Đã có đường đi rồi con không còn lo sợ
Mùa an cư năm nay, đại chúng Thái Lan rất hạnh phúc khi được đón quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm tu học khắp nơi trở về thăm Sư Ông và đại chúng. Một trong những hạnh phúc đó là sự hiện diện của thầy Pháp Hữu, thầy trụ trì xóm Thượng Làng Mai Pháp. Thầy đã hiến tặng năng lượng tươi mát của một vị xuất sĩ trẻ với tinh thần mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Các sư em trong BBT đã có một buổi ngồi chơi cùng thầy, được thầy chia sẻ những niềm vui, những trải nghiệm thú vị trong quá trình thực tập và tiếp nối sự nghiệp của Sư Ông và tăng thân . Mời quý vị cùng BBT ngồi chơi với thầy nhé!
BBT: Thầy là một người trẻ lớn lên ở Tây phương, vậy điều gì ở Làng Mai đã thu hút thầy và khiến cho thầy quyết định trở thành một người tu theo truyền thống Làng Mai?
Thầy Pháp Hữu: Ngày xưa khi Pháp Hữu mới đến Làng, cảm nhận đầu tiên của một chú bé mới chín tuổi lúc đó là sự hạnh phúc và tươi mát của quý thầy, quý sư cô. Hình ảnh đánh động Pháp Hữu nhất là khi có một sư chú tới chào mình một cách rất kính lễ, tuy mình mới chín tuổi. Lần đầu tiên Pháp Hữu được một người lớn hơn kính trọng mình. Lúc đó tuy còn rất nhỏ nhưng Pháp Hữu cảm thấy có một cái gì đó rất mới, rất đặc biệt nơi người tu trẻ này.
Pháp Hữu có ý đi tu vì nghĩ rằng nếu đi tu mà thành công thì sẽ đem lại lợi lạc cho nhiều người. Pháp Hữu thấy Sư Ông luôn có tinh thần cởi mở, khám phá và làm mới đạo Bụt để đáp ứng cho người trẻ, nhất là Làng Mai ở Pháp phải đáp ứng nhu cầu cho người trẻ Tây Phương. Cái đặc biệt của Làng Mai, của Sư Ông chính là Sư Ông hết sức giữ gìn những tinh hoa, cốt tủy của truyền thống đạo Bụt nhưng đồng thời luôn mở rộng cửa cho sự thay đổi. Sư Ông từng nói: Đạo Bụt nếu đứng yên tại chỗ và không được làm mới thì sẽ không thể tồn tại, và sẽ không có khả năng đáp ứng được những khổ đau hiện thực. Khi đó mối liên hệ giữa người xuất sĩ và cư sĩ sẽ trở nên xa cách, không có truyền thông, và người cư sĩ sẽ không thấy ngôi chùa là nơi họ có thể nương tựa.
Một điểm đặc biệt nữa của Làng Mai là Sư Ông luôn muốn tăng thân có sự tiếp nối. Pháp Hữu đi tu khi còn rất trẻ. Lúc đó, ở Làng có sáu, bảy người tu trẻ nữa. Lúc đó câu hỏi của đại chúng đặt ra là có nên cho các sư chú, sư cô này đi học ở trường ngoài xã hội hay không, vì đây là lần đầu tiên có các em thiếu niên vào trong tăng thân. Cuối cùng đại chúng quyết định là không cho các em đi học bên ngoài vì thấy các em còn quá non, tâm của các em còn trong sáng lắm; các em như những miếng bọt biển, cái gì cũng thấm được. Cho nên muốn thực sự đầu tư vào người xuất sĩ trẻ thì môi trường xung quanh họ rất quan trọng. Sư Ông dạy là: tất cả những gì mà các em cần học thì các thầy, các sư cô có thể dạy. Trong tu viện có thể cung cấp được những kiến thức cần thiết, không chỉ về Phật giáo, mà còn về cơ thể học, khoa học, toán, văn… Đại chúng có đủ người có kinh nghiệm ở ngoài đời để chia sẻ cho các vị xuất gia trẻ. Hồi xưa Pháp Hữu biết là mình sẽ không đi học mà sẽ đầu tư rất nhiều cho con đường thực tập của mình.
