Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 4)

Pháp thoại ngày 25.11.2010, tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, Làng Mai

Chúng ta học tiếp kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại. Rong chơi có nghĩa là không có chuyện gì phải làm, không có nơi nào phải đi tới, mình đi chơi vui thú. Tiếng Anh là to enjoy, nhưng trong chữ enjoy không có ý của cái không gian mà mình đang đi chơi. Tiếng Pháp có chữ flâner có nghĩa là chỉ đi chơi, không có mục đích nào cả.

Trong kinh sử dụng hình ảnh của những con chim trở về với mây trời, tự do bay chơi và hình ảnh của những con nai cảm thấy thoải mái trở về đồng quê. Sáng hôm nay, từ nội viện tới xóm Hạ, tôi thấy sáu con nai đang rong chơi ngoài đồng quê. Niết bàn, có nghĩa là rong chơi. Take time to enjoy where you are.

 

Bài kệ 18

Chư khổ pháp dĩ tận                      諸  苦  法  已  盡

Hành diệt trạm nhiên an               行  滅  湛  然  安

Tỷ-khưu ngô dĩ tri                       比  丘  吾  已  知

Vô phục chư nhập địa                   無  復  諸  入  地

Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt

Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ, và sẽ có bình an

Này các vị Tỳ-kheo, tôi  đã thực chứng điều này

Cho nên tôi  không cần phải tìm đi vào một cõi nào nữa.

Chư khổ pháp dĩ tận: Chư khổ pháp là những hiện tượng đem tới khổ đau như cái giận, cái buồn, cái đam mê, lo lắng, cái u sầu, sợ hãi. Dĩ tận là đã hết. Khi những pháp khổ đau đã hết.

Hành diệt trạm nhiên an: Tất cả các hành trở thành vắng lặng. Chữ diệt phải được hiểu là vắng lặng, không còn xôn xao. Chữ diệt ở đây không có nghĩa diệt và sinh, có hay không có. Chữ diệt trong Niết bàn, có nghĩa là vắng lặng.

Hành là tất cả những hiện tượng như sông núi, mặt trăng, mặt trời, con người, chim muông, cây cỏ, đất đá, thân thể của chúng ta,… Hành là samskāra, tiếng Anh là formations. Bông hoa là một hành, nó được tập hợp bởi những yếu tố như đất, nước, lửa, gió, sức nóng và người làm vườn. Cái bàn cũng là một hành, trái núi là một hành, ngôi sao kia là một hành. Đó là những hành vật lý (physical formations). Hình hài của chúng ta cũng là một hành, gọi là hành sinh lý (physiological formation). Cái giận, cái buồn, cái vui của chúng ta cũng là những hành, gọi là hành tâm lý (mental formations). Tất cả hành có thể có tác dụng gây đau khổ, nếu mình bị dính vào chúng nó, nếu mình có cái thấy sai lạc về chúng nó.

Chúng ta không biết được bản chất của các hành, nó là vô thường mà ta tưởng là thường, nó là vô ngã mà ta tưởng là ngã. Chính cái thấy sai lạc đó đưa tới đau khổ, chứ không phải các hành làm cho ta đau khổ. Hình hài của chúng ta làm cho ta đau khổ, tại vì ta có một quan niệm sai lầm về hình hài của mình. Đối tượng đam mê mà ta chạy theo kia không làm cho ta đau khổ, mà chính tại vì ta có một cái nhìn sai lạc về nó nên ta bị dính vào nó. Ta có vọng tưởng về đối tượng đam mê, nên ta có dục tưởng. Dục là sự đam mê, và chính vì có dục tưởng cho nên ta khổ, chứ không phải đối tượng đam mê làm cho ta khổ. Danh lợi không làm cho ta khổ, nhưng cái thấy của ta về danh lợi làm cho ta khổ.

Ví dụ về con chó bị anh chàng liệng cục đá lại chạy theo sủa cục đá rất hay. Cục đá, thật ra, đâu có tội tình gì, nguyên do làm cho con chó đau khổ là anh chàng liệng cục đá. Con chó vô minh tưởng cục đá là kẻ thù của nó. Khi đau khổ, chúng ta nghĩ rằng thế giới này hay hình hài, năm uẩn này làm cho mình đau khổ. Thật ra, chỉ vì mình có nhận thức sai lầm về thế giới, về năm uẩn, nên mình mới đau khổ.

Hành diệt, có nghĩa là những cái thấy sai lầm của chúng ta về hành không còn nữa và các hành, tuy là còn đó, nhưng không còn làm cho mình đau khổ nữa. Những cái thấy thì mình vẫn còn thấy, những cái nghe thì mình vẫn còn nghe, những cái suy nghĩ thì mình vẫn còn suy nghĩ; nhưng cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ của mình không còn sai lạc nữa và mình không còn đau khổ nữa.

Trạm nhiên, có nghĩa là rất yên tĩnh. Khi tri giác sai lầm không còn, thì có sự vắng lặng, có sự thanh tịnh, an bình. Sự an bình đó là Niết bàn.

Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ và sẽ có bình an.

Tỳ khưu ngô dĩ tri: Ngô là cái ngã. Dĩ tri là đã biết. Ngày xưa, có khi người ta dịch “vô ngã” là vô ngô.

