Về nhà
(Lá thư gửi ba má trong Lễ bông hồng cài áo, khóa tu tiếng Việt “Mở Lối Yêu Thương” tại tu viện Bích Nham, Mỹ năm 2017)
Ba má thương!
Ngày xưa, mỗi lần bà ngoại hay kể là con sinh ra khi ba vẫn còn là sinh viên năm 3 đại học. Má gác lại sách vở dang dở trên giảng đường sư phạm, gác lại giấc mơ được đứng trên bục giảng và những lý tưởng, hoài bão một thời của tuổi trẻ cuồng say. Khi đứng giữa sự lựa chọn, má đã không ngần ngại chọn CON, để rồi một tay bế bồng, một tay vun vén gánh gồng cho ba đi học xa nhà. Bao nhiêu chuyến tàu từ Sài Gòn về Đà Nẵng rồi lại từ Đà Nẵng về Sài Gòn vội vã của ba cũng không lau hết những giọt nước mắt buồn tủi chảy ngược vào tim, cũng không an ủi được gánh nặng đè lên đôi vai gầy run run của má – người phụ nữ ba thương và yêu đã đánh dấu tuổi hai mươi của mình bằng một trách nhiệm thiêng liêng: Làm Mẹ!
Tuổi trẻ thì nông nổi, vẫn chưa sẵn sàng cho một gia đình mới, nên có những lần con sợ hãi vì tưởng rằng những cơn giận bộc phát của ba có thể nuốt chửng cả má, cả con và cả gia đình bé nhỏ của mình. Nhưng má đã đủ kiên nhẫn, đủ bao dung và đủ yêu thương để giúp ba xoa dịu đi những cơn giận mang từ ngoài cuộc sống về nhà, xoa dịu đi cái tôi của một người chủ trong gia đình nhưng nhiều lần bất lực trước sự lặt vặt, tủn mủn của cơm, áo, gạo, tiền…
Mười lăm tuổi – lần đầu tiên con đi học xa nhà. Lịch học dày đặc nên dù chỉ là hai tiếng chạy xe nhưng con chỉ về nhà ba tháng một lần. Những lần về là thấy ba má đứng dựa cửa đợi con, cái dáng liêu xiêu, trông ngóng ra ngõ nhìn thương lắm!
Mười tám tuổi, con bước chân vào giảng đường đại học. Thêm chặng đường bốn năm xa nhà. Con nhớ như in ngày thi đại học vào mùa hè đổ lửa năm ấy. Hai ba con chở nhau đến làng đại học ở Thủ Đức. Buổi tối, trước khi thi, biết tính con khó ngủ, ba ôm mền ra hành lang khách sạn nằm. Nói sao ba cũng không vào, lúc đó ba có biết là con cảm thấy áp lực về kỳ thi đại học kinh khủng như thế nào đâu? Nhất là nhìn ba và má kỳ vọng đến nỗi hai người làm gì cũng quên, lóng ngóng đến xót lòng xót ạ. Bởi con biết tình cảm ba má dành cho con quá lớn. Và chính con cũng không muốn làm cho hai người con thương thất vọng. Buổi trưa nghỉ giữa buổi hai môn thi, con nằm dưới tán cây giữa sân trường, đầu gối lên chân ba ngủ, ba vừa quạt vừa hỏi: “Có nóng không con, có ngủ được không con” – nhưng con thật sự không ngủ được. Trời không mưa nhưng sao ướt mắt con, ba ơi!
Hai mươi hai tuổi con lại đi xa. Lần này lại đến một nơi xa hơn, khó khăn hơn và nỗi nhớ cũng nhiều hơn. Ngày lên máy bay, ba cứ gọi điện thoại dặn dò cho tới khi máy bay sắp cất cánh rồi con mới tắt máy. Sau này má kể, ngày đó vừa cúp điện thoại xong là ba chạy đi kiếm một chỗ nào đó ở sân bay để tìm kiếm chuyến máy bay của Thảo, rồi cứ vậy đứng nhìn theo cho tới khi nó cất cánh rồi vút lên không trung, bay đi mất. Ba cứ đứng đó một hồi rồi mới về nhà. Cuộc đời này quá ngắn nhưng nỗi nhớ lại quá dài.
Con là một đứa nhiều hoài bão, nhiều dự tính, nhiều mơ ước và không bao giờ tự xem là đủ. Có phải cái tính quá cầu toàn, quá khắt khe với chính mình đã tự làm khó mình bao lâu nay?
