động quỳ xuống, xin thầy cạo đầu để được xuất gia là do các sư cô, sư chú có được tuệ giác đó. Nếu không, tại sao mình làm như vậy?
Vị ngọt thứ ba là danh. Người ta rất ham danh, nghĩ rằng có danh thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng có những người có danh lớn mà cũng rất đau khổ. Chạy theo danh, mình có thể bị vấp ngã, phồng da, sưng trán. Vị ngọt của danh có thể kéo mình đi. Một người tu, một vị mâu ni thì không bị vị ngọt của danh kéo theo.
Vị ngọt thứ tư là thực. Thực là muốn ăn ngon, thực cũng có vị ngọt của nó.
Vị ngọt thứ năm là thụy. Thụy là ham ngủ, ham ngủ cũng là một vị ngọt.
Còn có một vị ngọt nữa là quyền lực. Ai cũng ham quyền hành, tưởng rằng có quyền thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng dù quyền lực có lớn đến mấy đi nữa cũng không đem lại cho mình được hạnh phúc mà mình ao ước. Có một chút quyền, mình nghĩ rằng mình có hạnh phúc. Nhưng hễ có một chút quyền rồi thì mình lại thấy cái quyền đó còn nhỏ quá, ước gì mình có được quyền cao hơn. Nếu mình may mắn có quyền lớn hơn, mình cũng thấy nó vẫn chưa đủ. Làm tổng tư lệnh của quân đội lớn nhất thế giới như tổng thống Hoa Kỳ là có một quyền hành khá lớn. Nhưng chỉ cần quán chiếu vài ba phút thì mình thấy rõ: Một vị tổng thống Hoa Kỳ có quyền hạn rất ít, muốn làm nhiều điều mà làm không được. Ngay trong đất nước của mình, với một quân đội hùng mạnh và một ngân sách khổng lồ mà cũng vẫn còn nhiều lúng túng. Ví dụ trong vấn đề về Afghanistan, rất khó giải quyết. Vì vậy không bao giờ có cái gọi là “có đủ quyền”, mình luôn luôn thích có quyền hành lớn hơn, cũng như khi khát nước mà mình ăn muối, càng ăn thì càng khát thêm. Đã có quyền rồi, muốn có thêm nữa, đã là trung tướng thì muốn thành đại tướng.
Phần 3
(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 10.1.2010 tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng, Làng Mai.)
Bài kệ 8
Bất tự cao ngã vô đẳng 不自高我無等
Đắc đối hủy hoành thủ kính 得對毀橫取敬
Đương hành quán chỉ ý niệm 當行觀止意念
Kiến thiện ác phi thứ vọng 見善惡非次望
Không tự cao, thấy được tự tánh bình đẳng và vô ngã, không có mặc cảm thua người hay bằng người; biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, biết cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những vọng cầu về tương lai.
Bất tự cao: Không cho mình là hơn người. Không có mặc cảm tự tôn.
Ngã vô đẳng: Đạt tới cái thấy vô ngã, thấy được tính bình đẳng của tất cả các pháp. Đẳng là samata, là tính bình đẳng của vạn pháp. Câu này nói về mặc cảm hơn người.
Đắc đối hủy hoành thủ kính: Không có mặc cảm tự ti. Câu này nói đến hai loại mặc cảm: Mặc cảm bằng người và mặc cảm thua người. Đắc đối hủy có nghĩa là: “Tôi không dám công nhận tôi được ngang hàng với anh”, đó là mặc cảm thua người. Hoành thủ kính có nghĩa là: “tôi ngang hàng với anh, anh phải kính trọng tôi đúng mức”. Đó là mặc cảm bằng người.
Đương hành quán: Nên thực tập quán chiếu, nhìn kỹ để thấy được chiều sâu của sự vật.
Chỉ ý niệm: Phải biết dừng lại, biết thực tập đình chỉ tâm ý. Tâm ý của chúng ta rong ruổi như một con khỉ bỏ cành này lại nắm lấy cành kia không ngừng. Tâm ý mình hết nắm bắt cái này lại đi nắm bắt cái khác, không dừng lại được. Mình cứ bị những tâm ý của mình kéo đi mà không nắm được chủ quyền của chính mình. Ngày xưa tôi có viết cuốn sách “Nẻo về của ý”. Tâm ý của mình có một con đường quen để tìm về. Mình phải quán chiếu xem tâm ý của mình chạy như thế nào, nó đang muốn đi về đâu? Mình phải làm chủ nó, đừng để nó kéo mình đi. Bìa của cuốn sách “Nẻo về của ý” đã được họa sĩ vẽ một con khỉ đang chuyền cành.
