05. Văn Lang
Khắp nơi trong xứ, dân chúng treo đèn kết hoa để chuẩn bị đón mừng vương quốc mới và hoàng đế mới. Người ta biết vương quốc mới sẽ lấy tên là Văn Lang và vị hoàng đế chính thức đầu tiên của họ là Hùng Vương, do toàn dân suy tôn
Lễ đăng quang của vua Hùng sẽ được chứng kiến bởi cả tiên mẫu Âu Cơ và Long Phụ Nãgajãra.
Khắp nơi, dân chúng mở hội từ mười hôm trước lễ đăng quang. Tiếng trống đồng và tiếng múa hát vang dậy. Dân chúng được mùa, thóc lúa đầy bồ, cá tôm đầy thuyền ăn không hết. Rượu nếp đã được cất rất nhiều để dành cho những ngày đại hội.
Ngày đăng quang của vua Hùng còn đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chế độ gia tộc: chế độ mẫu hệ được chuyển thành chế độ phụ hệ. Từ nay con sẽ lấy họ cha, và người con gái sau đám cưới thì về ở nhà chồng. Người mẹ Tiên nữ và người cha Long Vương của dân tộc đã đề ra mẫu mực cho sinh hoạt toàn dân: nước Văn lang cũng như người Văn lang phải đẹp và hiền. Đẹp tức là sáng tỏ, bỏ thói thô bạo, tạo nên nếp sống thuần nhã, tươi sáng, văn minh. Như vậy gọi là Văn, con Lang nghĩa là hiền hậu, nhân từ bỏ những hành vi cường bạo, độc ác. Văn Lang, cái tên vương quốc mới lạ và đầy đủ ý nghĩa làm sao.
Vì chế độ mẫu hệ được đổi ra chế độ phụ hệ, nên vua sẽ được gọi là Hùng Vương chớ không phải Lạc Vương. Nghe đâu Hùng Vương hồi còn trẻ đã từng đi xuống thủy cung để đón đức Long Vương về làm mưa cho thế gian. Ai cũng từng nghe tiếng con người quả cảm và thông minh này. Đó là người lãnh đạo vương quốc của họ, là người dòng giống chính thống con rồng cháu tiên, được cả Long Phụ, Tiên Mẫu và cả dân chúng Phong Châu tin cậy. Hoàng hậu vốn là một cô gái con nhà nghèo tên Mỵ, đã từng giúp vua trong chuyến đi về thủy phủ. Bây giờ lên làm hoàng hậu, mọi người đều gọi nàng là Mỵ. Có người lại gọi nàng là nàng Mỵ, hay là Mỵ Nương, để tỏ vẻ tôn quí.
Từ nay, con cháu sẽ lấy tên của cha. Ngày xưa Âu Cơ đã thường lấy tên hoa cỏ, sông núi để đặt tên cho một trăm đứa con đầu: Sơn, Thủy, Mai, Lê, Đào, Lý, vân vân; một trăm con thoát thai từ trăm trứng đã có một trăm tên khác nhau. Bây giờ đây, những tên đó trở thành họ, tiêu biểu cho phụ hệ, và nước Văn Lang có tới trăm họ truyền nối đời đời. Thành Phong Châu xây ngay ở thôn Bạch Huệ, quê hương của Hùng và Mỵ, nơi có cây chiên đàn cao tới ngàn tầm, đọt lá khuất trong mây. Ở phía nam ngoại ô thành; có một nhà trí thức họ Lưu. Ông là một trong những người sốt sắng muốn làm sáng tỏ chủ trương văn hóa của Long Vương và Âu Cơ. Họ Lưu là người giao thiệp rộng, biết nói và biết viết tới bốn thứ tiếng. Đó là tiếng của người phương Bắc sống phía bên kia bờ biển Động Đình, tiếng của người phương Nam ở nước Hồ Tôn Tinh, tiếng của người phương Tây ở nước Lão Qua và tiếng Phạn của những người từ Tây Vực sang buôn bán bằng thuyền buồm. Họ Lưu cũng là giáo sư của trẻ em trong châu quận. Khách khứa và học trò của ông thường nhìn ông và tỏ vẻ khâm phục, mỗi khi nghe ông ngồi nói chuyện bằng tiếng ngoại quốc với những người tới từ phương xa. Họ đồn ông có viên ngọc quý của vua Hùng ban cho nên có thể nghe, hiểu và nói được tiếng người nước ngoài.
