Hội thứ hai
HỘI THỨ HAI
Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an; nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe; cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung; dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác
BÌNH GIẢNG
Biết vậy!
Có nghĩa là chúng ta hãy nên biết như thế! Và Đại Sĩ đưa lên một ngón tay rồi tuyên bố một câu quan trọng:
Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Lòng rồi tức là tâm thảnh thơi. Đó là cái quí nhất. Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác. Miễn là ta có được tâm thảnh thơi, ngoài ra không còn pháp môn nào nữa hết. Đó là một tiếng sét, và đó là hiệu lệnh của Trúc Lâm Đại Sĩ.
Ta hãy tự hỏi, trong khi sống tại Mai Thôn Đạo Tràng, ta có đang thực tập làm cho tâm ta mỗi ngày mỗi thảnh thơi hay ta vẫn còn lăng xăng, tâm ta vẫn còn rối như tơ vò? Tuy là người tu mà ta vẫn còn lo chuyện này, rầu chuyện khác, ta nghĩ về quá khứ, ta nghĩ tới tương lai, ta bị ràng buộc vào vấn đề này và vào vấn đề khác. Có gì là quan trọng đâu! Chỉ có một cái quan trọng thôi, đó là sự thảnh thơi của tâm ta. Ngoài ra, tất cả đều không quan trọng. Sư chị có rầy hay cưng nhiều hoặc ít hơn một chút, cái đó không quan trọng. Sư anh có “găng” nhiều hay ít hơn một chút, cái đó không quan trọng. Cái quan trọng là sự thảnh thơi có đang có mặt ở trong lòng ta hay không thôi. Sự thảnh thơi đó là tự ta tạo ra, không ai có thể cho ta được. Tâm thảnh thơi của ta, thầy không thể nào ban cho ta được. Sư anh không ban cho ta được, sư chị cũng không ban cho ta được. Tự ta phải khơi mở lấy. Tâm thảnh thơi gọi là “lòng rồi” hay “lòng rỗi”. Thành ra mỗi khi thấy trong lòng buồn bã, khổ đau, giận hờn, thất vọng, chúng ta hãy gọi: “Tâm thảnh thơi của tôi ơi! Ngươi đi đâu rồi?”
Ta biết rằng không phải người khác có thể cho ta cái tâm thảnh thơi đó. Tâm thảnh thơi không phải là một món quà mà nhà dây thép đem tới. Tâm thảnh thơi không phải là thứ có thể mua được ở siêu thị. Tâm thảnh thơi không phải do một người thương của ta đem tới, dù người đó là sư anh, sư chị, sư em hay thầy của ta. Tâm thảnh thơi đó chỉ có ta mới có thể cho ta được. Ta lấy nó ở đâu? Ta lấy nó từ cái tính sáng của ta.
Càng đọc bài Cư Trần Lạc Đạo, quí vị thấy rõ là tiếng Việt ngày xưa rất Việt, kể cả văn cú và chữ dùng. Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác. Dùng chữ phép chứ không dùng chữ pháp.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an
Gìn tức là bảo vệ, là gìn giữ, là bảo quản. Hầu an tức là mới có được cái an ở trong lòng. Gìn tính sáng, tính mới hầu an tức là gìn giữ tính sáng thì mới mong đem tới cho ta an lạc. An đưa tới lạc. Người khổ là người không có an. Muốn có an, người đó phải biết dựa trên cái tính sáng của mình. Tính sáng của ta là khả năng thấy của ta.
Nếu không thấy hoặc thấy sai, tức là vọng tưởng, thì ta khổ. Tất cả những nỗi khổ của ta đều do cái thấy sai của ta mà ra cả. Bụt nói tất cả những khổ đau của chúng ta đều phát sanh từ chỗ chúng ta bị kẹt trong vọng tưởng. Chúng ta đau khổ là vì sao? Vì giận hờn, vì ganh tị, vì thèm khát, vì sợ hãi, vì thất vọng… Tất cả những giận hờn, ganh tị, thất vọng, sợ hãi đó đều phát sinh từ vô minh, tức là không thấy được sự thật. Vì vậy cho nên chỉ có một cái có thể chữa được bệnh khổ của chúng ta, đó là cái tính sáng. Có tính sáng, tức là thấy được sự thật thì tự nhiên ta hết khổ. Ta cứ nghĩ rằng cái khổ của ta sẽ chấm dứt khi những hiện tượng chung quanh ta thay đổi theo ý ta muốn. Nhưng đó chỉ mới là cái ngọn, cái gốc của sự chấm dứt niềm đau nỗi khổ của ta là ở chỗ thấy được tính sáng của ta.
