Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 1)
Xin giới thiệu quý bạn đọc bài chia sẻ của thầy Pháp Cơ, một giáo thọ của Làng Mai đang tu tập tại tu viện Lộc Uyển. Đọc bài thầy, các bạn có cơ hội cảm nhận được trở về với tuổi thơ. Sống lại tháng ngày hồn nhiên trong đời sống hằng ngày của mình, với những kỉ niệm đẹp tuổi ấu thời có khả năng nuôi dưỡng cuộc đời này nếu ta biết trân quý, bồi đắp và giữ gìn nó!
Sáng nay con đi thiền hành với đại chúng theo lời hướng dẫn của thầy Pháp Dung: “Thở vào con bước hai bước. Thở ra con bước hai bước” ,…. Đi một hồi, con thấy tâm con lắng dịu. Con đem tâm lắng dịu của con hướng về những hiện hữu mầu nhiệm, tiếp xúc những vòm cây xanh mát, nắng ấm và hoa thơm cỏ lạ chung quanh Lộc Uyển. Tâm thức con trở nên nhẹ nhàng, bình an và rất thoải mái. Con tiếp tục đem tâm thức nhẹ nhàng thoải mái này tiếp xúc với những gì chung quanh, ý thức rõ sự có mặt của các bạn đồng tu và thiên nhiên. Từ từ con thấy con là một phần của thiên nhiên và con không cần phải cố gắng để thưởng thức thiên nhiên nữa, vì thiên nhiên bình yên bây giờ hình như đã thấm nhuần và đang luân lưu, trôi chảy trong con. Con tiếp tục đi tới và bỗng nhiên con nhận ra rằng: đằng sau con là quá khứ đã qua và trước mặt con là tương lai sắp tới, nếu trước mặt con đẹp và sáng tỏ thì quá khứ sau lưng con cũng đẹp và sáng tỏ. Vì thế, trong hiện tại và tương lai, nếu chúng ta sống đẹp, sống có ý thức thì cố nhiên quá khứ chúng ta cũng sẽ rất đẹp và có ý thức về những kỷ niệm đẹp đó.
Bài học về chăn trâu
Con có một kỷ niệm về chăn trâu, hồi con còn nhỏ, con sống ở nông thôn, Ba của con làm ruộng, nhà con có đến 13 người con và hơn 30 con trâu; con là em bé chăn mấy chục con trâu đó. Khi chăm sóc đàn trâu, mỗi sáng con thả chúng ra đồng ăn cỏ, đừng cho chúng chạy đi ăn thóc lúa hoặc khoai sắn của nhà người ta, vì thế lúc nào mình cũng phải có mặt cho đàn trâu của mình. Nhưng vì buổi sáng phải đưa trâu ra đồng, lo canh giữ và chăm sóc chúng rồi đến chiều tối lại lùa trâu về nhà, nên em bé chăn trâu không có thời gian để học nhiều. Cho nên hồi nhỏ con đã 13 tuổi mà chỉ học đến lớp Ba thôi. Ở xã hội ta hồi đó, người ta thường chê bai những kẻ ngu dốt, không biết chữ là “đồ chăn trâu”.
Khi chăn trâu, mình phải biết cách gom bầy trâu mình lại, vì trâu có rất nhiều loại. Có con khi mới thả ra là nó chạy đi tìm lúa để ăn và phá khoai phá sắn chứ không chịu nhập theo đàn. Khi đàn trâu đang đi với nhau, có con lặng lẽ tách riêng ra và đi lang thang một mình; có con lại không chịu đi, cứ đứng nguyên một chỗ, không theo đàn trâu ra đồng ăn cỏ. Cho nên nhiệm vụ người chăn trâu trước hết là phải gom bầy trâu lại với “bộ đồ nghề” là khúc cây dài từ 5 đến 7 tấc, gọi là “cây làn can” và một sợi dây dài gọi là sợi “dây dàm”; dàm có nghĩa là kéo và gút lại. Còn cây làn can để dùng khi có con trâu nào không nghe lời thì mình đánh “bốp” vào sừng nó. Cái “dụng cụ” thứ ba mà mình phải có là: trong bầy trâu, mình chọn một con tốt nhất, con trâu đó gọi là con trâu “ven bầy”; chữ ven ở đây có nghĩa là gom lại, và người ta cũng gọi là con trâu “cầm bầy”, cầm có nghĩa là giữ đừng cho nó tản ra. Cho nên con trâu này phải là con trâu nhanh nhất, mạnh nhất và giỏi nhất ở trong bầy.
