Hiểu và Thương

“Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.

Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.”

– Hai lời hứa

TRÊN ĐÂY LÀ HAI LỜI HỨA, một phép thực tập chánh niệm dành cho trẻ em. Để thương, bạn cần phải hiểu, bởi vì tình thương được làm nên bởi sự hiểu biết. Nếu bạn không hiểu một ai đó, bạn không thể thương được. Thiền tập là nhìn sâu để hiểu những nhu yếu, những niềm đau, nỗi khổ của người kia. Khi bạn cảm thấy mình được hiểu, bạn cũng sẽ thấy tình thương thấm vào trong bạn. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Tất cả chúng ta ai cũng cần được hiểu, được thương.

Mỗi người trong chúng ta thường có những sở thích khác nhau. Ví dụ như sau khi tan trường, bạn và một người bạn của mình muốn cùng làm một cái gì đó. Bạn ấy muốn chơi tennis, bạn lại thích đọc sách. Nhưng vì bạn muốn làm bạn mình vui, bạn đặt sách qua một bên, ra ngoài chơi tennis với cậu ấy. Khi bạn làm như thế, bạn đang tập hiểu đấy. Qua cái hiểu, bạn làm cho bạn mình vui. Khi bạn làm cho cậu ấy vui, bạn cũng vui lây. Đây là một ví dụ của sự thực tập hiểu và thương.

Bất cứ khi nào bạn đọc hai lời hứa này, bạn nên tự hỏi mình: “Từ khi mình tiếp nhận hai lời hứa này, mình có cố gắng học hỏi, có cố gắng thực tập những điều này không?”. Bạn không cần phải trả lời là có hay không. Thậm chí nếu bạn cố gắng học và thực tập hai lời hứa này thì cũng vẫn chưa đủ đâu. Cách trả lời hay nhất là mở lòng mình ra để cho những câu hỏi này thấm sâu vào toàn thể con người của bạn trong khi bạn thở vào, thở ra trong chánh niệm. Chỉ mở lòng ra thôi và các câu hỏi sẽ tự chúng làm việc âm thầm bên trong bạn để có câu trả lời.

Hiểu và thương là hai điều quan trọng nhất mà Bụt đã dạy. Nếu ta không cố gắng để mở lòng, để hiểu sự khổ đau của người khác, ta sẽ không thể thương và sống hòa thuận cùng nhau được. Chúng ta cũng nên cố gắng hiểu và bảo vệ sự sống của các loài động vật, cỏ cây và đất đá để chung sống thuận hòa với chúng. Nếu ta không hiểu thì ta không thể thương được. Bụt dạy ta đem đôi mắt hiểu thương để nhìn tất cả mọi loài. Và điều quan trọng là ta nên học cách để thực hành lời dạy ấy.

Tiếp nhận hai lời hứa

Trong các khóa tu do tăng thân Làng Mai hướng dẫn, trước khi người lớn tiếp nhận Năm giới, các em có cơ hội tiếp nhận Hai lời hứa trong một buổi lễ chính thức. Các em sẽ được nhận một pháp danh và một điệp hộ giới để nhắc nhở các em về những lời hứa ấy.

Trước đó, các em sẽ được yêu cầu viết xuống những ước nguyện của mình và cho biết tại sao các em lại muốn nhận Hai lời hứa. Sau đây là một vài câu trả lời của các em[1]:

Con muốn nhận Hai lời hứa vì nó sẽ giúp con có chánh niệm hơn và mọi người xung quanh con sẽ hạnh phúc hơn. Con cũng nghĩ là nó sẽ giúp con bớt sợ hơn đối với những người mới gặp lần đầu. – Joanna S., 12 tuổi.

Con hy vọng là Hai lời hứa sẽ giúp con hiểu nhu cầu của gia đình con hơn. Con cũng hy vọng là con có thể tự rèn luyện để có từ bi cho người khác và cho chính con. – Siena D., 11 tuổi.

Con muốn có nhiều từ bi hơn. Con muốn hiểu chính mình và hiểu người khác nhiều hơn. – Djuna W., 10 tuổi

Hai lời hứa sẽ giúp con tiếp xúc với mọi người dễ dàng hơn, làm cho con sống hạnh phúc hơn. – Nguyen An L., 7 tuổi

Con muốn có một kỷ niệm với Sư Ông vì Sư Ông rất dễ thương. Sư Ông chơi với trẻ con rất vui, và con thích hát và cầu nguyện nữa. – Max M., 7 tuổi.