BBT: Thầy có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm xây dựng tăng thân trên cương vị một vị trú trì trẻ?
Khi nhìn về tăng thân, Pháp Hữu thấy cách Sư Ông đào tạo xuất sĩ rất đặc biệt, qua bốn lĩnh vực là tu, học, chơi và phụng sự. Quanh năm, đại chúng sẽ tạo cơ hội đó cho mình. Nếu khéo léo, mình sẽ tận dụng được những cơ hội đó để lớn lên. Cái khó của người trẻ là sự lười biếng. Người trẻ chúng ta vừa có nhiều năng lượng, lại vừa ham chơi một chút. Hồi đó Sư Ông và bố của Pháp Hữu dạy là: “khi còn trẻ thì con phải trẻ”, có nghĩa là mình phải biết chơi, mình phải biết tận hưởng chứ đừng đợi tới lúc già mình mới chơi thì hơi kì. Khi đó mình phải vững, mình phải trầm hơn một chút rồi. Khi tận dụng được tuổi trẻ của mình thì tuổi trẻ rất đẹp, đừng có đánh mất tuổi trẻ đó.
Có một lần nhân dịp Tết Trung Thu ở Làng được tổ chức trong khóa tu mùa hè, Pháp Hữu và một thầy trẻ khác nữa cùng với hai em thiếu niên hát hip-hop rất sôi động. Ngày hôm sau, Sư Ông gặp Pháp Hữu ở trên Cốc và hỏi: “Nghe nói con hát nhạc hip-hop phải không, Thầy thích lắm!”. Điều này cho Pháp Hữu thấy là Làng Mai vừa trở về với gốc rễ nguyên thủy vừa mở rộng cho sự đổi mới, và điều này giúp cho những người trẻ như chúng ta không cảm thấy bơ vơ, lạc lối.
Điều mà Pháp Hữu rất mang ơn Sư Ông là Sư Ông đã đào tạo, đã xây dựng nên một tăng thân mà khi mình sống trong đó, cái ngã của mình có cơ hội được mài mòn. Ví dụ Pháp Hữu cho pháp thoại nhưng Pháp Hữu cũng phải xếp hàng ăn cơm với đại chúng, cũng phải vô ngồi thiền và tham gia các sinh hoạt của đại chúng; có lúc thì cũng quét lá, chấp tác như anh chị em thôi… Những điều đó bảo vệ đời tu của mình. Nếu sau khi Pháp Hữu cho pháp thoại, giảng dạy, hướng dẫn xong khóa tu rồi, vào thời khóa bình thường Pháp Hữu không muốn sinh hoạt nữa thì đó là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên để Pháp Hữu trở về.
Cái khó nhất của người tu là khi mình càng tu lâu thì người ta sẽ càng muốn tới gần mình, muốn tôn kính mình. Nếu không khéo thì mình đi trật đường hồi nào không hay, lúc đó đại chúng kéo mình lại khó lắm. Pháp Hữu thấy khi thế giới bên ngoài cần mình thì mình phải vừa nuôi tâm bồ đề vừa giữ bản chất của một người tu. Có những lúc Pháp Hữu nhận ra là mình đi khóa tu nhiều quá thì Pháp Hữu phải tìm lại sự quân bình bằng cách lần tới Pháp Hữu sẽ ở nhà để người khác đi. Hiện tại ở xóm Thượng, điều mà Pháp Hữu hay làm nhất là luôn kêu gọi các thầy giáo thọ có mặt cho đại chúng ở nhà. Sư Ông dạy rằng “thương yêu nghĩa là có mặt cho nhau”. Pháp Hữu đang thực tập theo lời dạy đó của Sư Ông. Rất dễ dàng để Pháp Hữu xung phong đi khóa tu, vì trong đại chúng ai cũng thấy Pháp Hữu có khả năng nói tiếng Anh, có thể chia sẻ, hướng dẫn thiền sinh. Nhưng vào thời điểm này, Pháp Hữu thấy vị trí cần thiết của Pháp Hữu là có mặt cho đại chúng, yểm trợ đại chúng, không cần phải hướng dẫn gì cả, chỉ cần có mặt thôi. Khi mình ngồi thiền, ăn cơm chung mà thấy sự có mặt của các sư anh, sư chị lớn thì tự động mình cảm thấy có sự yểm trợ.
