Một Số Khuynh Hướng Đạo Đức khác
Thuyết báo ứng
Khuynh hướng của các nhà đạo đức học theo trường phái Công ích luận là không nên trừng phạt, chỉ giúp cho họ cải tạo, để họ đừng làm như vậy nữa thôi. Trong khi đó thì có những nhà đạo đức học theo trường phái Thuyết Báo Ứng lại nói rằng phải để cho những người đó chịu khổ thì họ mới thấy được những việc làm mà họ đã gây ra, “Anh giết người thì anh phải đền mạng, anh đánh người ta, anh phải bị đánh lại”.
Họ đưa ra những lý do rất cụ thể. Thứ nhất, nếu một người gây ra tội ác mà không bị trừng phạt thì những nạn nhân và gia đình họ mang những nỗi khổ đau kéo dài, vì vậy phải trừng phạt để nỗi oan ức kia tan biến. Thứ hai là nếu không bị trừng phạt thì những người này sẽ tiếp tục gây ra những tàn hại trong tương lai. Thứ ba là phải trừng phạt để răn đe, cảnh cáo những người khác. Đó là những lý do khiến cho người ta bênh vực chủ thuyết báo ứng này. Chúng ta cũng có khuynh hướng như vậy. Chúng ta có khuynh hướng muốn đối xử với những người tốt khác hơn với những người xấu.
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có câu: “Cúng dường cho một người tốt thì công đức lớn gấp 10 cúng dường cho một người ác. Cúng dường cho một bậc giác ngộ thì công đức lớn gấp 1000 lần cúng dường cho một người chưa giác ngộ”. Chúng ta cần phải quán chiều và đặt câu hỏi là tại sao lại có câu đó?
Mới đọc câu này lên ta thấy dường như ở đây không có tinh thần xả mà giống một sự đầu tư. Đây là vấn đề bố thí, bố thí là bố thí thôi, người ta đói khổ thì mình cứu giúp, đừng có tính toán rằng giúp cho người này thì có lợi nhiều hay có lợi ít, không nên so đo như vậy. Nhưng theo tinh thần của kinh Tứ Thập Nhị Chương, thì bố thí cũng là một loại đầu tư. Đầu tư ở đây không phải cho mình mà là đầu tư cho thế gian. Nếu mình cứu một người tốt thì người tốt đó sẽ giúp được nhiều người hiền khác. Còn khi mình cứu một người ác thì dù người ác cũng đau khổ như người tốt kia, nhưng người ác đó sẽ không tiếp tục công việc như mình là đi cứu người mà vẫn lại có thể tiếp tục đi làm các việc ác. Cho nên bố thí là một loại đầu tư, mà đầu tư thì phải thông minh. Mỗi bên đều có cái lý của mình.
Thành ra đạo đức học không phải là vấn đề đơn giản. Ta hãy thử quan sát tâm mình qua cách hành xử. Giả dụ ta có hai người hàng xóm, một người rất tốt bụng luôn sẵn lòng giúp đỡ ta và một người rất khó ưa, sống ích kỷ, hẹp hòi. Khi cả hai người tới mượn ta một món đồ gì đó thì ta rất dễ dàng cho người hành xóm tốt bụng mượn vì ta nghĩ rằng người ấy xứng đáng, còn người hàng xóm thứ hai thì ta chần chừ, hoặc dứt khoát không cho mượn, vì nghĩ rằng đây là cơ hội cho ông ta một bài học. Như vậy là ít nhiều trong tâm ta cũng đi theo chủ nghĩa Báo Ứng (Retributism). Cho nên khi nói tới giới luật thì mình biết rằng giới luật không phải là chuyện đơn giản. Tất cả những vấn đề này đều nằm trong nền tảng của giới luật. Vì vậy chúng ta đừng nên có thái độ cố chấp, sẵn sàng nghe để hiểu, để thay đổi là điều rất quan trọng.