Con thật sự muốn hiểu và giúp cho các loài. Con muốn ăn chay để bảo vệ các loài động vật. Con muốn chắc chắn không còn những người săn thú trộm nữa; con muốn trồng thật nhiều cây, gieo thật nhiều hạt và giúp người ta bớt khổ. – Maeve K., 7 tuổi

Con muốn nhận Hai lời hứa vì nếu có hiểu biết con sẽ biết kính trọng, dễ thương, có ích và biết chia sẻ. Nếu con có lòng từ bi, con có thể thương những người thân của con nhiều hơn và con cũng sẽ có thể lắng nghe người khác hay hơn. – Rayah B. , 11 tuổi.

Con muốn nhận Hai lời hứa vì nó sẽ giúp con hiểu khi nào thì con tưới những hạt giống giận, vui và từ bi trong anh và em gái của con, con sẽ sống hòa bình hơn với anh em của con. – Hylan K., 12 tuổi.

Con muốn nhận Hai lời hứa để học cách thương người khác sâu sắc hơn. – Mary Ann N., 11 tuổi.

CHIA SẺ VỚI CÁC EM VỀ HAI LỜI HỨA

Trong mỗi khóa tu, chúng tôi đều chia sẻ với các em Hai lời hứa có ích lợi như thế nào trong đời sống của chúng ta.

Để giúp các em khám phá ý nghĩa của HIỂU BIẾT, chúng tôi bắt đầu bằng các câu hỏi:

  • Đối với các em, hòa bình/bình an có ý nghĩa như thế nào?
  • Làm thế nào để ta có thể hiểu và chung sống hòa bình với người khác?
  • Với động vật?
  • Với cỏ cây và với Trái đất?

Các em sẽ bắt đầu liên hệ đến hoàn cảnh thực tế mà các em đã hoặc đang trải nghiệm. Có nhóm các em ít nói hoặc không đáp ứng lại các câu hỏi. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể chia sẻ những ví dụ về chính cuộc sống của mình để minh họa cho ý nghĩa của hiểu biết và thương yêu đích thực. Nên chuẩn bị sẵn vài câu chuyện để kể cho các em nghe khi chia sẻ về sự thực tập này. Chúng ta cũng có thể kể về cách quan tâm chăm sóc cho môi trường và đất Mẹ khi nói về sống chung an lạc với đất đá. Thường thường các em có rất nhiều ý tưởng trong việc bảo vệ môi trường.

Và tiếp theo chúng ta có thể tìm hiểu về ý nghĩa của TỪ BI:

  • Đối với em, thương yêu có nghĩa là gì?
  • Mình làm gì để thể hiện mình thương ai đó, hay cái gì đó, ví dụ như cha, mẹ, con mèo, con chó hoặc cỏ cây?.
  • Làm thế nào để bảo vệ những người, hay những gì mình thương yêu, bao gồm động vật, cỏ cây và đất Mẹ?
  • nếu mình thương bạn bè thì làm thế nào mình bày tỏ tình thương đó? Những người khác bày tỏ tình thương của họ đối với mình như thế nào?

Khi các em đã có thể nhận ra được những cái đẹp và tầm quan trọng về những phẩm chất của tình thương và lòng từ bi, bạn có thể giới thiệu về Hai lời hứa cho các em. Cho các em nghe bài hát Hai lời hứa (Bạn có thể tìm xem bài hát ở QR-code sau):

Sau mỗi lời hứa, ta thở vào – thở ra ba lần (um….ahh… ba lần), bởi vì ta cần sức mạnh và chánh niệm để giữ lời hứa của mình. Các em rất thích làm động tác trong khi hát. Bạn cũng có thể cho các em điền vào tờ giấy thực hành Hai lời hứa để hiểu sâu hơn và tìm thấy ví dụ cụ thể của riêng mình. Các em cũng có thể thích vẽ những hình ảnh tượng trưng cho cách mà các em thường biểu hiện tình thương và lòng từ bi trong đời sống thường nhật. Bạn cũng có thể trưng bày một tấm poster về Hai lời hứa trong lớp học để các em dễ nhớ. Cho các em trang trí tấm poster ấy.

TỜ THỰC HÀNH HAI LỜI HỨA

Bạn có thể hướng dẫn trẻ làm một tờ thực hành Hai lời hứa với các nội dung như trang bên:

Câu hỏi về muỗi

CÂU HỎI: Kính bạch Sư Ông, con hay bị muỗi cắn và con không muốn muỗi cắn con nữa. Mỗi ngày con có thể giết vài con muỗi được không ạ?

SƯ ÔNG LÀNG MAI: Con muốn giết bao nhiêu con muỗi?

BÉ: Chắc là mỗi ngày một con ạ.

SƯ ÔNG LÀNG MAI: Con có nghĩ như vậy là đã đủ rồi không?

