Câu 12: “…Và tôi cũng không biết phải xử lý thế nào với sự lan tràn quấy phá của kiến, gián, và những sinh vật tai hại khác trong nhà…”
Khi chăm nom vườn tược tôi thường hay thấy là cần phải diệt một số sinh vật tai hại đang phá hoại khu vườn – sâu, bọ và các loài chuột đất cắn chết rễ cây rau cải. Như vậy có đi ngược lại Giới Thứ Nhất hay không? Và tôi cũng không biết phải xử lý thế nào với sự lan tràn quấy phá của kiến, gián, và những sinh vật tai hại khác trong nhà. Một người Phật tử có tu tập thì xử lý các vấn đề này ra sao?
Đáp: Ngay cả khi đun một ấm nước, ta cũng phải ý thức rằng trong tiến trình này có rất nhiều vi sinh vật đang bị giết. Cố gắng của mình là đi về hướng trân quý sự sống càng nhiều càng tốt, là bớt giết hại càng nhiều càng tốt, cho nên ta phải tìm nhiều cách để ít gây tổn hại nhất cho mọi loài mà thôi chứ không thể nào ta có thể bảo vệ sinh mạng của mọi loài được 100% cả. Để thuốc trừ sên, trừ chuột đất thì dễ rồi nhưng lòng từ bi của ta tổn thương quá khi thấy chúng chết. Ta nên hỏi ý các bạn cùng tu, sẽ có nhiều bạn chỉ cách. Ví dụ, trong việc làm vườn, chúng ta học cách trồng bên cạnh những rau trái, hoa quả của mình những loại rau khắc kỵ các loài sâu, bọ. Có khi ta rắc tro quanh những cây xà lách con thì sên, ốc sẽ không đến gần được để ăn xà lách của ta. Chúng ta tránh dùng những loại thuốc trừ sâu độc hại, và nếu được thì dùng những loại thuốc hữu cơ không gây chết chóc.
Cũng vậy, chúng ta cố ngăn kiến và gián bằng những phương tiện vô hại như tránh để thức ăn ở những nơi chúng có thể bò tới. Và đối đế lắm, nếu thấy bắt buộc phải giết những sinh vật này, thì quan trọng nhất là phải ăn nói ngọt ngào, mời chúng đi chơi chỗ khác, và nói rằng ngày hôm sau ta sẽ phải xịt thuốc. Đó là trường hợp của các vị phải chăm sóc làng Mai những năm đầu khi phòng ngủ của thiền sinh chỉ là những chuồng bò được rửa sạch vách và đóng ván làm sàn phòng. Mùa hè trên vách cũ có rất nhiều con vật li ti tên là con tháng tám (aoutas). Những con này bám vào da thịt các cháu bé về Làng và làm thành những mụt đỏ sưng to bằng đầu ngón tay trên da non mịn màng của các cháu. Thấy rất tội nghiệp. Vì thương các cháu bị con tháng tám tấn công nên các sư cô chăm sóc Làng Mai phải năn nỉ các chú Aoutas đi di cư sớm một chút, trước khi Làng mở cửa. Các sư cô đem chổi quét rất kỹ các ngõ ngách, vừa quét vừa khuyên các chú tháng tám hãy di cư mau mau, vì thế nào các sư cô cũng phải đem thuốc về xịt trên vách đá để khi các cháu về Làng không còn bị cắn sưng tay sưng mặt như khi các sư cô không xịt thuốc. Sau khi xịt thuốc trên vách đá và đóng kín cửa lại vài giờ thì vách sẽ sạch các con tháng tám. Nhờ có khuyên các chú tháng tám đi di cư nên lòng từ bi của các sư cô cũng đỡ bị tổn thương. Bất hại không bao giờ có thể tuyệt đối. Nhưng chúng ta có thể tiếp tục làm hết sức mình để hạn chế mức độ tổn hại đến chỗ tối đa và làm tăng trưởng lòng trân quý, tôn trọng đối với sự sống của muôn loài, trong đó có con người, cỏ cây, cầm thú và đất đá, được nhiều chừng nào hay chừng ấy mà thôi.