Thực tập: Mười sáu phép quán niệm hơi thở
Quán niệm hơi thở là phương pháp thực tập do chính đức Bụt trực tiếp giảng dạy. Mười sáu phép quán niệm hơi thở là những phương pháp thực tập chăm sóc thân thể, cảm thọ, tâm thức (những tâm hành), và đối tượng của tâm thức (những tri giác).
Những lời Bụt dạy về 16 phép quán niệm hơi thở rất hữu dụng cho sự thực tập hằng ngày của chúng ta, giúp ta xử lý nỗi khổ niềm đau một cách hiệu quả. Bất cứ khi nào ta khổ đau mà không biết cách xử lý, không biết phải làm gì thì ta áp dụng 16 phép quán niệm hơi thở.
Bốn hơi thở đầu: Quán chiếu về thân thể
Hơi thở đầu tiên là nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra.
“Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào.
Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra.”
Sự thực tập hết sức đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn. Khi ta chú tâm vào hơi thở vào và nhận diện nó, ta sẽ buông bỏ được quá khứ và tương lai một cách tự nhiên. Ta sẽ quay về được với giây phút hiện tại. Ta bắt đầu chế tác ra năng lượng của niệm, định và đạt được tự do ở một mức độ nào đó.
Hơi thở thứ hai là theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho đến cuối.
“Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào của tôi từ đầu cho đến cuối.
Thở ra, tôi theo dõi hơi thở ra của tôi từ đầu cho đến cuối.”
Chúng ta duy trì niệm và định của mình trong suốt thời gian thở vào và thở ra. Chúng ta không nói: “Thở vào – ôi chết, tôi quên đóng cửa…” Không có một thứ gì xen vào làm gián đoạn trong khi ta theo dõi hơi thở vào ra, như thế chúng ta sẽ phát triển được nguồn định lực. Đây gọi là theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra.
Trong một vài văn bản khác gọi là nhận diện chiều dài của hơi thở.
“Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn.
Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.
Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài.
Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài.”
Chúng ta không cố ép hơi thở phải dài hơn hoặc ngắn hơn. Chúng ta thở một cách tự nhiên. Ý thức về hơi thở, hơi thở của ta tự động sẽ trở nên sâu hơn, đều đặn hơn, nhẹ nhàng và bình an hơn. Nhờ sự chú tâm mà phẩm chất của hơi thở được nâng cao.
Hơi thở thứ ba là đưa tâm trở về với thân.
“Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra, tôi ý thức về toàn thân tôi.”
Trong đời sống hằng ngày, thường thì thân chúng ta ở đây nhưng tâm chúng ta lại đang rong ruổi ở một nơi nào khác. Tâm của chúng ta có thể bị kẹt vào quá khứ, tương lai, hay những dự án, lo lắng, buồn phiền, giận dữ. Ta đang ở đây nhưng thật sự ta không có mặt ở đây. Ta không có mặt cho bản thân cũng như không có mặt cho những người khác. Cho nên sự thực tập của ta là trở về với hơi thở.
Hơi thở là chiếc cầu kết nối thân và tâm. Chúng ta chỉ cần chú ý đến hơi thở, tâm ta sẽ trở về với thân một cách tự nhiên. Ta gọi là “thân tâm hợp nhất”. Hơi thở của chúng ta sẽ trở nên lắng dịu hơn, và thân tâm của chúng ta sẽ được hưởng nhiều lợi lạc từ đó. Đây là sự thực tập chế tác an lạc. Chúng ta thiết lập thân tâm trong cái bây giờ ở đây, thật sự có mặt để sống với giây phút hiện tại, ý thức là mình đang còn sống và đang tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Chỉ cần thực tập đơn giản như vậy thôi là chúng ta đã thấy được phép lạ rồi, đó là khả năng sống sâu sắc trong mỗi khoảnh khắc của đời sống hằng ngày.
Chúng ta trở về với thân thể, ý thức là ta đang có một thân thể và chăm sóc nó. Có thể chúng ta đã bỏ bê hay đối xử tệ bạc với thân thể ta. Bây giờ chúng ta ôm ấp thân thể bằng năng lượng chánh niệm và ý thức về tất cả những gì mà thân thể ta cần được quan tâm. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng cách chúng ta sống đã tạo ra những căng thẳng, đau nhức, mệt mỏi tích tụ trong thân thể ta một thời gian khá dài.