BÉ: Dạ, đủ ạ.

SƯ ÔNG LÀNG MAI: Hồi nhỏ, Sư Ông cũng từng đặt ra câu hỏi như vậy. Sau này, Sư Ông phát hiện ra rằng loài muỗi cũng cần thức ăn để sống. Muỗi luôn cố gắng tìm kiếm thức ăn, cũng như loài người chúng ta vậy. Ta tìm kiếm thức ăn khi đói và đó là một điều rất tự nhiên.

Sư Ông nghĩ ta có nhiều cách để bảo vệ mình khỏi bị muỗi chích. Ở Việt Nam, ai cũng thường giăng mùng ngủ mỗi đêm để tránh muỗi. Nếu không có mùng thì chắc họ phải thức cả đêm để đập muỗi. Không chỉ một vài con, vì sau khi con giết một con thì con khác sẽ đến. Con có thể thức trắng đêm chỉ để đập muỗi. Vì vậy, giết muỗi không phải là giải pháp. Sư Ông nghĩ ở Làng Mai có một số mùng. Con chỉ cần hỏi các thầy, các sư cô để mượn một cái, như vậy con có thể cứu được mạng sống nhỏ nhoi của mấy con muỗi.

Lâu lâu Sư Ông thấy một con muỗi đáp xuống và Sư Ông tạo ra một trận bão nhỏ bằng cách phẩy nhẹ cánh tay cho nó bay đi. Sư Ông làm vậy mà không có chút bực bội nào. Sư Ông chỉ không cho nó đốt mình thôi.

Chuyện kể về mối liên hệ với động vật

Đây là hai câu chuyện có thật mà bạn có thể đọc cho các em nghe để tạo cảm hứng cho các em thảo luận về Hai lời hứa và bảo vệ cầm thú[2]. Bạn hãy mời các em kể những câu chuyện mà các em biết về động vật.

CÂU CHUYỆN VỀ VỊ BỒ TÁT Ở PARIS

Malakoff, một chú chó to lớn giống Newfoundland, là chú chó giữ nhà cho một thợ kim hoàn ở Paris. Một trong những người học nghề tại tiệm kim hoàn có tên là Jacques rất ghét Malakoff, bởi vì có lẽ chú chó này đã đánh hơi thấy nơi người đàn ông này một cái gì đó mà nó không tin tưởng.

Jacques lập mưu giết Malakoff.

Cùng với vài đồng bọn, Jacques dắt chú chó ra sông Sein, buộc một cục đá vào cổ nó và ném nó xuống dòng sông đang chảy xiết. Malakoff vùng vẫy để sống sót, bơi và vật lộn để vào bờ. Nó bơi thật hăng dù có một cục đá đang neo vào cổ và cuối cùng nó đã gắng vào được gần bờ. Bỗng nó nhìn lại phía sau và nhận ra người tấn công nó, Jacques, cũng đã bị rơi xuống nước và đang sắp chết chìm. Anh ta chới với trong nước, cố vươn lên để thở nhưng lại không biết bơi. Anh ta quá hoảng loạn và bắt đầu chìm xuống. Thấy vậy, Malakoff quay đầu lại và bắt đầu bơi về hướng Jacques. Mặc cho sức nặng quanh cổ, Malakoff vẫn bơi, thở hồng hộc và kiệt lực đến nơi người mưu sát nó đang vật lộn. Trong cơn tuyệt vọng, anh ta bíu lấy lông của Malakoff. Bây giờ, con chó đã quá yếu sức không thể chống lại dòng nước xiết để kéo anh ta lên bờ, nó dùng hết sức bình sinh chỉ để nổi theo dòng nước cùng với hai khối trọng lượng, của cục đá và của người đàn ông đang hoảng loạn. Con chó đã giữ cho Jacques nổi trên mặt nước đến khi mọi người đến kịp để cứu hộ.

Khi cả chó và người đều đã an toàn trên cạn, người học việc hối hận ôm con chó khóc sướt mướt xin nó tha thứ cho mình.

Câu chuyện về chú chó anh hùng này đã được lan truyền khắp Paris. Malakoff trở thành một biểu tượng của lòng dũng cảm. Khi Malakoff mất, hầu như toàn thể những người thợ học việc ở Paris đều đến đưa tang chú.

NHỮNG CHÚ CÁ HEO TỐT BỤNG

Tháng 6 năm 1971, Yvonne Vladislavich đang lênh đênh trên chiếc du thuyền giữa Ấn Độ Dương thì thình lình con thuyền nổ tung. Cô bị văng ra khỏi thuyền, may mắn là không bị thương tích gì nghiêm trọng. Thế nhưng con thuyền đã bị chìm và cô hoàn toàn không có nơi bám víu giữa đại dương. Cô không còn chút hy vọng được cứu thoát vì đang ở vùng không có tàu bè qua lại.