Mình chưa biết mình là ai! Trong Thiền tông thường có câu hỏi: “Anh là ai?” (Who are you?). Đó là một công án. Một công án khác cũng rất phổ thông, nổi tiếng ở Trung Quốc là câu hỏi: “Niệm Phật thị thùy?” (Who is the one that invokes the Buddha’s name?). Niệm Phật thị thùy có nghĩa là: Ai là người đang niệm Phật? Công án này là một câu hỏi: Anh là người đang niệm Phật, nhưng anh là ai? Người đang niệm Phật đó là ai? Anh đã biết anh là ai chưa? Mình tu để nhìn sâu và để biết mình là ai. Nhưng trong công án này có một lỗ hỏng và nhiều người không thành đạt được công án này, tại vì họ không biết lấp lỗ hỏng đó. Lỗ hỏng nằm ở chỗ mình hỏi người niệm Phật là ai như là mình biết Phật là ai rồi. Có Phật và có người niệm Phật, nhưng công án chỉ hỏi người niệm Phật là ai, như là đã biết Phật là ai rồi. Thật ra, chúng ta cũng chưa biết Phật là ai? “Who is the Buddha whose name you invoke?”. Tôi đề nghị công án thứ hai: “Phật thị thùy?”(Who is the Buddha?). Trong công án “Niệm Phật thị thùy?”, mình muốn biết người niệm Phật là ai và mình tưởng mình biết Phật là ai rồi.

Khi mình biết mình là ai, thì mình cũng biết Bụt là ai và khi mình biết Bụt là ai, thì mình cũng biết mình là ai. Hai câu hỏi “Niệm Phật thị thùy?” và “Phật thị thùy?” là một. Mình đã học một bài kệ rất hay:

Bụt đang thở, Bụt đang đi

Mình đang thở, mình đang đi

Ngoài chuyện thở và chuyện đi, có một người thở và đi. Mình nghĩ phải có một chủ thể, thì hành động mới xảy ra được. Nhưng trong tuệ giác vô ngã thì có hành mà không cần phải có hành giả, có tác mà không cần có tác giả. Khi nói “gió thổi”, mình nghĩ có “gió” và có “một người thổi”, nhưng sự thật là chỉ có gió (wind) mà không có người thổi (blower). Nếu không có thổi (blowing), thì không có gió (wind). Gió mà không thổi, thì không phải là gió; hễ có gió là có thổi. Chúng ta chỉ cần gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi, cũng như niệm Phật là niệm Phật mà không cần có người niệm Phật. Chỉ có chuyện niệm Phật xảy ra, tại vì niệm là một tâm hành.

Trong tâm hành niệm có năng niệm và sở niệm, niệm luôn là niệm cái gì, ví dụ như niệm hơi thở hay niệm bước chân hay niệm Bụt. Có chủ thể niệm và đối tượng niệm, nhưng cả chủ thể và đối tượng đều nằm trong niệm, vì không thể nào có chủ thể mà không có đối tượng. Trong đạo Bụt có dạy, nơi nào có chủ thể, thì nơi đó có đối tượng và nơi nào có đối tượng, thì nơi đó có chủ thể. Chủ thể và đối tượng đi đôi với nhau. Không thể có chủ thể niệm đứng riêng, rồi mình đem chủ thể đó đến niệm đối tượng niệm như là mình đem cây thước tới đo cái bàn rồi đo cái ghế. Tâm của mình gồm cả chủ thể và đối tượng, nếu cho tâm chỉ là chủ thể thì đó là một sự sai lạc căn bản mà khoa học bây giờ cũng chưa thoát ra khỏi. Khoa học nghĩ rằng, có một cái tâm bên trong và cái tâm đó vương ra để nắm bắt thế giới bên ngoài. Khoa học kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên, cho tâm và vật là hai cái riêng biệt. Chỉ một số rất ít nhà khoa học đang tìm cách vượt khỏi chướng ngại đó, còn phần lớn vẫn còn kẹt vào trong cái thấy lưỡng nguyên, tức cho rằng tâm tồn tại độc lập ngoài vật.

Người niệm Phật là ai, có nghĩa là người niệm là một thực tại riêng biệt và Phật được niệm là một thực tại riêng biệt. Thấy mình và Phật là hai thực tại riêng biệt là một cái thấy sai lầm. Niệm là một tâm hành, mà hễ là tâm hành thì phải có đối tượng và chủ thể. Khi niệm Phật xảy ra, thì năng niệm và sở niệm đều có mặt trong niệm; chúng ta không cần có một người đứng ngoài để làm chuyện niệm, cũng như có gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi. Đây là phương diện của tâm học sâu sắc: Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi.

Bài tập của chúng ta rất hay, ban đầu mình tưởng Bụt và mình là hai thực thể:

Bụt đang thở, Bụt đang đi

Con đang thở, con đang đi

Nhưng sau, mình tìm ra được:

Bụt là thở, Bụt là đi

Con là thở, con là đi

Ngoài cái thở và đi không có Bụt, không có con. Con và Bụt nằm ngay trong cái thở, cái đi. Khi Bụt thở, thì hơi thở rất có phẩm chất; vì hơi thở có phẩm chất, nên chúng ta thấy có Bụt trong hơi thở.

