Câu 15: “…Như vậy thì những người nhờ bác sĩ nạo thai có phạm giới thứ nhất không?”
Tại sao thiên hạ thắc mắc những chuyện nhỏ nhặt như sợ giết gián, giết kiến thì phạm giới. Tôi muốn mời các bạn vào thăm bệnh viện Từ Dũ để chứng kiến bao nhiêu chiếc thai bị nạo. Như vậy thì những người nhờ bác sĩ nạo thai có phạm giới thứ nhất không?
Đáp : Như tôi đã trả lời qua câu hỏi thứ 9. Mỗi trường hợp mỗi khác, không nên quơ đũa cả nắm và lên án chung tất cả những người nạo thai. Những người nạo thai ở bệnh viện Từ Dũ không phải là nạn nhân của hải tặc trên biển nhưng có thể cũng là nạn nhân của người có quyền hãm hiếp, mà vì cô quá nhỏ, quá dại nên không dám la lối và cưỡng lại. Có thể cô bị người dượng, hay kế phụ, hay ông chủ sở làm dọa dẫm, dụ dỗ, phục rượu rồi hãm hiếp. Một số những cô bé mới lớn rất dại dột và sợ hãi. Khi bị hãm hiếp cô rất khổ đau nhưng không dám cưỡng lại mà cũng không dám nói với ai, dù là với mẹ. Có khi cô là nhân viên mà chỗ làm việc có lương lớn, đủ để nuôi một gia đình mẹ già, em bệnh v.v… cô rất căm hờn trong lòng, cô rất uất ức, nhưng vì sợ mất việc làm nên cô không có cách gì để cưỡng lại. Có những cặp vợ chồng lương thiện nhưng vì quá nghèo, con đã quá đông và không thể nuôi nổi thêm một cháu nữa, đành phải làm như vậy.
Dĩ nhiên nạo thai sẽ làm tan nát tâm hồn của người phụ nữ đương sự. Cho nên xin những người chồng, những thanh niên thanh nữ đang yêu nhau nên nhớ NGỪA bệnh hơn là TRỊ bệnh. Xin các quý ông giữ chánh niệm, nuôi dưỡng lòng từ bi, để đừng trở thành tác giả của những thảm kịch, buộc người kia phải nạo thai. Nếu hai người yêu nhau mà chưa sẵn sàng lập gia đình và có con, thì tại sao cả anh và cả chị lại hấp tấp, hời hợt, thiếu cảnh giác, sống bất cần, để rồi người thiếu nữ phải gánh chịu việc giết bỏ mầm sống tình yêu của hai người (trong khi ngày nay có nhiều biện pháp ngừa thai)? Hành động nạo thai có hậu quả tâm lý rất sâu cho người phụ nữ, các em có biết điều đó không? Nhiều thiếu nữ sau đó đã chon con đường tự tử, và nhiều thiếu phụ đã bốn mươi, năm mươi tuổi vẫn còn khổ đau vì chuyện phá thai ngày xưa.
Tôi đã từng cùng với quý thầy và quý sư cô Làng Mai làm phụ tá cho Thầy tôi, Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn nhiều khóa tu cho người Việt và người Tây phương từ năm 1983. Tôi luôn khuyến khích người ta thổ lộ với Thầy chúng tôi những khó khăn của họ để Thầy có thể giúp họ chuyển hóa những nỗi đau thâm sâu nhất. Nhưng Thầy đâu có thể tiếp tất cả mọi người được, cho nên Thầy đã bắt chúng tôi, những người học trò lâu năm của Thầy, ngồi nghe nỗi khổ niềm đau của từng người và để chia sẻ với họ. Chuyện của James là một trong hàng chục câu chuyện tương tự của những cựu chiến binh cũng như của những người khác. Ban đầu chúng tôi cứ tưởng là đây là vấn đề của người Mỹ, nhưng sau này, trong khi phụ tá Thầy chúng tôi tại các khóa tu ở Anh, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Ba Lan, Úc, Nhật, Đại Hàn v.v… và nhiều khóa tu cho đồng bào Việt Nam, chúng tôi đã nghe những thảm kịch não lòng tương tự.
Và kinh hãi hơn là có nhiều phụ nữ Việt Nam, lớn lên ở đất nước Việt Nam, cũng có những bi kịch thầm lặng ghê gớm vì người cậu, người chú, người dượng v.v… không giữ giới thứ ba là không tà dâm. Và phần đông những thảm kịch xảy ra khi ông chú hay ông dượng uống đến ly bia thứ ba. Có biết bao đau khổ trên đời đã đến từ chuyện người ta uống rượu quá nhiều, từ chuyện thiếu trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục, từ chuyện nói dối hay gây đau khổ từ lời nói thiếu chánh niệm, hoặc loan truyền những tin mà mình không biết chắc là có thật. Có biết bao trẻ em được nuôi lớn bởi những kẻ rượu chè, trong một môi trường mà thiên hạ mở miệng ra là chỉ nói những chuyện tục tĩu, dâm dục, chia nhau xem những phim ảnh dâm loạn. Những kẻ hãm hiếp trẻ em vì chính họ cũng đã là nạn nhân của thế hệ người lớn đi trước họ khi họ còn thơ ấu.