Cho nên nếu ta đau khổ thì phương cách chữa bệnh là trở về với tính sáng ở trong ta, chứ không phải nói rằng: “Đợi chừng nào hoàn cảnh của tôi thay đổi thì tôi mới hết đau khổ.” Đó không phải là phương pháp chữa trị của đạo Bụt. Gìn tính sáng, tính mới hầu an, vậy nên muốn được lòng an thì ta phải làm cho tính sáng trong ta chiếu rọi ra.
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Chữ niềm ở đây tương đương với chữ niệm. Niềm là tiếng Việt, còn niệm là tiếng Hán-Việt. Khi chúng ta nói “nỗi khổ niềm đau” thì đó là chữ niềm được dùng trong câu này. Niềm vọng là chữ dùng rất Việt Nam, tiếng Hán-Việt là vọng niệm. Vọng niệm là trái với chánh niệm. Chánh niệm tức là niềm chính. Nén niềm vọng tức là đừng để cho vọng niệm tung hoành ở trong ta. Ta đau khổ là do có những vọng niệm. Nén tức là ngăn ngừa đừng cho phát hiện. Nếu vọng niệm phát hiện ra rồi thì phải quán chiếu để thấy được tự tánh của nó, thì tự nhiên nó sẽ thay đổi. Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Nếu chúng ta có quán chiếu và phòng hộ thì vọng niệm sẽ dừng lại. Thác có nghĩa là sai lạc. Chẳng thác là không thể nào sai được. Vọng niệm sẽ dừng lại chứ không phải bị đàn áp hay bị tống ra khỏi ta.
Trúc Lâm Đại Sĩ đã thấy rằng phương pháp tu tập không phải là đàn áp vọng niệm mà là ngăn ngừa đừng cho nó phát triển. Nếu vọng niệm đã phát khởi rồi thì ta nên quán chiếu và dùng chánh niệm can thiệp vào để cho tự nó dừng lại. Điều đó không thể nào sai lạc được.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;
Tướng thực kim cương, tiếng Hán-Việt là kim cương thật tướng. Trong kinh Kim Cương, Bụt dạy chúng ta phải phá tung bốn ý niệm, đó là Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ giả. Nhưng ở đây, Trúc Lâm Đại Sĩ chỉ đưa ra Nhân và Ngã, lý do là vì câu phú bị hạn định bởi số chữ. Đưa ra hai chữ để nói bốn chữ. Dứt trừ nhân ngã tức là vượt thoát ý niệm về ta (ngã) và về loài người (nhân). Nhân đây không có nghĩa là người kia. Nhân ngã ở đây tức là ý niệm về loài người như là một chủng loại, và về ta như là một thực thể bất biến. Ta ở đây không phải là chữ đối lại với người. Ta ở đây là đối với vô ngã. Nếu ta dứt trừ được ý niệm sai lầm về nhân, về ngã, trừ được hai niềm vọng đó rồi thì tự nhiên sẽ xuất hiện ra cái tướng thực kim cương.
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Lảu tức là hiểu một cách thấu suốt, như trong chữ lảu thông. Nếu dừng được hết những thèm khát và giận hờn thì ta mới có thể chứng thực được cái diệu tâm của viên giác. Viên giác tức là sự giác ngộ tròn đầy. Lòng mầu viên giác, tiếng Hán-Việt là viên giác diệu tâm.
