V. Quan niệm về hành trì
Kinh Quán Niệm Hơi Thở và kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ) không đề cập đến phép đếm hơi thở, chưa đề cập tới trình tự sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn và tịnh (lục diệu pháp môn), không nói tới tướng (kanisa), không nói tới tứ thiền và tứ vô sắc định. Những pháp môn ấy có thể đã được thiết lập bởi những thế hệ hành giả kế tiếp nhằm phục vụ những căn trí khác nhau của người thực tập. Những pháp môn ấy ta không nên xét đoán và bình phẩm trước khi ta thực tập.
Phép đếm hơi thở (sổ tức) đã được chấp nhận một cách rộng rãi và đã đi vào kinh luận, kinh Tăng Nhất A Hàm trong Hán Tạng (kinh thứ 125 Đại Tạng Tân Tu, Phẩm An Ban, quyển 7 và 8) chưa nói đến phép đếm hơi thở, nhưng đã nói về việc phối hợp hơi thở với tứ thiền. Kinh Tu Hành Đạo Địa (kinh thứ 606 của Đại Tạng Tân Tu,quyển 5) trong phẩm thứ 23 (được gọi là Sổ Tức Phẩm) đã đồng nhất phép quán niệm hơi thở với phép đếm hơi thở. Kinh này cũng nói tới tứ thiền.
Sổ tức là 1 phương pháp mà người mới học nên sử dụng. Thở vào, đếm “1”.Thở ra, đếm “1”. Thở vào, đếm “2”. Thở ra, đếm “2”. Như thế cho đến “10”,rồi bắt đầu trở lại. Nửa chừng nếu quên con số thì hành giả đếm trở lại “1”. Phép đếm giúp hành giả cắt bỏ loạn tưởng và tập trung vào hơi thở và con số. Khi đã đạt được sự chú tâm rồi, việc đếm trở thành nhàm và hành giả bỏ đếm để theo dõi hơi thở. Theo dõi hơi thở tức là Tùy Tức. Các bộ luận danh tiếng như Patisambhidà Magga (Vô Ngại Đạo Luận) Vimutti Magga (Giải Thoát Đạo Luận) và Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo Luận) đều dạy rằng trong khi thở nên chú tâm ở đầu mũi tức là nơi không khí đi vào và đi ra khỏi thân thể. Hình ảnh lưỡi cưa được đưa ra làm ví dụ. Khi ta cưa 1 cây gỗ, ta hay nhìn vào chỗ răng cưa bắt đầu đi vào cây gỗ. Ta không theo dõi răng cưa đi vào trong cây gỗ, ta chỉ nhận thức chỗ những răng cưa bắt đầu đi vào cây gỗ mà thôi. Ta không theo không khí đi vào cơ thể. Ta chỉ chú tâm ở đầu mũi nơi không khí ra vào. Nhiều vị luận gia cho rằng nếu theo dõi hơi thở đi vào cơ thể thì đối tượng chú tâm sẽ không thuần nhất và do đó khó đạt được định. Cũng vì vậy họ hiểu rằng chữ toàn thân của hơi thở (the entire breath body) chứ không phải là toàn bộ thân thể của hành giả. Theo sát văn mạch của kinh, ta thấy lối giải thích này không được ổn. Hơi thở thứ 3 là hơi thở trong đó đối tượng của sự chú ý (định) không phải chỉ là hơi thở mà còn là cả thân thể của hành giả, cũng như hơi thở thứ bảy bao gồm cả những cảm giác và hơi thở thứ chin bao gồm tất cả tâm ý.
Trong hơi thở thứ tư (“ta đang thở vào (thở ra) và làm cho toàn thân an tịnh”) chữ toàn thân không còn có thể được hiểu là toàn thân của hơi thở được nữa. Tất cả bốn hơi thở đầu, đều lấy hình hài làm đối tượng, vì thân thể là lĩnh vực quán niệm thứ nhất trong tứ niệm xứ. Tuy trong hai hơi thở đầu đối tượng chỉ là thuần hơi thở, nhưng hơi thở cũng là một phần của hình hài. Sang tới hai hơi thở kế tiếp, trọn vẹn hình hài đã được lấy làm đối tượng.
