Quốc sư Thông Biện
Phụ lục
Quốc sư Thông Biện (? – 1134)
(Trí Không Thiền Sư)
(trích Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch)
Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, 1993
Chùa Phổ Ninh, huyện Từ Liêm
Quốc sư người hương Đan Phương, họ Ngô, vốn dòng dõi Phật tử, bản tính thông tuệ, học thông tam giáo.
Lúc đầu sư tham vấn thiền học, đắc pháp với thiền sư Viên Chiếu1 ở chùa Cát Tường. Sau đó có chiếu chỉ triệu về kinh đô Thăng Long trụ trì chùa Khai Quốc, sư tự xưng hiệu là Trí Không. Mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096), ngày rằm tháng hai, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu2 đến chùa thiết lễ trai tăng. Trong lúc đàm đạo với các bậc túc tăng kỳ lão, Thái hậu hỏi:
– Phật và Tổ nghĩa thế nào? Ai hơn ai kém? Phật trụ phương nào? Tổ ở thành nào? Đến nước ta từ bao giờ? Việc truyền đạo ai trước ai sau? Mà người niệm tên Phật đạt tâm ấn của Tổ chưa rõ là những ai?
Bấy giờ mọi người đều im lặng cả, sư thưa rằng:
– Thường trụ ở thế gian, không sinh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tông của Phật, giảng và làm đi đôi với nhau, gọi là Tổ. Chỉ vì những kẻ kém học nói bậy là có bên hơn bên kém mà thôi. Vả lại Phật có nghĩa là “Giác” (hiểu biết) vốn lặng lẽ, thường trụ, tất cả chúng sinh đều có cùng lẽ ấy. Chỉ vì tình trần che lấp, trôi nổi theo nghiệp báo mà phân ly ra các cõi. Phật vì lòng từ bi mà thị sinh ở đất Thiên Trúc, là vì xứ sở ấy ở vào khoảng chính giữa của trời đất. Phật mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo. Ở đời thuyết pháp bốn mươi chín năm, mở ra các pháp môn để giác ngộ cho người đời. Đấy là thời đại hưng giáo vậy. Khi sắp nhập Niết Bàn, lại sợ người hiểu lầm ý mình, Phật bèn bảo Văn Thù3 “Ta bốn mươi chín năm chưa từng nói một lời, sao lại bảo là ta có thuyết giáo ư?” Nhân đó Phật cầm cành hoa giơ lên. Mọi người đều chưa hiểu Phật nói ý gì. Chỉ một mình Ca Diếp tôn giả mỉm cười. Phật biết Ca Diếp đã lĩnh ngộ, bèn đem chánh pháp nhãn tạng4 truyền cho. Đó là Tổ thứ nhất của dòng Tâm tông, được trao truyền bên ngoài giáo điển5 .
Sau đó Ma Đằng6 đem pháp ấy đặt vào đất Hán. Rồi Đạt Ma đem tông chỉ sang các nước Lương, Ngụy. Việc truyền pháp đến Thiên Thai trí giả7 là thịnh, gọi là Giáo tông. Về tôn chỉ của Đạt Ma thì đến Tào Khê Huệ Năng là sáng tỏ, gọi là Thiền tông. Hai tông này truyền vào nước Việt ta đã lâu năm. Về Giáo tông thì có Mâu Bác8 , Khương Tăng Hội9 . Thiền tông thì có phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) vào trước, phái Vô Ngôn Thông vào sau. Đó là tổ của hai phái.
Thái hậu hỏi:
– Về Giáo tông thì chưa nói tới, nhưng còn hai phái thiền tông thì có gì chứng thực không?
Sư đáp:
– Xét về truyện Đàm Thiên pháp sư thấy chép rằng: Vua Tùy Cao Tổ (581 – 604) gọi sư là pháp khí và bảo: “Trẫm nghĩ đến đạo từ bi của Điều Ngự10 mà không biết làm sao để báo đáp ân đức. Trộm ở ngôi vua, trẫm đã hỗ trợ Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) khắp nơi: trong nước thì thu xá lợi xây 49 bảo tháp, ngoài nước thì dựng 150 chùa tháp để tiêu biểu cho đời. Ở các xứ ngoài như Giao Châu cũng đã nhiều lần cho dựng chùa để ơn phúc nhuần thấm khắp cõi đại thiên. Nhưng xứ ấy tuy nội thuộc mà ràng buộc còn lỏng lẻo. Vậy pháp sư nên chọn những vị sa môn có danh đức đưa sang đó để giáo hóa, khiến cho tất cả đều được đạo Bồ Đề”. Pháp sư Đàm Thiên tâu: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu11 đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi.” Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước ta. Hồi ấy đã có các vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực12 , Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương13 , Mâu Bác v.v… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp14 với Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền bá tông phái của tổ thứ ba Tăng Xán. Pháp Hiền là vị bồ tát sống, hiện trụ trì ở chùa Chúng Thiện, giáo hóa không dưới ba trăm môn đồ, không thua kém gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là bậc cha hiền của khắp thiên hạ, muốn bố thí bình đẳng nên định đưa chư tăng sang giáo hóa. Nhưng họ đã có người rồi, ta không phải cho người sang nữa. Lại có chứng cứ nữa: tướng quốc đời Đường là Quyền Đức Dư viết trong lời tựa sách Truyền Pháp rằng: “Lại sau khi Tào Khê (Huệ Năng) mất, thiền pháp thịnh hành, các dòng đều có kẻ nối, Thiền sư Chương Kính Huy đem những điều tâm pháp quan yếu của Mã Tổ đi thi hành giáo hóa ở miền Ngô, Việt. Vô Ngôn Thông đại sư đem tông chỉ của Bách Trượng Hoài Hải đi khai ngộ ở Giao Châu.” Đó là chứng cứ vậy.
