Hội thứ tư
HỘI THỨ TƯ
Tin xem! Miễn cóc một lòng; thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Xem tam tạng giáo, ắt học đòi thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca; cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
BÌNH GIẢNG
Tin xem! Miễn cóc một lòng
Miễn có nghĩa là điều kiện căn bản. Miễn cóc một lòng tức là ta biết được nghệ thuật nhất tâm. Một lòng là nhất tâm. Nhất tâm đảnh lễ ta dịch là Một lòng kính lạy. Thành ra bí quyết của sự thành công trong việc tu tập là thực hiện được cái nhất tâm. Cái tâm của ta được gom về một mối, và ta chú trọng vào đối tượng đó, gọi là một lòng.
Thì rồi mọi hoặc
Hoặc tức là phiền não, tiếng Phạn là klesa. Rồi có nghĩa là thảnh thơi. Nếu được nhất tâm thì tất cả mọi phiền não đều có thể chuyển hóa thành thảnh thơi.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân
Tam độc là ba chất độc ở trong con người của ta, đó là thèm khát (tham, raga), sân hận (krodha) và u mê (si, moha). Phải chuyển hóa tam độc chúng ta mới có thể đạt tới sự sống của tam thân (trikaya), tức là pháp thân, báo thân, và ứng thân. Chúng ta có pháp thân, báo thân và ứng thân, nhưng vì chúng ta chưa chuyển hóa được tam độc cho nên ba thân đó chưa biểu hiện ra mà thôi.
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc
Lục căn là sáu nền tảng, sáu căn cứ làm phát sinh ra thức, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Lục căn đối lại với lục trần, tức sáu cảnh ở ngoài ta có thể tạo ô nhiễm cho thân tâm của ta, còn gọi là lục tặc. Lục tặc là sáu loại đối tượng có thể lôi kéo ta đi theo, đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Khi giác ngộ, ta có thể sử dụng được lục căn và lục trần một cách rất tự do. Lục căn và lục trần trở thành những phương tiện rất mầu nhiệm để hoằng pháp. Khi tam độc chưa được chuyển hóa, thì lục căn là căn cứ của tội lỗi, và lục trần cũng trở nên nguyên do của sự đi lạc vào con đường tăm tối, gọi là lục tặc. Tặc có nghĩa là giặc. Lục tặc là sáu thứ giặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Những người tu tiên tìm con đường để đổi bộ xương của họ (hoán cốt), họ phải (“sá” là hãy) có khả năng uống thuốc (phục dược) và luyện đơn. Luyện, tiếng Anh có thể dịch là elaborate. Hỏi ở đây là thực tập, là học hỏi. Chân không là một phép tu. Khi chúng ta học hỏi về pháp môn chân không, tức là con đường Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng ta đâu cần phải né tránh, e ngại thanh và sắc. Chấp tức là bị kẹt vào, ngại là sợ hãi.
Có những quan niệm cho rằng sáu trần (thanh, hương, vị, xúc và pháp) là sáu thứ giặc, vì vậy cho nên không được dính líu tới sáu trần. Do đó chúng ta phải tìm cách trốn chạy sáu trần, bằng cách nhắm mắt lại để đừng thấy sắc, bịt tai lại để đừng nghe thanh, bịt mũi lại để đừng ngửi hương v.v… Đó là một lối tu, gọi là Tức vọng tu tâm.
Vào thế kỷ thứ VIII có thầy Tông Mật là Tổ thứ Năm của Tông Hoa Nghiêm ở Trung Quốc (ngày xưa có 13 tông phái Phật giáo và Thiền là một trong những tông phái đó). Tông Hoa Nghiêm căn cứ trên kinh Hoa Nghiêm. Thầy Tông Mật vừa là một người trong thiền tông, vừa là một trong các vị tổ của Tông Hoa Nghiêm. Trong tác phẩm Thiền Tông Chư Thiên Tập, thầy nói đời Đường có ba khuynh hướng tu học thiền.
Khuynh hướng thứ nhất là Tức vọng tu tâm. Khuynh hướng này cho rằng có một giới hạn giữa ngoại cảnh và nội tâm. Phương pháp tu là đừng chạy theo ngoại cảnh, phải nhắm mắt, phải bịt tai,… mà trở về nội tâm và quán chiếu. Bối cảnh quán tâm là xoay lưng lại với sáu trần và trở về với tâm, hành giả có thể từ từ diệt hết tất cả vọng niệm mà đạt tới giác ngộ. Khuynh hướng này có màu sắc của khuynh hướng thiền Bắc tông. Trung Hoa thời đó có chia ra thiền Bắc tông và Nam tông. Thiền Bắc tông là thiền của thầy Thần Tú. Thiền Nam tông là thiền của thầy Huệ Năng. Thiền Bắc Tông dạy nhiều về những điều này.