Có vài sư em nói với Pháp Hữu: “Lúc này thầy cần có mặt bên Sư Ông chứ, thầy là thị giả lâu năm, lại rất gần gũi Sư Ông mà!” Theo suy nghĩ riêng của Pháp Hữu thì Pháp Hữu thấy mình cũng đang chăm sóc Sư Ông bằng cách mình chăm sóc xóm Thượng, chăm sóc Làng Mai, chăm sóc các sư em Tây phương bên đó. Trong hai năm vừa qua Pháp Hữu quyết định không đi khóa tu nhiều, có những lúc cần thiết Pháp Hữu cũng phải đi một hai ngày nhưng Pháp Hữu không muốn vắng mặt nhiều trong chúng. Sư Ông từng dạy rằng: mỗi chúng ta là một tế bào trong cơ thể của Tăng thân, ai cũng cần xác định được vị trí của mình trong đó. Pháp Hữu thấy vị trí của sư anh Pháp Ứng, sư anh Pháp Dung là phải đi hướng dẫn khóa tu thì mình phải về để yểm trợ quý sư anh vào những công việc khác như chăm sóc các sư em để quý sư anh có không gian đi giảng dạy. Khi thấy như vậy rồi thì tuy ở xóm Thượng Pháp Hữu làm nhiều việc, vừa trụ trì, vừa ban văn phòng, vừa các ban tổ chức, có mặt cho anh em, có mặt với thiền sinh nhưng Pháp Hữu không thấy mệt, do mình đang được sống với lý tưởng của mình. Bố của Pháp Hữu thường nói đùa là “ở ngoài xã hội hiện nay có nhiều người trẻ không biết phải làm gì hết, còn con ngày nào cũng có việc làm, sướng quá đi”.
Nhìn lại đời sống của mình Pháp Hữu thấy đúng là như vậy. Ngày nào thức dậy, Pháp Hữu cũng biết mình phải làm gì, phải chuẩn bị gì. Khi nhìn đại chúng, Pháp Hữu thấy sức sống mới, thấy tăng thân là một thực tại linh động – “a living community”. Sư Ông thường dạy rằng nếu Tăng thân là một thực tại linh động – “living Sangha” – thì Bụt và Pháp cũng là những thực tại linh động – “living Buddha, living Dhama”. Bụt và Pháp có thể tồn tại và phát triển là nhờ vào Tăng thân. Ở châu Âu, mỗi năm Làng Mai nhận được rất nhiều lời mời đi tổ chức khóa tu, vậy nên anh chị em mình không phải sợ thiếu công việc đâu. Nhưng điều quan trọng là anh em mình phải giữ được sự thực tập, giữ được gốc rễ tâm linh của mình.
BBT: Sắp tới là ngày tiếp nối của Sư Ông, chúng con rất muốn được nghe thầy chia sẻ, nhắn nhủ về sự thực tập để tiếp nối Sư Ông.
Tu học rất cần sự kiên nhẫn. Sư Ông đã trải qua biết bao thử thách, đi qua những khổ đau, khó khăn như chiến tranh, mất mát, lưu vong… Những khó khăn đó đã làm nên nội lực của Sư Ông. Sư Ông đã giữ tâm bồ đề, giữ gìn chí nguyện lớn để tu tập và thành lập được tăng thân Làng Mai hôm nay. Là sự tiếp nối của Sư Ông, chúng ta cũng cần thời gian để trưởng thành, để lớn lên từ những khó khăn, thách thức.
