Con có thể làm gì để giúp cha?

— Joanne Friday —

Mẹ tôi bệnh rất nặng gần cả năm, và trong thời gian ấy mẹ đã tám lần nhập viện. Giữa những lần nằm viện, mẹ được chuyển đến vài nơi an dưỡng để được chăm sóc đặc biệt. Tôi đã cùng cha đến thăm mẹ tại một trong những nơi đó. Cha tôi là một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai, cha rất giỏi trong việc kiểm soát tình huống và tạo mọi điều kiện để ngăn những điều tệ hại xảy đến. Cha là một người cực kỳ tỉ mỉ. Sống gọn gàng ngăn nắp, đâu vào đó là điều rất quan trọng đối với cha. Cha tôi luôn chăm sóc mọi thứ chu toàn, và cũng rất tuyệt vời trong việc chăm sóc mẹ. Nhưng giờ đây, cha phải chứng kiến mẹ tôi hấp hối mà không có cách nào để giải quyết, đó là một điều cực kỳ khó khăn với cha. Khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát thì cha tôi càng cố gắng nhiều hơn và trở nên thiếu kiên nhẫn, cáu gắt và giận dữ. Đó chính là tập khí của cha tôi.

Chúng tôi đang ngồi trong nhà an dưỡng thì cha tôi nổi giận và trở nên thiếu kiên nhẫn với mẹ. Tôi ngồi đó, cảm nhận cơn giận đang dâng lên trong thân mình. Nếu tôi đang ở quá khứ, tập khí của tôi sẽ nói với cha rằng: “Dừng lại đi, mẹ sẽ không thể chịu nổi như vậy”. Nhưng thay vì nói thế, tôi dừng lại, hít thở, và tôi biết rằng mình cần đi ra ngoài. Tôi biết rằng nếu tôi nói hoặc làm điều gì đó vào lúc này thì tôi chỉ gây thêm nhiều đau khổ hơn cho tôi và cho gia đình tôi. Vì vậy, tôi nói: “Con đi bộ một tí” rồi ra bãi đỗ xe và hành thiền.

Tôi tiếp xúc với hơi thở. Vài phút sau, tôi trở nên yên lắng và bình tĩnh. Sau đó, tôi mời cơn giận của mình lên. Tôi thở với nó, nhìn sâu vào nó để hiểu được bản chất của nó. Cơn cảm xúc đã đưa tôi về với quá khứ của mình. Tôi hiểu được phản ứng của tôi đối với cha thực ra là phản ứng của một đứa bé ba tuổi. Khi đó, cha tôi cũng giận dữ và thiếu kiên nhẫn với tôi y như thế. Đứa bé ba tuổi ấy đã vô cùng đau khổ, và nó đang phản ứng cực kỳ mạnh mẽ trong giây phút hiện tại, khi thấy mẹ chịu sự giận dữ của cha tôi.

Tôi chăm sóc đứa bé ba tuổi trong tôi. Ôm ấp em và giảng giải cho em hiểu, sự giận dữ và thiếu kiên nhẫn của cha không liên quan gì tới em cả. Khi em ba tuổi, làm sao em có thể hiểu rằng em đừng mang theo những giận dữ ấy bên mình, bởi đó chỉ là nỗi khổ của cha mà thôi. Với tất cả mọi người, cha đều cư xử như thế, không phải chỉ có riêng em. Khi tôi hiểu được điều này, lòng từ bi đối với chính mình và đối với cha dâng lên trong tôi. Đó là kinh nghiệm trực tiếp của về những điều Thầy (Thiền sư Nhất Hạnh) đã dạy: Niệm sẽ đưa đến định, định sẽ đưa đến tuệ, tuệ sẽ đưa đến hiểu, có hiểu thì mới phát tâm từ bi.

Mỗi người đều có những cách phản ứng khác nhau khi rèn luyện điều này. Đa số chúng ta chạy trốn cả đời với những cảm thọ đã làm ta sợ hãi. Song, chỉ cần dừng lại, thở và ôm ấp những cảm thọ ấy, thì trong ta đã bắt đầu quá trình chuyển hóa rồi, và chúng ta sẽ nuôi dưỡng dần khả năng vô úy (không sợ hãi) của chính mình. Trong trường hợp của tôi, cơn giận dữ đã đưa tôi về với quá khứ, về với đứa bé ba tuổi đang trải nghiệm những cảm xúc tương tự như tôi ở hiện tại, phải chứng kiến cảnh cha khó chịu và giận dữ. Khi cảm nhận được điều ấy, tôi biết có gì đó đã được chuyển hóa. Tôi biết là tôi có thể trở về với cha mẹ một cách ổn thỏa.

