Bảy: Hòa giải

Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác như thể họ với ta không hề dính líu gì với nhau cả. Ta phải nhìn sâu và đặt câu hỏi là: Chúng ta có cùng lớn lên mỗi ngày không? Chúng ta có hạnh phúc mỗi ngày không? Chúng ta có hòa hợp với chính mình và những người khác quanh mình không, những người dễ thương và những người không dễ thương?

Những gì người khác nói và làm không nhất thiết phải ảnh hưởng đến ta. Ta vẫn có thể chăm sóc chính mình. Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thực sự giúp đỡ người khác thay vì phán xét, la mắng hay tạo ra chiến tranh quanh mình.

Khi tay trái bị thương ta không hề nói là: “Đồ ngu. Tại sao mày có thể làm như vậy?”. Chúng ta chăm sóc tay trái một cách tự nhiên để cho nó được chữa lành. Đây là cách mà ta đối xử với những người khác trong gia đình hoặc trong tăng thân ta, những người không mấy dễ thương, có nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương. Chúng ta không nói: “Anh đối xử không dễ thương với tôi, anh phải thay đổi”. Chúng ta phải học cách chăm sóc những người ấy như cách ta chăm sóc cho bàn tay trái đang bị thương.

Sở dĩ ta giận một ai đó là do ta không có khả năng thấy được nhiều yếu tố trong người đó không phải là người đó. Chúng ta không thấy được người đó hành xử vì tập khí mà người đó được trao truyền lại. Khi hiểu được một cách sâu sắc hơn, ta có thể chấp nhận người đó dễ dàng hơn. Điều này cũng đúng với tự thân chúng ta. Khi chúng ta thấy được trong ta tất cả những yếu tố đến từ nhiều nguồn khác nhau, như cha mẹ, ông bà tổ tiên và môi trường thì chúng ta sẽ thấy được đa phần những tính nết khắt khe của chúng ta đến từ những gốc rễ, yếu tố khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng: “A, đây là ông nội, ông đang phán xét bạn mình”. Nếu để tâm đến những hành động tương tác qua lại của ta mà không phán xét, ta sẽ làm phát khởi ý thức chánh niệm, giúp ta hiểu được những suy nghĩ, lời nói, hành động của ta không phải do một mình ta tạo ra. Tổ tiên của ta tiếp tục biểu hiện trong ta mỗi ngày. Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn giữa ta với người khác để tạo nên sự an lạc.

Tri giác sai lầm

Vì thường bị kẹt trong nhiều hình ảnh khổ đau của quá khứ nên chúng ta dễ xây dựng lên những tri giác sai lầm, dễ phản ứng lại với người khác và tạo ra nhiều khổ đau hơn. Giả sử như ta đang giận một ai đó, đó là do ta tin rằng người đó có chủ tâm, cố tình làm cho ta đau khổ, làm cho cuộc đời ta khốn đốn. Tri giác đó đưa đến sự giận dữ và phản ứng. Chính sự giận dữ và phản ứng này mang lại nhiều khổ đau hơn cho bản thân và cho tất cả những người có liên quan.

Thay vì đả kích nhau, chúng ta có thể sử dụng hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để chế tác sự tỉnh thức và tuệ giác. Chúng ta có thể thở vào thở ra để thấy được trong ta có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Trong người kia cũng có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Có thể chúng ta đã đạt được một sự thức tỉnh nào đó nhưng người kia có thể không có vì họ không biết cách nhận diện và xử lý nỗi khổ niềm đau để vượt thoát tình trạng khó khăn. Người ấy đau khổ, và người ấy làm cho bản thân cũng như những người chung quanh đau khổ.

Ngay khi nhận ra được điều này, ta nhìn người ấy bằng một cách khác. Ta thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy và ta hiểu được rằng người ấy không biết cách xử lý khổ đau của họ. Khi chúng ta có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy, thấy được tình trạng của người ấy, lòng từ bi trong ta sẽ phát khởi. Khi từ bi phát khởi thì cơn giận được chuyển hóa. Chúng ta không hành động để trừng phạt bởi vì ta không còn giận dữ nữa.

Đây là sự can thiệp của tuệ giác. Nhờ tuệ giác mà ta được an toàn bởi vì tuệ giác giúp ta điều chỉnh lại tri giác sai lầm. Khi tri giác sai lầm không còn thì sự giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng cũng không còn. Ta sẽ phát khởi tâm từ bi và thiện chí muốn giúp đỡ.

Tư niệm thực (ước muốn của ta) là nền tảng căn bản của mọi hành động. Khi có tri giác sai lầm thì cái ước muốn của ta thúc đẩy, khiến ta phản ứng tạo thêm nhiều khổ đau hơn. Tuy nhiên nếu có tuệ giác, ước muốn của ta sẽ trở thành ước muốn tốt, trở thành nguồn tư niệm thực tốt. Chúng ta có cảm hứng muốn giúp đỡ mà không phải trừng phạt. Khi động cơ thúc đẩy của ta đi về hướng tích cực, ta sẽ thấy khỏe hơn nhiều cho dù ta chưa làm gì cả. Ta hưởng được lợi lạc từ sự thực tập này ngay lập tức. Người kia, người mà ta nghĩ đã gây khổ đau cho ta cũng sẽ hưởng được lợi lạc theo sau đó.

Trị liệu các mối quan hệ trong gia đình

Có thể cha ta xem ta như một thứ tài sản quý báu của cha, như nhà cửa, tiền bạc, xe hơi. Cha nghĩ rằng ta là con của cha, cha đã làm tất cả mọi thứ cho ta, và cha chỉ muốn ta đi theo con đường mà cha đã vạch ra. Cha không nghĩ rằng ta cũng là một con người như bao người khác có quyền được suy nghĩ, được hành động, được đi theo những gì mà ta tin là chân thiện mỹ. Tại sao lại có những người cha như thế? Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người cha rất khác, rất tâm lý, có khả năng đối xử với con mình một cách rất kính trọng, cho con quyền được tự do lựa chọn.

Nếu cha đối xử không tốt với ta, có thể là do cha ta thiếu may mắn. Nền giáo dục và môi trường của cha không dạy cho cha cách cảm nhận cũng như cách bày tỏ tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu ta đổ lỗi cho cha, nếu ta muốn trừng phạt cha thì cha ta chỉ khổ đau hơn mà thôi. Ngoài ra không có lợi lạc gì cả. Chúng ta không thể giúp đỡ cha bằng cách ấy. Nếu ta hiểu được rằng do cha mình thiếu may mắn thì cái giận của ta đối với cha sẽ tan biến. Ta sẽ thấy cha ta là người cần tình thương của ta mà không phải sự trừng phạt.

Tất nhiên, ta cũng cần giữ cho mình được an toàn. Nếu cha ta làm tổn hại ta vì cảm xúc hoặc hành động thì ta không nên đến gần cha. Tuy nhiên bỏ trốn cha cũng làm tăng thêm nỗi khổ đau cho cả hai bên. Nếu không thực tập chánh niệm với cha mẹ, chúng ta sẽ tạo ra địa ngục cho nhau.