Nhiều năm trước, khi vẫn còn bé nhỏ, lọt thỏm giữa một nơi xa lạ đất khách. Nguyên kì nghỉ Giáng Sinh, nhà nhà người người quây quần sum họp, còn đối với con, dịp lễ là lúc bon chen với công việc làm thêm. Trong cái lạnh tê tái giữa đông, có con bé người Việt Nam nép mình ở hàng ghế cuối trên chuyến xe bus cuối ngày, mắt nhìn mông lung ra những ánh đèn chớp nháy nhả ánh sáng xanh đỏ xuống nền tuyết trắng bên đường. Thi thoảng con đưa mắt nhìn vào những ngôi nhà sáng đèn có đông người cười nói, ăn uống bên ô cửa sổ gắn đèn lung linh. Ngả lưng ra ghế sau buổi làm mệt mỏi, mắt nhắm nghiền và có gì nóng hổi lại rơi hai bên má…
Mười hai năm con xa nhà. Con đi cũng đủ xa, đủ lâu để theo đuổi ước mơ của mình và cũng đủ cảm nhận thấm thía ý nghĩa của từ NHÀ! Giờ đây, nhiều lúc con đi làm về thật mệt mỏi, đến phòng chỉ muốn nằm vật ra sàn. Nhưng nằm rồi con cũng phải dậy để tự chuẩn bị cho mình bữa tối, rồi thì đồ ăn trưa ngày mai đi làm… Cái xứ gì mà tuyết, tuyết và tuyết miết thôi! Nó tĩnh lặng, yên ắng và lạnh lẽo quá! Con thèm một chút nắng ấm ở quê nhà. Chút nắng ấm có nụ cười và giọng nói của ba má, của gia đình, của những điều bình thường và giản đơn nhất. Chút nắng ấm trải dài trên con đường đất đỏ, nơi có rừng cao su xanh chạy dài tít tắp và hoa cà phê thơm ngan ngát đến nao lòng.
Ba má ơi, có những ngày con chỉ muốn gục ngã vì những khó khăn và sóng gió mà cuộc đời thật ngoài kia đem lại. Con bỗng thấy nhớ nhà đến chảy nước mắt, chỉ muốn như ngày xưa, bắt ngay chuyến xe về nhà tìm chút bình yên. Rồi lại hụt hẫng vì giờ khoảng cách là nửa vòng Trái Đất.
Về nhà là những phiền toái của thế giới bên ngoài bị bỏ lại phía sau. Là sẽ chẳng còn cảm giác ấm ức vì bị người đời bắt nạt hay cảm giác một mình bất an khi tỉnh giấc giữa đêm. Những ngày mệt mỏi cũng sẽ qua đi nhẹ nhàng. Con muốn được ngủ một giấc ngủ không mộng mị, không phải suy nghĩ đến công việc ngày mai, ngày kia hay những việc sẽ phải làm những ngày sau đó.
Bầu trời này rộng lớn quá! Con chỉ mới bước ra, con thấy sợ khi phải một mình quyết định mọi khó khăn. Con thấy sợ hãi rằng khi con chỉ mới bắt đầu mà chính cái lòng tự tôn bao lâu nay của con đã chùn bước. Ngày trước con háo hức bao nhiêu thì bây giờ lại thấy sợ bấy nhiêu. Có phải con đã quá lớn để không thể tiếp tục quay trở lại ngày xưa nữa không? Liệu rằng con có giống như lời một bài hát đã hát rằng:
” Mẹ ơi con muốn về nhà
Thèm vòng tay mẹ ôm con vào lòng
Mẹ ơi con muốn về nhà
Sao con càng lớn đường về càng xa…”
Và con biết, ở nơi xa này, cách duy nhất để yêu thương ba má, đó là con phải biết tự chăm sóc và yêu thương bản thân mình. Vì con chính là một phần máu thịt của ba má và hơn hết thảy, ba má cũng luôn ở trong con, trong từng tế bào, từng hơi thở, từng ánh mắt và từng nghĩ suy. Vậy nên, ba ơi, má ơi! “Con luôn thở cho ba và con luôn mỉm cười cho má”.
Lại một chặng đường mới, thử thách mới và kỳ vọng mới! Con đang cố hết sức để về thăm nhà – cũng giống như hồi xưa, cái thời sinh viên mà mỗi lần con vừa về tới ngõ là ba má chạy ra hớn hở: “Chị Hai tui về rồi hả bây? Đi xe mệt không con?”, rồi tay đỡ ba lô, giỏ xách của con gái đang mệt lả, xanh lét vì say xe. Lâu lắm rồi con không biết đến cái cảm giác trở về đó, nhưng nó sẽ không xa đâu. Con biết chắc như vậy.
Con
Phương Thảo
Luôn yêu thương ba má như đã từng!
Tu viện Bích Nham – một ngày đầu tháng 9 – 2017