Hoảng kinh hồn vía, cô chỉ còn biết bập bềnh trong nước để chờ chết mà thôi. Nhưng rồi, Vladislavich thấy ba chú cá heo đang tiến lại gần. Trước sự kinh ngạc của cô, một chú cá heo lặn vòng phía dưới và dùng thân hình to lớn của nó để nâng cô lên. Vô cùng cảm kích, cô bám vào thân hình mềm mại bóng mượt của chú cá heo. Hai chú cá heo còn lại bơi vòng quanh cô để bảo vệ cô khỏi những con cá mập.

Những chú cá heo bảo vệ và đưa cô đi qua nhiều vùng biển nước ấm trong nhiều tiếng đồng hồ cho đến khi chúng đưa cô đến được dải phao cứu hộ trên biển. Các chú cá heo đặt cô lên phao và không lâu sau đó cô đã được một chiếc tàu đi ngang nhìn thấy và giải cứu.

Tính ra thì từ nơi có phao nổi đến vị trí thuyền cô bị nổ, các chú cá heo đã bảo vệ và đưa cô đi một khoảng cách 200 dặm (hơn 300 km) qua vùng biển hiểm nguy.

Những câu hỏi gợi ý cho các em cùng suy ngẫm về hai câu chuyện:
  • Trong hai câu chuyện trên, em thấy hành động nào là hành động của hiểu biết và từ bi?
  • Theo em thì làm thế nào mà những chú cá heo lại có mặt đúng lúc đúng nơi để cứu giúp cho cô gái ấy?
  • Theo em thì tại sao các con vật trong hai câu chuyện này lại muốn giúp những người chúng không quen biết, mà thậm chí còn giúp cho người đã cố tình hại chúng?
  • Em có biết câu chuyện có thật nào về các con vật giúp người hoặc giúp con vật khác hay không?
  • Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ động vật trong môi trường chúng ta đang sống?

Ăn trong chánh niệm

ĂN VỚI LÒNG TỪ BI

Việc ăn uống của chúng ta có thể rất bạo động cho chính bản thân và cho thế giới. Nếu chúng ta không biết thực tập ăn uống trong chánh niệm, có thể chúng ta sẽ đưa vào thân tâm rất nhiều độc tố và năng lượng bạo động. Đọc sách và xem ti-vi cũng có thể rất bạo động. Do đó, chúng ta phải học cách tiêu thụ trong chánh niệm. Chánh niệm có thể hướng dẫn và bảo vệ cho thân tâm ta, cho gia đình ta và tất cả mọi người, mọi loài trên Trái đất. Cả gia đình nên ngồi lại để cùng nhau thảo luận làm thế nào áp dụng sự thực tập bất bạo động trong cuộc sống hàng ngày qua việc ăn uống và giải trí.

Ăn uống có thể là một hành động tâm linh sâu sắc. Chúng ta có thể ăn như thế nào để nuôi dưỡng được tình thương và sự hiểu biết. Ta chỉ đưa vào cơ thể ta những gì nuôi dưỡng và trị liệu. Ăn như thế nào để năng lượng tình thương trong ta phát khởi và lớn lên. Đây là một sự thực tập rất sâu sắc. Khi chúng tôi tổ chức một buổi thiền trà tại Làng Mai hoặc thiền nước chanh cho thiếu nhi, hành động uống trà hay uống nước chanh trong tình thân hữu, trong niềm vui và hòa ái mang đậm tính tâm linh.

Ngồi xung quanh bàn ăn, một em có thể đọc Lời quán nguyện trước khi ăn. Em ấy có thể chỉ vào từng món ăn trên bàn và nói cho mọi người biết về nguồn gốc của thức ăn đó – để trồng được thức ăn đó, liệu người ta có phải làm tổn hại sinh mạng của nhiều loài sinh vật hay không, những cách thức sản xuất thực phẩm có đem lại sự hòa hợp và từ bi hay không.

Chúng ta phải ăn với một nhận thức sáng tỏ và trong chánh niệm để có thể thấy rõ ràng và gìn giữ lòng từ bi của mình. Suốt cuộc đời mình, tôi đã kinh nghiệm rằng một người không có từ bi là một người không thể có hạnh phúc. Không có năng lượng từ bi, ta sẽ bị cắt lìa khỏi thế giới. Ta không còn liên hệ gì với các loài khác. Vì vậy, ta ăn như thế nào để từ bi có mặt. Với ý thức về thiên nhiên và những loài khác trên trái đất, ta có thể học cách sản xuất thực phẩm và ăn như thế nào để sự sống trong và ngoài ta có thể tồn tại. Khi ta nuôi lớn ý thức này mỗi ngày, ta có thể ăn điểm tâm như thế nào để lòng thương của ta lớn lên và năng lượng nóng giận trong ta bắt đầu tan biến.

