15. Chìm châu
Tin báo quân đội của Triệu Đà vừa vượt biên giới miền Đông Bắc mà chấn động cả nước. Nhưng Mỵ Nương Thanh Châu không tin. Nàng cho là thám tử đã thông báo lầm. Đây hẳn là quân đội xâm lăng của nhà Tần, bởi vì giữa hai nhà Triệu Thục vốn là thông gia với nhau thì không thể nào có chiến tranh được.
Cách đây sáu tháng, trước khi về Triệu thăm nhà, Trọng Thuỷ, chồng nàng, đã tỏ ý lo ngại là không biết nhà Tần sẽ đưa quân sang xâm lược để báo thù lúc nào. Chàng nói: “Trong trường hợp quân Tần qua xâm lược thì cố nhiên hai nước chúng ta phải đồng lòng chống lại. Nhưng nếu việc này xảy ra khi ta còn đang ở bên Triệu, thì không biết phải làm ra cách nào để tìm nàng trong cơn loạn lạc?” Nàng đã ngẫm nghĩ rất lâu trước khi trả lời: “Nếu quân Tần lại sang, chắc là chàng phải ở lại chiến đấu trong hàng ngũ Triệu. Nếu chàng qua Âu Lạc tìm em, thì chàng hãy theo dấu lông ngỗng … Em có một chiếc khăn choàng làm bằng lông ngỗng, đi đến đâu em sẽ rút lông ngỗng rắc ở các ngã ba đường để làm dấu. Cứ theo dấu đó thì chàng sẽ biết em chạy về hướng nào”.
Phụ Vương nàng không nghĩ như nàng rằng đây là quân xâm lăng Tần. Vua nói: “nước Tần đã bại liệt, sắp vào tay người khác, làm sao có thể gửi binh vào Nam được. Ta không ngờ thằng Triệu Đà nham hiểm đến thế. Ký hoà ước rồi giả làm thông gia để có thì giờ chuẩn bị chiến tranh. Thằng Trọng Thuỷ, chồng của con, cũng chỉ là một đứa hèn nhát. Ta rất tiếc là đã gả con cho nó”.
Nghe phụ vương mắng nhiếc chồng như thế, Mỵ Nương Thanh Châu lấy làm đau lòng, bởi vì nàng cho rằng hai người bị nghi oan. Nhưng trong khi cả triều đình đang tin rằng đây là một cuộc xâm lăng của Triệu thì nàng khó mà nói cho cha biết đây là cuộc xâm lâng của Tần. Trọng Thuỷ chẳng nói trước như thế là gì? Tướng Đồ Thư bị giết; gần nửa triệu quân Tần bị đánh tan tành; làm sao nước Tần không căm hận? Còn Trọng Thủy, chồng nàng, thì không thể nào là một người phản bội được. Không ai hiểu chồng bằng vợ. Nàng tin rằng Trọng Thủy đã nhận nước Âu Lạc làm quê hương thứ hai của chàng. Không lý nào chàng lại có thể gây can qua giữa hai nước để làm tan vỡ cuộc tình duyên đẹp nhất trên đời. Với lại chàng cũng dư biết nước Triệu không thể nào thắng nổi nước Âu Lạc. Cha chàng là Triệu Đà đã từng cử binh sang xâm chiếm Âu Lạc; nhưng nhờ có chiếc nỏ thần, phụ vương nàng đã đánh tan quân đội của Triệu Đà và bẻ gãy cuộc xâm lược kia. Chiếc nỏ ấy là của thần Kim Quy cho, có năng lực vô song, mỗi lần dương ra là hàng vạn mũi tên tới tấp bay vào hàng ngũ địch. Chính vì chiếc nỏ thần ấy mà Triệu Đà đã nhận rằng không thể chiến thắng Âu Lạc và do đó đã ký hoà ước với phụ vương nàng. Ranh giới giữa hai bên là sông Tiểu Giang, gần núi Trâu Sơn, nơi Thiên Vương làng phù Đổng đại phá giặc Ân ngày xưa. Sau ngày ký hoà ước, vua Triệu muốn xây dựng hoà bình lâu dài nên đã cho người sang cầu thân với An Dương Vương, xin cưới nàng cho con trai là Trọng Thủy. Hồi mới nghe tin con vua Triệu muốn cưới nàng, Thanh Châu thấy trong lòng e ngại, sợ sệt. Nàng cảm thấy lo lắng. Nhưng làm thân con gái nàng phải nghe lời cha mẹ. An Dương Vương cũng muốn nền giao hảo giữa hai nước trở nên tốt đẹp nên đã nhận lời với điều kiện là Trọng Thuỷ phải theo phong tục Âu Lạc sang ở gởi rể trong vòng ba năm. Đám cưới được tổ chức trong nền hoà bình vừa mới lập lại. Dân chúng thủ đô và khắp nước treo đèn kết hoa mừng cho cuộc tình duyên của ngàn Mỵ Nương nước mình và chàng hoàng tử nước bạn. Dân chúng ăn mừng thoả thích trong ba đêm ba ngày liên tiếp.