Chỉ ý niệm là làm cho con khỉ tâm ý đứng lại. Chỉ là samatha, quán là vipaśyana. Mình phải học cách làm lắng lại tâm ý, thực tập tập trung và nhìn cho sâu.
Kiến thiện ác: Phải có khả năng thấy và phân biệt được cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu.
Phi thứ vọng: Đừng đuổi bắt và trông cầu cái gì sắp xảy tới. Vọng là trông cầu, tâm ý của mình luôn hướng về tương lai, mình luôn luôn ở trong tư thế chạy để nắm bắt cái sắp tới và sẵn sàng để đi tới các dự án kế tiếp. Điều đó đã trở thành một thói quen. Vì vậy tâm mình không an trú được trong giây phút hiện tại nên không có nhiều an lạc.
Khi đọc sách, bàn tay của mình cứ sẵn sàng để lật qua trang kia. Mình không chịu tập trung hết vào trang này mà đang nghĩ tới trang khác. Khi ăn cơm cũng vậy, mình cầm thìa sẵn sàng để đút miếng sắp tới mà không chịu nhai cái đang có trong miệng cho đàng hoàng. Mình không an trú, không dừng lại, không tiếp xúc được với những gì đang thật sự xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong khi ăn, trong khi đọc sách mình cũng có thể thực tập chỉ – dừng lại.
Bài kệ 9
Khử sở tại vô sở chỉ 在無所止
Quán hướng pháp đương hà trước 觀向法當何著
Dục sắc không diệc vô sắc 欲色空亦無色
Tùng hiệt kế bất dục thoát 從黠計不欲脫
Không kẹt vào cái đang xảy ra, không bị cột chân lại bất cứ ở đâu, người ấy biết quán chiếu, nhìn thẳng vào tương lai và không còn bị vướng mắc vào gì nữa. Dù trong cõi dục, cõi sắc hay cõi vô sắc cũng thế, người ấy luôn luôn sử dụng thông tuệ của mình, do đó không có gì mà không vượt thoát được.
Khử sở tại vô sở chỉ: Đối với cái hiện tại mình không bị vướng mắc, cái hiện tại không cột chân mình lại được.
Quán hướng pháp đương hà trước: Nhìn vào cái đang tới mình cũng không bị dính mắc vào những lo lắng về tương lai.
Dục là cõi dục, Sắc là cõi sắc. Vô sắc là cõi vô sắc.
Tùng hiệt kế bất dục thoát: Từ sự thông minh và khả năng quyết trạch của mình mà không có chướng ngại nào mà mình không vượt qua. Hiệt là sự thông minh.
Bài kệ 10
Ái dĩ diệt nãi dĩ tức 愛已滅乃已息
Tam giới không vô lạc ý 三界空無樂意
Tất giải ly hà tùng đắc 悉解離何從得
Đa tùng hải độ vô ưu 多從海度無憂
Ái đã diệt, tâm đã tĩnh, người ấy đã vượt qua những cơn lũ lụt sầu khổ để tới bến bờ vô ưu, không còn theo đuổi tìm cầu lạc thú gì nữa trong ba cõi. Đã cởi trói, đã buông bỏ tất cả, người ấy không còn có gì để gọi là sở đắc.
Ái dĩ diệt: Những tham ái đã bị cắt đứt.
Nãi dĩ tức: Chữ tức có nghĩa là dừng lại, nghỉ ngơi, lắng dịu. Chữ nãi có thể là chữ tâm viết nhầm.
Tam giới: Tam giới là ba cõi (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc).
Không vô lạc ý: Không có ý đi tìm những thú vui trong ba cõi. Những thú vui không phải chỉ có trong cõi dục (kāmadhātu) mà còn có thể có trong cõi sắc (rūpadhātu) và cõi vô sắc (ārūpadhātu). Ngay trong bốn thiền định của cõi vô sắc, tuy những thú vui có nhẹ nhàng hơn nhưng mình cũng không đi tìm nó. Trong cõi vô sắc có bốn loại thiền định: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đó không có những thú vui nặng nề như trong cõi dục hay cõi sắc nhưng mình cũng không bị vướng vào.
Tất giải ly: Đã được cởi trói và xa lìa những ái dục.