QUÁN NGUYỆN TRONG KHI ĂN

  1. Thức ăn này là tặng phẩm của cả vũ trụ: đất, bầu trời, cơn mưa và ánh nắng mặt trời.
  2. Chúng con xin cảm ơn những người đã làm ra thức ăn này, đặc biệt là người làm vườn, người đi chợ và người nấu ra thức ăn này.
  3. Chúng con chỉ lấy đủ lượng thức ăn mà mình có thể ăn.
  4. Chúng con nguyện nhai thật kỹ và thưởng thức từng muỗng thức ăn trước khi nuốt.
  5. Chúng con nguyện ăn như thế nào để có thể nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo vệ sự sống của các loài sinh vật, bảo hộ đất Mẹ và chuyển ngược quá trình hâm nóng địa cầu.
  6. Thức ăn này cho chúng con thêm năng lượng để sống dễ thương và hiểu biết hơn.
  7. Chúng con xin tiếp nhận thức ăn này để có thể khỏe mạnh, hạnh phúc và để thương yêu nhau như một gia đình.

Trong các khóa tu của chúng tôi, các em thích đọc những lời quán nguyện này cho cả tăng thân trước khi bắt đầu một bữa ăn. Các em cũng rất thích đọc và thực tập những lời quán nguyện trước khi ăn ở nhà hoặc ở trường.

THIỀN ĂN QUÀ

DỤNG CỤ: Thức ăn nhẹ, khay hoặc bát, khăn giấy; mỗi em một ly nước táo; chuông và dùi chuông.

Nên cho các em ăn các loại quà vặt lành, chẳng hạn như trái cây tươi hoặc khô, hạt, bánh bích quy làm từ các loại ngũ cốc lứt (không có nhiều chất phụ gia hoặc đường). Có thể cho các em uống nước táo trong loại ly có thể sử dụng nhiều lần để tránh xả rác, đồng thời chuẩn bị các thau nước để sau đó các em tự rửa ly của mình.

Sắp thức ăn nhẹ và khăn giấy trên khay hoặc trong bát. Chuyền khay một vòng để các em có thể tự lấy một ít. Sau đó, chuyền từng ly nước táo đến mỗi em.

Bây giờ, chúng ta có cơ hội thực tập thiền ăn. Khi các em chuyền khay đi, các em nâng khay để bạn ngồi bên có thể lấy thức ăn. Bạn ấy sẽ xá xuống trước khi lấy một khăn giấy và lấy thức ăn để lên đó. Sau đó, bạn ấy xá xuống một lần nữa rồi tiếp lấy khay để xoay qua bạn kế bên cho bạn ấy lấy khăn và thức ăn. Cứ như thế ta tiếp tục chuyền đi cho đến khi ai cũng có thức ăn.

Khi nâng khay cho bạn lấy thức ăn, các em nên thật sự nhìn vào mắt của bạn mình và thấy hạnh phúc với sự có mặt của bạn ấy. Xin các em chờ cho tất cả mọi người ai cũng có thức ăn rồi chúng ta sẽ cùng ăn và uống nước với nhau. Chúng ta sẽ ăn trong yên lặng để thực sự nếm và thưởng thức thức ăn.

Sau khi tất cả mọi người đều lấy thức ăn và nước, mời một em thỉnh chuông.

Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức bánh và nước trong yên lặng nhé.

Nếu thích, bạn có thể chuyền thức ăn thêm một vòng nữa.

Chúng ta cùng nhìn sâu vào miếng thức ăn này nhé. Các em cảm thấy như thế nào khi ăn trong im lặng?

[Thấy kỳ quá; em thích lắm ạ; buồn cười quá.]

Ăn trong im lặng khác thế nào với vừa ăn vừa xem ti-vi, vừa nghe nhạc hoặc làm bài tập?

[Ăn thế này em thấy mình có thể thưởng thức hơn.] Tại sao các em thích những thức ăn này?

Trong thức ăn này, các em thấy thành phần nào cần thời gian dài nhất để trồng trọt?

Thức ăn nào phải đi một quãng đường xa nhất mới đến được với chúng ta?

Các em có nếm được hương vị của mặt trời trong thức ăn không? Ngoài ra, các em còn nếm được những hương vị nào khác nữa?

[Mưa,người lái xe tải, những con giun đất đã làm cho đất trở nên tơi xốp.]