Hễ khi nào cha mẹ và con cái xung đột, cãi cọ, la mắng nhau thì bao giờ con cái cũng thiệt thòi hơn, bởi vì con cái không được nói lại những lời mà cha mẹ đã nói với chúng. Cha mẹ có thể đánh con cái nhưng con cái không thể đánh lại cha mẹ. Cha mẹ có thể mắng nhiếc con cái nhưng con cái không thể mắng nhiếc cha mẹ. Vì chúng không thể bạo động lại như những gì chúng nhận được nên chúng trở nên bệnh hoạn. Những bạo động mà chúng nhận được vẫn còn đó trong chúng, và nó muốn tìm đường để thoát ra, muốn bạo động trở lại. Là một người trẻ, sở dĩ ta không đối xử tốt với bản thân, làm cho bản thân bị tổn thương là do ta không biết cách để cho những bạo động trong ta thoát ra ngoài. Chúng ta là nạn nhân của những bạo động mà ta nhận được từ cha mẹ và xã hội.

Đôi khi cha mẹ chúng ta cũng không đủ khéo léo và sáng suốt để không bạo động với con cái cho dù họ rất muốn thương yêu con cái, muốn làm cho con cái hạnh phúc. Tôi biết có một em thanh niên trẻ đang học ngành y khoa. Cha em là một bác sĩ. Em muốn mình là một người thuộc thế hệ trẻ, hành xử phóng khoáng hơn, và em hứa với lòng mình là lớn lên em sẽ không hành xử như cha em. Nhưng khi làm cha, em lại hành xử y hệt như cha mình. Em la mắng và phê bình con cái mỗi ngày.

Khi làm con, ta nguyện làm ngược lại những gì mà cha mẹ ta đã làm. Tuy nhiên khi có con, chúng ta thường lặp lại tập khí của cha mẹ. Đó là một vòng luẩn quẩn, nối tiếp những nỗi khổ đau trong cuộc sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta phải thực tập để chấm dứt vòng luân hồi này, dừng lại những tập khí của mình và không để cho chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ của ta với con cái.

Cả hai thế hệ phải nhận diện được những bạo động đang hủy hoại chúng ta, hủy hoại những người ta thương yêu. Cả hai bên đều phải tìm cách nhìn sâu bởi vì cả hai đều là những nạn nhân. Con cái nghĩ rằng mình là nạn nhân của cha mẹ, và cha mẹ nghĩ rằng cha mẹ là nạn nhân của con cái. Chúng ta tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Chúng ta không chấp nhận sự thật là bạo động có mặt trong cả hai bên. Vì vậy thay vì xung đột, cãi cọ, la mắng nhau, cả hai bên cha mẹ và con cái nên đến với nhau để tìm cách hòa giải. Không phải vì chúng ta khổ đau thì chúng ta tiếp tục làm cho người kia khổ đau. Bên nào cũng đều khổ đau nhiều vì cùng những nguyên nhân như nhau. Vì vậy, chúng ta cần những đồng minh chứ không phải là kẻ thù. Những nỗi khổ niềm đau trong ta cũng đủ giúp ta biết cách làm thế nào để không lặp lại những lỗi lầm đó nữa. Đức Bụt nói rằng: “Tất cả những gì xảy ra, ta phải quán chiếu sâu sắc vào bản chất của nó”. Một khi hiểu được bản chất của sự vật là ta đang đi trên con đường tự do giải thoát rồi.

Vì vậy hai bên phải đến với nhau, bạn đến với bạn, mẹ đến với con. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cả hai bên đều đang khổ đau. Cả hai bên đều có những bạo động, hận thù và phiền não trong lòng. Thay vì chống đối hay đổ lỗi, chúng ta nên giúp đỡ và thực tập chung với nhau, nếu cần ta cũng có thể nhờ thầy hoặc tăng thân giúp đỡ.

Mở rộng trái tim

Tôi biết có một thanh niên trẻ rất giận cha và đã nói: “Con không có liên quan gì với cha cả”. Điều này cũng dễ hiểu. Anh ta nghĩ rằng tất cả những nỗi khổ đau của mình là do cha gây nên và anh ta không muốn dính líu gì đến cha cả. Anh ta muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu anh ta sẽ thấy rằng cho dù anh ta có giận cha mình đến tận xương tủy đi nữa thì người kia vẫn là cha mình, anh là sự tiếp nối của cha. Ghét cha tức là ghét mình. Không có cách nào khác hơn là chấp nhận cha. Nếu trái tim ta nhỏ bé thì ta không thể ôm ấp được người kia, vì vậy ta phải có trái tim rộng lớn hơn. Ta có thể làm mọi cách cho trái tim ta rộng lớn để có đủ không gian ôm ấp cha ta.

Nhìn sâu là sự thực tập duy nhất giúp cho trái tim rộng mở đến vô lượng, vô biên, không thể nào đo lường được. Một trái tim mà còn có thể đo lường được thì không phải là một trái tim lớn. Có bốn yếu tố để làm nên tình thương chân thật, gọi là tứ vô lượng tâm. Đó là từ (maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekṣā). Chúng ta thực tập bốn yếu tố này để biến trái tim ta thành vô lượng. Khi trái tim ta bắt đầu lớn rộng, chúng ta sẽ có khả năng dung chứa, chấp nhận bất kỳ loại khổ đau nào. Khi có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau trong lòng, ta sẽ không còn khổ đau nữa.

Đức Bụt ví trái tim rộng lớn giống như một dòng sông. Nếu có một chút bùn nhơ rơi vào ly nước thì ta không thể uống nước đó được mà ta phải đổ nó đi. Nhưng nếu ta thả chút bùn nhơ đó vào trong một dòng sông rộng lớn thì ta vẫn có thể sử dụng nước trong dòng sông ấy. Vì dòng sông lớn có khả năng chấp nhận chút bùn nhơ đó mà không ảnh hưởng đến dòng nước.

Khi trái tim ta bé nhỏ, ta không thể chịu đựng được nỗi khổ niềm đau do người khác và xã hội giáng xuống cho ta. Nhưng nếu trái tim ta rộng lớn thì ta có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau ấy và ta sẽ không khổ đau. Thực tập tứ vô lượng tâm là giúp cho trái tim ta rộng lớn như dòng sông.

Quán từ bi (Từ quán)

Maitrī nghĩa là từ. Gốc của nó là mitra, nghĩa là bạn. Từ quán giúp ta trở thành người bạn cho chính mình và cho người khác. Chúng ta có thể bắt đầu thực tập bằng lời nguyện: “Nguyện cho con…”. Sau đó ta vượt thoát lời nguyện, nhìn sâu vào những đặc tính tích cực và tiêu cực của đối tượng thiền quán, trong trường hợp này là chính mình. Thiện chí thương yêu chưa phải là tình thương yêu. Chúng ta phải nhìn sâu với tất cả con người của mình để hiểu. Chúng ta không phải chỉ lặp lại ngôn từ. Đây không phải là tự kỷ ám thị. Chúng ta cần nhìn sâu vào thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của mình, chỉ trong vòng vài tuần thì nguyện ước thương yêu của ta sẽ trở thành một ước muốn sâu sắc. Tình thương sẽ đi vào suy nghĩ, lời nói, hành động của ta, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta sẽ trở nên an vui, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn, trong thân cũng như trong tâm.

