Con buồn bố và em chồng
Hỏi: Con có chồng năm 30 tuổi, năm nay là 32 tuổi, vợ chồng con chưa có con. Ngày con về gia đình chồng ra mắt ba chồng, ông ấy nhìn con rất lạnh lùng và không tỏ thái độ đón nhận con, dù con cố gắng hết sức để hỏi han ông. Sau này khi đã về sống chung rồi con mới hiểu, ngày xưa chồng con rất được Má yêu thương, nhưng Bố thì không. Hai cô em chồng, một cô 25 tuổi, một cô 30 tuổi chưa chồng thì luôn tỏ thái độ như là chị của chồng con. Và 2 cô này thì rất được lòng Bố.
Con làm dâu cũng đắng cay lắm, con đang học dỡ dang trường Đại học Ngoại Ngữ (bằng đại học thứ 2). Lấy chồng, cô út nói rằng : “Chị nghỉ học đi, để mỗi chiều đi làm về tranh thủ về nấu cơm cho Bố”. Con chịu đựng và gát lại việc học của mình để gia đình yên ấm. Và con tự bày ra nấu ăn, ăn xong con lủi thủi thu dọn một mình. Hai cô em chồng ăn xong, hoặc đi chơi hoặc vào phòng riêng nghỉ ngơi. Khi nhiều lần lặp lại như thế, con lên tiếng thì cô em 30 tuổi nói rằng : ” Để chị làm cho quen” (mặc dù 2 cô chẳng biết nấu ăn, nhà cửa, ly tách bề bộn, chén ăn xong kg biết rửa, dù gia đình không thuộc hàng giàu có. Riêng con thì đã được Mẹ dạy nấu ăn từ khi 15 tuổi. Nhà con không phải gia đình nghèo khó, nhưng con không có kiểu sống vương giả như thế). 2 cô em chồng chưa có chồng nhưng ngày nào cũng đi đến 12g khuya mới về. Cô kia có người yêu thì ở bên nhà người yêu nhiều hơn nhà mình. Vậy đấy, nhưng lại luôn bới móc tìm khuyết điểm chị dâu.
Con lại tiếp tục nín nhịn…. Và mọi việc không chỉ như thế, còn những việc mệt mỏi và quá quắc khác, nhưng con cũng nhịn. Mà hình như càng nhịn người ta càng lấn lướt mình phải không Sư Ông. Trong nhà bất cứ ai cần tiền bạc hay sự trợ giúp gì cũng gọi vợ chồng con có trách nhiệm. Rồi bà con dòng họ, người thì gửi con cháu cho tụi con nuôi ăn học dùm, người thì mượn tiền không thấy trả….
Bố chồng tuy có con trai duy nhất là chồng con, nhưng những chuyện lớn nhỏ trong nhà không nói năng hay bàn luận gì đến chồng con cả, chỉ bàn luận với con gái, nhưng nếu có liên quan đến việc phải chi trả bằng tiền thì gọi chồng con chi.
Vợ chồng con không có nhiều tiền, phải vay mượn bên ngoài trả lãi để làm ăn, nhưng vì thấy tụi con mở công ty để làm ăn nên nghĩ tụi con nhiều tiền….
Con không hẹp hòi ích kỷ, con không keo kiệt và không phải không muốn giúp đỡ hay chia sẻ khi cần thiết cho mọi người, nhưng con khó chịu và mệt mỏi vì xung quanh con toàn là những người không biết điều. Mỗi lần sân si nổi lên, con lại niệm Phật để lướt qua tất cả nhưng hình như sau đó mọi việc đâu lại vào đấy.
Có lẻ cái nghiệp của con còn dày lắm phải không Sư Ông? Thưa Sư Ông, con phải làm sao cho đúng đây?
Sư cô Đoan Nghiêm xin chia sẻ:
Thưa chị,
Chị mệt mỏi lắm rồi phải không? Mệt mỏi không phải vì làm việc mà là trong sự chờ đợi bố và các cô em chồng thay đổi cái nhìn của họ đối với chị, nâng đỡ chị như một người con, và một người chị. Đọc thư chị, không thấy chị nói gì đến chồng chị cả. Anh ấy có biết những gì chị suy nghĩ và trải qua hay không? Chị đã từng chia sẻ cho anh biết chưa?