Quí vị có thấy là các ngài tổ tiên biết rằng cái độc lập về chính trị, độc lập về quân sự dính líu mật thiết đến cái độc lập về văn hóa không? Ngôn ngữ này là một ngôn ngữ độc lập. Thay vì nói “viên giác diệu tâm” thì nói “lòng mầu viên giác”. Văn cú rất là Việt Nam. Độc lập với ngoại bang là do gốc gác đó. Tổ tiên của chúng ta xây dựng nền tảng của đất nước ngay từ trong ngôn ngữ. Viên giác, tiếng Anh là Fully Enlightenment, sự giác ngộ toàn vẹn.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phiên âm là “Tịnh thổ”, nhưng đọc là “Tịnh độ” thì đúng hơn. Viết là thổ, nhưng đọc là độ.
Làng Mai có bài hát “Tịnh độ là đây – Đây là tịnh độ”. Đó là chúng ta hành trì theo lời dạy của Trúc Lâm Đại Sĩ. Chúng ta đâu có đặt ra cái gì mới đâu? Tịnh độ là lòng trong sạch. Khi nào tâm ta tịnh, tâm ta lắng lại, tâm ta an, ta không phiền não, không giận hờn, không ganh tị, thì ta bước vào Tịnh độ. Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Đâu cần đặt vấn đề Tịnh độ có thật hay không có thật? Đối với những người tin rằng Thiên đường có thật nên trong tâm họ thấy an. Nhưng khi câu hỏi được đặt ra: “Lâu nay mình tin là có Thiên đường, nhưng lỡ nó không có thì sao?” Lúc đó bắt đầu đi vào trong đêm đen của sự nghi ngờ. Nguy hiểm lắm! Giờ đây, khi biết được Tịnh độ là lòng trong sạch, thì ta không còn đặt vấn đề là có hay không có Tịnh độ. Rõ ràng là Tịnh độ có, và có ở đây chứ không phải ở chỗ khác: chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương!
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Di Đà là tính sáng soi, tại vì Bụt A Di Đà là Bụt Vô Lượng Quang. “Vô lượng quang” là ánh sáng chiếu xa, không biên giới. Mựa tức là đừng, chớ có. Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc, là chớ có nhọc tìm về Cực lạc. Cực lạc không nằm trong không gian, không nằm trong thời gian, không nằm ở nơi nào khác và lúc nào khác. Cực lạc nằm ngay ở đây và bây giờ. Cực lạc có mặt trong cái tính sáng của chúng ta.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Xét thân tâm tức là quán sát thân và tâm của ta. Xét ở đây không có nghĩa là xét nét (judging), mà có nghĩa là nhận xét, quan sát (observing). Xét thân tâm (contemplate on the body, contemplate on the mind), là kinh Niệm Xứ. Chúng ta phải quán niệm về thân và về tâm. Chúng ta phải luyện rèn cái “tính thức”. Tính thức tức là bản chất của cái biết, của sự tỉnh thức ở trong ta. Chúng ta phải thực tập, rèn luyện. Rèn ở đây là cultivate. Rèn tính thức, tiếng Anh là cultivate the nature of understanding, cultivate the nature of consciousness.
Há rằng mong quả báo phô khoe: Ta làm những công việc đó không phải là để khoe sự thực tập của ta với người khác. Ta làm cái đó là để có an, có lạc, có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Cầm, tiếng Hán-Việt là trì. Bây giờ chúng ta nói là trì giới, ngày xưa tổ tiên chúng ta nói là cầm giới. Địch vô thường tức là đối phó với cuộc đời vô thường. Ngày hôm nay như thế này, ngày mai như thế kia, ta đâu biết trước được thì làm sao mà đối địch được với vô thường? Đại sĩ nói phương cách để đối địch với vô thường là tay luôn luôn cầm lấy giới, cầm lấy hạnh. Cầm giới hạnh, địch vô thường.