Trọng thủy là một chàng trai hào hoa phong nhã và cũng rất si tình. Mỵ Nương rất vừa ý. Hai người yêu nhau thắm thiết. Xe ngựa của hai người đi tới đâu là dân chúng hò reo niềm nở tới đó. Hai vợ chồng được phép đi du ngoạn khắp nơi trong xứ. Có nhiều nơi, ra đón cặp vợ chồng vương giả, trai gái đứng chật cả đường làm xe ngựa kẹt lối không đi tới được nữa. Trọng Thủy lại thích vân du; chàng và Mỵ Nương đi khắp nước non, không bỏ sót khu danh thắng nào. Đến đâu chàng cũng có ghi chép. Thanh Châu không biết chàng ghi chép để làm gì. Tuy vậy nàng không hỏi. Có lẽ chàng muốn ghi lại những kỷ niệm đẹp giữa hai người.
Trọng Thủy mới ở gửi rể một năm thì vua Triệu nhớ con, gởi thư qua vua Thục xin cho Trọng Thủy về thăm. Trọng Thủy cũng nhận được thư vua cha nhắn về. Nhận được thư, chàng âu sầu mất mấy ngày làm Thanh Châu rất lấy làm thương. Chàng ngỏ ý là xin vua Thục cho nàng được về Triệu trong thời gian sáu tháng. Nghe chồng nói thế, nàng sung sướng quá. Nếu được như vậy thì quý hoá biết bao. Đã khỏi phải xa cách nhau trong sáu tháng đằng đẵng, lại được dịp xem nước non nghe nói rất cẩm tú của nhà chồng. Hai người cùng lên gặp An Dương Vương tỏ bày nguyện vọng của họ. Nhưng vua Thục lắc đầu bảo rằng như thế không đúng theo tục lệ Âu Lạc. Vua cười nói rằng theo tục lệ này, người con trai phải ở gửi rể, không những trước khi cưới mà còn sau khi cưới. Thời hạn vua đặt ra là ba năm; bây giờ mới chỉ có một năm thôi thì không thể nào vua để Thanh Châu đi về nhà chồng được, dù chỉ là trong sáu tháng. Thanh Châu biết không phải phụ vương nàng cố chấp vào tập tục hay lời hứa. Vua Thục vì không muốn xa con mà không để nàng đi, vậy thôi. Hai người tâu đến lần thứ ba nhưng An Dương Vương vẫn lắc đầu không chấp thuận.
Thế rồi cuộc phân ly xảy ra. Tuy biết chồng chỉ về thăm nhà có sáu tháng, Thanh Châu vẫn oà khóc như mưa, làm như chồng sẽ phải ở lại nước Triệu mười năm vậy. Trọng Thủy cũng rất buồn. Chàng lưu luyến không nỡ khởi hành. Nhưng rồi cuối cùng chàng cũng phải lên ngựa với một đoàn tùy tùng. Đứng ở sân điện nàng Mỵ Nương trông theo, dáng nàng buồn như dáng liễu.