Thuyết vị kỷ
Đây không phải là một thuyết xấu mà kỳ thực cũng có tuệ giác của nó. Những người theo thuyết này cho rằng phải lo cho bản thân mình trước, đó là điều căn bản. Họ cho rằng: mình chỉ có một đời thôi, nên phải làm sao cho đời sống của mình có hạnh phúc, tại sao lại đi làm chuyện xã hội làm chi. Lo cho hạnh phúc, an ninh của mình trước hết đó là chủ trương của Thuyết vị kỷ. Nếu nhìn cho sâu thì mình sẽ hiểu chữ kỷ này theo tinh thần vô ngã. Ví dụ như mình ăn gian bán lận là để thu lợi cho riêng mình, nhưng khi mình làm những việc như vậy thì không ai còn tin tưởng, không ai còn muốn quan hệ mua bán với mình nữa, mọi người sẽ ghét bỏ và xa lánh mình. Như thế là mình thất bại. Vì vậy, người vị kỷ là phải chân thật, làm ăn đứng đắn thì mới có lợi cho bản thân. Cái gì mà mình làm cho mình thật sự hạnh phúc thì cái đó cũng làm lợi cho người khác.
Chẳng hạn ta thở vào một hơi, ta chỉ lo thở vào cho mình thôi, ta không lo thở vào cho người kia. “Thở vào, tôi biết là tôi thở vào. Thở vào, tôi buông thư những căng thẳng trong thân thể của tôi”. Ta làm điều đó là hoàn toàn cho mình thôi. Nhưng nếu ta thành công là ta buông thư được, ta không còn cáu gắt hay khó chịu nữa mà lại có an lạc, hạnh phúc thì lúc ấy người khác cũng được hưởng sự tươi mát từ ta. Như vậy thì tất nhiên là hơn khi ta căng thẳng, nóng nảy và vung vãi ra năng lượng tiêu cực khiến những người xung quanh ta lãnh đủ. Vì vậy cho nên điều ích lợi cho ta không hẳn là chuyện xấu nếu đích thực đó là sự ích lợi. Ta đi thiền hành giống như là đi cho mình vậy. Ích kỷ, chỉ đi thiền hành cho mình thôi. Nhưng trong khi đi thiền hành có an lạc, hạnh phúc thì những người khác cũng được nhờ, thế gian cũng được nhờ.
Do đó, quan điểm cho rằng những người tu theo pháp tiểu thừa, chỉ biết lo giải thoát, giác ngộ của bản thân là chưa thấy được sự thật. Khi một người lo tu tập cho sự giải thoát, giác ngộ của mình thì họ cũng đang giúp chúng ta rất là nhiều. Nếu tu theo tiểu thừa cho thật đúng thì đó là đại thừa rồi. Nếu mà tu theo đại thừa cho thật đúng, biết lo cho bản thân mình rất đàng hoàng thì cũng là tiểu thừa. Vì vậy ranh giới giữa đại thừa và tiểu thừa cần phải phá bỏ.
Cho nên Chủ nghĩa vị kỷ (Ethical egoism) tưởng như là xấu nhưng đi sâu vào ta thấy có tuệ giác ở trong đó. Những cái gì thật sự đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình sẽ không bao giờ có hại cho người khác hết nếu đó đúng là hạnh phúc. Vậy nên phải định nghĩa rõ ràng thế nào là hạnh phúc. Đứng về phương diện công ích người ta có thể nói hạnh phúc trước tiên là phải có cơm áo, tự do và công bình xã hội. Nhưng trên thực tế có biết bao nhiêu người đầy đủ cơm áo mà vẫn khổ, vẫn tự tử. Với những người đó họ thấy rằng tình thương yêu, sự hiểu biết quan trọng hơn là cơm áo. Lòng bao dung cũng rất quan trọng, nếu thiếu bao dung thì sẽ có chiến tranh, có bom rơi đạn nổ. Sống bên nhau mà biết cảm thông, thương yêu thì vấn đề cơm áo sẽ ít gây ra bức xúc nữa.