Thành ra giới hạnh là một khí giới có thể chống lại được với vô thường. Nếu có giới hạnh trong tay, thì vô thường không làm gì được ta. Nào có sá cầu danh bán chác. Bán chác tức là mua bán. Tất cả những chuyện gọi là thực tập trì giới đều nhắm tới mục tiêu giải thoát, an lạc, chứ không phải để khoe khoang, mua bán với người ta.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Thửa là những chỗ, những đối tượng, tương đương với chữ sở trong Hán-Việt. Ví dụ như sở tri là cái mình biết, tiếng Việt xưa là thửa biết; sở kiến là cái mình thấy, tiếng Việt xưa là thửa thấy. Vậy thì chẳng hiềm thửa đắng cay tức là những thức mình ăn đôi khi có đắng, có cay cũng không sao. Đắng cay ở đây có nghĩa là không ngon. Ăn rau ăn trái, tức là ăn chay. Nghiệp miệng là tiếng Việt của chữ “khẩu nghiệp”. Nếu chúng ta ăn thịt các loài chúng sanh thì chúng ta tạo ra nghiệp miệng. Nghiệp miệng ở đây không phải là nghiệp nói năng mà là nghiệp ăn uống. Nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay: Dở hơn một chút hay ngon hơn một chút cũng không sao, chúng ta không ngại ngon dở. Chẳng hiềm nghĩa là không quản, không ngại.
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Vận tức là mặc. Giấy ở đây là một thứ vải làm bằng vỏ cây. Sồi cũng là một thứ vải thô. Thân căn có ngại chi đen bạc. Thân căn tức là cái hình hài của chúng ta. Đen là màu đen, bạc là màu trắng. Mặc áo nhuộm màu nâu cũng được, màu lam cũng được, màu nào cũng được hết, không kén chọn. Đó gọi là có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung;
Nhược có nghĩa là nếu, là ví bằng. Chín là chỉ, quí nữa nghĩa là quí hơn. Nếu chúng ta chỉ tìm cái vui về mặt đạo đức thì nửa gian lều tranh còn quí hơn là một cung điện ở trên trời (Thiên cung).
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Dâu là tiếng Hán-Việt, dầu là tiếng Việt. Thửa là cái chỗ, như thửa ruộng, hay là biết. Thửa nhân nghì, nghĩa là biết yêu mến chỗ nhân nghĩa. Nhân tức là tình thương người, thương vật (Loving kindness). Nghì tức là sống có tình với nhau, biết ơn nhau.
“Nghĩa” là một chữ rất khó dịch ra tiếng Anh. Dịch là Faithfulness cũng không hay lắm. Ví dụ như hai người, một trai một gái thương nhau. Lúc đầu, cái tình của họ có vẻ bồng bột, nhưng khi hai người sống với nhau, giúp đỡ nhau, cứu nhau trong những lúc khó khăn, thì tự nhiên có một thứ tình nẩy ra từ tình thương ban đầu. Thứ tình này không bồng bột, không có sự đam mê như thuở đầu nhưng bền bỉ, vững chãi. Đó là nghĩa. Khi người ta lên 90 tuổi rồi thì tình có thể phai mờ đi, nhưng nghĩa đậm thêm lên. Người ta ở được với nhau lâu dài là do nghĩa chứ không phải do tình. Bắt đầu bằng tình, và tình tạo ra nghĩa. Trong chữ nhân nghì thì nghì tức là nghĩa.
Cái nghĩa phát sinh là vì người kia đã chống đỡ giùm cho ta, người kia đã hy sinh cho ta, người kia đã không bỏ ta trong những lúc mình gặp khó khăn. Trong nghĩa có sự biết ơn là người kia đã chọn ta, người kia đã chấp nhận ta là một người bạn, là một người học trò của ta, hay là một người thầy của ta. Chính cái nghĩa là cái rất đẹp. Nó có sự bình tĩnh, có sự vững chãi hơn là cái tình thuở nào. Vì vậy hai người muốn sống với nhau lâu dài, muốn có chỗ nương tựa bền bỉ, thì phải làm phát triển cái nghĩa. Chỉ có tình thôi thì chưa đủ.
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác. Nếu biết quí mến chỗ nhân và nghĩa, thì dù ta chỉ có ba viên ngói che mái thôi, ta cũng yêu mến ba viên ngói đó hơn là những lầu loan gác phụng. Lầu gác là tiếng Việt, còn “lâu cát” là tiếng Hán-Việt. Bản của giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết là “lâu cát”.