Tỳ kheo ngô dĩ tri, vị tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, mình không phải là một thực thể đứng ngoài, mình không phải là tác giả hay thọ giả mà mình chính là cái tác, chính là cái thọ. Người niệm Bụt là ai? Người niệm Bụt không có ngoài sự niệm Bụt, chỉ có sự niệm Bụt, mà không cần phải có người niệm Bụt. (There is the invokation of the Buddha’s name, there is no invoker. There is the wind, there is no blower.) Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai, đó là cái quả lớn nhất. Chúng ta có thể chứng đạt được công án đó, nếu chúng ta thực tập bài kệ sau cho sâu:

Chỉ có thở, chỉ có đi

Không người thở, không người đi

An khi thở, lạc khi đi

An là thở, lạc là đi.

Vô phục chư nhập địa: Khi vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, thì không cần có một cõi để đi vào.

Mình nghĩ khi chết rồi, mình sẽ đi vào một cõi nào đó, mình sẽ xuống địa ngục hay lên thiền đường, mình lên cõi trời này, cõi trời kia hay vào Tịnh độ. Đó là cái thấy nhị nguyên: có một người và người đó sẽ đi vào cõi này hay cõi kia. Nhưng khi hiểu được vô ngã, không còn đi, không còn tới, mình không còn lo sẽ đi về đâu, tại vì sẽ không có chuyện đi, chuyện tới.

Trong bài kệ, Niết bàn được diễn tả rất cụ thể và sâu sắc. Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, thì không còn phải lo lắng sau này mình sẽ đi vào cõi nào: Tịnh độ, Thiền đường hay Cực lạc thế giới.

 

Bài kệ 19

Vô hữu hư không nhập                 無  有  虛  空  入

Vô chư nhập dụng nhập               無  諸  入  用  入

Vô tưởng bất tưởng nhập              無  想  不  想  入

Vô kim thế hậu thế                         無  今  世  後  世

 

Không đi vào cõi  hư không

Không có cái nơi đi vào để đi vào

Không đi vào cõi tưởng hay cõi vô tưởng

Không đi vào đời này hay đời sau.

 

Vô hữu hư không nhập: Trong thiền định, có thể mình đi vào cõi gọi là hư không vô biên (infinity of space), tức không vô biên xứ. Không vô biên xứ là một trạng thái thiền định. Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ là bốn đối tượng để đi vào của thiền. Cõi vô tưởng (phi tưởng xứ) là cõi không còn tri giác.

Vô hữu hư không nhập, có nghĩa là không có cõi gọi là không vô biên xứ để đi vào, tại vì không có người để đi vào cõi đó.

Vô chư nhập dụng nhập: Không có những nơi đi vào để mình đi vào. Đi vào, hàm chứa chủ thể đi vào và đối tượng đi vào và khi thấy còn một chủ thể đi vào và một đối tượng đi vào, thì chưa thấy được sự thật. Biết được mình là ai rồi, ta vượt thoát được ý niệm về chủ thể và đối tượng riêng biệt. Không có người đi vào, thì không còn lo lắng về chỗ mình sắp đi vào.

Vô tưởng bất tưởng nhập: Không đi vào cõi tưởng (cõi có tri giác) hay cõi phi tưởng (cõi không có tri giác).

Vô kim thế hậu thế: Không còn có đời này và đời sau, không còn sự phân biệt giữa hiện tại và tương lai, tức vượt thoát thời gian.

Niết bàn là sự tự do, không có thời gian, không có không gian. Vì vậy có Big Bang hay không có Big Bang, không phải là chuyện quan trọng. Không có bắt đầu, không có chung cục, không có nơi này, không có nơi kia, không có sự co lại hay phình ra. Hiện nay, có lý thuyết cho rằng vũ trụ đang giãn ra do Big Bang, rồi tới một lúc nào đó vũ trụ sẽ co lại.

Đối với Niết bàn, không có tương lai, không có quá khứ, không có thời gian, không có sự co lại, không có sự giãn ra. Kinh Niết Bàn không phải là kinh nói về chuyện siêu hình, kinh Niết Bàn rất thực tế, nó liên hệ tới sự sống hàng ngày. Chúng ta phải học kinh Niết Bàn như vậy, tại vì Phật học của chúng ta là Phật học ứng dụng. Ý nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là sự mát lạnh. Định nghĩa thứ nhất của Niết bàn là sự vắng mặt của nóng bức, tại vì đam mê, sợ hãi, hận thù có khả năng đốt cháy; mà khi có sự đốt cháy, thì không có Niết bàn. Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy (extinction).

Trong tâm học Phật giáo có tâm hành tham (đam mê), tâm hành sân (hận thù). Khi đam mê và hận thù bừng cháy lên, thì có sức nóng đốt cháy và không có Niết bàn. Nhưng trong tâm học đạo Phật cũng có tâm hành vô tham, vô sân. Có những giây phút mà mình không bị ngọn lửa của đam mê, hận thù đốt cháy. Niết bàn có mặt khi những tâm hành vô tham, vô sân biểu hiện. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời mà mình tưởng tượng ra trong thế giới siêu hình, nó không phải là đối tượng của siêu hình học. Niết bàn là đối tượng của sự thực tập hàng ngày: khi có tham, có sân là không có Niết bàn; khi có vô tham, vô sân là có Niết bàn. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có những giây phút có Niết bàn và những giây phút không có Niết bàn, tùy theo ý chúng ta chọn, cũng như con chim muốn chui vào trong lồng hay muốn trở về trời mây, cũng như con nai chọn vào ở trong sở thú hay chọn trở về đồng quê. Mình chọn đi về không gian của tự do, tươi mát hay không là tùy mình.

