Nơi nương tựa vững chãi
Nơi nương tựa vững chãi
Mỗi khi trở về sau một chuyến đi dài mệt nhọc, vừa mở cửa bước vào nhà là chúng ta lập tức thấy khoẻ nhẹ, thoải mái ngay. Cũng như sau một ngày làm việc, phải đối phó với những biến cố, những khó khăn của đời sống hàng ngày, khi được về nhà, được ngồi hoặc nằm nghỉ trong căn phòng của mình ta thấy rất dễ chịu, và căn phòng đó thật quen thuộc, ấm áp. Thực tập trở về hải đảo tự thân cũng giống như vậy. Trong ta có sẵn một vùng rất êm ấm, an ninh. Mỗi khi ta nương theo hơi thở để trở về vùng đất đó thì ta cảm thấy rất bình an, thấy mình được che chở. Cái đó gọi là hải đảo tự thân. Trước khi đức Thế Tôn nhập diệt Ngài cũng có dạy về điều này, nương tựa hải đảo tự thân.
Quê hương bình yên, êm ấm ấy vốn đã có sẵn trong tâm ta. Mỗi khi muốn trở về, ta không cần tốn tiền và mất thời gian đi máy bay hay tàu hỏa mà chỉ cần nương vào hơi thở có ý thức là chúng ta lập tức chạm chân tới miền đất an lành đó. Và quê hương ấy, căn nhà an toàn ấy đi đâu ta cũng mang theo. Tại vì cái hải đảo đó không nằm ở không gian hay ở thời gian ngoài kia mà nó nằm ở trong tâm ta.
Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải thường xuyên trở về với hải đảo tự thân của mình. Khi mở những cánh cửa giác quan thì chúng ta tiếp xúc với những cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm từ bên ngoài. Những pháp trần này như những luồng gió thổi vào căn nhà của ta. Nó làm xáo trộn tâm ta. Cho nên khi trở về, chúng ta phải đóng bớt những cánh cửa giác quan lại.
Đạo Bụt nói tới hai loại tâm thức: một phần tâm thức lớn gọi là tàng thức; một cái thức nhỏ hơn gọi là ý thức, đây là cánh cửa mở ra đón nhận thế giới bên ngoài. Trong đời sống hàng ngày, những âm thanh, những hình ảnh, những bận rộn, lo toan, những ồn ào cụ thể ở bên ngoài sẽ đi vào trong ý thức để rồi rơi vào tàng thức. Nếu những ngọn gió đó mang nhiều ô nhiễm mà cứ ồ ạt thổi vào những cánh cửa giác quan của ta thì sẽ làm cho ta mệt mỏi. Những lúc ấy ta nên đóng cửa lại, ở yên trong “ngôi nhà của mình”. Duy trì hơi thở vào ra có ý thức trong khoảng vài phút thì tâm sẽ bình an trở lại. Đối với người biết thực tập thì chỉ cần một, hai phút là lấy lại được trạng thái cân bằng.
Mỗi khi lên giường tắt đèn đi ngủ, ta nằm nghiêng trong tư thế “Sư tử toạ” đó là thế nằm nghiêng về phía bên phải, trở về với ngôi nhà chân thật của mình và thở. Ta không còn nghe gì nữa, không nói gì nữa. Ta hoàn toàn trở về với chính mình và thở thật bình an. Sau vài ba hơi thở, tự nhiên căn phòng đó trở nên êm dịu, ấm áp, rất thoải mái. Nếu đã quen với phương pháp thở có ý thức, thì chỉ nội trong vài phút là tâm ta có sự lắng dịu và bình an. Và sự lắng dịu, bình an ấy sẽ thấm nhuần giúp nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong thân tâm ta.