Thoạt đầu khi Sư Ông bệnh, Pháp Hữu nghĩ thiền sinh về Làng Mai Pháp chắc sẽ ít lắm. Nhưng sự thật thì năm đầu họ về rất đông, ai cũng ngạc nhiên. Pháp Hữu đã nghĩ chắc họ thương mình nên họ về yểm trợ. Mà gần ba năm rồi, số lượng thiền sinh về còn đông hơn lúc Sư Ông còn giảng dạy nữa. Năm ngoái, trong ngày ăn mừng Tết dương lịch có một nghìn người về, thiền đường của xóm Thượng không đủ sức chứa, quý thầy, quý sư cô phải ra ngoài để dành chỗ cho thiền sinh. Khi chứng kiến những gì xảy ra trong các khóa tu, Pháp Hữu thấy được anh chị em đã hết lòng cống hiến trong mọi mặt, như cho hướng dẫn, hát thiền ca, pháp thoại, chấp tác, nấu ăn… Đó là mình đang tiếp nối Sư Ông .
Trong việc phụng sự, đại chúng đã có khả năng rồi, điều mà Pháp Hữu luôn nhắn nhủ anh chị em là đừng bao giờ quên sự thực tập. Sự thực tập căn bản phải luôn được đào sâu và làm mới. Khi nhìn lại sự thực tập của mình, có thể nói rằng hiện tại sự thực tập “thở vào thở ra, đã về đã tới” của Pháp Hữu hôm nay rất khác mười năm trước. Khi sự thực tập đã trở thành sự sống, mình có thể thực sự dừng lại và an trú được. Những cái đó cần thời gian, không gian và mình phải nuôi chí nguyện của mình. Qua thời gian, nhiều khi những mong muốn khác xuất hiện, tâm thức dần thay đổi khiến mình dễ quên, chính vì thế mà mình cần nuôi lời thề và ước nguyện năm xưa. Đó là những thức ăn nuôi mình.Những lời dạy của Sư Ông đã truyền cảm hứng cho mình nhưng nó cũng sẽ dễ dàng bị soi mòn. Có nhiều vị đã có chí nguyện lớn nhưng chưa chịu nuôi những chí nguyện nhỏ, như là duy trì sự thực tập theo dõi hơi thở vào – ra. Ngày xưa khi mới tu, Pháp Hữu luôn phát nguyện là “Ngày hôm nay khi đánh răng, mình phải đánh răng có chánh niệm”. Khi nhìn lại, Pháp Hữu thấy mình đi tới được là nhờ những cái “tự đẩy” mình như vậy. Đại chúng, môi trường, không gian, thời khóa luôn có đó cho anh chị em mình tu học nhưng mà mình phải có sự khéo léo và năng động của mình. Mình cần lập nguyện, và làm tròn những nguyện nhỏ thì từ từ nguyện lớn của mình sẽ thực tế, rõ ràng hơn. Sư Ông khéo léo đưa mình về với hiện tại từ những gì đơn giản, những giác ngộ nho nhỏ, mầu nhiệm. Phải luôn tự hỏi “Mình có thực tập thật hết lòng hay không?”. Nguyện lớn sẽ thành khi mình nuôi được những nguyện nhỏ đó.
Ở xóm Thượng Làng Mai, bây giờ Pháp Hữu ước nguyện mọi người cùng thực tập lời dạy của Sư Ông: “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Mình phải thật sự tin con đường của mình, của tăng thân. Có nhiều anh em xuất gia trong chương trình năm năm nhưng cách sống rất biết trân quý, rất hết lòng vì thấy đây chính là đời sống của mình. Trong tăng thân, mình luôn đi như một dòng sông để yểm trợ và nhắc nhau trong sự thực tập. Ở Làng Mai Thái Lan, Pháp Hữu ấn tượng về sự thực tập uy nghi rất đẹp của các anh chị em và sự tham gia thời khóa đầy đủ. Pháp Hữu thấy sự năng động, hết lòng của các sư em.