Hơi thở thứ tư là làm lắng dịu những căng thẳng nơi thân thể
“Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh.
Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh.”
Chúng ta có thể để cho những căng thẳng trong thân thể ta được lắng dịu khi ngồi thiền, đi thiền, hay khi nằm nghỉ.“Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi; Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh”. Chúng ta có thể học hỏi những phương pháp buông thư và có thể thực tập thành công ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên sự thực tập căn bản để thực sự buông thư căng thẳng là buông bỏ quá khứ và tương lai để trở về tiếp xúc với giây phút hiện tại và ý thức là ta đang còn sống, chúng ta đã có đủ những điều kiện hạnh phúc rồi. Chúng ta phải quán chiếu và thực tập cho được điều này.
Chúng ta phải nắm thật vững và thực tập thành thục bốn hơi thở đầu, vì đây là điều tối thiểu chúng ta cần phải làm. Chánh niệm về hơi thở là trở về với tự thân và chế tác năng lượng của sự có mặt đích thực của chúng ta, với năng lượng này chúng ta ôm ấp thân thể, làm cho thân thể được thư giãn và an tịnh. Buông thư thân thể cũng có khả năng làm cho tâm ý được buông thư. Nếu chúng ta không thành công trong việc buông thư thân thể thì khó để thành công trong việc buông thư tâm ý.
Bốn hơi thở tiếp theo: quán chiếu về cảm thọ
Với bốn hơi thở kế tiếp này chúng ta đi sang lĩnh vực cảm thọ. Một khi chúng ta đã thành công trong việc làm lắng dịu và buông thư thân thể, chúng ta có thể quay sang lĩnh vực cảm thọ.
Hơi thở thứ năm là chế tác niềm vui (hỷ)
“Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui.
Thở ra, tôi cảm thấy mừng vui.”
Là một hành giả, chúng ta phải có khả năng đem niềm vui đến cho tự thân ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Càng có chánh niệm và chánh định, chúng ta càng có hạnh phúc an vui.
Sự thực tập đầu tiên để mang đến niềm vui là buông bỏ (ly sinh hỷ lạc). Để có được niềm vui, chúng ta phải có khả năng buông bỏ. Chúng ta thường nghĩ rằng niềm vui là cái ở bên ngoài ta, ta phải chạy theo để đạt cho được. Nhưng nếu ta biết cách nhận diện những khó khăn, chướng ngại đang có mặt trong ta và buông bỏ chúng thì niềm vui sẽ đến với chúng ta một cách rất tự nhiên.
Hơi thở thứ sáu là chế tác hạnh phúc, an lạc.
“Thở vào, tôi cảm thấy an lạc.
Thở ra, tôi cảm thấy an lạc.”
Thực tập những bài tập này có thể mang đến cho chúng ta hạnh phúc, an lạc. Thực tập chánh niệm và làm lắng dịu những căng thẳng là suối nguồn của hạnh phúc. Chánh niệm giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có sẵn. Vì vậy mang lại niềm an vui và hạnh phúc là điều rất dễ dàng. Chúng ta có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi.
Trong truyền thống nhà thiền, thiền tập được xem như là một loại thức ăn, ‘thiền duyệt vi thực’, nghĩa là niềm an vui hạnh phúc của thiền tập là thức ăn hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể được nuôi dưỡng và trị liệu bằng thiền tập.
Hơi thở thứ bảy là xử lý khổ đau và những cảm xúc đang có mặt trong ta.
“Thở vào, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi.
Thở ra, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi.”
Bài tập này giúp chúng ta học cách xử lý năng lượng đau khổ, buồn rầu, sợ hãi, tức giận trong ta. Chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm, đi thiền hành để chế tác năng lượng niệm và định. Với năng lượng niệm định này, chúng ta có thể nhận diện và ôm ấp những cảm thọ khổ đau đang có mặt trong ta. Chúng ta không nên khỏa lấp nỗi khổ niềm đau của mình, trái lại ta phải chăm sóc nó. Chạy trốn hay đè nén khổ đau là chúng ta đang đối xử bạo động với bản thân mình. Chánh niệm cũng là mình mà khổ đau cũng chính là mình. Chúng ta không nên đánh nhau với chính mình. Đây là tuệ giác bất nhị.