Có những người không bao giờ cưỡng lại được sự rong ruổi. Họ không biết cách trở về hải đảo tự thân để được nuôi dưỡng. Chúng ta là những người có rất nhiều phước đức nên đã may mắn biết tới phương pháp theo dõi hơi thở để trở về nơi hải đảo tự thân. Và phải biết thêm rằng, nếu thực tập cho giỏi thì trong cái hải đảo tự thân đó vốn có sẵn chim muông, cỏ cây, hoa lá; có suối, bướm, hoa, trời xanh, mây trắng ở trong. Ban đầu ta nghĩ, chỉ có thế giới bên ngoài mới có mặt trời, mới có hoa lá cỏ cây. Nhưng kỳ thực, ở trong này cũng có. Và có khi nó còn đẹp hơn cả ở bên ngoài. Chúng ta từng đi qua những giấc mơ, trong đó có những hình ảnh, những âm thanh còn đẹp hơn bên ngoài. Vì vậy, ở trong thế giới này cũng có thể có trời xanh, mây trắng. Và tất cả những cái đó đều là những hạt giống ta đã gieo, nay nó trở về và biểu hiện lên bề mặt ý thức. Mây và nắng không hẳn chỉ ở ngoài, mây và nắng nằm cả ở bên trong. Mỗi người phải biết tự chế ra mây, gầy ra nắng, để tới khi bên ngoài không còn mây, không còn nắng thì trong lòng mình vẫn đầy ắp mây trắng nắng vàng. Nhà thơ Mai Thảo đã viết:
“Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng.
Chế lấy đừng vay mượn đất trời.
Để khi nhật nguyệt còn xa vắng,
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”
Ánh trăng này là từ trong tâm chiếu ra. Hàng ngày, mỗi khi thực tập thiền hành, thiền toạ ; mỗi khi tiếp xúc được với những mầu nhiệm như nụ hoa, đám mây, giọt nắng, bầu trời xanh, thì tất cả những cái đó đều đi vào tàng thức của ta và trở thành “của để dành” của ta. Thay vì để dành tiền bạc thì ta để dành nắng, để dành mây, để dành niềm hạnh phúc, để dành sự bình an. Đó chính là tu tập.
Chăm sóc hải đảo tự thân
Có một dạo, cứ vào buổi trưa, sau nửa ngày làm việc tôi hay đi nghỉ một chút. Khi ấy tôi hay mở CD tụng kinh của Thượng toạ Tịnh Quang ra nghe khoảng năm mười phút để cho những bài tụng đó thấm vào trong lòng. Nhưng tới giai đoạn sau, tôi nghĩ rằng không cần phải nghe kinh nữa tại vì kinh đã ngấm sâu vào tàng thức của tôi rồi. Bên trong đã có sẵn nên không cần nhận từ bên ngoài nữa. Lúc đó, tôi chỉ nằm thở và để cho kinh ở trong tôi đi ra. Bấy giờ, sự ấm cúng từ bên trong đi ra còn lớn hơn là sự ấm cúng từ bên ngoài đi vào. Khi theo dõi hơi thở, có sự lắng dịu trong tâm thì ta thấy ở trong mình có đủ hết rồi, và ta không còn cần bất cứ một cái gì từ bên ngoài nữa hết. Rất mong rằng quý vị tập được thói quen này.
Tuỳ theo sự thực tập của ta mà hải đảo tự thân đó có thể trở nên đẹp đẽ tới mức nào. Cũng như khi bước vào một căn phòng sạch sẽ, có treo những bức tranh hay những bức thư pháp thì ta cảm thấy rất thích thú, vì căn phòng gọn gàng và đẹp đẽ quá. Ý thức của ta cũng như vậy. Nếu có tu tập thì trong tâm ta sẽ có hoa, có bướm, có thông reo, có suối chảy. Mỗi khi trở về, ta đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Mỗi ngày ta nên trở về nhiều lần. Ban đêm trước khi đi ngủ, nằm trên giường và vui thú với cái vùng an ninh đó. Chỉ có mình với mình thôi. Rất là khỏe.