Khi xuất gia và được Sư Ông đặt tên “Pháp Hữu” – có nghĩa là bạn, Pháp Hữu được Sư Ông dạy: “con phải tập làm bạn với mọi người”. Pháp Hữu thấy mình cũng cởi mở và thích quen với nhiều người. Lúc mới xuất gia, Pháp Hữu rất thích thực tập mỉm cười: Thức dậy miệng mỉm cười, hăm bốn giờ tinh khôi… Tuy nhiên tập mỉm cười lúc thức dậy hơi khó một chút vì lúc đó còn nhỏ quá, nhìn đồng hồ điểm đến giờ phải đi ngồi thiền thì hơi khó mỉm cười. Trong khi ngồi thiền, Pháp Hữu thực tập câu “Tĩnh tọa lòng an, miệng mỉm cười”, và nếu ngày nào thật sự thực tập điều đó thì dần dần mình ngồi mỉm cười thiệt luôn. Từ từ, qua sự nhắc nhở của bản thân, nụ cười đã trở thành sự sống của Pháp Hữu. Giống như khi thực tập quán niệm hơi thở, mình chỉ cần trở về với hơi thở, cái an lạc đã có mặt ở đó. Pháp Hữu vẫn đang thực tập mỉm cười kèm theo câu: “Mọi thứ sẽ ổn thôi, chuyện gì cũng có lối ra thôi” (Everything will be okay. There will be a way out). Đó là con đường, chỉ cần mình hết lòng thực tập.
Trong khi làm thị giả cũng vậy, mình cũng thực tập hết lòng. Theo Pháp Hữu, phẩm chất giỏi của một thị giả là sự có mặt. Nếu mình ngồi và để ý tới Thầy, mình có mặt đó thì mình sẽ biết Thầy cần gì. Trong khi pháp đàm, mình tập quan sát ngôn ngữ cơ thể, tiếp xúc với anh chị em trong cách hành xử của họ và mình cũng có thể hiểu họ đang cần yểm trợ gì. Ở trong đại chúng, đôi khi mình thấy có vài vị đang khổ. Qua cách họ sống thôi là mình có thể biết họ đang trong trình trạng ấy. Có thể họ chỉ cần một câu hỏi “sư em có khỏe không?” (How are you?), mà mình phải hỏi rất thật chứ không phải là nói cho xong. Đó là can đảm của một vị xuất sĩ. Nếu nói mình là một tăng thân có tình thương, có sự hiểu biết thì đây là cơ hội để mình thực sự thể hiện bằng hành động. Qua những điều Sư Ông dạy, thần chú không chỉ áp dụng cho người tại gia thôi, mà là để cho mấy anh chị em mình trước tiên. Nếu mình xem pháp thoại của Sư Ông thì sẽ thấy một phần những lời dạy chính là cách mà Sư Ông nhìn đại chúng. Đó là sự kết nối, tiếp xúc, có mặt.
Có một pháp môn căn bản rất tuyệt vời là pháp đàm. Đó là cách thực tập mình được dạy, được học mà đôi khi ở ngoài không có được. Sự chia sẻ những cái thấy, những tuệ giác thực tập của mình làm mọi người có thể hiểu được, thực tập theo được. Sống trong tăng thân cũng có những khó khăn, va vấp để mình lớn lên, để mình áp dụng pháp môn tu tập vào thực tế. Và khi tham dự pháp đàm, lắng nghe các vị cư sĩ chia sẻ, mình cũng học hỏi được nhiều từ những chia sẻ đó. Có những lúc mình không cần kinh nghiệm trực tiếp cái khổ, nhưng nếu nghe câu chuyện của họ bằng thiền quán thì mình cũng có thể hiểu được cái khổ đó. Những khóa tu do tăng thân tổ chức là cơ hội cho chúng ta học hỏi trực tiếp. Đối với Pháp Hữu, tham dự pháp đàm giúp cho sự học hỏi của mình rất nhiều, nhất là đối với những người xuất gia trẻ.