Khi chúng ta tránh né, không chịu trở về với bản thân mình là chúng ta đang cho phép những nỗi khổ đau trong ta lớn lên. Phương pháp mà Bụt đề nghị là trở về chăm sóc. Chúng ta cần một ít niệm định. Chúng ta phải có khả năng chế tác niệm định để chúng ta đủ vững chãi mà không bị ngụp lặn trong những nỗi khổ niềm đau của mình, và với năng lượng niệm định chúng ta có thể tự tin trở về với bản thân và nhận diện những cảm thọ khổ đau ấy. “Thở vào, tôi nhận diện những cảm thọ khổ đau đang có trong tôi. Thở ra, tôi ôm ấp những cảm thọ khổ đau trong tôi”. Đây là sự thực tập đích thực. Là một hành giả, ta phải có khả năng nhận diện nỗi khổ đau của mình và ôm ấp nó một cách nhẹ nhàng như một bà mẹ đang ôm ấp đứa con của mình. Thỉnh thoảng trong khi thực tập ta gặp một vài khó khăn nào đó, đặc biệt là lúc mới bắt đầu. Tuy nhiên, năng lượng tập thể của tăng thân sẽ giúp chúng ta đi qua những khó khăn đó.
Hơi thở thứ tám là buông bỏ căng thẳng và làm lắng dịu cảm xúc.
“Thở vào, tôi làm cho những hoạt động tâm ý trong tôi được an tịnh.
Thở ra, tôi làm cho những hoạt động tâm ý trong tôi được an tịnh.”
Với hơi thở thứ bảy và thứ tám, chúng ta sử dụng chánh niệm để ôm ấp và làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trong ta. Bài tập này cũng tương tự như thực tập về lĩnh vực thân thể. Chúng ta trở về với những cảm thọ, nhận diện và ôm ấp chúng một cách nhẹ nhàng. “Thở vào, tôi ý thức về những cảm thọ khổ đau trong tôi. Thở ra, tôi làm lắng dịu những cảm thọ khổ đau trong tôi”. Với những bước chân thiền hành và hơi thở chánh niệm liên tục, chúng ta có thể ôm ấp và xoa dịu những cảm thọ khổ đau của ta. Sau đó, nhờ thực tập nhìn sâu, chúng ta sẽ khám phá ra được bản chất của những phiền não mà ta đang có, giúp ta đạt được tuệ giác và vượt thoát những phiền não đó. Tuy nhiên, chỉ cần ôm ấp nỗi khổ niềm đau một cách chánh niệm dịu dàng, thì nỗi khổ niềm đau của ta cũng đã vơi nhẹ đi phần nào.
Bốn hơi thở kế tiếp: quán chiếu về tâm thức
Với hơi thở thứ chín, chúng ta đi đến những tâm hành khác. Cảm thọ chỉ là một trong những tâm hành thôi. Hành (saṃskāra) là một thuật ngữ chỉ cho nhiều điều kiện kết hợp lại với nhau để cho một sự vật hay một hiện tượng biểu hiện. Những hiện tượng tồn tại trong tâm ý gọi là tâm hành. Có những tâm hành thiện và cũng có những tâm hành bất thiện.
Hơi thở thứ chín là ý thức về tâm ý và nhận diện tình trạng tâm ý của chúng ta, cũng giống như bài tập hơi thở thứ ba là ý thức về thân thể và hơi thở thứ bảy là ý thức về cảm thọ.
Thở vào, tôi ý thức về tâm ý trong tôi.
Thở ra, tôi ý thức về tâm ý trong tôi.