Khi ta trở về với hải đảo tự thân, ta nuôi dưỡng hơi thở, sống với hơi thở và hơi thở sẽ làm cho thân tâm êm dịu. Bên trong ta có thể hơi có sự xáo trộn, nhưng khi đã trở về rồi thì với hơi thở, ta chăm sóc được thân và tâm, và sự xáo trộn đó sẽ lắng xuống. Chỉ cần trong một hai phút là ta hưởng được sự an tịnh của hải đảo bên trong rồi. Khi có hơi thở chánh niệm và sự lắng dịu rồi thì Tam bảo cũng nằm ngay ở trong đó. Và nương tựa vào cái vùng an ninh đó tức là đang nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng. Giây phút đó là giây phút ta thật sự đang Quy y, đang được che chở bởi Bụt, Pháp và Tăng. Quy y không phải là chắp tay lại và chỉ đọc ba câu con về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng. Quy y là trở về với hơi thở chánh niệm, an trú trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Khi tâm bình an, thoải mái tức là khi ấy trong ta đang có Tam Bảo che chở. Trong hải đảo tự thân luôn luôn có Bụt, Pháp, Tăng; có đạo hữu, tổ tiên, bạn bè ở trong.
Tập thở
Có một phương pháp thở rất hay đó là nương vào tiếng tích tắc của đồng hồ. Hơi thở vào của ta có thể là hai giây hay ba giây, hơi thở ra thường là dài hơn, có thể là bốn hay năm giây. Hơi thở của mỗi người khác nhau có thể là dài hơn, nhưng cũng có thể là ngắn hơn. Vì vậy mỗi người có thể kết hợp thở với tiếng tích tắc của đồng hồ phù hợp với nhu yếu lá phổi của mình.
Trong lúc thở và đếm tiếng tíc tắc của đồng hồ thì sự chú ý tới hơi thở sẽ dễ dàng hơn và những suy nghĩ trong đầu tự động sẽ ngưng lại. Khi nằm ngủ, ta có thể để đồng hồ gần giường rồi thở theo, điều này sẽ giúp cho giấc ngủ của ta nhẹ nhàng và sâu lắng.
Nếu không muốn đếm số bạn có thể sử dụng những câu như: thở vào ba giây ta có thể nói : “Bụt, Pháp, Tăng”, thở ra năm giây ta có thể nói: “Nương tựa Bụt, Pháp, Tăng” thay vì thầm nói 1 2 3 và 1 2 3 4 5
Ngồi thiền
Ngồi là một trong bốn tư thế của con người: đi, đứng, nằm, ngồi; gọi là tứ uy nghi. Ai trong chúng ta cũng muốn mình ngồi thật đẹp, ngồi thật hạnh phúc. Vì vậy, mỗi người cần phải tìm ra cái thế ngồi mà mình cảm thấy vững chãi, hạnh phúc nhất. Khi đã tìm được một thế ngồi thích hợp thì ta mới có thể ngồi lâu được. Ta có thể ngồi được nửa giờ, bốn mươi lăm phút, một giờ hoặc có thể là một giờ rưỡi. Điều này tùy theo khả năng của mỗi người.
Khi ngồi thiền chúng ta thường hay ngồi trong tư thế kiết già, đó là thế ngồi vững chãi nhất. Nếu không ngồi được kiết già thì ta có thể ngồi bán già, hoặc tìm một thế ngồi nào thích hợp với mình, như ta có thể ngồi trên một chiếc ghế, buông hai chân chạm đất. Tư thế nào cũng được miễn sao ngồi cho thật vững chãi, thật thoải mái, dễ chịu là được.
Tập ngồi thiền, trước hết phải học cách dừng lại. Đầu tiên là dừng lại những hoạt động của thân, kế đến là dừng lại những hoạt động của tâm. Trong khi ngồi thiền, trước hết ta để ý tới hơi thở. Thở vào ta có thể nói: “Con mời Bụt thở bằng phổi của con”. Vừa mời xong thì lập tức Bụt sử dụng phổi của ta để thở liền. Trong khi thở như vậy, cơ thể của ta rất buông thư và ta nếm được pháp lạc. Chỉ khi nào ngồi thiền mà có pháp lạc thì khi ấy ta biết rằng ta đang thở đúng. Còn ngồi thiền mà không có pháp lạc tức là ta đang thở sai rồi đó. Có thể là lúc ấy bạn đang cố gắng quá nhiều, dụng công quá nhiều nên bạn cảm thấy cả thân lẫn tâm mình bị căng thẳng. Thở chứ có làm gì đâu mà phải dụng công?
