Con không thương con của con
Hỏi: Cách đây 13 năm con đã sống với một người đàn ông mà con tưởng là mình yêu, nhưng chỉ là sự mù quáng. Sau 2 năm chung sống, con đã dứt khoát chia tay. Kết quả là con có 1 đứa con gái với người ấy. Trong những năm đầu, con không cảm thấy yêu thương đứa con này, và coi nó là một món nợ mà con phải gánh chịu. Con đã không dành cho nó sự yêu thương, quan tâm, mặc dù luôn đảm bảo cho nó đầy đủ về ăn, mặc và sức khoẻ (mẹ và chị con là người trực tiếp chăm sóc, con sống chung nhưng ít chăm sóc cho nó, con chỉ lo đi làm và mang tiền về trang trải cuộc sống trong gia đình). Trong suốt thời gian này, chính con cũng mắc chứng trầm cảm nặng nề, cảm thấy căm ghét cuộc sống và gay gắt cố chấp với mọi người, con đã từng quát mắng nó, thỉnh thoảng còn đánh nó (không gây thương tích về thể xác, nhưng có lẽ gây tổn thương nghiêm trọng về tinh thần của nó). Con gái con cũng rất nhạy cảm giống như con, nó trở nên tự ti mặc cảm, xa cách mọi người, thu rút vào bản thân và không thích giao tiếp với ai khác, và cũng bị trầm cảm.
Sau khi con kết hôn lần thứ hai và sinh con, con rất yêu đứa con nhỏ này. Từ lúc ấy, đứa lớn trở nên căm ghét đứa nhỏ, coi như thù hằn, và cảm thấy tự ti hơn bao giờ hết.
Thầy ơi, đứa con lớn 13 tuổi của con hiện có dấu hiệu lệch lạc, nó thường lên mạng Internet, tham gia diễn đàn gì đó mà không cho con biết. Nó trở nên chống đối con, căm ghét em gái nó, lạnh lùng với bố dượng (bố dượng rất tốt và chăm lo cho nó). Nó không bao giờ đến gần con để trò chuyện hay tâm sự gì cả. Nó có những biểu hiện khác thường như hay nói về cái chết, hay bắt bẻ hành vi của người khác, không thích giao kết với mọi người.
Con đã sai rồi, vì con đã không mang đến cho nó tuổi thơ hồn nhiên vô tư và hạnh phúc, bởi lẽ quãng thời gian ấy chính con cũng bị trầm cảm nặng nề, mãi cho đến khi kết hôn gần đây mới cảm thấy hạnh phúc. Với nó, con cảm thấy mình không thể ôm ấp, hôn hít được, không cảm thấy yêu thích nó, chỉ cảm thấy thương và chăm sóc nó thôi. Đây cũng là khó khăn mà con không thể hiểu được tại sao.
Giá mà Thầy có lập một Làng Mai ở Việt Nam thì con được phúc biết mấy. Con rất muốn đưa con gái con đến tiếp xúc, sinh hoạt, gặp mặt với những vị chân tu đầy lòng từ bi, với mong mỏi có thể giải thoát con gái con khỏi những mặc cảm tự ti, để trở nên an lạc, hạnh phúc và tự tin vào bản thân.
Con chờ đợi thư của Thầy từng ngày một, xin Thầy vì lòng từ bi giúp đỡ chúng con.
Sư cô Đoan Nghiêm xin chia sẻ:
Nếu thật sự chị muốn giúp cháu, đây là lời khuyên: chị nên đến với cháu, nói lời xin lỗi cháu, và làm mới liên hệ với cháu qua cách thay đổi lối hành xử, suy nghĩ và lời nói của chị đối với cháu.Và chị nên cho cháu có cảm nhận rằng cháu cũng có một mái ấm gia đình, trong đó cháu được mẹ hiền thương yêu, ôm ấp, được cha dắt đi chơi, có em để cùng chơi đùa. Chị phải thay đổi thì cháu mới thay đổi.