Con nghĩ cũng lạ! Sao thường người ta cứ hay khinh rẻ kẻ chăn trâu là ngu, là dốt, là không biết chữ, mà trong nghề giữ trâu, người ta lại dùng toàn danh từ Hán-Việt hay chữ Nôm như thế! Cứ “ven” rồi “cầm” nghe sao rắc rối quá! Trở lại chuyện “ven” trâu: trong khi chăn trâu, nếu em bé chăn trâu thấy có con trâu nào rời khỏi đàn, em liền thả con trâu “ven” ra để nó chạy đi “ven” con trâu kia trở về. Khi trâu ăn no rồi thì mình phải biết gom trâu về một chỗ cho chúng nghỉ ngơi, đừng để chúng đi phá phách và cũng để mình có chút thời gian vui chơi. Trâu là một loại súc vật ăn rất lâu no, nó cứ đi, cứ chạy chỗ này qua chỗ khác và nó có thể ăn 5 hay 6 tiếng đồng hồ và mình cũng phải có mặt ở đó. Khi thấy trâu ăn no rồi thì người chăn trâu phải tìm một chỗ trống để lùa bầy trâu đến cho trâu nghỉ, và chỗ đất trống đó gọi là cái “láng”. Láng có nghĩa là rộng, trống trải, không có đối tượng gì để trâu chạy theo. Chúng không còn lúa thóc khoai sắn để phá hoại nữa và khi đó mình cũng được rổi rảnh đôi chút, mình khỏe, mình có thời gian xuống bờ ruộng chơi và chăm sóc con trâu cầm bầy.
“Ai bảo chăn trâu là khổ,
Ta ngồi mình trâu, ta vuốt cái hàm râu,
Và con mắt lim dim, ta nắm đuôi trâu, ta rờ bụng trâu”.
Ngồi chơi với đàn trâu ta thấy bầy trâu thường chơi với những con hạc. Ở đồng trống thường có những con hạc rất đẹp mà người chăn trâu gọi là con “cò trâu” vì nó bự lắm, to hơn những con cò bình thường. Ở quê, con gì bự đều gọi là trâu – con cò trâu. Còn người nông dân, khi gọi thì gọi là “cò ngà”, và người văn thơ một chút thì gọi là con hạc. Con hạc có một cọng lông dài ở trên đầu, nó rất thích những cảnh vắng vẻ, thích sống trên những cánh đồng trống. Khi con trâu đến vùng đất trống trải đó thì hai con vật này hay chơi đùa lân mẫn với nhau. Lúc đó người chăn trâu cũng ca hát vui chơi hoặc bắt chước những điệu ca của con hạc. Con hạc hát rất hay và nó múa cũng rất đẹp. Con trâu thường nằm nhai cỏ và con hạc thì lân la đến gần trâu để ăn, để chơi và để múa hát. Loài hạc múa rất đẹp và hát cũng rất hay. Con hạc nó kêu: “Rờ rờ r r r r, rờ cốc, rờ cốc. Rờ rờ r r r r, rờ cốc, rờ cốc”. Đó là cái âm con hạc phát ra khi nó múa. Tiếc quá, giọng con không trong bằng giọng con hạc, hồi đó con nhại giống lắm!!!
Và khi rảnh rang, người chăn trâu thường học trong những giờ trâu nghỉ ngơi. Con nhớ ở dưới quê người ta có câu: “Khi trâu tắm ao làng, ta ôn lại vần xuôi…”, nghĩa là chỉ khi đàn trâu nghỉ ngơi thì mình mới có cơ hội ôn lại những gì mình đã học, đã nghe. Người chăn trâu phải biết khi nào trâu mình ăn đã no. Mình phải nhìn cái hông bự của con trâu để biết trâu no hay đói; khi hông trâu còn lõm xuống là trâu chưa no và khi hông trâu đầy tròn lên là trâu đã ăn no. Khi hông trâu chưa đầy mà mình lùa trâu về là thế nào cũng bị rầy vì người ta biết trâu ăn chưa no. Khi giữ trâu mà để cho trâu ăn lúa thì người giữ trâu không có giỏi, vì mình lơ đãng hay ham chơi với hạc quá. Trong thi ca Việt Nam người ta nói nhiều về chăn trâu:
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Có những ngày trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé ngồi bên cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương mãi hay không?”