Phép từ quán này được dựa vào Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghoṣa) là một bộ luận hệ thống hóa những lời dạy của Bụt, được thực hiện vào thế kỷ thứ 15. Chúng ta bắt đầu thực tập từ quán với chính mình “Nguyện cho con…”. Không có khả năng thương yêu và chăm sóc chính mình, ta không thể giúp được cho người khác. Sau khi thực tập với chính mình, ta thực tập cho người khác: “Nguyện cho người ấy… hoặc Nguyện cho họ…”, trước hết là những người ta thích, kế đến là những người bình thường, sau đó đến những người ta thương yêu và cuối cùng là những người gây khổ đau cho ta.

Nguyện cho thân tâm con được nhẹ nhàng, an lạc và thảnh thơi.
Nguyện cho con được an toàn và không vướng vào tai nạn.
Nguyện cho con thoát khỏi sự giận hờn, ưu sầu, sợ hãi và lo lắng.
Nguyện cho con học nhìn vào chính con bằng đôi mắt hiểu biết và thương yêu.
Nguyện cho con có khả năng nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống an vui, hạnh phúc trong con.
Nguyện cho con nhận diện và thấy được nguồn gốc của sự giận hờn, tham đắm, si mê trong con.
Nguyện cho con biết cách nuôi dưỡng những hạt giống an vui, hạnh phúc mỗi ngày trong con.
Nguyện cho con có khả năng sống tươi mát, vững chãi và thảnh thơi.
Nguyện cho con không rơi vào thái độ dửng dưng, không kẹt vào hai mặt tham đắm và ghét bỏ.

Tình thương yêu không chỉ là ước muốn thương yêu, mà là khả năng làm vơi bớt nỗi khổ đau và hiến tặng niềm an vui, hạnh phúc. Thực tập thương yêu là làm lớn mạnh tính kiên nhẫn và khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau. Nếu trái tim ta rộng lớn, ta có thể ôm được niềm đau mà không khổ. Kiên nhẫn không có nghĩa là đè nén niềm đau.

Hiệp ước sống chung an lạc

Nếu ta và người kia, hay ta và gia đình ta không muốn khổ đau, không muốn kẹt vào trong những cuộc xung đột, đổ lỗi cho nhau, chúng ta có thể ký một hiệp ước. Chúng ta nói rằng: “Em ơi, tôi biết trong em có hạt giống giận dữ. Tôi biết mỗi khi tôi tưới tấm hạt giống giận dữ đó thì em khổ và em cũng làm tôi khổ. Vì vậy, tôi nguyện không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong em. Tôi hứa như vậy. Tất nhiên tôi cũng hứa là sẽ không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi. Xin em hãy quán chiếu xem thử chúng ta có thể cam kết với nhau hay không. Trong đời sống hằng ngày, xin em đừng đọc, đừng xem, đừng tiêu thụ bất cứ thứ gì tưới tẩm hạt giống giận dữ, bạo động trong em. Em biết là trong tôi có hạt giống giận dữ rất lớn. Mỗi khi em tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi bằng lời nói hay hành động thì tôi khổ đau và tôi làm cho em khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải ý thức và nỗ lực để đừng tưới tẩm những hạt giống bạo động và giận dữ cho nhau”.

Đó là một phần của hiệp ước sống chung an lạc mà chúng ta cam kết với người thương của chúng ta, như vợ, chồng, con cái. Nếu có ai đó trong gia đình hay trong tăng thân làm chứng cho việc ký kết hiệp ước của ta thì rất tuyệt vời. Theo hiệp ước sống chung an lạc thì mỗi khi cơn giận phát khởi, ta không nói gì và làm gì cả. Chúng ta chỉ trở về ngôi nhà của chính mình để chăm sóc cơn giận, chúng ta thực tập nhìn sâu để tiếp xúc và nhận diện nguồn gốc của nỗi khổ đau trong ta.

Tuệ giác đầu tiên mà ta đạt được đó là thấy được nguồn gốc chính của nỗi khổ đau là do hạt giống giận dữ trong ta, còn người kia chỉ là nguyên nhân thứ hai. Chúng ta có thể nhìn vào người kia và hiểu được là họ không biết cách thực tập, không biết cách làm chủ và chăm sóc những bạo động trong họ. Người ấy đã khổ đau nhiều lần và đã trở thành nạn nhân của chính nỗi khổ đau của họ. Vì vậy người ấy tiếp tục khổ đau và làm cho những người chung quanh đau khổ. Điều này cũng rất tự nhiên. Người ấy cần sự giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đó là tuệ giác thứ hai mà ta đạt được.

Chúng ta cũng có thể đi xa hơn nữa bằng cách đặt câu hỏi: “Nếu người kia cần sự giúp đỡ thì ai sẽ là người giúp họ?”. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là người hiểu người ấy hơn ai hết, và ta có nhiệm vụ trở về để giúp đỡ người ấy. Khi cái ước muốn trở về giúp đỡ người ấy phát sinh trong ta, ta biết rằng cơn giận của ta đã chuyển hóa thành tình thương yêu. Tình thương và lòng từ bi thúc đẩy ta trở về giúp đỡ. Tôi biết có nhiều người trẻ thực tập ở Làng Mai đã trở về nhà giúp đỡ cha mẹ họ. Họ không còn giận cha mẹ nữa.

Viết thư

Có một chàng thanh niên rất giận dữ với mẹ. Tôi yêu cầu mọi người đang tham dự khóa tu viết xuống những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ mình. Chàng thanh niên đó tự nói với chính mình rằng: “Ồ, viết những đức tính tốt của cha thì dễ, nhưng viết những đức tính tốt của mẹ thì chẳng có gì nhiều để viết cả”. Nhưng rồi anh ta cũng ngồi xuống viết; và khi bắt đầu đặt bút xuống, anh ta rất ngạc nhiên là mình tìm thấy hết điểm này đến điểm khác, cứ thế mà anh ta viết xuống rất nhiều những đức tính tốt của mẹ. Một trang không đủ. Anh ta phải lật sang trang khác và tiếp tục viết.

Trong suốt thời gian này, anh ta thực tập nhìn sâu và nhận ra rằng mẹ mình có rất nhiều đức tính tốt. Anh ta giận mẹ chỉ vì một điểm, thế mà cơn giận che hết tất cả mọi thứ khác. Làm xong bài tập này anh ta khám phá ra mẹ mình là một người quá tuyệt vời. Và bài tập tiếp theo là anh ta viết bức thư đầy tình cảm cho mẹ.

Trong lá thư anh ta nói: “Mẹ ơi, con rất hạnh phúc và tự hào là đã có người mẹ như mẹ”. Và anh ta đề cập đến tất cả những đức tính tốt mà anh ta được tiếp nhận từ mẹ. Một tuần sau, vợ anh từ Mỹ gọi điện thoại và báo cho anh biết rằng: “Mẹ anh rất hạnh phúc khi đọc bức thư của anh. Mẹ nói là mẹ đã khám phá ra rằng mẹ có một người con rất tuyệt vời. Và mẹ nói là nếu bà ngoại còn sống mẹ sẽ viết cho bà ngoại một lá thư như thế”.