Hồi đó, có những buổi pháp đàm Sư Ông đi vào mà không báo cho ai biết. Ai mà đi trễ thì thật là lúng túng với Sư Ông. Có một lần Sư Ông dạy Pháp Hữu chia sẻ, mình rất bất ngờ nhưng phải chia sẻ thôi. Bây giờ Pháp Hữu mới thấy, nhờ lần đó, mình đã có những bước đi đầu. Sư Ông biết cần phải đẩy mình một cái. Lúc đó, Pháp Hữu cảm thấy ngại lắm khi chia sẻ, nhưng nhờ vậy mà bây giờ mình có những khả năng khác.
Nói về sự tươi mát, có lúc Pháp Hữu cũng không tươi mát lắm đâu, nhưng mình biết là mình cần có mặt và hiến tặng những gì đẹp nhất. Muốn vậy, mình phải có ý thức chăm sóc cảm xúc và sắp xếp thời gian để chăm sóc bản thân. Hồi mười mấy hai mươi tuổi, Pháp Hữu rất thích ngồi chơi, ai mời cũng ngồi. Khi lớn lên, có nhiều việc hơn thì thấy mình cần có thời gian riêng để lắng yên. Không phải mình không muốn có mặt với huynh đệ, có điều mình phải chăm sóc mình đủ. Pháp Hữu học được từ Sư Ông bí quyết đó. Sư Ông biết chăm sóc mình để có mặt cho đại chúng. Chưa bao giờ Sư Ông xin đại chúng cho nghỉ một tháng không cho pháp thoại. Sự đều đặn đó không chỉ có tình thương mà còn là trách nhiệm và sự có mặt cho đại chúng. Mình cần học được tinh thần đó. Đó không phải là sự hy sinh mà là mình cần chọn lọc. Có lúc thấy anh chị em chơi vui nhưng mình biết nếu vào chơi thì mình sẽ tốn năng lượng, mình cần thời gian để lắng yên. Khi mình trưởng thành, những khoảng yên đó rất quý. Hiện tại Pháp Hữu đang học làm trụ trì, học có mặt cho anh em. Khả năng biết lắng yên lại giúp Pháp Hữu thấy rõ hơn. Người trẻ cần phải nhận ra lúc nào mình cần nghỉ ngơi, lúc nào mình không cần uống trà, không cần tiếp xúc nhiều quá mà cần sự tĩnh lặng.
Có một điều mà Pháp Hữu rất ấn tượng nhưng chưa làm được như Sư Ông là nếu Pháp Hữu thưa: “Thưa Thầy, đến giờ ăn rồi!” thì Sư Ông sẽ dừng mọi việc. Sư Ông có khả năng buông xuống hoàn toàn để đi ăn. Điều ấy đơn giản nhưng khó thực tập lắm. Giống như khi Pháp Hữu làm văn phòng, đã nghe chuông rồi, ai cũng nói tới giờ ăn nhưng mà Pháp Hữu cứ nói “còn chút nữa thôi” và đã kéo thêm thời gian của mình. Mình nghĩ là mình tiết kiệm thời gian nhưng sự thật là mình kéo dài thời gian, kéo năng lượng của mình xuống. Những cái đó Pháp Hữu được học từng li từng tí từ Sư Ông. Buổi sáng Sư Ông thường ngồi thiền với đại chúng, có khi ngồi thiền ở trong Cốc. Sư Ông biết lựa chọn cách để nuôi dưỡng, chăm sóc chính mình. Mùa an cư, Sư Ông không bỏ một buổi ngồi thiền nào mà luôn luôn có mặt. Dù lạnh bao nhiêu mà mỗi lần vào thiền đường là Sư Ông cởi nón ra, áo lạnh thì mặc nhưng nón mũ thì không. Những cái nhỏ nhỏ như vậy là những bài học nuôi lớn Pháp Hữu khi được ở gần Sư Ông.