An Dương Vương nghe tin giặc đến trong khi đang ngồi đánh cờ vây với các lạc hầu: “Bọn Triều Đà không còn sợ chiếc nỏ thần của ta nữa sao”? Vua vừa nói vừa cười, nâng rượu lên nhắp. Nhưng tin tức chiến trường dồn dập bay tới. Quân giặc đang tiến vào các bộ như vũ bão. Vua họp các lạc hầu lạc tường bàn cách đối phó. Mỵ Nương Thanh Châu đứng hầu vua Thục. Nàng vẫn không tin rằng đây là một cuộc xâm lăng của họ Triệu. Nàng vẫn đinh ninh đây là một cuộc chinh phạt của nhà Tần.
Một lạc tướng nói:
– Việc quốc phòng từ khi tướng Cao Lỗ từ nhiệm đã không được chăm sóc kỹ lưỡng. Xem tình thế ở miền biên giới thì biết. Giặc đi đến đâu quân ta tan vỡ đến đó. Sự xích mích giữa anh em trong nhà bao giờ cũng đi đến kết quả tai hại như vậy. Xin đức vua cho lệnh đi tìm tướng Cao Lỗ về giúp nước.
Một lạc hầu mặt trắng ngồi đối diện:
– Tướng tài nước ta không phải chỉ có một mình Cao Lỗ. Chúng ta được sự phò hộ của Long Vương và thần Kim Quy. Chúng ta lại có nỏ thần của Kim Quy. Chắc chắn là chúng ta sẽ đánh tan được giặc.
Vị Lạc Hầu mặt trắng đó, Mỵ Nương Thanh Châu biết, là một người rất chống đối tướng Cao Lỗ. Ông ta vì ganh ghét cá nhân đã rêu rao rằng tướng Cao Lỗ muốn dựa quân đội để lấn áp quyền hành của vua. Thường thân cận ra vào nơi cung khuyết, vị lạc hầu mặt trắng có hai cánh tay dài như vượn kia đã nhiều lần dèm pha khiến cho An Dương Vương càng ngày càng sanh ra lạnh lùng với vị tướng lãnh có công với đất nước. Cao Lỗ là một trong những người chống đối việc thông gia giữa hai họ Triệu và Thục. Ông ta nói rằng một người như Triệu Đà thì ta khó có thể tin cậy được. Thanh Châu tuy không đồng ý với tướng Cao Lỗ nhưng nàng kính phục thái độ thẳng thắn dám ăn nói của ông. Nàng cũng nghĩ như ông rằng phải chú trọng việc tập luyện binh sĩ, lo cho dân no ấm, nhưng nàng lại nghĩ rằng việc thông gia giữa hai nước cũng là một phương pháp tốt để giữ gìn hoà bình. Có điều nàng không ưa là phụ vương nàng quá nghe lời vị lạc hầu mặt trắng mà đối xử tệ bạc với những người có công với đất nước. Tướng Cao Lỗ đã phải từ bỏ chức vụ mình và đi biệt tích. Giống như Lý Ông Trọng ngày xưa.
Thanh Châu còn đang nghĩ tới tướng Cao Lỗ thì có quân vào báo:
– Mặt trận phía Tây Bắc đã vỡ, hiện quân giặc đang ào ào tiến về phía thủ đô Phong Khê.
An Dương Vương vội vã ra lệnh cho các lạc tướng phân phối quân ngũ để trấn giữ thủ đô. Vua vào cung lấy ra chiếc nỏ thần năm xưa đã từng giúp vua đánh tan binh đội của Triệu Đà. Nai nịt gọn ghẽ, vua cầm nỏ thần ra trận.
Quân giặc tiến vào Phong Khê như nước lũ, vượt qua những hàng rào phòng thủ Âu Lạc dễ như chẻ tre. Những đội quân tiên phong của giặc mang theo những tấm liếp bện bằng rơm cỏ. Hàng vạn mũi tên của quân Âu Lạc bắn ra đều bay đến cắm thẳng vào những tấm liếp rơm này. Mất tinh thần, quân tướng Âu Lạc phải dụng phương pháp đánh bộ. Nhưng khi quân Âu Lạc chuyển dụng phương pháp đánh bộ thì quân Triệu cho kỵ binh xông tới. Quân Âu Lạc không chặn nổi kỵ binh. Mặt trận miền Bắc thủ đô liền tan vỡ. Tiếng hò reo của địch quân vang dậy.