Sau khi nói chuyện với vợ, người thanh niên này viết cho mẹ anh một lá thư khác: “Mẹ ơi, nếu mẹ nhìn sâu, mẹ sẽ thấy rằng bà ngoại vẫn còn sống trong mẹ, trong mỗi tế bào cơ thể mẹ. Và con tin chắc rằng nếu mẹ ngồi xuống viết thư cho bà ngoại thì bà ngoại sẽ đọc được lá thư ấy. Không quá trễ đâu mẹ”. Tình mẹ con được tái lập một cách đẹp đẽ mà không cần nhiều thời gian.

Theo Hiệp ước sống chung an lạc, nếu ta không có khả năng chuyển hóa cơn giận sau khi thực tập ôm ấp và nhìn sâu vào nó, chúng ta phải cho người kia biết trước 24 giờ, chúng ta phải nói với người ấy tình trạng của ta. Thật không lành mạnh nếu ta giữ nó trong lòng. Ta hãy tới với người kia và nói là ta đang giận, ta đang khổ đau. Nếu ta cảm thấy ta chưa bình tĩnh, ta có thể viết xuống giấy. Theo Hiệp ước sống chung an lạc, chúng ta phải gởi mẩu giấy nhắn tin này trước khi hết hạn. (Xem Mẩu giấy nhắn tin ở sau)

Ba câu linh chú để hòa giải

Ở Làng Mai có ba câu linh chú để thực tập khi ta khổ đau vì một ai đó. Chúng ta có thể viết xuống, cất vào ví của mình để nhắc nhở ta thực tập. Câu thứ nhất là: “Em yêu, tôi đang giận. Tôi đang khổ đau và tôi muốn em biết điều này”. Bằng lời nói ái ngữ, ta cho người kia biết sự thật là ta đang khổ đau, ta đang giận người ấy. Có thể ta tự cao tự đại, tự cho mình là đúng. Và khi một người khác tới hỏi ta có ổn không, ta có giận không, có thể ta nói: “Tôi à, tôi mà giận à? Tôi không giận gì cả, không khổ đau gì hết”. Điều này là đi ngược lại với sự thực tập. Thay vì nói như vậy, ta nói rằng: “Em yêu, tôi giận lắm, thật sự rất giận. Tôi khổ đau và muốn em biết điều này”. Nếu muốn ta có thể nói tiếp: “Tôi không hiểu tại sao em lại nói những điều như thế, em lại làm những điều như thế đối với tôi. Tôi rất đau khổ”. Đó là nội dung của câu thần chú thứ nhất.

Câu thần chú thứ hai: “Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Điều này có nghĩa là tôi đang thực tập. Tôi biết là mỗi khi tôi giận, tôi không nên nói và làm gì cả mà chỉ trở về với hơi thở, thực tập ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm, và nhìn sâu vào nó để thấy rõ gốc rễ sâu xa của nó. Tôi đang cố gắng hết sức. Ta chỉ cho người kia thấy được ta là một hành giả, ta biết cách xử lý cơn giận của ta. Điều này tạo thêm niềm tin và sự kính trọng trong lòng người ấy. Đây cũng là một lời mời gián tiếp, mời người kia cùng thực tập và tự hỏi: “Mình đã làm gì, nói gì khiến người kia đau khổ như vậy?”. Chừng đó là đã bắt đầu thực tập rồi. Câu thần chú thứ hai là mời người kia nhìn sâu để xem thử là người kia đã nói và làm như vậy có chính đáng hay không.

Câu thần chú thứ ba là: “Xin em hãy giúp đỡ tôi”. Bởi vì một mình tôi, tôi không thể chuyển hóa nổi nỗi khổ đau và cơn giận này. Nếu có khả năng viết ra câu thần chú thứ ba này thì ta đã bớt khổ đi rồi. Khi đã trở thành bạn đồng hành với nhau trên con đường thực tập, ta phải chia sẻ với nhau cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau. “Bây giờ tôi khổ đau và tôi muốn chia sẻ nỗi khổ đau này với anh và tôi muốn anh giúp tôi.” Nếu ta có khả năng viết xuống câu này nghĩa là ta đã vượt qua được sự tự ái của ta.

Thông thường khi bị tổn thương quá nặng, ta muốn trở về phòng, khóc một mình và từ chối sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta tự ái. Chúng ta muốn trừng phạt người kia, bằng cách cho người ấy biết không có người ấy ta vẫn có thể sống bình thường. Vì vậy ba câu này là những hướng dẫn giúp ta thực tập. Thay vì từ chối sự giúp đỡ, ta nói: “Em yêu, anh rất giận em. Anh đang khổ đau. Anh muốn em biết điều này. Anh đang làm hay nhất có thể để xử lý nỗi khổ đau của mình. Xin em giúp đỡ anh”. Ta có thể viết những câu này xuống trên những tấm giấy nhỏ cỡ tấm ‘name card’ và cất vào ví. Khi năng lượng giận dữ xuất hiện, ta biết ta nên làm gì. Ta có thể lấy nó ra đọc. Trong giây phút này Bụt sẽ có mặt với ta. Ta biết rõ những gì nên làm và những gì không nên làm. Nhiều người đã thực tập điều này và chuyển hóa được mối quan hệ của mình, giữa cha và con trai, mẹ và con gái hay giữa những cặp vợ chồng với nhau. Thực tập hơi thở chánh niệm và đi thiền hành giúp ta làm lắng dịu thân tâm rất lớn. Chúng ta cố gắng hết sức mình để giải quyết tình trạng. Đừng phản ứng, đừng để cho cơn giận và bạo động gây thêm khổ đau nữa.

Lá thư hòa giải

Ba câu linh chú này là nền tảng căn bản của một lá thư hòa giải. Viết thư là một sự thực tập rất quan trọng. Cho dù ta có thiện chí lớn bao nhiêu đi nữa nhưng nếu sự thực tập của ta không đủ vững chãi, chúng ta cũng có thể bực bội cáu gắt khi nói chuyện và rồi ta sẽ phản ứng thiếu khéo léo. Điều đó sẽ đánh mất cơ hội hòa giải. Vì vậy đôi khi để an toàn và dễ dàng hơn ta nên viết thư. Trong thư ta cũng có thể nói thật hoàn toàn. Chúng ta có thể cho người kia biết những điều mà người kia đã làm khiến cho ta khổ đau và tổn thương. Chúng ta có thể viết tất cả những điều ta cảm nhận trong lòng.

Trong khi viết thư, sự thực tập của chúng ta là làm lắng dịu những cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, thương yêu. Chúng ta cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại. Chúng ta có thể viết: “Anh ơi, có thể em là nạn nhân của tri giác sai lầm, và những gì em viết ra đây có thể không phản ánh đúng sự thật. Tuy nhiên, đây là cái thấy của em, là điều em thật sự cảm nhận trong trái tim mình. Nếu tri giác em sai lầm thì xin anh hãy giúp em lấy đi cái tri giác sai lầm này ra khỏi em. Nếu những gì em viết không đúng sự thật thì xin anh hãy cùng em nhìn lại để làm rõ vấn đề này hơn và phá tan những hiểu lầm trong nhau”. Khi viết thư chúng ta phải sử dụng ái ngữ. Nếu có một câu nào đó chưa đủ khéo léo, ta có thể làm mới lại và viết lại câu khác dễ thương hơn.