Tiếp theo, ta mời Bụt ngồi bằng cái lưng của mình. Mời xong thì cái lưng của ta tự động thẳng lên bởi vì một khi Bụt đã ngồi thì Bụt ngồi rất thẳng. Ta ngồi với cái lưng của Bụt chứ nhất định không chịu ngồi với cái lưng của bà ngoại.
Chúng ta bắt đầu ngồi thiền bằng việc điều thân và điều tức. Điều thân là điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho ngay ngắn, buông thư. Đầu không cúi xuống quá cũng không ngước lên, thân buông thư thật thoải mái. Điều tức là điều hòa hơi thở. Hơi thở có ý thức làm cho tâm thấm vào trong thân và thân thấm vào trong tâm. Khi thân tâm đã nhất như, đã buông thư rồi thì trong người sẽ khoẻ nhẹ, dễ chịu. Mỗi khi ngồi thiền chúng ta đều phải làm việc này trước hết. Làm sao để mỗi khi ngồi thiền thân tâm phải buông thư, phải cảm thấy dễ chịu, thư thái trong giây phút ấy.
Bạn chỉ ngồi đó và để ý tới hơi thở mà không cần phải làm gì hết vì cuống óc đã phụ trách nhịp thở và nhịp đập của trái tim rồi. Còn nếu muốn thì bạn có thể kéo dài nhịp thở của mình để có thêm pháp lạc. Thành ra, khi mình thở vào, thở ra có ý thức thì hai cánh tay, hai bờ vai rồi toàn thân từ từ được buông thư trọn vẹn. Khi thấy thân của mình đang thư giãn, nhịp đập của trái tim chậm lại, tức là khi ấy hệ thống miễn dịch đang được củng cố. Lúc này cơ thể của mình có khả năng tự trị liệu được những đau đớn trong thân cũng nhưng trong tâm.
Thiền hành
Khi đi thiền hành bạn cũng có thể đếm bước chân của mình. Nếu thở vào bước ba bước thì bạn thầm đếm 1, 2 3, thở ra bước năm bước thì bạn thầm nói 1, 2, 3, 4, 5. Theo dõi hơi thở và đếm bước chân khiến cho cái đầu ngưng suy nghĩ. Khi những lao xao trong tâm lắng xuống thì sự chú tâm vào bước chân sẽ sâu sắc hơn, và mình nếm được bình an.
Nếu đi mà như đi chơi, mỗi bước chân đều có thảnh thơi, an lạc, không bước vội vàng, hối hả thì trong khi đi như vậy sự trị liệu sẽ xảy ra cho thân và tâm. Cho nên, mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều là trị liệu hết. Là người hành giả, ta phải biết lợi dụng bước chân, hơi thở để tự trị liệu. Thiền tọa giúp trị lành những căn bệnh, mà thiền hành cũng có khả năng điều trị tương tự.
Đoạn đường từ bãi đậu xe tới siêu thị là một cơ hội cho ta thực tập thiền hành, từ phòng khách tới nhà bếp cũng là một cơ hội,… Hàng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để đi thiền hành. Mỗi bước chân có ý thức đều là những bước chân thiền hành, đều là công phu tu tập.
Ôm ấp niềm đau
Trong chúng ta ai cũng có một chút bệnh, không bệnh nhiều thì bệnh ít. Theo dõi hơi thở, ngồi thiền, thiền hành có thể giúp điều trị, làm giảm bớt và chấm dứt những căn bệnh đó. Sự trị liệu này xảy ra trong từng giây phút. Khi theo dõi hơi thở và buông thư, hơi thở vào có thể là ba hoặc bốn giây, hơi thở ra có thể là năm hoặc bảy giây, thì ba bốn giây, hay năm bảy giây ấy đã là trị liệu rồi. Điều này đúng cho cả thân và tâm. Khi trong tâm có những buồn phiền, lo lắng, bực bội thì hơi thở chánh niệm sẽ ôm lấy tâm hành đó, làm cho tâm hành đó lắng dịu xuống.