Một điều mà Sư Ông dạy trong việc bảo vệ đời tu đó là nuôi dưỡng sự khiêm cung của mình. Lúc Pháp Hữu làm thị giả, mỗi Chủ Nhật có ăn quá đường theo hạ lạp, thứ Năm thì ăn vòng tròn không theo hạ lạp. Hôm thứ Năm đó, nghe thỉnh chuông xá Bụt xong, đại chúng cùng nhau ra khỏi thiền đường. Sư Ông cũng đang đi ra cửa. Lúc đó, Pháp Hữu thấy đại chúng đang đứng rất đông chờ từng người ra. Mình tự hào là thị giả nên mình nhanh chân mở đường cho Sư Ông. Pháp Hữu vừa đi lên nhanh một chút thì cảm giác có ai kéo ở đằng sau. Sư Ông không nói gì hết, chỉ kéo Pháp Hữu lại. Khi Sư Ông tới cửa thì tự động mọi người mở đường. Khi về tới Cốc, Sư Ông mới xoay qua dạy: “Khi Thầy ở trong chúng, Thầy cũng như đại chúng thôi, Thầy cũng đi ra như các con đi ra, Thầy chưa cần các con mở đường. Những lúc Thầy đi ra ngoài thì các con cần bảo vệ Thầy, lúc ấy mình mới phải làm như vậy”. Những lời đó làm Pháp Hữu nhớ suốt đời. Sư Ông chỉ muốn mình là một vị xuất sĩ bình dị như bao người. Khi mình có đức thì mình không cần đẩy người ta ra để biểu lộ là có Thiền sư sắp đến, mà khi Thiền sư tới thì một cách tự nhiên con đường sẽ mở. Pháp Hữu thấy lời dạy luôn đi đôi với những hành xử hằng ngày của Sư Ông. Cuốn sách “Bước tới thảnh thơi” hay những chi tiết trong đời sống hàng ngày của Sư Ông mà Pháp Hữu đã chứng kiến, nhắc nhở Pháp Hữu phải luôn trở về với phẩm chất căn bản của một người tu.
BBT: Xin thầy chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của chương trình xuất gia năm năm tại Làng Mai? Và thầy nghĩ như thế nào về chương trình này?
Nói về chương trình xuất gia năm năm, Pháp Hữu nhớ ngày đầu tiên mà Sư Ông đưa ra ý đó là lúc Sư Ông đang trên máy bay qua đi qua Anh Quốc. Sư Ông gọi thầy Pháp Lai và Pháp Hữu tới và nói: “Thầy đang nghĩ ra một cánh cửa mới, cánh cửa xuất gia ba năm”. Hai anh em đều giật mình khi nghe ý tưởng đó. Sau đó, Sư Ông chia sẻ ý tưởng này trong khóa tu. Mình biết là một khi Sư Ông có một cái thấy và đã chia sẻ ra với công chúng thì chắc chắn nó sẽ đi tới. Sau hơn một năm, tin này đến với đại chúng, ai cũng lo ngại và hàng loạt câu hỏi đi lên: xếp những anh chị em đó vào loại xuất sĩ gì? họ có ở chung với chúng thường trú đã phát nguyện xuất gia cả đời hay không? họ sẽ thực tập như thế nào?… Nhiều câu hỏi lắm, tại vì đó là cánh cửa mới mà. Mình chưa rõ thì phải hỏi để hiểu.
Sau đó, Sư Ông quyết định chương trình năm năm: ba năm thực tập làm sa di, hai năm Tỳ kheo. Đại chúng đến hỏi Sư Ông và chia sẻ những ưu tư, những tri giác của mình thì được Sư Ông dạy: Thứ nhất, con đường của mình là đem đạo Bụt vào xã hội Tây phương, muốn vậy thì phải có những cánh cửa để đạo Bụt được cắm rễ. Nhiều vị Tây Phương trẻ về làng tu học, họ có hạt giống muốn tu nhưng khi nghĩ tới tu cả đời thì thấy sợ, vì theo văn hóa bên ngoài anh không thích công việc này thì anh nghỉ và đi tìm việc khác cho đến khi nào thấy thích. Sư Ông thấy mình cần giúp họ chuyển hóa nỗi sợ đó. Vì khi cư sĩ bắt đầu muốn bước vào con đường xuất gia, họ có nhiều đắn đo, mình cần phải có một cánh cửa phương tiện mở ra để mời họ vào. Chương trình đó cho họ thấy là sau năm năm họ có thể ra đời, rất nhẹ nhàng và tất nhiên chỉ dành cho người trẻ. Bởi người trẻ sau thời gian đó họ có thể quay về, vẫn còn sức khỏe, sự nghiệp để sinh sống.