Lúc đi ra khỏi phòng, tôi đã xem cha mình như một tên hung bạo; nhưng khi trở lại, tôi chỉ thấy nỗi đau của cha tôi. Nỗi đau ấy quá lớn, không thể chịu đựng nổi. Tôi có thể hiểu được nỗi lo sợ của cha lớn đến mức nào. Và rồi, tất cả những gì tôi cảm nhận được đối với cha chỉ còn lòng từ bi. Không có gì khác ngoài lòng từ bi và chỉ có một điều tôi có thể nói: “Con rất tiếc vì cha phải trải qua khó khăn này. Con có thể làm gì để giúp cha không?”.

Rất rõ ràng là khi tôi bị kẹt vào nỗi khổ đau của bản thân, tôi không còn có thể thấy nỗi đau của bất kỳ ai nữa. Tôi không thể có cái nhìn sáng suốt, thông minh, tôi chỉ thấy nỗi khổ đau của riêng mình mà thôi. Tôi đã không thể chăm sóc cảm xúc của tôi, tôi đã tự cho mình là đúng. Tôi nói với bản thân rằng tôi là một đứa con gái ngoan, tất cả những gì tôi cần quan tâm là mẹ tôi. Tôi tin rằng tôi đang cố gắng để chăm sóc và bảo vệ mẹ, và cách để làm điều đó là nói với cha “dừng lại đi, đừng nói nữa”. Tuy nhiên, nếu tôi nói như thế, thì đó chính xác là sự giận dữ mà tôi đã tập nhiễm từ cha tôi: phản ứng lại mọi thứ bằng phê phán và chỉ trích. Có thể khi ấy cha sẽ cảm thấy giống như tôi, cảm thấy mình bị trách móc và có thể cha sẽ hành xử tệ hơn với mẹ. Và tôi sẽ tạo ra chính cái tình cảnh mà tôi muốn ngăn chặn.

Tôi đã rèn luyện đủ lâu để biết điều gì nên nói và nên nói điều đó như thế nào. Tôi có thể dừng lại, không phê phán cha mình ngay khi cơn giận phát khởi mà không cần đi ra ngoài. Nhưng có thể cảm giác tức giận vẫn còn đó, và dù tôi có nói những điều tương tự như “Con có thể làm gì để giúp cha không?”, thì lời nói của tôi vẫn có thể làm cho cha cảm thấy bị chỉ trích bởi giọng điệu, nét mặt và cử chỉ của tôi.

Vì vậy, tôi khám phá ra rằng nói lời chánh niệm không phải chỉ là chọn lựa từ ngữ đúng đắn, chánh niệm phải là chuyển hóa những ý xấu trong trái tim tôi. Khi tôi nhìn sâu và phát khởi sự thấu hiểu, tôi sẽ cảm nhận được lòng từ bi, lòng từ bi đối với tôi và đối với người khác. Khi nỗi khổ đau trong tôi được chuyển hóa, tôi sẽ hiểu và thương được cả hai. Những từ ngữ mà tôi chọn lúc này không còn quan trọng lắm. Người ấy sẽ cảm nhận tình thương từ tôi. Người ta sẽ biết khi nào thì họ được thương yêu thực sự.

Tôi đã nhận ra rằng, càng rèn luyện thì cường độ cảm xúc tiêu cực càng suy yếu, dù tôi vẫn trải qua những cảm xúc dữ dội. Tôi có thể nói: “Xin chào cơn giận, người bạn nhỏ của tôi, bạn trở lại đấy à” và cơn giận sẽ ra đi. Khi tôi chăm sóc đứa bé bị tổn thương trong tôi tử tế thì những cảm xúc tuy vẫn có thể còn đó, nhưng các mối quan hệ đã được chuyển hóa và những tri giác của tôi về thế giới này và về những người khác cũng được thay đổi. Đó là phép lạ của chánh niệm!