Cảm xúc là một năng lượng, cảm thọ là một năng lượng, và năng lượng đó có thể làm cho ta dễ chịu hay khó chịu. Khi có một cảm xúc mạnh thì ta không có bình an, dù đó là cảm xúc vui hay cảm xúc buồn. Có nhiều người nghe tin mình trúng số độc đắc, rồi vì vui mừng quá mà lăn đùng ra ngất xỉu. Vì vậy, biết thực tập hơi thở thường xuyên thì ta sẽ có khả năng nhận diện và ôm lấy cảm xúc, ôm lấy cảm thọ khi gặp những chuyện bất ngờ xảy tới. Lúc ấy ta sẽ không bị những cảm xúc mạnh chi phối vì ta đã buông thư những cảm thọ đó rồi. Cái đó gọi là an tịnh tâm hành. Trong kinh “An Ban Thủ Ý” có một bài thực tập gọi là “an tịnh thân hành”, tức là làm cho thân an tịnh và buông thư. Rồi lại có một bài thực tập khác nữa gọi là “an tịnh tâm hành”, tức là làm cho những cảm giác, cảm xúc của ta lắng dịu lại. Sau khi đã buông thư cái thân rồi thì tiến tới bước thứ hai là buông thư cái tâm.
Nếu đang hờn giận hay buồn phiền, thì ta phải trở về với hơi thở liền lập tức. Biết trở về với hơi thở thì những cảm xúc mạnh ấy sẽ yếu dần đi. Nếu cảm thọ khổ đau lớn quá thì ta quán chiếu thêm một chút nữa về người kia, cái người mà ta nghĩ rằng đã làm cho ta buồn khổ. Nếu nhìn sâu vào họ, ta sẽ thấy rằng chính người kia cũng đang đau khổ. Người ấy có những thói quen không tốt nhưng người ấy lại không có khả năng quản lý, điều phục được nó, cho nên người đó đang tự làm khổ chính mình và làm khổ những người chung quanh. Người đó là nạn nhân của chính người đó. Khi thấy được người ấy đang khổ sở thì ta có thể phát khởi được tâm từ bi tại vì trong ta có sẵn hạt giống của tình thương. Hễ thấy ai khổ thì ta thương. Sở dĩ ta ghét người kia, ta không thể thương được họ là vì ta không thấy được nỗi khổ của họ. Một khi đã thấy thì tự nhiên ta thương được, một khi tình thương đã phát khởi thì lòng ta sẽ trở nên mát mẻ không còn bị nóng bức nữa. Vì vậy cho nên cái nẻo về của tâm ý vốn có thể được thay đổi.
Chúng ta thường có hai khuynh hướng tư duy, một là đi tới cái giận, hai là đi tới cái thương. Nhưng khổ nỗi tư duy của ta cứ thích chạy về phía giận hờn và trừng phạt. Ta vốn có sẵn cục giận ở trong lòng nên mỗi khi nghe điều gì không vừa tai, thấy cái gì không hợp mắt thì cái giận bị kích thích và chúng ta bị kéo đi theo lối giận hờn. Khi giận, ta muốn trừng phạt người kia – cái người dám làm cho ta khổ. Mình giận người ấy vì không biết rằng người ấy cũng đang đau khổ, không biết rằng vì họ đau khổ nên họ mới nói và làm cho ta đau khổ. Khi quán chiếu và thấy được nỗi khổ của người ấy rồi thì lập tức tâm của ta sẽ tự động rẽ sang một ngả khác, ngả của thương yêu. Lúc đó lòng ta khoẻ nhẹ và tâm hành được an tịnh mau chóng.
Tôi có viết một câu thiền ngữ : “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Nhìn lại để thương tức là nhìn lại để thấy cái người đã làm mình khổ, người ấy cũng đang đau khổ lắm. Vì họ đau khổ nên họ mới vung vãi khổ đau của họ lên ta. Và nhìn lại để thấy rằng trong quá khứ ta cũng đã từng chịu ơn người ấy. Thấy được hai điều này rồi thì tự nhiên cơn giận của ta tan biến và tình thương lập tức đơm hoa. Tâm hành giận hờn, cảm giác khổ đau trước đó từng làm cho ta điêu đứng, khốn đốn không sao trấn ngự được. Vậy mà khi có cái thấy kia tự nhiên ta an tịnh được tâm hành.