Thứ hai là chuyện có liên quan đến những người muốn ra đi, Sư Ông có nhắc: Các thầy, các sư cô ai cũng phát nguyện đi tu cả đời, vậy mà có nhiều vị mới một năm đã ra đi rồi thì có khác gì đâu. Đây là cách mình đổi tâm thức, có một nguồn năng lượng mới để người ta cam kết với tăng thân. Và các anh chị em hỏi các vị xuất sĩ đó gọi là xuất sĩ gì, Sư Ông có dạy: Tu thì giống nhau chứ có khác gì đâu, cũng thọ mười giới và hành trì cho đàng hoàng. Cũng giống như trong đại chúng, ai đã phát nguyện tu mà không thực tập đàng hoàng thì mời ra thôi. Cho nên ai quyết định tu năm năm cũng phải sống đời tu như một vị xuất gia tu trọn đời.
Theo Pháp Hữu, đó là một phương tiện quyền xảo của Sư Ông để giúp đạo Bụt cắm rễ vào xã hội Tây phương. Thực sự, nhờ đó mà các vị Tây phương đã vào tăng thân đông hơn. Sư Ông dạy rất rõ, sau năm năm nếu họ muốn tiếp tục thì mình mời họ tiếp tục còn nếu họ muốn ra đời thì họ đã có năm năm sống đời xuất sĩ rất quý rồi. Và nếu muốn, họ có thể về thực tập làm giáo thọ cư sĩ. Mình không đánh mất liên hệ quý giá đó khi họ ra đi. Đó là một tuệ giác mà Sư Ông nhìn thấy cho năm mươi năm nữa. Hiện tại, ở xóm Thượng có một thầy sau năm năm tu đã muốn ở lại thêm nữa nên xin gia hạn thêm năm năm. Hội đồng Tỳ kheo đã đồng ý, mình cũng dựa trên tinh thần của Sư Ông, tìm cách nuôi chúng xuất sĩ vì mình biết nuôi một vị xuất sĩ thành công không dễ. Đó là phương tiện quyền xảo đầy tuệ giác của Thầy mà mình học được, có thể đó là một ý tưởng táo bạo nhưng đã đưa lại rất nhiều kết quả, giúp cho tăng thân phát triển. Trong năm năm, những vị đó học hỏi được rất nhiều và khi ra đời lúc ba mươi lăm hay ba mươi bảy tuổi thì họ rất cần sự trưởng thành đó. Có rất nhiều các bạn trẻ không biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình, vì vậy Sư Ông rất thương họ và muốn họ đem bát chánh đạo vào cuộc đời bằng chính sự sống của mình. Sư Ông muốn chỉ thẳng cho họ, không để họ phải loay hoay hoài mà uổng phí cuộc đời. Cho nên chương trình năm năm có nhiều khía cạnh hay lắm và đã có nhiều anh chị em tu học rất đàng hoàng, yểm trợ và làm nhiều việc rất hay cho đại chúng. Và chúng ta hoàn toàn có thể đi tới vì chúng ta có giới luật, uy nghi bảo hộ cho mình.
Về Vườn Ươm Thái Lan, Pháp Hữu rất vui khi thấy có chương trình xuất gia gieo duyên ba tháng. Pháp Hữu nghe là các vị muốn tham gia khóa xuất gia gieo duyên phải có lời giới thiệu từ các tăng thân và họ đã có kinh nghiệm thực tập pháp môn Làng Mai rồi chứ không phải ai có cảm hứng cũng được tham dự. Pháp Hữu thấy rất hay vì điều đó luôn nuôi dưỡng năng lượng của đại chúng, những cái hay đó rất cần yểm trợ và học hỏi.