Khuynh hướng thứ hai là Mẫn tuyệt vô ký. Theo khuynh hướng này, tất cả các pháp dù là phàm hay thánh đều là mộng huyễn cả, thành ra phải vượt ra khỏi mọi sự chấp trước, vô ngại, đạt tới trí tuệ có thể thấy được tất cả đều là không có; đừng phân biệt người này là người thân của ta, còn người kia là người thù của ta; cái này là khổ, cái kia là vui; cái này là mê, cái kia là giác… Nhờ đó mà xa lìa được tất cả những sai lầm, những điên đảo và đạt được giải thoát.
Khuynh hướng thứ ba là Trực hiển tâm tánh. Tức là trực tiếp làm hiển lộ bản chất sáng chói của tâm và của tánh. Theo khuynh hướng này, những vọng niệm và những đối tượng của sáu giác quan đều là không. Nếu tiếp xúc được với tính sáng ở trong ta, thì tự nhiên ta không còn sợ chúng nữa. Ta không sợ vọng niệm bên trong cũng không sợ trần cảnh bên ngoài, không sợ lục căn cũng không sợ lục trần. Vì vậy cho nên chúng ta không cần phải nhắm mắt, bịt tai. Nhắm mắt, bịt tai chỉ chứng tỏ một sự sợ hãi, chứng tỏ một quan niệm là những âm thanh kia và những hình sắc kia quả thật là những tên giặc, chúng có thể làm hại ta, cho nên chúng ta cần phải tránh né, lo ngại. Thái độ đó chưa phải là thái độ anh hùng. Nếu thực tập theo phép chân không thì chúng ta không cần phải nhắm mắt và bịt tai, chúng ta không cần phải sợ hãi sắc, sợ hãi thanh… tại vì tự tánh của chúng là không. Khi đạt được tính sáng, thấy được tự tánh của chúng là không, chúng ta có tự do đối với lục trần, chúng không còn là những tên giặc đáng sợ hãi nữa. Cho nên trong hội thứ tư này mới có câu: Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc. Theo khuynh hướng trực hiển tâm tánh, khi tiếp xúc được với tính sáng ở trong ta thì chúng ta đạt tới một cái biết, gọi là tri. Tri ở đây tức là “chúng diệu chi môn”, tức là cửa ngỏ để đi vào tất cả những mầu nhiệm. Khi vào được cánh cửa này rồi, chúng ta biết rằng tất cả những vọng niệm đều không có bản chất, và những hình tướng, những âm thanh đó sẽ không làm gì được ta. Vì vậy cái biết đó là cái chìa khóa để thành đạo.
Chắc chắn là Trúc Lâm Đại Sĩ đã được đọc sáng tác của thầy Tông Mật rồi. Tại vì thầy Tông Mật sống vào cuối thế kỷ thứ VIII, và nửa đầu của thế kỷ thứ IX, cho nên Đại Sĩ đã viết ba dòng trong hội thứ Ba: Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông. Cóc đó là tri, là biết. Nếu đọc bài Phú này mà chúng ta không biết tới sáng tác của thầy Tông Mật thì đọc tới đây chúng ta không hiểu Đại Sĩ muốn nói gì. Nếu mà cóc: Nếu chúng ta đạt được “chúng diệu chi môn” đó thì tất cả những sai lầm của chúng ta đều tan biến cả, và sự tu học của chúng ta thành công: Tội ắt đà không, phép học lại thông. Chúng ta hiểu được như vậy thì Đại Sĩ mới mỉm cười, nếu không thì ngài nói rằng: “Con cháu mình đọc bài mình viết mà chúng chẳng hiểu gì hết!” Chữ “cóc” này là cái chìa khóa để đạt tới tự do.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc là như vậy. Nếu chúng ta tu học về phương pháp của Bát Nhã Ba La Mật thì chúng ta không cần phải e ngại, sợ bị kẹt vào thanh và vào sắc.