Hà tùng đắc: Không nắm bắt gì nữa, không có gì gọi là sở đắc.
Đa tùng hải độ vô ưu: Thường thường chữ hải có nghĩa là biển. Nhưng kinh này thường dùng chữ hải để nói tới các cơn lũ lụt hay những dòng nước chảy xiết. Những vô minh, những đam mê của mình giống như cơn lũ lụt cuốn mình theo. Mình phải thực tập để vượt thắng những cơn lũ lụt ấy và từ trong cơn lũ mình vượt thoát và được sang tới bờ của vô ưu. Vô ưu có nghĩa là không sợ, không lo lắng, tiếng Phạn là aśoka.
Bài kệ 11
Bất nguyện sinh kiến hữu tử 不願生見有子
Liệt địa hành nguyện bảo tăng 列地行願寶增
Lai bất sinh khứ bất đáo 來不生去不到
Dục hà sách tùng hà đắc 欲何索從何得
Không cần con trai, không cần ruộng đất, không cần trâu bò, không cần của cải châu báu càng ngày càng nhiều, người ấy không còn nhu yếu bỏ một nơi này hay tìm một nơi khác và không còn gì hoặc để nắm bắt hoặc để đuổi xua.
Bài kệ này rất buồn cười nhưng rất thật. Có những vị gọi là đạo sư quảng cáo rất ồn ào rằng mình là một ông thầy lớn, là một phạm chí, một mâu ni, nhưng họ rất ôm đồm. Họ rất giàu có, họ làm chủ sở hữu của rất nhiều cơ sở và không có vẻ gì là một vị đạo sư đích thực. Điều ấy không phải chỉ có trong quá khứ mà bây giờ cũng vậy. Có những ông thầy rất giàu có và quyền thế, họ ôm đồm hết chuyện này tới chuyện khác.
Ngày xưa, dấu hiệu của hạnh phúc là có nhiều con trai để tiếp nối và đảm đương việc nhà. Hình ảnh của một người giàu cũng là người có nhiều con trai. Ở Việt Nam cũng vậy, có con trai là một tin mừng, còn có con gái thì mừng ít hơn. Nếu sinh được nhiều con trai thì nhà có phước tại vì có con trai đồng nghĩa với có một gia sản. Con trai là người tiếp tục giữ gìn sản nghiệp của mình, còn con gái thì thế nào cũng phải đi lấy chồng. Do đó ước muốn của người xưa là có thật nhiều con trai.
Mong muốn thứ hai là có nhiều ruộng đất, làm một điền chủ lớn. Dấu hiệu của quyền lực thời bấy giờ là có nhiều đất đai, trâu bò. Chính ở Mỹ cũng vậy, mới thế kỷ trước thôi (thế kỷ 20) người ta còn nghĩ ai có nhiều bò thì người đó giàu. Vì vậy mới có các chàng cowboys giữ bò, cưỡi ngựa, bắn súng. Người giàu là người có thể đếm được hàng ngàn đầu bò. Trâu bò nhiều chừng nào thì càng hùng mạnh và giàu có chừng đó.
Ngày xưa người ta phải nhìn vào số lượng trâu bò, đất đai và nhìn vào số lượng con trai để thấy uy thế của một người. Nhưng bây giờ thì khác, quyền lực của thời bây giờ nằm ở chỗ có nhiều cổ phần, nhiều tài khoản trong ngân hàng. Đọc kinh chúng ta thấy rất rõ hoàn cảnh ngày xưa.
Một vị đạo sư đã buông bỏ hết, không cần bất cứ một cái gì. Không còn đứng núi này trông núi nọ. Vị ấy thấy được tự tính không tới không đi. Khi còn ôm đồm, còn mang lấy nhiều thứ thì chưa phải là một vị đạo sư đích thực. Không có gì để chạy theo nắm bắt và không còn gì để phải tiêu diệt, đó là hình ảnh của một bậc đạo sư. Trong bản chữ Hán thiếu mất chỗ trâu bò, chữ trâu bò này mình lấy lại từ bản tiếng Phạn.
Sinh: trong đời này
Kiến hữu tử: Có nhiều con trai
Liệt địa hành: Có nhiều ruộng đất cò bay thẳng cánh
Nguyện bảo tăng: Muốn của cải càng ngày càng nhiều thêm
Lai bất sinh khứ bất đáo: Không ước mong đi sang một cõi hoặc rời bỏ một cõi.
