Nuôi lớn hạnh phúc và chăm sóc khổ đau
CHÚNG TA THƯỜNG BỊ KẸT vào một ý niệm nhất định về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng nếu không đạt được, hay thay đổi được cái này hay cái kia thì mình không thể nào hạnh phúc được, và vì thế hạnh phúc sẽ mãi mãi không đến được. Chính vì bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc ấy mà chúng ta không an. Ta cứ cố gắng làm cái này, thực hiện cái kia, nhưng có thể hạnh phúc đã sẵn có rồi. Tất cả những điều kiện để bạn hạnh phúc đã có sẵn đây rồi. Bạn chỉ cần nhận diện chúng mà thôi. Nhưng làm thế nào để nhận diện chúng nếu bạn không thực sự có mặt và tỉnh thức?
Có thể bạn không nhận ra rằng mặt trời trên không là một điều kiện cho hạnh phúc của bạn. Chỉ cần một giây để nhìn thôi, bạn sẽ thấy rằng sự sống trên Trái đất có được là nhờ ánh nắng Mặt trời. Tất cả thức ăn đều nhờ ánh nắng, nhờ Mặt trời mới có được. Và khi bạn nhìn Mặt trời như vậy, bạn sẽ thấy rằng Mặt trời chính là cha, là mẹ của bạn, đang nuôi dưỡng bạn mỗi ngày. Mặt trời luôn có mặt đó cho bạn. Có thể bạn nghĩ rằng: “Chẳng ai quan tâm đến mình, chẳng ai thương mình cả”, nhưng sự thật là Mặt trời đang nuôi dưỡng bạn trong từng giây, từng phút. Đất đai, cây cối, nước, không khí, người nông dân, chim muông, côn trùng, tất cả đều đang có mặt đó cho bạn.
Người nào biết cách dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại sẽ có thể tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc sẵn có, bây giờ và ở đây. Chúng ta nhận ra rằng mình không cần gì thêm nữa, vì những điều kiện này quá đủ để cho ta có hạnh phúc. Sự thực tập dừng lại rất quan trọng. Chừng nào chúng ta còn rong ruổi thì khó mà có hạnh phúc. Dừng lại thì thân tâm ta sẽ được nghỉ ngơi. Dừng lại, ta sẽ nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn.
Thực tập chánh niệm giúp ta sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải chờ đợi mười năm sau mới có hạnh phúc. Ngay khi ta thở vào trong chánh niệm, ta sẽ cảm thấy an tĩnh, tươi mát và vững chãi tức thì. Ta không cần chờ đợi. Chánh niệm giúp ta có hạnh phúc ngay bây giờ, ngay hôm nay.
Gieo trồng hạnh phúc
CHO HẠNH PHÚC MỘT CƠ HỘI ĐỂ LỚN LÊN
DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em: 1 hũ trong, có miệng rộng hoặc một ly nhựa trong (hoặc cắt ngang, bỏ ¼, chỉ lấy phần dưới của một chai nhựa trong đựng nước), 1 cái khăn giấy, đất và 8 hạt đậu trắng lớn; 1 cây bút lông (loại không phai màu) cả lớp dùng chung[1].
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng gieo những hạt đậu này.
Lưu ý: Hướng dẫn và giúp đỡ các em làm theo chỉ dẫn sau:
Chúng ta hãy đặt tên cho những hạt đậu của mình. Một số hạt đậu sẽ là những Hạt đậu Hạnh phúc; các em sẽ đặt tên cho các hạt đậu theo những gì làm cho các em thật sự hạnh phúc. Ví dụ như khi người khác mỉm cười với em, em có hạnh phúc không? Khi em mỉm cười với người khác, em có hạnh phúc không? Nếu có, em có thể đặt tên cho một hạt đậu của em là “Cười!” Những hạt khác có thể là Chánh niệm, Rộng lượng, Tự do, An toàn, Thương yêu, Hy vọng hoặc Chia sẻ.
Điều gì làm các em thực sự hạnh phúc?
[Khi chơi với chú chó cưng của em, lúc chơi với bạn bè, chia sẻ, hoa diên vĩ (Iris)]
Những hạt đậu còn lại sẽ là những Hạt đậu Không Hạnh phúc; các em sẽ đặt tên các hạt đậu ấy theo những gì làm các em không vui. Ví dụ, em có thấy không hạnh phúc khi bị một người quen nổi giận với em không? Nếu cái giận làm em không hạnh phúc, em có thể đặt một hạt đậu tên là “Giận”. Em có thể đặt tên cho những hạt Không Hạnh phúc khác là Ích kỷ, Sợ hãi, Buồn, Thiếu kiên nhẫn, Vội vã và Ganh tỵ.
Điều gì làm em không hạnh phúc?
[Đánh nhau, Chiến tranh, Trộm cắp, Không sẻ chia]
Lót mặt trong của ly bằng khăn giấy. Cẩn thận cho đất vào ly, trong lòng khăn giấy, khoảng 3/4 ly. Đặt 4 hạt đậu vào khoảng giữa khăn giấy và thành ly. Nhớ chừa khoảng cách rộng rãi giữa những hạt đậu. Cũng giống như chúng ta, các hạt đậu cũng thích được tự do.
Lưu ý: Dùng ly nhựa trong và khăn giấy để các em có thể quan sát hạt đậu nảy mầm và lớn lên như thế nào.
Dùng bút lông viết bên ngoài thành ly tên của những hạt đậu.
Trong tất cả chúng ta, ai cũng có những hạt giống của hạnh phúc và ai cũng có những hạt giống của giận hờn, ích kỷ, sợ hãi, thiếu kiên nhẫn, vội vã, hiếu chiến, trộm cắp và ganh tỵ (cùng rất nhiều những hạt giống không hạnh phúc khác!). Ta không cần phải phán xét hay xua đuổi chúng đi mà chỉ cần nhận diện và ý thức về chúng một cách đơn thuần.