An Dương Vương ngồi trên mình ngựa thấy thế nguy, giương nỏ thần ra, bắn vào quân địch. Nhưng nỏ thần, không biết vì sao đã mất hiệu lực. Ngày xưa, mỗi khi giương nỏ thần ra bắn, An Dương Vương thấy sấm chớp loè ra, hàng vạn tia sáng bay vào hàng ngũ địch làm cho quân địch tan vỡ hỗn loạn trong khoảnh khắc. Bây giờ nỏ thần chỉ là một cái móng rùa vô dụng, không còn chút gì quyền phép. Vua Thục chép miệng than lớn:
– Thời của ta đã hết!
Vua quay đầu ngựa trở lại, hai chân thúc mạnh vào hông ngựa. Ngựa của vua phi nước đại về cung. Mỵ Nương Thanh Châu đứng ở ngoài sân điện tay cầm chiếc áo choàng trắng như tuyết; hai mắt đang nhìn ngơ ngác nàng bỗng trông thấy ngựa vua trở về. Nàng vừa kịp chạy ra, thì ngựa An Dương Vương cũng vừa đi tới. Vua từ lưng ngựa nhảy xuống xốc Mỵ Nương đặt lên yên sau của ngựa, và nói:
– Giặc tới nơi rồi, ta phải chạy ngay. Con ngồi cho vững phía sau, ôm lấy ta kẻo ngã.
Vua nhảy lên ngựa, ra roi. Con tuấn mã chồm lên đưa hai người vượt qua những sân điện rộng mênh mông. Phút chốc đã đến cửa Nam. Vua lấy hướng Nam mà chạy.
Ngựa phi nhanh như gió bão. Trời đã chạng vạng tối, nhưng vua Thục vẫn nằm sát lưng ngựa giật cương. Ngựa phi nhanh qua những khu rừng thẫm màu, nhiều lúc hai cha con không thấy rõ con đường trước mặt. Ngựa phi nhanh qua những khu đồi thoai thoải. Gió đập vào mặt Mỵ Nương. Tóc nàng bị gió đánh tung ra bay phấp phới. Mặt trăng đã hiện giữa trời. Trong ánh sáng mờ mờ, ngựa của Thục Dương Vương băng rừng, vượt núi, tìm về miền Nam.
Ngựa phi suốt đêm. Thanh Châu ôm chặt lấy lưng cha nàng, mong cho trời sáng. Đêm dài vô tận. Những ngôi sao trên trời dần dần mờ nhạt.
Bỗng nàng giật mình. Nàng nghe có tiếng vó ngựa của một đoàn người ngựa đang đuổi theo hai người. Vua Thục cũng đã nghe thấy những âm thanh dồn dập đó. Vua ngoái đầu trở lại nhìn. Nhưng vua chưa thấy gì. Chỉ thấy một vài chiếc lông chim bay phấp phới. Vua thúc hai chân và hông ngưa, giật cương tới tấp. Con ngựa chồm lên. Tới một ngã tư, vua cho ngựa rẽ hướng có chân trời đỏ rực.
