Đôi mắt trẻ thơ
— Lillian Alnev —
Chỉ cần nói “tôi đã từng trải qua tổn thương sâu sắc” cũng có thể khiến cho tôi co rút lại vì mặc cảm.
Tôi có viết ra một danh sách thật dài trên giấy, và danh sách ấy cũng kiến cho tôi xấu hổ. Nó quá dài và kinh khủng đến nỗi khó có thể coi là sự thật. Tuy nhìn lại cũng chẳng có gì đáng kể nhưng lúc đó tôi rất khổ đau. Người ta nói với tôi rằng đó là mặc cảm tội lỗi của những người sống sót. Buông bỏ sự so sánh và phán xét chính mình có thể là điều mà tôi phải thực tập suốt đời.
Trong từng nghĩ rằng những người khiến tôi tổn thương có thể bị đưa ra tòa xét xử nếu họ bị phát giác. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự phẫn nộ tương tự đối với người khác. Sự kiện đau lòng nhất trong thời thơ ấu của tôi thực ra chẳng lớn lao, nhưng nó đã ảnh hưởng đến tinh thần tôi rất nhiều. Đó là một ví dụ điển hình cho quá trình chữa lành.
Tôi lớn lên trong một xóm nghèo với các món đồ hoen gỉ cũ nát. Nhưng ở lưu vực Great Lakes thì quanh năm bốn mùa đều xinh đẹp. Sự cực đoan của thời tiết đã làm cho các khoảng sân trở thành những chiếc hộp dụng cụ nghệ thuật từ thiên nhiên với đủ thứ gỗ, đá, bột màu và đồ trang trí cho những đứa trẻ thích sáng tạo.
Tôi đã dành hết thời gian rảnh rỗi của mình để xây dựng một tiểu vương quốc. Nơi đó không có trường học, không có quán rượu, không có nhà thờ hay nhà tù nào cả. Tôi xây dựng một thế giới tưởng tượng rất hoàn hảo như trong một giấc mơ, ở đó những kẻ hay ức hiếp người khác không được bước chân vào. Tôi làm những căn nhà bằng cây lợp mái cỏ tranh và những căn nhà đá ốp bằng đá cuội. Tôi làm những con đường trên băng đá, ngăn nước mưa thành hồ và kênh rạch. Nhà cửa, cao ốc và thị trấn từ từ mọc lên. Có cả một nông trại gieo trồng củ cải và cà rốt khổng lồ, những hạt giống này được lấy từ khu vườn của gia đình tôi.
Những chú khủng long và những con vật ở nông trại là những món đồ chơi tôi yêu thích, tôi mang chúng đến để chúng trở thành những thần dân của tôi. Vì tôi đã làm việc quanh năm, suốt bốn mùa, để xây dựng nhà cửa cho những công dân tí hon ấy, nên tôi đã phát triển những sự ngộ nhận về các giác quan của mình, tôi nhìn toàn bộ thế giới từ độ cao khoảng chừng 2,5 tấc. “Đôi mắt trẻ thơ” của tôi ánh lên niềm hân hoan, và tôi cảm thấy mình có thể tự bảo vệ được cho chính mình.
Vào một buổi sáng Chủ Nhật mùa đông, tôi thức dậy sớm và mặc đồ đi ra ngoài, tôi hân hoan nhìn ngắm thành phố của mình được bao phủ bởi một lớp tuyết mới. Khi tôi đi vòng quanh cây bách, chỗ chắn gió cho chiếc cửa sau, tôi thấy một loạt những dấu chân nhỏ màu đen in trên tuyết từ cổng trước hướng về vương quốc của tôi.
Một đôi giày đế cứng nào đó đã để lại những dấu chân này, hoàn toàn không phải loại giày cao su mà chúng ta thường mang vào mùa đông. Ý nghĩ đầu tiên trong tôi khi ấy là người đó hẳn sẽ gặp rắc rối khi mang giày đi học vào trong tuyết. Rồi những dấu chân ấy đã dẫn tôi đến một sự thật tàn nhẫn. Tôi còn nhớ rằng chỉ có dấu chân đi vào mà không thấy đi ra. Cả kẻ viếng thăm, lẫn cái tiểu vương quốc cùng những thần dân của tôi đã không cánh mà bay đi mất. Tôi chạy vào nhà, gào thét và buộc tội cha tôi đã phá hủy cái thế giới nhỏ bé đó của tôi như một hình thức trừng phạt tàn nhẫn.