Có bài nữa là:
“Chăn trâu đầu đội nón lá che nghiêng
Ngoắc ngoải trên lưng trâu
Tay cầm làn can như roi ngựa …”
Người chăn trâu rất hạnh phúc khi mình có những bài như vậy để hát khi mình nghỉ ngơi. Và mình thấy ở trong con người của mình cũng có hình ảnh con hạc và con trâu. Người Đạo Lão thường rất thích con hạc và họ thường ca ngợi con hạc tại vì họ thích sự vắng vẻ. Cái nón họ đội cũng có hình hạc, cái áo họ mặc cũng có hạc, hạc là con vật tượng trưng cho sự cao quý và vắng vẻ. Còn người tu thiền đạo Bụt thường ví cái tâm mình là con trâu vì con trâu hay chạy phá và thích tìm đến những đối tượng khác nhau. Cho nên khi một người đang tu thì người ta gọi đó là người đang chăn trâu, tức là chăn cái tâm của mình đừng cho nó chạy, nó phá; phải hướng “con trâu tâm” của mình đi cho đúng đường.
Mình cũng có thể thấy trong người của mình có hai phần, vừa có hạc và vừa có trâu, chứ không hẳn là mình chỉ thực tập chăm con trâu của mình thôi. Mình có thể vừa chăm sóc cho trâu và chăm sóc cho hạc cùng một lúc. Bởi vì cái tâm của mình có rất nhiều phần, không phải nó có một con trâu mà nó có cả một bầy trâu. Đó là những giận hờn, trách móc, phiền não là những loại trâu không tốt; chúng chạy loạn và làm cho tâm mình náo động. Cho nên mình phải biết cách, phải có cách để gom chúng lại. Nếu mình là người giữ trâu, mình sẽ chọn con trâu cầm bầy thật giỏi, thật nhanh để gom đàn trâu lại; còn tâm thức mình, mình dùng cái gì để mình gom, mình giữ những phần chạy hoang chạy loạn đó?
Ở đây mình cũng có sợi dây để mình giữ con trâu tâm và lái con trâu tâm của mình, đó là chánh niệm. Chánh niệm có thể ôm được những tâm hành đang chạy loạn và đang làm mình giận hờn, buồn bã. Mình phải biết khi nào một tâm hành nó phát khởi lên và chạy ra khỏi phạm vi ôm ấp của chánh niệm là mình phải biết liền, và lúc đó mình tức tốc cỡi con trâu chánh niệm của mình để theo nó, nhận diện nó thì tự động những tâm hành chạy loạn sẽ gom lại. Vấn đề còn lại là làm thế nào để mình phát khởi chánh niệm để nó có mặt kịp thời, để mình có được một thứ dụng cụ để chăm sóc được đàn trâu lộn xộn trong tâm thức mình.
Có một phương cách như thầy Pháp Dung chỉ hồi sáng là phương pháp thiền hành, đi và theo dõi bước chân và hơi thở của mình. Cái đó nó chế tác ra năng lượng chánh niệm để mình có chánh niệm và mình có khả năng chăm sóc được cái tâm của mình. Khi một người chăn trâu không có một con trâu giỏi thì không có cách nào ven được bầy trâu, và người chăn trâu đôi khi phải chạy rã chân mà vẫn không làm gì được. Và khi mình muốn chăm sóc tâm thức của mình mà không có chánh niệm thì cũng như vậy. Cho nên mình phải có thời gian để phát khởi chánh niệm. Người chăn trâu thường lùa bầy trâu của mình ra chỗ đồng trống để nó ăn cỏ và trong lúc trâu ăn thì mình có thể nghỉ ngơi. Cũng vậy, tâm hành mình đôi khi chạy theo nhiều đối tượng, đối tượng bên ngoài cũng như đối tượng bên trong, những phố thị trong con người mình, những giận hờn, buồn lo trong lòng mình. Cho nên mình cần phải biết cho tâm thức mình nghỉ ngơi; giống như người chăn trâu, mình phải đưa tâm thức mình đi đến một nơi có không gian để nó có thể nghỉ ngơi và thư giãn. Lúc đó chính là lúc mình phát khởi chánh niệm trong tâm của mình và mình có khả năng chăn được bầy trâu và những phần lộn xộn của mình.
…(còn nữa)