Tiếp tục biểu hiện

Bụt đã khuyên chúng ta không nên cho rằng giáo pháp là chân lý chỉ vì đó là lời giảng dạy của các vị thầy danh tiếng hoặc chỉ vì nó được ghi chép trong các kinh điển thiêng liêng. Kể cả các kinh điển Phật giáo. Chúng ta chỉ chấp nhận giáo pháp nào mà ta có thể đem ra thực tập, với sự tỉnh thức hiểu biết của chính ta, và thấy là mình thực chứng được các lời giảng đó. Bụt dạy bản chất của ta là vô sinh – bất diệt. Ta hãy coi lại xem điều này có đúng không.

Nếu bạn thắp một cây nến và để cho nó cháy tới hết, thì khi đó cây nến còn hay không? Bụt dạy không có hư vô. Chúng ta đã thấy điều này là đúng thật. Và ta cũng biết quan niệm thường hằng, còn mãi không đúng với mọi sự vật. Vậy thì chân lý là điều nằm đâu đó, ở giữa hai nhận thức này.  Chúng ta cần nhìn cho sâu với tất cả định tâm của ta.

Bạn có nghĩ rằng ngọn lửa của cây nến chỉ đi xuống theo một chiều dọc mà thôi? Nếu nghĩ như vậy thì bạn đã nhìn ngọn lửa theo thời gian. Bạn có thể cũng nghĩ như thế về cuộc đời bạn: nó đi theo chiều dọc và một ngày nào nó sẽ chấm dứt. Bạn có thể nghĩ mình được sinh ra đời vào một điểm nào đó trên đường dọc, điểm mà bạn gọi là năm 1960. Bạn có thể nghĩ mình sẽ chết tại một điểm nào đó ở phía dưới của đường dọc đó, chẳng hạn năm 2040. Bạn chỉ nhìn thấy bạn di chuyển theo thời gian giống như ngọn nến kia. Nhưng bạn không chỉ đi theo một đường thẳng đâu.

Bạn có thể nghĩ là ngọn nến chỉ ngắn lại. Bạn có thể nghĩ ngọn nến sẽ chết. Thực ra ngọn lửa của nến đi theo nhiều hướng khác nhau. Nó tỏa ánh sáng ra khắp chung quanh: đông, tây, nam, bắc, đủ hướng hết. Nếu bạn có một dụng cụ khoa học tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng và ánh sáng mà ngọn nến đã gửi vào vũ trụ. Ngọn nến cũng đi vào trong bạn bằng hình ảnh, ánh sáng và hơi nóng.

Bạn cũng giống như ngọn nến. Bạn tưởng tượng mình cũng tỏa ánh sáng ra chung quanh. Tất cả các lời nói, tư tưởng và hành động của bạn đi theo đủ mọi hướng. Nếu bạn nói câu nào tử tế, những lời đó cũng đi theo nhiều hướng, và bạn cũng đi cùng với chúng.

Chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện ở những hình thái khác vào mọi lúc. Sáng nay bạn nói điều gì không dễ thương với con bạn. Với những lời lẽ khó thương đó, bạn đi vào trong con. Nay bạn hối tiếc những lời đó. Không phải là bạn không thể chuyển hóa những lời đó bằng cách nhận lỗi với con, nhưng nếu bạn không làm vậy thì những lời khó thương kia sẽ ở với con bạn một thời gian dài.

 

Ba bình diện

Lúc này tôi đang viết một cuốn sách Phật pháp. Đó là sự hiểu biết của tôi và sự tu tập của tôi. Khi tôi viết một cuốn sách Phật pháp, tôi không đi theo chiều thẳng. Tôi đi vào bạn, và tôi được hóa thân dưới nhiều hình thức khác nhau trong bạn. Trong đạo Bụt chúng ta nói tới ba bình diện: thân, khẩu và ý, trong bất cứ giây phút nào của đời sống. Xin ráng nhìn và hiểu điều này. Bạn không cần phải đợi tới lúc thân thể tan rã mới bắt đầu cuộc tái sinh.