Khi điều kiện thuận lợi thì những “hạt giống” của ta cũng sẽ lớn lên. Cũng như những hạt đậu, nếu ta cung cấp cho hạt giống hạnh phúc đủ đất, không khí, ánh sáng và nước thì chúng sẽ lớn lên. Dĩ nhiên nếu ta cung cấp cho những hạt giống không hạnh phúc những cái chúng cần thì chúng cũng lớn lên. Cũng như những hạt đậu, chính ta là người quyết định cho hạt giống nào lớn lên hay không lớn lên trong ta.
Cung cấp không khí cho hạt giống trong ta, nghĩa là gì? [Tự do, không gian, thời gian]
Cung cấp ánh sáng cho hạt giống trong ta, nghĩa là gì?
[Để ý đến các hạt giống, soi ánh sáng vào nó]
Bằng những cách nào chúng ta có thể tưới tẩm (và không tưới tẩm) những hạt giống trong ta?
Sau khi được hướng dẫn, các em đã chia sẻ một số thực tập để tưới tẩm hoặc không tưới tẩm các hạt giống như sau:
THỰC TẬP: “Một cách để tưới tẩm hạt giống tươi cười là thường xuyên mỉm cười.”
Ý THỨC: “Tưới tẩm hạt giống hào phóng bằng cách khi nào mình hào phóng, mình ý thức là mình đang hào phóng.”
KHÔNG ĐỂ TÂM: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống giận là biết mình đang giận nhưng không để tâm vào cơn giận.”
KIỂM TRA LẠI NHẬN THỨC CỦA MÌNH: “Tự hỏi ‘mình có chắc không?’ khi bắt đầu thấy mình ganh tỵ với bạn. Có chắc rằng mình muốn có cái bạn mình đang có hay không?”
DỄ THƯƠNG: “Muốn tưới tẩm hạt giống thương yêu, mình có thể nói cho các bạn mình biết là mình rất thương các bạn.”
ĐỌC KỆ: “Để tưới tẩm hạt giống biết ơn, ta có thể đọc Lời quán nguyện trước khi ăn.” (xin xem trang 201)
THỞ VÀO VÀ THỞ RA: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống sợ hãi là để ý đến hơi thở vào ra.”
KHÔNG XEM CÁC CHƯƠNG TRÌNH TI-VI, VIDEO HOẶC KHÔNG NGHE NHẠC KÉM LÀNH MẠNH TRÊN ĐÀI PHÁTTHANH: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống không dễ thương là chỉ xem những chương trình dễ thương và lành mạnh.”
TẬP HIỂU: “Khi bắt đầu cảm thấy bực bội với gia đình, em cố gắng tìm hiểu xem cái gì đã khiến cho em bực bội.”
BA BƯỚC THỰC TẬP ĐỂ KHÔNG TƯỚI TẨM HẠT GIỐNG BUỒN:
- Tận hưởng những gì đang làm em hạnh phúc.
- Ý thức rằng em đang buồn.
- Khi đã hết buồn, suy ngẫm về điều làm em buồn, cố gắng tìm hiểu để nếu nó xảy ra trong tương lai thì sẽ không bị nó làm buồn nữa.”
Dạy các em bài hát Hạnh phúc bây giờ (Bạn có thể tìm thấy trên Trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code phía dưới):
Cho các em mang các hạt giống đã gieo về nhà để chăm sóc.
ĐIỀU GÌ LÀM CHO MÌNH HẠNH PHÚC?
DỤNG CỤ: Tạp chí cũ có hình, kéo, keo dán, bút chì màu, bút viết bảng, phấn màu hoặc màu vẽ, và mỗi em vài tờ giấy.
Có thể nói rằng trên đời có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc đến từ bên ngoài và hạnh phúc đến từ bình yên bên trong. Loại đầu tiên đến từ các phần thưởng bên ngoài, chẳng hạn như đồ chơi mới hoặc một miếng bánh. Loại hạnh phúc thứ hai đến từ một tâm trí hoàn toàn bình yên, như khi các con cảm thấy mình được người lớn yêu thương.
Loại hạnh phúc đầu không thật vì nó không kéo dài, và có khi cuối cùng nó còn mang lại đủ thứ phiền phức. Loại hạnh phúc thứ hai chân thực, rộng và sâu hơn, giống như một đại dương.
Cắt hình từ tạp chí và dán thành một bức tranh tổng hợp bao gồm những điều làm các em hạnh phúc, ví dụ như ăn kem hoặc ôm những người thân trong gia đình. Nếu các em không tìm được bức hình thích hợp, các em có thể tự vẽ. Các em có thể tô màu cho nền của bức tranh với những kiểu trang trí vui tươi hạnh phúc.
Khi các em đã hoàn tất bức tranh, hãy làm hai danh sách: niềm vui ngắn hạn và niềm vui dài hạn. Hạnh phúc của em thuộc vào danh sách nào? Sử dụng một tờ giấy mới và vẽ lên đó một bức hình lớn hơn để diễn tả niềm hạnh phúc mà em thích nhất.
Dạy cho các em bài hát Cười với thênh thang (Great Big Smile) (Bạn có thể tìm thấy trên Trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code phía dưới):
SỰ MÃN NGUYỆN
DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em một miếng trái cây, một ly nước nhỏ, giấy và bút chì.
Mãn nguyện nghĩa là gì? Mãn nguyện nghĩa là mình cảm thấy thỏa mãn và biết ơn với những gì mình đang có. Có sự mãn nguyện, ta có thể thong thả thưởng thức những điều rất đơn sơ; ví dụ như thưởng thức một ly nước lọc như thể đang uống một thứ nước ngon lành và đắt tiền nhất trên đời.