Chúng ta ý thức hơn về tất cả những tâm hành đang biểu hiện trong ta. “Thở vào, tôi ý thức về những tâm hành đang có trong tôi”. Tâm thức là một dòng sông và mỗi tâm hành là một giọt nước trong dòng sống ấy. Chúng ta ngồi trên bờ sông và quan sát sự đến đi của mỗi tâm hành. Chúng ta không cần phải đánh nhau, không cần phải nắm bắt hay xua đuổi những tâm hành của mình. Chúng ta chỉ cần điềm tĩnh nhận diện chúng, mỉm cười với chúng, bất kể là chúng dễ chịu hay khó chịu. Khi cơn giận xuất hiện trong ta, ta thực tập: “Thở vào, tôi biết tâm hành giận dữ đang có trong tôi”. Khi có tâm hành nghi kỵ trong ta, chúng ta cũng thở vào và nhận diện tâm hành nghi kỵ đang có trong ta. Chúng ta là người thực tập đồng thời cũng là người quan sát. Chúng ta cần niệm và định để nhận diện tất cả các tâm hành. Kế đó, chúng ta có thể nhìn sâu vào bản chất của các tâm hành ấy.
Hơi thở thứ mười là làm cho tâm ý được hoan lạc, hạnh phúc.
“Thở vào, tôi làm cho tâm ý tôi được hoan lạc.
Thở ra, tôi làm cho tâm ý tôi được hoan lạc.”
Chúng ta làm cho tâm ý hoan lạc, hạnh phúc là để cho tâm ý lớn mạnh, vững chãi, can trường và đầy sinh lực. Khi chúng ta giúp cho tâm có nhiều an lạc, nhiều năng lượng thì tâm sẽ cho ta sức mạnh để ôm ấp và nhìn sâu vào những khó khăn của chúng ta. Nếu biết được cách vận hành của tâm thì chúng ta sẽ dễ dàng thực tập hơi thở thứ mười hơn. Thực tập tứ chánh cần cũng giúp ta ý thức về tâm ý và cho phép những hạt giống tiêu cực trong ta có cơ hội nghỉ ngơi.
Sự thực tập đầu tiên của tứ chánh cần là để cho những hạt giống tiêu cực ngủ yên trong tàng thức và không cho chúng cơ hội biểu hiện. Nếu chúng biểu hiện thường xuyên, chúng sẽ lớn mạnh hơn. Sự thực tập thứ hai là khi hạt giống tiêu cực biểu hiện, chúng ta giúp nó trở về tàng thức càng sớm càng tốt. Nếu nó biểu hiện quá lâu, chúng ta sẽ khổ đau, và gốc rễ của hạt giống đó sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cố hơn. Sự thực tập thứ ba là thay thế tâm hành tiêu cực bằng tâm hành tích cực. Chúng ta chuyển sự chú tâm của ta đến một đối tượng khác. Ta gọi đó là “thay chốt”. Khi cái chốt nối hai thanh gỗ đã bị mục nát, người thợ mộc sẽ đóng một cái chốt mới vào cái lỗ nối hai thanh gỗ ấy để đẩy cái chốt cũ ra. Cũng như thế, ta phải tưới tẩm hạt giống tốt thường xuyên. Sự thực tập thứ tư là khi một tâm hành tốt biểu hiện, chúng ta cố gắng duy trì càng lâu càng tốt. Giống như khi có một người bạn thân quý đến thăm làm cho cả nhà vui vẻ thì ta muốn mời người ấy ở lại chơi lâu hơn. Chúng ta cũng có thể giúp người khác thay đổi những tâm hành của họ. Nếu những suy nghĩ tối tăm, giận dữ, sợ hãi biểu hiện nơi người đó, chúng ta có thể thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt nơi họ để những hạt giống tốt biểu hiện, thay thế cho những tâm hành tiêu cực kia. Chúng ta gọi sự thực tập này là “tưới tẩm có chọn lọc”. Chúng ta có thể tổ chức đời sống của mình như thế nào để những hạt giống tích cực được chạm đến và được tưới tẩm vài lần trong ngày.
Hơi thở thứ mười một là thu nhiếp tâm ý vào định để đạt được tuệ giác.
“Thở vào, tôi thu nhiếp tâm ý tôi vào định.
Thở ra, tôi thu nhiếp tâm ý tôi vào định.”