Đứng về phương diện công ích, mỗi người đều có một sự lựa chọn, do nhu yếu của mỗi người mà có những cái được ưu tiên hơn, và mình biết rằng cái này có liên quan tới những cái khác. Trong đạo Bụt, chúng ta thấy rất rõ cái mình cần nhất không hẳn là cơm áo, chỗ ở hay là quyền tự do ngôn luận. Cái mình cần nhất là sự bình an trong tâm hồn, là khả năng hiểu biết và thương yêu. Có những cái đó rồi thì vấn đề cơm áo trở nên dễ dàng. Cho nên câu nói trong dân gian “Có thực mới vực được đạo” chưa chắc đã đúng. Khi đi tu, trở thành một hành giả, thì vấn đề của mình không phải là đi tìm cơm áo, đi tìm tự do ngôn luận, hay bình đẳng xã hội, mà mình đi tìm cái hiểu và cái thương, mình phải chế tác được cái hiểu và cái thương ở trong trái tim của mình. Mình biết rằng khi đóng góp được nhiều hiểu và thương thì các vấn đề khác sẽ trở thành dễ dàng hơn. Thành ra đối với mình, cái ưu tiên phải là cái hiểu, cái thương, cái bao dung tha thứ.
Thuyết vị kỷ cũng vậy. Mình muốn cho mình hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đích thực là gì? Có phải chỉ là cơm no áo ấm không hay mình cũng cần tình thương nhất? Vì vậy mình phải biết chế tác ra tình thương và ban phát tình thương, làm được như vậy thì hạnh phúc mới chân thật. Bởi vì nếu mình giận hờn thì chính mình là người đau khổ đầu tiên, dù mình có nhiều tiền bạc hay địa vị thì mình vẫn khổ như thường. Nhưng khi đã trút bỏ được lòng sân hận thì dù bụng đang đói mình cũng không thấy khổ vì lúc ấy trái tim mình rất rộng mở.
Người tu cũng là một người vị kỷ, người đi tìm hạnh phúc cho mình. Người tu dành ra rất nhiều thời gian để làm cho tâm của mình ngày càng cởi mở, nhẹ nhàng; để khả năng bao dung, thương yêu ngày càng lớn rộng. Lúc ấy mình có thể mỉm cười được, mình thấy khỏe nhẹ trong người và hhờvậy mà thế gian cũng được thừa hưởng. Cho nên thuyết vị kỷ không hẳn là xấu.
Thuyết vị tha
Trái với vị kỷ là Thuyết vị tha (Ethical altruism), với chủ trương là đừng nên lo cho mình, chỉ lo cho người khác thôi. Mình là con số không, không quan trọng, để lo cho người khác. Có những người như vậy, suốt đời chỉ làm việc cho những người khác. Khi bảo họ lo cho bản thân thì có thể là họ không thấy vui, nhưng khi bảo họ lo cho những người khác, thì trái tim từ bi trong họ ngập tràn hạnh phúc. Vì vậy, ranh giới giữa mình và người không còn nữa. Và rõ ràng rằng, tuy là hai thuyết này chống trái nhau như là mặt trời với mặt trăng song nó cũng rất giống nhau. Khi đem ánh sáng đạo Bụt để soi chiếu vào thì thấy rằng cả hai danh từ này cũng đang còn bị kẹt trong ý niệm ngã, vẫn còn có mình (kỷ), vẫn còn có người (tha). Trong đạo Bụt ta thấy rằng khi nhìn vào mình thì thấy người, nhìn vào người thì thấy mình, nhìn vào con thấy cha, và nhìn vào cha thấy con. Đó là vô ngã. Trong ánh sáng của vô ngã thì chủ thuyết vị kỷ, chủ thuyết vị tha cũng đều giống nhau. Nó chỉ là vấn đề danh từ mà thôi.
Cũng như chủ thuyết Công ích luận, hai chủ thuyết vị kỷ và vị tha này cũng đồng ý là tất cả những hành động nào của mình đưa tới hạnh phúc cho mình, giảm thiểu những khổ đau của mình, hoặc đưa tới những hạnh phúc cho người, giảm thiểu những khổ đau của người thì hành động đó đều là hành động chân chánh, là thiện. Đó là những chủ trương thuộc về khuynh hướng Hậu quả luận. Người ta nói rằng Hậu quả luận có những điểm yếu kém ở chỗ nó không cho người ta biết hành động nào của bản thân là thiện, hành động nào của bản thân là ác. Như vậy sẽ không định nghĩa được thiện và ác. Bởi chỉ nhắm tới hậu quả thôi, mà hành động đưa tới hậu quả đó lại không thể nào quyết định được, đó là điểm yếu của Hậu quả luận.
