04 – Đạt được những gì ta thực sự mong muốn
Nhờ thực tập Chánh Niệm và Năm Giới Quý Báu mà động lực đằng sau khát vọng quyền lực trở nên rõ ràng. Khi động cơ đã rõ ràng, hành động sẽ dũng mãnh, bởi khi đó ta hành động với một quyết tâm vững chắc.
Ước muốn là động lực thúc đẩy đằng sau ý nghĩ (ý), lời nói (khẩu), và hành động (thân). Ước muốn quyết định tất cả. Ai ai cũng có một mục đích quan trọng cho đời mình. Ta muốn thành tựu một việc gì đó. Ta cảm thấy trong ta có một nguồn năng lượng mãnh liệt. Ta muốn thực sự sống trọn vẹn.
Ta thực hiện những điều ấy bằng nhiều cách. Có nhiều người sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng. Họ muốn nước nhà được độc lập. Họ muốn xã hội được công bằng. Họ muốn lật đổ chế độ độc tài. Họ sẵn sàng hy sinh. Ước muốn của họ cung cấp năng lượng và sức mạnh cho hành động. Có người muốn bảo vệ môi sinh, chấp nhận mọi cực nhọc để bảo vệ trái đất. Có người muốn chấm dứt leo thang tiêu thụ, muốn sống đời đơn giản để có thì giờ và năng lực giúp ích cho nhân loại.
Cũng có người mà động lực thúc đẩy không mấy tốt lành. Họ sống chỉ để tạo tiền của, danh vọng, ảnh hưởng, và để được thừa nhận. Họ muốn được mọi người chiêm ngưỡng và thèm thuồng. Họ lái những chiếc xe sang trọng, họ có người tình đẹp và nổi tiếng, họ sống trong những biệt thự lộng lẫy.
Cũng có người chỉ mong muốn trả thù những người mà họ tin là đã làm họ khổ. Họ sống chỉ để trả thù. Suốt đời họ chỉ có một mục đích là tấn công, tàn phá, trừng phạt, và làm cho những người mà họ tin là đã làm cho họ khổ phải điêu đứng. Họ sẵn sàng làm nổ máy bay, sẵn sàng mang bom tự sát. Họ muốn trả thù. Họ cho rằng họ là nạn nhân của bất công. Họ muốn những quốc gia kia, những nhóm người kia phải khổ đau, tủi nhục. Ước muốn ấy là nền tảng của cuộc sống, là căn bản hành động của họ. Những người ấy khước từ hạnh phúc, bởi nếu động lực là trả thù, là chạy theo danh tiếng, vinh quang và quyền năng, thì ta sẽ vô cùng đau khổ.
Bụt đã dùng một hình ảnh bi thảm để mô tả mãnh lực của ước muốn. Một thanh niên bị hai người lực lưỡng lôi đến một hầm lửa. Hai người kia mạnh hơn chàng nhiều và muốn liệng chàng vào hầm lửa. Chàng thanh niên không muốn chết nhưng anh ta không cưỡng lại được. Bụt đặt câu hỏi: “Hai người lực lưỡng đó – hai người muốn liệng chàng thanh niên vào hầm lửa – là ai? Đó là ham muốn chạy theo những gì mà ta tin là hạnh phúc, chạy theo đối tượng của tham dục: quyền hành, dục lạc, tiền tài.”
Trước khi thành đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã tu tập trong sáu năm trời để thành một người tự do, giác ngộ và giải thoát. Thái tử đã chứng kiến bao nhiêu đau khổ trong gia đình, xã hội, và xứ sở của Ngài. Ngài lìa bỏ gia đình và khước từ địa vị đông cung thái tử. Động lực quyết định của Ngài là Tâm Từ Bi chứ không phải ý muốn trốn tránh trách nhiệm. Thái tử Tất Đạt Đa muốn diệt trừ khổ đau của mình để rồi có thể cống hiến cho nhân loại con đường thoát khỏi khổ đau. Đây là mong ước sâu xa nhất của thái tử Tất Đạt Đa và điều ấy đem lại cho Ngài hạnh phúc vô biên, cũng như giúp Ngài có đủ can đảm và sức mạnh để vượt thắng bao gian lao.