Định có sức mạnh đốt cháy phiền não. Giống như cái thấu kính hội tụ khi chiếu ánh sáng mặt trời vào đủ lâu thì nó có thể đốt cháy mảnh giấy. Khi định có khả năng đốt cháy hết mọi phiền não thì trí tuệ phát sinh. Bụt dạy cho chúng ta rất nhiều cách thực tập để chế tác định. Vô thường, vô ngã, tánh không là các loại định mà chúng ta có thể thực tập hằng ngày. Ví dụ như bất cứ điều gì ta tiếp xúc trong ngày, có thể là một người bạn, một bông hoa hay một đám mây, chúng ta có thể thực tập để thấy được tự tính vô thường, vô ngã và tương tức trong ấy.
Hơi thở thứ mười hai là cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do.
“Thở vào, tôi cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do.
Thở ra, tôi cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do.”
Chúng ta cần sức mạnh của định để cắt đứt những khối phiền não như buồn rầu, sợ hãi, giận dữ, phân biệt đang ràng buộc, cột chặt tâm ý ta. Giáo lý vô thường cũng chỉ là một ý niệm, tuy nhiên ta có thể sử dụng nó như một phương tiện để làm phát khởi tuệ giác vô thường. Que diêm có thể tạo ra lửa. Và khi có lửa thì ngọn lửa sẽ đốt cháy que diêm. Cái mà chúng ta cần để đạt được giải thoát tự do là tuệ giác vô thường. Khi đã có tuệ giác rồi thì tuệ giác sẽ đốt cháy ý niệm. Chúng ta thực tập định vô thường là để làm phát khởi tuệ giác vô thường. Trong khi ngồi thiền, đi thiền hay làm những công việc hằng ngày, chúng ta định tâm trên tự tính vô thường. Định (samadhi) có nghĩa là duy trì ý thức liên tục từ giây phút này sang giây phút khác, càng lâu càng tốt. Chỉ có định mới có khả năng mang đến tuệ giác và giúp ta giải thoát tự do.
Giả sử ta sắp sửa cãi nhau với một ai đó. Và nỗi đau khổ đang khởi phát trong ta, tâm ta không được tự do. Định về vô thường sẽ giải phóng cho ta và cho người kia ra khỏi sự tức giận. “Thở vào, trong ba trăm năm nữa, tôi đâu và người thương của tôi đâu?”. Chỉ cần một hơi thở vào là ta đã có thể tiếp xúc được với thực tại vô thường. “Thở vào tôi biết tôi vẫn còn sống và người kia vẫn còn sống”. Khi chúng ta mở mắt ra, điều duy nhất mà chúng ta muốn làm là ôm lấy người kia vào lòng. “Thở vào, bạn vẫn còn sống đây, tôi rất hạnh phúc”. Đó là sự giải thoát nhờ tuệ giác vô thường. Nếu chúng ta ở trong tuệ giác vô thường, chúng ta sẽ ứng xử với người kia đầy trí tuệ. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để người kia hạnh phúc. Chúng ta không đợi ngày mai mới thực hiện, bởi vì ngày mai có thể sẽ quá muộn. Nhiều người đã phải khóc rất nhiều khi người thương của mình qua đời. Đó là do họ đã không hành xử tốt với người thương của họ khi người thương của họ còn sống. Chính mặc cảm tội lỗi ấy làm cho họ đau khổ. Sở dĩ như vậy là bởi vì họ đã không có tuệ giác vô thường. Vô thường là một loại định mà chúng ta có thể thực tập.
Bốn hơi thở cuối cùng: quán chiếu về đối tượng tâm ý (tri giác)
Bây giờ chúng ta bước sang một lĩnh vực khác, đó là đối tượng của tâm ý. Trong đạo Bụt, thế giới và tất cả mọi hiện tượng đều được coi là những đối tượng của tâm ý chứ không phải là những thực tại khách quan nằm ngoài ta. Chúng ta thường bị kẹt vào cái ý niệm rằng có một thế giới khách quan bên ngoài ta và có một cái thức bên trong ta muốn cố gắng hiểu về cái thế giới khách quan bên ngoài đó; chính điều này đã ảnh hưởng đến tri giác của chúng ta. Dưới ánh sáng của tương tức thì chủ thể và đối tượng không thể tồn tại biệt lập. Khi chúng ta nhận thức về một thứ gì đó thì đối tượng nhận thức luôn luôn biểu hiện đồng thời với chủ thể nhận thức. Ý thức luôn có nghĩa là ý thức về một cái gì đó.
Hơi thở thứ mười ba là quán chiếu về tính vô thường.