Mỗi giây phút chúng ta đều được sinh ra và chết đi. Chúng ta tái sinh ra không chỉ trong một hình tướng mà trong nhiều hình tướng. Tôi tưởng tượng tới một cái pháo. Khi bạn đốt pháo nó không đi theo chiều dọc mà đi theo nhiều hướng, ánh sáng tóe lên theo đủ các phương. Vậy, không nên nghĩ rằng bạn chỉ đi theo một hướng thôi. Bạn cũng giống như cái pháo. Bạn đi vào trong con cái, bạn bè và tất cả thế giới.

Buổi sáng khi ngồi thiền, hai bên tôi đều là các vị tăng sĩ. Tôi đã tái sinh trong họ khi ngồi thiền chung với họ. Nếu bạn nhìn kỹ bạn sẽ thấy tôi trong họ. Tôi không đợi tới lúc chết mới tái sinh. Tôi đang được tái sinh ngay lúc này, và tôi mong được tái sinh theo hướng tốt đẹp. Tôi muốn truyền cho các đệ tử tại gia và xuất gia của tôi những gì tốt đẹp, hạnh phúc nhất của đời tôi, để họ có đời tái sinh tốt đẹp cho tôi và cho họ.

Si mê, hờn giận và tuyệt vọng không nên tái sinh. Khi chúng được tái sinh, chúng chỉ mang tới cho thế giới thêm khổ đau và đen tối hơn mà thôi. Càng nhiều tình thương và hạnh phúc tái sinh càng tốt, vì nó sẽ làm cho thế giới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, dễ thương hơn.

Một ngày kia khi thức giấc, tôi nhớ tới một câu hát dân ca: “Cha mẹ tôi đã để cho tôi bao phước đức.” Đó là tính rộng rãi bao dung, tình thương, hạnh hỷ xả và khả năng đem vui tới cho mọi người. Cha mẹ tôi đã để lại gia tài quý báu cho tôi. Con cái là sự tiếp nối của chúng ta. Chúng ta là con trẻ và trẻ con cũng là chúng ta.  Nếu bạn có con, một hay nhiều đứa, là bạn đã tái sinh trong chúng rồi. Bạn có thể nhìn thấy sự tiếp nối của bạn nơi con cháu, nhưng bạn cũng nhìn thấy nhiều thân tiếp nối khác nữa. Sự tiếp nối xảy ra trong những người mà bạn tiếp cận. Và bạn không thể biết thân, khẩu và ý của bạn đã tiếp xúc được với bao nhiêu người.

 

Tặng hơi ấm và ánh sáng

Khi ngọn nến tỏa ánh sáng và hơi nóng ra chung quanh, thì ánh sáng và hơi nóng đó là tiếp nối của ngọn nến. Hai thứ đó đi ra ngoài nến theo chiều ngang. Muốn như vậy, ngọn nến phải cháy theo chiều dọc. Nếu không có chiều ngang thì không thể có chiều dọc, và nếu không có chiều dọc thì cũng không có chiều ngang.

Hãy tự hỏi: “Sau đây tôi sẽ đi tới đâu?” Hành động và lời nói mà chúng ta đang sản xuất ra lúc này đưa chúng ta đi trên một hướng thẳng. Nó cũng đưa ta đi theo chiều rộng khi nó tuôn chảy và có ảnh hưởng lên thế giới chung quanh ta. Chúng có thể làm cho thế giới tốt đẹp sáng sủa hơn. Sự tốt lành đó có thể đi vào tương lai. Chúng ta không nên chỉ nhìn con người chân thật của chúng ta theo chiều dọc mà thôi.

Khi tôi pha một bình trà ô-long, tôi bỏ lá trà vào ấm rồi đổ nước sôi lên. Năm phút sau là có trà để uống. Khi tôi uống, trà ô-long đi vào tôi. Tôi chế thêm nước sôi, làm ấm trà thứ hai và trà pha từ các lá trà kia tiếp tục đi vào trong tôi. Sau khi tôi lấy hết trà ra, còn lại trong ấm chỉ là bã trà. Những lá trà còn lại đó chỉ là một phần rất nhỏ của trà. Phần trà đi vào tôi lớn hơn nhiều, đó là phần tốt đẹp phong phú của trà.

