Những gì trong gia sản văn hóa Việt Nam có thể đóng góp


Những gì trong gia sản văn hóa Việt Nam có thể đóng góp cho nền hòa bình và an vui thế giới ?
Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 10.03.2005 tại Trung tâm văn hóa Liễu Quán, Huế

Lời ban tổ chức

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Ngưỡng bạch chư tôn Hòa thượng,
chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni,
Kính thưa quý vị trí thức học giả, nhân sĩ,
Kính thưa toàn thể nam nữ Phật tử các giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về thăm viếng cố đô Huế và đã có những Phật sự hoằng pháp lợi đạo, ích đời trong suốt hai mươi ngày qua. Mặc dù thì giờ rất eo hẹp nhưng Thiền sư đã đặc biệt lưu tâm đến trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán của cố đô Huế. Chiều hôm nay, ngài quang lâm thăm viếng trung tâm văn hóa Liễu Quán và chư tôn đức, tăng ni, quý vị học giả, nhân sĩ trong thành phố Huế cùng toàn thể nam nữ Phật tử các giới. Với tất cả đạo tình sâu sắc sau bốn mươi năm xa cách, nhân buổi gặp gỡ đông đủ các giới tăng ni, Phật tử và đặc biệt là các vị trí thức học giả nhân sĩ tại thành phố Huế, Thiền sư sẽ thuyết giảng đề tài: Những gì trong gia sản văn hóa Việt Nam có thể đóng góp cho nền hòa bình và an vui thế giới. Thay mặt ban đón tiếp và liệt vị hiện diện, chúng con thành kính niệm ơn Thiền sư và cung thỉnh Thiền sư bắt đầu buổi thuyết giảng hôm nay.
Nam mô thường hoan hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng

Xin cảm ơn Thượng tọa,
Kính thưa chư vị Tôn đức,
Kính thưa quý vị quan khách.

Đạo Phật Việt Nam có những bản sắc riêng, mang theo nhiều yếu tố của văn hóa dân tộc. Đạo Phật Việt Nam có một đức Quan Âm rất là Việt Nam, đó là đức Quan Âm Thị Kính. Trong kinh Phổ Môn, chúng ta nghe rằng tình thương được biểu hiện ra nhiều hình thái. Dù dưới nhiều hình thái khác nhau nhưng nếu có con mắt quan sát, chúng ta có thể nhận diện được đó là biểu hiện của tình thương. Quan Âm là tình thương, chúng ta rất cần tình thương. Vậy nên chế tác nuôi dưỡng tình thương là sự thực tập.

Phật giáo Việt Nam đã cống hiến được cho Phật giáo thế giới một đức Quan Âm rất Việt Nam, đó là đức Quan Âm Thị Kính. Quan Âm là tình thương, là khả năng lắng nghe, hiểu, chấp nhận, thương yêu và cứu độ. Avalokiteśvara (hay Avalokiteśhvara) là tên đức Quan Âm bằng tiếng Phạn. Avalokita nghĩa là người có khả năng nhìn sâu và lắng nghe một cách sâu sắc để có thể hiểu và thương, để có thể chấp nhận. Eśvara nghĩa là người đã đạt tới tự do, tự tại. Avalokiteśvara dịch theo người xưa là Quan Thế Âm nhưng trong những thế kỷ gần đây, từ thế kỷ thứ bảy dịch là Quán Tự Tại. Nhờ có sự quán sát sâu sắc, có sự lắng nghe sâu sắc mà mình đạt tới cái hiểu và cái thương, làm cho mình thật sự trở thành một con người tự do.
Xin các thầy và các sư cô Làng Mai xướng tụng danh hiệu Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn để bắt đầu buổi nói chuyện ngày hôm nay. Các thầy và các sư cô sẽ xướng tụng không phải chỉ bằng miệng mà bằng trái tim. Trước hết thầy Pháp Niệm sẽ xướng bài tán dương đức Quan Thế Âm bằng tiếng Việt:

Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây

Sau đó đại chúng sẽ cùng xướng tụng danh hiệu Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn, Namo Avalokiteśvara. Chúng ta được mời tham dự, không phải là để tụng theo, nhưng để có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể, chúng ta có thể ngồi thoải mái và buông thư để cho năng lượng của tình thương đi vào thì những đau nhức, những căng thẳng đó sẽ biến mất.

Nếu chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau trong lòng mà chưa chuyển hóa được, chúng ta có thể mở trái tim ra, cho năng lượng của tăng thân, cũng như năng lượng của đức Bồ Tát đi vào trong người của mình, để nhận diện ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau đó.

Nếu chúng ta có một người thân đang bị bệnh, nằm ở nhà thương hoặc một nơi nào đó không đến được, chúng ta muốn truyền năng lượng tốt đẹp này về cho người đó. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới người đó, hình dung tới người đó hoặc là gọi tên người đó một cách thầm lặng thì năng lượng này sẽ được truyền về nhanh chóng. Điều kiện thành công của sự thực tập là có mặt thật sự thân và tâm trong giây phút hiện tại. Buông thư để cho năng lượng của đức Bồ Tát có cơ hội thấm vào cơ thể và tâm hồn của mình. Xin mời chư vị Tôn đức, quý vị Phật tử, quý vị quan khách nghe chuông và thực tập theo dõi hơi thở.

Thở vào tôi biết rằng mình đang còn sống.
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Con cái ở đâu thì ông bà ở đó

Kính thưa liệt vị Tôn đức, các vị Phật tử cư sĩ, các vị quan khách. Tôi có biết một anh chàng họa sĩ người Huế sống ở Hoa Kỳ. Ngày xưa anh đã rời quê hương một cách rất khó khăn. Anh ta xin làm bồi trên một chiếc tàu thủy để có thể đi qua một nước Tây phương và nghĩ rằng mình sẽ có tương lai ở đó. Vào đêm anh từ giã bà mẹ, hai mẹ con khóc. Bà cụ là một phụ nữ Huế, không biết đọc, không biết viết, nhưng bà đã dặn đứa con trai như thế này: Này con, khi mà con sang bên nớ, mỗi khi thấy nhớ mẹ nhiều lắm, con đưa bàn tay lên, con nhìn bàn tay con cho kỹ, con sẽ thấy bớt nhớ mẹ. Trong suốt mấy mươi năm ở bên Mỹ, không có cơ hội trở về Việt Nam, anh ta thường đưa bàn tay lên để nhìn ngắm theo lời bà mẹ căn dặn. Anh cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cố nhiên bà mẹ Việt Nam đó chưa bao giờ học triết học, chưa từng học khoa học nhưng bà có tuệ giác của cha ông để lại, bà biết rằng: Mình có mặt trong bàn tay của đứa con trai mình.

Chúng ta biết rằng tất cả những gia tài di truyền của tổ tiên mà cha ông chúng ta đã tiếp nhận, cũng như cha mẹ mình đang có mặt đích thực trong từng tế bào của cơ thể mình. Đó là một sự thật, rất khoa học. Tất cả những kinh nghiệm, trí tuệ, hạnh phúc của tổ tiên, của ông bà, của cha mẹ đã được trao truyền cho chúng ta. Tất cả những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng đã trao truyền cho chúng ta. Tổ tiên chúng ta, kể cả thế hệ tổ tiên trẻ nhất là cha mẹ đang có mặt một cách đích thực trong từng tế bào của cơ thể. Bà mẹ kia tuy không biết triết học, không biết khoa học, nhưng đã đạt được tuệ giác đó: Này con, mỗi khi con nhớ mẹ, con chỉ cần đưa tay lên nhìn thì con sẽ thấy đỡ nhớ. Bà không nói rõ nhưng lời dặn dò đó đã ẩn chứa ý nghĩa: Mẹ đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. Sự thật khoa học đó hiện bây giờ đã được mọi người chấp nhận.

Chúng ta thường hay nói với nhau: Con cái ở đâu thì ông bà ở đó. Điều này cũng là một sự thật rất khoa học. Ông bà đi theo con cái, không phải là đi sau lưng hoặc bên phải hoặc bên trái hoặc trước mặt mà ông bà đi theo ngay trong từng tế bào của cơ thể của mình. Chúng ta đi đâu là chúng ta đem tổ tiên, ông bà đi theo đó. Điều đó có thể hiểu một cách rất là khoa học. Chúng ta đi Mỹ thì tổ tiên đi Mỹ. Chúng ta đi Hòa Lan thì tổ tiên đi Hòa Lan. Chúng ta đi Úc thì tổ tiên đi Úc. Chúng ta lên Thiên Đường thì tổ tiên sẽ lên Thiên Đường. Chúng ta xuống địa ngục, tổ tiên cũng sẽ xuống địa ngục với chúng ta.

Những con ma đói của thời đại

Xã hội của chúng ta trong cuối thế kỷ thứ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, mình cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mình không thấy được sự liên hệ giữa mình và tổ tiên, ông bà cha mẹ mình. Có những người trai trẻ lớn lên giận cha, giận mẹ, phủ nhận văn hóa của mình, phủ nhận dân tộc, đất nước của mình vì họ đã gánh chịu quá nhiều khổ đau. Có những thanh niên Tây phương khi giận cha tới mức có thể tuyên bố như thế này: Ông đó hả! Tôi không có muốn có gì liên hệ tới ông đó hết! Nói như vậy không có nghĩa là những người thanh niên Việt Nam không có ý nghĩ và lời nói như vậy. Khi mình cảm thấy rằng những đau khổ của mình là do cha mẹ mình gây ra thì mình thù hận cha mẹ và không muốn có liên hệ gì tới cha mẹ nữa. Đó là những con người phóng thể, những con người không có gốc rễ. Khi chúng ta không có gốc rễ, chúng ta không thể nào có hạnh phúc được.

Thời đại chúng ta đã chế tạo ra không biết bao nhiêu con ma đói. Những con ma đói bằng xương bằng thịt đàng hoàng. Nó đi trong xã hội, đi trong cuộc đời, đi kiếm một chút hiểu và một chút thương, đi kiếm một nơi nương tựa nhưng hoàn toàn bơ vơ. Chúng ta chỉ cần bỏ một chút thì giờ nhìn quanh là nhận diện ra được những con ma đói đó. Đói ở đây không phải đói cơm hay đói áo mà là đói hiểu biết và đói tình thương. Cái hiểu đó, cái thương đó gia đình đã không cung cấp được cho họ.

Họ không tin vào hạnh phúc gia đình. Họ nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là một ảo tưởng, là một cái không bao giờ có. Từ khi sinh ra, họ chưa bao giờ thấy ở trong gia đình có hạnh phúc. Cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha, cha đay nghiến mẹ, mẹ đay nghiến cha. Tất cả những cái đó đã gây ra những vết thương rất sâu đậm nơi người con trai, người con gái. Khi giữa cha mẹ không có truyền thông, giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyện với cha được, làm sao có hạnh phúc? Gia đình không phải là chỗ người trẻ muốn trở về. Người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác. Người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, tội phạm, ma túy, trác táng.

Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba mươi ba thanh niên tự tử. Họ tự tử không phải là vì thiếu cơm thiếu áo mà vì họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Trong cuộc đời của họ, chưa bao giờ họ tiếp nhận được hiểu và thương từ gia đình, từ xã hội. Cuộc sống đối với họ không có một ý nghĩa nào hết. Họ nghĩ rằng muốn chấm dứt khổ đau, phương pháp duy nhất còn lại của họ là chấm dứt cuộc đời mình. Mỗi ngày ba mươi ba thanh niên Pháp tự tử, con số đó hơi nhiều đối với tôi. Các nước khác ở Âu châu tình trạng cũng tương tự. Tôi không biết tại Việt Nam mỗi ngày có bao nhiêu thanh niên Việt Nam tự tử? Bao nhiêu gia đình, trong đó cha không truyền thông được với mẹ, con không truyền thông được với cha và mọi người trong gia đình không cảm thấy có hạnh phúc? Con số đó càng ngày càng tăng, tỉ số những cặp vợ chồng ly dị ngày càng tăng. Ở Hòa Lan, nghe nói rằng tỉ số những cặp vợ chồng ly dị trên năm mươi phần trăm. Cấu trúc gia đình ở tại xã hội Tây phương bây giờ rất lỏng lẻo và mong manh. Cấu trúc đó có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Ngày xưa chúng ta có một gia đình vững chãi hơn nhiều. Khi có những khó khăn ở trong gia đình, mình có thể chạy sang nhà ông chú, bà thím, ông bác để tỵ nạn, sau đó chúng ta có thể trở về nhà được. Nhưng bây giờ gia đình trở thành nhỏ xíu, mỗi gia đình sống ở một căn hộ nhỏ hẹp trong chung cư. Những gia đình đó được gọi là gia đình hạt nhân, nuclear family, rất là nhỏ, chỉ có hai vợ chồng, một đứa con hoặc hai đứa con.

Khi mình cảm thấy không nương tựa được vào gia đình, không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh, không có gốc rễ trong xã hội và văn hóa của đất nước thì mình trở thành một con ma đói. Xã hội Tây phương hiện giờ sản xuất rất nhiều con ma đói. Trung tâm tu học của chúng tôi ở tại Pháp quốc và Mỹ quốc luôn luôn tiếp nhận những con ma đói. Không khó khăn gì hết, mình chỉ nhìn họ một phút đồng hồ là biết rằng đó có phải đích thực là ma đói hay không. Nhìn cách họ đi, cách họ ngồi, cách họ nhìn, cách họ nói chuyện là mình có thể biết được họ có phải là ma đói hay không. Họ đói tình thương, đói hiểu biết và họ hoàn toàn bơ vơ.

Tu tập để làm gì?

Trong những năm hành đạo ở tại Tây phương, chúng tôi đã giúp không biết bao nhiêu người Tây phương trở về được với gia đình của họ, tái lập lại được truyền thông với cha mẹ và xây dựng lại được tình thân ở trong gia đình. Chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau. Chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của văn hóa Việt Nam để làm chuyện đó. Tôi nói với một người thanh niên: Anh muốn nói rằng anh không có liên hệ gì với cha của anh, điều đó rất là buồn cười. Nếu có thì giờ, anh nhìn lại một chút xíu, anh thấy rõ ràng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh đó. Anh hãy nhìn một hạt bắp mà người ta mới gieo xuống đất, năm ngày sau hạt bắp sẽ nẩy mầm và có một cây bắp con biểu hiện với hai ba lá.

Khi cây bắp con biểu hiện ra rồi, mình không thấy hình tướng của hạt bắp nguyên sơ nữa. Hạt bắp coi như đã chết để cho cây bắp được sinh ra, nhưng mà kỳ thật hạt bắp đâu có chết, hạt bắp chỉ luân hồi thành cây bắp. Không có cái chết, tự tánh của hạt bắp là vô sinh là bất diệt. Khi anh là người có trí tuệ, anh nhìn vào cây bắp, anh có thể thấy được hạt bắp, không phải với tướng cũ mà với tướng mới của nó. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, cây bắp chính là hạt bắp. Khi cây bắp lên được một thước rưỡi, cây bắp có bông và hai trái bắp, đó cũng là sự tiếp nối của hạt bắp ban đầu. Khi nhìn cờ bắp và những trái bắp mới, ta phải thấy được hạt bắp ban sơ.

Cũng vậy, anh nhìn vào anh coi, anh sẽ thấy rằng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh là sự tiếp nối của mẹ anh. Anh chính là cha anh, anh chính là mẹ anh. Đây là một sự thực hiển nhiên. Anh phải công nhận là cha anh, mẹ anh đang có mặt một cách rất hiện thực trong từng tế bào của cơ thể anh. Anh không thể nào lấy con người của cha anh ra khỏi con người của anh được. Anh không thể nào lấy mẹ anh ra khỏi con người của anh được. Như vậy, anh giận cha anh tức là anh giận chính bản thân anh. Anh không có nẻo thoát. Anh nên sử dụng những phương pháp của chúng tôi đề nghị để hòa giải với cha anh trong anh trước. Thật là vô vọng nếu anh muốn lấy cha anh ra khỏi anh. Đó là điều anh không thể nào làm được vì anh là sự tiếp nối của ba anh, anh chính là ba anh. Cho nên, anh không có con đường nào khác, chỉ có một con đường duy nhất là hòa giải với cha anh trong anh. Đó là phương pháp quán chiếu, thấy mình là sự tiếp nối của cha, thấy mình là cha. Có thể cha mình trong quá khứ, trong thời thơ ấu đã không được may mắn, đã bị bầm dập, đã không được thương yêu, không được chăm sóc. Do đó những vết thương của tuổi thơ nơi cha mình chưa bao giờ lành cả. Cha mình chưa có cơ duyên gặp được chánh pháp, gặp được một thầy, một sư cô hay một vị lãnh đạo tinh thần giúp cho cha có thể nhận diện vết thương, ôm ấp vết thương và chuyển hóa vết thương. Vậy nên cha mình đã trao truyền cho mình nguyên vẹn vết thương mà cha mình đã tiếp thu. Khi có niềm đau, nỗi khổ mà chúng ta không có biện pháp để trị liệu và chuyển hóa, chắc chắn chúng ta sẽ trao truyền niềm đau nỗi khổ đó cho con cháu chúng ta. Chắc chắn là như vậy.

Cho nên sự tu tập rất quan trọng. Tu tập để làm gì? Để nhận diện những niềm đau, nỗi khổ trong ta, để có thể trị liệu, có thể chuyển hóa và không tiếp tục trao truyền lại cho những thế hệ tương lai. Nếu mình là một người cha hay, một người mẹ giỏi, mình chỉ muốn trao truyền những cái hay cái đẹp, cái hạnh phúc của mình thôi. Muốn như vậy phải có sự tu tập. Nếu là một người thầy giỏi mình chỉ trao truyền những cái đẹp, những cái hay, những tuệ giác, những từ bi của mình thôi. Còn những yếu kém, những khổ đau mình phải biết ôm ấp, phải biết chuyển hóa, phải biết trị liệu trước khi mình trao truyền cho thế hệ tương lai.

Làm chính trị cũng tu được

Mỗi chúng ta đều có hai gia đình. Thứ nhất là gia đình huyết thống trong đó có ông bà cha mẹ. Di sản di truyền mà chúng ta tiếp nhận là từ cha mẹ, từ ông bà huyết thống nhưng mỗi chúng ta cũng còn có một gia đình tâm linh vì mỗi người trong chúng ta đều có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống. Nếu không có chiều hướng tâm linh trong cuộc sống thì cuộc sống của mình sẽ khô cằn, nghèo đói, khổ đau. Vì vậy mỗi người chúng ta đều nên có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Giả sử vua Trần Thái Tông mà không có chiều hướng tâm linh trong đời sống, vua đã không thể nào trở thành một vị vua như đã trở thành. Năm hai mươi tuổi, vua bị thái sư Trần Thủ Độ bắt ép phải bỏ người yêu là công chúa Chiêu Hoàng để cưới người chị ruột của Lý Chiêu Hoàng vì Trần Thủ Độ nóng lòng muốn có sự kế tiếp cho dòng dõi nhà Trần. Thấy Lý Chiêu Hoàng lâu quá chưa có thai nên muốn phế Chiêu Hoàng để cho vua cưới người chị của Chiêu Hoàng đã có thai sẵn với An Sinh Vương Trần Liễu (An Sinh Vương Trần Liễu rất căm giận, về sau đã tổ chức hải quân để chống lại triều đình).

Trần Cảnh làm vua nhưng việc triều chính hoàn toàn do Trần Thủ Độ quyết định. Vua bị ép phải buông người yêu Lý Chiêu Hoàng ra để cưới người chị dâu làm vua đau khổ tột cùng. Vua đã bỏ ngai vàng tìm lên núi Yên Tử để xin xuất gia với thiền sư Viên Chứng. Sau mấy ngày tìm kiếm, Trần Thủ Độ phát hiện ra là vua đang ở trên núi và ông lên núi ép vua phải trở về. Ông dọa vị thiền sư rằng: Nếu thiền sư không khuyên vua về kinh thì ông sẽ thiết lập cung điện ngay trên núi.

Viên Chứng thiền sư đã tâu với vua Trần Thái Tông rằng: Bệ hạ trong khi làm vua vẫn có thể tu tập được, vẫn có thể có được một đời sống tâm linh. Bây giờ, dân muốn bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được, bệ hạ cứ về đi, cứ làm vua đi, cứ đóng vai trò lãnh đạo chính trị cho đất nước. Nhưng bệ hạ vẫn có thể mỗi ngày nghiên cứu và thực tập giáo lý của đức Thế Tôn. Không phải chỉ ở trong núi mới tu được, ở kinh thành cũng tu được. Mình là nhà chính trị, mình cũng có thể vừa làm chính trị vừa tu. Đó là lời khuyên của quốc sư Viên Chứng ở núi Yên Tử. Nhớ lời quốc sư nên từ đó mỗi đêm, sau một ngày làm việc nặng nhọc về chính trị, quân sự, vua đều chong đèn lên để học kinh và ngồi thiền. Trần Thái Tông đã sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có một tác phẩm gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi để vua tự thực tập bằng nghi thức của mình. Vua đã thực tập bái sám và ngồi thiền sáu lần một ngày.

Nếu không có chiều hướng tâm linh đó, vua đâu có đủ sức mạnh để có thể hoàn tất được sứ mạng của một nhà chính trị như vậy. Nói một cách khác hơn, từ hồi hai mươi tuổi vua đã biết tu, vua đã biết đem vào trong đời sống của mình một chiều hướng tâm linh để có đủ sức mạnh đối phó với những khó khăn dồn dập cho một nhà chính trị còn trẻ thiếu kinh nghiệm. Nhờ đó mà vua chịu đựng được những đau khổ, vượt thắng được những khó khăn và trở thành một ông vua thành công trong lĩnh vực dựng nước, giữ nước và giáo dục quốc dân.

Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta ngoài gia đình huyết thống, phải có một gia đình tâm linh. Nhờ gia đình tâm linh, chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống tâm linh của mình. Ta biết làm thế nào để nhận diện, ôm ấp, trị liệu, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của ta, ta mới có thể phục vụ được cho gia đình, quốc gia, xã hội một cách thành công, vững chãi, hữu hiệu.

Nếu chúng ta đọc sử thời Lý và Trần, chúng ta thấy rằng tất cả các vua Lý, các vua Trần đều có tu, đều có thực tập thiền. Các vị đó không đợi lớn tuổi, về hưu mới bắt đầu thực tập. Họ thực tập ngay từ khi còn ấu thơ. Ngay vua Trần Nhân Tông, vua thứ ba của triều Trần, từ hồi còn là chú tiểu đồng đã theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ tức là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung, anh cả của tướng Trần Hưng Đạo. An Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết có dặn dò các con của ông phải trả thù cho cha nhưng những người con của An Sinh Vương Trần Liễu đã không nghe lời cha. Từ Hoàng hậu Thiên Cảm cho đến Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tất cả những người con của An Sinh Vương đều hết lòng phò tá triều đình trong công cuộc dựng nước, giữ nước và đánh đuổi ngoại xâm. Họ có một ý hướng đoàn kết rất mạnh. Nhờ ở sự thực tập đạo Phật đã giúp cho họ tha thứ được những lỗi lầm, chuyển hóa được nội kết, khổ đau, thù hận, để cùng nhau góp sức xây dựng một đất nước hùng mạnh, vững chãi, có khả năng chống lại với sự đe dọa của phương Bắc.

Tiếp nối và trao truyền.

Tôi nhắc lại một vài sự kiện lịch sử trên để quý vị nhớ tới sự thật là mỗi chúng ta đều phải có hai gia đình, gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống trao truyền cho mình bằng con đường huyết thống và gia đình tâm linh trao truyền cho mình bằng con đường văn hóa. Trao truyền bằng con đường văn hóa tâm linh cũng đi thẳng vào trong từng tế bào của cơ thể. Tây phương bây giờ ưa dùng hai danh từ đi đôi với nhau là nature và nurture. Nurture tức là sự nuôi dưỡng. Nature tức là tiên thiên và nurture là hậu thiên. Cha mẹ sinh ra mình với cái hình hài này tức là tiên thiên. Thầy mình trao truyền cho mình những yếu tố của nếp sống tâm linh đạo đức tức là hậu thiên. Cả hai đường lối trao truyền đều đi thẳng vào trong từng tế bào của cơ thể.

Tôi không có con cái huyết thống nhưng tôi có rất nhiều con cháu tâm linh. Không ngày nào mà tôi không trao truyền những gì tôi cho là hay nhất, đẹp nhất của cuộc đời tôi. Gia đình tâm linh của tôi là một gia đình rất lớn. Bất cứ một tư duy nào, một ngôn ngữ nào, một lời nói nào hay bất cứ một hành động nào đều là những phẩm vật để trao truyền.

Nếu tư duy của ta đi đôi được với trí tuệ và từ bi, với sự bao dung, với sự hòa ái thì tư duy đó là một phẩm vật trao truyền cho con cháu tâm linh. Nếu lời nói của ta đi đôi được với sự hòa ái, với tình thương và sự hiểu biết, đi đôi với sự an ủi và khả năng gây niềm hy vọng, niềm tin yêu thì lời nói đó là một phẩm vật trao truyền. Nếu như hành động của mình đi đôi với ý chí muốn bảo vệ sinh mạng, muốn cứu đời, giúp người thì hành động đó là một phẩm vật trao truyền.

Mỗi tư duy của tôi đều mang chữ ký của tôi thì tôi không thể nói: đó không phải là tư duy của tôi. Rõ ràng nó mang chữ ký của tôi, tôi không thể nào chối cãi: đó không phải là tư duy của tôi. Nếu tư duy mang tính tham sân si là một tư duy tiêu cực và nếu tôi trao truyền tính đó lại cho con cho cháu thì tội nghiệp cho chúng. Con cháu tôi là sự tiếp nối của tôi, là tôi cho nên tôi rất cẩn thận để tư duy của tôi luôn luôn là chánh tư duy. Chánh tư duy tức là tư duy đi theo với hiểu, thương và bao dung.

Mỗi lời nói của tôi mang theo chữ ký của tôi. Tôi không thể nói rằng: đó không phải là câu tôi đã nói. Lời nói đó có thể gây hoang mang, có thể gây hận thù, tôi không muốn trao truyền, tôi không muốn được tiếp nối bằng một lời nói như vậy. Sự tu tập giúp cho tôi chỉ trao truyền những gì đi đôi với tinh thần từ bi, trí tuệ, hiểu biết, bao dung và thương yêu.

Những hành động của tôi cũng vậy. Mỗi hành động của tôi đều mang chữ ký của tôi, tôi không thể nào chối bỏ được. Hành động bảo vệ sự sống, xây dựng tình huynh đệ là phẩm vật đáng được trao truyền, đáng được tiếp nối.

Luân hồi là như vậy, luân hồi là được tiếp nối. Mình muốn luân hồi cho thật đẹp thì mình phải chế tác những tư tưởng rất thiện gọi là chánh tư duy, mình phải chế tác những ngôn ngữ rất đẹp gọi là chánh ngữ và mình chế tác những hành động rất cao cả thì gọi là chánh nghiệp. Chỉ có những người tu họ mới biết rằng họ đang trao truyền chánh tư duy hay tà tư duy, chánh ngữ hay tà ngữ, chánh nghiệp hay tà nghiệp. Vì vậy đời sống tâm linh, chiều hướng tâm linh rất quan trọng cho mỗi người. Làm cha, làm mẹ mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm thầy giáo, làm cô giáo mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm thương gia, làm kỹ nghệ gia mình phải có chiều hướng tâm linh. Làm nhà văn học, làm nhà chính trị mình phải có chiều hướng tâm linh để mình chỉ trao truyền những gì tích cực mà không trao truyền những gì có tính cách tiêu cực. Vì không muốn được tiếp nối một cách không đẹp đẽ cho nên mình cương quyết chỉ trao truyền những gì có tính cách tích cực.

Chuyển hóa

Tôi nói với người thanh niên Âu châu: Anh nhìn lại coi, anh đặt câu hỏi tại sao cha anh có nhiều khổ đau, có nhiều hận thù, có nhiều bạo động, có nhiều tuyệt vọng. Cha anh có muốn như vậy không? Hay vì cha anh đã là nạn nhân của một xã hội, của một gia đình mà trong đó người ta không chế tác được chất liệu hiểu, chất liệu thương, chất liệu bao dung, chất liệu nuôi dưỡng. Nếu cha anh may mắn gặp được một người bạn hay là một người thầy có đời sống tâm linh dồi dào, chỉ dẫn cho cha anh phương pháp nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau trong ông ấy, ông ấy đã có thể chuyển hóa rồi và ông ấy đã không trao truyền những tiêu cực đó cho anh. Nếu cha anh chưa có may mắn đó, anh phải biết nhìn ông bằng con mắt xót thương: Tội nghiệp cho ba, ba chưa bao giờ có cơ hội, ba chưa bao giờ được ai giúp đỡ. Ông nội, bà nội đã làm khổ ba, không có khả năng để giúp ba. Bạn bè của ba cũng chưa có cái cơ hội để giúp ba, tội nghiệp cho ba! Riêng mình, mình đã có cơ hội tiếp xúc với những bậc đạo sư, những người anh, những người chị, những người bạn có chiều hướng tâm linh tốt giúp cho mình nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong mình.

Vua Trần Thái Tông năm hai mươi tuổi ôm ấp niềm đau đó, được may mắn gặp Viên Chứng quốc sư ở trên núi Yên Tử. Viên Chứng quốc sư đã khai sinh đời sống tâm linh cho vua Trần Thái Tông. Từ đó trở về sau, vua Trần Thái Tông đã có con đường tu học, đã có một chiều hướng tâm linh trong đời sống của mình, đời sống của một vị vua, đời sống của một nhà chính trị. Vì vậy vua Trần Thái Tông đã có cơ hội nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Do đó vua Trần Thái Tông đã có thể tạo nên sự đoàn kết trong dòng họ, trong triều đình để thành công như một ông vua lớn của triều đại nhà Trần.

Nếu cha chúng ta không có cơ hội vì cha chúng ta không được may mắn thì tại sao chúng ta phải giận cha, phải thù hận cha? Chúng ta phải phát ra lòng đại bi: Tội nghiệp ba quá đi, ba chưa bao giờ gặp được một vị như là thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử, ba chưa bao giờ được tiếp xúc với chánh pháp, ba chưa bao giờ tiếp xúc được với những pháp môn tu tập, nó giúp cho ba có thể nhận diện được những nỗi khổ, niềm đau, ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau đó để mà chuyển hóa, để mà trị liệu. Bây giờ mình phải giúp ba và mình phải thực tập cho được. Sau khi thực tập thành công rồi, hòa giải được với ba trong từng tế bào của cơ thể thì mình có thể giúp cho ba hóa giải và trị liệu được một cách rất là dễ dàng.

Những người thanh niên đó đã nghe lời tôi, đã tu tập, đã chuyển hóa và đã trở về để giúp cho thân phụ và thân mẫu của những người đó. Khi mình giúp cho một thanh niên, một thiếu nữ chuyển hóa được những khổ đau và trở về hòa giải được với cha mẹ thì niềm vui, hạnh phúc của mình rất lớn. Hạnh phúc của mình không nằm ở chỗ có uy quyền, có tiền bạc, có danh vọng hay có sắc dục mà ở chỗ mình thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, mình giúp được cho rất nhiều người chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau và hòa giải được với người thương của họ.

Tuệ giác của đạo Phật

Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy rằng giáo lý của đạo Phật đã đi đôi một cách tuyệt hảo với truyền thống thờ cúng tổ tiên và truyền thống thờ cúng tổ tiên đã có mặt tại đất nước này trước khi Phật giáo được du nhập, nghĩa là trên hai ngàn năm. Vào đầu thế kỷ thứ ba của kỷ nguyên Tây lịch chúng ta có được một vị thiền sư lỗi lạc là thiền sư Tăng Hội 1*. Thiền sư Tăng Hội hành đạo ở Luy Lâu cho đến giữa thế kỷ thứ ba mới rời Giao Châu để đi qua Trung Quốc, ba trăm năm trước khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Vì vậy ở Việt Nam, nếu chúng ta biết lịch sử thì thay vì thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma trong các thiền viện, ta phải thờ tổ Tăng Hội, tại vì tổ Tăng Hội chính là người sáng lập thiền tông Việt Nam, tổ cũng chính là người đã đem thiền sang truyền dạy bên Trung quốc và tổ Tăng Hội lớn hơn tổ Bồ Đề Đạt Ma tới ba trăm tuổi.

