Thiền duyệt

7 – Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui

Một mặt chúng ta hành trì giới luật, sống chánh niệm để đừng đưa vào bản thân những độc tố của khổ đau; một mặt khác, ta phải tiếp xúc và tự nuôi dưỡng bằng những niềm vui. Ta cần thái độ khôn ngoan và tài tổ chức của chúng ta: tổ chức khéo léo đời sống cá nhân và đời sống tăng thân, để mỗi ngày ta được nuôi dưỡng bằng những chất liệu bổ dưỡng, chất liệu của Hỷ và của Lạc. Trong thiền môn chúng ta thường nói rằng hỷ và lạc là thức ăn của người tu. Trong bài văn cúng ngọ, ta có danh từ thiền duyệt vi thực. Thiền duyệt vi thực tức là niềm vui của thiền định được dùng làm thức ăn mỗi ngày. Mà niềm vui của thiền định cụ thể là những niềm vui nào, chế biến cách gì? Làm thế nào để sản xuất được những niềm vui đó và phải ra góc vườn nào để hái được niềm vui đó? Làm thế nào để mỗi ngày đều có nụ cười, đều có ánh mắt thương yêu, đều có hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể trong đó mình tu học? Có thông minh, chúng ta dùng thông minh; có tuệ giác chúng ta dùng tuệ giác; có khiếu tổ chức, chúng ta dùng khiếu tổ chức; biết hát chúng ta dùng câu hát; biết đàn chúng ta dùng tiếng đàn…Chúng ta có thể sử dụng tất cả những yếu tố đang có để đem lại niềm vui sống cho chính chúng ta và cho những người xung quanh ta. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng niềm vui này là niềm vui thiền duyệt chứ không phải là thứ vui đùa trong quên lãng, thứ vui chơi có chứa đựng độc tố. Danh từ độc tố của niềm vui đã được dùng trong sách Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga). Niềm vui của thiền duyệt rất mạnh khoẻ, có tác dụng nuôi dưỡng lòng thương, chánh niệm và tuệ giác.

Ở trong đạo Bụt chúng ta thường phân biệt Hỷ và Lạc, có khi chúng ta gọi chung là hỷ lạc, và nền tảng của lạc và hỷ đều là sự an ổn. Hỷ thường được dịch là niềm vui (joy). Lạc thường được dịch là hạnh phúc (happiness). Hai yếu tố này có liên hệ với nhau. Các bộ luận lớn thường nói rằng lạc bao gồm cả thân và tâm, còn hỷ thì thiên về tâm hơn. Năng lượng của Từ có tác dụng đem lại hạnh phúc gọi là từ năng dữ lạc. Dữ tức là hiến tặng. Năng lượng của Từ có thể hiến tặng hạnh phúc. Vậy ta dịch lạc là hạnh phúc và hỷ là niềm vui. Cố nhiên là trong lạc có hỷ và trong hỷ có lạc.

Giả dụ trong một buổi pháp đàm chúng ta bàn về thức ăn tinh thần của chúng ta, làm thế nào để đời sống của tăng thân càng ngày càng thêm hạnh phúc, làm thế nào để cá nhân cũng như đoàn thể mỗi ngày đều được nuôi dưỡng bằng hỷ và lạc. Trong khi chia sẻ những kinh nghiệm đó, chúng ta thấy những hành động nào những lời nói nào những cách tổ chức nào đã đem lại sự căng thẳng, sự tỵ hiềm, sự khổ đau thì chúng ta nhất quyết không chấp nhận và không lập lại những sai lầm ấy. Chúng ta mỗi người tự cam kết không sử dụng những lề lối sinh hoạt như thế. Pháp đàm như vậy rất quan trọng. Nền tảng của pháp đàm là kinh nghiệm của chúng ta, những đau khổ hạnh phúc của tăng thân ta. Chúng ta biết rằng trong quá khứ vì hành động như thế nói năng như thế và sắp đặt như thế mà có những người đã đau khổ thì chúng ta mới đồng ý với nhau là chúng ta đừng nên lặp lại những hành động đó, những lời nói đó và những cách tổ chức đó. Khi đã đồng ý với nhau rồi chúng ta có quyền nhắc nhở nhau cũng như người trong một nước có quyền nhắc nhở nhau về hiến pháp và phải sống với hiến pháp đó. Đó là pháp và luật. Nếu sư anh lỡ quên thì sư em nhắc, nếu sư em quên thì sư chị nhắc và đó là nhắc nhở nhau theo đúng chánh pháp, không ai có thể vì vậy mà giận mình. Khi ta nhắc người kia một điều mà chính người đó đã đồng ý và đã chấp nhận, đó là ta nâng đỡ và yểm trợ cho nhau. Miễn là ta nhớ sử dụng ngôn ngữ từ ái để người kia không nghĩ rằng ta đang chỉ trích hoặc lên án. Đứng về phương diện tích cực, có những hành động, những câu nói và những cách tổ chức có thể đem lại hạnh phúc cho bản thân ta và cho các phần tử khác trong tăng thân. Mỗi ngày, tôi nguyện làm một điều như thế, nói một điều như thế và tổ chức theo cách ấy để đem lại nụ cười và ánh mắt thương yêu cho chính chúng tôi và cho những người xung quanh.