Còn ngược lại với sự mãn nguyện là bất mãn. Là khi mình luôn muốn có nhiều hơn nữa, giống như khi mẹ đã kể cho em nghe hai câu chuyện rồi, nhưng em lại muốn mẹ kể thêm câu chuyện thứ ba. Hoặc khi em đã được cho một miếng bánh sô cô la ngon tuyệt mà em lại muốn đòi thêm.
Hãy ăn một miếng trái cây thật chậm rãi và cẩn trọng, để ý đến hương vị, hình dáng và màu sắc của miếng trái cây. Khi uống một ly nước, cũng thực tập tương tự như vậy. Sau đó, hãy viết xuống trải nghiệm của em.
Khi đã viết xong, các em hãy làm một bài thơ, trong đó có dùng chữ “mãn nguyện” và một vài từ trong bài viết miêu tả trải nghiệm của em.
HẠNH PHÚC BỀN LÂU VÀ SỰ TỈNH THỨC
DỤNG CỤ: Giấy trắng cho mỗi em, bút chì, bút bi, bút viết bảng, bút chì màu hoặc màu vẽ, kéo và giấy thủ công bìa cứng để làm huy hiệu (không bắt buộc).
Tất cả chúng ta – bạn, tôi, mọi người, và ngay cả một chú côn trùng nhỏ xíu – cũng đều có cơ hội nuôi dưỡng cho hạnh phúc bền lâu. Ai cũng có thể trở thành một vị Bụt bởi vì ai cũng có tính Bụt – hạt giống tỉnh thức trong tâm.
Vẽ một số hình dạng và hoa văn tượng trưng cho “tính Bụt” trong em, đó là những gì tốt đẹp nhất trong em như: sự rõ ràng, sự có mặt, tình thương, sự bình an (dù nhiều khi mình quên là mình có những phẩm chất ấy). Sau đó, các em cũng có thể dựa trên bức vẽ, thiết kế một huy hiệu đeo trên áo để tự nhắc nhở là mình có tính Bụt trong lòng!
Chia sẻ
LÒNG BIẾT ƠN
Eric Reed
Tôi là một tình nguyện viên chương trình thiếu nhi trong một khóa tu mùa hè tại Làng Mai. Hôm đó, một em gái khoảng 7 tuổi xin phép lên thiền đường để ngồi thiền thay vì ra chơi với các bạn. Tôi đồng ý. Khoảng nửa giờ sau, em quay trở lại, tinh thần rạng rỡ. Tôi hỏi em đã làm gì trong thời gian lâu như thế. Em nói rằng em đã ngồi và gọi tên tất cả những gì mà em cảm thấy biết ơn. Tôi hỏi em đã dùng toàn bộ thời gian vắng mặt để làm việc ấy có phải không. Em thưa phải và bắt đầu chia sẻ với tôi về tất cả những gì mà em thấy biết ơn. Tôi cảm thấy xúc động vô cùng.
Ôm ấp khổ đau
Trong rất nhiều kinh, Bụt dạy rằng hoa sen chỉ có thể nở trên bùn. Nhìn vào một hoa sen đẹp, thơm và tinh khiết, ta có thể thấy bùn. Chúng ta không thể trồng sen trên cẩm thạch. Ta cần bùn để trồng sen. Cũng như thế, bạn có thể sử dụng những yếu tố tiêu cực trong tâm thức của mình để nuôi dưỡng tâm từ bi và thương yêu. Đây là cách nhìn của đạo Bụt. Nếu bạn chưa bao giờ bị đói, bạn sẽ không thể nào trải nghiệm được niềm vui khi có một cái gì đó để ăn. Nếu bạn chưa bao giờ bị khổ đau, làm thế nào bạn có thể nhận diện niềm vui và hạnh phúc khi chúng có mặt? Vì vậy, khổ đau đóng một vai trò rất quan trọng trong hạnh phúc của bạn. Nhờ khổ đau mà chúng ta có thể phát triển được hiểu biết và thương yêu trong ta. Nếu bạn chưa bao giờ đau khổ, bạn sẽ không có khả năng thấu hiểu được khổ đau của con người và bạn không thể nào có được tư bi.
Chúng ta không nên quá sợ hãi khổ đau, mà nên biết cách học hỏi từ khổ đau. Như thế ta sẽ biết cách giữ gìn, không để cho khổ đau nhấn chìm mình. Có khổ đau thì mới có hiểu có thương. Bụt nói “Cái này có vì cái kia có”. Nếu không có trái thì không thể có phải. Nếu không có bùn thì không thể có sen. Thật ngây thơ nếu ta muốn tìm một nơi không có khổ đau. Thiên quốc hay Tịnh độ không phải là một nơi không có khổ đau, mà chính là một nơi có tình thương và hiểu biết. Mà nếu có hiểu, có thương thì ắt phải có sự hiện diện của khổ đau. Nếu không thì đối tượng của hiểu biết và thương yêu là gì?
Sở dĩ tôi có thể chế tác tự do, thương yêu, hiểu biết là vì tôi đã từng khổ đau. Nếu chưa từng biết khổ, tôi sẽ không có tự do, hiểu biết và thương yêu như bây giờ. Và tôi sẽ không thể có gì để dạy lại cho các đệ tử của mình. Vì vậy, ta hãy nhìn sâu vào bản chất của khổ đau chứ không nên sợ hãi. Khổ đau có thể dạy cho chúng ta rất nhiều và giúp ta vun trồng hiểu biết thương yêu. Chúng ta đừng trốn chạy khổ đau. Tất cả những người làm vườn giỏi đều biết là họ cần phân hữu cơ để trồng hoa và trồng rau. Cho nên nếu có khổ đau, ta biết là ta đang có điều kiện cơ bản để làm nên hạnh phúc.