Chúng ta trở lại vấn đề hạt bắp đã sinh ra cây bắp. Hạt bắp đó với cây bắp đó là một thực tại, một thực thể hoặc là hai thực thể khác nhau? Chúng ta nói một cũng không đúng, mà nói hai cũng không đúng. Chúng ta biết rất rõ là cây bắp từ hạt bắp mà sinh khởi, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nhưng nói cây bắp là hạt bắp thì có gì còn lấn cấn, nói cây bắp không phải là một thực thể hoàn toàn khác với hạt bắp thì cũng không đúng.

Trong hệ thống văn học trung quán, chúng ta có giáo lý gọi là phi nhất phi dị 2*. Phi nhất là không phải một, phi dị nghĩa là không phải khác nhau. Không phải một, không phải khác là sự thật liên hệ tới hạt bắp và cây bắp. Cây bắp với hạt bắp không phải là một mà cũng không phải là hai thực thể khác nhau. Đứa con với người cha cũng vậy. Đứa con là từ người cha sinh ra, nhưng nói đứa con với người cha là một người cũng không đúng, mà nói hai người khác nhau cũng không đúng. Phi nhất phi dị là giáo lý thậm thâm vi diệu của Trung quán.

Khi chúng ta nhìn một đám mây chúng ta có thể nghĩ rằng đám mây đó có sinh, có diệt 3*. Sinh nghĩa là từ chỗ không có gì hết mà tự nhiên có một cái gì. Diệt nghĩa là đang là cái gì đó tự nhiên trở thành không có gì cả. Ta hiểu về sinh và diệt là như vậy. Nếu chúng ta quán chiếu về đám mây, chúng ta sẽ thấy rằng đám mây không phải từ chỗ không mà trở thành có được. Trước khi là đám mây, đám mây đã là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Trong tiền kiếp của nó, đám mây đã từng là nước và đã từng là hơi nóng. Vì vậy đám mây không phải sinh ra, chẳng qua là một sự tiếp nối của nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời.

Cũng như tờ giấy này, không phải là từ không mà sanh . Trước khi mang tướng của tờ giấy, nó đã là cây rừng, nó là sự tiếp nối của cây rừng. Vì vậy tự tánh của đám mây là vô sinh, nghĩa là đám mây chưa bao giờ từng sinh ra. Giờ phút ta gọi là giờ sinh của đám mây, chẳng qua là giờ phút của một sự tiếp nối. Tiếp nối dưới một hình thái khác. Khi đám mây biến thành mưa, đám mây không chết vì chết có nghĩa là từ có trở thành không mà một đám mây không bao giờ có thể chết được. Đám mây chỉ có thể trở thành tuyết, trở thành mưa hay trở thành băng, thành nước đá.

Nếu có con mắt vô tướng thì khi nhìn cơn mưa chúng ta thấy đám mây ở trong đó. Nếu có cảm tình với một đám mây và  khi thấy đám mây không còn ở trên trời nữa thì chúng ta có thể than khóc, trong khi đó cơn mưa đang là sự tiếp nối của đám mây, nó nói rằng: Anh ơi, chị ơi tại sao khóc, em đây này, em đang còn đây này, em đang có mặt dưới một hình tướng mới. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây. Đám mây không thể nào chết được. Đám mây chỉ có thể được tiếp nối giữa những hình thái khác. Đó gọi là luân hồi và luân hồi là một sự thật, rất khoa học.

Lavoisier 4* nhà khoa học Pháp nói rằng: Không có cái gì sinh mà cũng không có cái gì diệt. Ông ta dùng đúng những chữ trong Tâm Kinh Bát Nhã: Thị chư pháp bất sinh bất diệt. Tự tánh của vạn hữu là vô sinh bất diệt, không phải một cũng không phải hai cái khác nhau. Khi mình nhìn vào đứa con và nhìn cho kỹ, thấy rất rõ đứa con là sự tiếp nối của người cha. Nếu đứa con có cơ hội tu tập, để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau mà cha trao truyền lại là một đứa con có hiếu vì nó sẽ không trao truyền lại nỗi khổ, niềm đau đó cho thế hệ tương lai nữa.

Sám pháp địa xúc

Xin liệt vị tưởng tượng, trên một ngọn đồi có năm ngàn thiền sinh Âu châu hay là Hoa Kỳ đang thực tập lạy. Ở Tây phương chúng tôi thực tập thiền lạy, chúng tôi gọi là địa xúc, chứ không dùng chữ lạy. Khi năm vóc mình chạm đất, năm vóc tức là đầu, hai tay và hai chân mình có cơ hội tiếp xúc được với tất cả tổ tiên của mình. Khi mình đang ở trong tư thế ngũ thể đầu địa, năm vóc sát đất, mình quán chiếu trở lại, mình thấy trong dòng máu mình luân lưu với sự có mặt của bao nhiêu tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh.

Chúng ta có những tổ tiên huyết thống rất là hào hùng nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng có những tổ tiên huyết thống rất là kém cỏi. Chúng ta có Lý Thường Kiệt, có Trần Hưng Đạo nhưng chúng ta cũng có Trần Ích Tắc. Họ đều có mặt trong từng tế bào trong cơ thể ta, dù hào hùng như là Trần Hưng Đạo, dù yếu kém như là Trần Ích Tắc nhưng chúng ta phải chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của chúng ta.
Chúng ta là ai? Chính trong tự thân của chúng ta cũng còn những cái yếu kém, những lên xuống, những trồi sụt. Ta là ai mà dám không chấp nhận tổ tiên của ta? Thấy được điều đó, ta chấp nhận các tổ tiên, không những các vị hào hùng mà cả những vị còn yếu kém. Sau khi đã chấp nhận rồi, tự nhiên trong lòng mình bình an. Cha mẹ mình cũng là tổ tiên, thế hệ tổ tiên trẻ nhất. Nếu cha mẹ mình có những yếu kém, có những bạo động, có những buồn đau và đã làm khổ mình, mình không thể nào từ khước, đó không phải là cha mẹ mình, là tổ tiên mình.

Mình quán chiếu cho kỹ, mình thấy cha mẹ mình đã không có cơ hội, không có sự may mắn, không có được đời sống tâm linh, không được hướng dẫn để chuyển hóa, trị liệu những nỗi khổ, niềm đau. Đến thế hệ mình, mình phải làm hay hơn cha mẹ, để mình chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau mà mình đã tiếp nhận. Trở lui, mình độ cho cha, mình độ cho mẹ. Những người thanh niên khi lạy xuống, họ thấy được điều đó.

Đây là văn hóa mà chúng tôi sử dụng để hướng dẫn cho những thanh niên Tây phương. Chúng tôi có pháp môn thiền lạy, có ba cái lạy và có năm cái lạy. Tất cả những pháp môn đem ra để giáo dục, hướng dẫn cho người Tây phương tu học hoàn toàn lấy từ gia sản văn hóa Việt Nam.

Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống. Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt và các vị Bồ Tát, các vị Thánh Tăng và các vị Tổ sư qua các thời đại. Trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay là còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã trao truyền cho con những hạt giống bình an trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, của tuệ giác và của từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh trí tuệ và từ bi rất là viên mãn nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu, nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con vì chính trong con cũng còn có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và những khiếm khuyết ấy, cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con. Trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng. Nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn hoặc trồi sụt không ngừng trên con đường tu đạo. Đây là mình mới chỉ nói về phía gia đình tâm linh mà thôi.

Ở Tây phương có những người thuộc truyền thống Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo. Họ đã không cảm thấy thoải mái trong truyền thống của họ. Họ bỏ nhà thờ, họ bỏ giáo đường mà đi. Họ giận các vị linh mục, họ giận các vị mục sư. Họ phủ nhận những vị đó là tổ tiên tâm linh của họ. Trong khi đó những thế hệ cha, anh của họ đều hành trì, đều công nhận các thế hệ tổ tiên tâm linh đó là tổ tiên của họ. Nhưng những thanh niên bây giờ, họ giận cha, giận mục sư, giận nhà thờ và thề không trở lại nhà thờ nữa. Những người đó không có khả năng hiểu họ. Những người đó ép họ phải làm những điều họ không hiểu hoặc họ không muốn làm.

Cũng như có những thanh niên Việt Nam bị mẹ ép đi chùa, tới chùa nghe đọc kinh tiếng Phạn chẳng hiểu gì hết, đọc kinh tiếng Hán Việt chẳng hiểu gì hết. Lạy hết lạy này sang lạy khác và một hồi thì họ chán đi chùa, họ cảm thấy không có dính líu gì tới thầy, tới sư cô ở trong chùa cả, họ cảm thấy rằng khung cảnh ở trong nhà chùa không phải là khung cảnh của họ. Ở bên Tây phương cũng vậy, có những giáo đường mà cách học hỏi, cách thực tập nghi lễ không còn phù hợp với người trẻ bây giờ nhưng người trẻ bị bắt ép phải làm theo, phải học theo những điều đó thì họ rất đau khổ.

Hiện đại hóa Đạo Phật

Những nhà lãnh đạo tâm linh, không có khả năng làm mới, đổi mới, hiện đại hóa cách dạy dỗ và thực tập. Một truyền thống mà không có khả năng tự làm mới sẽ đánh mất con cháu. Đạo Phật cũng vậy thôi. Nếu quý vị là những Phật tử, những vị giáo thọ, những vị trụ trì thì quý vị nên biết rằng nếu không hiện đại hóa đạo Phật, nếu không cung cấp được những giáo lý và phương cách hành trì phù hợp với tinh thần, tâm lý của người trẻ, những người trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng mỗi khi họ tới chùa.

Nhu yếu hiện đại hóa Phật pháp, hiện đại hóa Phật giáo, hiện đại hóa nền sinh hoạt tâm linh của mình rất quan trọng. Chúng ta phải giảng dạy như thế nào để người trẻ thấy rõ ràng những điều đó đang đáp ứng những đau khổ, bức xúc, những khó khăn, tuyệt vọng của họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ những phương pháp tu học để họ có khả năng tháo gỡ, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của họ thì họ mới cảm thấy họ thuộc về gia đình tâm linh này. Đây không phải chỉ là vấn đề của Cơ Đốc giáo hay của Hồi giáo mà cũng là vấn đề của Phật giáo. Phật giáo ở Trung quốc, ở Đại Hàn, ở Việt Nam rất cần những nỗ lực của chúng ta để hiện đại hóa, nếu không sẽ không có tương lai và con cháu chúng ta sẽ rất bơ vơ.

Trong truyền thống tâm linh này có rất nhiều châu báu mà nếu chúng ta dùng những hình thức học hỏi và thực tập quá xưa cũ thì chúng ta không chỉ bày được cho thế hệ trẻ những châu báu đó. Chúng ta cũng không thể nào khai thị cho người trẻ thấy rằng đây là truyền thống rất sâu sắc, rất nhiệm mầu mà cha ông của chúng ta qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời đại đã nương tựa, học hỏi và đã thành công trong sự nghiệp của họ, sự nghiệp xã hội cũng như sự nghiệp chính trị.

