Đáp ứng nhu yếu của tuổi trẻ
Có một Huynh Trưởng có hai đứa con. Hai cháu đều đi Gia Đình Phật Tử. Vị Huynh Trưởng đó có nhiều niềm vui khi hướng dẫn con mình và các em khác trong Gia Đình Phật Tử. Các em mới qua xứ người, tiếng Anh chưa giỏi, chưa biết gì về đời sống xã hội, học đường, chưa hội nhập được vào đời sống mới. Vị Huynh Trưởng đó có niềm vui khi hướng dẫn các em, dạy các em hát những bài hát mới, sống một không khí rất Việt Nam tại vì không khí của Gia Đình Phật Tử rất khác với không khí bên ngoài. Thành ra Gia Đình Phật Tử tạo ra một môi trường để giúp các em mới qua cảm thấy thân thuộc trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng không hiểu tại sao hai, ba năm sau thì các cháu con của vị Huynh Trưởng đó không muốn tham gia vào Gia Đình Phật Tử nữa. Vị Huynh Trưởng đó chỉ dạy được các em mới từ Việt Nam qua thôi. Và thường thường, đa số các em khác cũng chỉ ở trong Gia Đình Phật Tử hai, ba năm rồi lại bỏ Gia Đình Phật Tử mà đi. Vị Huynh Trưởng đó đánh mất luôn sự truyền thông với hai đứa con của chính mình. Các cháu có đời sống riêng của chúng tuy rằng cùng sống chung trong một mái gia đình. Mỗi người đi một hướng khác nhau. Hai cháu đi một hướng và người Huynh Trưởng đó đi một hướng khác. Và cố nhiên khi bảo cháu đi Gia Đình Phật Tử thì cháu không đi nữa, cháu chỉ đi có mấy năm đầu và nhất là khi mà giữa cháu và bố cháu không có sự truyền thông thì cháu lại càng không muốn đi nữa.
Biết bao nhiêu em đã bỏ Gia Đình Phật Tử sau khi đã tham dự Gia Đình Phật Tử vài ba năm, nên rốt cuộc phần lớn những em còn ở trong Gia Đình Phật Tử là những em mới qua, nói tiếng Việt rất giỏi. Nhưng khi các em đó đã nói tiếng Mỹ giỏi, đã quen thuộc với môi trường xã hội mới thì rất nhiều em lại cũng bỏ Gia Đình Phật Tử mà đi. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao? Câu trả lời là tại vì Gia Đình Phật Tử không cung cấp được những thức ăn thật sự cần thiết cho các em nên một số rất đông các em đã bỏ Gia Đình. Các em bỏ đi vì đã không nhận được những thức ăn nuôi dưỡng cần thiết và có khả năng trị liệu những thương tích trong em. Một phần cũng tại vì vị Huynh Trưởng không có khả năng tự nuôi dưỡng và trị liệu những vết thương của mình. Chúng ta phải ngồi lại, chúng ta phải quán chiếu, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao? Trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử chúng ta có những trò chơi, chúng ta có những bài hát, chúng ta có sự họp mặt thường xuyên, chúng ta có làm lễ, có tụng kinh, có học giáo lý mà tại sao các em lại bỏ Gia Đình? Các em không cần tới những sinh hoạt đó hay sao? Nếu chúng ta ngồi chung với nhau để quán chiếu thì chúng ta sẽ tìm ra nhiều nguyên do. Ví dụ như chuyện tụng kinh: Nếu chúng ta tụng những kinh mà các em không hiểu, không áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày thì một hồi các em sẽ chán. Những ngày đầu đưa em tới chùa, mẹ em dạy cho em lạy Phật, chắp tay lại, cúi đầu xuống, năm vóc sát đất, nhưng mẹ em không dạy tại sao em phải làm như vậy. Và khi em thấy những đứa con nít Mỹ nhìn em cười thì em có cảm tưởng là mình đang làm một chuyện lố bịch, mê tín. Em không được giảng dạy, em không hiểu được ý nghĩa của sự lạy Bụt nên em có mặc cảm là em đang làm trò mê tín, lố bịch. Rồi khi tụng kinh thì em cũng chẳng hiểu gì hết. Làm sao em hiểu được chú Đại Bi? Làm sao em hiểu được Tâm Kinh Bát Nhã? Làm sao em hiểu được những câu thần chú như Tiêu Tai Cát Tường, như Vãng Sanh Quyết Định Chân Ngôn? Và những bài giáo lý giảng dạy cho các em chỉ là những bài giáo lý thuần túy lý thuyết, đầy danh từ mà không áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày, không có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Người quan sát có cảm tưởng là chúng ta duy trì Gia Đình Phật Tử như duy trì một hình ảnh đẹp của quá khứ vang bóng một thời. Trong nội dung sinh hoạt cũng không có sinh khí thật sự, không có chất lượng thật sự của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Vì vậy các em chỉ ở với Gia Đình Phật Tử một vài ba năm thôi, rồi các em bỏ đi và không muốn trở lại nữa. Vì vậy Gia Đình Phật Tử được duy trì với các Huynh Trưởng lão thành và phần lớn đoàn sinh là những người mới. Số lượng những đoàn sinh còn tiếp tục sinh hoạt cho đến khi thành được Huynh Trưởng là một tỷ lệ rất ít.
Tôi đã từng tổ chức những khóa tu cho trẻ em Châu Âu và trẻ em Hoa Kỳ. Các em tới với cha mẹ nhưng có chương trình riêng. Các em cũng được nghe pháp thoại và được thực tập theo lứa tuổi của mình. Có những khóa tu cho thiếu nhi Hoa Kỳ rất thành công. Bố mẹ các em cũng tới để yểm trợ và tu học với các em. Có hàng trăm em tới tu học và lúc đầu thì có em không thích gì mấy. Các em đó không hiểu tại sao mình lại phải tới và tới để làm gì nhưng vào cuối khóa tu thì các em rất thích. Lúc đó các em lại hỏi: "Why do we have to leave?" (Tại sao con lại phải rời đây?) Những khóa tu như vậy vui lắm vì thật sự đã làm thỏa mãn được những nhu yếu của các em, không những chỉ là nhu yếu chơi mà còn là những nhu yếu phát triển khả năng thương yêu và hiểu biết của các em. Đã có một số các em thiếu nhi tu ở khóa tu thiếu nhi cách đây mười năm và bây giờ có ý định xuất gia. Nếu những đứa trẻ Tây phương đó đã tiếp nhận được những hạt giống của chánh pháp và trong mười năm qua những hạt giống đó được tiếp tục lớn lên để rồi các em lại có khuynh hướng sống đời sống xuất gia tức là sự giáo hóa thành công. Thành công hay không là ở chỗ pháp môn có hữu hiệu và thực tiễn, đáp ứng được nhu yếu của tuổi trẻ hay không. Đó là nhu yếu được nuôi dưỡng: nuôi dưỡng niềm vui, nuôi dưỡng tình thương, nuôi dưỡng hạnh phúc. Và đó là nhu yếu được trị liệu: trị liệu những đau buồn, những khổ đau, những thương tích đã được gây ra trong đời sống gia đình, và trong đời sống xã hội.