Dục hà sách tùng hà đắc: Không có gì để đòi hỏi, không có gì để nắm bắt
Bài kệ 12
Tất vô năng thuyết đáo xứ 悉無能說到處
Chúng học sa môn du tâm 眾學沙門遊心
Tất lệnh cầu sở tại xứ 悉令求所在處
Như xúc mạo tri như khứ 如觸冒知如去
Dù bị người ta công kích, phỉ báng, xúc phạm và lên án một cách không có căn cứ, dù có bị các vị phạm chí và sa môn hay cả những người trong giới gọi là tu hành chê bai, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ đường mình mình đi.
Khi một vị xuất sĩ được tôn sùng, quý trọng, thế nào vị ấy cũng bị những người khác ganh tị. Ông thầy này ganh tị với ông thầy kia, nói ông thầy kia chưa thật sự giác ngộ, chưa có chánh pháp, chỉ có bề ngoài thôi và tìm cách dìm ông thầy kia xuống. Chính Đức Thế Tôn ngày xưa cũng đã bị như vậy, người ta tìm đủ mọi cách để triệt tiêu uy tín của Ngài. Có khi họ lén đem xác một cô vũ nữ tới chôn trong tu viện rồi vu khống cho Bụt và các thầy là đã làm nhục rồi giết hại cô vũ nữ ấy. Đó là một hành động rất thấp hèn. Nhưng dù bị đám đông xúc phạm, phỉ báng, dù bị các vị phạm chí hay các vị sa môn khác công kích, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ đường mình mình đi, không cần phải đối đáp, không cần minh oan. Đó là một vị mâu ni đích thực. Vấn đề này không phải bây giờ mới có mà ngày xưa cũng đã xảy ra rồi.
Tất vô năng thuyết đáo xứ: Tất cả những gì người ta nói sai lầm về mình.
Chúng học: Kể cả trong giới tu hành.
Sa môn: Kể cả các vị sa môn.
Du tâm: Đi qua tâm mình.
Tất lệnh cầu sở tại xứ: Tất cả những cái ấy đều không làm cho mình bỏ cái nơi mà mình đang cư trú.
Bài kệ 13
Diệc bất tật diệc vô tham 亦不嫉亦無貪
Tuy tại cao tôn bất lạc 雖在高尊不樂
Bất lạc trung hạ bất lạc 不樂中下不樂
Tùng pháp sinh phi pháp xả 從法生非法捨
Không tật đố, không xan tham, dù có được thế gian tôn kính người ấy cũng không bị vướng mắc. Người ấy không tự tôn, không tự ti, không đòi bằng người, cái gì đúng pháp thì làm, phi pháp thì bỏ.
Diệc bất tật: Không tật đố, không ganh ghét, người kia được trọng vọng, quí kính, mình cũng không ganh ghét.
Diệc vô tham: Không xan tham.
Tuy tại cao tôn bất lạc: Dù có được tôn kính và cúng dường mình cũng không bị vướng mắc, không bị hư hỏng vì sự tôn kính và cúng dường của thế gian. Đây là vấn đề muôn đời, có trong bất cứ truyền thống nào. Trong truyền thống đạo Bụt mình thấy rõ: Khi xuất gia mặc áo thầy tu, mình trở thành biểu tượng của sự kính trọng. Nhìn vào một vị xuất gia người ta thấy đó là biểu tượng của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) nên họ chắp tay cung kính lạy chào. Khi trở thành người xuất gia, dù muốn hay không mình cũng đại diện cho Tam Bảo. Thấy hình dáng một người xuất gia người ta phát tâm tôn kính, nên mình trở thành đối tượng tôn kính của nhiều người, do đó nên mình có thể hư hỏng. Có biết bao thầy, biết bao sư cô bị hư hỏng vì sự tôn kính và cúng dường của quần chúng. Người xuất gia phải đề cao cảnh giác, coi đó là một hiểm nguy.
Có nhiều người mới xuất gia cảm thấy rất khó chịu khi thấy người ta tới bày tỏ sự cung kính với mình. Những vị ấy nghĩ rằng mình mới tu, đức độ chưa có là bao mà người ta tới tỏ vẻ tôn kính thì cảm thấy bất ổn. Theo khuynh hướng tự nhiên mình sẽ nói: “ Bác đừng lạy, đừng tôn kính tôi. Tôi vừa mới tu, tôi chưa có đức gì hết” rồi không cho người ta lạy. Người kia vì vậy không được tỏ bày sự tôn kính của mình đối với Tam bảo thì buồn lắm. Mình làm như vậy là không hay!