Định nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy, sự nguội xuống. Chúng ta có một vị Bồ tát tên là Thanh Lương Địa (the Bodhisattva of earth cooling). Chúng ta rất cần vị Bồ tát này, chúng ta phải gọi Ngài về lập tức tại vì chúng ta đang ở trong giai đoạn hâm nóng toàn cầu (global warming). Thanh lương, là không có sự đốt cháy. Làm thế nào để Bồ tát Thanh Lương Địa có mặt trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, tức là mình có Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời mà mình phải tu 10, 20 năm mới có.

Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa đang đốt cháy, ngọn lửa của tham, sân, nghi ngờ. Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của tri giác sai lầm, của cái nhìn nhị nguyên. Thấy có cái tâm hiện hữu ngoài vật, có cái trong đối lập với cái ngoài, có cái ta và có cái người, có chủ thể tồn tại độc lập ngoài đối tượng, là cái thấy nhị nguyên, cái thấy đó gây ra đau khổ và những nhận thức sai lầm. Niết bàn là sự vắng mặt của phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng (kleśa-avāraņa) là tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Sở tri chướng (jñeya-avāraņa) là những cái kẹt về nhận thức. Đạt tới vô ngã là đạt tới Niết bàn.

Khi vượt khỏi cái nhìn nhị nguyên “có hiện tại và tương lai”, vượt thoát được thời gian, thì không còn kỳ thị, phân biệt. Lúc đó, những câu hỏi về nguyên ủy của vũ trụ như vũ trụ do ai sáng tạo ra, khi vũ trụ tiêu diệt thì sẽ có gì, hoặc những ý niệm về các cặp đối lập như có-không, còn-mất, tới-đi không còn nữa và Niết bàn có mặt. Ta không còn lo lắng (vô ưu) và sự rong chơi được thỏa mãn một trăm phần trăm.

 

Bài kệ 20

Diệc vô nhật nguyệt tưởng            亦  無  日  月  想

Vô vãng vô sở huyền                  無  往  無  所  懸

Ngã dĩ vô vãng phản                     我  已  無  往  反

Bất khứ nhi bất lai                          不  去  而  不  來

Cũng không có ý niệm về mặt trời và mặt trăng đang có mặt

Không đi cũng không ở lại

Không có một cái ngã để đi và để về

Thì không có cái đi và cái về.

Diệc vô nhật nguyệt thưởng: Không có tri giác về mặt trời, mặt trăng nữa. Bụt đang nói đến các nhà thiên văn học. Chúng ta tưởng tượng có những thiên hà (galaxy), những thế giới, những ngôi sao cách xa mình hàng ngàn, hàng triệu năm ánh sáng và mình nghĩ tất cả đều nằm trong không gian ngoài tâm thức mình. Khi đạt tới cái thấy bất nhị Niết bàn, thì mình không kẹt vào tri giác về mặt trăng, mặt trời.

Vô vãng vô sở huyền: Không cần đi cũng không ở lại.

Ngã dĩ vô vãng phản: Khi cái ngã đã không có (ngã dĩ vô), thì làm gì còn chuyện đi hay chuyện về (vô vãng phản). Vãng là đi, phản là trở về.

Bất khứ nhi bất lai: Không có khứ cũng không có lai. Người ta đặt cho đức Thế Tôn là Như Lai, có nghĩa là không từ đâu tới và cũng không cần đi về đâu (Tùng vô sở lai, diệc vô sở khứ, thị cố danh Như lai). Không phải chỉ có đức thế Tôn mà chúng ta cũng vậy, bản chất của chúng ta là không tới cũng không đi.

 

Bài kệ 21

Bất một bất phục sanh                   不  沒  不  復  生

Thị tế vi nê hoàn                             是  際  為  泥  洹

Như thị tượng vô tượng                如  是  像  無  像

Khổ lạc vi dĩ giải                          苦  樂  為  以  解

Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra

Nơi ấy là Niết bàn.

Như thế thì vấn đề có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác

vấn đề bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu.

 

Bất một bất phục sanh: Bất một, là không biến mất, không từ có trở thành không, tại vì có và không cũng chỉ là những ý niệm; chúng ta vượt thoát có và không. Bất phục sanh, là không hẳn mình phải sinh trở lại, tại vì không sinh cũng không diệt.

Thị tế vi Niết bàn: Tế là cõi. Cõi không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, đó là Niết bàn. This domain is Nirvana. Niết bàn đang có mặt cho mình, tùy mình có muốn hay không muốn thôi; cũng như trời mây lúc nào cũng có đó cho chim muông và đồng quê lúc nào cũng có đó cho hưu nai, tùy nó muốn chọn hay không mà thôi.

