Tiếng nói của yêu thương chân thật
Một Cuộc Hội Thảo Hòa Bình
Khi tu tập, chúng ta tu tập với gia đình, với bạn tu. Tu tập một mình khó thành công. Chúng ta cần đồng minh. Trước kia chúng ta họp nhau chỉ để làm khổ nhau, chỉ để giận nhau. Bây giờ chúng ta họp nhau để chăm sóc buồn giận, phiền não cho nhau. Chúng ta muốn bàn thảo về một kế hoạch sống chung an lạc.
Hãy bắt đầu cuộc hội thảo sống chung an lạc với người thương của bạn: “Anh ơi, ngày xưa chúng ta đã làm khổ cho nhau nhiều quá rồi. Cả hai ta đều là nạn nhân của sân hận. Chúng ta đã tạo địa ngục cho nhau. Bây giờ, em muốn thay đổi. Em muốn anh và em là đồng minh để chúng ta có thể bảo vệ cho nhau, tu tập với nhau và cùng nhau chuyển hóa sân hận. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trên căn bản chánh niệm. Anh ơi, em cần anh giúp, cần anh nâng đỡ và hợp tác. Em không thể thành công được nếu không có anh.” Phải nói câu đó với người bạn đường, với con trai, với con gái của bạn. Đã đến lúc phải nói. Đây gọi là giác ngộ. Đây chính là yêu thương.
Chỉ cần nghe pháp thoại trong năm phút là có thể giác ngộ ngay. Nhưng phải duy trì sự giác ngộ đó thường xuyên để có thể đem về nhà và áp dụng vào đời sống hằng ngày. Nhờ giác ngộ mà si mê sẽ tan biến. Giác ngộ đó sẽ ảnh hưởng không những đến suy tư mà sẽ còn ảnh hưởng đến cơ thể, lối sống. Vậy thì hãy tìm đến với người thương của bạn để cùng nhau bàn thảo một kế hoạch hòa bình, một kế hoạch tiêu thụ, một kế hoạch để tự bảo vệ. Đây là một điều rất quan trọng. Phải sử dụng tất cả tài ba, khéo léo, tất cả những gì có thể giúp bạn thành công để cho không còn gây khổ cho nhau nữa. Bạn muốn làm mới, muốn tự chuyển hóa. Bạn có thuyết phục được người thương của bạn hay không là tùy ở nơi bạn.
Tái Lập Truyền Thông
Có một thanh niên Hoa kỳ không nói với cha một câu trong năm năm. Hai cha con không thể nào nói chuyện được với nhau. Rồi một hôm, chàng thanh niên đó gặp Giáo Pháp của Bụt và đã chuyển hóa sâu đậm. Anh muốn làm mới, muốn thay đổi cuộc sống. Anh quyết định trở thành một ông thầy tu. Anh đến ở tại Làng Mai trong ba tháng, để học hỏi và để chứng tỏ rằng mình có khả năng làm một ông thầy tu. Anh thực tập thiền hành, thiền tọa, ăn uống trong chánh niệm, tham gia vào tất cả các sinh hoạt trong tăng thân.
Anh ta không đòi hỏi gì nơi ba anh. Anh bắt đầu với anh trước. Nhờ sống một cuộc sống mới với tăng thân, nhờ anh có thể thiết lập bình an với chính anh mà anh có thể viết thư cho ba anh mỗi tuần. Anh không mong rằng ba anh sẽ trả lời thơ. Anh viết cho ba anh về cuộc sống tu tập của anh, về những niềm vui nhỏ mỗi ngày trong khi tu tập. Sau sáu tháng, anh tập trung chánh niệm, theo dõi hơi thở, giữ bình tĩnh và gọi điện thoại về nhà. Ba anh trả lời điện thoại. Ba anh biết rằng anh ta đã trở thành một thầy tu và ông ta rất giận. Ông ta hỏi qua điện thoại: “Mày còn ở với cái nhóm đó không? Mày còn là một ông thầy tu đấy hả? Thế thì tương lai của mày ra sao?” Người thanh niên ấy đã trả lời như sau: “Thưa ba, điều mà con lưu tâm hơn hết là lập lại liên hệ tốt giữa ba và con. Được như thế thì con sẽ rất hạnh phúc. Đây là điều quan trọng nhất cho con. Con muốn được gần gũi Ba, liên hệ chuyện trò với ba. Đây là ưu tư duy nhất của con. Điều đó quan trọng hơn tất cả điều chi khác kể cả tương lai.”