Xin các Thượng tọa, xin các vị Sư trưởng lắng nghe những người trẻ. Phải làm thế nào để cung cấp cho những người trẻ, những người trí thức những giáo lý và phương pháp thực tập hữu hiệu nhằm đáp ứng lại được nhu cầu đích thực của họ trong thời đại mới, nghĩa là phải hiện đại hóa đạo Phật. Khi khai thị cho những người trẻ Tây phương thì chúng tôi sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam trong đó có đạo Phật, chúng tôi đã hướng dẫn họ trở về với truyền thống của họ để chấp nhận tổ tiên của họ, dù tổ tiên của họ còn những yếu kém, còn những khiếm khuyết về giới hạnh cũng như về đạo đức. Như vậy mới có cơ hội để làm mới, đổi mới truyền thống của họ. Có hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn, hàng triệu người trẻ Tây phương đang đi như những con ma đói, tại vì họ không cảm thấy liên hệ gì với truyền thống tâm linh và truyền thống huyết thống của họ.

Trong gia đình tâm linh, thỉnh thoảng chúng ta thấy những vị lãnh đạo giới hạnh rất nghiêm minh, đạo đức rất cao viễn nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có những ông thầy, có những sư cô phạm giới làm chúng ta nản chí. Chúng ta nên biết rằng, ông thầy đó, sư cô đó chưa may mắn gặp được minh sư, chưa gặp được một đoàn thể tu học có khả năng bảo hộ, nâng đỡ và che chở cho nên họ mới lâm vào tình trạng phải phá giới hay chạy theo danh lợi. Điều này chứng tỏ rằng những vị đó thiếu may mắn, chứ không phải là truyền thống chúng ta không có châu báu.

Từ ngàn xưa cho đến bây giờ truyền thống của chúng ta đã sản xuất được không biết bao nhiêu vị cao tăng, có vị  đã từng làm quốc sư cho các vị vua lớn, có vị đã từng cứu nước, cứu dân ra khỏi những tình trạng hiểm nghèo. Trong quá khứ chúng ta đã làm như vậy được thì tại sao trong hiện tại và trong tương lai chúng ta sẽ không đóng vai trò đó được? Vì vậy chúng ta phải khuyên những người trẻ đó trở về và chấp nhận những tổ tiên tâm linh của họ. Nếu tổ tiên tâm linh còn yếu kém, ta phải làm đủ sức để giúp cho các vị đó vượt thoát cái tình trạng khó khăn, yếu kém của họ. Khi mà chấp nhận được rồi thì trong lòng có một sự bình an rất lớn.

Đứng về phương diện tổ tiên huyết thống cũng vậy. Chúng ta có những vị tổ tiên huyết thống rất hào hùng, đạo đức, trí tuệ. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có những vị tổ tiên huyết thống không xứng đáng, đã phản nước, phản dân nhưng dù sao họ cũng là tổ tiên của chúng ta. Họ không có cơ hội, không có may mắn cho nên đã không nhận được một nền giáo dục thích hợp. Họ không có bạn hiền, thầy giỏi cho nên họ mới cư xử như vậy. Họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét, đáng trừng phạt. Khi mà người thanh niên thấy được như vậy thì những nỗi buồn, cơn giận của họ dịu lại và họ bắt đầu chấp nhận được những vị tổ tiên huyết thống hay tâm linh còn yếu kém của họ. Chính trong lòng họ cũng đang có những yếu kém, những trồi sụt. Con là ai mà con dám không chấp nhận tổ tiên tâm linh và huyết thống của con? Tôi xin đọc lại, trong tư thế phủ phục thì người thực tập quán chiếu như thế này: Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, là các vị Bồ Tát, là các vị Thánh Tăng, là các vị Tổ sư qua các thời đại.

Khi tôi dạy cho người Cơ Đốc giáo, tôi nói: Con có tổ tiên tâm linh là chúa Ky Tô, là các vị Thánh. Ngôn ngữ khác nhưng nội dung chỉ là một. Mình đưa họ về với gốc rễ của họ, chứ mình không làm như những vị giáo sĩ ngày xưa tới Việt Nam, khuyên người ta đừng thờ cúng tổ tiên để theo đạo của họ, rất tội nghiệp. Ở Tây phương, chúng tôi hoàn toàn làm ngược lại với điều mà các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã từng làm ở Việt Nam trong những thế kỷ trước. Chúng tôi khuyên họ trở về truyền thống tâm linh của họ, chấp nhận tổ tiên tâm linh của họ và chấp nhận tổ tiên huyết thống của họ. Chúng tôi biết rằng một con người mất gốc là một con người không bao giờ có hạnh phúc được. Điều đó chứng tỏ đạo Phật có một lượng bao dung rất lớn và làm cho họ càng kính phục mà càng kính phục thì họ càng thương mến đạo Phật nhiều hơn vì lượng bao dung vĩ đại đó của đạo Phật. Không kỳ thị, không xúi người ta bỏ nguồn gốc của người ta, trái lại, đưa người ta trở về cắm rễ vào trong truyền thống của người ta. Các vị cứ thực tập đạo Phật đi và những sự thành công của quý vị sẽ giúp cho quý vị trở lại xây dựng lại truyền thống của quý vị cho những người trẻ đừng có tiếp tục bỏ truyền thống đó để trở thành những con ma đói.

Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị Thánh Tăng và các vị Tổ sư qua các thời đại. Trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay là còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã trao truyền cho con những hạt giống bình an trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, của tuệ giác và của từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh trí tuệ và từ bi viên mãn, tuyệt hảo. Nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu, nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con vì chính trong con cũng còn những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh về trí tuệ và về từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con. Trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng. Nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn hoặc trồi sụt không ngừng trên con đường tu đạo. Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ công hạnh và khiếm khuyết của các vị. Cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ tài năng, khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của con cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con. Con không có một cái ta riêng biệt. Tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang diễn biến một cách mầu nhiệm.

Thưa quý vị,
Quý vị đã từng làm cha mẹ, quý vị đã từng thấy, có những đứa con rất dễ thương, những đứa con đức độ, ngoan ngoãn, tài ba xứng đáng sự tiếp nối của tổ tiên mình nhưng thỉnh thoảng mình có những đứa con rất khó dạy, những đứa con cứng đầu, những đứa con giống như không phải là con của mình. Mình có khuynh hướng muốn từ bỏ những đứa con đó vì mình đã từng đau khổ với những đứa con như vậy. Cũng như là các thầy, các sư cô, các vị sư trưởng đã từng có những vị đệ tử rất dễ thương, rất ngoan ngoãn, tu hành rất đàng hoàng nhưng thỉnh thoảng các thầy, các sư cô cũng có những người đệ tử khó chịu, cứng đầu, có những khiếm khuyết, không xứng đáng làm con cháu, làm đệ tử của mình. Khi quán chiếu thì mình thấy rõ ràng rằng chính tổ tiên mình cũng có những vị có những khiếm khuyết, tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống.

Chính mình đây, làm cha, làm mẹ, làm thầy mà mình cũng còn những khiếm khuyết, những yếu đuối thì mình là ai mà không chấp nhận những khiếm khuyết, những yếu đuối của những đứa con của mình hay những đệ tử của mình. Khi thấy được như vậy rồi thì mình chấp nhận những đứa con khó thương của mình một cách dễ dàng và trong mình có một sự bình an. Chưa chấp nhận thì mình còn đau khổ, chấp nhận được rồi, tự nhiên có một niềm bình an rất lớn. Đối với các vị sư trưởng cũng vậy, đối với những vị đệ tử từng làm cho mình đau khổ đó, nếu nhìn cho kỹ thì mình thấy họ vì đã nhận chịu những hạt giống từ phía nội, từ phía ngoại, từ xã hội, nên có những trồi sụt, những khó khăn, những lao đao. Chính những người đệ tử này mình phải cho họ nhiều thì giờ, nhiều thương yêu, nhiều chăm sóc hơn mới phải còn những người đệ tử giỏi rồi, mình đâu cần phải phí nhiều thì giờ, nhiều công lao, nhiều công phu. Khi thấy được như vậy rồi thì mình chấp nhận được người đệ tử yếu kém, còn lao đao, còn lên xuống. Khi chấp nhận được rồi thì tự nhiên trong lòng mình có niềm bình an rất lớn.

Khi lạy xuống lạy đầu tiên, mục đích của mình là nhìn cho rõ bản thân của mình để thấy được sự có mặt của tất cả các vị tổ tiên tâm linh và huyết thống trong người mình, thấy được tất cả các thế hệ con cháu đang có mặt ở trong từng tế bào cơ thể mình. Khi mình chấp nhận được tổ tiên và con cháu thì tự nhiên trong mình yêu thương dâng lên tràn ngập, trong lòng mình có một niềm bình an rất lớn và mình buông bỏ tất cả những hận thù, tuyệt vọng. Khi đứng dậy, mình là một con người mới. Đó gọi là thiền lạy. Quý vị thử tưởng tượng, năm ngàn người Hoa kỳ cùng lạy xuống như vậy dưới sự hướng dẫn của một thầy hay là một sư cô Việt Nam thì năng lượng rất hùng hậu. Có nhiều người sau khi lạy ba cái lạy đã trở thành một con người khác, tại vì trong những cái lạy đó họ đã buông bỏ tất cả những hận thù, khổ đau, tuyệt vọng và họ trở thành một con người có hiểu và có thương.

Nếu có thì giờ, xin mời các vị Sư trưởng, xin mời các vị quan khách đọc những dẫn giải về sự thực tập ba cái lạy và năm cái lạy trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 mới được nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Chúng ta không có thì giờ để nói nhiều về những cái lạy nhưng đây là phương pháp thực tập rất là hay. Có những người họ mới tới trung tâm tu tập lần đầu mà chỉ sau một giờ đồng hồ thực tập ba cái lạy, họ đã buông bỏ được hầu hết những khổ đau, tuyệt vọng của họ để trở thành một con người mới. Tôi xin thưa với quý vị, những pháp môn mà chúng tôi cung cấp cho người Tây phương hoàn toàn rút ra từ gia tài văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Cái một được làm bằng cái tất cả

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn có dạy rằng: Cái một được làm bằng cái tất cả, cái tất cả được làm bằng cái một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất). Giáo lý đó của kinh Hoa Nghiêm 5*, trong đó một hạt bụi chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới và ngày nay đã được khoa học chứng minh là một sự thật. Cái một nó chứa đựng cái tất cả. David Bohm 6* nhà vật lý học nguyên tử có nói một câu rất gần giống trong kinh Hoa Nghiêm: Một điện tử nó được tất cả các điện tử khác làm ra. Khoa học bây giờ có khả năng lấy ra một tế bào của cơ thể mình, một tế bào thôi và làm thành ra một cơ thể toàn vẹn, gọi là cloning.