Chúng ta gọi ước muốn hay tác ý này là Bồ Đề Tâm (bodhicitta). Bồ Đề Tâm là tâm thương yêu, tâm giác ngộ. Bồ Đề Tâm cũng có thể được dịch là “Tâm hiểu biết”, bởi vì hiểu biết là căn bản của thương yêu. Nếu không hiểu biết thì không thể chấp nhận và thương yêu. Nếu không hiểu được ba của bạn thì bạn không thể thực sự thương yêu ba. Nếu không hiểu được con gái của bạn thì bạn không thể thực sự thương yêu con gái. Hiểu biết tức là thương yêu, thương yêu tức là hiểu biết. Và nếu bạn có ước muốn đạt được hiểu biết đó thì bạn đã có Sơ Tâm, một năng lượng mạnh mẽ bậc nhất. Với năng lượng của sơ tâm này, bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc, vì bạn đang mưu cầu hạnh phúc cho chính bạn và cho những người khác.
Cho nên tất cả chúng ta phải nhìn sâu vào những ước muốn của mình để xem động lực đích thực của ước muốn ấy là gì? Ta biết rằng kinh doanh là để làm ra tiền, nhưng ta phải tìm hiểu hậu quả của đồng tiền làm ra. Trong khi làm ra tiền ta có gây đau khổ, tuyệt vọng, bất công hay không? Làm ra tiền chỉ là một khía cạnh. Sử dụng đồng tiền làm ra là một khía cạnh khác quan trọng không kém. Đồng tiền có thể dùng để đem lại an vui trong đời sống: ta dùng tiền mua thuốc men chữa bệnh, mua thực phẩm để cứu đói. Nhưng với đồng tiền, ta cũng có thể hủy diệt sự sống. Phải nhìn sâu để thấy rõ phải chăng đồng tiền là yếu tố duy nhất có thể đem lại hạnh phúc?
Động lực nào thúc đẩy những nhà doanh nghiệp, chính trị, nghệ sĩ, thể thao, khoa học? Phải chăng là quyền hành, danh vọng, và giàu sang? Quyền hành, danh vọng, và giàu sang có thể là những phương tiện giúp ta làm việc hiệu quả hơn. Nhưng phải nhớ rằng tự chúng không thể đem lại cho ta hạnh phúc hay giúp ích người khác. Ta có thể bị tự ái, ý thức trách nhiệm đánh lạc hướng. Ta có thể tự đánh lừa mình. Cần phải quán chiếu sâu sắc ước vọng sâu kín của mình để thấy rõ bản chất của nó. Nếu vì ước vọng mà ta đau khổ hay người thương của ta đau khổ thì không có gì có thể bào chữa cho ước vọng ấy cả.
Có thể ta chưa bao giờ có cơ hội nhìn sâu vào ước muốn của ta, nếu có, ta sẽ khám phá được những động lực sâu xa của mình. Ta phải nhận diện nguồn gốc của những gì thúc đẩy ta trong những hoạt động hằng ngày. Một tư tưởng thiện sẽ đem đến an vui và hạnh phúc cho ta và những người khác. Một suy nghĩ bất thiện sẽ gây đau khổ cho ta, gia đình ta và mọi người trong xã hội.
Cần phân biệt lý tưởng từ bi với những ham muốn bất thiện, thèm khát. Hai điều này rất khác nhau nhưng nhiều khi ta tưởng lầm ham muốn và thèm khát là lý tưởng cao đẹp. Nhiều khi ta tự dối mình để được yên lòng. Tham dục là do vô minh, do vọng tưởng. Ta nghĩ rằng ta sẽ hạnh phúc nếu có được những gì mong muốn. Nhưng khi đã có được thì lại càng thèm khát và đau khổ.
Để làm sáng tỏ điều này, Bụt đã dùng hình ảnh mồi câu và lưỡi câu. Con cá thấy mồi câu tưởng sẽ được miếng ăn ngon, nhưng không ngờ khi đớp mồi liền bị mắc câu. Hiện nay người ta dùng cả những con mồi bằng nhựa rất hấp dẫn.
Chúng ta chẳng khác gì con cá mắc câu. Ta bị quyến rũ, bị cám dỗ bởi ham muốn và sẽ “đớp” lấy dù biết rồi sẽ bị “mắc câu.” Danh vọng, sắc dục, quyền hành, tiền tài là bốn miếng mồi móc kín lưỡi câu. Nếu động lực là danh vọng, sắc dục, quyền hành, hay tiền tài thì đau khổ không thể nào tránh được. Khi giàu có, ta cảm thấy mình có quyền hành và quan trọng. Có biết bao điều kiện thuận lợi khuyến khích ta tiêu thụ để thỏa mãn những ý tưởng ấy. Nhưng rồi ta có thể tàn phá thân tâm, gây hại cho gia đình, cho cả công việc. Sự tàn hại này nhiều khi ảnh hưởng đến cả xã hội và môi trường sinh sống.