Giáo pháp
Trước hết là tâm thảnh thơi. Thực tập để tâm thảnh thơi được là cái pháp duy nhất. Điều này ta phải nhớ. Trong đời sống hàng ngày, ta phải tạo cho được sự thảnh thơi. Làm gì cũng được, miễn là có thảnh thơi. Giá trị của ta là tâm thảnh thơi. Có tâm thảnh thơi thì ta làm hạnh phúc cho người chung quanh rất nhiều. Sự đóng góp của ta cho tăng thân là cái tâm thảnh thơi, cái hạnh phúc của ta, chứ không phải số lượng những công tác lao động mà ta làm. Có tâm thảnh thơi, có nụ cười là ta nuôi dưỡng thầy ta, nuôi dưỡng anh ta, chị ta, em ta.
Điều thứ hai là thực hiện được viên giác diệu tâm và kim cương thực tướng bằng phương pháp tu tập chánh niệm. Ta phải giữ gìn để cho vọng niệm, tức là niềm vọng, đừng phát khởi. Nếu vọng niệm phát khởi rồi thì quán chiếu để thấy được tự tánh của nó, thì tự khắc nó dừng lại. Nguyên tắc đó không bao giờ có thể sai được.
Điều thứ ba là tịnh độ nằm ngay ở đây. Di Đà tức là tính sáng soi ở trong ta. Tịnh độ tức là lòng thanh tịnh của ta. Tính sáng và lòng thanh tịnh ta đều có. Chúng ta không nên đặt vấn đề là nó có hay không, chúng ta không cần đi tìm ở chỗ khác.
Cuối cùng, nếu sống theo chánh pháp thì chúng ta có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải có những điều kiện vật chất xa hoa thì mới có hạnh phúc được. Ba phiến ngói, hay nửa gian lều là đủ cho chúng ta có hạnh phúc rồi. Chúng ta ăn và mặc đơn giản, chúng ta sống đơn giản mà chúng ta vẫn có hạnh phúc, tại vì chúng ta có chánh pháp. Đây là những tư tưởng vẫn còn giá trị rất nhiều trong thế giới ngày nay.
Trong thế giới bây giờ, người ta chạy theo sự hưởng thụ. Người ta nghĩ hạnh phúc là phải có tiền, phải có tiện nghi. Càng chạy theo hướng đó chừng nào người ta càng khổ đau chừng đó. Con đường thoát cho thế giới mới có thể tìm ngay trong giáo lý của Trúc Lâm Đại Sĩ. Nếu chúng ta biết sống theo chánh pháp thì chúng ta không cần tiêu thụ thật nhiều nữa, mà chúng ta vẫn có hạnh phúc với những điều kiện sinh hoạt rất đơn giản.
Giây phút chúng ta bắt đầu nắm lấy chánh pháp và thực tập là ta đã bắt đầu có hạnh phúc. Vì vậy chánh pháp có tính cách siêu việt thời gian, nó không phải là vấn đề thời gian. Khi biết cầm chánh pháp trong tay để sống thì tự nhiên chúng ta có hạnh phúc liền, chứ không cần phải tu ba bốn ngày, hay tu ba bốn tháng, ba bốn năm mới có hạnh phúc. Đó là một nguyên tắc rất quan trọng. Sở dĩ chúng ta không có hạnh phúc là tại chúng ta không sử dụng chánh pháp một cách thông minh và đúng đắn.
Trong nghi thức tụng niệm, chúng ta có một bài kệ xưng tán kinh Pháp Hoa:
Đêm tụng kinh Pháp Hoa,
Tiếng xao động tinh hà,
Địa cầu vừa tỉnh thức,
Lòng đất bỗng đơm hoa.
Chúng ta còn có một bài tán dương kinh Pháp Hoa trước khi tụng kinh Pháp Hoa. Bài đó tôi chưa dịch ra tiếng Việt, nhưng có thể đọc để quý vị nghe bằng chữ Hán:
Lục vạn dương ngôn, thất trục trang.
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng.
Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận.
Khẩu nội đề hồ đích đích lương.
Bạch ngọc xỉ biên lưu Xá Lợi.
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang.
Giã như tạo tội quá sơn nhạc,
Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng.