Mỵ Châu bồn chồn trong dạ. Ai đang đuổi theo cha con nàng? Chỉ có thể là Trọng Thủy. Chỉ có thể là chàng. Chỉ có chàng mới nhận ra vết lông ngỗng. Từ chiều hôm qua đến nay ngồi trên lưng ngựa, thỉnh thoảng nàng rút tay trái ra rứt từng chiếc lông ngỗng trên tấm khăn choàng màu trắng để rải lên mặt đường, nhất là những ngã tư, ngã ba. Nàng làm theo lời hẹn với Trọng Thủy để chàng biết nàng lạc về đâu mà tìm. Nhưng nếu đây là một cuộc xâm lược của quân Tần, thì sao Trọng Thuỷ có mặt trong cuộc tấn công này được? Thôi chết rồi, đây quả là một cuộc phản bội của họ Triệu. Thôi rồi, Trọng Thủy đã đánh lừa nàng. Một tia sáng xẹt nhanh như chớp giật qua trí óc Mỵ Nương Thanh Châu. Nàng nhớ lại có lần Trọng Thuỷ hỏi nàng:
– Nếu quân Tần sang xâm lược hai nước chúng ta, thì chúng ta phải có phương thức chống lại. Bên nước Triệu, đoàn kỵ binh được luyện tập kỹ lưỡng. Đó là một đoàn quân tinh nhuệ. Còn ở Âu Lạc, không biết đã có phương thức nào chống giặc hữu hiệu chưa?
Nàng mỉm cười trả lờI:
Chàng chớ lo cho Âu Lạc. Phụ vương em có một cái nỏ thần của Kim Quy tặng năm mươi năm về trước. Hễ quân Tần đến, phụ vương em đem nỏ thần ra bắn một phát, thế là quân giặc tan.
Trọng Thủy tỏ vẽ mừng rỡ.
– Vậy thì quý hoá quá! Thôi thế thì chúng ta khỏi lo cho Âu Lạc. Nhưng nỏ thần ấy nàng đã được tận mắt thấy chưa? Nàng có dịp đưa tay cầm lấy bảo vật ấy chưa?
– Không những em đã thấy mà em lại còn được cầm lên ngắm nghía và biết hiện giờ phụ vương em cất giữ nó ở đâu nữa. Nếu chàng muốn thấy em có thể sang lấy cho chàng xem.
Trọng Thủy nói:
– Hẳn nhiên là ta rất mong ước trông thấy cái bảo vật đó. Nhưng ta nghĩ em không nên động tới bảo vật của phụ vương
Mỵ Châu cười:
– Bảo vật của phụ vương, nhưng cũng là bảo vật của em! Chàng đợi em một chút.
Nói xong nàng chạy qua tẩm điện vua Thục. Một lát sau nàng trở về với chiếc nỏ thần. Trọng Thuỷ đã quan sát khá kỹ lưỡng, và đưa nỏ thần lại cho nàng ngay khi đó, bảo phải đem trả lại chỗ cũ ngay. Nhưng sau đó một tháng, chàng muốn tỏ ý muốn xem nỏ thần lại lần thứ hai. Cố nhiên là Mỵ Châu chiều chồng. Vì Thục Vương lần này đi vắng tới ba hôm, nàng đã để cho chàng giữ nỏ thần trong tẩm điện của chàng một đêm. Có lẽ người con trai kia đã làm hư nỏ thần, hoặc đã làm một cái nỏ khác tương tự để đánh tráo nỏ thần. Điều đó rất có thể xảy ra mà nàng không biết. Chỉ biết chiếc nỏ mà phụ vương nàng cầm trên tay bây giờ không còn một chút gì thần lực. Nàng đang ngao ngán thì bỗng An Dương Vương ghìm cương ngựa lại. Phía trước là biển cả. Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt nước: đại dương đỏ như một biển máu. Con đường mòn đến đây là hết.
Tiếng vó ngựa đuổi theo phía sau vọng lại rõ mồn một. An Dương Vương ngồi trên ngựa nhìn trời, nhìn biển, than lớn:
– Bố và Cái nỡ bỏ ta sao? Thần Kim Quy đâu, sao không đến cứu ta?
Bỗng từ dưới nước, một con Thần Quy màu vàng rực nổi lên. Kim Quy nói:
– Mau lên, giặc ở ngay sau lưng rồi.