Ba anh im lặng rất lâu khi nghe anh nói như thế. Trong khi đó chàng thanh niên, bây giờ là một thầy tu trẻ, tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm. Sau cùng người cha trả lời “Okay! Ba cũng đồng ý như vậy. Điều đó cũng rất quan trọng cho ba.” Rõ ràng là người cha đó đâu chỉ có giận ghét con mình. Trong nhiều bức thư anh đã viết tất cả những gì có thể tưới tẩm những hạt giống tích cực trong ba anh. Kể từ hôm đó người cha đã kêu điện thoại cho con hằng tuần. Truyền thông giữa hai cha con đã được tái lập, và hạnh phúc của hai cha con đã trở thành một sự thật.
Hòa Bình Bắt Đầu Từ Chính Bạn
Muốn thay đổi sâu sắc cuộc sống trước nhất ta phải xét lại cách ăn uống, tiêu thụ. Phải ngưng tiêu thụ những gì có thể đầu độc ta. Khi đó ta mới có được sức mạnh để nuôi lớn những gì tốt đẹp trong ta và không còn là nạn nhân của sân hận, phiền não.
Khi cánh cửa của truyền thông đã mở rộng thì không có gì mà không làm được. Vì vậy bạn phải nỗ lực khai mở và tái lập truyền thông. Phải nói rõ ước muốn và quyết tâm hòa giải của bạn với người kia. Hãy yêu cầu người kia giúp. Hãy nói với người kia rằng “Sự truyền thông giữa chúng ta là quan trọng bậc nhất cho tôi. Sự liên hệ giữa chúng ta là điều vô cùng quý giá và không có gì quan trọng hơn.’ Hãy nói cho rõ điều ấy và yêu cầu người kia giúp vào một tay.
Phải bắt đầu bàn thảo về một kế hoạch. Không cứ người kia có thể làm được gì, bạn phải làm tất cả những gì mà bạn có thể làm được. Bạn phải đóng góp một trăm phần trăm. Tất cả những gì mà bạn có thể làm cho bạn là bạn làm cho người kia. Đừng chờ đợi. Đừng đặt điều kiện. “Nếu anh không cố gắng hòa giải thì em cũng sẽ không cố gắng làm gì.” Như thế thì sẽ không đi tới đâu cả. Hòa bình, hòa giải và hạnh phúc bắt đầu từ chính bạn.
Nghĩ rằng nếu người kia không thay đổi hay không khá hơn thì không cải thiện được gì là sai lầm. Luôn luôn có cách để tạo ra niềm vui, an lạc, hòa điệu, và chúng ở trong tầm tay bạn. Cách bạn đi đứng, thở cười, phản ứng, tất cả đều rất quan trọng. Bạn phải bắt đầu bằng những cái đó.
Có nhiều cách để truyền thông, và cách hay nhất là tỏ ra rằng bạn không còn hờn giận hay trách móc. Phải chứng tỏ là bạn đã thông cảm và chấp nhận người kia. Thông điệp truyền thông của bạn không phải chỉ ở lời nói mà ở nơi dáng dấp của bạn, với đôi mắt từ bi, với cử chỉ dịu dàng. Nếu bạn tươi mát, thân mật thì bạn cũng đã thay đổi được nhiều lắm rồi. Bạn sẽ là một bóng cây mát, một dòng suối ngọt. Người cũng như vật đều muốn đến gần vì bạn tươi mát, vui vẻ. Bắt đầu từ chính bản thân bạn, bạn sẽ có thể tái lập truyền thông và những người khác sẽ tự nhiên mà thay đổi.
Hiệp Ước Sống Chung An Lạc
Hãy nói với người ta thương như thế này: “Trong quá khứ chúng ta đã gây khổ cho nhau quá nhiều, bởi vì cả hai ta đều không biết xử lý cơn giận. Bây giờ chúng ta phải tìm cho ra một kế hoạch để xử lý, chăm sóc cơn giận của chúng ta.”
