Câu 7: “Bạn bè tôi, kể cả bản thân tôi đều có hai, ba người bồ cùng một lúc…tôi giữ giới thứ ba như thế nào…?
Bạn bè tôi, kể cả bản thân tôi đều có hai, ba người bồ cùng một lúc. Sư Cô khuyên tôi giữ giới thứ ba như thế nào? (Câu hỏi này của một người Đức)
Đáp: Giả sử như cùng một lúc bạn làm đến hai ba việc: vừa dùng cơm, vừa xem tivi, vừa chuyện trò với bạn bè, thì chắc chắn bạn chẳng làm việc nào một cách sâu sắc cả. Bạn không thật sự nếm và tận hưởng được hương vị của mỗi miếng ăn đã được người thương làm cho mình. Bạn không chuyên chú được vào chương trình truyền hình, và cũng sẽ không thể lắng nghe những gì bạn mình đang nói một cách chăm chú. Có hai hoặc ba người bồ một lần lại còn khó khăn hơn. Hãy xét lại chuyện này cho sâu. Sẽ chẳng có một mối liên hệ nào sâu đậm cả! Một liên hệ nông nổi cạn cợt, không có cam kết lâu dài thì sẽ không thể nào dẫn đến hạnh phúc hay bình an thực sự được. Sự ăn nằm trở nên phàm tục và nhàm chán. Trong khi theo Thầy tôi, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, đi hướng dẫn hàng trăm khóa tu cho người Âu Châu, Úc Châu, Mỹ châu và Á châu, chúng tôi đã từng được hàng ngàn những bạn Tây phương vì quá khổ đau xin tham vấn riêng.
Trong những câu chuyện của họ, tôi học được rằng từ ngày có thuốc ngừa thai, sự ăn nằm của nam nữ không sợ hậu quả nguy hại nữa thì sự trao đổi thân xác trở nên quá nhàm chán, phàm tục. Người ta nhàm chán nhau và thay đổi người tình, thay chồng đổi vợ quá dễ dàng. Ông cha ta ngày trước cần bàn bạc thật sâu xa để đi đến hôn nhân rồi mới trao thân cho nhau, thật là cẩn trọng là vì nghĩ đến việc tiếp nối gia phong, có con có cháu để nối dõi. Ngày nay có nhiều người sống đến bốn mươi, năm mươi tuổi, đã ngủ với hàng chục người rồi (bên nam cũng như bên nữ) mà khi nghĩ tới chuyện lập gia đình thì vẫn không sẵn sàng, vẫn do dự, sợ hãi. Họ thấy cuộc đời phàm tục quá, nhàm chán quá và luôn tự hỏi: mình sống để làm gì? Nếu mà có con thì còn ghê hơn nữa vì mình còn chưa biết làm gì với sự sống của mình mà? Có con thì sẽ đưa chúng đi về đâu? Rồi ý nghĩ tự tử cứ lảng vảng trong đầu họ. Đó là hậu quả của cuộc sống quá phàm tục, không có chánh niệm, không biết nhìn sâu để trân quý mỗi sự kiện mầu nhiệm của sự sống.
Có một cô bác sĩ người Đức 36 tuổi, quá ê chề sự sống buông thả, ăn uống, khiêu vũ thâu đêm…, cô cũng đã từng ăn nằm với rất nhiều người bồ, có người thì ba tháng, có người được tám tháng và cũng có người kéo dài được hai năm, rồi cũng giận hờn, chê trách, rã tan. Sau khi được dự 21 ngày tu chánh niệm ở Làng Mai cô đã quyết định thọ năm giới quý báu và nhất là giới không ăn nằm với người mà mình chưa chắc là sẽ sống suốt đời với nhau. Sau hai năm xa Làng Mai, khi gặp lại tôi, cô đã vui mừng báo tin là cô sắp lấy chồng, vì cuối cùng cô đã tìm ra được người yêu lý tưởng của mình. Từ ngày rời Làng Mai, cô ấy quyết tâm nói năng trong chánh niệm, đi đứng trong chánh niệm, ăn uống trong chánh niệm và làm việc trong chánh niệm, thong thả, thảnh thơi và trân quý từng việc nhỏ nhặt của sự sống. Cô hành xử như vậy với tất cả những người bạn trai hay bạn gái của cô. Nếp sống của cô đã trở nên thật sâu sắc và giàu có với những người chung quanh. Cô có vài bạn trai cô đều đi chơi, đều chia sẻ nếp sống sâu sắc của mình, có khi cô cũng chịu đi núi chơi vào ngày cuối tuần, và cũng có khi tới gia đình anh này ở chơi năm ba ngày, nhưng không bao giờ chịu trao thân cho anh ấy. Cho đến khi một trong ba anh chàng theo cô đã tỏ ra hết sức trân quý những giá trị tâm linh sâu sắc của cô thì cái tình giữa hai người càng ngày càng sâu đậm. Hai người mới quyết định cưới nhau, không cưới thì chịu không nổi. Và cái đêm tân hôn -cô ấy nói – em tin chắc là sự trao thân của chúng em sẽ vô cùng sâu sắc và hạnh phúc.