Trước lễ đăng quang một hôm, giáo sư họ Lưu tiếp một người khách quý. Đó là một vị Quan Lang con nuôi của vua Hùng, được vua ban cho họ Cao.
Họ Cao có hai người con trai tuấn tú, tên là Cao Tân và Cao Lang, là anh em sinh đôi, giống hệt nhau, chỉ có cha mẹ hai người mới phân biệt được dễ dàng. Hai chàng đã lên mười bốn tuổi, và họ Cao rất muốn hai con được theo đòi văn học. Hai chàng cùng theo cha đến trình diện giáo sư họ Lưu ngày hôm ấy, và đã được nghe câu chuyện rất say mê giữa những người lớn.
Tân nghe giáo sư Lưu nói với cha mình như sau:
“Chuyển sang chế độ phụ hệ, cũng hay. Người đàn ông nhiều sức lực, tháo vát và thường hay bình tĩnh, nên có nhiều khả năng bảo vệ gia đình hơn. Ngài Quan Lang hãy xét xem, bà chúa Âu Cơ tuy rằng trong mấy trăm năm qua là chúa tể của vương quốc, nhưng sự thực bà đã trao hầu hết trách nhiện cho những người nam nhi tuấn tú xem sóc bảo vệ nhân dân. Thiếu mặt đức Lạc Long Quân, là một sự thiếu thốn quá lớn, nếu trong vương quốc không có một vị hoàng đế như vua Hùng. Mà đức Long Quân đâu có thể ở mãi trên đất; lãnh thổ của ngài là ở dưới biển. Biết bao nhiêu công việc còn chờ đợi ngài dưới đó.
Chính đức bà Âu Cơ cũng không thể ở mãi trong xã hội nhiều tiếng động và bụi bặm của nhân quần. Bà là cốt tiên, cho nên bà cứ có khuynh hướng trở lên ẩn cư trên những đỉnh núi, nơi cảnh trí nước non mỹ lệ diệu kỳ không kém cảnh trời quê hương của bà là mấy. Trên những đỉnh núi thanh tịnh, có hoa, có tuyết, có suối, có động ấy, bà ưa tiêu dao với những con người con cháu đã có cùng một khuynh hướng siêu thoát. Bà chỉ về Bạch Hạc khi có những chuyện cần thiết nhất. Tôi được nghe kể lại là có một đêm kia, nghe tin ngư dân bên bờ Đông Hải bị một con yêu quái sát hại, bà đã xuống tới biển cùng với năm bảy người tiên mà bà đã cầu được từ thượng giới. Bầy tiên theo sự yêu cầu của bà, đã ra tay tháo những tảng đá lớn to bằng nóc nhà ở đầu nghềnh, chồng lên đỉnh núi, mở một con kinh để cho thuyền ngư dân tránh sóng gió và khỏi đi ngang qua hang yêu tinh. Công việc sắp xong thì ngư tinh biết. nó hóa thành một con gà trắng, gáy lên. Chư tiên nghe tiếng gà gáy tưởng là trời đã sáng, liền bay lên trời hết, bởi họ không được phép lưu lại hạ giới ban ngày. Nghe nói thuở khai thiên lập địa, một lần chư tiên có xuống ban ngày; nhưng từ khi bà Âu Cơ bị đọa vì ăn nhằm đất mới, chư tiên chỉ có thể xuống lén ban đêm. Con kinh được khai thông nửa chừng phải bỏ dở. May thay, sau đó đức Long Quân đã trở lên, giết được yêu quái. Nay con kinh vẫn còn đó và gọi là “Kinh Tiên Đào”.