Ước muốn mãnh liệt của ta là gì, là tự chăm sóc bản thân và những người ta thương, cũng như chăm sóc quả đất ta đang sống hay là ước muốn chạy theo những cám dỗ nguy hiểm? Ta có thể tự dối mình khi cho rằng tiền tài, danh vọng và quyền lực chỉ là những phương tiện giúp tạo hạnh phúc, công ăn việc làm và bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Lòng tự ái và ý thức trách nhiệm đánh lạc hướng chúng ta. Không nên tự đánh lừa. Ta phải rất thành thực và thực tập sâu sắc để khám phá bản chất của những ước muốn và động lực trong ta. Cần phân biệt giữa thỏa mãn ham thích và hạnh phúc chân thực. Điều này rất quan trọng. Hạnh phúc có nhiều hình tướng, nhưng hạnh phúc chân thực không đến từ những tham dục là danh vọng, sắc dục, quyền hành và tiền tài.
Bụt lấy hình ảnh một con chó chạy theo một khúc xương khô. Nó cạp lấy khúc xương mà nhai, mà gặm, mặc dù trên khúc xương chẳng dính một chút thịt nào. Con chó không được chút gì bổ béo, nhưng nó cứ ôm lấy khúc xương và không chịu nhả. Chúng ta cũng hành xử y như vậy. Tham dục không bao giờ đem lại hạnh phúc nhưng mà ta vẫn cứ theo đuổi.
Bụt cũng lấy ví dụ của người cầm cây đuốc mà đi ngược gió. Cầm đuốc ngược gió thì bị cháy tay. Tham dục cũng thế, nó sẽ đốt cháy ta. Tham dục không cho ta hạnh phúc. Tham dục thiêu đốt ta và hơn thế nữa, có thể hủy diệt ta.
Bụt lại cho một ví dụ khác. Một người khát nước tìm vào căn nhà trống. Người ấy thấy một chai nước bèn cầm lên định uống. Nhưng khi sắp uống thì có người đến và la lên: “Đừng uống! Trong chai có thuốc độc!” Nhưng vì khát nước quá, người ấy vẫn cứ uống nước trong chai. Bốn loại tham dục nói trên: danh vọng, sắc dục, quyền hành và tiền tài, cũng giống y như vậy.
Đôi khi trí thông minh cho ta biết rằng muốn cái này, muốn cái nọ là nguy hiểm, là sẽ đau khổ, nhưng ta không cưỡng được. Nếu không có một bậc thiện tri thức hay một tăng thân khuyên nhủ hay ngăn cản thì ta sẽ làm những việc mà ta đủ thông minh và sáng suốt để biết rằng những việc đó là không nên, không đúng.
Ta thèm khát vì không biết rõ chân tướng đối tượng của sự thèm khát. Đừng khinh bỉ tiền tài, sắc dục, quyền hành và danh vọng. Chỉ cần nhìn cho sâu để thấy cho rõ rằng chạy theo những thứ đó thì sẽ không bao giờ thỏa mãn mà chỉ hứng chịu vô vàn đau khổ. Thèm khát cũng giống như nước mặn: càng uống càng khát. Ta chạy theo tiền tài, tin rằng khi có tiền, chỉ khi nào có tiền, ta mới hạnh phúc. Nhưng khi đã có đồng tiền trong tay, ta lại cho là chưa đủ, vì ta luôn muốn có thêm nhiều nữa.
Thèm khát có thể nhận chìm chúng ta. Bụt lấy ví dụ một chú chim nhỏ đánh cắp một miếng thịt và bay đi. Khi bay lên cao, nó bị một con chim lớn bay theo muốn giành lấy miếng thịt. Mặc dù biết rằng nếu không chịu nhả miếng thịt ra thì con chim lớn sẽ giết chết nó để đoạt miếng thịt, nhưng nó vẫn không chịu nhả.