Sở dĩ các tác phẩm Patisambhidà (Vô Ngại Đạo Luận, của Mahànàma), Vimuttimagga Giải Thoát Đạo Luận, của Upatissa) và Visudhimagga (Thanh Tịnh Đạo Luận, của Buddhghosa) đều khuyên hành giả để tâm ở chót mũi mà đừng theo hơi thở đi vào cơ thể là vì các tác giả cho rằng đi theo hơi thở vào thân thể thì tâm lý sẽ bị phân tán và không đi vào tứ thiền được. Giải Thoát Đạo Luận ra đời vào khoảng cuối thế kỉ thứ tư dương lịch, Vô Ngại Đạo Luận vào đầu thế kỉ thứ năm và Giải Thoát Đạo Luận sau đó không lâu. Các tác phẩm này đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của chỉ (Samàtha ) như điều kiện căn bản của quán (vipassana). Chỉ đây là tứ thiền và tứ vô sắc định. Để tâm ở đầu chót mũi và ý thức về sự sinh khởi và xúc chạm của không khí ở nơi cửa ngõ của thân thể này thì cũng như người thợ cưa chỉ nhìn vào sự xúc chạm của những chiếc răng cưa với cây gỗ chứ không theo dõi những chiếc răng cưa mà đi vào đi ra cây gỗ. Dần dần hơi thở từ thô kệch trở nên tế nhị và cuối cùng không còn được phân biệt nữa. Lúc ấy một dấu hiệu tướng (kasina) sẽ hiện lên, có thể như là một nhúm bông gòn trắng, cho hành giả một cảm giác mát mẻ và dễ chịu như gió mát. Nếu hành giả chú tâm vào tướng này thì sẽ đi vào định, vào sơ thiền. Sơ thiền là bước đầu. Sau đó có nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Trong các trạng thái thiền định, năm giác quan không còn hoạt động nữa, nhưng tâm ý hành giả vẫn hoàn toàn sáng suốt và tỉnh táo. Sau tứ thiền còn có tứ vô sắc định: cõi không gian vô biên, cõi tâm thức vô biên, cõi vật thể toàn không và cõi không phải tri giác cũng không phải không tri giác.
Thích Ca Mâu Ni hồi chưa thành đạo đã có đến thụ giáo với các đạo sĩ Du già Bà La Môn và cũng đã thực tập tứ thiền và tứ vô sắc định với họ. Sau đó người đã nói rằng các trạng thái thiền định như “vô sở hữu xứ” (cõi vật thể toàn không) và “phi tưởng phi phi tưởng xứ”(cõi không phải tri giác cũng không phải không tri giác) của đạo sĩ Uddaka không đưa con người tới nơi giải thoát được. Chính trong các kinh căn bản về thiền tập như kinh Quán Niệm Hơi Thở và kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, người cũng không nói đến tứ thiền và tứ vô sắc định. Vậy ta phải đặt vấn đề về ảnh hưởng của các hệ thống Du Già –Ưu Bà Ni Sa Đàm (Upanishadic-Yogic) trên lĩnh vực thiền tập của đạo Bụt. Điều mà ta nên nhấn mạnh ở đây là phép tứ thiền và tứ vô sắc định không phải là những điều kiện cần thiết để đạt tới vị giác ngộ,trong khi các phép quán niệm mà Bụt dạy trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm được xem như là “con đường duy nhất” để đi tới giải thoát. Có những hành giả lâu ngày thực tập không đi vào tứ thiền bèn nghĩ rằng mình không có khả năng tu tập giác ngộ. Có những hành giả chỉ vì ao ước đi vào tứ thiền mà lạc vào thiền bệnh, trở thành bất an. Thực tập đúng theo lời Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở và Bốn Đối Tượng Quán Niệm thì sẽ không bị lạc vào những trường hợp đáng tiếc ấy.