Hạnh phúc vẫn có thể hiện diện ngay khi tinh thần ta đang u ám. Điều này cũng đúng đối với thân thể, bởi vì chúng ta không bao giờ có một sức khỏe hoàn hảo về thể chất và tinh thần. Thậm chí khi có bệnh về thân hay về tâm, chúng ta vẫn có thể sống hạnh phúc với căn bệnh ấy. Khi ném một hòn đá xuống sông, dù hòn đá có nhỏ đến đâu, nó cũng sẽ chìm xuống đáy. Nhưng một chiếc thuyền có thể chở nhiều tảng đá nặng mà không bị chìm. Chiếc thuyền của ta chính là một cộng đồng, một đoàn thể tu học và nó chứa đựng sự thực tập của từng cá nhân. Nếu chúng ta thực tập tốt, sự thực tập của chúng ta có thể ôm ấp và chuyên chở khổ đau.
Khi còn là một giáo thọ trẻ ở Việt Nam trong thời gian đất nước đang có chiến tranh, ngày nào tôi cũng bị sốt mà không hề có thuốc men để chữa trị. Vậy mà tôi chưa bao giờ bỏ một buổi dạy nào. Lúc ấy tôi dạy cho các tăng ni trẻ. Mong ước sâu sắc nhất của tôi là xây dựng một thế hệ tăng ni trẻ có khả năng cung cấp cho xã hội một đạo Bụt mới mẻ, thiết thực hơn để đối trị hiệu quả hơn với những khổ đau hiện thực trên đất nước.
Tôi rất vui khi dạy những thầy, những sư cô trẻ ấy. Dù bị sốt, tôi vẫn có thể dạy. Hạnh phúc của tôi đủ lớn để ôm ấp cơn bệnh. Cho nên dù đang bị khổ mà có niềm vui của sự thực tập và có sự nâng đỡ của tăng thân, ta có thể “nổi trên mặt nước” cả về tinh thần lẫn thể chất. Ta không sợ bị chìm xuống đáy.
Hãy cho phép khổ đau có mặt trong mình. Đừng vội xua đuổi nó. Ta chỉ cần nhận diện và cho phép nó có mặt đó trong khi ta nuôi dưỡng một sự thực tập và hạnh phúc mới. Rồi một ngày nào đó, khi sự thực tập và hạnh phúc của ta đủ mạnh, ta sẽ lấy lại được thăng bằng. Ban đầu có thể hơi khó một chút nhưng với sự yểm trợ của tăng thân, dần dần chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn. Ta có thể xin tăng thân giúp ôm ấp nỗi khổ, niềm đau và sự u ám trong tâm. Một ngày kia, ta sẽ lấy lại cân bằng. Cả hai loại cảm giác tích cực và tiêu cực đều có tính chất hữu cơ. Do đó, sự phát triển của cái này nghĩa là sự yếu đi của cái kia. Chỉ cần nuôi lớn những điểm tích cực một cách đơn thuần mà không cần phải cố gắng thay đổi những điểm tiêu cực, sự chuyển hóa sẽ xảy ra.
Chia sẻ của học sinh về hạnh phúc và lối sống đơn giản:
“Hạnh phúc không nhất thiết phải dựa trên của cải vật chất. Bằng lối sống đơn giản, chúng ta cũng có thể thư giãn và tận hưởng cuộc sống.”
“Em có thể sống với rất ít thiết bị điện tử.”
“Các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận; chúng ta cần bảo vệ hành tinh của mình.”
“Chúng ta không cần phức tạp hóa cuộc sống; ta có thể cho dành cho bản thân nhiều thời gian tĩnh tâm để suy ngẫm về cuộc sống.”
“Ta có thể giảm thiểu việc sử dụng những đồ dùng gây ô nhiễm môi trường.”
“Sống đơn giản chính là hạnh phúc đích thực.”
Chia sẻ
VỮNG CHÃI NHƯ NÚI XANH
Terry Cortes-Vega, Master School, Hoa Kỳ
Trong một khóa tu cuối tuần, anh Chân Huy, một giáo thọ của Làng Mai, ngồi trước mặt 60 người lớn và 6 thiếu nhi lứa tuổi từ 2 đến 14.
“Các con đến ngồi đây.” Anh nói và ra hiệu mời các em nhỏ với một nụ cười. Các em đến ngồi quanh anh trong tiếng cười khúc khích.
“Hôm nay các con có vui không?”, Chân Huy hỏi.
“Có tuyết!”, bé Julia Kate 6 tuổi, hăng hái báo tin này cho anh. “Con gọi cái đó là tuyết sao?”, Chân Huy cười, “Ít quá!”
“Nhưng nó là tuyết đấy ạ”. Bé Julia khăng khăng, “Con đã nặn một cục tuyết để ném Alex đấy.”
“Ồ, vậy à”. Chân Huy cười với các em và hỏi: “Hôm nay các con có câu hỏi nào cho chú không?”
“Có ạ”, bé Eliana 7 tuổi nói khe khẽ. “Bé Eliana muốn hỏi câu gì nào?”
“Con muốn biết”, bé ngần ngừ một chút rồi nói tiếp, “Mình phải làm sao khi bị người ta chế giễu về văn hóa của mình?”. Anh Chân Huy nhìn bé, im lặng một hồi lâu.
“Chú đang cố nhớ lại lần cuối cùng chú bị chế giễu”, Chân Huy lên tiếng. Các em ngồi yên lặng, nhìn vào mắt anh và kiên nhẫn chờ cho anh nhớ lại.
Một lát sau Chân Huy nói: “Chú không nhớ ra lần cuối cùng chú bị chế giễu là hồi nào. Nhưng các bạn chọc ghẹo con như thế nào?”, Chân Huy hỏi Eliana. Em kéo xếch hai đuôi mắt lên. “Như thế này ạ”, em thì thầm. Những người lớn có mặt trong phòng cảm thấy lòng se lại.
“Con làm gì khi bị các bạn chế giễu như vậy?”, Chân Huy hỏi. “Con cố gắng không để ý đến”, em bé nói, “nhưng không dễ tí nào ạ.”