Khuynh hướng Đạo Nghĩa Luận
Cho nên mới có khuynh hướng ngược lại gọi là Đạo nghĩa luận (Deontology). Tức là có những nguyên tắc đạo đức chính nó là thiện, là tốt, hậu quả không cần biết tới. Thí dụ như việc không giết người, chính nó là hành động tốt, là thiện, không cần biết cái kết quả như thế nào. Có những điều mình không được làm, dầu làm có được cái gì đi nữa thì cũng không được làm. Cũng giống như là triết học Đức, Emanuel Kant, theo ông là không được nói dối, chỉ được phép nói sự thật. Đó là một hành động đạo đức, còn kết quả của nó thì không cần xét tới, dù nói dối để cứu người cũng không được.
Theo khuynh hướng này thì những điều gì gọi là đạo nghĩa thì mình phải làm, kết quả của nó như thế nào mặc nó. Ví dụ như trong chuyện giết người, thì không được giết người, đó là đạo nghĩa. Nên chuyện giết người là không thể được, dù giết người có thể làm cho người đó bớt khổ. Có một nhà khoa học tên là E.W. Caldwell, ông ta nghiên cứu về tia X quang trong 30 năm. Vì hồi đó không có kinh nghiệm nên tia X quang đã làm hại cơ thể của ông. Rút cuộc ông lâm bệnh rất nặng. Các bác sĩ nói ông có thể sống được thêm ba tháng nữa, nhưng cơ thể đau đớn làm ông khổ sở quá. Ông yêu cầu ba người anh em của mình tới làm sao giúp ông chết càng mau càng tốt. Hai người anh lớn nhất định không làm chuyện đó, họ không muốn giết em mình dù em mình năn nỉ, cầu xin. Nhưng người em thứ ba thì thấy thương anh quá. Bữa đó người em thứ ba đi vào nhà thương cầm súng bắn một loạt năm sáu phát đạn và nhà khoa học kia chết. Đó là thương mà giết, hành động ấy xuất phát từ lòng từ bi. Cố nhiên là theo luật pháp thì giết người là phải đi tù, và người em đó phải ra toà, xong toà cũng thương tình nên phạt nhẹ thôi.
Hiện bây giờ bên Mỹ có một vụ về một phụ nữ 38 tuổi, đã nằm hôn mê 18 năm rồi, và người ta phải đưa thức ăn nuôi cô bằng ống dẫn đi thẳng vào máu. Gia đình cô rất muốn cô chết để cho cô bớt khổ và để cho gia đình cũng bớt khổ nhưng luật pháp không cho phép điều đó, dù là chết không đau đớn. Hiện nay trên thế giới chỉ có ba nước cho phép mình có quyền lựa chọn cái chết, là nước Hoà Lan, Bỉ, và Colombia. Còn ngoài ra mình chỉ có quyền sống thôi. Đó là ảnh hưởng của nhà thờ. Nếu bác sĩ giúp cho mình chết thì bác sĩ sẽ bị ở tù.
Bên Ý hiện giờ cũng có một cô 38 tuổi, cũng đã 18 năm đã sống trong tình trạng đau đớn khôn cùng vì bệnh tật. Cô rất muốn chết, ba của cô cũng muốn cho con gái mình chết đi để khỏi phải chịu đựng những cơn đau đớn như vậy, nhưng luật pháp nước này cũng không cho. Sau nhiều cuộc vận động thì Toà Thượng thẩm cho phép. Cha cô mừng quá, về rút ống dẫn ra thì mấy ngày sau người con gái được chết.