Chánh niệm khơi nguồn giác tính
Trong bài tụng Ba sự quay về có đoạn “Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính sớm mở lòng bồ đề”. Từ giác tính trong đoạn này chính là phật tính, tức là khả năng giác ngộ nơi mỗi người. “Về nương Bụt trong con” có nghĩa là quay về nương tựa vào giác tính sẵn có nơi mỗi người. Điều này cũng cụ thể như việc ta có lá phổi, trái tim, đôi chân,… và ta quay về nương vào chúng để sinh tồn vậy. Có nhiều người trong chúng ta có cảm giác bấp bênh, không vững chãi, chông chênh giống như là một chiếc thuyền không có neo, thành ra không buông neo được, không đứng yên được. Mỗi người đều có nhu yếu được nương tựa vào một nơi nào đó để có thể vững chãi hơn trong cuộc sống. Và ta đang kiếm tìm nó. Đạo Bụt không chủ trương nương tựa vào một đấng thần linh ở ngoài mà hướng dẫn ta quay về nương tựa nơi giác tính có sẵn trong ta, giác tính là khả năng tỉnh thức, khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Chánh niệm là đầu giây mối nhợ của sự tỉnh thức, chánh niệm giúp ta biết được chuyện gì đang xảy ra.
Khi thở vào mà biết được ta đang thở vào thì ta đang có chánh niệm. Có chánh niệm là có giác tính. Chánh niệm với giác tính là một. Bởi vì nếu mê mờ thì đâu biết cái gì đang xảy ra. Sự ý thức rõ ràng về hơi thở vào ra của chính mình là một năng lượng giác ngộ, và nó đích thực là Bụt. Bụt chính là hơi thở có chánh niệm. Khi thở, Bụt biết mình đang thở. Bụt thở rất khỏe, rất nhẹ nhàng, rất dễ chịu. Nếu hơi thở vào của ta cũng có phẩm chất như Bụt thì lúc ấy ta đang có Bụt. Bụt cũng là một con người nhưng Bụt có ý thức rõ ràng về từng hành động của chính mình, Bụt an trú được trong phút giây hiện tại, có mặt cho sự sống trong phút giây hiện tại và không bị kéo theo những thói quen. Là học trò Bụt ta phải có mong muốn làm được như Bụt: thở như Bụt, đi như Bụt, ngồi như Bụt,… Sở dĩ bước đi của Bụt có phẩm chất là vì Ngài có giác tính. Và cái thở, cái ngồi của Ngài cũng vậy. Ta có thể học cách thở, cách đi, cách ngồi,… như Ngài. Nếu ta đi, thở, ngồi,… được như Bụt thì lúc ấy giác tính của ta đang biểu hiện. Nương tựa vào giác tính nghĩa là nương tựa vào hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, thế ngồi chánh niệm,…Những điều này rất cụ thể, rất thực tế, không mơ hồ chút nào. Nếu thực tập giỏi, ta sẽ có được chỗ nương tựa trong hai mươi bốn giờ một ngày. Nhưng nên nhớ, hơi thở, bước chân, thế ngồi,… phải thực sự có phẩm chất, có giác tính thì chúng mới trở thành nơi nương tựa của chúng ta.
Đến Làng Mai, ta thấy xung quanh mình ai cũng hết lòng thực tập. Chính phẩm chất tu tập của tập thể đã tạo cho ta niềm tin rằng chính ta cũng có thể làm được. Nếu người khác ngồi có phẩm chất, có hạnh phúc, không lý nào ta lại không làm được như họ? Thực tập chung với tăng thân rất có lợi, sự thực tập của người này nâng đỡ sự thực tập của người kia. Ta phải tận dụng cơ hội mỗi khi được tu chung với tăng thân để nâng cao phẩm chất tu tập của mình, để trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi thế ngồi đều có giác tính. Hai mươi bốn giờ mỗi ngày là một tặng phẩm rất lớn, ta phải biết dùng nó cho đúng đắn, cho thích hợp, đừng để thời gian quý báu phí hoài trôi qua. Ta phải sử dụng thời gian thật khéo léo như một nghệ sĩ thì mới không đánh mất sự sống một cách oan uổng. Như vậy rõ ràng, giác tính không nằm ở ngoài mà nằm trong năm uẩn của ta. Muốn tìm Bụt chỉ cần tìm nơi hơi thở, bước chân, thế ngồi,… có chánh niệm. Nương vào hơi thở có chánh niệm là nương tựa Bụt, là quy y Bụt. Bụt không phải là một đấng thần linh ở bên ngoài. Đến Làng Mai là cơ hội để chúng ta học thở, học đi, học ngồi,… để tiếp xúc được với giác tính làm chỗ nương tựa cho chính mình.