Bài này của một vị tổ làm và đặt ở trang đầu kinh Pháp Hoa. Trước khi tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta thường xưng tán kinh Pháp Hoa bằng bài này. Hồi hai mươi tuổi tôi đã bắt đầu tụng kinh Pháp Hoa.
Lục vạn dương ngôn, thất trục trang. Lục vạn tức là sáu mươi ngàn. Lục vạn dương ngôn là hơn sáu mươi ngàn chữ. Thất trục trang là chia làm bảy cuốn. Ngày xưa một cuốn sách được làm bằng một cuốn giấy rất dài, có một cái trục để cuốn lại thành một cuộn. Khi đọc, người ta mở ra từ từ để đọc. Ngày xưa kinh Pháp Hoa có hơn sáu mươi ngàn lời, chia ra làm bảy cuộn.
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng. Vô biên diệu nghĩa tức là nghĩa lý mầu nhiệm không thể nào có biên giới được. Quảng là rộng lớn, hàm tàng là chứa đựng. Chỉ có hơn sáu vạn lời, được chia làm bảy cuốn, mà trong đó chứa đựng những nghĩa lý thâm diệu vô cùng.
Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận – Khẩu nội đề hồ đích đích lương – Hầu trung tức là trong yết hầu, trong cổ họng của ta tiết ra một chất cam lộ, một thứ nước rất bổ, rất ngọt, rất mát, tiếng Phạn là amrta. Quyên quyên nhuận là chảy ri rỉ, từng giọt và thấm vào. Nhuận tức là thấm vào. Khi đọc kinh Pháp Hoa thì những nghĩa lý ở trong kinh trở nên thứ nước cam lộ mầu nhiệm, chảy thành một dòng nhỏ, thấm dần vào trong cổ họng ta, và ta được nuôi dưỡng ngay trong lúc trì kinh. Khẩu nội là trong miệng của ta; đề hồ là một loại cháo lỏng làm bằng nước cháo, sữa, và mật ong. Rất bổ. Đích đích là từng giọt, từng giọt một. Lương là mát. Khi chúng ta trì tụng kinh Pháp Hoa, thân và tâm của chúng ta được nuôi dưỡng liền lúc đó bằng chánh pháp, chứ không phải là sau đó.
Bạch ngọc xỉ biên lưu Xá Lợi – Bạch ngọc là ngọc trắng. Xỉ là răng. Biên là một bên. Câu này có nghĩa là răng ta trở nên những viên bạch ngọc, và nó đang là Xá Lợi của Bụt. Rất là linh thiêng, vì sự kiện ta đang trì tụng chánh pháp.
Thường thường chúng ta nghĩ rằng Xá Lợi đốt từ nhục thân của Bụt thì mới linh ứng. Chùa nào có được một hạt Xá Lợi để thờ thì chỗ đó rất là linh ứng. Có một ngôi chùa ở Miến Điện thờ một cái răng của Bụt – Chùa Răng Bụt – rất nổi tiếng. Chúng ta không cần phải đi tới Miến Điện hay Tích Lan hay chỗ nào khác để tìm cầu Xá Lợi. Khi tụng kinh Pháp Hoa, răng của chúng ta biến thành Xá Lợi.
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang. Thiệt là cái lưỡi. Thượng là trên. Cái lưỡi của ta biến thành một đóa sen hồng (hồng liên), và trên đóa sen đó phóng ra những luồng ánh sáng. Chánh pháp phóng ra những luồng ánh sáng. Khi ta đau khổ, khi ta bị kẹt bởi cái buồn, cái giận, cái ganh, cái tức, cái thất vọng, thì ta có sự tăm tối ở trong tâm hồn. Khi nghe Bụt thuyết pháp, khi nghe thầy thuyết pháp, Bụt và thầy đều phóng những luồng ánh sáng của chánh pháp vào trong vùng tối tăm đó của tâm ta, và tự nhiên ta thấy những tối tăm đó tiêu đi, ta thấy khỏe, ta thấy nhẹ và ta có hạnh phúc liền. Vì vậy cho nên thuyết pháp có nghĩa là soi chiếu, là phóng những đạo hào quang vào trong tâm người để cho tối tăm và hắc ám ở trong lòng họ tan biến đi. “Vous avez faire descendre la paix dans mon coeur!” Người Pháp hay nói như vậy. “Thầy đã làm cho trái tim con an bình trở lại. Trước đó thì con đau khổ lắm, nhưng nhờ thầy soi sáng bằng chánh pháp, cho nên bây giờ con có an lạc, con có giải thoát.” Đó là gì nếu không phải là hào quang?