“Đấy, ngài Quan Lang hãy nghĩ xem. Dân mình phải tự lập lấy, không thể ỷ lại nơi cha mẹ tiên rồng mãi. Các vị là những kẻ bất tử, còn chúng ta thì lại có sinh có diệt. Ngài Quan Lang thường thân cận đức vua Hùng, có nghe ngài nói về chuyện này hay không?”
Vị Quan Lang họ Cao gật đầu:
– Tôi nghe nói chuyện này rất rõ. Đầu đuôi cũng do phụ vương Hùng tôi kể lại. Ngài nói rằng, một hôm đức bà Âu Cơ và đức ông Lạc Long ngồi bàn việc nước, ngài có được tham dự. Đức bà nói: “Long Quân xin hãy ở lại với thường với chúng dân, đừng về thủy phủ hoài để mẹ con ta trông nhớ”. Đức Long Vương trả lời: “Ta thuộc loài rồng, ở chốn thủy cung; nàng là giống tiên, ở nơi thiên cung; nguồn gốc chúng ta rất là khác biệt, nhưng kết quả của tình yêu chúng ta thì rất là đẹp đẽ. Tuy nhiên vì nguồn gốc khác nhau đó, ta và nàng không thể ở chung hoài được, điều đó, lâu nay thường thấy rõ. Nàng là cốt tiên nên ít chịu đời sống náo nhiệt, bụi bặm, thường ưa chọn cảnh sơn lâm, tạo nên non Bồng nước Nhược mà tiêu dao tự tại. Còn ta vì có cốt rồng cho nên phải trở về thủy giới lo cho công việc của người chăn dân. Vậy nên ta phải khuyên con cháu tự lo lấy vận mệnh của chúng; còn chúng ta, chúng ta chỉ có thể thỉnh thoảng tới lui để giúp đỡ và bảo vệ mà thôi”. Một hồi sau, đức Long Vương nói tiếp: “Các con cháu của chúng ta, vì nhận chịu hai nguồn gốc tiên và rồng, nên tính khí của chúng cũng không đồng… có đứa thì ưa miền núi non cao nguyên ít náo động, có đứa thì lại chuộng miền sông biển, hoạt động không ngừng. Vậy ta nghĩ rằng trong dòng họ của trăm đứa, những ai có tính khí chuộng yên tĩnh thì trấn cư miền núi non và cao nguyên; còn những ai có tính khí chuộng hoạt động sông hồ thì về ở miền biển và hạ nguyên. Nàng để mắt phía núi, ta để mắt phía biển. Tuy tạm phân ra như thế nhưng không phải chia rẽ; ai muốn lên núi hay xuống nước tùy ý, có việc phải cùng nghe nhau, bàn chung với nhau, giải quyết cùng nhau, thân thiết không được bỏ nhau.
Vị Quan Lang nói tiếp:
Chính vì quyết định ấy nên mới có sự thành lập vương quốc mới mà kinh đô đặt tại Phong Châu, có thể gọi là nơi môi giới của hai miền núi nước, và vua Hùng mới được nhân dân suy tôn lãnh đạo vương quốc. Tôi rất am tường cách thức vua Hùng tổ chức triều đình. Vua nói rằng dù đã tổ chức theo phụ hệ, nhưng phải giữ mãi dấu hiệu chim Lạc để nhớ đến nguồn gốc tiên bên mẹ. Do đó, những tướng văn đều được gọi là Lạc Hầu, chọn trong những anh em thông minh nhất. Còn võ thì gọi là Lạc Tướng trong số những anh em vũ dũng nhất. Tôi không hiểu sao vua Hùng chưa mời bác vào những Lạc Hầu của triều đình nhỉ, bởi vì bác cũng thuộc về hạng tài ba lỗi lạc nhất nước…
Vị giáo sư họ Lưu khiêm nhượng:
Vua Hùng không mời tôi là phải đấy, thưa ngài Quan Lang. Bởi tính tôi lười, chỉ biết dạy học, không ham trị nước. Với lại tôi nghĩ dạy học cũng là một cách dựng nước, thưa ngài.
– Thì cố nhiên công việc giáo dục con em quan trọng lắm rồi. Nếu không tôi đâu có dám đường đột tìm tới hôm nay. Để tôi nói tiếp chuyện tổ chức triều đình hầu ngài nghe.
Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? Phải rồi, quan văn thì gọi là Lạc Hầu, quan võ thì gọi là Lạc Tướng. Những hoàng tử con trai của vua thì gọi là Quan Lang; tôi là con nuôi nhưng cũng được lạm nhận danh nghĩa ấy – các công chúa con gái vua đều được gọi là Mỵ Nương, đó là theo ý muốn của hoàng hậu. Còn các quan làm việc ở Hữu ty thì gọi là bố chính. Vua gọi chức vụ thần tử là khôi, một cách thân mật, lấy cớ là tất cả đều anh em trong một nhà.
Tôi thấy hai thánh và vua Hùng sắp đặt như vậy thật là hoàn hảo. Tôi hâm mộ tiêu chuẩn Văn Lang, và muốn góp sức phần nào xây dựng kỷ cương của vương quốc mới. Này hai cháu, con của ngài Quan Lang, ở ngay trong thành Phong Châu này thì cũng gần, khỏi cần phải ở lại học xa. Hai cháu cứ sáng đến chiều về cũng đủ theo học được rồi. Ngài Quan Lang đừng lo ngại. Tôi có một cháu gái cũng trạc tuổi hai cháu, tôi cũng muốn cho cháu học chữ nghĩa. Biết đâu sau này nó lại không giúp nước giúp dân được. Để tôi gọi nó lên chào ngài Quan Lang. Thảo ơi, lên rót nước mời khách quý của bố đi con.
Từ phía sau rèm, một thiếu nữ đoan trang và thùy mỵ bước ra. Tóc nàng đen huyền buông xuống quá vai. Dáng người nàng thanh nhã; da nàng trắng như tuyết, hai mắt đen lay láy. Thiếu nữ cúi chào mọi người rồi thoăn thoắt đi soạn ra trước khách những cái chén uống nước màu đất hồng. Thấy hai người con trai thanh tú giống nhau, trang phục cũng y hệt như nhau, nàng ngạc nhiên nhìn lâu một lúc. Khi mắt nàng chạm mắt của hai người, nàng e lệ nhìn xuống.
– Con gái của bác đây, phải không? Thật là xinh quá đi mất. Không hổ tí nào với cái nguồn gốc tiên rồng của cháu.
Vị Quan Lang nói thế rồi nâng tách trà lên uống, trong khi nàng thiếu nữ thẹn thùng đứng nhìn xuống đất, bên cạnh cha nàng. Ông giáo sư họ Lưu âu yếm nhìn con:
– Ngày mai, thế nào con cũng được đi xem lễ đăng quang của vua Hùng. Nước có vua, như nhà có nóc ! Thế nào ngày mai thiên hạ khắp nước lại không mở hội suốt cả ngày đêm! Tôi rất mong được thấy giờ phút vua Hùng ngồi lên ngài vàng, sau khi đã được hai Thánh đội cho vương niệm có đính hình chim Lạc
Vị quan lang đứng dậy cáo từ:
– Rồi bác sẽ thấy chiếc ngai vàng chạm rồng. Thật là đẹp hết chỗ nói. Nhưng mà trong một cái lễ đăng quang như thế, nếu đức Long Vương hiện hình rồng vàng phía trên cao thì dân chúng mới thật là hả hê đấy, có phải không ông giáo sư? Thôi chúng tôi xin cáo từ. Chào giáo sư đi hai con, chúng ta còn phải về sửa soạn để ngày mai đi dự hội nữa chứ !
Sau khi tiễn khách ra khỏi cổng trúc, giáo sư họ Lưu trở vào, nét mặt tươi như hoa. Ông lẩm bẩm: “ Đức Long Quân hiện hình rồng vàng trên trời, ngay trên ngai vàng của hoàng đế! Tại sao lại không có chuyện đó được? Mình muốn gì thì mình cứ nói, nói lớn lên, thế nào cũng được toại nguyện, chứ sao?”
Thấy bố hân hoan như một đứa trẻ con, nàng thiếu nữ có tên là Thiên Thảo mỉm cười một mình.