Khi có một người mới xuất gia, điều đầu tiên tôi dạy cho người đó là khi có ai muốn bày tỏ sự cung kính với mình, mình không được từ chối. Nếu từ chối sự tôn kính và cúng dường của người ta thì mình làm cho người ta mất một cơ hội để tỏ bày sự cung kính đối với Tam Bảo. Mình phải tiếp nhận sự cung kính và cúng dường đó, phải ngồi lại cho thật yên và thở để cho người ta lạy. Nhưng trong lúc ấy mình phải quán chiếu: Người ta không phải đang lạy cái ngã của mình mà đang lạy Tam Bảo qua hình tướng xuất gia của mình.
Cũng như khi chào cờ, lá cờ chẳng qua chỉ là một mảnh vải. Người ta không chào một mảnh vải có nhiều màu mà họ đang chào cả một đất nước, một dân tộc. Nếu lá cờ nghĩ người ta đang chào mình thì nó đã sai lầm. Lá cờ phải nói: Người ta đang chào mình đó, nhưng kỳ thực người ta đang chào một đất nước, một dân tộc, mình chỉ là một biểu tượng.
Một vị xuất sĩ cũng vậy, khi có người cư sĩ tới tỏ lộ sự cung kính cúng dường, mình phải quán chiếu rằng mình chỉ là biểu tượng, người này đang tỏ bày sự cung kính cúng dường đối với Tam Bảo chứ không phải với mình. Quán chiếu như vậy mình sẽ được bảo hộ, hạt giống của sự tự hào, sự kiêu căng không bị tưới tẩm và mình giữ được sự khiêm cung.
Mình thấy rất rõ sự cung kính đó hướng về đối tượng Tam Bảo chứ không phải hướng về cái ngã của mình. Khi được ai đó cúng dường riêng thì vật cúng dường đó cũng không phải cho riêng mình mà là của đại chúng, khi ấy mình phải đem trình lên cho vị trụ trì: “Con được một Phật tử cúng dường 10 euros, con xin trình lên thầy (sư cô)”. Nếu vị trụ trì nói: “Hình như áo của sư em đã rách, sư em phải may một chiếc áo khác. Sư em có thể sử dụng số tiền này” thì mình tiếp nhận, nếu không mình phải coi 10 euros đó là phẩm vật cúng dường cho đại chúng.
Khi một vị giáo thọ của Làng Mai đi hoằng pháp, kết thúc khóa tu, các vị Phật tử thường gom một số tiền để cúng dường. Các vị Phật tử có thể làm hai bì thư, một bì có một số tiền lớn và một bì có một số tiền nhỏ và thưa: “Bạch thầy hoặc bạch sư cô, bì thư lớn chúng con xin được cúng dường đại chúng, còn bì thư nhỏ là cúng dường riêng cho thầy (sư cô).” Tất nhiên, vị Phật tử này cũng biết phải cúng dường cho đại chúng, nhưng cũng muốn bày tỏ cảm tình riêng với vị giáo thọ nên đưa hai phong bì. Theo nguyên tắc, khi người ta cúng dường như vậy thì mình giữ, nhưng theo tinh thần của kinh mình phải đưa hết về cho đại chúng. Hay hơn nữa mình sẽ nói: “Thưa bác, tôi cám ơn bác đã có nhã ý đó nhưng cả hai bì thơ này tôi sẽ trao lại hết cho thầy trụ trì (sư cô trụ trì).” Lúc đó vị Phật tử sẽ kính phục mình hơn nữa.
Người xuất gia rất dễ bị hư hỏng bởi sự cung kính và cúng dường, trong Nam tông cũng như trong Bắc tông. Là người xuất gia mình cần phải cẩn thận lắm về chuyện này. Những lời dạy của Đức Thế Tôn rất rõ ràng, rất thực tế, dù đã trải qua 2600 năm mà vẫn còn phù hợp với nếp sống bây giờ.
Bài kệ 14
Thị tất không diệc vô hữu 是悉空亦無有
Tùng bất đắc diệc bất cầu 從不得亦不求
Mạc dục thế tà lạc nhân 莫欲世邪樂人
Ý dĩ chỉ tiện đáo tận 意已止便到盡
Thấy được tính không, đạt tới vô cầu, vô đắc, không còn vui cái vui phàm tục của thế gian, tâm ý đã thực sự dừng lại, vị mâu ni vượt thoát thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại.