Chúng ta cũng vậy. Tinh túy của chúng ta đã đi vào con cháu, bạn bè và tất cả vũ trụ. Chúng ta nên tìm mình trong những bình diện đó, đừng tìm trong bã trà. Tôi mời bạn nhìn vào những hóa sinh của bạn trong các hình tướng mà bạn nói không phải là bạn. Bạn phải nhìn thấy bạn trong những thân khác với thân bạn, gọi là ngoại thân.

Bạn không cần phải đợi tới khi lửa tắt mới tái sinh. Tôi được tái sinh nhiều lần trong ngày. Mỗi giây phút đều tái sinh. Sự tu tập của tôi là làm sao được tái sinh trong các biểu hiện mới, có thể mang tới ánh sáng, tự do và hạnh phúc cho thế giới. Trong phép tu tập, tôi không cho phép các hành động sai lầm được tái sinh. Nếu tôi có những ý nghĩ xấu hay nếu ngôn từ của tôi có sân hận trong đó, thì chúng sẽ tái sinh. Rất khó mà đuổi bắt chúng và cất chúng đi được. Chúng giống như ngựa phi. Chúng ta cần ngăn chặn không để cho thân, khẩu và ý đưa ta tới những hướng hành động, nói năng, và suy nghĩ bất thiện.

 

Vượt qua sinh tử

Nếu không có sinh diệt trong từng giây phút thì chúng ta không thể tiếp tục sống. Trong mọi lúc, nhiều tế bào trong cơ thể bạn phải chết đi để bạn tiếp tục sống. Không chỉ các tế bào mà tất cả các xúc cảm, tri giác, tâm hành trong dòng sông tâm thức đều sống chết mỗi phút giây.

Tôi nhớ có ngày một thân hữu đã mang tro của cha anh tới xóm thượng Làng mai. Anh xin được trải tro trên đường thiền hành và tôi đồng ý. Anh ta có thể nghĩ rằng cha anh chỉ để lại tro trên con đường đó. Nhưng thực ra, khi còn sống, ông đã đi thiền hành trên con đường này.  Chúng tôi làm lễ trải tro. Sau đó tôi nói với cả nhóm: “Mỗi chúng ta đều đã để lại thân thể của mình trên đường thiền hành này, không chỉ có người mới chết đây mới để lại tro. Mỗi khi thực tập thiền hành trên con đường này, chúng ta đều để lại nhiều tế bào.”

Khi nào bạn bị xước da cũng đều có hàng ngàn tế bào da đã chết rơi xuống đất. Khi bạn đi thiền hành, không những bạn để lại các tế bào da mà còn để lại trên đường cả những cảm thọ, nhận thức, và các tâm hành nữa. Dù cho bạn tới Làng Mai một giờ hay một tuần, sau khi bạn rời làng, bạn cũng đã để lại nhiều dấu vết. Những tế bào của bạn trên đường thiền hành trở thành cỏ và hoa dại. Các tiếp nối của thân bạn vẫn có mặt tại Làng Mai. Nó cũng có trong con cháu bạn, trong mỗi phần của trái đất. Khi ngọn lửa của cây nến đi tới phần chót của tim nến và tắt đi, nó vẫn có đó. Bạn không thể tìm được nó nếu chỉ nhìn theo bề dọc. Bạn phải tìm nó theo bề rộng nữa.

