Câu 9: Nạo thai có hậu quả như thế nào?
Đáp: Nếu bạn giữ Năm Giới, đọc tụng thường xuyên với bạn bè và pháp đàm với nhóm bạn cùng tu tập thì chuyện này sẽ không xảy ra. Suốt đời Sư Ông Nhất Hạnh chỉ đi khuyên người ta giữ giới để không giết người, giết sinh vật, dù là giết người với lý do chính đáng như đi ra trận cứu nước. Sư Ông mong người có trí, có thể tìm ra những giải pháp hòa giải để có thể tránh có chiến tranh mà vẫn hòa giải được một cách thỏa đáng. Như thế thì dĩ nhiên Sư Ông hoàn toàn không đồng ý chuyện nạo thai. Thế nhưng khi các linh mục như Daniel Berrigan rất thân với Sư Ông mời Sư Ông ký vào bản tuyên ngôn chống việc nạo thai thì Sư Ông không ký tên vào tuyên ngôn đó. Sư Ông không muốn với cái văn kiện đó, các ông linh mục truyền giáo quá khích, ở các trại tị nạn, sẽ dùng để cấm đoán và lên án việc nạo thai của nhiều thiếu nữ bị hải tặc hãm hiếp. Khi mới mười ba mười bốn tuổi mà phải bị linh mục bắt giữ chiếc thai nhi của hải tặc thì làm sao cô bé có thể sống nổi với những cơn ác mộng hằng đêm, khi thai nhi cựa quậy trong bụng.
Chúng tôi đã đi thăm các trại tị nạn và các bệnh viện ở Thái Lan, nơi có các thiếu nữ bị mang thai vì bị hãm hiếp. Chúng tôi nói với các em: Trong cái thai nhi này phân nửa là của hải tặc nhưng phân nửa và rất nhiều phần là của em vì em mang thai nhi, em nuôi nó ăn bằng thân và bằng tâm, suy tư cho nó, và nói chuyện với nó. Nếu em có đủ sức mạnh tinh thần để nghĩ rằng tên hải tặc kia khi mới ra đời có thể đã là một đứa con mà cha không nhìn, mẹ thì ấu trĩ, không biết nuôi, hoặc không có tiền để nuôi nấng và cho nó học hành. Nó đói cũng không ai cho cơm ăn, nó bị bắt làm lụng cực nhọc và lúc nào cũng sẵn sàng bị bóc lột sức lao động và đánh đập. Suốt cả đời người hải tặc kia có thể chưa được ai thương và vì thế chưa từng biết thương là gì. Cho nên, khi lớn lên người đó chỉ có thể hành xử như cách mà cuộc đời đã dành cho họ. Thương được như vậy em sẽ có can đảm giữ thai nhi và quyết tâm cho nó ra đời trong tình mẹ và em sẽ làm cha luôn. Nếu em chưa sẵn sàng và có lòng từ như trên và hoàn cảnh cũng không cho phép thì em có thể nói với cháu (thai nhi trong bụng) là: Mẹ chưa sẵn sàng nuôi con khôn lớn, vậy thì mẹ nuôi con chín tháng rồi mẹ sẽ cho con vào một gia đình mà không có con để họ đủ điều kiện nuôi nấng và chăm sóc con nhé. Hoặc là con ráng chờ vài năm, mẹ lớn lên, lập gia đình đàng hoàng, có cha có mẹ đầy đủ, mẹ sẽ đón con trở lại trong bụng mẹ nhé. Như thế thì việc phá thai vì hải tặc hãm hiếp, cô bé thuyền nhân sẽ không bị mặc cảm tội lỗi.
Với những người thiếu nữ hời hợt, lỡ bồng bột, quên uống ngừa thai và mang thai thì chúng tôi cũng thành công bằng cách đến nhà để khuyên cả đại gia đình chấp nhận thai nhi và cả nhà cùng có trách nhiệm nuôi cháu khi cháu được sinh ra với bà mẹ nhỏ. Chúng tôi đã thành công với rất nhiều trường hợp. Có trường hợp cô C mang thai với một người không đứng đắn, rồi hai người chia tay. Vì gia đình cô C là một gia đình nhân hậu, nghe lời tôi nên đã quyết tâm giữ thai nhi. Sau đó cô C lấy được một người chồng rất hiểu biết, hiểu cô C và hiểu hoàn cảnh của cô, đã hoàn toàn chấp nhận con của cô C là con của mình. Nhiều bạn gái Tây phương, vì không sống theo Năm Giới nên ăn nằm không giữ gìn, vì vậy cứ vài năm lại đi nạo thai (vì luật pháp cho phép mà!). Nhưng sau khi những cô ấy có gia đình thì rất khổ, nhất là khi tuổi đã lớn, những ray rứt về việc nạo thai trong quá khứ làm họ rất khổ, họ bị mất ngủ và bị bệnh trầm cảm nặng. Vì vậy đây là tiếng chuông chánh niệm, tha thiết nhắc nhở các bạn trẻ nên giữ gìn giới thứ ba – không ăn nằm khi chưa có cam kết dài lâu, chưa cưới hỏi đàng hoàng – rất kỹ để đừng dẫn đến phạm giới thứ nhất là nạo thai – nhất là các quý ông, xin quý vị có chánh niệm hành động ăn nằm của mình. Chánh niệm là có ý thức việc mình sắp làm trong phút giây hiện tại, đồng thời cũng thấy được nguyên nhâu và hậu quả của hành động đó.