Những gì ta theo đuổi thực ra chỉ là ảo tưởng. Với chánh niệm, ta có thể thấy ngay là chúng không đáng chi cả. Thử nhìn sâu vào bản chất của tiền tài, đối tượng của thèm khát, ta sẽ thấy rằng tiền tài không đáng để thèm khát cho lắm. Ta cần tiền cho những nhu cầu sinh sống căn bản, nhưng đâu cần quá nhiều. Khi quán chiếu sâu sắc bản chất của đối tượng thèm khát, ta sẽ không chạy theo thèm khát nữa và sẽ được tự do.
Trong chiều sâu tâm thức, ai cũng muốn được tiếp nối, muốn có con nối dõi. Người xuất gia cũng có ước muốn được tiếp nối. Tuy nhiên, ước muốn này được thể hiện trên bình diện tâm linh. Người nối dõi những người xuất gia là con cháu tâm linh của họ. Họ có thể hoàn toàn thỏa mãn với sự tiếp nối tâm linh này.
Tình yêu nam nữ có liên quan với ước muốn được tiếp nối. Điều này không có nghĩa là sinh con đẻ cháu là lý do chính đáng duy nhất của quan hệ tình dục. Khi yêu, người ta muốn tỏ bày tình yêu của mình. Tình dục là một cách để thể hiện tình yêu, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Nếu bạn nghĩ rằng đó là cách duy nhất thì bạn lầm. Ngoài tình dục, còn có nhiều cách thể hiện tình yêu mà chúng ta vẫn có thể hạnh phúc với nhau. Nếu không thấy rõ điều này, ta sẽ tưởng rằng liên hệ tình dục là cách duy nhất để bày tỏ tình yêu và ta sẽ bị tình dục ám ảnh. Tình yêu là khi người mẹ ôm con trong vòng tay. Tình yêu hiển hiện khi người cha nói chuyện với con trong điện thoại. Vấn đề là làm sao để tỏ bày tình yêu mà vẫn giữ trọn hạnh phúc.
Nếu bạn không tôn trọng thân thể của người kia thì đó không phải là tình yêu. Tình dục mà không có sự kính trọng, dịu dàng, từ bi thì tôi không cho đó là sự tỏ bày chân thực của tình yêu mà chỉ là một hành động của thèm khát, bạo động và bất kính. Trong liên hệ tình dục cần có tình yêu chân thực, nếu không ta chỉ gây ra đau khổ cho bản thân và cho người kia mà thôi. Cách bày tỏ tình yêu chân thực phải đồng nghĩa với ước muốn đem lại hạnh phúc, giải trừ khổ đau và xóa đi sự xa cách. Cho nên tình dục có thể mang tính chất tâm linh rất sâu đậm và là một hành động rất đẹp.
Sự bất kính sẽ hủy diệt tình yêu. Phải tự hỏi rằng liên hệ tình dục này có gây ra đau khổ hay không. Đôi khi người kia chưa sẵn sàng. Nếu cưỡng bức tức là không tôn trọng, không thương yêu. Cũng như khi ta mời ai đó uống trà, nếu người ấy đang bận việc, không có thì giờ, hoặc không thích uống trà mà ta cứ ép phải uống thì ta không phải là một người bạn chân tình, một người bạn thực sự thương yêu. Tôn trọng là chất liệu hàng đầu của thương yêu. Tôn trọng không những phần tâm linh mà cả phần thể xác. Bởi vì “thân và tâm là một”. Tình dục với động lực là thèm khát có thể hủy hoại tình yêu. Tình yêu chân thật không bao giờ tạo nên ghen ghét, giận hờn, khó chịu. Bạn có thể bày tỏ tình yêu qua tình dục, nhưng xin đừng quên rằng tình dục phải là biểu lộ đích thực của tình yêu chứ không phải của thèm khát, và một điều nữa là tình dục không phải là cách duy nhất biểu lộ tình yêu.
Chạy theo những đối tượng của thèm khát là nguy hiểm. Ta có thể đạt được hạnh phúc mà không cần phải chìm đắm trong thèm khát và dục lạc. Hạnh phúc chân thực là giác ngộ rằng vô minh là nguồn gốc của tất cả mọi thèm khát. Khi biết rõ những hiểm nguy và đau khổ mà thèm khát đem tới thì thèm khát sẽ tự tiêu tan. Ta biết rằng ta sẽ đau khổ và sẽ chết nếu mắc bệnh AIDS. Biết rõ như vậy, ta sẽ cẩn thận tự bảo vệ. Cho nên hiểu biết là nền tảng của hành động đúng đắn, vô minh thì ngược lại.