Nhưng chính quyền các nước với sự hợp tác của tòa Thánh đang tìm cách để đưa ra những đạo luật cấm cản việc này. Vì vậy nên có những căng thẳng giữa toà án, giữa ngành tư pháp với ngành hành pháp và nhà thờ. Đây là vấn đề lớn của đạo đức học. Bởi những nhà Đạo nghĩa học quá cứng ngắc, không cần nghĩ tới hậu quả. Khổ thì khổ nhưng cũng không được làm gì hết, dầu cho nhân danh tình thương cũng không được làm. Khi một người mẹ đang mang thai, biết rằng cái thai của mình mang bệnh, nếu sinh ra thì nó sẽ khổ, hoặc sinh ra vài ngày thì nó sẽ chết nhưng lại không có quyền phá thai, bởi vì luật là như vậy, giáo lý của nhà thờ là như vậy, rất là cứng ngắc. Đó là thuộc về khuynh hướng Đạo nghĩa luận.
Đạo Bụt không cứng ngắc như vậy. Trong đạo Bụt có phương tiện Khai và Giá. Khai là mở ra, Giá là ngăn lại. Tổng thống Truman bỏ một trái bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima. Trong vòng mấy phút thì 140 000 người chết, ngoài ra còn hàng trăm ngàn người bị nhiễm phóng xạ nguyên tử, rồi bị bệnh mà chết từ từ. Mấy ngày sau đó lại bỏ thêm một trái bom thứ hai nữa ở Nagasaki làm 70.000 người chết nữa. Hiện bây giờ người ta vẫn còn đàm luận rằng hành động bỏ bom như vậy trên Nhật Bản là đúng hay sai, là thiện hay ác. Theo những nhà chính trị thì bỏ bom như vậy là tốt. Vì nhờ bỏ 2 trái bom nguyên tử mà đệ nhị thế chiến được chấm dứt. Nếu mấy trăm ngàn người đó không chết thì có thể là cuộc chiến tranh kéo dài hơn và có thể là còn nhiều người chết hơn nữa. Đó là lý luận của họ.
Khuynh hướng Hậu Quả Luận
Hậu quả luận là một danh từ do nhà nữ triết học nổi tiếng người Anh là Elisabeth Anscombe đặt ra. Bà chính là người cùng với các sinh viên quỳ xuống cầu nguyện phản đối chuyện tổng thống Truman qua nước Anh và được trường Đại học Oxford trao danh hiệu tiến sĩ danh dự vì đã bỏ hai quả bom xuống đất nước Nhật Bản để chấm dứt chiến tranh.
Hậu quả luận nói rằng: Mình làm gì cũng được miễn sao hành động đó đem lại hạnh phúc thì là hành động tốt. Tức là nhìn vào kết quả và mình có thể thấy được nguyên nhân. Nếu kết quả tốt tức là nguyên nhân cũng tốt, nghĩa là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Ví dụ như nói, có hoà bình là hậu quả tốt, nên khi bỏ hai trái bom làm 210.000 người chết ngay tại chỗ và nhiều ngàn người mắc bệnh chết dần trong nhiều năm cũng là chuyện đúng (?). Đây là khuynh hướng mang màu sắc của Hậu quả luận. Chúng ta thấy có cái gì bất an, trăn trở khi lý luận như vậy. Chẳng hạn có một người đam mê cờ bạc, muốn mượn tiền của người ta để tiếp tục nướng vào sòng bạc, nhưng nếu nói thật ra thì ai người ta cho mượn, cho nên muốn đạt được kết quả tốt là mượn được tiền thì phải nói dối: “Xin chị thương em, cho em mượn một ít tiền, vợ em bị bệnh, các con em đang thiếu ăn, em sẽ ráng trả lại sớm cho chị. Chị cứ yên tâm”. Cho nên thuyết Hậu quả luận này cũng nguy lắm.
Khuynh hướng Đức Hạnh Luận
Có một khuynh hướng nữa gọi là Đức hạnh luận (Virtue ethics), cho rằng những đức tánh như là từ, bi, hỷ, xả chính nó là đạo đức rồi, không cần phải biết kết quả như thế nào, hễ từ là tốt, bi là tốt, hỷ là tốt, xả là tốt, nhân ái là tốt. Có những đức tánh tốt đẹp, làm người thì mình nên nuôi những đức tánh đó, dù là kết quả gì, hậu quả gì không cần biết. Khuynh hướng này có rất nhiều sự thật trong đó. Ví dụ như mình nuôi dưỡng lòng từ bi thì kết quả bên ngoài như thế nào mình chưa biết nhưng trước hết có lòng từ bi rồi thì mình khổ rất ít. Ngược lại, khi có sự giận hờn, căm thù trong lòng thì mình khổ đau rất nhiều. Cho nên mình có thể thấy được hậu quả của lòng từ bi ngay khi lòng từ bi được phát khởi. Khi trái tim mình ứa ra được một giọt nước từ bi thì giống như là nước cam lộ, mình thấy lòng nhẹ xuống, bớt khổ.
