Không gian thênh thang
Khi thương nhau, chúng ta phải cam kết một điều là làm sao cho tình thương giữa hai chúng ta, hay ba chúng ta, hay bốn chúng ta đừng mang tính chất chiếm hữu và độc tài. Thương như thế nào để ta còn là ta, để ta còn giữ được cái không gian của ta và người ta thương cũng giữ được cái không gian của người ấy. Thương mà không có chánh niệm ta đem khổ đau cho chính ta và cho người ta thương. Thương mà không bết cách thương, thương thì gây thương tích cho người ta thương và gây thương tích cho chính mình. Ta phải hỏi câu hỏi là tình thương của ta có tính chất chiếm hữu, độc tài và vướng mắc hay không. Ta tự hỏi và tới hỏi người kia: “Này anh, trong tình thương của tôi có tính chất độc tài không, có tính chất vướng mắc không, có tính chất chiếm hữu không? Khi tôi thương anh, tôi có làm anh đau khổ hay không?” Nếu ta hỏi được câu đó thì ta đã có can đảm. “Này em, em có đau khổ vì cách tôi thương em hay không?”. Cha cũng phải hỏi con câu đó. Mẹ cũng phải hỏi con câu đó. Chồng phải hỏi vợ câu đó, vợ phải hỏi chồng câu đó. Người yêu phải hỏi người yêu câu đó. “Này anh, tình thương của em có phải là cái nhà tù của anh hay không?” Khi thương ta muốn có hạnh phúc cho ta và cho người ta thương. Nếu tình thương bi lụy, sầu khổ và kéo theo những bi kịch thì thương làm gì? Thà rằng không thương cho xong. Tình mẹ thương con cũng có thể kéo cả hai mẹ con rơi vào tình trạng đó.
Chữ Từ (Phạn là maitri, Pali là metta) có gốc rễ từ chữ mitra có nghĩa là bạn. Từ nghĩa là tình bạn. Con có thể là bạn của cha, anh có thể là bạn của em, chồng có thể là bạn của vợ. Hai ông cháu thương nhau thì đó cũng là hai người bạn. Tình bạn tinh khiết, tình bạn không vụ lợi, tình bạn tôn trọng sự tự do của nhau. Ở Việt Nam có danh từ là bạn vong niên, tức là bạn không kể tuổi. Một người tám mươi tuổi thương một người mười lăm tuổi. Tuổi tác chênh lệch nhưng trong tình thương chân thật vẫn có tình bạn như thường. Chúng ta thường thấy hai cha con chơi với nhau như hai người bạn. Chúng ta cũng đã thấy hai thầy trò chơi với nhau, thương nhau như hai người bạn. Một trong hai người bạn phải giữ cái tự do của mình. Thương nghĩa là hiến dâng hạnh phúc. Thương không có nghĩa là nhốt người kia vào trong nhà tù chiếm hữu. Người thương luôn luôn phải tự hỏi câu hỏi đó và đem câu hỏi đi hỏi người mình thương. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi ta tự hỏi tình thương của ta có bản chất của sự chiếm hữu và độc tài hay không.
Còn người được thương có khi gọi là người “bị” thương cũng phải thực tập. Nếu ta thấy ngột ngạt, nếu ta thấy bế tắc thấy bị cứng ngắc, thấy như bị giam cầm, thấy không có hạnh phúc thì ta phải ý thức rằng trong quá khứ ta đã không có chánh niệm, ta đã cho phép, ta đã để cho tình trạng này xảy ra và ta phải gánh một phần nào trách nhiệm, ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người kia. Ta bây giờ như con chim trong lồng, như một người tù trong ngục. Ta phải biết rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân đó ta phải thực tập tự giải phóng cho mình và giải phóng cho người thương của mình. Tốt hơn hết là lúc ban đầu – cái thuở ban đầu lưu luyến ấy – ta phải cẩn thận. Thường thường tình thương lúc ban đầu có tính cách phơi phới và vì thế ta không có chánh niệm. Khi đã đi sâu vào trầm luân rồi ta mới giật mình tỉnh thức, lúc đó có thể là đã rất trễ. Ta có thể vùng vẫy, ta muốn thoát ra và từ cực vướng mắc sang cực ghét bỏ. Ta nghĩ rằng khổ như thế thì chỉ có cách thoát lìa người kia, ly khai với người kia, đi xa người kia, tại vì còn sống một nơi thì còn phải trầm luân, còn phải vướng mắc. Từ cực này ta đi sang cực khác. Cả hai cực đều không phải tình thương chân thật. Có khi ta đang vùng vẫy giữa hai cực. Ngày nào cũng là địa ngục hết. Một mặt chúng ta vùng vẫy muốn thoát, nghĩ đến chuyện ly dị hay chuyện ra ở riêng để không bao giờ còn thấy người đó. Một mặt chúng ta vẫn còn có chút ân tình với người đó nghĩ rằng nếu không có ta thì người đó sẽ mất chân đứng. Ở Việt Nam ta thường nói bỏ thì thương mà sương thì nặng. Sương nghĩa là gánh. Có rất nhiều người đang bị kẹt trong tình trạng đó. Thấy người kia cũng tội nghiệp, bỏ thì không đành mà tiếp tục thì không tiếp tục nổi. Vậy đâu là con đường thoát? Con đường thoát là con đường thực tập.