Vì thế, tất cả những cái đó đều làm nên thức ăn và nước trái cây, và những cái đó cũng trở thành một phần của ta khi ta ăn và uống nước trái cây.

Chúng ta hãy nhìn vào ly nước táo này. Một trái táo phải mất bao lâu để lớn lên?

[Từ mùa xuân tới mùa thu; vài tháng].

Về mặt kỹ thuật thì chỉ cần vài tháng để một bông hoa táo phát triển thành một trái táo, nhưng trước đó thì cây táo cần nhiều năm để lớn lên. Năm đầu tiên, cây táo không ra trái. Chúng ta cũng có thể nói rằng trái táo có vài năm tuổi, chứ không phải chỉ vài tháng tuổi.

Và trước khi “cây táo mẹ” có mặt phải có “cây táo bà”, vì vậy có thể nói rằng trái táo có tuổi bằng với tuổi của cây táo bà, và cứ như thế ta có thể đi ngược lại đến cây táo đầu tiên.

Vì thế, thực ra trái táo mà ta đang ăn có hàng ngàn năm tuổi! Nhìn trái táo theo cách này ta sẽ thấy thật là đặc biệt khi được ăn một trái táo! Qua bao nhiêu năm dài như vậy mới có mặt một trái táo, vậy mà chúng ta chỉ ăn nó trong một vài giây.

Vì trái táo đã đi qua một thời gian dài như vậy mới đến được với chúng ta, sẽ dễ thương hơn nếu ta thưởng thức nó một cách thong thả. Chúng ta có thể học ăn tất cả các thức ăn theo cách này.

Khi chúng ta thiết lập được cách ăn này như một nghi thức và lập lại một cách thường xuyên thì các em sẽ quen dần và chính các em sẽ muốn làm như thế. Đó là thời gian mọi người lắng xuống trong ngày, thời gian mà ta sẽ tận hưởng sự có mặt của nhau cùng với năng lượng định tâm. Khi được hỏi điều gì các em thích nhất trong chương trình thiếu nhi, vài em đã cho biết các em thích nhất là thiền ăn quà.

Quán chiếu của các học sinh lớp 9 về thiền ăn cam[3]

YEON JU: “Lúc đầu con không hiểu tại sao mình phải tốn nhiều thời gian như thế để chỉ suy nghĩ về một trái cam. Đơn giản là có người hái trái cam, người nông dân, người bán cam ở chợ. Nhưng rồi nhớ lại bài thơ của Sư Ông mà chúng con đọc trong lớp nhắc đến việc để làm nên trang giấy này, mưa phải rơi xuống cho cây cối lớn lên, con đã có thể tập trung vào ý nghĩa sâu sắc hơn của sự thực tập này. Nghĩa là vượt ra khỏi suy nghĩ rằng trái cam này là một vật đơn giản, nó có trên tay con một cách tự nhiên mà không phải đi qua một quá trình có dính líu tới cả ngàn chuyện khác. Trước khi có người hái cam, hay thậm chí người trồng cam, phải có sự tồn tại của Trái đất. Nghe có vẻ hơi cường điệu khi phải đi ngược lại đến thời tiền sử chỉ để nói đến việc xuất hiện của một trái cam. Nhưng cũng như toàn thể loài người, để có sự tồn tại của chúng ta vào thời điểm này, cũng cần một thời gian dài không kém.

Tóm lại, con đã học được rằng chúng ta không nên nghĩ rằng mọi thứ là điều dĩ nhiên, chúng ta nên nghĩ đến thời gian và quá trình hình thành nên nó, bao nhiêu công sức và thời gian đã bỏ ra chỉ để làm nên một vật đơn sơ. Qua đó, con đã học biết ơn, biết quan tâm và ý thức hơn về những cái xung quanh”.

AKASH: “Ở nhà con, khi ăn chẳng ai nghĩ đến những gì người khác trải qua để ta có thể thưởng thức thức ăn mà mình có. Khi chúng ta bắt đầu thiền ăn cam, con đã nghĩ đến những gì mà người ta đã làm, lần đầu tiên trong đời con đã gửi lòng biết ơn đến những người mà con không hề quen biết. Điều đó làm con nhận ra sao mình may mắn đến như thế. Nó cũng làm con nghĩ đến tất cả mọi thứ mà con ăn, uống đều có vẻ như là chuyện không đáng kể nhưng chúng ta lại phải phụ thuộc vào rất nhiều người khác để có được thực phẩm cần dùng.”

THIỀN NHO

DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em một hạt nho khô hoặc một miếng trái cây cỡ nhỏ.

