Câu 6: Có phải nếu thọ giới thứ nhất thì phải ăn chay trường hay không?
Có phải nếu thọ giới thứ nhất thì phải ăn chay trường hay không?
Đáp: Không hẳn. Người nhận giới có thể tập bớt ăn thịt cá từ từ. Bụt khuyên ta nên thực tập chánh niệm mỗi khi ăn hoặc uống. Có nghĩa là khi sắp ăn hay uống ta nhìn sâu hơn cái món mà ta sắp ăn, sắp uống đó, để thấy nó từ đâu tới và nếu ta đưa vào trong bụng thì hậu quả như thế nào? Nếu thực tập như vậy, ta có thể sẽ thấy mình bắt đầu hơi ngài ngại, không còn hăng hái cắt cổ vịt làm tiết canh nữa, không còn muốn cắt cổ gà đãi bạn khi có khách tới nhà, không còn muốn đứng nhìn cô bán cá đập đầu cá nữa. Cứ nhớ đến con cá giãy giụa tuyệt vọng khi mới bị đập đầu hay con gà con vịt ứa nước mắt bị khứa cổ hay chặt đầu để mình có món ăn hôm nay thì lòng thương đã khiến ta bớt thèm những món ăn kia rồi. Nhất là khi ta có dịp đi thăm một lò sát sinh thú vật để bán ra cho ta ăn thì ta khó mà nuốt trôi những món thịt cá ta ưa thích nữa.
Quan trọng là ý thức về những gì mình đang tiêu thụ. Bụt không bắt buộc bạn ăn chay đâu, chính lòng thương của bạn khuyên bạn giảm ăn từ từ những thức ăn không được từ bi ấy. Tôi từng gặp những người vì lý do sức khỏe không ăn chay trường được nhưng lại tôn trọng sự sống hơn rất nhiều người ăn chay. Một số người ăn chay có thái độ rất cực đoan, và không dễ thương với những ai không bỏ được cá thịt. Tôi thấy thoải mái với một người ăn thịt cá mà lòng rất hiền từ hơn một người ăn chay cực đoan, đầy tự phụ. Mình ăn chay vì mình thương con cá, con gà, con heo, con bò, v.v… Chúng cũng chảy nước mắt, đau khổ và căm hận khi bị người giết, nên mình không ăn chứ mình không có gì để tự hào. Mình ngại ăn chúng vào vì e rằng niềm căm hận của chúng sẽ thấm vào mình và khiến mình nóng nảy dễ giận và dễ bực như chúng vậy thôi.
Chúng tôi ăn chay mà vẫn ăn được canh chua cá (tàu hũ mới, chắc và thơm) có giá, cà chua, ngò gai và rau om thơm lừng mà không cần phải giết cá. Nước canh nêm vừa miệng, rau om thơm, cọng giá vừa chín tới rất dòn, miếng đậu hũ mềm chắc và thơm chấm vào nước xì dầu có trái ớt đỏ. Ngon vô cùng và thanh khiết vô cùng vì nhìn sâu vào tô canh không thấy con cá lóc giãy giụa tuyệt vọng vì bị đập đầu. Món cá kho tiêu cũng có thể làm bằng phù chúc hay đậu hũ cuốn rong biển, gói chặt, hấp trước rồi để nguội, sau đó xắt khứa và đem kho tiêu. Vừa ngon vừa thanh khiết vì đượm lòng từ bi (không phải bắt một con cá phải chết).
Trong các món chay này ta cũng thấy được tình thương của người nấu canh chua hay kho tiêu món thanh khiết đó để nuôi dưỡng lòng từ bi của ta. Ta có thể ăn chay một ngày trong tuần, rồi từ từ hai hay, ba ngày. Nhưng ăn chay hay thịt cá ta đều tập nhìn sâu, gọi là ăn trong chánh niệm, để tâm mình vào món ăn, nhìn sâu để thấy chúng từ đâu tới, miếng tàu hũ hay miếng cá, miếng thịt đó tới từ đâu. Nhìn như thế tình thương chúng ta sẽ tăng trưởng và ta sẽ thích thức ăn chay hơn và không còn ngon miệng khi ăn thịt cá nữa.