Trong kinh Bảo Tích, phẩm Ca Diếp Vấn, tức những câu hỏi của thầy Ca Diếp, Bụt có nói tới ví dụ một con chó bị người kia liệng một cục đá trúng vào mình nó. Đau quá, sanh giận, nên nó chạy theo cục đá đó sủa, mà không biết rằng cái làm cho nó đau không phải là cục đá, mà là người liệng cục đá. Chạy theo cục đá để trả thù là vì con chó vô minh. Nếu chúng ta bị thanh sắc cuốn đi, làm cho chúng ta đau khổ, chúng ta thù thanh sắc, chúng ta trốn thanh sắc thì chúng ta cũng giống như con chó kia, rất là u mê. Thủ phạm làm chúng ta đau khổ vì thanh sắc không phải là thanh sắc mà là sự u mê của chúng ta về thanh và về sắc. Thanh sắc có thể là rất mầu nhiệm, nhưng tại vì ta bị cuốn theo, ta bị vướng mắc vào, ta thèm khát, ta tham đắm, cho nên ta bị đau khổ. Và sự vướng mắc, thèm khát đó là do thiếu cái gọi là biết, là tri.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc
Chân như, tiếng Phạn là Paramartha, dịch tiếng Anh là Suchness, Reality, hay as it is, tức là cái tự tính của ta. Thực tại là như vậy thôi, dùng ý niệm và ngôn ngữ để diễn tả thì không được, nó là nó. Cái đó gọi là chân như. Nếu ta thấu hiểu được thật tánh của thực tại, tức là biết chân như, là ta tin ở Bát Nhã, Bát Nhã là trí tuệ, trí tuệ đưa ta từ bến mê mờ sang bên kia bờ giải thoát. Nếu ta đã thực tập, ta đã có đức tin nơi Bát Nhã thì ta cần gì phải đi tìm Phật và tìm Tổ dù ở phương Đông hay là phương Tây, tại vì chân như hay Bát Nhã đó là Bụt rồi.
Chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc: Tiếp xúc được với thật tướng, tức là bản tính chân thật của thực tại rồi, thì ta mở được cánh cửa thế giới vô vi, thế giới của bản môn: không có sinh, không có diệt, không có trước, không có sau, không có trong, không có ngoài. Vô vi, tiếng Anh dịch là The unconditions. Chữ ngỏ ở đây nghĩa là mở ra. Nam tông và Bắc tông đều có kinh điển riêng của mình. Khỏi cần phải nhọc mệt đi tìm kinh thiền Nam Bắc khi ta đã chứng thực tướng và ngỏ vô vi.
Xem tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tam tạng là ba tổng hợp (collections) về văn học Phật giáo, tức là Kinh, Luật và Luận. Khi học giáo lý ở trong tam tạng thì ta phải học theo Thiền uyển thanh quy. Thiền uyển tức là vườn thiền. Thanh quy tức là quy luật thanh tịnh của thiền viện. Thiền uyển là một danh từ rất đẹp, một vườn thiền trong đó mỗi thiền sinh, mỗi thiền sư đều là một bông hoa. Vườn thiền đó có những quy tắc của nó, làm cho có sự thanh tịnh, có sự an lạc, gọi là thanh quy. Xem tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền Uyển thanh quy. Ta đừng phiêu lưu trong những tư tưởng, những ý niệm mơ hồ về giáo lý, ta phải nắm cho được những quy luật của tu viện, nắm cho được những điều làm cho nếp sống của thiền viện thanh tịnh, an lạc.
Khi Thiền tông được thiết lập tại Trung Hoa, các thiền sinh và thiền sư cư trú chung trong những Luật viện. Thiền tông đi đôi với Luật tông, và không có mặt riêng biệt với Luật tông. Các thầy Luật tông và các thầy Thiền tông sống chung với nhau. Mãi cho đến thế kỷ thứ VIII, đời Đường, có một thiền sư tên là Bách Trượng, người Phúc Châu ở miền Nam. Lúc nhỏ ngài xuất gia ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc. Khi thầy về Giang Tây để mở đạo tràng, thầy đã sáng tác ra một bộ Thanh Quy, tức là những quy luật dùng cho các thiền viện, gọi là Bách Trượng Thanh Quy, rất nổi tiếng.
Từ đó về sau, Thiền viện tách rời ra khỏi Luật viện vì đã có quy chế riêng. Trong những nguyên tắc mà thiền viện đi theo, có nguyên tắc bất tác bất thực, nghĩa là không làm việc thì không ăn. Thấy thầy – Bách Trượng – đã lớn tuổi, đệ tử thương không muốn thầy làm việc nên họ đã đem dấu cái cuốc của thầy đi. Trưa hôm đó thầy không ra ăn. Các đệ tử hỏi:
– Bạch Hòa thượng, sao Hòa thượng không ra dùng cơm với chúng con?
Thầy trả lời:
– Hôm nay tôi không làm việc cho nên tôi đâu được ăn!
Đó là một giai thoại về thiền sư Bách Trượng. Thiền sư Bách Trượng sinh năm 739, và tịch năm 803.
Đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc. Ngũ phận hương là năm thứ tâm hương mà chúng ta cúng dường Tam Bảo. Đó là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Nếu biết đốt tâm hương đó thì chúng ta khỏi tốn tiền mua các thứ nhang như nhang Tây Tạng, nhang Ấn Độ, hay nhang Nhật Bản. Chiên đàn là một thứ trầm quý, chiêm bặc là một thứ hoa ở Ấn Độ. Chỉ cần đốt năm thứ hương rất quí báu của trái tim để cúng dường là quí nhất. Đó là thứ hương mà anh chàng Tú Uyên đã đốt, và khi đốt lên thì nàng Giáng Kiều trở về. Đó là câu chuyện của Tú Uyên và Giáng Kiều, quý vị còn nhớ không?