“Thở vào, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.
Thở ra, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.”
Chúng ta đã đồng ý rằng mọi vật đều vô thường, nhưng chúng ta vẫn sống và hành xử như thể chúng ta mãi mãi thường hằng, bất biến, không hề thay đổi, vẫn mãi như chúng ta bây giờ. Thực tế là mọi thứ đang thay đổi trong từng giây từng phút. Khi chúng ta ở với một người nào đó, hay ngồi chơi với ai đó, có thể chúng ta đang tiếp xúc với người đó cách đây hai mươi năm. Chúng ta không có khả năng tiếp xúc với người đó ngay trong giây phút hiện tại. Người đó thực chất bây giờ đã có những suy nghĩ khác và cảm xúc khác, không còn như xưa nữa. Chúng ta không thực sự tiếp xúc được với sự thật vô thường. Cho nên chúng ta phải sử dụng ý thức để quán chiếu về vô thường. Định về vô thường sẽ mang đến tuệ giác vô thường, và tuệ giác này sẽ giải phóng cho chúng ta được tự do.
Vô thường chính là một loại định. Đi sâu vào vô thường chúng ta sẽ khám phá ra vô ngã, tánh không và tương tức. Vì thế vô thường đại diện cho tất cả các định. Trong khi thở vào chúng ta duy trì định vô thường, khi thở ra chúng ta cũng duy trì định vô thường cho đến khi chúng ta chọc thủng được màn vô minh và tiếp xúc được với trái tim thực tại. Đối tượng quán sát của chúng ta có thể là một bông hoa, một hòn sỏi, người thương của ta, hay là người ta ghét bỏ, hoặc cũng có thể là những nỗi khổ đau buồn tủi của ta. Tất cả đều có thể là đối tượng để ta quán chiếu, và ta phải tiếp xúc được với tự tính vô thường bên trong mỗi đối tượng đó.
Hơi thở thứ mười bốn là quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.
“Thở vào, tôi quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.
Thở ra, tôi quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.”
Chúng ta đã biết thức thứ bảy, mạt na, luôn luôn đi tìm cầu dục lạc và không thấy được những hiểm nguy của việc tìm cầu dục lạc. Quán chiếu về vô thường sẽ giúp cho thức mạt na chuyển hóa. Chúng ta nhìn sâu vào đối tượng tham muốn để thấy được bản chất đích thực của nó. Đối tượng mà ta đang tham muốn có thể làm hủy hoại thân tâm của chúng ta. Ý thức về những thứ ta đang tham muốn và những thứ ta đang tiêu thụ là một sự thực tập rất quan trọng.
Bụt dạy chúng ta về bốn loại thức ăn mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Đầu tiên là tư niệm thực, là ước muốn lớn lao nhất đời ta, cho ta sinh lực để sống. Chúng ta phải nhìn vào bản chất của những ước muốn ta đang mong cầu để thấy được liệu nó có thực sự tốt cho chúng ta hay không. Mong ước của chúng ta có thể là việc đi tìm kiếm dục lạc, điều này có thể rất nguy hiểm. Mong ước của ta cũng có thể là mong muốn trả thù và trừng phạt. Những ước muốn bất thiện này về bản chất chúng tạo nên rất nhiều tri giác sai lầm. Chúng ta cần phải nhìn sâu để nhận diện được những ước muốn như thế phát xuất từ những nỗi sợ hãi, lo lắng, giận hờn, nghi kỵ,… trong ta.
Tất Đạt Đa cũng được hung đúc bởi một ước muốn, một tâm nguyện. Thái tử nhìn thấy những nỗi đau khổ trong vương quốc và ngài hiểu được rằng sức mạnh chính trị không đủ để giải quyết những nỗi đau khổ đó. Vì vậy thái tử đã đi tìm một con đường khác để chuyển hóa tự thân và giúp cho người khác chuyển hóa. Chúng ta gọi ước muốn đó là tâm giác ngộ hay sơ tâm. Chúng ta nên có những ước muốn mạnh mẽ để duy trì sơ tâm của chúng ta. Chính tâm giác ngộ đem lại cho ta sức mạnh và năng lượng để tiếp tục thực tập.