Lưỡi ta là một đóa sen. Nếu ta hiểu được chánh pháp, nếu ta thực hiện được chánh pháp thì khi ta chia sẻ chánh pháp đó cho những người chung quanh là ta đang phóng hào quang. Còn hào quang ở ngoài đời thì dễ ợt. Ta chỉ cần cắm điện vô, bật công tắt là ta có liền. Hào quang ở trong đạo mới khó.
Chúng ta mỗi người phải tập phóng hào quang. Hào quang đó phát sinh từ cái thấy, cái hành của chúng ta về chánh pháp. Nếu chúng ta không có thực hành chánh pháp, không có cái thấy đúng về chánh pháp thì chúng ta chỉ cho ra những cái máy cassette thôi chứ không phải là những hào quang.
Cố nhiên, chánh pháp nuôi dưỡng ta bằng cam lộ, bằng đề hồ; chánh pháp làm cho thế giới của ta được trang nghiêm bằng Xá Lợi Bụt; chánh pháp phóng ra những tia hào quang, đem lại sự hiểu, sự thương ở trong lòng của mỗi chúng ta.
Giả như tạo tội quá sơn nhạc – Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng – Sơn là núi, nhạc cũng là núi, núi lớn. Giả như trong quá khứ ta đã dại dột tạo ra những lầm lỗi nhiều đến chất thành núi, thì Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng, nghĩa là tất cả những tội lỗi đó có thể chuyển hóa được một cách rất mau chóng, không tới hai ba dòng của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Lưỡng là hai, tam là ba, hàng là dòng. Chỉ cần trì tụng và hành kinh Pháp Hoa hai ba dòng thôi là đủ để làm tiêu tan những lầm lỗi mà chúng ta đã làm trong quá khứ.
Ví dụ những câu như Từ nhãn thị chúng sanh, Phước tụ hải vô lượng. Có hai câu và mười chữ thôi, nhưng nếu hành trì được hai câu đó và hiểu được hai câu đó thì tất cả những lỗi lầm của ta chứa chất trong nhiều kiếp sẽ tiêu tan đi hết. Bất tu có nghĩa là không cần đến. Giả như ta có những lỗi lầm chất đầy lên thành núi, chỉ cần trì tụng và thực hành hai hoặc ba hàng trong Diệu Pháp là đã có thể chuyển hóa được tất cả những khổ đau đó. Diệu Pháp ở đây có nghĩa là pháp mầu nhiệm, nhưng cũng có nghĩa là kinh Pháp Hoa, tại vì kinh Pháp Hoa được gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
Ta làm thầy, làm sư anh, làm sư chị, ta phải có khả năng phóng hào quang. Hào quang đó có khả năng giúp cho sư em thấy được tính sáng, giải tỏa khổ đau, phá tan bóng tối, và đem hiểu biết, thương yêu vào trong lòng của các sư em.
Ta biết rằng trong khi thực tập chánh pháp thì ta được nuôi dưỡng bởi chất cam lộ, bởi chất đề hồ của chánh pháp, và tâm ta được soi sáng. Khi có chuyển hóa, có hiểu biết, ta soi sáng cho các sư em của ta. Nếu ta là sư em, nếu ta là học trò thì ta đừng đợi thầy hay sư anh, sư chị soi sáng cho ta những khi ta đau khổ, trong lòng tối tăm, ta phải tập phóng hào quang cho chính mình. Nghĩa là ta phải có khả năng quán chiếu, biết sử dụng tính sáng của ta để soi sáng, để làm tan biến những tối tăm, những hiểu lầm ở trong tâm của mình, thì tự nhiên ta có an, có lạc. Phóng hào quang là nghệ thuật của người tu. Người tu nào cũng phải học kỹ thuật phóng hào quang hết.