Trong lá thư, chúng ta phải chứng minh là ta có khả năng hiểu được nỗi khổ đau của người kia. “Anh thương mến, em biết là anh đang đau khổ. Và em biết là anh không hoàn toàn chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau của anh”. Khi thực tâp nhìn sâu, ta có thể khám phá ra gốc rễ và nguyên nhân nỗi khổ đau của người kia. Chúng ta có thể nói cho người kia nghe tất cả những gì ta thấy. Chúng ta cũng có thể nói cho người kia biết nỗi khổ của ta, và cho người kia biết là ta hiểu được vì sao người kia lại hành xử, nói năng như vậy.

Chúng ta có thể để dành một, hai, ba tuần để hoàn tất lá thư bởi vì đây là một lá thư rất quan trọng.

Lá thư này rất thiết thực cho hạnh phúc của chúng ta. Khoảng thời gian ta dành để viết lá thư này thậm chí còn quan trọng hơn là khoảng thời gian một, hai năm ta dùng để viết luận án tiến sĩ. Luận án của ta không quan trọng bằng lá thư. Viết thư như thế là cách hay nhất ta có thể làm để phá tan những chướng ngại trong ta và tái lập được truyền thông. Chúng ta là bác sĩ, là nhà tâm lý trị liệu giỏi nhất cho người thương của ta, bởi vì ta hiểu người đó nhất.

Chúng ta không làm điều này một mình. Chúng ta có những người anh, người chị đã từng thực tập có thể soi sáng và giúp ta viết lá thư này. Người mà ta cần, có mặt ngay tại đây trong tăng thân của chúng ta. Khi viết một cuốn sách, ta thường gởi bản thảo cho bạn bè hoặc cho những nhà chuyên môn nhờ họ đọc và góp ý giúp. Những người bạn đồng hành trong sự thực tập của ta là những chuyên gia, bởi vì họ biết thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi, biết quán chiếu vấn đề sâu sắc và biết nói năng bằng lời ái ngữ. Vì vậy ta đưa thư nhờ sư chị sư anh đọc giúp, và xin sư chị sư anh nói cho ta biết là ngôn ngữ ta sử dụng có đủ hòa ái, bình an, trầm tĩnh chưa, tuệ giác của ta đã đủ sâu chưa. Sau đó ta đưa lá thư này cho một người sư anh sư chị khác. Chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi ta thấy lá thư có khả năng mang đến sự chuyển hóa trong người kia và giúp người kia trị liệu.

Chúng ta phải đầu tư thời gian, năng lượng và tình thương yêu vào những lá thư như thế. Không ai lại từ chối giúp đỡ ta trong nỗ lực quan trọng này. Tái lập truyền thông với người ta thương yêu và quan tâm chăm sóc là điều rất quan trọng. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, con gái, con trai ta hay là người bạn hôn phối của ta. Người đó cũng có thể là người ngồi cạnh ta. Chúng ta có thể bắt đầu liền ngay bây giờ. Chúng ta có thể bắt đầu viết thư hôm nay. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chỉ cần một cây viết và một tờ giấy thôi là chúng ta có thể làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta.

Trong khi ngồi thiền, đi thiền, làm vườn, dọn dẹp hay nấu ăn ta không nghĩ về lá thư. Tuy nhiên tất cả những gì ta làm đều liên quan đến lá thư. Thời gian ta ngồi xuống viết thư chỉ là thời gian ta trải lòng mình ra lên tờ giấy. Chúng ta viết thư khi ta tưới rau, đi thiền hành, nấu cơm cho đại chúng. Tất cả những thực tập này giúp cho ta vững chãi hơn, bình an hơn. Chánh niệm và chánh định mà ta chế tác qua những công việc hằng ngày giúp cho hạt giống của sự hiểu biết, thương yêu trong ta lớn lên. Nếu lá thư của ta được viết ra từ nguồn năng lượng chánh niệm mà ta chế tác trong ngày thì đó là một lá thư quá tuyệt vời. Cho dù những lúc ta không nghĩ về lá thư thì lá thư cũng đang được viết từ trong chiều sâu tâm thức của ta.

Chúng ta không thể chỉ ngồi viết thư thôi. Chúng ta cũng cần phải làm những thứ khác nữa. Chúng ta uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Thời gian ta làm những công việc này vô cùng quan trọng. Chúng ta phải làm cho đàng hoàng. Chúng ta phải để một trăm phần trăm con người mình vào việc nấu ăn, tưới cây hay rửa chén. Chúng ta thưởng thức tất cả những gì ta đang làm và làm một cách sâu sắc. Điều này rất quan trọng cho lá thư của ta và cho bất cứ điều gì ta muốn thực hiện.

Giải thoát, giác ngộ không tách rời việc rửa chén hay trồng rau. Học cách sống sâu sắc trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày bằng năng lượng chánh niệm và chánh định là sự thực tập của chúng ta. Những ý niệm và những sáng tạo cho tác phẩm nghệ thuật của ta diễn ra ngay nơi mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Lúc ta bắt đầu viết nhạc hay làm thơ chỉ là thời gian ta sinh nó ra. Giống như là thời gian ta sinh con vậy. Đứa bé đã có trong ta rồi trước khi ta sinh ra. Nếu trong ta không có ý niệm gì thì cho dù ta có ngồi vào bàn từ giờ này sang giờ khác, ta cũng không viết được gì, không có gì để cho ra cả. Tuệ giác, lòng từ bi và khả năng viết thư khiến cho trái tim người kia xúc động là hoa trái của sự thực tập. Chúng ta phải tận dụng từng phút giây của đời sống hằng ngày để cho tuệ giác và từ bi đơm hoa.

Chính năng lượng chánh niệm trong ta cho phép ta viết một lá thư rất thực, đầy tình thương yêu và có khả năng hòa giải với người kia. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu được làm bằng tuệ giác, hiểu biết và từ bi. Nếu không thì đó không phải là một lá thư đầy tình thương yêu. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu phải có khả năng mang lại sự chuyển hóa trong người kia và trên thế giới. Nhưng trước khi mang lại sự chuyển hóa cho người kia chúng ta phải chuyển hóa trong tự thân mình. Có những lá thư mà ta có thể để ra cả đời để viết.

Thiếu sự khéo léo

Chúng ta không nên nản lòng khi nhận ra rằng trong quá khứ chúng ta đã từng khổ đau và đã từng làm cho người kia đau khổ. Nếu biết cách xử lý khổ đau, ta sẽ có khả năng thừa hưởng được những lợi lạc do khổ đau đem đến. Cố nhiên ta đã gây ra những lỗi lầm, ta đã không khéo léo. Ta đã làm cho bản thân ta khổ đau và làm cho những người chung quanh ta khổ đau. Nhưng điều đó không ngăn cản ta làm mới trở lại và làm hay hơn cho năm tới, thậm chí là ta có thể làm hay hơn cho giây phút tới. Chúng ta nên nhìn vào nỗi khổ đau của mình như thế nào đó để nỗi khổ đau có thể trở thành điều tích cực. Tất cả chúng ta ai cũng mắc phải những lỗi lầm và thiếu sự khéo léo. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản ta cải thiện, làm mới lại và chuyển hóa.