Trên hình thức giống như có sự chống đối giữa hai khuynh hướng Đức Hạnh Luận với Hậu Quả Luận, nhưng trong nội dung thì không thấy điều đó. Trong Khổng giáo có ý niệm gọi là nhân. Đạo Khổng không nói đến từ bi nhưng lại nói đến nhân. Trong sách Luận ngữ, Đức Khổng Tử có trả lời các môn đệ của Ngài về vấn đề nhân. Có một lần Ngài định nghĩa nhân là: “Kỷ dục lập như lập nhân. Kỷ dục đạt như đạt nhân”, nghĩa là khi mình đứng dậy, tự lập được rồi, thì mình giúp cho người khác cũng đứng dậy và tự lập được. Mình muốn thành đạt và mình cũng muốn người khác thành đạt như mình. Theo đức Khổng Tử, chữ nhân gồm có năm yếu tố :
– Thứ nhất là từ bi và khoan dung. Từ là hiến tặng hạnh phúc cho người, bi là làm vơi nỗi khổ của người, khoan là rộng rãi, bao dung.
– Thứ hai là sự cung kính. Phải biết cung kính mình, phải biết tự trọng, tiếp đến phải biết kính trọng người khác. Nếu không có lòng kính trọng thì không có nhân. Cung kính là một trong những yếu tố của nhân.
– Thứ ba là tín. Tín tức là phải thành thật, không nói dối
– Thứ tư là mẫn. Mẫn tức cần mẫn, tinh tấn.
– Thứ năm là huệ. Huệ là thi ân bố đức, tức là phân phát ân đức cho những người khác, giúp đỡ gia ơn cho người ta.
Ngoài ra, có một nguyên tắc đạo đức của Khổng Tử mà trên thế giới bây giờ ai cũng biết đến là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Cái mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Ví dụ mình không muốn đau đớn thì đừng có làm cho người khác đau đớn. Mình không muốn tủi hổ thì đừng làm cho người khác tủi hổ. Mình không muốn bị đói thì đừng làm cho người khác đói. Đó là nguyên tắc đạo đức của Khổng giáo mà Tây phương bây giờ gọi là “The gold rules”, nguyên tắc vàng.
Nhưng trong ánh sáng của đạo Bụt ta phải hiểu rõ về chữ dục (muốn) này. Ví dụ như có một em bé bị bệnh phải uống thuốc, em bé không muốn uống thuốc, nhưng bà mẹ vẫn ép em bé uống vì biết rằng uống thuốc sẽ tốt cho em bé. Có nhiều người họ biết rằng giữ giới không uống rượu, không sử dụng ma túy, không tà dâm là tốt nhưng họ vẫn không muốn giữ giới. Thành ra vấn đề dục này là một cái cần phải xét lại. Mình đã hiểu câu này đến đâu rồi? Bất cứ một công thức nào, một lợi ích nào cũng chỉ có một giá trị tương đối nào đó thôi. Có Khai thì có Giá.
Thuyết mệnh lệnh của Thượng đế
Tuy là người sáng tạo ra danh từ Hậu quả luận, nhưng Elisabeth Anscombe lại chống cái khuynh hướng Hậu quả luận mà theo chủ thuyết Mệnh lệnh của Thượng đế, nghĩa là những cái gì tốt, những cái gì lành là do Thượng Đế phán ra thì mình chỉ cần theo thôi, rất là khoẻ. Hậu quả luận là phải lý luận. Còn cái thuyết gọi là Mệnh lệnh của Thượng đế (God’s command theory) thì rất dễ theo. Chúa nói như thế nào mình cứ làm theo như thế đó, khỏi phải tự quyết định làm chi cho mệt. Chúa nói tốt nghĩa là tốt, Chúa nói hay nghĩa là nó hay, mình chỉ đi theo thôi. Đó là quan điểm của thuyết Mệnh lệnh của Thượng đế
Trong đạo Bụt cũng có một phần tương tự. Khi nghiên cứu về Tứ diệu đế, chúng ta thấy có sự thật thứ nhất là khổ, và sự thật thứ hai là tập, tức là những nguyên nhân đưa tới cái khổ. Tập đế đưa tới khổ đế. Đây cũng là một loại Hậu quả luận. Nếu không muốn kết quả như thế này thì đừng làm như thế kia, không muốn gặt bão thì đừng gieo gió.
