Lạy thứ hai
Trở về kính lạy, Bụt và tổ sư, truyền đăng tục diệm gia đình tâm linh qua nhiều thế hệ
“Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỷ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị Bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ 2600 năm nay. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng và năng lượng của Liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hoá cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và gia đình con. Con mở rông trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm tuệ giác tình thương sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị, Con nguyện tu tập để chuyển hoá và để truyền về cho thế hệ tương lại năng lượng của Bụt của tổ và của thầy”.
Con thấy thầy con. Trong khi lạy xuống ta phải thấy thầy của ta, ta thấy nét mặt của thầy ta. Nếu thầy ta tịch rồi, mỗi buổi sáng thắp hương ta nhớ thở có chánh niệm và nhìn vào hình của thầy đừng có nghĩ vẩn vơ. Thắp hương trên bàn Bụt, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thắp hương trên bàn thờ tổ sư là một sự thực tập. Thân ta thanh tịnh, tâm ta thanh tịnh: cầm cây hương ta biết rằng ta đang thực tập xúc tiếp với tổ tiên tâm linh của ta. Nhìn vào mặt thầy ta thấy rằng ta là sự tiếp nối của thầy ta. Đây là dòng họ tâm linh. Có thể thầy ta cũng có khuyết điểm, nhưng dầu sao vị đó cũng là thầy của ta, vì thầy đã mang trong con người của thầy cái tuệ giác của nhiều thế hệ. bàn thờ có trang bị hình ảnh của tổ tiên huyết thống hay tổ tiên tâm linh đó là một điều rất hay. Hình ảnh của một người cũng được, một người đại diện cho tổ tiên mà ta đã được gặp thuở sinh thời. Nhìn gương mặt ấy, ta hình dung lại được biết bao nhiêu kỷ niệm: âm thanh và hình ảnh; chính những kỷ niệm âm thanh và hình ảnh đó giúp ta tiếp nối được với tổ tiên một cách dễ dàng. Ta có thể đặt hai hay ba bức hình trên bàn thờ, nhưng ít nhất là phải có một bức hình. Mỗi khi tới bàn thờ để thắp hương ta phải có chánh niệm. Hai mắt ta phải tiếp xúc với hình ảnh đó và ta hãy mỉm cười với thầy của ta. “Thầy ơi con đây, con đang thắp nhang cho thầy đây”. Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con. Thấy thầy tức là thấy sư ông. Không có sư ông thì không có thầy. Nếu ta may mắn đã được sống với sư ông của ta một thời gian thì sự quán chiếu của ta rất dễ. Những âm thanh những hình ảnh những kỷ niệm kia làm cho sự quán chiếu trở nên dễ dàng. Người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỷ Ni đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán. Ta kể tên vị nào cũng được nhưng ta phải kể ra một số tên. Nếu ta đã học về các vị tổ sư thì ta sẽ có ý niệm rõ ràng hơn về các vị tổ sư ấy. Ta biết rằng nếu không có các vị tổ sư ấy thì không có ta. Và sở dĩ hôm nay ta được thực tập phương pháp thở, phương pháp cười, phương pháp đi thiền hành và phương pháp chuyển hoá khổ đau là nhờ các vị. Khi đọc tên các vị và quán chiếu về các vị thì tự nhiên ta tiếp xúc được với các vị và năng lượng của họ sẽ được biểu hiện trong huyết quản của ta. Dầu trong số các vị ấy có những vị còn có những khuyết điểm cũng như cha mẹ ông bà ta cũng có khuyết điểm, thì ta vẫn chấp nhận.
Qua các vị, con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con. Bụt là tổ tiên tâm linh của ta. Phải thấy được Bụt là tổ của ta, là một người bà con trong gia đình tâm linh của ta. Phải có một ý niệm thật gần gũi với Bụt mà đừng nghĩ rằng Bụt là một thần linh xa cách. Ta là con của Bụt, ta là cháu của Bụt. Bụt đã truyền cho ta biết bao nhiêu châu báu qua các tổ và các thầy. Phải thấy rõ ràng Bụt ở trong ta. Thấy được thì ta tiếp nhận được năng lượng của Bụt và ta biết rằng chánh niệm là năng lượng của Bụt. Qua các vị, con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ 2600 năm nay. Có khi quán chiếu về Bụt Thích Ca, ta cũng quán chiếu được cả về những vị đã từng làm thầy của Bụt Thích Ca, dầu rằng trình độ tu chứng của những người đó còn thấp hơn Bụt nhưng Bụt cũng đã có lúc nương tựa vào những người đó trong buổi đầu của sự thực tập. Bụt Thích Ca cũng có gốc rễ chứ không phải là không có gốc rễ. Bụt Thích Ca cũng có cha mẹ, cũng có ông bà cũng có thầy tổ như chúng ta. Chính Bụt Nhiên Đăng đã là thầy của Bụt Thích Ca trong một kiếp nào đó và đã thọ ký cho Bụt. Cũng như Thiện tài đồng tử (Sudhana) đã đi học cùng khắp với 53 thầy, trong đó có những thầy ngoại đạo, trong đó có những thầy còn là thiếu nhi. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng và năng lượng của liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Nếu con có một ít chất liệu của bình an, của hiểu biết, của thương yêu là cũng nhờ quý vị. Ta phải thấy được điều đó và khi thấy được thì tự nhiên ta thấy nguồn năng lượng của quý vị lưu nhuận trong con người của ta.