“Hmmm”, Chân Huy ngừng lại một chút rồi hỏi tiếp: “Bây giờ, con đang ở trong khóa tu, con nghĩ con sẽ phản ứng ra sao nếu các bạn chế giễu về văn hóa của con?”
Eliana suy nghĩ một hồi. Những người lớn chúng tôi cũng suy nghĩ. Tôi nên làm gì để giúp em bé dễ thương này? Tôi nên khuyên em điều gì? Cả căn phòng im lặng để tìm kiếm một câu trả lời từ trái tim.
Và rồi Eliana nói thật nhỏ nhẹ, “Con nghĩ con sẽ hát bài Thở vào, thở ra”. Những người lớn thở phào nhẹ nhõm. Vài người cố cầm nước mắt.
“Vậy bây giờ con có muốn hát bài đó không?”, Chân Huy nhẹ nhàng hỏi. Eliana gật đầu. Chân Huy tháo chiếc micro nhỏ đang đeo trên ngực áo và rồi giữ nó trước miệng em bé. Em bắt đầu hát. Những người lớn hát theo nho nhỏ để yểm trợ cho em.
Vấn đáp với thiền sư
HÃY LÀ ĐÓA HOA: Giúp các em đối trị khi bị chế giễu và hiếp đáp
CÂU HỎI CỦA CÁC EM: Thưa Sư Ông, chúng con nên làm gì khi bị các bạn chế giễu?
SƯ ÔNG: Có rất nhiều cách để thực tập. Nếu con là một người thực tập giỏi thì con có thể trở về với hơi thở và chỉ mỉm cười với người bạn đang đùa giễu mình. Con không nổi giận, con chỉ nhìn bạn ấy và nở một nụ cười. Làm như vậy, con cho bạn ấy biết là con không bị ảnh hưởng bởi cách hành xử của bạn ấy. Dù con không nói gì nhưng thông điệp của con rất rõ ràng: Tôi có bình an trong tâm, tôi không nổi giận đâu. Và đó cũng là một bài học cho bạn ấy. Con chỉ có thể làm được điều này nếu con đã biết thực tập từ trước. Ở nhà, nếu có ai làm gì khiến con bực bội, con trở về với hơi thở. “Thở vào, mỉm cười. Thở ra, lắng dịu”. Con chỉ nhìn người kia và thầm nói, “Tại sao bạn lại làm như vậy?”. Con không cần nói lớn câu này. Con chỉ nhìn và mỉm cười với người đó, trong lòng con có tình thương. Con sẽ thấy rằng vì người kia không hạnh phúc cho nên người ấy tìm cách để xả cái bực bội và bạo động ra ngoài. Những người có hạnh phúc không làm cho người khác khổ đau.
Mỗi khi thấy trong lòng bực bội, con đừng nói gì và làm gì cả. Chỉ trở về với chính con và thực tập hơi thở chánh niệm. “Thở vào, tôi thấy an tĩnh. Thở ra, tôi không nổi giận đâu”. Con hãy mỉm cười như một đóa hoa và người kia sẽ từ bỏ ý định khiêu khích hay chọc ghẹo của mình. Người ấy sẽ học hỏi từ cách hành xử của con. Hãy là một đóa hoa!
Khi con chọc tức một đóa hoa, khi con gọi đóa hoa bằng những từ không đẹp, đóa hoa sẽ làm gì? Nó sẽ tiếp tục mỉm cười với con. Hãy là một đóa hoa! Khi có ai đó chọc phá con, con chỉ cần thực tập: “Thở vào, tôi là hoa tươi mát. Thở ra, tôi là núi vững vàng”. Trong con có hoa và có núi.
Tất nhiên là ai cũng bị tổn thương khi người khác nói những lời không dễ thương với mình. Đó là một chuyện tự nhiên. Hãy tận dụng các phẩm chất của hoa và núi trong con, con sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời nói của người khác. Nếu con bắt đầu thực tập điều này từ khi còn nhỏ, con sẽ trở thành một người thực tập giỏi trong tương lai, và con sẽ có thể giúp được cho rất nhiều người, trong đó có con cháu của con nữa.
Đương nhiên giữ sự bình an không có nghĩa là mình không biết chăm sóc hay không biết cách bảo vệ bản thân. Trái lại, con nên chăm sóc và bảo vệ cho chính mình. Một điều quan trọng là nếu con sợ hãi khi ở trường, con bị ai đó đe dọa hoặc đụng chạm thân thể con một cách bất thường thì con phải hành xử khác hơn là chỉ yên lặng thở! Con cần phải được an toàn và biết tự chăm sóc cho bản thân dù bất cứ nơi nào. Quan trọng là con phải biết bảo hộ cho chính mình, ví dụ như là chạy đến một nơi an toàn và báo ngay cho người lớn biết chuyện gì đã xảy ra. Nói chuyện với người lớn mà con tin cậy để được giúp đỡ.
Giấc ngủ bình an
CÂU HỎI CỦA CÁC EM: Con có hai câu hỏi. Con phải làm gì khi gặp ác mộng và con rất sợ phải ngủ lại? Câu thứ hai là nhiều lúc con nằm mãi mà không ngủ được?
SƯ ÔNG: Sư Ông có vài đề nghị, tuy nhiên câu trả lời chưa được hoàn chỉnh lắm. Khi con thức dậy vì một cơn ác mộng, con không nên ngủ tiếp mà nên ngồi dậy để xoa bóp một chút. Hoặc là con đứng dậy tập vài động tác chánh niệm để máu lưu thông rồi hãy đi ngủ lại. Con cũng có thể uống một ly nước nóng.
Con nên cẩn thận khi xem truyền hình. Rất nhiều hình ảnh trên truyền hình có thể gây ra ác mộng. Do đó, chúng ta cần cẩn thận khi chọn chương trình truyền hình để xem. Ngoài ra, ta cũng không nên nghe những câu chuyện chứa nhiều sợ hãi, bạo động dễ gây ác mộng.