Giáo lý Đạo Bụt có thể giúp dập tắt ngọn lửa sân hận, đau khổ. Tuệ giác Đạo Bụt đem lại cho ta an lạc ngay bây giờ và ở đây. Kế hoạch hòa bình và hòa giải của chúng ta phải được căn cứ trên tuệ giác đó.
Khi năng lượng sân hận bừng dậy ta thường có xu hướng bộc lộ cơn giận ra ngoài để trừng phạt người đã làm cho ta khổ. Đây là một tập khí có sẵn trong ta. Khi khổ ta thường trách rằng người kia đã làm cho ta khổ. Ta không bao giờ nghĩ rằng cơn giận trước hết là chuyện của riêng ta. Ta chịu trách nhiệm trước nhất về cơn giận của ta mà lại ngây thơ nghĩ rằng nếu nói được một câu gì hay làm một điều gì để trừng phạt người kia thì ta sẽ bớt khổ. Phải loại bỏ ý nghĩ này ra khỏi đầu óc mới được. Bởi vì khi giận thì bất cứ hành động nào, lời nói nào cũng chỉ tạo nên đổ vỡ mà thôi. Trái lại phải tránh làm bất cứ điều gì hay nói bất cứ lời gì trong khi đang giận.
Khi nói một câu hung dữ hay hành động để trả thù thì cơn giận càng tăng thêm. Ta sẽ làm người kia khổ và người ấy sẽ tìm cách trả đũa để cho bớt giận. Xung đột vì thế sẽ leo thang. Điều này đã từng xẩy ra không biết bao lần. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều vụ leo thang xung đột, hờn giận. Thế mà ta chẳng học được bài học. Phải nhớ rằng tìm cách trừng phạt người kia chỉ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ mà thôi.
Trừng phạt người kia chính là tự trừng phạt mình. Điều này đúng trong tất cả mọi trường hợp. Mỗi khi Hoa kỳ trừng phạt Iraq, không những Iraq khổ mà Hoa kỳ cũng khổ. Mỗi khi Iraq trừng phạt Hoa Kỳ, không chỉ Hoa kỳ khổ mà Iraq cũng khổ theo. Bất cứ xứ nào trên thế giới cũng vậy: giữa Do Thái và Palestin, giữa Muslim và Hindu. Giữa chúng ta và bất cứ ai khác cũng vậy. Luôn luôn là như vậy. Vậy thì chúng ta phải thức tỉnh, phải ý thức rằng trừng phạt người khác không phải là một sách lược hay. Bạn và người kia, cả hai đều có đủ thông minh. Hãy sử dụng thông minh của mình. Hãy đến với nhau và thỏa thuận về một kế hoạch để xử lý cơn giận. Trừng phạt lẫn nhau là không khôn ngoan. Hãy hứa với nhau rằng khi giận thì không nên nói gì hết hay làm gì hết. Trái lại chỉ nên trở về với tự thân mà thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm.
Hãy lợi dụng những lúc cả hai đang vui vẻ, hạnh phúc với nhau mà ký một bản hiệp ước hoà bình: hiệp ước sống chung an lạc, bản hiệp ước của tình yêu chân thật. Hiệp ước sống chung an lạc (xem phụ bản A) phải được viết và ký hoàn toàn trên căn bản yêu thương, không như các hiệp ước chính trị. Những bản hiệp ước chính trị chỉ chú trọng tới quyền lợi quốc gia vị kỷ, chứa đầy nghi kỵ và căm thù. Hiệp ước hòa bình của bạn phải là một bản hiệp ước của thuần túy yêu thương.
Ôm Ấp Cơn Giận
Bụt không bao giờ khuyên ta đè nén cơn giận. Bụt dạy chúng ta trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.
Khi cơ thể có bệnh, hoặc bệnh ruột, hoặc bệnh gan, ta phải gác bỏ tất cả mọi chuyện khác để săn sóc bệnh. Cơn giận của ta cũng là một bộ phận trong cơ thể, như ruột, gan vậy. Khi giận ta phải trở về với tự thân và săn sóc cơn giận của ta. Ta không thể nói, “Này cơn giận, mày hãy biến mất đi! Ta không muốn có mày ở đây.” Khi đau bao tử ta có bao giờ bảo cái bao tử: “Này bao tử, mày hãy cút đi! Ta không có muốn có mày ở đây!” Ta chăm sóc bao tử của ta. Cũng vậy, ta phải ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta nhận diện cơn giận, ôm ấp nó và mỉm cười. Năng lượng giúp ta làm được điều đó là năng lượng của chánh niệm, của bước chân chánh niệm, của hơi thở chánh niệm.