Tăng thân trong trái tim
Chúng ta đã đi lang bạt quá nhiều rồi. Chúng ta mong ước có một nơi để quay về, để nương tựa, để có được sự bình an trong thân tâm. Chúng ta không nên tìm nơi nương tựa đó ở ngoài, hãy tìm nó ngay trong giây phút hiện tại, trong năm uẩn của mình. Các bậc hiền nhân đều biết được điều này: trở về và hiểu biết chính mình. Nhưng phần lớn chúng ta không thấy được như vậy nên đã thường xuyên hướng ngoại. Những người này rất khao khát có một nơi để trở về mỗi khi có sự cô đơn, hờn tủi. Có thể họ đi tìm nơi nương tựa ở những người khác, một người đàn ông hay một người đàn bà khác.
Có rất ít người nghĩ được rằng ta đã có sẵn chỗ nương tựa trong chính ta. Khi tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính thì ta sẽ có được bình an, vững chãi thật sự. Khi ấy ta có thể làm nơi nương tựa cho những người khác. Nếu những người đã tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính của chính mình mà đến sống cùng nhau thì sẽ tạo nên một nơi nương tựa khá vững chắc cho nhiều người khác. Tập thể những người biết nương tựa vào tự thân và nương tựa vào nhau được gọi là tăng thân. Làng Mai là một tăng thân như vậy. Tăng thân rất vững chãi vì nó được tạo nên từ những người có chất liệu ổn định và vững chãi. Do vậy, Bụt mới dạy ta phải biết nương tựa vào tăng. Nhưng tăng chỉ thật sự được hình thành khi các thành phần của tăng thân biết thực tập nương tựa vào hải đảo của tự thân, vào giác tính của chính mình. Tăng có ở trong ta và có ở chung quanh ta. “Về nương tăng trong con” có nghĩa là không chỉ quay về nương tựa tăng ở xung quanh ta mà quan trọng là quay về nương tựa tăng ở trong ta. Dù đi bất kỳ nơi đâu, ta cũng mang theo tăng thân trong trái tim. Nếu ta thành công trong việc nương tựa vào tăng thân khi ở Làng Mai thì ta cũng có thể làm được điều này khi trở về trú xứ.
Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn nghĩ ngay đến việc xây dựng tăng thân. Mặc dù Ngài đã thành đạo, đã tìm được nơi nương tựa nhưng Ngài vẫn xây dựng một tăng thân để làm nơi cho những người khác đến nương tựa. Ngài biết rằng tăng thân rất cần cho cuộc đời và vì vậy Ngài đã dành nhiều thời gian cho việc xây dựng tăng thân. Ngài là người dựng tăng rất giỏi, rất nhiều kinh nghiệm, rất kiên nhẫn. Việc dựng tăng không dễ bởi tăng thân cũng có những cá nhân còn lên xuống, còn bất ổn. Do đó, người làm công tác dựng tăng phải thật sự kiên nhẫn và từ bi.
Trong tăng thân của đức Thế Tôn đôi khi cũng có những rạn nứt, nhưng đức Thế Tôn không mất hy vọng, không nản chí, và điều quan trọng là không mất đi tình thương. Cuối cùng, những rạn nứt ấy cũng đã được hàn gắn. Đừng bao giờ nghĩ tăng thân phải hoàn hảo, phải không có bất kỳ những khó khăn nào, hạn chế nào. Đức Thế Tôn đã xây dựng tăng thân hết sức thành công, và Tăng thân đã giúp đỡ Ngài rất nhiều. Một vị Bụt không có Tăng thân giống như một nhạc công không có nhạc khí, chẳng làm ăn gì được. Nhạc sĩ phải đi tìm một nhạc khí, và Bụt phải dựng tăng.