Tôi thấy ra rằng những người đánh đập vợ hay con mình thường là những người đã từng bị cha mẹ hay anh chị đánh đập. Họ là nạn nhân của những người lớn thuộc thế hệ trước không giữ Năm Giới quý báu. Họ không biết rằng nếu áp dụng những phương pháp thực tiễn như điều Bụt dạy và chuyên tâm rèn luyện thì từ từ mình có thể chuyển hóa những tập khí xấu để trở thành một người sáng suốt, tươi mát, thanh bạch, biết lắng nghe để hiểu và nhìn kỹ để thương, và không còn là hung thần của con cháu mình và những người chung quanh nữa. Và những người con, nạn nhân của những thế hệ trước vì không biết tu, không có chánh niệm nên đã để tập khí xấu do cha ông trao truyền, tiếp tục làm khổ đời con, đời cháu mình. Luân hồi những tập khí khổ đau này từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến mãi mãi về sau.
Nẻo thoát cho khổ đau là tham dự vào một tập thể vui tươi và đang cố gắng thực tập đi về hướng chân, thiện, mỹ. Những người trong nhóm phải thành khẩn nhìn vào những điểm yếu của mình, cười với chúng, tự chế tác ra những cách nhắc nhở mình biết dừng lại, nhìn kỹ và chuyển hóa những tập khí không đẹp không lành đó.
Xã hội chúng ta sau hơn 30 năm thanh bình, đời sống kinh tế ngày thêm dễ dãi, con người quên phần phấn đấu rèn luyện tâm linh nên dễ bị thói hư, thiếu đạo đức kéo đi. Nếu để cho cơn khát khao tiền bạc, danh vọng, ích kỷ đẩy đưa đến những hành động tàn bạo thì chúng ta đánh mất từ từ gia tài văn hóa tâm linh thiêng liêng mà tổ tiên đã để lại từ mấy ngàn năm. Nếp sống thanh bạch, hy sinh, mến yêu sống đời liêm khiết, cao thượng, biết lo cho hạnh phúc ấm no của mọi người, mọi nhà mà không chỉ lo riêng cho mình, ngày càng thưa bớt đi. Chúng ta cần phải phục hồi lại gia tài tâm linh của ông cha ta để lại. Năm Giới tiêu biểu cho một lối đi sáng đẹp đưa tới sự tỉnh thức, trân quý những mực thước rành rọt để phục hồi gia tài tâm linh ấy. Cho dù không bị hành hạ khi còn nhỏ, hay không có vấn đề với nạn rượu chè nghiện ngập, giao du vô tránh nhiệm v.v… chúng ta cũng có thể giúp rất nhiều người qua việc thọ nhận và hành trì Năm Giới. Chúng ta có thể làm gương, và hướng dẫn mọi người đi về nẻo an lạc.
Để hành trì Năm Giới những điểm sau đây cần được ghi:
– Chánh niệm là nền tảng của tất cả các giới. Ta sẽ không cần giữ một giới nào nếu ta giữ được chánh niệm hai mươi bốn giờ trong ngày – nghĩa là tập dừng lại từng hành động, lời nói và tư duy, nhìn kỹ và nhìn sâu với sự sáng suốt và lòng từ bi. Nhưng vì chưa làm được vậy, ta cần phải thực tập Năm Giới là những nguyên tắc chỉ đạo tương đương.
– Giới tướng của Năm Giới được Sư Ông Nhất Hạnh trình bày trong sách này là nằm trong tinh thần của giới do Bụt Thích Ca đề ra, được cập nhật hóa để đáp ứng những nhu yếu và khó khăn của con người trong thời đại ngày nay.
– Không ai có thể giữ giới một cách hoàn toàn. Ngay chính Bụt cũng không thể làm điều ấy. Khi luộc rau, ta đã giết các vi sinh vật trong nước, hay khi dùng thuốc kháng sinh, ta cũng giết các loài vi khuẩn trong ruột. Nếu chúng ta sống một cách chánh niệm, đi về hướng bất bạo động một cách nhẹ nhàng là đã đủ tốt rồi.
– Hướng của Năm Giới là hướng Chân, Thiện, Mỹ. Để chuyển hóa tâm thức cộng đồng đến chỗ Chân, Thiện, Mỹ, chúng ta tiến về hướng đó, giống như đi về hướng mặt trời. Ta không thể leo lên mặt trời, và cũng không cần làm vậy. Đi về hướng đó là đủ rồi.
– Trong khi gắng hết sức mình để đi về hướng đó, biết rằng không mấy ai có thể sống theo được mức cao nhất của mình, chúng ta cần có một nhóm những người bạn để có thể cùng nhau thực tập đều đặn và chia sẻ các kinh nghiệm khi hành trì theo Năm Giới. Khi gặp phải khó khăn, Sư Ông Nhất Hạnh khuyên ta cần nên thực tập với tăng thân và thường xuyên cùng nhau tụng giới để nhắc nhở, sách tấn nhau, và tìm những nẻo thoát cho các tình trạng bế tắc của gia đình và xã hội. Đó là lý do tại sao Sư Ông nói buổi lễ truyền Giới sẽ vô hiệu hóa nếu giới tử không tụng giới ít nhất là ba tháng một lần với tăng thân mình.
Như Patricia Marx Ellsberg chỉ ra trong bài viết của bà, tình trạng thế giới hôm nay đầy hoang mang và bạo động, để cho tương lai còn có mặt, không chỉ các cá nhân, mà các quốc gia đều cần phải trì giới với tư cách toàn dân cùng giữ giới thì mới mong sớm lành mạnh hóa cho xã hội mình.