Vua Thục ngoảnh lại nhìn phía sau. Một đoàn kỵ binh xuất hiện phía cửa rừng, bụi tung mờ mịt. Mỵ Nương Thanh Châu tưởng vua quay lại nhìn mình. Nàng cho rằng tất cả tai hoạ của đất nước đều do nàng đem lại. Nàng đã quá tin người. Nàng nói:
– Con là gái, nếu có lòng phản nghịch để tìm cách mưu hại phụ vương thì khi chết, xin cho thân xác này biến thành bụi đất. Còn nếu con là người trung tín, chỉ vì ngây thơ mà bị người ta lừa gạt thì xin sau khi chết hóa thành châu ngọc để minh chứng cho tấm lòng chung thủy của con với cha, với dân và với nước.
Nói xong, nàng rút chiếc gươm ở lưng vua Thục, đâm vào bụng nàng.
Còn ngơ ngác với lời nói của con, vua Thục không kịp ngăn cản. Thân hình Mỵ Châu đã rơi xuống ngựa, trên bãi cát, mấp mé bờ nước.
– Mau lên đi, giặc ở ngay sau lưng rồi!
Tiếng nói oang oang của thần Kim Quy lại vọng lên. Vua Thục nhảy xuống ngựa quỳ xuống ôm xác con, mắt đầm đìa lệ. Nhưng thần Kim Quy đã kéo vua đứng dậy và trao cho vua một chiếc sừng văn tê bảy tấc. Kim Quy rẽ nước, đưa An Dương Vương vào sâu dưới đáy biển đi về thủy cung. Nước từ từ khép lại.
Đoàn kỵ mã phía sau đã tới. Trọng Thủy, trong nhung phục màu đen, nhảy xuống ngựa. Chàng không nhìn thấy An Dương Vương, chỉ thấy một con ngựa hồng yên cương đầy đủ đang đi men theo bờ cát. Nhìn xuống dưới chân, chàng thấy thân xác Mỵ Châu sóng soài trên cát. Máu nàng thấm loang ra làm đỏ cả một vùng cát trắng.
Kêu lên một tiếng “Thanh Châu”, chàng quỳ xuống ôm lấy xác Mỵ Nương, nhìn thẳng mặt nàng. Thân xác Mỵ Châu đã lạnh. Nét mặt nàng trầm tĩnh và lặng lẽ đến lạnh lùng.
Trọng Thủy khóc như mưa. Chàng xốc Mỵ Nương, đỡ nàng lên ngựa, và ra lệnh cho cả đoàn kỵ mã lên đường về Phong Khê.
Triệu Đà lấy được nước Âu Lạc, gồm cả hai nước Triệu và Âu Lạc, lập thành nước Nam Việt. Trọng Thuỷ đem Mỵ Châu về chôn ở thành Ốc, ngay nơi chỗ hai người ngày xưa đã sống với nhau. Từ đó chàng từ chối không muốn gặp mặt ai hết, kể cả cha là Triệu Đà. Ra vào nơi chốn mà khi xưa cùng Mỵ Nương cùng sống, nhìn lại những nơi Mỵ Nương hay ngồi ngắm trăng, rửa mặt, thay áo, điểm trang, tắm gội. Trọng Thủy nhớ lại tất cả những ngày kỷ niệm ngày xưa. Chịu không nổi niềm đau khổ ray rứt trong lòng, một buổi trưa kia chàng nhảy xuống một chiếc giếng sâu ngoài sân điện mà chết. Sau đó, Triệu Đà dời đô về Phiên Ngung, lập kinh đô ở đây và tự xưng là Triệu Vũ Vương.
Ngư dân làng Cao Xá ở châu Diễn gần núi Mộ Dạ trong khi lặn xuống biển sâu đã tìm được nhiều ngọc châu trong lòng của loài hàu hến. Những con ốc trai này đã ăn máu đào chảy ra từ thi thể Mỵ Châu. Chính ở bờ biển ngư thôn Cao Xá này mà Mỵ Châu đã tự tận.
Có những người ở Phong Khê nói rằng đem những ngọc châu mua được ở Châu Diễn mà rửa bằng nước múc ở giếng ngày xưa Trọng Thủy trầm mình thì sắc ngọc trở thành rực rỡ. Người trong xứ truyền tụng câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu, và tỏ ý tiếc rằng người con trai kia đã không xứng đáng với tấm chung tình của nàng Mỵ Nương nước họ.