Bình yên trong cơn bão

Mỗi khi cảm thấy sợ hãi, giận dữ, hay ghen tị chúng ta có thể chăm sóc những năng lượng tiêu cực ấy mà không nhất thiết phải tạo bất kỳ mâu thuẫn nào bên trong ta. Chỉ nên nỗ lực chăm sóc và chuyển hóa. Không nên sử dụng bạo lực để trấn áp nỗi khổ, niềm đau và lo sợ.

Những cảm xúc mạnh như nỗi sợ hãi hay tuyệt vọng có thể áp đảo chúng ta. Nhưng nhờ thực tập, nhờ chánh niệm, ta có thể ôm ấp những cảm xúc ấy trong ta. Nếu ngày nào chúng ta cũng thực tập tưới tẩm hạt giống chánh niệm khi đi, khi ngồi, khi thở, khi cười là chúng ta đang chế tác năng lượng chánh niệm. Bất cứ khi nào cần năng lượng chánh niệm, ta chỉ cần chạm vào hạt giống đó thì ngay lập tức năng lượng chánh niệm sẽ phát khởi và ôm ấp cảm xúc của ta. Chỉ cần thành công một lần là ta sẽ có thêm bình an và lần sau, khi cảm xúc mạnh xuất hiện, ta sẽ bớt sợ hãi.

Gặp lúc lo sợ

Giả sử bạn có niềm đau, nỗi khổ, hoặc lo sợ ở sâu trong lòng. Nhiều người trong chúng ta không dám nhìn thẳng vào khối khổ đau nằm sâu trong lòng mình. Bạn tìm bận rộn để ngăn chặn những vị khách bạn không ưa ấy. Bạn tìm đến những vị khách khác như đọc sách, xem tivi, nghe nhạc. Bạn tìm mọi cách để che lấp sự trống trải và lo lắng. Đó chỉ là sự đè nén.

Phần lớn chúng ta có xu hướng muốn “bế quan tỏa cảng”. Ta không đủ sức để đối diện, để mời những đau khổ, sợ hãi lên chơi, nên ta lại đi mang vào đủ mọi thứ để lấp đầy tâm trí ta. Lúc nào quanh ta cũng sẵn có quá nhiều thứ giúp ta xao nhãng, để ta giải trí – đặc biệt là tivi. Tivi có thể xem như là một loại ma túy. Khi nỗi khổ quá lớn, khó mà chịu đựng, ta bật tivi lên để tìm quên lãng. Hình ảnh và âm thanh của tivi lấp đầy phòng khách. Ngay cả khi chương trình chẳng có gì thú vị chúng ta cũng không có can đảm tắt tivi. Tại sao? Tại vì thà xem những chương trình không thú vị hay thậm chí nhàm chán còn hơn là trở về với mình và ôm ấp niềm đau, nỗi khổ.

Tìm xao nhãng là thói quen của nhiều người. Trong khi đó có một số khác đã chọn cách sống trong một “khu vực không tivi”, kiểu như “khu vực không hút thuốc” hay “không uống rượu”. 

Tôi biết một gia đình tối nào cũng xem tivi. Một hôm, họ đi ra chợ và mua về một tượng Bụt. Họ mua tượng để trang trí nhưng ngôi nhà quá nhỏ, không có chỗ đặt tượng. Họ bèn đặt tượng lên mặt trên tivi vì ở đó sạch sẽ và trang trọng. Tình cờ tôi ghé qua nhà ngay sau khi họ đặt tượng. Tôi liền nói: “Các bạn thân mến, bức tượng và tivi không hợp với nhau đâu. Tượng Bụt và tivi khác nhau như Bắc Nam hai cực. Tượng đức Bụt gọi ta trở về với tự thân còn tivi đưa ta rời khỏi chính mình.”

Thở bụng

Có vài phương pháp đơn giản để chăm sóc cảm xúc mạnh. Một phương pháp là thở bụng. Khi bị cảm xúc mạnh như sợ hãi hay tức giận, chúng ta thực tập đưa chú ý xuống bụng. Lúc này, ở lại trong tâm trí là không an toàn. Cảm xúc mạnh giống như cơn bão. Đứng ngay giữa tâm bão vô cùng nguy hiểm. Song phần lớn chúng ta khi bực tức, giận dữ lại đứng ngay giữa cơn bão cảm xúc và ta liền bị nhấn chìm. Thay vào đó, chúng ta phải hoàn toàn chú ý vào sự phồng xẹp của bụng.