Khi có điều gì bất ổn xảy ra, ta muốn sửa chữa ngay. Chúng ta muốn làm cho những nỗi khổ đau, những sai lầm của ta biến đi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên khi có khó khăn xảy ra, bước đầu tiên ta cần làm là nhận diện khó khăn mà không phải là chỉnh sửa. Sau khi có mặt với chính mình một thời gian, ta sẽ dễ dàng đến gần với người mà ta đang tranh cãi. Chúng ta có thể nói: “Em yêu, tôi biết là trong những năm tháng trước em đã khổ đau rất nhiều. Và tôi đã đóng góp vào làm cho nỗi khổ đau trong em lớn hơn. Tôi đã không chánh niệm đủ. Tôi đã không hiểu đủ nỗi khổ đau và khó khăn của em. Có thể tôi đã làm, đã nói những điều làm cho tình trạng tệ hại hơn. Tôi rất xin lỗi. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Tôi muốn em hạnh phúc, an toàn, tự do và có nhiều niềm vui sống. Nhưng vì tôi không hiểu đủ em, không hiểu đủ nỗi khổ đau của em nên nhiều khi tôi đã không khéo léo. Có lẽ em có cảm tưởng là tôi muốn làm cho em đau khổ. Nhưng điều đó không đúng. Vì thế xin em hãy nói cho tôi biết nỗi khổ đau của em để tôi không lặp lại những lỗi lầm tương tự như trong quá khứ tôi đã gây ra. Hạnh phúc của em rất quan trọng cho hạnh phúc của tôi. Hãy nói cho tôi nghe những nỗi sợ hãi, những mối quan tâm, những khó khăn của em để tôi có thể giúp em dễ dàng hơn”. Đó là ngôn ngữ phát sinh từ ý thức.

Nhiều người trong chúng ta đã không chánh niệm đủ để hiểu được những khó khăn, khổ đau, giận hờn và phiền muộn của con em mình. Cha mẹ phải có khả năng nói chuyện được với con cái bằng ngôn ngữ của trái tim. Như thế ta mới có khả năng tái lập lại truyền thông và tạo nên sự an lạc cho cả hai bên. Nhờ đó quá trình trị liệu sẽ bắt đầu xảy ra.

Tất cả chúng ta đều biết rằng bình an phải đến từ chính tự thân mình. Nhưng không phải ai cũng biết cách chế tác bình an. Khi chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm thì nỗi khổ đau của chúng ta sẽ chuyển hóa thành nguồn hiểu biết thương yêu, và sự hòa giải sẽ xảy ra dễ dàng hơn nhiều. Trước đó ta không thể hòa giải được. Sự tự ái, giận dữ, sợ hãi, khổ đau trấn ngự tâm ý ta, ngăn cản con đường của ta. Nhờ chánh niệm mà sự hiểu biết thấm nhuần vào mảnh đất tâm của ta và có khả năng làm ứa ra những giọt nước cam lộ thanh lương.

Hòa giải với chính mình

Ở Làng Mai, có một cặp vợ chồng sắp cưới nhau đến hỏi tôi: “Thưa thầy, còn 24 giờ đồng hồ nữa là chúng con làm lễ kết hôn. Chúng con có thể chuẩn bị những gì cho buổi lễ của chúng con được thành công tốt đẹp?”. Tôi trả lời: “Điều quan trọng nhất là hai con phải nhìn sâu vào chính tự thân mình để xem trong lòng hai con còn có chướng ngại nào không. Ngay giây phút này có ai mà hai con chưa hòa giải được hay không? Trong lòng hai con có điều gì chưa hòa giải hay không?”. Hòa giải không phải lúc nào cũng là hòa giải với người khác, có khi ta phải hòa giải với chính tự thân mình. Trong ta có rất nhiều xung đột vì vậy ta phải ngồi xuống hòa giải những xung đột đó. Chúng ta phải đi thiền hành, phải ngồi thiền để nhận diện những gì đang xảy ra trong ta, để thấy rõ tình trạng của ta và những gì ta cần làm.

Chúng ta đi thiền hành, ngồi thiền, nấu ăn, rửa bát,… làm tất cả những công việc ấy là để nhìn sâu và thấy rõ những gì cần làm để làm mới lại. Cuối cùng, đôi bạn trẻ ấy nhận ra là họ có quá nhiều thứ để làm trước buổi lễ tân hôn, mà họ chỉ có 24 giờ đồng hồ. Họ có một người bạn cần phải hòa giải liền. Làm sao họ có thể gởi lá thư cho người ấy trong vòng 24 tiếng đồng hồ? Nếu ta hòa giải được với người ấy trong tự thân, như thế cũng đủ. Bởi vì sau đó hiệu quả của việc hòa giải sẽ ảnh hưởng khắp mọi nơi.

Cho dù người mà ta muốn hòa giải ở rất xa ta, cho dù người đó không chịu trả lời điện thoại, không chịu mở thư ra đọc, hay cho dù người đó đã qua đời rồi thì sự hòa giải vẫn có thể xảy ra. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, anh chị em của ta, con trai ta hay con gái ta. Dù người đó vẫn còn sống hay đã qua đời rồi thì ta vẫn có thể hòa giải được. Bởi vì hòa giải nghĩa là hòa giải trong tự thân ta để cho hòa bình an lạc được tái lập. Chúng ta biết là ta có khả năng làm mới, có khả năng làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. Mẹ ta có thể đã qua đời rồi. Nhưng nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng mẹ vẫn còn sống trong ta. Chúng ta không thể tồn tại mà không có mẹ. Cho dù ta ghét mẹ, cho dù ta giận mẹ, cho dù ta không muốn nghĩ về mẹ thì mẹ vẫn ở trong chúng ta. Hơn thế nữa, mẹ là ta. Và ta là mẹ. Ta là con của mẹ. Ta là sự tiếp nối của mẹ. Dù ta có thích hay không thì ta cũng là mẹ. Hòa giải được thực hiện trong tự thân của ta. Hòa giải với cha, mẹ, con cái hay vợ chồng nghĩa là hòa giải với chính mình.

Đôi khi chúng ta hối tiếc, ân hận là đã không nói những điều lẽ ra ta nên nói với những người thương trong gia đình ta trước khi họ qua đời. Chúng ta hối hận là chúng ta đã không dễ thương với người ấy trong suốt cuộc đời của họ. Bây giờ chúng ta nghĩ là đã quá trễ rồi. Tuy nhiên chúng ta không cần phải hối hận như thế. Người kia vẫn còn trong chúng ta và ta có thể bắt đầu làm mới lại. Chúng ta mỉm cười với người ấy và nói với người ấy những điều mà lẽ ra ta nên nói với người ấy nhưng ta đã không có cơ hội để nói. Chúng ta nói điều ấy ngay bây giờ và người kia có thể nghe được. Đôi khi ta cũng không cần phải nói gì cả. Chúng ta chỉ cần sống với tinh thần làm mới thì người kia sẽ cảm nhận được.