Loại thức ăn thứ hai là thức thực. Đây là nguồn năng lượng tập thể hay tâm thức tập thể. Những cá nhân trong cùng một nhóm có khuynh hướng tạo ra cùng một loại năng lượng. Khi chúng ta đến với nhau để thực tập niệm, định và từ bi là chúng ta cùng nhau chế tác ra nguồn năng lượng hiền thiện tập thể, có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Cho nên xây dựng tăng thân sẽ mang lại sự trị liệu rất lớn lao cho thế giới.
Nếu ta ở trong một nhóm người đang giận dữ thì năng lượng tiêu cực của họ sẽ đi vào ta. Ban đầu có thể ta không giống như họ. Nhưng nếu ta ở đủ lâu, dần dần năng lượng tập thể của nhóm người đó sẽ đi vào ta, đến một lúc nào đó ta sẽ giống họ dù có khi ta không nhận ra được điều này. Cho nên thấy được mình có đang ở trong một môi trường tốt hay không là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta cần một môi trường an toàn có năng lượng tập thể lành mạnh cho chính bản thân và cho con cháu chúng ta.
Loại thức ăn thứ ba là xúc thực, là những gì chúng ta tiêu thụ qua mắt, tai, mũi, thân, ý như âm nhạc, phim ảnh, quảng cáo, các cuộc chuyện trò,… Khi chúng ta đọc một bài báo, xem một bộ phim, hay một chương trình có chứa đựng bạo động và giận dữ thì những bạo động và giận dữ đó sẽ đi vào ta. Vì vậy ta phải chọn lọc những gì ta tiêu thụ và những gì không nên tiêu thụ.
Các nhà tâm lý trị liệu cần phải rất thận trọng. Vì nhà tâm lý trị liệu phải lắng nghe rất nhiều loại đau khổ và giận dữ của người khác. Nên ta cần phải thực tập vững mạnh để duy trì sức khỏe và sự vững chãi của ta, nếu không ta sẽ bệnh hoạn. Ta đang cố gắng giúp đỡ nhưng có thể ta bị những nguồn năng lượng tiêu cực của khách hàng hằng ngày xâm chiếm ta.
Mỗi nhà tâm lý trị liệu đều phải xây dựng một tăng thân. Có tăng thân, ta được bảo hộ, được nuôi dưỡng mỗi khi ta đến với tăng thân. Nếu không, ta sẽ bị kiệt sức và ta không thể tiếp tục giúp đời được.
Bụt đã dành rất nhiều thì giờ cho việc xây dựng tăng thân, và chúng ta cũng nên làm như vậy. Chúng ta có thể tìm những yếu tố chung quanh ta để xây dựng tăng thân, để được bảo hộ, để được nuôi dưỡng và duy trì sự thực tập của mình. Nếu không, sau vài tháng chúng ta sẽ đánh mất sự thực tập. Và xúc thực, những thứ mà chúng ta tiêu thụ qua mắt, tai, mũi, thân, ý sẽ thẩm thấu vào ta. Tiêu thụ có chánh niệm là sự thực tập bảo hộ cho tự thân, cho gia đình và cho xã hội. Đó là con đường trị liệu, ngăn chặn sự tàn phá hành tinh xanh của chúng ta.
Loại thức ăn thứ tư là đoàn thực, là thức ăn chúng ta đưa vào cơ thể bằng đường miệng. Chúng ta chỉ nên ăn những loại thức ăn có tác dụng đem lại an lạc, hòa bình và sức khỏe cho thân tâm. Chúng ta ăn như thế nào để có thể duy trì lòng từ bi trong trái tim mình. Làm được điều này, chúng ta có thể cứu lấy hành tinh xanh của chúng ta và đảm bảo cho con cháu chúng ta một tương lai tươi sáng.
Hơi thở thứ mười lăm: quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.
“Thở vào, tôi quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.
Thở ra, tôi quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.”