Vượt qua cơn bão

Hãy nhìn một cội cây trong cơn bão, cành lá bị quăng quật dữ dội. Bạn có cảm tưởng cội cây sẽ không đứng vững. Bạn cũng như thế, khi bị một cảm xúc mạnh, như cội cây kia, bạn dễ bị tổn thương. Bạn có thể bị hủy diệt. Nhưng nếu chú ý vào thân cây và gốc cây, bạn sẽ thấy có điều khác biệt. Bạn thấy rằng thân cây vững chắc và bám rễ vào lòng đất nên không bị bão thổi bay. 

Dù đứng hay ngồi, chúng ta cũng giống như một cội cây. Khi bão cảm xúc kéo đến, không nên ở trong vòng chịu ảnh hưởng mạnh của bão, tức là khu vực não bộ hoặc thành ngực. Đừng ở đó, quá nguy hiểm. Hãy đưa chú ý xuống vùng rốn – nơi đó chính là thân cây và gốc cây, phần vững chắc nhất – và thực tập hơi thở chánh niệm. Hãy ghi nhận bụng phồng lên xẹp xuống. Trong một tư thế vững chãi, như tư thế ngồi, thì kết quả tốt hơn nhiều. Chỉ thở thôi, đừng nghĩ gì cả. Hãy thở theo phồng xẹp của bụng. Thực tập như vậy trong 10 hoặc 15 phút, cảm xúc mạnh sẽ đi qua.

Cảm xúc chỉ là cảm xúc

Thiền có hai khía cạnh: một là dừng lại để bình tĩnh, hai là nhìn sâu để chuyển hóa. Khi có đủ năng lượng chánh niệm, ta có thể nhìn sâu vào bất kỳ cảm xúc nào và khám phá ra thực chất của cảm xúc. Nhờ đó cảm xúc sẽ được chuyển hóa.

Tất nhiên, cảm xúc đã bám rễ sâu trong ta. Chúng quá mạnh và ta nghĩ rằng ta sẽ không sống nổi nếu để mặc chúng hoành hành. Chúng ta phủ nhận và đè nén cảm xúc cho đến khi chúng bùng nổ và gây tổn thương chính ta cũng như người khác. Nhưng cảm xúc chỉ là cảm xúc. Nó đến, ở lại một lúc, rồi đi. Tại sao ta lại gây tổn thương cho mình cũng như người khác chỉ vì một cảm xúc? Trong ta còn có rất nhiều thứ khác ngoài cảm xúc.

Nếu biết thực tập nhìn sâu, chúng ta sẽ có thể nhận ra và xóa bỏ nguyên nhân của cảm xúc gây đau khổ. Chỉ riêng việc thực tập ôm ấp cảm xúc cũng đã rất hữu ích. Khi cảm xúc bùng phát, nếu biết cách tìm nơi an trú, nếu biết cách theo dõi hơi thở và chú ý vào sự phồng xẹp của bụng trong mười lăm hay hai mươi phút, thì cơn bão sẽ đi qua và ta biết được rằng ta có thể vượt qua cảm xúc, ta sẽ tìm lại bình an vững chắc của tâm trí. Thực tập như thế ta không còn sợ hãi nữa. Khi một cảm xúc mạnh lại bùng phát, ta sẽ ứng phó dễ dàng hơn, biết rằng ta có thể vượt qua.

Nếu biết cách thư giãn, khi cảm xúc mạnh đến, chúng ta sẽ không trao truyền nỗi sợ hãi cho con cái cũng như những thế hệ tương lai. Ôm giữ lo sợ, đè nén lo sợ thì sẽ có lúc lo sợ bùng phát. Rồi lo sợ sẽ lây lan cho những người trẻ xung quanh. Họ sẽ thâm nhập và lan tỏa lo sợ. Nhưng nếu biết cách xử lý lo sợ, chúng ta sẽ có khả năng giúp đỡ người thân và những người trẻ xung quanh. Chúng ta có thể nói với họ: “Em yêu, hít thở với anh nào. Hãy chú ý đến sự phồng lên xẹp xuống của bụng.” Thấy bạn có thực tập họ sẵn sàng nghe lời. Nhờ sự hiện diện của bạn, nhờ năng lượng chánh niệm, vững chãi của bạn, nên con bạn, vợ bạn sẽ có thể vượt thoát cơn bão của cảm xúc. Khi chia sẻ lại cho những người trẻ cách vượt qua cơn bão cảm xúc, khuôn mặt bạn hẳn là phải bình an và trầm tĩnh. Một khi người trẻ đã biết làm chủ cảm xúc của mình, họ đang sở hữu một kỹ năng vô giá có thể cứu mạng họ trong tương lai.