Tiêu chuẩn duy nhất để xác định tính đúng đắn của một hành động là đau khổ hay không đau khổ. Bất cứ một hành động nào gây ra đau khổ cho mình hay cho người, bây giờ và mai sau là một hành động sai. Bất cứ một hành động nào đem lại an vui, hạnh phúc cho mình hay cho người, bây giờ và mai sau là một hành động đúng. Rất rõ ràng.
Nói một cách khác, một hành động phát xuất từ niệm, định và tuệ là một hành động đúng. Một hành động thiếu niệm, định và tuệ là một hành động sai. Khổ đau và hạnh phúc là hai thước đo dùng để xét đoán hoàn cảnh, và nhờ đó mà biết rõ đúng–sai, nên–không nên.
Vì vậy, để có hạnh phúc, để thành một vị Bồ Tát đích thực, mỗi ngày ta cần dành ra một ít thì giờ ngồi xuống quán chiếu tự thân và nhận biết động lực nào đang thúc đẩy ta và sẽ đưa ta đi về hướng nào. Nếu hướng ấy là hướng của đau khổ, tuyệt vọng thì phải từ bỏ ý muốn ấy ngay và tìm về một nguồn năng lượng tốt lành hơn. Ý muốn của chúng ta phải là Bồ Đề Tâm, tâm của thương yêu tức là muốn yêu thương và phụng sự.
Mỗi chúng ta đều có hạt giống của giác ngộ và từ bi. Trong đạo Bụt, một vị Bồ Tát là một người sống tỉnh thức, chánh niệm và có ước nguyện giúp những người khác sống tỉnh thức, chánh niệm, và hạnh phúc. Mục đích của ta là giác ngộ rằng có đau khổ, rằng đau khổ ấy có nguyên nhân và ta có thể chấm dứt nguyên nhân gây ra đau khổ để đạt tới hạnh phúc. Con đường của hiểu biết và thương yêu là con đường đưa tới hạnh phúc chân thực.
Ta không thể được coi là Bồ Tát và sẽ mất phương hướng nếu không có chí nguyện giúp đời, đem lại giải thoát, an vui cho những người khác. Còn nếu có chánh niệm và ý thức rõ về chí nguyện của mình thì tất cả chúng ta liền trở thành những vị Bồ Tát, những bậc giác ngộ với hạnh nguyện bảo hộ mọi loài. Với tâm từ bi rộng lớn, với tuệ giác và giác ngộ, bạn sẽ hành động như một vị Bồ Tát dưới hình tướng của một nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà chính trị, nghệ sĩ, hay một bậc phụ huynh. Vị Bồ Tát tu tập nghệ thuật sống hạnh phúc trong giờ phút hiện tại và hiện thân dưới nhiều hình tướng – không cần khoác áo thầy tu, không cần phải đạt tới quả vị giác ngộ, không cần có một nguồn lợi tức nào đó, không cần phải đạt được một điều gì. Bạn có thể giữ được niềm vui, hạnh phúc và tự do của một vị Bồ Tát trong khi vẫn mặc áo vét, thắt cà vạt hay mặc quần jeans. Khi tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và tự do thì bạn có thể chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự do ấy với mọi người.
Một vị Bồ Tát vẫn có thể có những khối sợ hãi, lo lắng, buồn đau trong thân tâm. Nhưng vị Bồ Tát ấy có khả năng trở về với tự thân để chăm sóc thân và tâm, để nhận diện những khối sợ hãi, buồn khổ, đau nhức ấy và chuyển hóa chúng thành từ bi, thương yêu, hiểu biết và vững chãi. Đau khổ là một phần không tránh khỏi của cuộc sống, nhưng hạnh phúc cũng nằm trong tầm tay. Đây chính là cốt tủy của bài pháp về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) của Bụt. Bốn sự thật ấy có thể áp dụng cho tất cả mọi giới, từ giới doanh nghiệp đến giới xuất gia. Sự Thật Thứ Nhất là “Có đau khổ.” Sự Thật Thứ Hai là “Có nguyên nhân gây nên đau khổ.” Sự Thật Thứ Ba là “Hạnh phúc là điều có thể.” Sự Thật Thứ Tư là “Có con đường đưa tới hạnh phúc.” Phải phân biệt giữa sự thật thứ nhất và sự thật thứ ba. Sự thật thứ nhất, tiếng Sankrit là dukkha, đau khổ. Sự thật thứ ba là sukha, hạnh phúc. Hai sự thật ấy rất khác nhau. Nhiều khi ta lầm lẫn hạnh phúc với ham muốn, thèm khát.