Thái hậu lại hỏi:
– Sư truyền thừa của hai tông phái ấy thứ tự thế nào?
Sư đáp:
– Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì nay có Lâm Huệ Sinh, Vương Chân Không. Phái Vô Ngôn Thông thì có Mai Viên Chiếu, Nhan Quảng Trí. Dòng của Khương Tăng Hội thì nay có Lôi Hà Trạch. Ngoài ra những phái phụ thì nhiều không kể xiết.
Thái hậu cả mừng, phong sư làm Tăng thống, ban áo ca sa màu tía, ban hiệu Thông Biện đại sư, hậu thường để tỏ rõ Vinh sủng. Sau Thái hậu lại thỉnh sư vào đại nội, phong làm quốc sư để tham vấn, nhờ đó hiểu sâu tôn chỉ của Thiền tông. Thái hậu có làm kệ Ngộ Đạo như sao:
HOA BẰNG (TVLT 1)
Về già, sư trụ trì ở chùa Phổ Ninh, mở đàn thuyết pháp. Phàm việc dạy người, sửa mình sư thường dẫn dụng đến kinh Pháp Hoa, vì vậy người đương thời gọi sư là Ngô Pháp Hoa15 .
Ngày mười hai tháng hai năm Giáp Dần niên hiệu Thiên Chương Báo Tự thứ hai (1134) sư lâm bệnh rồi qua đời(16) .
________________________
1 Nguyên bản in nhầm là “Viên sư Đan Chiếu”.
2 Tức Ỷ Lan nguyên phi, mẹ vua Lý Nhân Tông, được phong Hoàng Thái Hậu năm 1073. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Bản kỷ 3, t 18a) thì thụy hiệu của bà “Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”, không có chữ “Cảm”.
3 Văn Thù cũng tức là Văn Thù Sư Lợi (Manjuri) vị bồ tát đệ tử của Phật Thích Ca.
4 Chánh pháp nhãn tạng: chánh pháp bao hàm muôn đức (tạng) như con mắt trí tuệ (nhãn) nhìn thấu khắp tất cả mọi sự vật hiện tượng.
5 Giáo ngoại biệt truyền: Tương truyền Tổ Đạt Ma khi qua Trung Quốc có nói bốn câu thơ, sau này thành tôn chỉ của Thiền tông Trung Hoa: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Nghĩa là: Không bày đặt giáo nghĩa, trao truyền ngoài giáo điển, chỉ thẳng vào tâm người, thấy được tánh mà thành Phật. Ý tứ là: chân lý hay là thực tại siêu việt ngôn ngữ, kinh sách. Giáo điển chỉ là cái bè qua sông, ngón tay chỉ mặt trăng. Tu thiền là chỉ thẳng vào Tâm; thấy được tánh tức là giác ngộ được Phật tính thì sẽ thành Phật (Minh Chi chú)
6 Ma Đằng cũng gọi là Nhiếp Ma Đằng, một trong hai nhà sư Ấn Độ đến Trung Quốc đầu tiên (năm 68 đời Hán Minh Đế)
7 Thiên Thai trí giả: tức sư Trí Khải (đời Tùy) tổ thứ ba của Thiên Thai Tông.
8 Mâu Bác (người đời Hán) sang Giao Châu thời Sĩ Nhiếp (187 – 226) có tác phẩm Lý Hoặc Luận.
9 Khương Tăng Hội: tức Tăng Hội nhà sư người nước Khương Cư (Sogdiane, nay thuộc U-dơ-bếch, Liên Xô) sinh và xuất gia ở Giao Châu rồi sang Trung Quốc truyền giáo.
10 Điều Ngự: một trong mười hiệu của Phật Thích Ca
11 Luy Lâu cũng đọc là Liên Lâu, thủ phủ Giao Châu thời Bắc thuộc (nay thuộc địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc).
12 Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka) nhà sư Ấn Độ đến Luy Lâu khoảng năm 168 – 169
13 Chi Cương Lương (Kalaruci) nhà sư người nước Nhục Chi (Trung Á) đến nước ta đầu thế kỷ thứ III
14 Nguyên bản TUTA ở câu này khắc rối mấy chữ: “… hữu pháp đắc Hiền thượng sĩ.” Đúng ra hai chữ “đắc pháp” phải để sau chữ sĩ.
15 Nguyên bản in là Ngộ Pháp Hoa, nhầm do Ngô và Ngộ gần âm mà khắc nhầm chữ.
16 Nguyên bản in là Long Chương Bảo Tự, sửa lại cho đúng là Thiên Chương Bảo Tự (1133 – 1138).