Tôi vẫn không thể nào biết được chuyện gì đã thực sự xảy ra. Tôi đã trải qua nhiều đòn roi và cay nghiệt, nhưng tôi chưa hề trải qua nỗi mất mát. Ai đó đã mang đi những con thú, công trình của tôi, mang theo cả “đôi mắt trẻ thơ” của tôi. Tôi bắt đầu ngờ vực mảnh đất này. Từ đó, những tác phẩm nghệ thuật của tôi trở nên vụng về và không thường xuyên nữa.
May mắn rằng tôi vẫn sống và đã giác ngộ. Tôi biết ơn rằng mình đã có một đường hướng tâm linh. Tôi có thể thiền tập với mọi người là nhờ câu nói “gặp Phật giết Phật” đã an ủi tôi, nhắc nhở tôi rằng: không kẹt vào những hình tướng bên ngoài là tinh yếu của cuộc sống.
Khi các huynh đệ trong Tăng thân tổ chức khóa tu cho những người khổ đau vì những vết thương sâu dày trong quá khứ hay những người có tuổi thơ đã từng bị lạm dụng, và gọi tên khóa tu là “chữa lành em bé trong mình”, thì đứa bé hay chỉ trích trong tôi nổi điên lên. Nền công nghiệp “Tự chữa lành tâm thức”, nào là “Con người yếu đuối trong bạn”, “Thiên tài trong bạn”, “Nhà lãnh đạo trong bạn”,… đã khơi dậy con người nổi loạn và tổn thương trong tôi. Kỳ thực tôi rất sợ hãi. Tuy nhiên, tôi vẫn đăng ký khóa tu và tham dự các buổi rèn luyện. Tôi quyết định viết một lá thư cho em bé trong tôi. Tôi bắt đầu: “Này cậu bé. Ta biết cậu không thích cái tên của mình. Vậy ta nên gọi cậu là gì nhỉ?”. Tôi viết rất lâu nhưng không thể chạm được đến đứa bé ấy, cho đến khi giọng văn của tôi bắt đầu thay đổi. Chính đứa bé ấy đang viết cho tôi. Thoạt đầu tôi chỉ biết khóc. Sau đó tôi lắng nghe. Cuối cùng tôi bước ra ngoài và làm những gì mà đứa bé yêu cầu.
Tôi đến bên bờ suối, nhặt những viên đá cuội nhẵn nhụi và mát rượi. Tôi để chúng nằm yên lành trong tay tôi. Rồi tôi xếp chúng lên cát. Một lúc sau, tiếng chuông báo giờ ăn tối đã cắt ngang mạch tập trung của tôi. Tôi phủi cát trên tay và ngắm nhìn tác phẩm của mình. Một chiếc bàn đá, trên đó bày ra hai cái dĩa đá, chứa đầy hạt lấy từ cái cây cạnh bờ suối. Hai cái ghế đá đặt hai bên chiếc bàn. Chỗ ngồi hướng ra dòng nước có tầm nhìn rất đẹp.
Sáng sớm hôm sau tôi trở lại dòng suối. Chiếc bàn ăn nhỏ bé tối qua vẫn còn đó, và trên nền cát còn ẩm ướt tôi thấy dấu chân của những con hươu, chim và vài con thú nhỏ khác, chúng đã bước đi rất thận trọng quanh chiếc bàn. Nhưng đống hạt thì đã biến mất. Đến chiều, tôi trở lại một lần nữa. Dòng nước mát lạnh đã chuyển dòng và toàn bộ bờ suối xám xịt đã trở nên tươi mới, êm ả và trống vắng. Giờ đây, tôi biết, không ai có thể lấy đi của tôi bất cứ thứ gì nữa. Khi tôi bước tới thiền đường, tôi thấy đứa bé khoảng chừng vài ba tấc trong tôi nhìn mọi vật rất rõ ràng và sống động. Cuối cùng tôi cũng đã nhìn thấu nỗi khổ đau của mình. Đôi mắt trẻ thơ của tôi đã trở lại.