Hạnh Phúc Không Phải Là Một Vấn Đề Cá Nhân
Nhận diện, ôm ấp và mỉm cười với cơn giận không có nghĩa là phải dấu kín cơn giận. Phải cho người kia biết rằng ta đang giận, đang khổ. Đây là một điều rất quan trọng. Khi giận ai thì đừng giả bộ là không giận, đừng giả bộ là không khổ. Nếu người kia là một người rất thân thiết thì ta phải nói rõ cho người ấy biết là ta đang giận. Nhưng phải nói một cách bình tĩnh.
Trong tình yêu chân thật không có tự ái. Bạn không thể giả bộ là bạn không khổ, không giận. Giả bộ, che giấu như thế là vì tự ái. “Tôi mà giận à? Tại sao tôi lại phải giận? Tôi có việc gì đâu? “Sự thật là bạn đang ở trong địa ngục. Cơn giận đang thiêu đốt bạn, và bạn phải cho người bạn đường, cho con trai, cho con gái của bạn biết điều đó. Xu hướng của chúng ta là tuyên bố rằng “Ta đâu cần có ai ta mới hạnh phúc, một mình ta cũng chẳng sao.” Làm như thế là phản lại lời nguyện ước của buổi ban đầu.
Buổi ban đầu thì thề thốt gắn bó: “Không có anh chắc em sống không nổi. Anh là nguồn hạnh phúc của em.” Nhưng sau đó, khi giận thì nói điều trái ngược: “Tôi không cần anh đâu! Đừng có tới gần đây làm chi! Đừng có đụng tới tôi” Rồi bỏ đi vào phòng riêng và đóng cửa lại để chứng tỏ rằng ta không cần tới người kia. Tâm lý thường tình là như vậy. Nhưng đó không phải là tuệ giác khôn ngoan. Hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân. Nếu một trong hai người không hạnh phúc thì người kia chắc chắn sẽ không thể hạnh phúc.
1. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ.”
Nói lên câu “Anh yêu em” là tốt, là quan trọng. Bày tỏ cảm tình thương yêu, hạnh phúc của mình với người mình thương là một điều tự nhiên thôi. Nhưng bạn cũng phải cho người bạn thương biết khi bạn đang khổ vì người đó, đang giận người đó. Phải nói lên cảm xúc của bạn. Bạn có quyền làm như vậy. Đây là tình yêu chân thật. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ.” Hãy nói câu đó với tất cả chân tình hòa nhã. Có thể là giọng nói của bạn có chứa ẩn một chút buồn, nhưng không sao. Nhưng đừng nói để trách móc hay để trừng phạt. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó.” Đây là tiếng nói của tình yêu, bởi vì bạn đã từng long trọng hứa rằng là sẽ nâng đỡ nhau trong cuộc sống chung. Giữa cha mẹ và con cái cũng vậy, giữa anh em, bạn bè cũng vậy, phải nói lên cảm xúc buồn giận, khổ đau của mình.
Mỗi khi khổ bạn có bổn phận nói cho người bạn thương biết. Khi hạnh phúc chia sẻ đã đành, nhưng khi đau khổ cũng phải chia sẻ. Ngay cả khi bạn cho rằng người kia đã gây nên nỗi khổ của bạn, bạn cũng phải nói cho người kia biết. Điều kiện duy nhất là phải nói trong bình tĩnh, phải dùng lời ái ngữ.
Phải làm việc này càng sớm càng tốt. Không nên ôm giữ cái giận trong tâm quá hai mươi bốn giờ. Nếu không thì sẽ khó mà chịu đựng được, và sẽ bị cơn giận đầu độc. Để cho trễ quá là chứng tỏ rằng tình yêu và lòng tin của bạn đối với người kia còn yếu ớt. Vậy thì bạn phải nói lên cho người kia biết là bạn đang khổ, đang giận. Càng sớm càng tốt. Hai mươi bốn giờ là thời hạn chót.