Đề nghị thứ ba là con nên học cách buông thư trước khi ngủ. Nằm xuống, theo dõi hơi thở, thở theo bài hát Thở vào, thở ra để cho toàn thân được thư giãn. Đó là phương pháp gửi tình thương đến cho thân và tâm của mình.
Một đề nghị nữa là người lớn có thể sắp xếp cuộc sống hàng ngày như thế nào để có thể thư giãn hơn trong cách nói năng, hành xử. Nếu trẻ em được sống trong một môi trường an lành, yêu thương và không bị tiếp xúc với các yếu tố bạo động và sợ hãi trên ti-vi, trong sách báo, truyện, chuyện trò thì phẩm chất giấc ngủ của các em sẽ tăng lên.
Ôm ấp cảm xúc
NHẬN DIỆN CẢM XÚC
Người hướng dẫn bắt đầu bằng những câu sau đây và các em lần lượt điền vào các chỗ trống để hoàn thành bài tập.
Giây phút hạnh phúc nhất của em trong ngày hôm nay là… Nếu có ai đó viết thư cho em, người đó sẽ là… Em hạnh phúc khi… Em buồn khi… Em biết ơn khi… Em giận khi… Em bình an khi… Em sợ hãi khi…
NHỮNG TẤM THẺ DIỄN TẢ CẢM XÚC
DỤNG CỤ: Chuẩn bị 8 – 15 tấm thẻ nhỏ làm bằng bìa cứng, bút chì màu, bút màu sáp, bút viết bảng hoặc bút bi.
Trên một mặt của tấm thẻ, các em vẽ một hình miêu tả một cảm xúc. Mỗi em có thể chọn một cảm xúc để vẽ: hạnh phúc, nỗi buồn, sự ngạc nhiên, sợ hãi, tổn thương, tò mò, trầm tĩnh… (Tốt nhất là nên có bảng danh sách những loại cảm xúc để các em tham khảo). Sau khi các em vẽ xong, thu những tấm thẻ lại.
Mỗi em nhận một tấm thẻ và diễn tả bằng điệu bộ cho cả nhóm đoán đó là cảm xúc gì. Hoặc mỗi em chọn một tấm thẻ và giải thích vì sao em chọn tấm thẻ đó. Có thể là hôm nay em đang cảm thấy như vậy. Người hướng dẫn cũng có thể đọc từng tấm thẻ và yêu cầu tất cả các em cùng diễn tả cảm xúc đó.
Chăm sóc “cái thất” của mình
Tôi sống trong một cái thất nhỏ ở miền quê nước Pháp. Một buổi sáng, tôi quyết định đi chơi trong cánh rừng gần đó trọn một ngày. Thế là tôi chuẩn bị một cái bánh mì sandwich, một chai nước lọc, một cái mền nhỏ để làm gối ngồi thiền. Trước khi đi, tôi mở tất cả các cửa sổ và cửa chính với hy vọng là ánh nắng mặt trời sẽ làm cho mọi thứ trong thất được khô ráo. Tôi đã thưởng thức cả buổi sáng hôm đó trong rừng. Nhưng khoảng ba giờ chiều, trời bỗng nổi gió và mây đen bắt đầu vần vũ.
Tôi biết là mình phải về thất gấp vì cửa chính và cửa sổ đều đang mở. Vừa về tới nơi, tôi thấy cái thất của mình đang ở trong một tình trạng thật là thê thảm. Gió đã thổi giấy tờ trên bàn bay đi tứ tung. Không khí trong thất lạnh ngắt, tối thui, rất khó chịu. Nhưng tôi không hề lo lắng. Tôi biết rất rõ mình cần làm gì. Trước hết, tôi đi đóng cửa chính và tất cả các cửa sổ lại. Để có ánh sáng, tôi thắp cây đèn dầu lên bởi vì trong thất không có điện. Tôi nhóm lò sưởi và thu nhặt những tờ giấy nằm vương vãi xung quanh rồi đặt chúng ngay ngắn lên bàn.
Khi tôi quay lại lò sưởi thì lửa đang cháy thật đẹp. Cái thất bây giờ ấm áp và thật dễ chịu. Tôi ngồi yên trước lò sưởi, thưởng thức hơi thở. Ngoài trời gió vẫn thổi mạnh, những hàng cây ngả nghiêng trong gió, nhưng bên trong thất, tôi cảm thấy ấm cúng, dễ chịu và hạnh phúc.
Có những ngày chúng ta cảm thấy lòng không ấm áp, không vui, giống như ta đang ở trong cái thất bị gió thổi vào làm mọi thứ bên trong vung vãi khắp nơi. Ta muốn nói cái gì đó để cải thiện hoàn cảnh nhưng lại làm cho tình trạng xấu thêm. Ta nghĩ: “Hôm nay xui xẻo quá”.
Giống như những gì tôi đã làm khi trở về thất của mình trong cơn bão, sự thực tập của chúng ta cũng vậy: phải khép tất cả các cửa sổ và cửa chính lại. Các cửa sổ chính là đôi mắt, đôi tai, cái miệng. Phải đóng tất cả lại. Khi nào cảm thấy khổ sở, bạn hãy làm như tôi đã thực tập với cái thất của tôi. Bạn cần khép tất cả các cửa sổ của mắt, của tai lại. Đừng nhìn, đừng nghe hay làm gì nữa. Rồi thắp lên một ngọn đèn, ngọn đèn của ý thức, của chánh niệm. Thở vào, thở ra. Chánh niệm là một ngọn đèn mà ta có thể thắp sáng trong chính tự thân mình. Có thể bạn cũng thích nhen một bếp lửa ở bên trong để sưởi ấm. Ai trong chúng ta cũng có một cái thất, đi bất cứ nơi nào ta cũng có thể mang cái thất đó đi theo. Khi ta cảm thấy khổ sở, ta thực tập trở về với cái thất, chăm sóc nó. Đóng tất cả các cửa sổ và cửa chính. Nhen lửa và dọn dẹp.