Con biết Bụt đã giáo hoá cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Từ thế kỷ thứ hai, Bụt đã bắt đầu giáo hoá cho đất nước chúng ta: đã làm cho nếp sống tâm linh và văn hoá chúng ta đẹp hơn., mất đi những nét thô lậu, và công trình khai sáng đó của Bụt ta thấy được, ta tiếp nhận được. Có những người Việt tự nói là không theo đạo Bụt, nhưng chính những người đó trong máu huyết cũng có chất liệu của Bụt. Dù họ nói: “Tôi không theo đạo Bụt, tôi ghét Bụt” thì chúng ta vẫn có thể mỉm cười nhìn họ, tại vì cả dân tộc ta trong 2000 năm qua đã từng học sống với chất liệu từ của Từ Bi, của hiểu biết. Có những bà cụ buổi sáng đi ra vườn thấy những cành cây gẫy mà cũng xuýt xoa và thương xót thì ta biết sự thương xót một cành cây hay sự xuýt xoa đó cũng đã được phát xuất từ dòng máu của Từ và của Bi thấm nhuần qua bao thế hệ. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý và Trần. Lý và Trần là hai thời đại độc lập mà chủ lực tinh thần là đạo Bụt, từ vua cho đến dân ai cũng đều tu tập. Trong đời Lý một người tù binh bị bắt đem từ Chiêm Thành về đã được nhận diện là thiền sư và được tôn làm quốc sư. Đó là thiền sư Thảo đường. Chúng ta biết thái độ ấy rộng mở đến mức nào. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hoá và để truyền về cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của tổ và của thầy. Trong thời gian phủ phục ta phải tiếp nối cho được ta phải tiếp xúc cho được với gia đình tâm linh của ta. Con người không thể có hạnh phúc khi chỉ có gia đình huyết thống. Chúng ta phải có hai gia đình: gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Khi gia đình huyết thống có vấn đề thì gia đình tâm linh tới giúp đỡ; khi gia đình tâm linh có vấn đề thì gia đình huyết thống tới yểm trợ. Thiếu một trong hai gia đình, chúng ta sẽ mồ côi, cho nên một con người văn minh là phải có tới hai gia đình.
Đối với thiền sinh ngoại quốc thì sau cái lạy thứ hai có cái lạy thứ ba về nguồn gốc tâm linh cũ của họ. Đạo Bụt là một phép thực tập có thể giúp họ trở về nguồn gốc tâm linh của họ. Có rất nhiều người tới thực tập với đạo Bụt là tại vì họ chán ghét truyền thống tâm linh của họ. Họ ly khai giáo đường, ly khai giới tăng lữ của họ, vì họ cảm thấy không thoải mái trong thái độ và phương thức trao truyền những chất liệu tâm linh đó. Họ đã khổ cho nên họ đi kiếm một truyền thống khác. Trong trường hợp này họ đi tìm tới đạo Bụt với một mơ ước là có thể lấy một truyền thống tâm linh khác để thay thế cho truyền thống tâm linh của mình và họ nguyện vĩnh viễn đoạn tuyệt với gia đình tâm linh truyền thống của họ. Theo tuệ giác đạo Bụt, thì mơ tưởng đó là hão huyền. Khi con người như một cái cây bị bứng gốc ra khỏi văn hoá truyền thống tâm linh của mình thì con người ấy khó lòng mà có hạnh phúc. Cho nên phương pháp hữu hiệu nhất có thể được cống hiến cho họ là thực tập đạo Bụt như thế nào để có thể trở về hàn gắn, hoà giải và hội nhập được lại với gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của họ, để họ có thể tìm ra lại được những châu báu ẩn tàng trong truyền thống của họ mà trước đó họ chưa thấy. Nhờ thực tập họ thấy rằng giữa truyền thống mà họ đang học với truyền thống cũ của họ có những điểm tương đồng và như vậy, không có cảm giác phải ruồng bỏ truyền thống tâm linh của họ thì họ mới thành công. Họ cần thấy rằng chính trong truyền thống đạo Bụt cũng cần phải có sự chuyển hoá và do đó họ thấy trong truyền thống tâm linh của họ cần có sự chuyển hoá. Không có dòng tâm linh nào, dòng sinh mạng nào dầu là huyết thống hay tâm linh mà không cần sự chuyển hoá. Cũng như một thân cây cần phải được cắt bỏ những cành mọc ngược, không ích lợi, làm mất thăng bằng cho cây và có thể làm cây ngã, một truyền thống tâm linh cũng cần phải được chuyển hoá và chăm sóc để có thể phục hồi được sức mạnh của nó. Thực tập đạo Bụt để trở về chuyển hoá truyền thống tâm linh của ta, để phát kiến những cái hay, cái đẹp, những châu báu cất dấu trong truyền thống tâm linh của mình; đó là chuyện ta có thể khuyến khích các bạn ngoại quốc thực tập. Khi họ thấy được rằng giữa đạo Bụt mà họ đang thực tập với truyền thống tâm linh của họ không có sự chống đối và đạo Bụt có thể làm giàu và làm sáng cho truyền thống tâm linh của họ thì lúc đó họ mới trở thành con người có hạnh phúc. Cũng như chúng ta là những người tu tập trong đạo Bụt vẫn có thể thấy được những cái đẹp cái hay và những châu báu trong các truyền thống tâm linh khác và chúng ta sẵn sàng tiếp thu những cái đẹp đó để làm giàu cho truyền thống của chính chúng ta. Trong 2600 năm lịch sử đạo Bụt đã hành xử như vậy: thu thập và chuyển hoá để cho đạo Bụt càng ngày càng thích hợp với những nhu yếu có thật của từng thế hệ.