Làm sao làm được như vậy? Họ lấy một cái trứng trong noãn sào của người phụ nữ, họ nạo sạch tất cả nội dung của cái trứng đó, nghĩa là không còn dấu vết nào thuộc về gia tài di truyền của người phụ nữ. Họ chỉ mượn vỏ của cái trứng, rồi họ lấy một tế bào trong cơ thể một người nào đó (hoặc đàn ông hoặc đàn bà), một tế bào gan, một tế bào bắp chân hoặc bất cứ tế bào nào của thân thể và họ bỏ đói tế bào đó trong vòng hai hoặc ba ngày thì tế bào đó trở thành tế bào mầm mà trước đó nó là một tế bào chuyên môn. Tế bào chuyên môn là một tế bào có phận sự chuyên môn trong cơ thể, như tế bào óc làm việc của tế bào óc, tế bào gan làm việc của tế bào gan. Khi mình bỏ đói tế bào chuyên môn hai ba ngày thì nó trở thành tế bào mầm và nó có khả năng sinh hóa trở lại. Họ lấy tế bào đó để vào cái vỏ trứng của người phụ nữ và cho một lượng điện chạy qua thì nó khép lại. Họ nuôi cái vỏ trứng đó trong tử cung của người phụ nữ, cho đến khi cái thai đó lớn và người phụ nữ đó sinh con.

Người phụ nữ đó không phải là mẹ, người phụ nữ đó chỉ mang dùm cái thai đó mà thôi. Khi đứa bé sinh ra, nó giống hoàn toàn cái nguyên bản của người mà mình lấy tế bào kia ra, gọi là một sinh hóa thân, một clone. Nếu lấy một trăm tế bào ra thì mình sẽ làm thành một trăm con người y hệt con người nguyên bản. Hiện bây giờ luật pháp trên thế giới cấm không được làm điều đó nhưng mà đứng về phương diện kỹ thuật thì các nhà khoa học có khả năng làm được như vậy và họ đang thí nghiệm với các loài thú vật. Điều đó có nghĩa là trong một tế bào nó chứa đựng tất cả gia tài huyết thống, gia tài tâm linh, tất cả gia tài di truyền của tất cả các thế hệ tổ tiên. Cái một nó chứa đựng cái tất cả, đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm và đã được khoa học chứng minh.

Ngày xưa có một vị Thiền sư đời Lý nói rằng: Trời đất có thể đặt gọn vào trong một hột cải. Đó là một hình ảnh thi ca để nói về sự thật: Cái tất cả có thể tìm thấy trong cái một. Trong cái một ta có thể có đủ những tư liệu về cái tất cả và cái tất cả nó nằm trong cái một. Vì vậy chúng ta nói rằng đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã đi đôi với nhau trong 2000 năm. Cái này đã làm giàu cho cái kia và cái kia đã làm giàu cho cái này. Giờ đây, đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên Việt Nam đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo.

Chúng ta có thể làm được gì?

Xã hội Tây phương đã và đang sản xuất ra hàng triệu con ma đói. Xã hội Việt Nam ngày hôm nay cũng bắt đầu sản xuất ra những con ma đói. Những người thanh niên đi trong cuộc đời, không biết mình thuộc về truyền thống nào? Không có gốc rễ trong gia đình, không thấy được liên hệ giữa mình với cha mẹ với tổ tiên với ông bà. Hiện nhà nước đang có một chính sách thành lập những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa mà trong đó không có những tệ nạn xã hội như xì ke ma túy, đĩ điếm, băng đảng. Những tệ nạn xã hội sinh ra trong một nền kinh tế đang phát triển, đó là điều không thể tránh được.

Chúng ta có thể làm được gì để xây dựng những tổ văn hóa, những khu văn hóa, những khu phố văn hóa? Chúng ta có thể kiểm soát, chúng ta có thể trừng phạt nhưng kiểm soát và trừng phạt không phải là giải pháp gốc. Sở dĩ người thanh niên đi ra ngoài và sa vào hầm hố của ma túy, xì ke, của tội ác, của băng đảng, của sắc dục là vì trong gia đình họ không cảm thấy có hạnh phúc, họ không có niềm tin nơi hạnh phúc gia đình, hạnh phúc gia đình đối với họ là một cái gì chưa bao giờ từng có. Cha mẹ làm khổ nhau, cha con không truyền thông được với nhau, không nhìn mặt được nhau. Người thanh niên không muốn trở về gia đình vì không khí gia đình là không khí của bão tố, của địa ngục. Vậy các thầy, các sư cô, các bậc phụ huynh đã nắm được tư tưởng, giáo lý, sự thực tập để giúp cho con người có thể tìm lại gốc rễ của mình chưa?

Quý vị phải làm thế nào để giúp cho những người thanh niên đó thiết lập lại được truyền thông với cha, với mẹ, giúp cho vợ thiết lập lại được truyền thông với chồng, dựng lại tình thâm và đem hạnh phúc trở lại gia đình. Chỉ khi đó thì chúng ta mới thật sự bài trừ được những tệ đoan của xã hội như là đĩ điếm, ma túy, băng đảng và tội phạm. Pháp luật không đủ để giải quyết những tệ nạn xã hội, phải có đạo đức mới được. Ai là người nắm giềng mối của đạo đức? Các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, các nhà nghệ sĩ? Chúng ta có phận sự phải giáo dục, phải chỉ đường, phải có khả năng giúp cho những gia đình trong thôn xóm, trong khu phố. Làm thế nào để cho con với cha có thể hòa giải với nhau được, sự truyền thông giữa con và cha được phục hồi, vợ chồng có thể trở về với nhau, hòa giải được với nhau và biết làm hạnh phúc cho nhau.

Tôi đã làm việc với những người trẻ trong bốn mươi năm và thường nghe người trẻ nói với nhau rằng: Cái quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu là hạnh phúc của chính cha mẹ. Nếu cha mẹ có hạnh phúc với nhau, cha mẹ biết săn sóc cho nhau, làm cho nhau hạnh phúc thì đó là cái gia tài lớn nhất mà con cháu có thể tiếp thu. Nếu cha mẹ làm khổ nhau mỗi ngày thì cha mẹ không có gì để trao truyền lại cho con cháu hết. Chúng ta là những vị xuất gia, những người tại gia, những nhà giáo dục, những nhà chính trị, những nhà kinh tế, những nhà nghệ sĩ thì chúng ta có thể đóng góp được gì vào công việc phục hồi lại hạnh phúc gia đình, phục hồi được sự truyền thông giữa vợ và chồng, giữa cha và con. Đó là công tác căn bản để có thể thành công thật sự trong sự xây dựng những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa. Vai trò của Phật giáo cũng như vai trò của các nhà giáo dục, của các văn nghệ sĩ rất quan trọng. Trong gia sản văn hóa của chúng ta, chúng ta có đủ những yếu tố để có thể làm được việc đó.

Đóng góp của đạo Phật

Khi rời quê hương năm 1966 chúng tôi đâu có ý muốn đi sang Tây phương để truyền bá Phật pháp đâu. Chúng tôi chỉ muốn ở bên đó chừng ba tháng để kêu gọi thế giới góp một tay để chấm dứt cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam nhưng vì thời thế xảy ra như vậy cho nên chúng tôi đã không được về nước trong ba mươi chín năm. Cố nhiên chúng tôi phải làm đủ mọi cách để có thể cống hiến những gì mình có thể cống hiến được cho thế giới Tây phương. Chúng tôi đã tu tập, chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam để giúp cho người Tây phương. Đạo Phật cũng vậy, truyền thống thờ cúng tổ tiên cũng vậy, chúng ta phải nhào nặn, phải trau chuốt, phải chế tác trở lại để cho những sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu và được chấp nhận được ở thế giới Tây phương.

Trong bốn mươi năm, chúng tôi làm việc như một đại sứ văn hóa cho đất nước. Chúng tôi đã cống hiến đạo Phật, chúng tôi đã cống hiến sự thực tập thờ cúng tổ tiên, cố nhiên là có những cái khác nữa nhưng hai điều này là hai điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đêm nay. Chúng tôi đã tinh luyện, đã chế biến những yếu tố đó của nền văn hóa dân tộc nhằm giúp cho người thanh niên, người trí thức Tây phương có thể hiểu được, chấp nhận được cũng như để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau và tháo gỡ được những khó khăn để có thể trở về với gia đình, với truyền thống tâm linh của họ. Chúng tôi giúp họ tái lập truyền thông, xây dựng lại hạnh phúc gia đình và chúng tôi đã thành công.

Trong chuyến về viếng thăm Việt Nam lần này, chúng tôi có một niềm tin rất lớn. Nếu những pháp môn đó hữu hiệu với thanh niên và trí thức Tây phương thì tại sao nó không hữu hiệu với thanh niên và trí thức Việt Nam, một khi những pháp môn đó hoàn toàn có gốc rễ văn hóa Việt Nam.

 

Vấn Đáp


Hỏi:
Con xin phép hỏi Thầy một câu. Trong quá trình truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thì cái khó khăn lớn nhất của mình là cái gì? Trong lúc học tập cái hay của thế giới Tây phương thì điều quan trọng nhất mà mình không nên học và không nên bắt chước là gì? Xin cảm ơn thầy.

Thiền sư Nhất Hạnh:
Tôi nghĩ điều kiện quan trọng nhất để mình có thể chia sẻ những tinh hoa, châu báu của nền văn hóa mình với người Tây phương là mình phải nắm được lề lối suy tư cũng như tâm lý của người Tây phương. Mình phải thông hiểu cho được văn hóa của họ, nề nếp suy tư của họ. Khi hiểu được cách tư duy của người Tây phương, hiểu được bối cảnh văn hóa, văn minh của họ thì mình mới có thể hiến tặng cái quý giá của mình dưới một hình thức mà họ có thể hiểu, có thể chấp nhận được. Chúng tôi đã từng gặp rất nhiều vị đạo sư tới từ Á châu và thấy  không phải vị nào cũng thành công cả, tại vì phần lớn quý vị đó không nắm được lề lối suy tư, cách tư duy, nền văn hóa của người Tây phương. Tôi nghĩ rằng muốn trao truyền, muốn chia sẻ những châu báu của nền văn hóa mình trước hết mình phải hiểu được ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ này không phải là sinh ngữ mà là ngôn ngữ của trí óc họ, là cách suy tư, là nền văn hóa của họ. Nói một cách khác hơn là nền văn hóa Ky Tô giáo, nếu không nắm được thì mình không cách gì có thể chia sẻ những châu báu của nền văn hóa Phật giáo.