Như thị tượng vô tượng;

Khổ lạc vi dĩ giải

Như thế thì có đối tượng của tri giác hay không có đối tượng của tri giác (Như thị tượng vô tượng), đối tượng của tri giác có thể là mặt trời, mặt trăng hay con người, thì bản chất của cái vui và cái khổ, mình đã hiểu thấu (Khổ lạc vi dĩ giải). Chữ 以  này có thể bị chép sai, đúng ra là chữ dĩ 已, có nghĩa là đã.

Khổ và vui thường được căn cứ trên ý niệm của mình, như ý niệm có và không, sanh và diệt. Khi những ý niệm có đối tượng hay không có đối tượng không còn nữa, thì không gian của Niết bàn hiển hiện. Lúc đó, mình hiểu thấu được bản chất của khổ và vui, mình không còn bị cuốn hút, bị hạn chế, bị trói buộc bởi khổ và vui.

Khóa tu mùa Đông sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục học hết Phẩm Nê Hoàn và học một số các kinh khác, có thể chúng ta sẽ được học bản dịch mới của “Ba mươi bài tụng Duy Biểu”, có thể mình sẽ được học 44 bài kệ về chân lý tuyệt đối trong Du-Già Sư Địa Luận, có thể chúng ta sẽ tiếp tục học những kinh rất hay trong Pháp Cú Kinh chữ Hán.

Thầy trò chúng ta may mắn được ở chung với nhau ba tháng, được ngồi thiền chung, đi thiền chung, học kinh chung, pháp đàm chung rất hạnh phúc. Xin đại chúng chuẩn bị ngày mai làm lễ đối thú an cư, xác định nghiêm mật giới trường, đừng ra khỏi giới trường trong ba tháng an cư, ngoại trừ trường hợp tăng thân sai mình đi làm công việc. Đây là cơ hội rất tốt và rất hiếm, ở đời không biết có bao nhiêu người mong ước có được cơ hội tham dự khóa tu ba tháng. Ngay cả nhiều thầy, nhiều sư cô bên Mỹ, hay ở Âu châu cũng ít có cơ hội được an cư. Chúng ta có cơ hội này, chúng ta phải dâng lên niềm cảm tạ của ta đối với đức Thế Tôn và các vị tổ sư. Nếu đức Thế Tôn không chế ra truyền thống An cư thì có thể thầy cũng phải đi dạy chỗ này chỗ khác. Nhờ có khóa An cư mà thầy được ở lại luôn ba tháng với các con của thầy và thầy rất hạnh phúc. Hạnh phúc có đó, Niết bàn có đó. Niết bàn là sự vắng mặt của các ngọn lửa đốt cháy. Mình học cách dập lửa, mình học từ sư anh, sư chị của mình. Nếu mình có tri giác sai lầm nào làm mình khổ như nỗi buồn, sự cô đơn, tủi thân, thì mình phải nhờ sư anh, sư chị giúp cho mình tháo bỏ tri giác sai lầm đó; tháo bỏ được thì tự nhiên mình sẽ có Niết bàn. Niết bàn là chuyện làm hàng ngày của mình. Nirvana is our daily business.

 

Đây là bài pháp thoại Thiền sư giảng vào ngày 28 tháng 11 năm 2010, tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới, trong khóa An Cư Kiết Đông.

Bài kệ 22

Sở kiến bất phục khủng                 所  見  不  復  恐

Vô ngôn ngôn vô nghi                   無  言  言  無  疑

Đoạn hữu chi xạ tiễn                   斷  有  之  射  箭

Cấu ngu vô sở y                             遘  愚  無  所  猗

Cái mình thấy không làm cho mình sợ hãi nữa

Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ

Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi

Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả.

 

Chúng ta ôn lại câu: Chim chóc ưa trở về mây trời, hươu nai ưa trở về đồng quê, còn các bậc chân nhân thì ưa trở về Niết bàn.

Niết bàn là nơi thảnh thơi, Niết bàn đang có mặt ở đây trong giây phút hiện tại. Tùy mình muốn chọn sự bận rộn, lo lắng, sợ hãi hay muốn chọn Niết bàn. Có hai cách để định nghĩa Niết bàn:

–          Định nghĩa đầu là sự vắng mặt của phiền não như đam mê, hận thù, nghi kỵ, tại vì đam mê, hận thù, nghi kỵ là những ngọn lửa đốt cháy mình. Sự vắng mặt của đam mê, hận thù, nghi kỵ là sự mát mẻ. Định nghĩa đầu của Niết bàn là sự mát mẻ, sự tắt lửa. Ngọn lửa đam mê, hận thù đang cháy, thì mình không có Niết bàn. Nhưng khi mình thấy không có ngọn lửa đam mê, hận thù cháy trong mình thì đó là Niết bàn. Nirvana trước hết có nghĩa là mát xuống, không bốc cháy.