Có rất nhiều cách thiền tập. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ hội được thực tập thiền ăn nho khô.

Chuyền nho khô cho các em. Mỗi em chỉ lấy một hạt, cầm trong tay nhưng không ăn.

Các em hãy giữ hạt nho khô trong tay. Hãy ngửi hạt nho. Chú ý đến màu sắc của hạt nho. Cảm nhận hạt nho trong tay (dẻo, khô, săn chắc, mềm…). Các em nhắm mắt lại và thở trong khi cô/ thầy thỉnh một tiếng chuông nhé.

Nhấp chuông và thỉnh một tiếng.

Các em tiếp tục nhắm mắt nhé và các em hãy thong thả ăn hạt nho khô trong yên lặng. Để ý đến tất cả các cảm giác: để ý đến hương vị của hạt nho khô. Dừng lại một chút. Để ý đến lưỡi của các em, chỗ nào trên lưỡi các em cảm thấy vị nho. Dừng lại một chút. Các em để ý đến lúc mình đang nhai hạt nho khô giữa hai hàm răng rồi từ từ trôi xuống cổ họng. Dừng lại một chút. Các em có cảm nhận được nho khô đang nằm trong bụng mình không?

Khi thấy các em đã hoàn tất phần thực tập, bạn thỉnh một tiếng chuông nữa.

Bây giờ, các em có thể mở mắt ra. Các em có nhận xét gì? Các em cảm thấy thế nào khi ăn một cái gì đó thật là chậm và với tất cả sự chú tâm của mình? Nó khác với cách ăn thông thường của các em như thế nào? Giờ thì mình đã ăn xong hạt nho khô rồi, hạt nho khô đã trở thành cái gì? Hạt nho khô đã đi đâu rồi?

Hạt nho khô được làm bằng những yếu tố nào? Viết những câu trả lời của các em lên bảng. Giúp các em thấy được tính tương tức của hạt nho khô – nó được làm bằng mưa, mây, ánh nắng và những người hái nho. Sau đó, hướng dẫn các em nhìn vào tự tánh tương tức của chúng ta qua câu hỏi Còn chúng ta thì sao; chúng ta được tạo bằng những yếu tố nào? Và cũng viết lên bảng những câu trả lời của các em.

[Chúng ta được tạo nên bởi cha mẹ, thức ăn mà ta ăn, sách mà ta đọc, không khí mà ta thở, nước mà ta uống]

Hãy tìm ra những mối liên hệ kết nối giữa chúng ta và hạt nho. Khuyến khích các em viết một bài thơ về hạt nho khô, sử dụng những từ ghi trên bảng.

TA CÓ TRONG NHAU

(LÀM BÁNH VIÊN BI BẰNG BƠ ĐẬU PHỘNG)

NGUYÊN LIỆU: Bơ đậu phộng, yến mạch khô (không đường), mật ong, hạt hướng dương.

Ngoài ra, có thể thêm bất cứ vật liệu nào sau đây cũng được: quế, nho khô, hạt bí, sôcôla vụn, dừa khô vụn, chà là khô, hạt hạnh nhân cắt nhỏ.

Nếu có em bị dị ứng với đậu phộng thì ta có thể thay thế bằng bơ hạt hướng dương.

DỤNG CỤ: Một tô lớn, giấy nướng bánh hoặc khay nướng, khăn giấy cho mỗi em, và tủ lạnh (nếu muốn).

Trước tiên, chúng ta cần phải rửa tay cho sạch sẽ. Có hai bài thơ ngắn chúng ta có thể đọc khi rửa tay.

Đọc bài kệ lên trong khi các em rửa tay.

Vặn nước

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy.

Rửa tay

Vặn nước để rửa tay

Xin nguyện cho mọi người

Có đôi bàn tay khéo

Gìn giữ Trái đất này.

Cách thực hiện bánh viên bi bơ đậu phộng

Trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau. Thêm yến mạch khô vào để làm hỗn hợp thêm đặc, hoặc cho thêm mật ong để hỗn hợp bớt đặc. Nếm thử xem đã vừa miệng chưa. Cho thêm những nguyên liệu mà bạn thích.

Khi bột vừa dẻo, lấy một miếng nhỏ và vo vo giữa hai lòng bàn tay để tạo thành một viên tròn cỡ quả bóng bàn. Làm ướt tay để không bị dính bột. Các em có thể tự đặt ra một bài kệ làm bánh. Bỏ bánh lên miếng giấy nướng. Khi tất cả đã được vo viên, đặt khay bánh vào tủ lạnh cho đến giờ ăn.