Thị tất không: Tất cả đều là không.
Diệc vô hữu: Không thật sự có.
Mình tưởng là có nhưng kỳ thực là không. Chữ không ở đây có nghĩa là sự trống rỗng, không có gì chắc thật. Thân và tâm của mình cũng vậy. Chặt một cây chuối, bóc ra lớp vỏ để tìm cái lõi ở trong, nhưng bóc hết lớp này đến lớp khác cũng không thấy cái gì ở trong cả. Cũng như củ hành, bóc ra một lớp rồi một lớp nữa, mình tưởng bên trong có một cái lõi nhưng rốt cuộc ở trong không có gì hết. Không là sunyata, là emptiness, là không có cái gì chắc thật ở bên trong. Nói như vậy không có nghĩa là cây chuối không có đó, củ hành không có đó. Cây chuối có đó, nó làm ra quả chuối; củ hành có đó, mình có thể sử dụng. Mình không thể nói không có cây chuối và củ hành. Nó có nhưng nó rỗng. Mình phải quán chiếu để thấy tất cả các pháp đều trống rỗng, bên ngoài giống như chắc thật nhưng kỳ thực là không có gì chắc thật cả.
Tùng bất đắc diệc bất cầu: Không nắm bắt được nên không tìm cầu. Mình muốn nắm bắt cơn gió. Cơn gió không phải không có, nhưng làm sao có thể nắm bắt được một cơn gió? Những cái khác cũng giống như cơn gió và cả chính mình cũng vậy. Cơn gió rất mầu nhiệm, củ hành rất mầu nhiệm, mình rất mầu nhiệm và người yêu của mình cũng rất mầu nhiệm. Nhưng tất cả những cái đó mình không thể nắm bắt, điều này phải quán chiếu mới thấy được. Mình tưởng đó là những cái gì chắc thực có thể nắm được trong tay nhưng sự thật là mình không nắm được. Nếu mình không nắm được cơn gió thì mình cũng không nắm được chính mình, mình không nắm được Đức Như Lai, không nắm được người yêu của mình. Tuy nhiên, mình vẫn có cảm tưởng là đã nắm được rồi. Mình tưởng như vậy thôi, chứ thật ra mình không nắm được gì cả, đó gọi là bất khả đắc. Vì thấy không nắm bắt được nên mình không chạy theo. Cầu là ý định muốn đi tìm, muốn nắm bắt.
Bát Nhã Tâm Kinh có nói: Vô đắc, hay dĩ vô sở đắc, nghĩa là không nắm bắt được, tại vì không có gì để nắm bắt. Chính Đức Như Lai cũng vậy, mình không thể nào nắm bắt được Đức Như Lai. Kinh A Nậu La Độ trong Nhật Tụng Thiền Môn viết: Có một thầy tên A Nậu La Độ đang đi trên đường thì bị một nhóm thầy thuộc giáo phái khác chặn lại hỏi:
– Thầy là đệ tử của Gotama hả?
– Dạ phải.
– Thế thì xin thầy trả lời cho chúng tôi câu hỏi này: Gotama, thầy của thầy đã nói gì về bốn mệnh đề sau:
+ Sau khi chết mình vẫn còn.
+ Sau khi chết mình không còn.
+ Sau khi chết mình vừa còn vừa không còn.
+ Sau khi chết mình vừa không còn vừa không không còn.
Đó là bốn chiếc hộp ý niệm. Sau khi chết thì một là còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn. Chỉ có bốn trường hợp đó, ngoài ra không có trường hợp thứ năm. Qua câu chuyện này chúng ta thấy trong kinh nói rất đúng là mấy ông thầy rất thích thú về chuyện tranh luận. Thầy A Nậu La Độ chưa từng nghe Đức Thế Tôn dạy là có thể đưa sự thật vào bốn phạm trù tư tưởng đó nên thầy thưa lại với các vị kia:.
– Tôi không thể nào chọn một trong bốn trường hợp ấy vì tôi biết nếu chọn một trong bốn thứ ấy là sai lệch với lời Đức Thế Tôn dạy.
Mấy vị đạo sĩ kia nghĩ chắc ông này mới tu không biết gì, nên để cho thầy ra về. Thầy A Nậu La Độ thuật lại câu chuyện cho Bụt nghe và hỏi:
– Xin Đức Thế Tôn chỉ dạy cho con để lần sau gặp họ con có thể nói khá hơn.