Không sinh diệt là tự thân của thực tại, là sự đoạn diệt hết tất cả các ý niệm, là niết bàn (Nirvana). Tự thân của thực tại vượt thoát tất cả mọi ý niệm, bao gồm ý niệm sinh-diệt, có-không. Đây chính là trái tim của thiền tập, nỗ lực sau cùng để đạt đến tự do. Quán chiếu về vô thường, vô ngã, tánh không, không sinh không diệt có thể đưa đến sự giải thoát. Ý niệm về sinh diệt có thể là nguồn gốc của những phiền não, khổ đau, lo lắng và sợ hãi. Chỉ có tuệ giác không sinh không diệt mới giúp ta vượt thoát khỏi lo âu và sợ hãi.
Hơi thở thứ mười sáu: quán chiếu về niết bàn.
“Thở vào, tôi quán chiếu về sự buông bỏ.
Thở ra, tôi quán chiếu về sự buông bỏ.”
Hơi thở này giúp chúng ta buông bỏ tất cả mọi ý niệm để đạt được tự do giải thoát. Buông bỏ sẽ giúp ta tiếp xúc được với bản chất chân thực của thực tại. Tuệ giác thâm sâu này sẽ giúp ta thoát khỏi sự sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng. Từ Niết bàn có nghĩa là dập tắt. Niết bàn không phải là một nơi chốn để chúng ta đi đến, niết bàn cũng không phải là điều mà chúng ta đạt được ở tương lai. Niết bàn là tự thân của thực tại. Niết bàn có mặt ngay bây giờ và ở đây.
Con sóng trên đại dương được hình thành từ nước, nhưng đôi khi nó quên nó là nước. Con sóng thì có bắt đầu, có kết thúc, có lên, có xuống, có thể cao hơn, thấp hơn, mạnh hơn hay yếu hơn những con sóng khác. Nhưng nếu con sóng kia bị kẹt vào những ý niệm về bắt đầu-kết thúc, lên-xuống hay mạnh hơn- yếu hơn những cơn sóng khác thì nó sẽ đau khổ. Nếu nó biết nó đã là nước rồi thì tình trạng sẽ thay đổi ngay tức khắc. Biết mình là nước, con sóng không còn tâm phân biệt bắt đầu-kết thúc, lên-xuống hay mạnh- yếu nữa. Đi lên nó cũng vui mà đi xuống nó cũng vui, là con sóng này nó cũng vui mà con sóng kia nó cũng vui, không phân biệt kỳ thị, không sợ hãi. Nó không cần phải đi tìm nước. Vì nó đã là nước ngay trong giây phút hiện tại rồi.
Tự tánh của chúng ta là không khởi đầu, không kết thúc, không sinh, không diệt. Nếu chúng ta biết cách tiếp xúc với tự tánh của chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi, giận dữ, tuyệt vọng nữa. Tự tánh của chúng ta chính là tự tánh niết bàn. Từ vô thỉ chúng ta đã là niết bàn rồi.
Chúng ta thường nghĩ rằng “chết” là từ cái có thình lình chúng ta trở thành cái không, từ một người đột nhiên ta biến mất không còn là ai cả. Chúng ta nên biết rằng một đám mây không thể nào chết được. Đám mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành mưa đá, thành dòng sông, thành tách trà hay ly nước ép trái cây ta uống hằng ngày. Đám mây không thể chết được. Tự tánh của đám mây là tự tánh không sinh không diệt. Vì vậy, nếu người thân của chúng ta vừa mới qua đời, chúng ta phải tìm họ trong những hình thái biểu hiện mới. Người đó không thể chết được, người đó tiếp tục trong nhiều hình thái khác nhau. Nhìn bằng con mặt của Bụt, chúng ta có thể nhận ra người đó ở trong ta và chung quanh ta. “Em ơi, tôi biết em vẫn ở đây trong những hình thái mới”. Trước khi sinh ra, chúng ta đã tồn tại trong tử cung của mẹ rồi. Trước đó nữa, chúng ta cũng đã tồn tại một nửa trong cha ta và một nửa trong mẹ ta. Không có một cái gì từ không mà trở thành có. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta luôn có trong hình thức này hay hình thức khác. Bản chất của chúng ta là tự tánh không sinh không diệt. Niết bàn có nghĩa là sự đoạn diệt tất cả mọi ý niệm, bao gồm ý niệm về sinh-diệt, có-không. Hơi thở thứ mười sáu này giúp ta buông bỏ tất cả mọi ý niệm để đạt được tự do giải thoát hoàn toàn.