Tôi đã từng viết những cuốn sách đối thoại giữa Phật giáo và Ky Tô giáo. Cuốn đầu mà tôi viết là cuốn Living Buddha Living Chirst, người Trung quốc dịch ra là Sinh sinh Ky Tô thế thế Phật. Cuốn đó đã tạo ra được rất nhiều cảm thông. Ban đầu thì tư tưởng người Ky Tô cũng như người Phật tử Á Đông chúng ta nó như vầy. Đối với người theo đạo Phật: những đạo mà không phải đạo Phật gọi là ngoại đạo, đạo bên ngoài. Đối với người Ky Tô cũng vậy: những đạo mà không phải là đạo Thiên chúa đều gọi là ngoại đạo cả, họ không có nhu yếu học hỏi những ngoại đạo đó. Nhưng khi tôi viết cuốn Living Buddha, Living Christ thì làm cho họ tò mò, họ muốn biết người ngoại đạo nghĩ như thế nào về đạo của họ nên họ mua cuốn sách đó và vì họ mua cuốn sách cho nên họ có cơ hội tiếp xúc được với đạo lý của Phật giáo, tiếp xúc được với những châu báu của một truyền thống mà họ chưa bao giờ tiếp xúc. Cuốn sách thứ hai của tôi viết để đối thoại với Ky Tô giáo là Going home, Buddha and Jesus as brothers (Hãy trở về với quê hương, Chúa và Phật là hai anh em). Thế là họ tò mò đọc những cuốn sách đó. Hai cuốn sách đó đã được nhiều giải thưởng và hai cuốn sách đó đều là những cuốn sách bán rất chạy ở Tây phương. Các vị linh mục, các nhà nữ tu ở trong các nhà tu kín đã thừa hưởng rất nhiều từ những cuốn sách như vậy. Cuốn sách đã giúp cho họ tháo gỡ nhiều bế tắc và đã giúp họ đi sâu vào trong truyền thống của chính họ. Được như vậy là nhờ mình biết được, nắm được lề lối suy tư, hiểu được văn hóa của họ. Trong nền văn hóa nào cũng có hoa và có rác. Khi cho con đi học một trường Tây phương thì mình phải biết trước rằng nó sẽ thâu hái những hoa và đồng thời nó cũng vương vào những rác. Vì vậy phụ huynh phải theo dõi con mình, khi thấy cháu thâu thập được những nền tinh hoa của văn hóa bản địa thì mình sẽ nói: Được, cái đó rất tốt đó con, nó làm giàu cho văn hóa mình. Khi nó vương vào những cọng rác, những thối tha, dơ bẩn, những hư hỏng của nền văn hóa mới thì mình nói: Cái đó không được con ơi, đó là rác rến của nền văn hóa của họ.

Làm cha mẹ, nhất là khi ở tại Tây phương thì mình phải có thì giờ nói chuyện với con để có thể đi theo con ra ngoài xã hội, đi vào học đường. Có như vậy, mình mới có cơ hội trao truyền những giá trị văn hóa của mình cho con. Nếu cha mẹ bận rộn và con cái cũng bận rộn thì cha mẹ sẽ không có cơ hội trao truyền những châu báu của nền văn hóa mà mình đã tiếp nhận từ cha ông, con cháu sẽ không có cơ hội tiếp nhận gia tài văn hóa đó từ mình và mình trở thành những đứa con bất hiếu, tại vì mình không trao truyền được những gì mà mình đã tiếp nhận được từ tổ tiên ông bà của mình. Đó là bài pháp thoại tôi thường nhắc các bậc làm cha mẹ hiện đang sống tại các nước Tây phương.

Hỏi:
Kính thưa Thiền sư, cho phép tôi được nêu một câu hỏi, có thể nó không liên quan với đề tài hôm nay, nhưng nó gắn liền với một điều mà tôi đã thao thức rất lâu. Thưa Thiền sư, năm 1982 tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, có một người bạn thơ đã đọc cho tôi nghe một bài thơ. Bài thơ làm cho tôi rất xúc động, người bạn ấy nói rằng bài thơ bốn câu này của thầy Thích Nhất Hạnh. Bây giờ tôi xin đọc bài thơ đó.


Cứ mặc hoa tàn, mặc lá tàn
Việc gì mà cứ phải đa mang
Hỡi con chim nhỏ trong lồng nhỏ
Có hót thì xuân cũng chẳng sang.

Tôi phải nói là rất bâng khuâng, cho đến bây giờ gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn bâng khuâng. Xin phép Thiền sư vui lòng xác nhận cho bài thơ đó có phải tác giả là thầy Thích Nhất Hạnh không. Nếu là phải xin Thiền sư vui lòng nói thêm cho những nghĩa vốn đã rõ bên trong. Còn nếu như không phải thì xin Thiền sư cũng vui lòng cho biết suy nghĩ của Thiền sư về ý nghĩa của bài thơ này.

Thiền sư Nhất Hạnh:
Dạ, không phải thơ của tôi.

Hỏi:
Kính bạch Thiền sư, chúng con đã đọc sách của Thiền sư từ cách đây bốn mươi năm. Chúng con đã cảm nhận rất nhiều tri thức quý báu qua những tác phẩm của Thiền sư. Trong thời gian vừa qua, Thiền sư đã trở về với đất nước, Thiền sư đã cho chúng con biết những điều rất quý báu, những công việc mà Thiền sư đã thực hiện thành công ở các nước Tây phương đã bắt nguồn từ văn hóa Việt Nam. Trong chuyến thăm viếng này là cơ duyên tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước, không biết Thiền sư có ý định lập ra một Thiền viện nào đó trên đất nước để giáo lý đổi mới của Thiền sư được quảng bá, truyền đạt được cho dân tộc và nhất là cho thế hệ trẻ? Xin cảm ơn.


Thiền sư Nhất Hạnh:
Hiện thời có nhiều vị tôn đức ở trong đại gia đình Phật giáo Việt Nam đang có ý muốn thành lập những trung tâm tu học. Trong đó sự giảng dạy và thực tập được đổi mới để có thể thích hợp với căn cơ của người trẻ và người trí thức. Chúng tôi đã hứa với quý vị tôn đức đó là chúng tôi sẽ làm đủ mọi cách để có thể yểm trợ cho quý vị thành lập những trung tâm tu học như vậy tại Việt Nam. Những trung tâm dành cho người xuất gia, dành cho người tại gia và những trung tâm dành cho những người không phải Phật tử nhưng muốn thừa hưởng sự thực tập đó của đạo Phật.

Trong mấy chục năm nay cũng có một số các thầy và các sư cô đã từng có cơ duyên thăm viếng Làng Mai để tiếp thu và huấn luyện theo đường lối hiện đại hóa Phật giáo. Hiện bây giờ các vị đang có mặt tại Việt Nam, các vị đó có thể đóng góp một cách tích cực vào sự duy trì và thiết lập những trung tâm như vậy để cho người trẻ và người trí thức họ cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi họ tới để tiếp thu và thực tập truyền thống tâm linh mà cha ông của họ đã thực tập trong những thế hệ trước.

Hỏi:
Xin bạch Ôn, cho con được xưng như vậy với tư cách một Phật tử người Huế. Con nhớ không nhầm thì cũng vào khoảng thời điểm này cách đây khoảng ba mươi tám năm trong một buổi tối ngoài chùa dưới chân núi Ngự Bình, con nghe đài Úc Đại Lợi Australia họ tường thuật một hội nghị Export ở Montreal, mà trong đó họ tường thuật các chi tiết và đưa tin là tại đại hội này Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh đại diện cho Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại đã tuyên bố rằng: Người Mỹ muốn đến đây để giải phóng chúng tôi nhưng thật tình người Việt Nam chúng tôi rất muốn được giải phóng khỏi người Mỹ. Trước đó, trong chuyến đi công du hải ngoại thực hiện sứ mệnh của giáo hội Phật giáo Việt Nam để tranh đấu cho nền hòa bình dân tộc, Hòa thượng đã gặp rất nhiều chính khách, chính giới của Mỹ, trong đó có bộ trưởng quốc phòng của Mỹ. Hôm đó con có cũng nghe đài Úc Đại Lợi, tường thuật trong lúc gặp các chính khách của Mỹ, Thượng tọa Nhất Hạnh có nói rằng: Tôi nghĩ rằng với chính sách hiện nay thì người Mỹ chỉ tạo thêm những tiền đề thắng lợi cho cộng sản và nhất định là người Mỹ thất bại, người Việt Nam sẽ chiến thắng. Nhưng cũng vì như vậy, một bậc danh tăng của thế kỷ hai mươi, hầu như có thể nói, suốt cuộc đời của Thầy đã trung thành với sự nghiệp đạo pháp dân tộc, một con người đã nặng lòng với non sông đất nước với dân tộc. Nhưng mà do nhiều nhân duyên, lẽ ra khi đất nước hòa bình rồi thì Hòa thượng được trở về, vì điều tiên liệu của Hòa thượng là người Mỹ thất bại ở Việt Nam là đúng, nhưng mãi đến hôm nay sắp đến ngày kỷ niệm ba mươi năm giải phóng Thừa Thiên Huế thì Hòa thượng trở về lại quê hương. Trong khung cảnh quê hương đã được giải phóng, đất nước được thanh bình, những ngày qua có lẽ trên quê hương của mình Hòa thượng đã chứng kiến được những thành tựu của đất nước, của quê hương và đặc biệt là những sự phát triển của giáo hội và đạo tâm của những người Phật tử và đặc biệt tình cảm sâu nặng của Phật tử Huế. Con không nói ở Sài gòn, Hà nội bởi vì chính con chưa được dịp chứng kiến chỉ xem qua phim ảnh thôi. Nhưng khung cảnh Phật tử Huế và trí thức Huế đón tiếp hòa thượng hôm 18.02.2005 ở Kiều Đàm cho đến hôm nay đã gần ba tuần, con không biết với cảm xúc của vị Thiền sư suốt đời tu học, hoằng pháp vì hòa bình của dân tộc, mong đem lại an lạc cho đất nước cho quê hương. Có lẽ nhiều người trong chúng con đang mong được Thầy phát biểu cảm nghĩ của mình sau ba mươi chín năm xa quê. Xin Thầy cho biết thông tin con nghe trên đài cách đây ba mươi tám năm có chính xác như vậy hay không? Và trong chuyến đi này Thầy có làm thơ hay không?

Thiền sư Nhất Hạnh:
Tin mà đài Úc đại lợi đưa là có thật. Hôm đó là ngày của tuổi trẻ, có hàng trăm ngàn người trẻ tới nghe tôi hôm đó. Tôi đã nói một câu làm cho họ vỗ tay rất lâu, tôi nói bằng tiếng Anh: We want to be liberated from your liberation…, nó đơn giản như vậy: Quý vị muốn giải phóng cho chúng tôi nhưng mà chúng tôi muốn được giải phóng ra khỏi sự giải phóng của quý vị. Câu đó chính tôi đã nói. Sau đó tôi được mời ăn cơm với các ông bộ trưởng. Đó là lần đầu tiên tôi ăn bữa cơm như vậy, ở trên bàn có hàng chục con dao, hàng chục các thứ dụng cụ mà người Tây phương dùng để ăn, tôi chưa bao giờ biết sử dụng, tôi rất lúng túng không biết sử dụng những dao, muỗng đó như thế nào. Thành ra anh thị giả đứng sau nói: Thưa Thầy, cứ coi mấy ông khách ăn làm sao thì Thầy bắt chước vậy thôi.