Có thể là bạn cảm thấy chưa sẵn sàng vì chưa được bình tĩnh lắm. Bạn đang còn giận. Vậy thì bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm hay đi thiền hành ngoài trời. Cho đến khi cảm thấy được bình tĩnh rồi sẽ nói. Nhưng nếu sau hai mươi bốn giờ mà vẫn chưa sẵn sàng thì bạn có thể viết xuống một bức thư ngắn, một thông điệp hòa bình. Hãy trao bức thư này trước thời hạn hai mươi bốn giờ. Đây là một điều rất quan trọng. Bạn và người kia đã cam kết sẽ hành xử như vậy khi giận nhau. Nếu không thì bạn đã không giữ đúng những cam kết của thỏa hiệp sống chung an lạc.
2. “Tôi sẽ cố gắng hết lòng”
Nếu quyết tâm muốn cải thiện tình hình thì bạn có thể tiến thêm một bước nữa. Bạn viết thêm câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng”. Nghĩa là bạn sẽ tự kiềm chế không hành động hấp tấp, sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập thiền hành để ôm ấp cơn giận trong chánh niệm. Nghĩa là bạn thực tập theo đúng pháp môn đã dạy. Đừng nói câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng” trừ khi bạn đang thực tập như vậy. Khi giận mà bạn biết sẽ phải thực tập như thế nào để bạn có quyền nói câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng.” Câu nói đó sẽ làm cho người kia tâm phục và tin tưởng.” Tôi sẽ cố gắng hết lòng” có nghĩa là “tôi sẽ giữ đúng cam kết mà trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.”
Khi giận, cơn giận là đứa con của ta và ta phải săn sóc nó. Cũng như khi đau bao tử ta phải trở về với tự thân mà chăm sóc bao tử. Khi đó bao tử là đứa con của ta. Bao tử thuộc phần thân, cơn giận thuộc phần tâm. Ta phải chăm sóc cơn giận cũng như chăm sóc bao tử. Ta không thể nói rằng: “Này sân hận, mày hãy đi đi, mày không phải là của ta!” Vậy thì khi ta nói “Tôi sẽ cố gắng hết lòng” là vì ta đang ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta đang thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm để giải tỏa năng lượng sân hận và biến nó thành một năng lượng tích cực.
Trong khi ôm ấp cơn giận ta thực tập quán chiếu sâu sắc để thấy rõ bản chất của cơn giận bởi vì ta biết rằng có thể ta là nạn nhân của một tri giác sai lầm. Có thể là ta đã hiểu lầm những gì ta nghe hay thấy. Có thể là ta đã có một nhận thức sai lầm về điều người kia đã nói hay đã làm. Cơn giận phát xuất từ nhận thức sai lầm và vô minh. Khi nói câu “Tôi sẽ cố gắng hết lòng” ta ý thức rằng trong quá khứ ta đã từng giận vì đã có tri giác sai lầm như vậy. Cho nên bây giờ ta phải rất cẩn thận và nhớ đừng tin chắc rằng ta là nạn nhân của lời nói hay hành động của người kia. Có thể chính ta đã tự tạo lấy địa ngục.
3. “Xin giúp tôi”
Câu thứ ba tiếp theo hai câu trước một cách tự nhiên. “Xin giúp anh, người thương ơi, anh đang cần em giúp.” Đó là ngôn ngữ của tình yêu chân thật. Khi giận bạn thường hay nói ngược lại: “Đừng đụng tới tôi. Tôi không cần ai cả. Để tôi yên một mình. Có sao đâu!” Nhưng mà đã có lời cam kết săn sóc nhau rồi! Vậy thì khi đau khổ tuy đã biết cách tu tập ta cũng cần đến sự giúp đỡ của người kia trong sự tu tập. “Người thương ơi, anh đang cần em giúp, em giúp anh đi!”
Nói lên được ba câu trên tức là có khả năng yêu thương chân thật. Ba câu đó là tiếng nói đích thực của tình yêu chân thật.