Chúng ta có thể tìm lại bình an và hạnh phúc bằng hơi thở chánh niệm và bước chân ý thức. Thành công được một lần, ta sẽ có tự tin và lần tới ta sẽ không bị rơi vào trạng thái đó nữa, ta sẽ biết phải làm gì để vui hơn và thoải mái hơn. Hình hài của ta chính là cái thất. Tâm của ta cũng là cái thất. Sẽ thật đáng tiếc nếu ta không biết cách sử dụng cái thất ấy để bảo hộ, trị liệu và thưởng thức.
Thở bụng
Khi cảm giác buồn, tuyệt vọng và giận khởi lên, chúng ta nên dừng lại cái ta đang làm để trở về ngôi nhà của tự thân và chăm sóc chính mình. Ta có thể ngồi hoặc nằm xuống và bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm. Thực tập hơi thở mỗi ngày có thể rất hữu ích. Một cảm xúc mạnh giống như một cơn bão. Và khi bão sắp nổi lên, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với nó. Ta không ở trên đầu – trên bình diện suy tư – mà nên đem sự chú tâm xuống bụng. Ta có thể thực tập thở bằng chánh niệm và để ý đến sự phồng xẹp của bụng. Thở vào, ý thức bụng đang phồng lên; thở ra, ý thức bụng xẹp xuống. Phồng, xẹp. Ta ngưng sự suy tư lại vì suy tư làm cho cảm xúc càng mạnh hơn.
Ta nên biết cảm xúc chỉ là một cảm xúc mà thôi; nó đến, trụ lại một thời gian, rồi sẽ đi. Giống như cơn bão. Ta không nên chết chỉ vì một cảm xúc. Chúng ta nên nhắc nhở những người trẻ điều này. Chúng ta là một cái gì đó lớn hơn những cảm xúc và ta có thể chăm sóc chúng dù cho đó là cảm xúc giận dữ hay tuyệt vọng. Ta không suy nghĩ nữa mà để hết 100% sự chú ý vào sự phồng lên, xẹp xuống của bụng. Làm được như vậy thì trong giây phút đó ta sẽ được an toàn. Cảm xúc của ta có thể kéo dài khoảng 5 hay 10 phút, nhưng nếu ta tiếp tục thở vào, thở ra, ta sẽ được an toàn bởi vì ta được bảo hộ bởi năng lượng chánh niệm. Chánh niệm chính là đức Bụt trong ta, giúp ta thực tập hơi thở bụng.
Chúng ta giống một cái cây trong cơn bão. Nếu nhìn lên ngọn cây, ta sẽ có cảm tưởng là cái cây có thể thổi bay đi hoặc các cành cây có thể bị gãy bất cứ lúc nào. Nhưng nếu đem sự chú ý xuống thân cây và ý thức là rễ cây đang cắm sâu vào lòng đất, ta thấy được sự vững vàng của cây. Tâm ta là ngọn cây cho nên đừng trụ nơi đó, hãy đem tâm ta xuống thân cây. Bụng ta chính là thân cây cho nên phải trụ nơi đó, thực tập thở sâu với chánh niệm thì cảm xúc sẽ dần tan đi. Khi bạn đã vượt qua được một cảm xúc, bạn sẽ biết làm gì trong lần tới khi có một cảm xúc mạnh phát khởi. Bạn sẽ lại vượt qua. Nhưng đừng đợi đến khi có một cảm xúc mạnh đi lên mới thực tập. Thực tập hơi thở chánh niệm hàng ngày rất quan trọng. Sau khoảng hai mươi mốt ngày thực tập, khi có một cảm xúc mạnh đi lên, ta sẽ nhớ thực tập một cách rất tự nhiên.
Nếu như ta trao truyền sự thực tập này cho một người trẻ thì có khả năng ta cứu vớt được cuộc đời của họ. Nếu các thầy cô giáo biết cách xử lí cảm xúc thì các thầy cô giáo có thể giúp cho học sinh xử lí cảm xúc của các em. Một số học sinh bị những cảm xúc đau buồn chiếm ngự nên không học được. Hướng dẫn các em một buổi buông thư trong lớp, dạy phương pháp thở bụng và giúp các em học cách đối phó với cảm xúc rất là thiết yếu. Tôi hy vọng rằng sự thực tập này có thể được nhân rộng trong hệ thống giáo dục.
Chia sẻ của học sinh về chăm sóc cảm xúc mạnh:
“Em học được cách thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng và năng lượng tiêu cực, em thấy phấn chấn hơn.”
“Khi cảm xúc không ổn định, em sẽ nhớ thực tập thở thật sâu và trở về với chính mình.”
“Em có thể cười thoải mái mỗi ngày để thư giãn thân tâm”. “Em học cách biết ơn để có thể hạnh phúc.”
“Khi tức giận, em sẽ tìm đến một nơi yên tĩnh và nhắm mắt lại, thả lỏng tâm trí cũng như cơ thể mình và nhìn lại những gì vừa xảy ra.”
“Em tự tin hơn vào bản thân. Mỗi khi mệt mỏi hoặc ưu phiền, em có thể lấy lại bình tĩnh
và để ý đến hơi thở của mình.”
THỰC TẬP THỞ BỤNG THEO CẶP
Bằng cách diễn đạt của mình, bạn hãy chia sẻ với các em cách chăm sóc “cái thất” của mình và cách thở bụng như
trên. Sau đó, bạn hỏi các em: “Các em đã từng trải qua cơn bão
cảm xúc mãnh liệt như vậy bao giờ chưa? Các em đã xử lí nó như thế nào? Đã bao giờ các em chứng kiến người khác trải qua một cơn bão cảm xúc chưa? Họ đã đối phó với nó như thế nào? Bây giờ, chúng ta sẽ học cách thở để làm lắng dịu các cảm xúc mạnh trong ta nhé”.