Trong truyền thống Tây Tạng, khi một vị đại sư chết, các tăng sĩ đợi khoảng hai năm rồi đi tìm biểu hiện thân mới của vị Thầy mình. Hóa thân được gọi là Tulku, theo tiếng Tây Tạng. Vị đại sư có thể để lại một bài thơ lúc sắp mất, trong đó người ta cho rằng có những ẩn dụ để họ tìm được hóa thân của Ngài. Dùng bài thơ đó các môn sinh của ông đi tìm một em bé có thể là đời sau của Thầy. Họ đi tới căn nhà đứa bé đang sống, mang theo nhiều vật dụng của Thầy họ vẫn dùng như chuông, tràng hạt, tách trà. Họ trộn lẫn các thứ đó với những đồ tương tự. Em bé phải lấy ra được những món đồ của vị Lạt Ma trước. Như vậy, em qua được thử thách và được coi như hóa thân của người chết. Các vị thầy tăng đồ đệ của vị Lạt Ma xưa, sẽ xin phép cha mẹ để mang em bé về tu viện để em sẽ trở thành Thầy của các thế hệ sau.

Truyền thống đó rất dễ thương. Các môn sinh thương quý ông thầy tới độ họ muốn giữ thầy lại với họ dù ông đã qua đời. Tôi thường nói với các bạn tôi tại Làng Mai rằng họ đừng chờ tới khi tôi chết mới đi tìm thân tiếp nối của tôi. Họ cần tìm tôi ngay lúc này vì tôi đã hóa thân ra thành nhiều thiếu nhi rồi. Nếu bạn đứng cạnh tôi bây giờ, bạn có nhìn thấy các em bé – những người con tinh thần của tôi bên cạnh đây không? Đó là các tiếp nối của tôi. Tôi có hàng trăm thân tiếp nối trong những người trẻ đang tiếp tục thực tập tỉnh thức. Nếu bạn nhìn bằng pháp nhãn, bạn sẽ thấy tôi đã tái sinh ra trong nhiều hình tướng.

Dù cho sách và Pháp thoại của tôi không được phép ấn hành tại Việt Nam, tôi vẫn có mặt. Các bài giảng của tôi vẫn được lưu hành rộng rãi, dù pháp luật không cho phép. Những người công an tịch thu sách tôi rồi đem về đọc lén. Người khác đem in chui. Tức là tôi tiếp tục ở Việt Nam. Có các tăng ni trẻ tu tập theo pháp môn tôi giảng dạy. Nếu bạn đi Việt Nam bạn sẽ thấy tôi ở đó. Cái thân tôi mà bạn nhìn thấy đây chỉ là một biểu hiện của tôi. Sự có mặt của tôi bên Việt Nam ảnh hưởng vào đời sống tinh thần, văn hóa và người trẻ bên đó. Ai nói rằng tôi không ở Việt Nam là người không có pháp nhãn.

Tôi đã giảng dạy trong nhà tù, và các cuốn sách của tôi được phát hành trong các trung tâm cải huấn Hoa Kỳ. Nhiều tù nhân đọc và thích thú. Một  hôm tôi viếng thăm một nhà tù có mức độ canh chừng cao nhất Mỹ, ở Maryland. Họ canh phòng nghiêm mật tới độ con kiến cũng khó lọt vô đó mà không bị phát hiện. Tôi dạy cho tù nhân cách sống tự do tại bất cứ nơi nào. Bài này đã được in thành tập sách mỏng. Nhiều bản in được phát cho tù nhân để họ có thể thực tập, mỉm cười và bớt đau khổ. Họ cố tìm niềm vui ngay cả trong đời sống tù tội. Và tôi biết nay tôi cũng đang ở trong nhà tù. Tất cả những tù nhân tiếp xúc được với giáo pháp của tôi đều là tiếp nối của thân tôi. Khi bạn nhìn tôi, xin đừng nhìn cái thân này mà nên nhìn ra ngoài.

 

Pháo bông

Nếu mỗi ngày bạn tập đi ra ngoài theo chiều rộng và tái sinh trong mỗi giây phút, thì bạn có thể tìm được bạn của tương lai trong bình diện rộng đó. Bạn giống như một cái pháo bông có thể tắt bất cứ lúc nào. Pháo bông tỏa vẻ đẹp của nó ra chung quanh. Với tư tưởng, lời nói và hành động, bạn có thể tỏa rạng vẻ đẹp ra ngoài. Vẻ đẹp và tính thiện đó sẽ đi vào bạn bè, con cháu bạn và đi vào thế giới. Nó không thể mất được, và bạn đi vào tương lai theo cách đó.