–          Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của sự kỳ thị, của cái nhìn lưỡng nguyên. Dưới cái nhìn lưỡng nguyên, mình thấy có trong có ngoài, có ta có người, có chủ thể có đối tượng. Khi vượt thoát cái nhìn lưỡng nguyên, mình không còn thấy sự tách rời của chủ thể và đối tượng, tâm và vật, mình và người. Không còn thấy sự phân biệt, mình có rất nhiều tự do, tự do thênh thang, đó là Niết bàn. Thấy có mình và có người, mình so sánh mình thua người đó, hay hơn người đó, hay bằng người đó. Đó là ba loại mặc cảm: mặc cảm thua người, mặc cảm hơn người và mặc cảm bằng người. Ba loại mặc cảm này đều dựa trên sự phân biệt giữa ta và người. Khi thấy rõ mình với người đó tương tức, mình có trong người đó và người đó có trong mình, thì mình không còn mặc cảm dù là mặc cảm thua người, hơn người hay bằng người. Không còn cái thấy nhị nguyên, mình sẽ có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do. Đó là Niết bàn.

Niết bàn có mặt trong giây phúc hiện tại, mình không cần phải đi tìm ở một cõi xa xăm nào trong tương lai.

Nếu Cơ Đốc giáo chấp nhận Thượng đế là Niết bàn thì rất dễ cho họ: Thượng đế là sự vắng mặt của sự đốt cháy và sự kỳ thị. Thượng đế trở thành một với Niết bàn. Nhiều nhà thần bí Cơ Đốc đã thấy được như vậy. Họ thấy Thượng đế không phải là cái gì tách ra khỏi mình để mình phải đối phó với Ngài. Thượng đế không phải là cái gì ở ngoài để mình phải đi tìm mà Thượng đế chính là tự do, là hạnh phúc có sẵn trong mình. Khi ngọn lửa kia không còn đốt cháy và sự kỳ thị kia không còn cắt xén, thì đó là Thượng đế.

Đợt sóng khổ đau tại vì nó lên xuống, sinh diệt, nó so sánh đợt sóng này với đợt sóng khác và nó có mặc cảm. Nhưng khi đợt sóng biết rằng nó là nước, thì nó không còn đau khổ vì chuyện lên xuống, ra vào, lớn nhỏ. Đợt sóng không cần phải đi tìm nước ở chỗ khác, tại vì chính nó đã là nước rồi. Nếu mình nghĩ Thượng đế là một thực tại ở ngoài mà mình cần phải đi tìm, thì mình vẫn còn kẹt trong cái thấy nhị nguyên. Đó không phải là Niết bàn, Niết bàn không có trong và ngoài, này và kia. Trong khóa tu ở Nottingham University, tôi nói với báo chí: Nếu Tây phương đặt Thượng đế trở lại vào đúng vị trí của Ngài thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Mình đặt Thượng đế sai chỗ, mình cho Thượng đế là một thực tại ở bên ngoài mà mình phải đối phó nên mới đưa tới sự khủng hoảng hiện nay.

 

Sở kiến bất phục khủng: Cái mình thấy, mình không còn sợ nữa. Sở kiến là cái mình thấy. Bất phục khủng là mình không còn sợ hãi nữa.

Vô ngôn ngôn vô nghi: Không còn nghi ngờ gì về vấn đề ngôn từ hay không ngôn từ nữa. Ngôn là cái có ngôn từ, vô ngôn là cái không có ngôn từ.

Đoạn hữu chi xạ tiễn: Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi. Tiễn là mũi tên. Đoạn là làm cho chấm dứt. Hữu là being in existence. Người hành giả dương cây cung, lắp một mũi tên, nhắm cái hữu (being) mà bắn một phát.

Một nhà thần học nói: “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu”. God is the ground of being. Trong tuệ giác của đạo Bụt, being là một ý niệm đối lại với ý niệm non-being. Nhà thần học này có khuynh hướng muốn liệt Thượng đế vào phía being. Mình có thể đặt câu hỏi: “Nếu Thượng đế là nền tảng của being thì ai là nền tảng của non-being?” Người hành giả tu thiền lắp mũi tên vào cây cung, nhắm cái being mà bắn một phát. Nếu bắn rớt cái being xuống, thì cái non-being cũng rớt theo, tại vì đây là một cặp đối nghịch. Trong chân lý tuyệt đối, không có ý niệm being hay non-being, cho Thượng đế là being là sai, mà cho Thượng đế là non-being cũng sai. Thượng đế là cái tuyệt đối (ultimate) vượt thoát cả being và non-being, tại vì being và non-being vẫn còn nằm trong vòng lưỡng nguyên. Đặt Thượng đế vào being là đặt không đúng chỗ. Nói không có Thượng đế là sai, mà nói có Thượng đế cũng sai. Thượng đế vượt ra ngoài ý niệm có và không.

Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa và sau đó là sự vắng mặt của những cặp ý niệm đối lập nhau. Mục đích của người hành giả không phải là đi tìm cái non-being, mà là tìm sự vượt thoát cả being và non-being. Mục đích của người tu là đạt tới vô sinh (birthlessness). No-birth không có nghĩa là death, không lý mình tu để tìm cái chết? Khi mình lắp mũi tên vào cây cung và bắn rơi cái sinh, thì cái tử cũng rơi theo, đó gọi là bất tử (deathlessness). Một mũi tên bắn rơi hai lá cờ ảo tưởng.