Tình thương chị đang dành cho cháu là thứ tình thương hại mà không phải là tình thương của một người mẹ. Chị nói chị không hiểu đưọc tại sao. Tại vì trong tận chiều sâu tâm thức, chị chưa chấp nhận được cháu là con của chị. Chị từ chối cháu chỉ vì cháu là hiện thân của sự yếu đuối của chị trong quá khứ. Chị chối bỏ cháu vì chị muốn chối bỏ mối liên hệ trước kia, chối bỏ quãng đời trước kia. Lúc nào chị còn thương hại cháu, trốn tránh mối liên hệ gần gủi thân mật mẹ con với cháu, lúc đó chị khó có hạnh phúc hoàn toàn. Bây giờ cháu chống đối chị, lạnh lùng với bố dưọng chỉ vì trong suy nghĩ của cháu chị đã chối bỏ cháu, chị ghét bỏ cha cháu; nếu cháu chưa thương được em của mình, chỉ vì cháu chưa cảm nhận được cháu là con của chị, là chị của em mình. Tuy chị đã sinh ra cháu, nhưng chị đã bao giờ cho cháu biết bài học thương yêu đâu mà cháu biết để đem chia sẻ với em của cháu, với bố dượng của cháu và ngay cả với chị nữa. Cháu tủi và cô đơn lắm, chị có biết không? Và sự đè nén những nỗi đau và buồn tủi đó chồng chất ngày một lớn trong suốt 13 năm, mãi đến bây giờ, tuổi bắt đầu lớn, ngọn núi lửa hận thù trong cháu mới phun ra những bực bội, căm hờn là như vậy đó. Chứ cháu bình thường thôi chị ạ.
Quả thật chị đã sai. Chị không những sai vì đã không ban cho cháu sự hồn nhiên, tính vô tư, mà hơn nữa chị còn đè nặng lên cháu những nỗi đau khổ, chán chường, căm ghét, chối bỏ tất cả, kể cả đứa con của mình. Tuổi thơ của cháu đã tiếp nhận những cay đắng của cuộc đời từ chị. Tuổi thơ của cháu rất mong manh. Tờ giấy trắng của cháu chị đã vô tình tô đầy lên những màu sắc đen tối của cuộc đời. Đó là hậu quả cho những hành vi của cháu bây giờ. Chỉ có chị là có thể lau sạch những vết đen đó trên tờ giấy trắng của cháu. Chị phải có cách hành xử dễ thương với cháu, ngọt ngào với cháu hơn. Chị phải có khả năng thương cháu như thương em của cháu. Chị đừng phân biệt. Chị còn phân biệt thì cháu làm sao xóa được lằn ranh khác biệt giữa cháu và em cháu, giữa cháu và bố dượng cháu. Chị phải ngồi thật yên để nhìn lại cách cư xử của mình đối với cháu và đặt mình vào trường hợp của cháu để hiểu cháu rõ hơn. Chị cần một người thương yêu, cháu cũng cần một người thương yêu. Chị cần một mái ấm gia đình, cháu cũng vậy. Chị hãy cho cháu tình mẫu tử thiêng liêng hơn là cái ăn cái mặc. Trong tình yêu, chuyện ăn chuyện mặc là chuyện thứ yếu, quan trọng là hiểu, là thương, là tha thứ, là chấp nhận. Ngày nào chị còn chưa ôm được cháu vào trong hai vòng tay của chị, ngày đó cháu còn xa cách với chị, với chồng chị và em của nó. Cái gốc rễ khổ đau của cháu phải do chị nhỗ đi. Chị chưa ôm ấp được cháu, thì liên hệ giữa cháu và gia đình vẫn sẽ không thay đổi gì đâu, và cá tính của cháu chỉ tệ hơn mà thôi. Quý thầy cô có thể ôm ấp cháu, che chở cho cháu, nhưng cháu vẫn sẽ cảm thấy mình mồ côi cha, mồ côi mẹ như thường, vì cháu chưa từng thật sự nếm được mối tình thiêng liêng đó. Cháu thiếu vòng tay thương yêu của mẹ, cháu thiếu lời nói ngọt ngào của mẹ, cháu thiếu ánh mắt bao dung của mẹ… Chị có thương cháu thật không? Chị hãy hiến tặng món quà thiêng liêng nhất của tình mẹ cho cháu đi!
Mong rằng chị thấy rõ vấn đề hạnh phúc của cháu chính là hạnh phúc của chị và gia đình, thì chị sẽ giúp cháu hiệu quả hơn. Xin chào chị.