Đức Thế Tôn mỉm cười và nói:
– Này thầy A Nậu La Độ, thầy hãy trả lời câu hỏi của tôi. Hình hài này có phải là Như Lai hay không?
– Dạ không phải.
– Vậy cảm thọ vui buồn có phải là Như Lai không?
– Dạ cũng không phải.
– Đồng nhất Như Lai với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có được không?
– Dạ không.
– Có thể tìm Như Lai ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức được không?
– Dạ cũng không.
Tìm Như Lai trong hình hài không được mà tìm Như Lai ngoài hình hài cũng không được. Tìm Như Lai trong cảm thọ không thấy mà tìm Như Lai ngoài cảm thọ cũng không thấy. Tìm Như Lai trong thức cũng không được mà tìm ngoài thức cũng không được.
– Này thầy A Nậu La Độ, tôi đang còn ngồi sờ sờ đây mà thầy còn không nắm bắt được tôi. Mai mốt sắc thân này ngưng biểu hiện thì làm sao thầy nắm bắt được tôi?
Không thể nắm bắt được gọi là vô sở đắc (upalam). Tất cả đều không có gì chắc thật bên trong. Bề ngoài dường như có hiện hữu nhưng thật ra không phải như vậy. Nhờ thấy như thế mà mình đạt tới cái thấy vô đắc và chấm dứt được mọi sự tìm cầu.
Trong một khóa tu tại Đức chúng tôi có làm lễ cưới cho một cặp vợ chồng trẻ đã có công lớn trong việc tổ chức khóa tu. Đám cưới được tổ chức ngay trong khóa tu rất vui. Ngày hôm sau, trong giờ pháp đàm, tôi đã gọi hai người lên làm một cuộc vấn đáp. Chú rể và cô dâu lên ngồi đàm thuyết về vấn đề vô thường, vô ngã và vô đắc, giống như đang diễn kịch để nói lên cái thấy, cái hiểu của mình về giáo pháp. Chú rể hỏi cô dâu:
– Này em, em có còn là người hôm qua anh cưới không hay đã là một người khác?
Khi vướng mắc vào sự tìm cầu một đối tượng, mình có cảm tưởng nếu không nắm được đối tượng đó mình sẽ đau khổ. Giả dụ có cảm tưởng nắm bắt được rồi mình cũng vẫn lo sợ, mình sợ mai mốt người kia không giữ được tấm lòng của ngày hôm nay. Kiều hỏi Kim Trọng: “Anh nói anh yêu em, nhưng cuộc đời vô thường, mai mốt anh còn giữ được cái tâm đó hay không?” Khi yêu mà có cảm tưởng người kia không chấp nhận mình thì mình đau khổ. Nhưng khi người kia đã chấp nhận mình, mình cũng lo lắng như thường tại vì mình vẫn sợ mai mốt người kia có thể bỏ mình. Sự lo sợ đó đi theo mình nên người kia mỗi ngày cứ phải lặp lại: “Em còn yêu anh, anh đừng lo!” Yêu là luôn luôn có sự lo sợ “đánh mất” tại vì mình có ý muốn tìm cầu, muốn nắm bắt, muốn làm chủ. Câu hỏi của chú rể cũng bày tỏ sự lo sợ.
Theo đúng nguyên tắc Bụt dạy thì vạn pháp đều vô thường, ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Dòng sông hôm qua mình tắm nước đã chảy đi hết rồi, nếu hôm nay mình xuống tắm thì đó đã là một dòng sông khác. Hỏi như vậy không sai gì mấy vì chính bản thân mình cũng là một dòng sông. Cô dâu trả lời rất hay, chứng tỏ cô đã học giáo pháp rất vững: “Anh đừng lo! Tuy em không còn hoàn toàn là người hôm qua anh cưới nhưng em cũng chưa phải là người khác” Cô trả lời như vậy rất phù hợp với chánh pháp. Đó là thuyết “phi nhất phi dị”, không phải một cũng không phải khác.
Sự vật vô thường, vì vô thường nên vô ngã, không có gì chắc thật. Tâm của chúng ta thường mong muốn điều tốt đẹp cứ tốt đẹp hoài, người kia cứ dễ thương hoài. Nhưng sự thật không như vậy, đời trôi chảy như một dòng sông nên mình không thể nắm bắt được. Điều này phải quán chiếu mới thấy. Nếu hai người khôn khéo hạnh phúc sẽ kéo dài, nếu không thì hạnh phúc tan vỡ rất mau chóng. Tuệ giác rất quan trọng!