Năm 1962, tôi xin xuất bản một tập thơ tại Sàigòn có  tên “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, đó là những bài thơ nói về sự thao thức muốn chấm dứt chiến tranh, đạt tới hòa bình, những bài thơ người ta gọi là phản chiến, nhưng không phải là phản chiến. Khi đem lên kiểm duyệt, người ta bỏ hết, chỉ để còn lại vài ba bài. Có một bài thơ bị kiểm duyệt, đó là bài “Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng”, tức bắn một mũi tên làm rơi hai lá cờ nhị nguyên hữu và vô, sinh và diệt. Nhưng những người làm chính trị không hiểu được. Họ cho là mình vừa chống quốc gia, vừa chống cộng sản, mình đi theo phong trào trung lập, mà phong trào trung lập lúc đó bị cấm ở Việt Nam, vì bị cho là thân cộng. Những người trong ban kiểm duyệt của Bộ thông tin không thể nào hiểu được ý của bài thơ này: với niệm lực và định lực, mình bắn rơi hai ý niệm về hữu và vô. Họ nghĩ tôi đang cổ vũ cho đường lối trung lập.

Khi mũi tên bắn rơi cái hữu, thì cái vô cũng rơi theo, lúc đó chúng ta có vô phân biệt trí (nirvikalpa-jñāna). Cái sinh-diệt rơi xuống rồi, thì không gian mở rộng với bao nhiêu là tự do, bao nhiêu là hạnh phúc.

Cấu ngu vô sở y: Vô sở y là không cần nói. Đối với người ngu, thì không làm sao nói được, mình không có nhu yếu cãi lộn nữa tại vì người ngu không thể hiểu được.

Khi biết được Thượng đế là gì rồi, thì anh không còn là nhà thần học nữa. Những người khác cãi nhau, mình chỉ ngồi cười, tại vì cãi nhau rằng có Thượng đế hay không có Thượng đế, có Niết bàn hay không có Niết bàn, chỉ tốn công vô ích.

Bài kệ 23

Thị vi đệ nhất khoái                       是  為  第  一  快

Thử đạo tịch vô thượng                 此  道 寂  無  上

Thọ nhục tâm như địa                   受  辱  心  如  地

Hành nhẫn  như  môn quắc          行  忍  如  門  閾

Đó là cái lạc thú đệ nhất

Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn

Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất

Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách.

Thị vi đệ nhất khoái: Đó là cái khoái lạc lớn nhất.

Thử đạo tịch vô thượng: Vô thượng là không có gì cao hơn. Không có con đường nào cao hơn con đường đưa tới sự vắng lặng đó. Vắng lặng không có nghĩa là không có âm thanh, mà vắng lặng có nghĩa là những ý niệm về có-không, sinh-diệt đã rơi rụng. Thi sĩ Bùi Giáng có làm câu thơ:

Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần

Nhờ sự quán chiếu, những ý niệm như có hay không, sinh hay diệt rơi rụng và thực tại hiển bày ra, thực tại (ultimate reality) không thể nào được diễn tả bằng có-không, sinh-diệt. Trong Như Thị Ngữ (Itivuttaka) nói: Có một cái không sanh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không. Nếu không có cái không sanh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không đó, thì làm sao có chỗ để cái có sanh, có diệt, có tới, có đi, có này, có kia, có có, có không kia trở về.

Ta bước qua, là bước qua ngưỡng cửa của sự nhận thức lưỡng nguyên.

Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn, chữ tịch diệt ở đây không phải là không còn gì nữa, mà có nghĩa là sự vắng mặt của những ý tưởng xôn xao như có và không, tôi và anh, trong và ngoài, chủ thể và đối tượng. Những ý tưởng xôn xao không còn, thì gọi là vắng lặng, là im lặng hùng tráng.

Thọ nhục tâm như địa: Khi nếm được hạnh phúc lớn đó, khi đi vào được trong không gian mênh mông của sự vắng mặt tất cả ý niệm đó, thì tâm mình giống như đại địa có thể chịu đựng được tất cả. Nhẫn là có sức chịu đựng rất lớn.

Trong kinh viết, khi dạy thầy La Hầu La, Bụt nói: Con phải luyện cho tâm con giống như đất. Người ta có đổ xuống đất dầu thơm, những thức ăn rất ngon, hoặc phân hay nước tiểu, thì đất cũng chấp nhận tất cả. Đất có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa rất hay, đất không kỳ thị; cái thơm ngon đất chấp nhận, mà cái dơ dở nó cũng chấp nhận, đất không đau khổ.

Nếu nếm được cái lạc thú của Niết bàn, tâm mình rộng mở rồi, thì những gì trước kia mình không chấp nhận được, bây giờ mình có thể chấp nhận một cách dễ dàng. Tâm mình trở thành như đất (tâm như địa).

Hành nhẫn như môn quắc: Sự thực tập nhẫn nhục (kșānti-paramita) trở nên vững chãi như một trường thành.

Bài kệ 24

Tịnh như thủy vô cấu                 淨  如  水  無  垢

Sanh tận vô bỉ thọ                          生  盡  無  彼  受

Lợi thắng bất túc thị                       利  勝  不  足  恃

Tuy thắng do phục khổ                  雖  勝  猶  復  苦

Thanh tịnh như nước trong không còn chút cấu uế

Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa

Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo

Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó.