Ngày hôm qua tôi đi thiền hành với các thầy, các sư cô ở trên đồi Dương Xuân chùa Từ Hiếu. Hiện bây giờ chúng tôi đang có một khóa tu dành riêng cho người xuất gia nam và xuất gia nữ. Có khoảng trên chín trăm người xuất gia đã và đang tu với chúng tôi trên chùa Từ Hiếu trong bốn ngày qua, chúng tôi còn một ngày mai nữa mới chấm dứt. Mỗi ngày chúng tôi đều có pháp thoại, đều có ngồi thiền, đều có pháp đàm, đều có ăn cơm trong chánh niệm. Phương pháp thực tập là sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, Hiện Pháp Lạc Trú, đó cũng là một yếu tố văn hóa Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam mà chúng tôi đang giảng dạy, đã từng giảng dạy ở Tây phương. Hiện Pháp Lạc Trú (Living deeply in the present moment).

Mỗi buớc chân giúp cho mình tiếp xúc với quê hương với những mầu nhiệm của quê hương. Mỗi buớc chân như vậy là một bài thơ và tôi làm thơ bằng hai chân của tôi. Mỗi hơi thở nó đem tôi trở về với giây phút hiện tại để tôi có thể tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, với núi Ngự, sông Hương. Mỗi hơi thở như vậy là một bài thơ. Không có giây phút nào trong ngày mà tôi không làm thơ. Làm thơ bằng hơi thở, làm thơ bằng bước chân, làm thơ bằng ánh mắt nhìn, làm thơ bằng những lời trao đổi cho thế hệ trẻ.

Phái đoàn của chúng tôi gồm có đại diện của trên ba mươi nước, ngay trong giới xuất gia đã có mười tám nước rồi. Tất cả khi về tới Huế đều có một cảm giác rất đặc thù, không giống như khi về tới Hà Nội hay Sài Gòn. Tất cả mọi người đều cảm nhận tính đặc thù đó của cố đô Huế. Hiện bây giờ chúng tôi chưa diễn tả được cảm tưởng đó nhưng chúng tôi đang thật sự sống trong không khí đó và chúng tôi sẽ không bao giờ quên Huế, quên các Phật tử ở Huế, các vị tôn túc cũng như các vị Phật tử cư sĩ đã mở rộng hai cánh tay đón chào chúng tôi như những người anh em đi lâu năm bây giờ mới trở về.

Chuyến đi ba tháng này theo chúng tôi nhận thức rất có tính cách trị liệu, hòa giải. Chúng tôi đã giúp đem các Phật tử lại gần với nhau hơn. Chúng tôi đã đóng góp vào sự phục hưng và xây dựng tình huynh đệ trong đại gia đình Phật giáo. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm những người không phải là Phật tử, tại vì trong những buổi sinh hoạt của chúng tôi tổ chức, hoặc là khóa tu hoặc là ngày chánh niệm hoặc những buổi giảng luôn luôn có mặt mọi giới. Các vị nhân sĩ, các nhà trí thức, các nhà văn nghệ sĩ, những người thuộc về những các truyền thống tôn giáo khác đều có mặt và chúng tôi nhìn thấy những ánh mắt rạng rỡ, hạnh phúc của người tới tham dự. Chúng tôi rất là thương, chúng tôi rất cảm động và đây thật sự là một mùa xuân đoàn tụ. Chúng tôi sống ý thức từng giây từng phút và được nuôi dưỡng trong từng giây từng phút của chuyến đi này.

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên Huế, dù nhiều người trong chúng tôi lần đầu tiên bước chân đến đất thần kinh. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đóng góp được vào công việc hòa giải, trị liệu và xây dựng tình huynh đệ. Chúng tôi đã đóng góp vào công trình điều chỉnh nhận thức. Chiến tranh dai dẳng đã tạo ra quá nhiều nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng và tạo ra rất nhiều tri giác sai lầm. Từ những tri giác sai lầm đó phát sinh ra những sợ hãi, nghi kỵ và hận thù. Chuyến đi của chúng tôi đóng góp vào công việc tháo gỡ những tri giác sai lầm đó để làm cho những khối sợ hãi, nghi kỵ và hận thù đó càng ngày càng giảm thiểu. Chúng tôi có thể nói rằng mỗi ngày cái mức nghi kỵ, sợ hãi, hận thù đó nó xuống thấp hơn một chút và điều đó làm cho chúng tôi rất hạnh phúc.

Xin các thầy, các sư cô tụng bài Con Về Nương Tựa Bụt bằng tiếng Anh và lời Việt là:

Con về nương tựa Bụt,
Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp,
Con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng,
Đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức…

 

Lời Ban tổ chức

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngưỡng bạch Thiền sư Thích Nhất Hạnh,
Con xin có đôi lời cảm tạ.
Kính thưa quý vị trong phái đoàn Phật giáo quốc tế thuộc tăng thân Làng Mai.
Kính thưa chư liệt vị thính giả,

Sau nhiều năm xa quê, Thiền sư về quê hương lần này đã thăm viếng nhiều nơi. Trong một thời gian khá dài Thiền sư đã thuyết giảng, nói nhiều bài pháp thoại, pháp đàm tại nhiều nơi và đã làm cho tất cả bà con Phật tử cũng như chư Tôn đức Tăng Ni tại Huế rất hân hoan, vui mừng đón nhận. Chúng con rất hân hoan được Thiền sư dành cho nhiều cảm tình thân thiết. Hôm nay tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán lại được hân hạnh đón nhận cảm tình nồng hậu mà Thiền sư dành cho, đã chấp nhận lời đề nghị của ban quản trị trung tâm và đã quang lâm đến trung tâm để thuyết giảng đề tài: Những gì trong gia tài văn hóa Việt Nam có thể đóng góp cho nền hòa bình và an vui thế giới. Thính chúng rất hân hoan được tiếp nhận những pháp âm của Thiền sư. Kính xin được thay mặt ban quản trị trung tâm, thành kính cảm tạ ơn đức sâu dày của Thiền sư đã dành cho chúng con. Xin cảm ơn chư tôn thiện đức trong tăng thân Làng Mai. Và chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ chư tôn thiện đức tăng ni, chư vị thân hào nhân sĩ trí thức trong thành phố đã nhận lời mời của chúng tôi, của ban trị sự đến tham dự buổi thuyết giảng hôm nay. Đặc biệt chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo tỉnh và ban giám đốc trung tâm dịch vụ du lịch Festival đã tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức buổi thuyết giảng tại đây. Kính bạch Thiền sư, kính thưa chư Tôn đức và liệt quý vị .Vì thời gian tổ chức quá hạn hẹp nên không sao tránh khỏi thiếu sót, kính xin Thiền sư và chư liệt vị niệm tình hoan hỷ. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Thiền sư pháp thể khinh an, tuệ đăng thượng chiếu và xin kính chúc chư Tôn đức, toàn thể liệt quý vị sức khỏe và nhiều pháp lạc trong cuộc sống.
Nam mô thường hoan hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thiền sư Nhất Hạnh:

Chúng tôi tôi có một bức bút pháp để kính tặng trung tâm văn hóa Liễu Quán: Từng buớc nở hoa sen.

Đây là một số sách đã được nhà xuất bản Tôn Giáo ấn hành, trong đó có cuốn Thả Một Bè Lau vừa mới ra đời chiều hôm nay. Thả Một Bè Lau là Truyện Kiều qua cái nhìn thiền quán. Hiện bây giờ, tối nay mình có thể thỉnh được. Một cuốn sách nữa là cuốn Tuổi Trẻ Tình Yêu Và Lý Tưởng. Cuốn sách này tối hôm nay cũng có được vài chục cuốn, quý vị có thể thỉnh ngay tại trung tâm. Cuốn này tôi đã gởi tặng thủ tướng Phan Văn Khải trước khi chúng tôi lên đường về Việt Nam, thủ tướng đã đọc xong và thủ tướng có giới thiệu trong một buổi họp với đồng bào Việt Kiều về ăn Tết vào ngày ba mươi tháng giêng vừa qua tại dinh Thống Nhất. Hai cuốn này, chúng ta có thể thấy được ở đây tại trung tâm Liễu Quán.

Các thầy, các sư cô Làng Mai xin chấm dứt buổi pháp thoại bằng trì tụng Tâm Kinh Bát Nhã Prajñāpāramitā bằng tiếng Anh, để cúng dường quý Tôn đức.

 

 

___________________________________________
Chú giải:

1* Thiền Sư Tăng Hội là Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam. Tổ Khương Tăng Hội sinh ở Giao Châu vào đầu thế kỷ thứ ba, cha là người Khương Cư, mẹ là người Việt, xuất gia năm 10 tuổi, trở thành cao tăng, mở đạo tràng tu tập ở Luy Lâu, Bắc Ninh, thiết lập một trung tâm dịch thuật và sáng tác ở đó. Năm 255, qua Kiến Nghiệp (Nam Kinh bây giờ), thủ đô nước Đông Ngô thời Tam Quốc, lập ngôi chùa đầu tiên ở nước ấy là chùa Kiến Sơ, tổ chức Đại Giới Đàn độ tăng (độ người xuất gia) đầu tiên cho người Trung Quốc, độ cho vua Ngô Tôn Quyền, truyền tam quy ngũ giới cho vua Ngô Tôn Hạo. Tổ Tăng Hội tịch vào tháng chín năm 280.
2* “Phi nhất, phi dị, thị vi trung đạo”.
3* Trung quán luận – Long Thụ – Kệ tụng Bát bất (tám phủ nhận) :
不生亦不滅。不常亦不斷
不一亦不異。不來亦不出
Bất sinh diệc bất diệt, Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị, Bất lai diệc bất xuất.
Không phải sinh cũng không phải diệt,
Không phải thường cũng không phải đoạn,
Không phải một cũng không phải khác,
Không phải đi cũng không phải đến.
4* Antoine-Laurent Lavoisier (1743–1794) : Rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme”. Không gì mất đi, không gì sinh ra, tất cả (chỉ là sự) chuyển tướng dạng.
5* Nguyên lý duyên khởi cho ta thấy rằng, một sự vật không thể tự nó có mặt, mà đã do vô số các sự vật khác, không phải là nó, hợp lại cấu thành. “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất – Một là tất cả, tất cả là một”. Có thể nói, đây là mệnh đề tóm tắt toàn bộ yếu nghĩa kinh Hoa Nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về sự tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ: Sự vật này tức là sự vật kia, sự vật kia tức là sự vật này; một sự vật có mặt trong tất cả mọi sự vật, tất cả mọi sự vật có mặt trong một sự vật; một sự vật tức là tất cả các sự vật, tất cả các sự vật tức là một sự vật.
6* David Bohm (1917 – 1992) Nhà lý thuyết vật lý quantum người Mỹ, tác giả một mô hình về thực tại, ông gọi là “Implicate Order.” Ông cũng rất quan tâm đến khía cạnh triết lý và nhũng vấn đề triết học từ các khám phá về vật lý lượng tử của chính ông . Ông trình bày triết lý của mình và cũng viết cùng với J. Krishnamurti. Ảnh hưởng của ông rất lớn lao, bao trùm và vượt ngoài khoa vật lý, đến các ngành sinh học, tâm lý học, trỉết học, tôn giáo và cả tương lai của xã hội loài người.