Trong bài Sám Nguyện có câu sáng cho người thêm niềm vui, đó là một sự thực tập. Khi dịch ra tiếng Anh ta còn đi xa hơn nữa, I vow to bring joy to one person in the morning. Trong khi ngồi thiền buổi sáng ta tự hỏi: sáng nay ta sẽ làm nở được nụ cười trên mặt người nào? Đây là nghệ thuật làm hạnh phúc. Khi xuất gia, ta đã phát nguyện làm hạnh phúc cho nhiều người, vậy hôm nay ta làm hạnh phúc cho một người, ngày mai ta làm hạnh phúc cho một người khác. Làm hạnh phúc cho người nhưng khi người có hạnh phúc thì tự nhiên niềm vui đó sẽ trở về với ta một cách rất mau chóng. Làm hạnh phúc cho người tức là làm hạnh phúc cho mình. điều này chắc ai trong đại chúng cũng đã thấy rồi. Khi ta có khả năng làm nở nụ cười trên mặt một người anh, một người chị hay một người em thì niềm vui của người ấy lập tức đi về ta, ta được nuôi dưỡng ngay lập tức. Niềm vui ấy có tính tương tức. Chúng ta thường lặp lại cho nhau nghe là hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Nếu người kia không có hạnh phúc thì ta cũng khó mà có hạnh phúc, vậy nên ta làm thế nào cho người đó được an, được lạc và được hỷ thì chính ta cũng sẽ được an được lạc và được hỷ. Ta thực tập không phải chỉ cho người đó, ta thực tập cho ta và cho tất cả mọi người, cho luôn cả tổ tiên, ông bà và con cháu đang có mặt ở trong ta. Theo nguyên tắc ban đầu ta phải học nuôi dưỡng ta mỗi ngày bằng những niềm vui. Có những ngày ta không đi ra ngoài được, ta không được đi thiền hành. Không được thở không khí trong lành, không có cơ hội vuốt ve những cành cây và nhìn những ngôi sao trên trời thì ta thấy thiếu thốn, ta rất mong ước được ngồi với tăng thân. Tất cả chúng ta đều đói khát thứ hạnh phúc đó, và hạnh phúc đó là cái mà chúng ta có thể làm ra được để có thể tự nuôi dưỡng ta. Trong những buổi pháp đàm ta phải rất cụ thể. Ta làm hạnh phúc cho bản thân và cho nhau như thế nào? Tại sao chúng ta lại phải pháp đàm về những đề tài mơ hồ, ngày này sang ngày khác, trong khi đó vấn đề nuôi dưỡng bản thân bằng hạnh phúc là những đề tài rất cụ thể trong đó mỗi người đều có thể đóng góp được? Người nào cũng có tài năng. Khi chúng ta biết tự nuôi dưỡng mỗi ngày bằng niềm vui thì tự nhiên những nỗi khổ những niềm đau và những nội kết trong ta sẽ từ từ được chuyển hoá. Dầu chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với chúng, chúng cũng vẫn chuyển hoá. Sống vui trong tăng thân, một năm, hai năm, ba năm, những nỗi khổ niềm đau của ta sẽ giảm bớt. đó là dùng niềm vui để diệt trừ khổ đau. Niềm vui đi vào cơ thể có tác dụng chuyển hoá niềm đau. Trong cơ thể ta có những kháng thể (anti–corps), và dầu ta muốn hay không muốn, khi ta bị một vết thương khi có một vi khuẩn ngoại thể từ ngoài xâm nhập thì những kháng thể trong cơ thể ta tự biết cách tìm tới, vây quanh cô lập hoá vi khuẩn ấy và cuối cùng còn biến chế vi khuẩn ấy thành một loại chất đạm có ích cho cơ thể ta. Nếu chưa đủ kháng thể, cơ thể ta sẽ biết cách tạo tác thêm để làm công việc đó. Khi chúng ta đưa vào trong cơ thể và tâm hồn của chúng ta những niềm vui của sự sống hàng ngày gọi là thiền duyệt thì những yếu tố ấy sẽ làm cho cơ thể và tinh thần chúng ta mạnh hơn lên. Chúng biết làm thế nào để chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau có sẵn trong tâm ta một cách rất mầu nhiệm.