“Người thương ơi! Anh đang giận. Anh đang khổ. Xin biết cho anh điều đó. Anh đang cố gắng. Anh không trách móc ai, kể cả em. Vì chúng ta gần gũi nhau biết chừng nào, vì chúng ta đã có lời cam kết là sẽ chăm sóc cho nhau cho nên anh cần em giúp để thoát ra khỏi tình trạng khổ đau, hờn giận này. “
Cách bạn hành xử khi giận như thế sẽ đem lại sự vững tâm, lòng tin tưởng và tâm khâm phục trong người kia và cả trong chính bạn. Đây là một điều không mấy gì khó khăn.
Cùng Nhau Chuyển Hóa Sân Hận
Giả sử tôi là người đã làm cho bạn giận. Nếu bạn nói với tôi ba câu trên thì tôi sẽ thấy rằng bạn quả là chung thủy với tôi, thương yêu tôi chân thật. Bạn chia sẻ với tôi không chỉ khi hạnh phúc mà cả khi khổ đau. Khi nghe bạn hứa sẽ cố gắng hết lòng tôi tin tưởng, tâm phục và nghĩ rằng bạn có tu tập thật sự. Bạn đã giữ đúng những gì đã học được, đã trung kiên với giáo pháp và tăng thân. Khi thực tập ba câu trên là bạn đang ôm ấp Thầy, Bạn trong tim.
Vì bạn đang cố gắng hết lòng cho nên tôi cũng phải cố gắng hết lòng. Tôi sẽ trở về với tự thân và tu tập. Để cho xứng đáng với bạn, tôi sẽ quán chiếu sâu sắc và thực tập hết lòng và tự hỏi: “Ta đã nói gì, làm gì mà để cho người thương của ta khổ? Tại sao ta lại hành xử như vậy?” Chỉ cần lắng nghe bạn, chỉ cần đọc thông điệp hòa bình của bạn thôi cũng đủ để tôi thức tỉnh rồi. Giáo pháp đã thâm nhập vào bạn và bây giờ thâm nhập vào tôi, năng lượng của chánh niệm bây giờ đã có mặt trong tôi.
Vậy thì khi người kia nhận được thông điệp của bạn, một thông điệp được trao truyền bằng ái ngữ, người ấy sẽ cảm kích vì tình thương yêu, ngôn từ hòa ái và sự thực tập của bạn. Nhận được thông điệp đó người ấy sẽ tỉnh ngộ và sinh tâm kính phục. Người ấy sẽ trở về với tự thân và xét lại coi mình đã làm gì hay đã nói gì mà có thể làm cho bạn đau khổ. Như thế là bạn đã trao truyền đến người đó sự thực tập của bạn. Người ấy sẽ thấy rằng bạn đã cố gắng hết lòng. Và để đáp lại người ấy cũng sẽ cố gắng hết lòng. Người ấy sẽ tự nhủ: “Người thương ơi, tôi cũng xin cố gắng hết lòng.”
Thật là mầu nhiệm, bạn và người kia đang cùng nhau tu tập. Chánh pháp đang có mặt trong cả bạn và người kia. Bụt đang có mặt thật sự trong cả bạn và người kia. Không còn gì nguy hiểm. Bạn đã trở về tự thân, thực tập quán chiếu để tìm hiểu thực trạng của vấn đề. Nếu thấy được lý do sâu kín của sự bất hòa thì hãy nói cho người kia biết ngay đi.
Có thể bạn đã nhận ra rằng bạn đã nổi giận chỉ vì một tri giác sai lầm. Nếu thấy được như thế bạn có bổn phận đến cho người kia hay ngay. Bạn sẽ phải cho người kia hay là bạn rất lấy làm tiếc vì đã nổi giận không lý do. Người kia đã chẳng làm gì sai quấy. Phải cho người ấy biết ngay bằng điện thoại, Fax hay bằng E-mail bởi vì người ấy đang bận tâm vì nỗi khổ của bạn. Như thế thì tâm tư người ấy sẽ được nhẹ nhàng ngay.