Diệu đế thứ ba là diệt, tức là khổ đượ chấm dứt, nó cũng có nghĩa là lạc, vì khổ đau bị tiêu diệt tức là an lạc có mặt. Và muốn diệt khổ đắc lạc phải có con đường tức là đạo. Vì vậy cho nên nếu muốn có lạc và diệt khổ thì phải đi theo đạo. Đây chính là cái nhân đưa tới cái quả, rất giống với Hậu quả luận. Bất cứ một cái gì có thể diệt được khổ, có thể đem lại an lạc là tốt. Bất cứ một cái gì mà mình không làm để tránh những hậu quả xấu thì là đúng. Mới nhìn qua ta thấy rằng Tứ diệu đế là một hình thái của Hậu quả luận, phải không? Gieo đậu thì được đậu, gieo cà thì được cà, cái đó là lý nhân quả thôi có gì đâu? Nó là một loại Hậu quả luận. Nhưng chúng ta đã đi sâu hơn để hiểu được Tứ diệu đế. Chúng ta đã nhìn Tứ diệu đế bằng con mắt tương tức. Thấy cái khổ và cái lạc liên hệ mật thiết với nhau. Không có khổ thì không có lạc. Vì vậy cho nên cái khổ đóng vai trò nào đó để chế tác ra cái lạc. Cũng như là sau những ngày mất điện, mất nước chúng ta đã reo mừng sung sướng khi có điện, có nước trở lại. Nên khi quán chiếu thì thấy rằng cái lạc được làm bằng những yếu tố không phải lạc, sen được làm bằng những yếu tố không phải là sen.
Trong đạo Bụt, đau khổ đóng một vai trò nhất định cho sự giải thoát. Và cái nhìn của đạo Bụt về đau khổ khác với cái nhìn về đau khổ của những truyền thống khác. Mình không nhìn đau khổ bằng con mắt hằn học, mình nhìn bằng con mắt tương tức. Đau khổ đôi khi rất cần thiết. Vì vậy cho nên mình nói là những cái lợi lạc của khổ đau.
Sự thật là mỗi chúng ta đều cần phải trải qua một chút ít khổ đau, một liều lượng khổ đau nhất định thì mới nên người được (tất nhiên là đừng có khổ đau quá). Vì vậy cho nên thái độ trốn tránh hoàn toàn khổ đau là không đúng. Phải tìm hạnh phúc từ trong khổ đau, tìm Niết bàn trong sinh tử, tìm Bụt trong chúng sinh. Bỏ chúng sinh để đi tìm Bụt thì chẳng bao giờ tìm được đâu. Vì vậy phải hiểu Tứ diệu đế trong ánh sáng tương tức, phải thấy là cái khổ đóng một vai trò quan trọng để tạo ra cái lạc. Vì thế mình không nhìn Tứ đế bằng con mắt phân biệt, kỳ thị mà nhìn bằng con mắt dung hợp, bất nhị, tương tức. Đây là một điều rất hay và cũng là điều khác biệt giữa đạo Bụt với các truyền thống khác.
Thuyết Luật tự nhiên
Trong Giáo hội Công giáo, thuyết Mệnh lệnh của Thượng đế được coi là quan trọng, nhưng kỳ thực nó không quan trọng bằng thuyết Luật lệ của tự nhiên (Natural law). Tại vì thuyết Natural law là thuyết của người Hy Lạp tạo dựng ra cách đây những hơn 2000 năm.