Mạc dục thế tà lạc nhân: Người không còn những ham muốn của thế nhân.
Thế tà lạc: Những ham muốn sai lạc của cuộc đời đem lại khổ đau và vướng mắc. Tà lạc ngược lại với chánh lạc hay chân lạc. Chân lạc là niềm vui không gây đau khổ. Mình không còn là người chạy theo những ham muốn sai quấy của cuộc đời.
Ý dĩ chỉ: Tâm ý đã hoàn toàn dừng lại.
Tiện đáo tận: Lúc đó mình đạt tới cái cứu cánh. Tận là cứu cánh, được dịch từ chữ niết bàn tức sự an tĩnh tuyệt đối. Trong bản tiếng Pali là đã đi ra khỏi thời gian. Thời gian tiếng Phạn là kalpa, tiếng Pali là kappa. Trong bản tiếng Pali ta đọc: Vị mâu ni vượt thoát thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại. Trong bản dịch tiếng Việt mình đã phục hồi lại phần này từ bản tiếng Pali: Kappam n’eti, akppiyo.
Theo lời Phật dạy, thời gian và không gian là những ý niệm của chúng ta. Mình nghĩ thời gian và không gian là hai cái tách biệt, nhưng nếu quán chiếu mình sẽ thấy chúng tương quan mật thiết với nhau, thời gian làm ra không gian và không gian làm ra thời gian. Bây giờ ở Pháp đang là mùa đông tuyết rơi rất nhiều. Nhưng cũng thời điểm này ở bên Úc lại không phải là mùa Đông, thời tiết bên ấy đang rất nóng, có nhiều chỗ bị cháy rừng. Vì vậy không gian ôm lấy thời gian. Cũng như năm mới đón giao thừa, mình nghĩ giao thừa là 12 giờ khuya và mình ngồi chờ đến 12 giờ khuya để chúc “happy new year”. Nhưng ở bên Úc người ta đã đón giao thừa cách đây sáu giờ đồng hồ rồi. Cho nên ý niệm về thời gian và không gian là những thiết kế của tâm thức, do trong đầu mình đặt ra.
Trong khoa học lượng tử bây giờ (quantum mechanics), quan niệm về thời gian, không gian của vật thể đã hoàn toàn đổi khác. Khoa học lượng tử đang gõ cánh cửa đó và nếu làm ăn khá cũng có thể khám phá ra được tính cách phi thời gian và phi không gian của vật thể. Khoa học lượng tử đã dùng những danh từ như non-locality (phi cục bộ). Theo nguyên tắc, là vật thể thì phải có vị trí của nó trong không gian và mình phải xác định được vị trí của một lượng tử trong không gian. Nhưng các nhà khoa học đã thấy, một lượng tử có thể có mặt ở hai chỗ, ba chỗ hay ở khắp nơi trong cùng thời điểm. Ở đây thời gian đã bị phá tung và người ta bắt đầu thấy được cái gọi là non-locality (tính chất phi cục bộ). Khoa học lượng tử đang đi tới rất gần sự khám phá rằng thời gian và không gian chỉ là những sáng tạo của tâm thức và thực tại vượt thoát thời gian và không gian.
Nếu kẹt vào trong thời gian và không gian thì có luân hồi sinh tử, vượt thoát thời gian và không gian thì không còn luân hồi sinh tử nữa. Một vị mâu ni là một người đã chứng nhập được tự tánh của mọi vật, không bị lường gạt bởi hình thức bên ngoài của sự vật, thấy được tính cách không nắm bắt được của mọi vật. Vì vậy người ấy đã chấm dứt được mọi chạy đuổi tìm cầu và do đó có tự do rất nhiều. Người ấy không còn đi tìm những lạc thú của thế tục tại vì người đó đã vượt thoát thời gian, đã đi vào kiếp ngoại. Kiếp ngoại là thế giới trong đó không có thời gian. Vượt thoát thời gian là kiếp ngoại, vượt thoát không gian là phương ngoại; phương ngoại phương là space outside of space, kiếp ngoại là time outside the time. Đó là cái mà một vị mâu ni đã chứng ngộ được, đó là quả vị cao nhất, tới đó rồi thì không còn luân hồi sinh tử, không còn sợ hãi nữa.