Tôi đã nói chuyện với một cựu chiến binh Hoa Kỳ, người đã giết chết năm đứa trẻ em ở Việt Nam, rằng: “Ông không cần phải tiếp tục khổ đau vì ông đã giết năm đứa trẻ. Nếu ông biết cách sống quãng đời còn lại của mình, biết cách cứu các trẻ em trong hiện tại và trong tương lai thì năm đứa trẻ này sẽ hiểu được tấm lòng của ông, sẽ mỉm cười với ông, sẽ yểm trở ông trên con đường thực tập này”. Không có lý do gì ta phải kẹt vào những mặc cảm tội lỗi. Mọi thứ đều có thể xảy ra, đều có thể làm mới lại được. Quá khứ không mất đi đâu cả. Quá khứ vẫn còn đó trong hiện tại. Nếu ta biết cách tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại thì ta sẽ tiếp xúc được với quá khứ và ta có thể thay đổi được quá khứ. Đây là lời Bụt dạy. Nếu ta đã nói những điều không dễ thương với bà ngoại mà bây giờ bà đã qua đời rồi, ta vẫn có thể làm mới được.

Chúng ta ngồi xuống, thực tập những hơi thở vào ra trong chánh niệm và mời bà có mặt với ta. Chúng ta mỉm cười với bà và nói: “Bà ơi, cháu xin lỗi bà. Cháu sẽ không nói những điều như thế nữa”. Ta sẽ thấy bà mỉm cười. Sự thực tập này mang lại cho ta sự bình an, tươi mới, đồng thời đem lại cho những người chung quanh ta và cho các thế hệ tương lai nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Thực tập như thế nào khi ta làm người khác tổn thương?

Chúng ta phải làm gì khi làm người khác bị tổn thương và họ xem ta như kẻ thù của họ? Người này có thể là những người trong gia đình ta, trong tăng thân ta, hay trong một đất nước khác. Tôi biết là chúng ta đã có câu trả lời. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Đầu tiên là ta phải làm thế nào để nói cho được: “Tôi xin lỗi. Vì vô minh, vì thiếu chánh niệm, vì thiếu khéo léo mà tôi đã làm cho anh bị tổn thương. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hiểu và thông cảm hơn. Tôi sẽ không nói với anh những điều như thế nữa. Tôi không muốn làm anh tổn thương”. Đôi khi chúng ta không có chủ tâm làm cho người kia bị tổn thương nhưng vì ta không đủ chánh niệm và khéo léo nên đã làm người khác đau khổ. Vì vậy thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng, nhờ đó chúng ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để không làm tổn thương người khác.

Điều thứ hai mà ta có thể làm là cố gắng biểu hiện những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, những đức tính tốt, những bông hoa tươi đẹp để chuyển hóa bản thân. Đây là cách duy nhất mà ta có thể dùng để chứng minh những gì ta vừa mới nói. Khi chúng ta trở nên tươi mát và dễ chịu, người kia sẽ sớm nhận ra được. Sau đó, khi có cơ hội đến gần người kia, ta đến như một bông hoa tươi mát và người kia sẽ nhận ra ngay. Có thể chúng ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần nhìn cách ta thay đổi thì người kia sẽ chấp nhận và tha thứ cho ta. Ta làm theo những gì ta nói chứ không phải là những lời nói suông.

Khi ta thấy được “kẻ thù” ta đang khổ đau là ta bắt đầu có tuệ giác. Thấy được trong tự thân có ước muốn giúp người kia hết khổ, đó là dấu hiệu của tình thương yêu. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận. Đôi khi ta nghĩ rằng ta mạnh hơn khả năng ta có. Để thử sức mạnh của mình, ta thử đến với người kia và nói chuyện với người ấy. Chúng ta sẽ khám phá ra ngay lập tức là tình thương và lòng từ bi của ta có thực sự vững mạnh hay không. Chúng ta cần một người khác có mặt đó cho ta thử nghiệm sức mạnh của ta. Nếu thiền tập chỉ dựa trên những nguyên tắc trừu tượng về hiểu biết và thương yêu thì có thể đó chỉ là sự tưởng tượng mà không phải là sự hiểu biết và tình thương yêu đích thực.

Hòa giải là bỏ lại sau lưng những cái nhìn lưỡng nguyên và khuynh hướng muốn trừng phạt. Hòa giải không đứng về một bên. Trong một cuộc xung đột xảy ra, hầu hết chúng ta đều muốn đứng về một bên nào đó. Chúng ta phân biệt giữa cái đúng và cái sai, một phần dựa trên những bằng chứng, hoặc những tin đồn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần sự căm phẫn để hành động. Nhưng cho dù sự căm phẫn ấy có đúng lý và chính đáng đi chăng nữa cũng không đủ. Thế giới này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Điều chúng ta cần là những người có khả năng thương yêu và không đứng về một bên để họ có thể ôm được cả hai bên, ôm được thực tại một cách trọn vẹn.

Chúng ta phải tiếp tục thực tập chánh niệm và hòa giải cho đến khi nào ta có khả năng thấy được hình hài của những trẻ em đói khổ là hình hài của chính ta, nỗi khổ đau của mọi người mọi loài là nỗi khổ đau của chính ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra được tình thương chân thật vô phân biệt. Chúng ta có thể nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi và chúng ta có thể làm công việc giúp người thực sự, đó là làm vơi đi nỗi khổ đau trong lòng người.

Điều gì ngăn cản ta hạnh phúc?

Chúng ta thực tập là bởi vì chúng ta muốn học lại một lần nữa cách đi, cách thở và cách ngồi. Đi như thế nào mà hạnh phúc an lạc có mặt trong suốt buổi đi, thở như thế nào để bình an, từ bi và niềm vui sống có mặt trong ta. Khi ăn sáng, chúng ta ăn như thế nào để tự do và niềm vui có mặt. Đó là điều mà ta có thể học hỏi và rèn luyện nhờ vào sự nâng đỡ yểm trợ của tăng thân, của các sư anh sư chị trong sự thực tập. Có những người trong chúng ta có khả năng thở trong chánh niệm, biết thưởng thức và nếm được hương vị của giây phút hiện tại. Một hơi thở vào có thể mang lại cho ta niềm vui. “Thở vào, tôi còn sống”. Đây là giây phút ta ăn mừng sự sống đang có mặt. Chúng ta biết là ta đang còn sống, và chúng ta có thể sống đời sống của ta một cách đích thực, ta có thể ăn mừng sự sống của ta trong mỗi phút mỗi giây. Thở vào, tôi biết tôi còn sống. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Bất kỳ ai cũng có thể làm được điều này. Bất kỳ ai cũng có thể thở vào và ăn mừng sự sống với hơi thở vào đó. Khi ta đi, mỗi bước chân của ta có thể giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta biết mùa xuân đang có mặt đó, mặt trời đang có mặt đó, sự sống đang có mặt đó, những đóa hoa đang có mặt đó và đang mỉm cười với chúng ta. Theo nguyên tắc thì ta có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy để được nuôi dưỡng, để được trị liệu. Tuy nhiên có vài thứ xen vào trong tâm ý ta, ngăn cản ta không cho ta sống hạnh phúc, nhẹ nhàng và khinh an, làm cho ta đánh mất nụ cười.

Tuy vậy, chúng ta có thể lấy lại nụ cười ấy. Mỗi bước chân ta đi, mỗi cái nhìn tiếp xúc với sự sống với những mầu nhiệm của nó có thể trở thành một bữa tiệc ăn mừng sự sống. Đi như thế là ta đi với sự tự do, vượt thoát khỏi những nỗi khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Tự do đó là nền tảng của hạnh phúc. Khi đi, ta đi như một con người tự do. Khi có tự do, ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, có công năng trị liệu và nuôi dưỡng ta.