Tại nước ta, vào đầu thế kỉ thứ ba, thiền sư Tăng Hội trong lúc đề tựa cho kinh An Ban Thủ Ý cũng đã nói đến tứ thiền rồi, nhưng tứ thiền của Tăng Hội được phối hợp với các phép quán: quán thân, quán trời đất, quán thịnh suy, tồn vong v.v… để đi tới giải thoát. Thiền Sư Tăng Hội cũng đã nói tới sáu pháp môn mầu nhiệm liên hệ tới phép quán niệm hơi thở (lục diệu pháp môn): đếm hơi thở (sổ tức) theo hơi thở (tùy tức), đình chỉ tâm ý (chỉ), quán chiếu vạn pháp (quán), trở lại nguồn tâm (hoàn) và vượt thoát ý niệm chủ thể và đối tượng (tịnh), Tăng Hội cũng đã nói tới phương pháp tập trung tâm vào chót mũi. Kinh Tu Hành Đạo Địa (Kinh thứ 606 của Đại Tạng Tân Tu) trong phẩm Sổ Tức (phẩm số 23) cũng nói đến tứ thiền, đến pháp sổ tức, đến lục diệu pháp môn và đến phương pháp tập trung vào chót mũi, nhưng chưa nói đến pháp Sổ Tức và đến lục diệu pháp môn.
Ta nên biết là các kinh điển đã được truyền khẩu hàng mấy trăm năm trước khi được chép xuống. Những ảnh hưởng bên ngoài có thể len vào trong bất cứ thời gian nào. Kinh Quán Niệm Hơi Thở (An Ban Thủ Ý Kinh) và Kinh Bốn Đối Tượng Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh) được xem như là những bảo bối của sự tu tập hàng ngày đã được các vị xuất gia truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách cẩn trọng, vì vậy những sai lầm thất thoát và những ảnh hưởng bên ngoài đã có thể có rất ít. Trong lịch sử đạo Bụt, có những kinh điển đã được kết tập về sau,trong Nam Tông cũng như ở Bắc Tông, nhất là ở Bắc Tông. Cách thức truyền thừa hiểu biết và hành trì có thể làm biến dạng và khô cứng kinh điển. Các kinh điển đại thừa giúp ta nhìn trở lại và khám phá chiều sâu của những kinh điển nguyên thủy. Những tư tưởng lớn của các kinh điển Đại Thừa đều đã có hàm chứa trong các kinh điển nguyên thủy. Khi ta trở về với các kinh điển nguyên thủy, ta sẽ có một cái nhìn có gốc rễ và vững chãi hơn về kinh điển đại thừa. Nếu chỉ ngồi trên hai cánh của con chim Đại Thừa, có thể là ta sẽ bay quá xa, và đánh mất sự liên lạc với nguồn gốc của con chim ấy.
Tuy các kinh Quán Niệm Hơi Thở (An Ban Thủ Ý) và Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh) tuy không nói đến tứ thiền và tứ vô sắc định, nhưng không phải vì thế mà không nhấn mạnh tới sự cần thiết của định lực, nghĩa là đến công dụng và sức mạnh của sựn tập trung tâm ý. Thiền quán có hai mặt: ngưng lại (chỉ), để nhìn thấy (quán). Ngưng lại là định, và nhìn thấy là tuệ. Quán niệm hơi thở hay quán niệm về những đối tượng khác như thân thể, cảm giác, tâm thức, đối tượng tâm thức v.v…đều là nhằm mục đích tập trung tâm ý trên một đối tượng để rồi có thể nhìn thấy được đối tượng ấy trong chiều sâu của nó. Tập trung tâm ý tức là ngưng (chỉ) sự rong ruổi của tâm ý từ đối tượng này sang đối tượng khác để chỉ dừng lại trên một đối tượng. Dừng lại trên một đối tượng để nhìn (quán) đối tượng ấy, và nhìn sâu vào đối tượng ấy. Chỉ và Quán do đó đi đôi với nhau. Nhờ có dừng lại ( chỉ) ta mới có thể nhìn (quán). Càng nhìn sâu (quán) thì sự tập trung ý (chỉ) càng lớn. Ngưng tụ tâm ý (chỉ) thì tự nhiên thấy (quán). Thấy (quán) thì tâm ý càng thêm ngưng tụ (chỉ). Ta có thể nói không có chỉ thì không có quán và không có quán thì chỉ không vững vàng. Điều ta cần nhớ tới ở đây là tuy các kinh Quán Niệm Hơi Thở và Bốn Đối Tượng Quán Niệm không nói đến tứ thiền và tứ vô sắc định, nhưng bản chất của kinh vẫn là sự tập trung tâm ý (chỉ) để mà quán chiếu (quán). Vậy ta không cần đi tìm đâu xa nữa, và hãy chỉ nắm lấy phương pháp đơn giản do Bụt chỉ dạy trong các kinh này.