Thông điệp Ngày Tiếp nối
Các con đã tiếp nối Thầy được bao nhiêu?
Ở Làng Mai, chúng ta không nói “Mừng ngày sinh nhật” mà nói “Mừng ngày tiếp nối” (Continuation Day). Tiếp nối cái gì? Và ai tiếp nối ai? Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự tiếp nối của thầy trong thầy và trong các con của thầy, xuất sĩ cũng như cư sĩ. Các con tiếp nối thầy nghĩa là sao? Sự tiếp nối có hai phần, nơi thân tâm mình và nơi thân tâm những người được tiếp nhận những gì mình truyền trao. Bụt có dạy về trao truyền như sau: người trao truyền, người nhận trao truyền và vật được trao truyền là một, tam luân không tịch. Không có chủ thể trao truyền, không có người nhận trao truyền, chỉ có sự trao truyền, thế thôi.
Các con phải thực sự tiếp nối thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của thầy cho bao nhiêu người qua cách thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách thầy đã viết, qua những lời thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối thầy được đến bao nhiêu rồi?
Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là good continuation (sự tiếp nối thực sự). Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả.
Tiếp nối vô tướng
Chúng ta thường kẹt vào hình tướng quen thuộc. Do vậy ta hay khóc thương khi thấy cái hình thức quen thuộc ấy không còn nữa. Khoa học bây giờ có thể dùng phép cloning để có thể tạo ra một ngàn đứa bé giống hệt như hồi Thầy còn bé. Chỉ cần lấy ra vài ngàn tế bào của thầy là làm được chuyện này. Một ngàn đứa bé ấy sẽ giống nhau như đúc và giống như thầy hồi còn bé…Các vị có thể thích thú nhìn các cậu bé ấy chơi đùa, nói cười rất giống Thầy hồi còn bé. Nhưng những cậu bé ấy không phải đích thực là thầy, dù trong mỗi đứa cũng có những hạt giống tốt và những hạt giống không tốt của thầy. Nếu chúng không gặp minh sư, không có môi trường tu học, không đi qua những thử thách như thầy thì chúng cũng không phải là sự tiếp nối đích thực của thầy. Nhưng nếu quý vị, trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở mà có pháp lạc của thầy thì quý vị trên hình thức tuy mặt mũi không giống thầy mà trong nội dung lại là sự tiếp nối đích thực của thầy. Cho nên pháp môn vô tướng trong tam giải thoát môn là rất quan trọng để chúng ta nhận diện được thế nào là sự tiếp nối đích thực.
(Trích Thông bạch Ngày Tiếp nối 2012)