Sức chịu đựng của con người không khác gì lượng dung tích của một bình hay một chai đựng nước. Nếu quá số lượng nước đựng trong bình hay cái chai đó thì nó sẽ tràn ra ngoài. Cũng vậy. Nếu quá sức chịu đựng của chị thì chị sẽ bùng lên những cơn giận, bởi vì chị không thể kềm chế được nữa, vì vậy mà nhịn nhục không phải là biện pháp giải quyết vấn đề. Tất cả những gì chị đang làm cho gia đình chồng nếu đó không phải là động cơ của thương yêu và đùm bọc lẫn nhau thì càng làm chị càng mệt mỏi và dễ đưa đến sự bực bội, nóng giận.
Nếu chị thương chồng, yêu chồng, chị phải học thương gia đình chồng như gia đình mình. Mình rất dễ tha thứ cho người mình yêu, mình thương phải không chị? Có ai hoàn toàn là hoàn mỹ đâu kể cả những người đang yêu nhau, kết hôn với nhau, nhưng người ta vẫn yêu nhau, vẫn lấy nhau để cùng sống dưới một mái nhà, cơ bản là vì thương vì yêu mà người ta chấp nhận nhau, học hỏi nhau để xây dựng mái nhà hạnh phúc. Muốn sống hạnh phúc với nhau là cả một nghệ thuật xây dựng hạnh phúc gia đình. Tình yêu chưa đủ để đóng góp vào việc xây dựng một mái nhà hạnh phúc. Mình cần rất nhiều yếu tố như là học lắng nghe nhau, học hiểu nhau, học cho nhau thời gian để cho người kia có cơ hội làm mới lại con người họ, v.v… nhiều thứ để mình học và mài giũa lắm. Phần đông người ta thường nhịn nhục cho êm chuyện nhưng nhịn nhục như vậy có tính cách tiêu cực lắm, hơn nữa theo thời gian nó sẽ chồng chất mỗi ngày mỗi nhiều thêm lên, đến một lúc nào đó thì hạnh phúc gia đình sẽ hoàn toàn tan vỡ. Nhiều khi vì chuyện em chồng, con dâu mà hạnh phúc giữa hai vợ chồng cũng khó hòa thuận, ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm giữa hai vợ chồng.
Vì vậy cho nên chị cần phải học phương pháp san sẻ những khó khăn với chồng. Nói như thế nào để nhận được sự cảm thông của chồng mà không phải là gây thêm áp lực cho chồng để tránh gây ảnh hưởng tai hại đến đời sống hạnh phúc vợ chồng, gia đình chồng. Chị cũng cần phải học cho mình thời gian và cho người khác thời gian để có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Muốn thay đổi một lối nhìn, một cách sống rất là khó. Không phải chỉ có 5, 3 ngày mà có thể làm được. Hơn nữa, nếu liên hệ giữa đôi bên không được gắn bó thì động cơ khiến người kia thay đổi cách cư xử với mình cho tốt hơn cũng là một vấn đề. Như Đoan Nghiêm đã nói ở trên, chỉ có thương nhau, yêu nhau người ta mới có đủ kiên nhẫn để chấp nhận nhau và cho nhau cơ hội để tìm hiểu nhau nhiều hơn để cùng xây hạnh phúc với nhau. Chị phải học thương gia đình chồng như đã thương chồng vậy.
Con người là một động vật biết suy nghĩ, có lương tâm. Chị hãy học sống như thế nào để có thể thay đổi cách suy nghĩ và đánh động đến lương tâm của những người trong gia đình chồng, đó mới là biện pháp sống dài lâu với người chồng chị thương yêu và cam kết sống dài lâu với người đó. Trong giai đoạn này, chị rất cần tình thương của chồng và sự nâng đỡ của chồng để giúp chị có thêm sức mạnh. Hai anh chị nên có nhiều thời gian cho nhau hơn để vun bồi tình thương và sự cảm thông của nhau để cùng nhau đi trên con đường này. Đừng để bất cứ chuyện nhỏ nhặt từ bên ngoài ảnh hưởng tới hạnh phúc hai vợ chồng. Hãy cùng lắng nghe nhau, tìm hiểu nhau nhiều hơn để nâng đỡ nhau, chỉ có như vậy thì tình cảm vợ chồng mới bền bỉ, keo sơn theo thời gian. Chị có đồng ý không?
Hy vọng chị sẽ có nhiều sức mạnh để đi tiếp trên con đường xây dựng hạnh phúc gia đình. Thỉnh thoảng, chị nên cùng chồng đi du ngoạn để hít thở thêm khí trời, để thư giãn những căng thẳng trong người. Chúc anh chị và gia đình hưởng đêm giáng sinh vui vẻ.
Chào chị.