Còn về phần người kia, suy nghiệm lại, người kia khám phá ra rằng chỉ vì một tri giác sai lầm mà đã nói một lời nào đó, làm một việc gì đó làm bạn giận, người kia rất lấy làm tiếc và cũng phải cho bạn hay ngay. “Hôm qua, tôi thiếu chánh niệm. Tôi đã nói một câu chỉ vì có một tri giác sai lầm. Tôi không cố ý nói như vậy, nhưng chỉ vì thiếu khéo léo mà thôi. Tôi xin lỗi và sẽ cố gắng trong lần sau sẽ chánh niệm hơn.” Khi bạn nghe người kia nói như vậy sẽ không còn đau khổ nữa và sẽ kính phục người kia nhiều hơn. Bạn và người kia bây giờ là bạn đạo. Niềm tương kính giữa người kia và bạn sẽ tăng trưởng. Lòng kính phục đó chính là nền tảng của tình yêu chân thật.
Người Khách Quý
Trong truyền thống Việt Nam vợ chồng phải đối xử với nhau như khách. Phải kính trọng nhau thật sự. Cho đến thay áo cũng không nên thay trước mặt nhau. Nhất cử nhất động phải tỏ lòng kính nể nhau. Nếu không còn lòng tương kính thì tình yêu chân thật sẽ không lâu bền. Truyền thống tương kính giữa vợ chồng là truyền thống của văn hóa Á châu. Xã hội Tây phương, nhất là xã hội Tây phương thời xưa, chắc cũng có truyền thống này. Thiếu lòng tương kính thì tình yêu sẽ không lâu bền và không bao lâu sẽ bị sân hận và những năng lượng tiêu cực khác trấn ngự.
Trong những đám cưới tại Làng Mai, đôi tân lang và tân giai nhân lạy nhau trong lễ cưới để tỏ lòng tương kính. Bởi vì trong mỗi người đều có Phật tính – khả năng giác ngộ, khả năng phát triển thương yêu lớn, hiểu biết lớn. Khi lạy người hôn phối một cách kính cẩn là chứng tỏ thương yêu. Khi không còn kính trọng nữa thì tình yêu như là đã chết. Vì vậy mà chúng ta phải cẩn trọng nuôi dưỡng lòng tương kính.
Sử dụng ba câu nói của tình yêu chân thật, quán chiếu sâu sắc để thấy rõ trách nhiệm của mình khi có xung đột là cách cụ thể nhất để chứng tỏ lòng kính trọng và nuôi dưỡng tình thương yêu. Xin đừng xem nhẹ ba câu nói của tình yêu chân thật đó.
Hòn Sỏi Trong Túi Áo
Mỗi một chữ của ba mệnh đề trên chứa đựng tình yêu chân thật. Với tình yêu chúng ta có thể giải quyết được tất cả. Bạn có thể viết ba câu ấy vào một mảnh giấy cỡ credit card và bỏ vào ví. Hãy cất giữ mảnh giấy đó như một bảo vật có năng lực cứu độ bởi vì nó sẽ nhắc nhở bạn lời cam kết ân tình của ngày xưa.
Bạn có thể cất vào túi một hòn sỏi, một hòn sỏi đẹp nhất đã được góp nhặt đâu đó trước vườn. Mỗi khi cho tay vào túi chạm nhẹ vào hòn sỏi, bạn theo dõi hơi thở chánh niệm và sẽ cảm thấy bình an. Khi cơn giận đến với bạn thì hòn sỏi sẽ là Chánh Pháp. Hòn sỏi sẽ nhắc nhở bạn ba câu trên. Chỉ cần cầm lấy hòn sỏi mà thở trong chánh niệm và mỉm cười. Phép thực tập này xem ra có vẻ hơi trẻ con nhưng giúp ích rất nhiều. Khi ở trường, khi làm việc hay khi đi mua sắm, bạn không có gì để nhắc nhở bạn trở về với tự thân. Hòn sỏi trong túi áo bạn thay thế cho Thầy, cho tăng thân – đó là tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở bạn ngưng lại để trở về hơi thở.
Nhiều người sử dụng xâu chuỗi để niệm Bụt A Di Đà hay Chúa Jesus. Hòn sỏi cũng như một xâu chuỗi nhắc nhở ta rằng Thầy luôn có ở bên cạnh ta, các bạn đồng tu luôn có ở bên cạnh ta. Hòn sỏi giúp ta trở về hơi thở, khai mở, giữ gìn tình yêu thương, và thắp sáng giác ngộ trong ta.