Điều gì đã xen vào tâm tư ta khi ta đi thiền hành, khi ta ăn mừng sự sống trong mỗi bước chân? Chướng ngại của ta là gì? Chúng ta phải nhận diện và gọi tên nó. Điều gì ngăn cản ta đi và thở như thế, điều gì ngăn cản ta ăn sáng trong niềm hân hoan và hạnh phúc? Chúng ta biết rõ rằng giây phút hiện tại là giây phút duy nhất mà ta có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Quá khứ đã qua rồi, quá khứ không còn chứa đựng sự sống nữa. Và tương lai thì chưa tới. Quá khứ là một cái gì không thật, tương lai cũng không thật. Chỉ có giây phút hiện tại là có thật. Vì vậy sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với giây phút hiện tại, sẵn sàng có mặt cho phút giây hiện tại và thiết lập thân tâm trong phút giây hiện tại để chúng ta có thể tiếp xúc với sự sống và thực sự sống đời sống của chúng ta một cách trọn vẹn. Điều này được thực hiện trong mỗi bước chân đi, trong mỗi hơi thở, trong mỗi tách trà, trong mỗi bữa ăn sáng, hay trong mỗi một tiếng chuông. Tất cả những điều đó đưa ta về với giây phút hiện tại để ta có thể thực sự sống đời sống của ta. Chúng ta luyện tập để đi như thế nào mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở vào ra của ta mang lại cho ta sự sống và niềm hạnh phúc.

Chuyển hóa quá khứ trong giây phút hiện tại

Khi đến một trung tâm tu học hoặc tham dự một khóa tu, có thể ta không có vấn đề gì, nhưng khi nghĩ đến chuyện về nhà thì vấn đề lại xuất hiện. Vấn đề đó có thể là từ người kia. Chúng ta có nhiều khó khăn trong quá khứ, và ta nghĩ rằng người kia là vấn đề của ta, nên ta không thể thở được, không thể ngắm nhìn hoa thủy tiên được, bởi vì chúng ta luôn nghĩ đến cái giây phút mà ta phải trở về nhà đối diện với người ấy. Cho nên ta không có tự do. Chúng ta không thể thưởng thức được hơi thở vào ra của mình, chúng ta cứ nghĩ về điều đó, cứ chạy về quá khứ. Tuy nhiên, ta có thể thực sự thiết lập thân tâm trong cái bây giờ ở đây, và chỉ có cái bây giờ ở đây mới chứa đựng sự sống.

Nỗi sợ hãi phải đối diện với người kia không thể quấy rầy ta. Nhìn cho sâu sắc chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có khả năng làm chủ tình huống bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm, bằng cách thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Chúng ta có khả năng xử lý tất cả mọi trường hợp. Cũng giống như ta biết cách sử dụng gas để nấu ăn hay dùng điện để thắp sáng và sưởi ấm nhà cửa vậy. Nếu không có những hiểu biết đúng đắn về chúng, ta có thể bị chết vì gas và điện. Tuy nhiên thực tế là chúng ta biết đủ. Cho dù chúng ta không biết nhiều về điện, dù chúng ta không phải là những thợ điện chuyên nghiệp, chúng ta cũng có thể hiểu biết đủ để xử lý. Cho nên ta không sợ bị điện giật. Chúng ta không sợ điện, không sợ gas bởi vì chúng ta biết cách xử lý và biết cách sử dụng. Chúng ta có thể chết vì hậu quả của gas và điện, nhưng không phải gas và điện muốn giết chết chúng ta. Chắc chắn là không. Thực tế là gas có thể giúp ta nấu ăn, điện có thể giúp ta nhiều thứ trong nhà.

Điều này cũng giống như người kia. Người đó không muốn làm ta khổ. Chính vì không có khả năng thấy được sự tương tức giữa mình với người kia nên ta mới khổ. Chúng ta phải hiểu người đó. Nếu chúng ta hiểu được tính tình của người đó, cách người đó hành xử thì cũng giống như ta hiểu được gas và điện. Sẽ không còn nguy hiểm nữa, và ta không còn khổ đau nữa. Người đó không có ý làm ta khổ hay làm hại ta. Người đó có thể có những khó khăn hay khổ đau mà không biết cách xử lý và chăm sóc. Vì vậy mà người đó khổ và làm ta khổ. Nhưng nếu ta hiểu được tất cả những điều này và ta hiểu đủ về người đó, ta sẽ thấy rằng không đáng để ta khổ đau quá nhiều như vậy.

Nếu người kia nói điều gì đó khó chịu làm ta khổ đau thì cũng giống như ta mở gas lên. Chúng ta biết bản chất của gas, chúng ta phải cẩn thận, vậy thôi. Người kia có khổ đau trong lòng và chưa học cách xử lý. Vì vậy mà người kia tiếp tục khổ đau và làm người khác khổ đau. Nếu mọi người biết rõ về người đó, biết cách xử lý tình huống thì sẽ không khổ đau vì người đó. Và chúng ta có thể giúp người đó vơi bớt khổ đau rất hiệu quả.

Khi người đó nói những điều thô lỗ với ta, nếu ta có sự cảm thông và lòng từ bi thì ta được bảo hộ.

Chúng ta biết rõ rằng người đó đang khổ đau và không biết cách xử lý nỗi khổ đau của mình. Người đó cần tình thương và cần sự giúp đỡ. Nếu ta có sự cảm thông và có tuệ giác ta sẽ không khổ đau vì những gì người đó nói hoặc làm. Có thể ta không phản ứng, trái lại còn có động cơ muốn làm điều gì đó để giúp đỡ người kia vơi bớt khổ đau. Hiểu biết và từ bi bảo hộ cho chúng ta. Cũng giống như biết được bản chất của gas và điện để chúng ta không còn sợ hãi về nó nữa. Người kia cũng giống như vậy, cũng cùng một bản chất. Người kia không muốn làm ta tổn thương, không muốn làm ta khổ đau. Người ấy khổ đau và ta phải giúp đỡ người ấy.

Quán chiếu cho sâu sắc, chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa, chúng ta có thể nói với mình rằng: “Khi tôi trở về với người ấy, tôi sẽ áp dụng quy tắc này, tôi sẽ không khổ đau nữa. Tôi sẽ tìm cách giúp người ấy bớt khổ”. Được trang bị bằng lòng từ bi và sự hiểu biết, chúng ta sẽ được giải thoát. Cho nên hạnh phúc là điều mà ta có thể đạt được trong giây phút hiện tại. Đóa hoa đang giữ nụ cười cho chúng ta, chúng ta có thể lấy lại nụ cười ngay lập tức và sung sướng mỉm cười trở lại. Ngay giây phút này ta hãy nhìn vào hình hài, cảm thọ và tri giác của ta xem ta có vấn đề gì không? Nếu thấy mình không có vấn đề gì trong giây phút hiện tại thì đừng để cho những con ma quá khứ thống trị ta. Chúng ta không nên để cho những dự án của quá khứ hoặc tương lai hạ gục ta. Chúng chỉ là những bóng ma. Vì vậy ta phải luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại. Đó là sự thực tập của chúng ta. Là con đường của chúng ta. Là cách thức đưa đến sự hòa giải.