Không cần sợ đau khổ. Ta có thể đối mặt với đau khổ. Nếu cứ chạy trốn đau khổ, ta sẽ không bao giờ có cơ hội chuyển hóa nó. Bụt dạy chúng ta phải nhìn đau khổ từ tận cội nguồn gốc rễ của chúng. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ đã gây bao đau khổ. Bụt nói, “Nếu ta quán chiếu sâu sắc bản chất của chúng và nhận diện được nguồn thức ăn nuôi dưỡng đau khổ, tức là ta đã đi trên đường giải thoát.”
Những ai muốn thành một vị Bồ Tát thì cũng phải làm như vậy. Phải trở về với tự thân, chăm sóc thân tâm, nhận diện khổ đau để có thể ôm ấp và chuyển hóa khổ đau. Cần dành thì giờ cho chính mình, có mặt cho bản thân trước, rồi sau đó mới có thể có mặt và chăm sóc gia đình, nơi làm việc, cử tri, trường học, cộng đồng.
Là nghệ sĩ hay thầy giáo, là cha mẹ hay nhà chính trị, bạn đều có khả năng là một vị Bồ Tát và thức tỉnh rất nhiều người. Được thúc đẩy bởi một khát vọng lớn, ta sẽ có rất nhiều niềm vui và năng lượng. Danh vọng và quyền lực không còn cám dỗ được ta. Ta sẽ ngày đêm hăng say giúp người khác tiếp xúc với những hạt giống của an lạc, hạnh phúc và chuyển hóa những hạt giống của kỳ thị, sợ hãi và thèm khát. Danh vọng, quyền lực chính trị và thành công về tài chính không thể nào so sánh với niềm vui khi biết rằng ta đang sống một cuộc sống đẹp và ý nghĩa. Ta là Bồ Tát hiện thân bây giờ và ở đây.
Bất cứ làm nghề gì, nếu bạn thực sự muốn làm một vị Bồ Tát tại nơi làm việc thì dù không muốn, bạn cũng đang là một vị Bụt. Đó là điều mà vị Bồ Tát thương gia Cấp Cô Độc đã làm. Đó là điều mà bất cứ ai đang làm bất cứ nghề gì cũng có thể làm được: thực sự có mặt, thực sự sống với trái tim từ bi, và từ đó, cùng với sự nâng đỡ của tăng thân, chúng ta có thể mang lại sự chuyển hóa, niềm vui và hạnh phúc tới mọi người. Bạn trở thành một với gia đình bạn. Bạn đang tham dự vào sự nghiệp giác ngộ và chuyển hóa. Bạn đang đi trên con đường tu tập mầu nhiệm.
Quyền lực chỉ có ích khi đem lại hạnh phúc cho ta và mọi người xung quanh. An lạc và hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, thế mà gần cả cuộc đời chúng ta chỉ biết đau khổ, chạy theo tham dục, mải miết đi tìm kiếm hạnh phúc nơi quá khứ hay trong tương lai mà quên đi mất những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại.
Vẫn biết rằng mục đích tối hậu của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng lợi nhuận ở đây phải có nghĩa là hưởng lợi lạc. Là một vị Bồ Tát, ta được hưởng rất nhiều lợi lạc. Nếu kiếm lợi nhuận mà đem lại an vui thì việc làm của ta không có gì là sai trái. Ta có thể vẫn kiếm lợi nhuận mà không tàn hại, mà phát huy công bằng xã hội, đem lại hiểu biết và giảm thiểu khổ đau. Muốn thế, phải ngưng chạy theo quyền hành, tiền tài, danh vọng và sắc dục. Bốn thứ ấy đi liền với nhau. Không thực tập chánh niệm, ta sẽ là nạn nhân của chúng. Nhìn sâu, ta thấy rằng vẫn có cách tham dự vào thế giới kinh doanh đồng thời đem lại hạnh phúc cho ta và những người khác. Công việc của ta có ý nghĩa khi nó đem lại lợi lạc cho nhân loại và môi trường. Cũng là kiếm tiền nhưng kiếm tiền một cách có ý nghĩa, bởi vì nó đem lại an vui cho thế giới.