Giáng Kiều của chúng ta là Tam Bảo, là tăng thân. Khi giận tăng thân thì ta mất tăng thân. Muốn tăng thân trở lại với ta, ta phải đốt ngũ phận hương.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca
Tích là chứa chất lại. Nhân tức là tình thương. Nghì tức là nghĩa, là sự biết ơn. Tu đạo đức là làm cho cái đạo và cái đức của ta lớn lên, tốt hơn nữa.
Đạo, trước hết, có nghĩa là con đường. Nhưng đạo cũng cũng có nghĩa là đối tượng của giác ngộ. Ví dụ như thành đạo, không phải là thành con đường mà thành sự giác ngộ. Đắc đạo không phải là đắc con đường mà đắc quả vị giác ngộ. Cho nên chữ đạo ở đây là đối tượng của sự chứng đắc, tức là cái hiểu biết, cái từ bi, cái thấy của ta. Đức, tiếng Anh dịch là virtue, tức là những cái tính tốt của mình. Ví dụ như sự cởi mở, sự rộng rãi, tình thương yêu, sự kiên nhẫn, v.v…
Tích nhân nghì, tu đạo đức: một bên thì chất chứa, nhóm lại tình thương và sự biết ơn; một bên thì làm lớn lên cái đạo và cái đức của mình. Ai hay này chẳng Thích-ca, người nào mà không phải là Bụt Thích-ca? Ai cũng là Bụt Thích-ca hết.
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
Những người nào cầm trong tay giới và hạnh và có thể cắt đứt được những sự ganh tị và sự tham đắm thì chính người đó là hiện thân của Bụt Di-lặc. Ta đã biết chữ cầm ở đây có nghĩa là trì. Trì giới tức là cầm giới ở trong tay, đừng liệng nó xuống đất. Trước đây chúng ta có học câu Cầm giới hạnh, địch vô thường. Giới hạnh là một thanh bảo kiếm, và chỉ với thanh gươm của giới, chúng ta mới đối địch được, đối phó được với con ma vô thường mà thôi. Thành ra nếu buông giới xuống là ta chết!
Ngày nay chúng ta chỉ dùng chữ trì giới mà không dùng chữ cầm giới nữa. Kỳ thật chữ cầm giới nghe dễ hiểu hơn nhiều. Cầm giới và cầm hạnh. Giới được biểu lộ ra thành hành động. Hành động có chánh niệm, hành động không làm tan nát gọi là giới hạnh. Không có giới thì có sự tan nát. Hành động không có giới là hành động phá hoại, nếu có giới thì hành động là hành động xây dựng.
Đoạn ghen tham. Ghen tức là sự ganh tị. Ganh tị với anh, ganh tị với em, ganh tị với chị. Khi có sự ganh tị, ta mất tất cả những cái đẹp của mình. Vì vậy đoạn ghen tham, chính thực đó là đức Di-lặc.
Giáo pháp
Nhất tâm bất loạn là chìa khóa của sự thành công. Nhất tâm, tiếng Phạn là Ekagrata. Tất cả những điều mà chúng ta thực tập hàng ngày, ví dụ đi thiền hành, ngồi thiền tọa, ăn cơm im lặng, thiền trà,.. đều để gom tâm về một mối để đạt tới sự nhất tâm. Tại vì nhất tâm đó giúp ta trở về tiếp xúc với tính sáng trong ta, và giúp ta chuyển hóa được những khổ đau, làm cho những phiền não đó được thảnh thơi.
Rồi mọi hoặc tức là phiền não được thảnh thơi. Khi đạt được tính sáng, có cái biết đó rồi, chúng ta không cần phải chạy trốn hình sắc và âm thanh nữa, tại vì chúng không còn kéo được ta nữa, ta đã có tự do. Đến lúc đó chúng ta không cần đi tìm kinh, tìm Tổ, tìm Bụt ở bên ngoài.
Trong khi học hỏi và thực tập, chúng ta đừng phiêu lưu trong lĩnh vực lý thuyết, chúng ta phải thực tế, chúng ta phải chú trọng tới giới, tới những quy luật của thiền viện. Chúng ta phải vâng theo những quy luật thiền viện, phải nắm vững những quy luật thiền viện, và Bụt sẽ được phát hiện ngay trong con người của chúng ta. Bụt không phải bằng vàng, cũng không phải bằng đá hay bằng xi măng. Bụt được làm bằng tình thương, bằng nhân nghĩa, đạo đức, và giới hạnh.