Nhận diện nhu yếu
Thực tập Từ Bi quán, ta bắt đầu bằng đối tượng đầu là chính ta. Vì vậy cho nên ta không nói: "Mong sao cho người đó thân tâm được an lạc và nhẹ nhàng" mà ta nói: "Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng". Chúng ta biết là trong chữ “an lạc” có hai phần: một là An, tức là yên ổn, hai là Lạc, tức là hạnh phúc. Chúng ta biết hạnh phúc khó có thể có được khi ta không có sự an tâm. Cho nên an tâm là điều kiện thiết yếu. An tâm cũng là sự nhẹ nhàng không có gánh nặng.
Bài tập này cần nhiều tuần lễ thực tập ta mới nắm vững chãi được. Chúng ta đã biết rằng ban đầu đây chỉ là một sự mong ước. Tuy nhiên mong ước đó chứa đựng những nhu yếu đích thực. Ta thực sự có những nhu yếu ấy, Ba điều tâm niệm này phản chiếu những nhu yếu đích thực của ta. Chúng là những điều kiện căn bản để ta có hạnh phúc đích thực. Ta phải nhìn thẳng vào trong con người của ta để thực sự thấy được những nhu yếu đó. Chừng nào ta chưa thấy được những nhu yếu đó thì ta vẫn chưa chịu tu tập. Ta tự mãn ta nghĩ là ta có đủ hạnh phúc rồi.
Ta thực sự mong ước những cái ấy và những mong ước này trở thành tư niệm. Tư niệm là một trong bốn loại thức ăn. Đó là ý chí. Ban đầu chỉ là ước mong, nhưng ước mong ấy dần dần trở thành một tư niệm: ngày đêm mình mong ước cho cái ấy thành tựu, và do đó cái ấy trở thành thức ăn và thức ăn rất quan trọng cho mình. Nếu trong khi sống mà ta không có những ước mong ấy, thì ta lại có thể có những ước mong ngược lại. Ước mong ngược lại thì không tốt cho ta. Tuy rằng đây là ước mong nhưng không phải đây chỉ là cái mà người Tây phương gọi là wishful thinking, tại vì ta sẽ không dừng lại ở chỗ ước mong. Ta sẽ đi tới nhiều bước nữa để cảm thấy rất rõ ràng rằng đây là những nhu yếu đích thực của đời mình. Và những nhu yếu đích thực đó mình phải làm thế nào để chúng được thực hiện. Ý chí đó gọi là tư niệm. Sau này chúng ta sẽ có những hành động bằng thân thể, tư tưởng và lời nói để thực hiện những ước mong đó. Tư niệm là động lực chính đưa tới hành động và thực tập.