Tịnh như thủy vô cấu: Thanh tịnh như nước không còn chút cấu uế. Bài kệ 23 dùng hình ảnh của đất và bài kệ 24 dùng hình ảnh của nước. Đức Thế Tôn dạy La Hầu La: Phải tập cái tâm của con như nước. Người ta đổ xuống nước dầu thơm hay sữa, nước cũng không mừng, mà đổ xuống phân, bùn, nước tiểu thì nước cũng không giận, tại vì nước có khả năng tiếp thu và chuyển hóa rất lớn. Nước có thể thanh tịnh hóa được tất cả.

Sanh tận vô bỉ thọ: Chữ sanh được dịch từ chữ upādi, tức những chất liệu có công năng nuôi dưỡng sự luân hồi. Chữ sanh được viết tắc từ chữ sinh y, tức những dây mơ rễ má làm cho mình vướng vào cõi hệ lụy. Y là nền tảng của sự sống, ở đây là sự sống của luân hồi. Sinh là vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy. Tại sao mình phải vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy? Tại vì có những chất liệu của phiền não, có những nghiệp nhân do mình tạo ra. Mình tạo ra gốc rễ của sự đam mê, của hận thù, nên mình phải trở lại hoài trong thế giới của hệ lụy.

Khi tu mình cắt đứt tất cả dây mơ rễ má, mình không đi vào cõi hệ lụy nữa (sanh tận).

Bỉ là cuộc đời hệ lụy, khi nguồn gốc của hệ lụy không còn, mình sẽ không tiếp nhận cái hệ lụy đó nữa (bỉ), mình có giải thoát, tự do như một vị Bồ tát rong chơi không bị ràng buộc. Phàm thánh đồng cư, có nghĩa là trong một cõi có cả phàm lẫn thánh. Cõi của chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư, tức cõi mà phàm và thánh cùng sống chung với nhau. Trong khi người phàm bị ràng buộc, lên xuống, khổ đau, thì các bậc thánh lại tự do nhởn nhơ trong cõi đó.

Lợi thắng bất túc thị: Người đời cho hạnh phúc là được nhiều lợi, lợi là tiền bạc chứ không phải lợi ích của sự tu học. Thắng là leo lên chỗ cao, đạp người khác xuống dưới. Cuộc sống của mình không còn đi theo tiêu chuẩn của thắng bại hay lợi hại.

Tuy thắng do phục khổ: Hai tiêu chuẩn đó không đủ để kéo mình, tại vì tuy gọi là thắng lợi, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi của cái khổ. Bại thì khổ, mà thắng cũng khổ; lỗ lã thì khổ đã đành, mà lợi cũng khổ; tất cả đều nằm trong vòng tương đối. Lợi tức và ưu thắng không đủ để cột chân mình lại trong vòng hệ lụy, tại vì tuy có thắng lợi nhưng cái khổ đó vẫn còn.

Bài kệ 25

Đương tự cầu khứ thắng               當  自  求  去  勝

Dĩ thắng vô sở sanh                       已  勝  無  所  生

Tất cố bất tạo tân                         畢  故  不  造  新

Yếm thai vô dâm hành                  厭  胎  無  婬  行

 

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Đương tự cầu khứ thắng: Chữ khứ 去 trong bài kệ là chép sai, đúng ra là chữ pháp 法. Cái thắng mà mình đi tìm cầu là cái thắng về chánh pháp. Mình phải tự mình đi tìm cầu thắng lợi về chánh pháp, mà không phải thắng lợi về tiền tài và địa vị.

Dĩ thắng vô sở sanh: Khi đạt tới thắng pháp, tức tu tập thành công, thắng được phiền não, đam mê và hận thù, thì mình không còn sanh ra trở lại cõi hệ lụy nữa (vô sở sanh).

Tất cố bất tạo tân: Đã hoàn toàn không còn sở sinh (tất cố), thì không tạo ra thêm chất liệu mới cho sự luân hồi (bất tạo tân), mình không làm thêm những dây mơ rễ má của hệ luy nữa.

Yếm thai vô dâm hành: Yếm là chán, yếm thai là không thích đi vòng vòng trong cõi hệ lụy nữa. Vô dâm hành là không đi về phía phóng đãng.

Đây nói về đời sống phạm hạnh của những người tu. Phạm hạnh là đời sống trong sáng của người tu. Tu là phải chế tác chất liệu thánh. Chất liệu thánh không phải do người khác ban cho mình, không phải tại Giáo hoàng cho mình là thánh mà mình trở thành thánh. Mình là thánh khi mình chế tác được chất thánh. Thánh là holiness, là chất thánh thiện trong người mình. Thánh là chất liệu được chế tác bởi giới, niệm, định và tuệ. Nơi nào có giới, niệm, định và tuệ thì nơi đó có sự thánh thiện. Có niệm, định, tuệ thì không đi vào chốn khổ đau, hệ lụy. Có niệm là có giới, có giới thì mình không giết hại, không nói dối, không tà dâm, không làm những chuyện gây ra khổ đau. Mình sống theo giới luật, theo Pratimoksha, tức giới bản của người xuất gia. Mình theo con đường phạm hạnh (holy life), đó là cuộc sống thánh thiện. Cuộc sống thánh thiện đó có được là nhờ mình biết giữ giới, mình không đi về phía phóng đãng, dâm hành.

Người tu là người sống cuộc đời phạm hạnh, thánh thiện, sự thánh thiện do công phu giữ giới mà có chứ không phải do người khác ban cho mình.