Cho các em thực hành theo cặp. Một em nằm xuống, em kia ngồi gần bên, nhẹ nhàng đặt tay lên bụng của bạn mình. Hai em cùng nhận diện hơi thở vào – ra, có thể đếm hơi thở đến một con số nhất định. Sau đó, hai em đổi vị trí
cho nhau. Khi hai em đã hoàn thành, hỏi “Các em cảm thấy như thế nào khi thở theo cách này?”.
Bây giờ, mời các em nằm xuống, đặt tay lên bụng mình để có thể cảm nhận sự phồng xẹp của bụng rõ ràng hơn. Hoặc các em có thể đặt một quyển sách hay một vật nặng tương đương để cảm nhận vật ấy, và cả sự phồng xẹp của bụng trong khi thở. Sau vài phút, cho các em ngồi dậy. Hỏi
“Các em có thể duy trì sự chú tâm nơi bụng và ý thức về hơi thở không? Có gì khác nhau khi thực tập với một người bạn?”.
Nếu các em thực tập hơi thở bụng thường xuyên, khi cảm xúc mạnh biểu hiện, các em sẽ thực tập một cách dễ dàng hơn.
Chia sẻ
GIÁO DỤC TÂM LINH TẠI HỒNG KÔNG
Cha Kwan[2] và Christine Cheung, Hồng Kông
Theo sự quan sát của tôi trong những năm gần đây thì nhiều trường học theo Cơ đốc giáo chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức tôn giáo mà không chú ý mấy đến khía cạnh tâm linh của giáo viên và học sinh. Do đó, vào năm 2008, trung tâm nghiên cứu Cơ đốc giáo (Centre for Catholic Studies) đã yêu cầu tôi tiến hành nghiên cứu về mặt giáo dục tâm linh. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội này để bồi dưỡng giáo viên và học sinh bằng cách giới thiệu những phương pháp thực tập có khả năng biến đổi giáo dục tôn giáo?
Tôi tiến hành đề án bằng cách giới thiệu trước tiên ba truyền thống chiêm nghiệm của Cơ đốc giáo (dòng Thánh Francis, dòng Thánh Benedict và dòng thánh Ignatius). Sau đó, tôi trình bày phương pháp tu tập chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có khoảng 30 giáo viên tham dự nửa ngày, trọn một ngày, hoặc ở lại qua đêm. Họ đã có cơ hội thư giãn, chiêm nghiệm và được nuôi dưỡng về tâm linh. Sự thực tập gây cảm hứng cho các thầy cô giáo và họ đã học phương pháp áp dụng sự thực tập vào trong trường học của họ.
Hai năm sau, chúng tôi thấy đề án này đã cho hoa trái. Trong năm học 2009-2010, đã có thêm tám trường (Tin Lành, Cơ đốc giáo và một số phi tôn giáo khác) tham gia. Hơn 40 giáo viên mới được huấn luyện. Đề án càng lúc càng phát triển.
Christine Cheung, giáo viên của một trong các trường Cơ đốc giáo, người giới thiệu về chương trình giáo dục tâm linh này đã viết như sau:
“Chúng tôi nhận thấy các em học sinh có thể lắng lại và thích sự yên tĩnh hơn. Cả giáo viên lẫn học sinh đều rất cần những giây phút thảnh thơi và vô sự như vậy. Người trẻ sử dụng phần lớn thời gian rảnh rỗi của họ trên các thiết bị điện tử làm cho cả thân lẫn tâm của các em rất mệt mỏi. Chương trình này đã cho các em cơ hội nghỉ ngơi và tiếp xúc với tâm hồn mình.
Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi không giảng dạy, cũng không hề có các tài liệu học thuật. Chính học sinh là tài liệu giảng dạy. Chúng tôi giúp cho các em ý thức về hơi thở, thân thể, bước chân, lời nói và cảm xúc. Sau đó, chúng tôi cho các em không gian để cảm nhận trạng thái buông thư, thoải mái và bình an. Sự chuyển hóa đến từ sự tự ý thức. Nhiều học sinh chia sẻ rằng sau khi tham dự chương trình, các em đã biết là nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm; học cách buông thư và phương pháp giảm thiểu những lời nói có tính tiêu cực.”
Trong buổi thực tập “Buông thư và giảm áp lực căng thẳng” đầu tiên có 120 học sinh, với sự hỗ trợ của thầy cô giáo, các em đã có thể tìm thấy sự tĩnh lặng và thư thái. Các em đề nghị trường học tổ chức những buổi thực tập như vậy thường xuyên hơn. Trong nhật ký của học sinh viết cho chương trình, chúng ta có thể thấy ước vọng sống có ý nghĩa của các em[3].
[1] Nếu không tìm được các hạt đậu thật thì bạn có thể cho các em vẽ các hạt đậu ra giấy. Mỗi em sẽ cần một tờ giấy và một cây viết. Cho các em vẽ một vòng tròn biểu tượng cho tâm của các em và vẽ các hạt giống bên trong vòng tròn đó biểu tượng cho các cảm xúc. Sau đó, các em có thể đặt tên cho các hạt giống. Bạn có thể linh hoạt điều chỉnh bài tập này cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
[2] Cha Kwan là một linh mục Cơ đốc giáo tại Hồng Kông. Sau khi tu tập ở Làng Mai, trở lại Hồng Kông, Cha đã bắt đầu dạy cho các tín đồ Cơ đốc trong giáo phận của Cha về sự thực tập chánh niệm, cũng như đem sự thực tập này vào trường học.
[3] Nhiều chia sẻ của các học sinh tham gia Chương trình Giáo dục Tinh thần tại Hồng Kông được trích dẫn trong sách này.