Sau khi thành đạo, Ngài đi tìm năm anh em ông Kiều Trần Như để giáo hóa họ. Và đó là tăng thân đầu tiên của Ngài. Tăng thân đầu tiên được hình thành gồm năm người. Tăng thân của đức Thế Tôn đã tiếp tục được phát triển cho đến ngày hôm nay. Ngày xưa, tăng thân của Bụt chỉ trong phạm vi nước Ấn, nhưng hôm nay tăng thân ấy đã lan rộng khắp thế giới. Ngày xưa, đức Ki Tô cũng xây dựng tăng thân. Tăng thân của Ngài ban đầu chỉ mười hai người, phần lớn là những người đánh cá. Ngài nói với họ: “Theo tôi đi, mình sẽ đi cứu người. Thay vì mình tung lưới bắt cá thì hãy tung lưới giáo pháp để giúp đỡ người khác”.
Tăng thân của đức Ki Tô sau này được gọi là tông đồ. Khi tăng thân của Ngài lên đến con số sáu mươi, Ngài căn dặn các đệ tử của Ngài nên đi độ đời. Mục sư Martin Luther King, một nhà vận động nhân quyền người Mỹ, rất ao ước xây dựng một tăng thân. Ngài biết rõ, nếu không có tăng thân thì không có hạnh phúc lớn, không đủ sức mạnh để tranh đấu được cho nhân quyền. Ngài gọi tăng thân ấy là tăng thân yêu quý. Nhưng rất tiếc, ngài đã bị ám sát năm 34 tuổi. Do vậy, công việc xây dựng tăng thân của ngài chưa được hoàn tất. Các bậc vĩ nhân đều thấy rằng xây dựng tăng thân là một việc rất quan trọng, bởi vì chúng ta không những cần nương vào chính mình mà còn phải nương vào nhau. Nếu có thể nương vào giác tính của chính mình thì cũng có thể quay về nương tựa nơi tăng thân. Khi xây dựng tăng thân thành công, ta sẽ có được sự vững chãi, có được sự ổn định, và cùng với tăng thân, ta có thể thực hiện được hoài bão của đời mình. Đánh mất tăng thân là đánh mất đi cái quý báu nhất. Người nào có tăng thân trong trái tim thì người đó có hạnh phúc.
Năm 1966, tôi đã một mình rời quê hương để kêu gọi hoà bình cho Việt Nam. Đi một mình mà không có tăng thân rất là nguy hiểm. Điều này giống như một con ong xa lìa tổ, nó có thể bị tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng tôi đã không chết bởi vì tôi đã đem theo tăng thân trong tim mình. Do vậy, tôi được tăng thân bảo hộ. Tôi làm gì, nói gì cũng là làm cho tăng thân, cũng là nói cho tăng thân. Chúng ta nên thực tập và tìm một tăng thân tu tập nghiêm chỉnh để làm nơi nương tựa cho mình. Nhưng nơi nương tựa vững chãi nhất là ở chính ta. Ta thực tập nương tựa vào người khác trong tăng thân là nhằm mục đích hướng đến việc tìm nơi nương tựa trong chính bản thân mình. Ta thực tập hiến mình cho tăng thân, trở thành một phần tử của tăng thân, và ta sẽ được thừa hưởng những thành phần khác của tăng thân. Khi rời Làng Mai, nếu ta đem theo được tăng thân trong trái tim tức là đã thành công. Tăng thân không phải chỉ có xung quanh ta mà còn có ở trong trái tim ta.
Trong sự thực tập, một mặt ta cần quán sát mỗi thành phần của tăng thân thực tập như thế nào trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở,… cách tìm nơi nương tựa; mặt khác ta thực tập trở về tìm nơi nương tựa nơi chính mình trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Thực tập như thế nào để khi đi, đứng, nằm, ngồi,… ta đều có nơi nương tựa. Ta không đi tìm hạnh phúc trong tương lai nữa mà tìm nó ngay trong phút giây hiện tại.