Công thức thay thế: Bánh viên bi bằng cà rốt, yến mạch, hạt carob và nho khô

NGUYÊN LIỆU: 1 cup[4] yến mạch, 1 cup cà rốt đã bào thành sợi nhỏ, ½ cup bột carob/bột cacao, ½ cup nho khô, nước táo, hạt đã được xay nhuyễn thành bột (hạt gì cũng được), dừa khô sấy dùng để rắc lên bánh (coconut flakes).

Gọt vỏ và bào cà rốt thành sợi nhỏ. Bỏ tất cả các nguyên liệu khô vào trộn đều, trừ dừa khô (coconut flakes). Đổ nước táo vào vừa đủ để hỗn hợp ráo và dính lại với nhau nhưng không quá khô. Nặn thành các viên bi tròn. Rải dừa khô xay nhuyễn lên một cái đĩa. Lăn các viên bi qua để dừa bám đều lên viên bi. Có thể để dành lại một vài viên bi không lăn trong dừa để cho những ai không thích dừa.

Các em có thể thấy đám mây trong các viên bơ đậu phộng không? Có thấy một chiếc xe tải lớn không? Các em có thể thấy rất nhiều người trong viên đậu phộng không? Nếu các em nhìn sâu, các em có thể thấy tất cả các thứ đó – và nhiều thứ khác nữa. Cô/thầy sẽ giúp các em nhé. Bơ đậu phộng làm bằng gì nào?

[Bằng đậu phộng]

Đậu phộng đến từ đâu? [Từ cây đậu phộng]

Cây đậu phộng cần gì để lớn lên? [Cần mưa]

Mưa đến từ đâu? [Từ mây]

À, thế nghĩa là có mây trong các viên bơ đậu phộng đúng không các em? Ta không thể có được những viên bơ đậu phộng này nếu không có những đám mây, phải không nào? Cô/thầy còn thấy cả một chiếc xe tải lớn trong những viên bơ đậu phộng này nữa đó. Các em có thấy nó không? Các em có thể giải thích làm thế nào mà chiếc xe ấy lại có mặt trong đó không? (Công nhận tất cả các câu trả lời nào nói lên tính tương tức, ví dụ như “chiếc xe tải phải chuyên chở đậu phộng từ nông trại đến cửa hàng).

Các em còn thấy thêm nữa? Đây có thể là một cuộc thảo luận rất sôi nổi. Dĩ nhiên, không có cái gì mà không có mặt trong các viên bơ đậu phộng. Vì vậy, tất cả các câu trả lời đều đúng!

[Em thấy nước Brazil vì cacao được trồng ở đó. Em thấy ánh nắng vì hướng dương cần nắng. Em thấy những người hái đậu.]

Tiếp tục cuộc thảo luận cho đến khi không ai có ý gì nữa, hoặc đến khi có em nhận ra rằng tất cả mọi người và mọi vật đều nằm trong mọi người và mọi vật, đó là tất cả ở trong một.

Tạo sao chúng ta cần phải biết rằng mọi người và mọi loài có mặt trong nhau? Tại sao chúng ta cần phải thấy đám mây, chiếc xe tải, mọi người và mọi vật, trong đó có cả chính bản thân mình đang có mặt trong viên bơ đậu phộng và trong nhau?

[Để chúng ta nhớ quan tâm chăm sóc cho tất cả mọi thứ. Để chúng ta không cảm thấy cô đơn nữa. Để chúng ta thấy yêu thương tất cả mọi người.]

VẼ SỰ TƯƠNG TỨC

DỤNG CỤ: Giấy, bút màu.

Có thể vẽ riêng hoặc vẽ theo nhóm. Bạn có thể làm một tấm poster, ở chính giữa bạn vẽ một cái bánh bích quy, một trái táo, hạt nho khô, hoặc thức ăn nhẹ mà bạn thường ăn. Cho các em vẽ xung quanh tất cả những thứ làm nên thức ăn đó: mặt trời, mưa, đại địa, cây cối, người nông dân, động vật… Sau đó, trưng bày tấm poster trong phòng học để nhắc nhở mọi người về tự tính tương tức của thức ăn.


[1] Trích từ cuốn sách I Have Arrived, I Am Home: Celebrating Twenty Years of Plum Village Life, Thích Nhất Hạnh (Berkeley, CA: Parallax Press, 2003).

[2] Trích từ tác phẩm Peaceful Kingdom: Random Acts of Kindness by Animals (tạm dịch: Vương quốc bình an: Những hành động đầy từ bi của các loài thú) của tác giả Stephanie Laland (Newburyport, MA: Conari Press, 2008).

[3] Các học sinh của lớp cô Meena Srinivasan, trường American Embassy tại Delhi, Ấn Độ.

[4] 1 cup = 232gr