Nếu bạn nhìn vào mình theo phương pháp đó, bạn có thể thấy được tiếp nối của bạn trong tương lai. Bạn sẽ không bị vướng vào ý niệm bạn sẽ trở thành hư vô. Bạn sẽ không còn nghĩ rằng bạn không còn hiện hữu sau khi chết. Sự thật là bạn không còn hoài, nhưng bạn cũng không bị mất hết, trở thành hư vô.

Bạn có thể nhìn thấy bạn đã tái sinh trong từng phút giây thời quá khứ chăng?  Tất cả tổ tiên đang tiếp tục sống trong bạn, và khi bạn chuyển hóa tập khí mà họ đã truyền cho bạn tức là bạn đã được  tái sinh trong thời quá khứ rồi. Tỷ dụ như vì nhu cầu luôn luôn phải làm việc để sống còn, có thể  tổ tiên của bạn đã có tập khí luôn luôn chạy.  Họ không có thời gian để ngừng lại, thở và tiếp xúc với những mầu nhiệm mà cuộc sống dâng tặng. Bạn cũng thế, thường chạy như vậy. Nhưng nay bạn đã biết thực tập. Nay bạn có thể dừng lại, thở và tiếp xúc với các mầu nhiệm của đời sống thay cho tổ tiên. Có lẽ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của bạn cũng có những nét đẹp mà cha mẹ và vị thầy tâm linh của bạn đời này đã không biểu hiện ra hết được. Nay bạn có thể khám phá lại được những nét đẹp đó trong mình, và bạn làm sống lại những gì tưởng như đã mất. Đó cũng là sự tái sinh trong quá khứ.

Tôi biết một anh cựu chiến binh Mỹ đã qua Việt Nam. Các du kích quân đã giết đồng đội của anh và anh quyết định trả thù những người dân trong làng mà bạn anh đã chết. Anh ta làm thuốc nổ bằng bánh mì kẹp nhân và để bánh ở đầu làng. Mấy đứa trẻ tới đó, nhìn thấy bánh mì liền lấy ăn. Mấy phút sau, chúng quằn quại rên la vì đau đớn. Cha mẹ chúng chạy tới nhưng đã quá trễ. Đó là một làng hẻo lánh không có xe cứu thương và phương tiện y tế, và trẻ không được chở tới nhà thương kịp thời. Cả năm đứa bé đều chết.

Sau khi trở về Mỹ, người lính kia không thể nào quên được tội lỗi của mình. Mẹ anh anh ủi: “Con ơi, đó là những chuyện xảy ra khi có chiến tranh. Con không nên khổ tâm về chuyện ấy.” Nhưng anh vẫn rất đau khổ. Khi nào gặp trẻ em trong một căn phòng là anh chịu hết nổi, anh phải chạy ngay ra ngoài.

Trong một chuyến đi Hoa Kỳ, các cựu chiến binh Mỹ tổ chức một khóa tu dành riêng cho họ. Tôi dạy họ cách đi, cách thở để chuyển hóa sợ hãi, mặc cảm tội lỗi, và đau khổ. Tôi nói với cựu chiến binh trên: “Anh đã giết năm đứa trẻ, đó là chuyện thật, nhưng anh có thể cứu mạng hàng trăm trẻ khác. Anh có biết rằng hàng ngày có tới mười ngàn trẻ em bị chết vì thiếu thuốc men và thực phẩm hay chăng? Anh có thể đem thức ăn và thuốc tới cho một số trẻ đó.” Anh ta thực tập như tôi dạy, con người đó – hai mươi năm trước đã giết năm em nhỏ –  anh được tái sinh ngay lập tức trong quá khứ, trở thành con người cứu được hàng vài chục trẻ em.

Tập nhìn sâu như thế, những tiếc nuối, tự ty nơi bạn sẽ được chuyển hóa. Bạn sẽ có nguồn năng lượng mới, không chỉ tỏa sáng trong quá khứ mà còn tỏa sáng trong thời hiện tại và tương lai nữa.