Ngày xưa Aristotle là người khởi xướng ra lý thuyết này. Ông nói, bất kỳ cái gì ở trong vũ trụ cũng đều có một công dụng hết. Ví dụ trời sinh ra cái răng để nhai thức ăn, sinh ra cái lưỡi để nếm, sinh ra con mắt để nhìn. Họ nói rằng trong thế giới có những trật tự, có những giá trị, những mục đích. Ví dụ như mưa là để làm cho cây cối mọc lên. Mà cây cối mọc lên được để làm gì? Mục đích của cây cối là để cho trâu bò và các loài ăn. Cứ lý luận như vậy thì sẽ đi tới chỗ các loài trâu bò, thú vật ăn để làm gì? Để trở thành thực phẩm của con người. Vậy đó! Khi mới khai thiên lập địa thì làm gì có con người, nhưng đã có mưa, có cây cỏ và loài vật rồi, con người xuất hiện rất là muộn. Nhưng họ lý luận như vậy. Và người ta tiếp tục lý luận rằng, cái răng dùng để nhai thức ăn chứ không dùng vào việc khác. Tình dục là để tạo ra các em bé, vì vậy tình dục mà không với mục đích tạo ra các em bé là tình dục sai. Vì vậy Giáo hội Công giáo không chấp nhận tình dục của những người đồng tính. Và khi được hỏi thế con mắt dùng để làm gì thì các nhà triết học theo thuyết này trả lời, con mắt dùng để nhìn. Nhưng đâu phải con mắt chỉ dùng để nhìn. Con mắt có thể dùng để biểu lộ tình thương, hoặc sự không hài lòng. Vì vậy con mắt không phải chỉ để nhìn mà còn được sử dụng như một phương tiện truyền thông.
Có những nhà triết học chống lại chủ thuyết của Giáo hội vì chủ thuyết của Giáo hội qúa cứng ngắc. Cho nên mình phải trở thành một quan sát viên thực tế, phải quán chiếu, học hỏi thì mới biết hành động nào là đúng, hành động nào là sai. Nếu có được cái nhìn tương tức, cái thấy bất nhị thì mình sẽ mềm dẻo hơn nhiều.
Trong chủ trương của Giáo hội, ban đầu, theo mệnh lệnh của Thượng đế là không có quyền sát hại bất cứ một sinh mạng nào, không được nhân danh bất cứ một cái gì để có thể giết hại. Vì vậy cho nên chuyện phá thai kiểm soát sinh nở là chuyện rất cấm kỵ. Giáo hội cũng kịch liệt chống đối việc giúp người khác chết một cách nhẹ nhàng không đau đớn. Có những người nằm liệt trên giường, ngày đêm thân tâm đau đớn, những người ấy rất muốn được tiêm một liều thuốc để có thể ra đi một cách nhẹ nhàng nhưng Giáo hội không cho. Thế nhưng Giáo hội Công Giáo lại mở cửa cho phép án tử hình, và đồng ý cho người ta đi đánh giặc một cách rất là cứng rắn. Đó là những vấn đề rất lớn của đạo đức học.
Đạo đức học thuyết minh
Siêu đạo đức học là một môn triết học rất quan trọng hiện giờ, tại vì nó có thể làm nền tảng cho các ngành đạo đức học khác. Chúng ta có một ngành đạo đức học gọi là Đạo đức học thuyết minh hay Đạo đức học miêu tả (Descriptive ethics). Phận sự của ngành triết học này là miêu tả thôi, nghĩa là chỉ nhận xét, nghiên cứu và nói ra quan điểm về thiện ác, miêu tả về những nền đạo đức có mặt trong xã hội này, xã hội kia để cho chúng ta thấy được sự thật thôi chứ không khuyên răn người ta nên làm cái này hay không nên làm cái kia.
Ví dụ như nói về chế độ nô lệ ở Trung Quốc ngày xưa như thế nào, người ta làm đầy tớ ra sao? Ở Tây Phương người ta buôn bán nô lệ thế nào? Và ở thế kỷ nọ, thế kỷ kia người ta đối xử với những người nô lệ ra sao? Rồi qua những biến động xã hội, người ta thay đổi quan niệm và giải phóng cho những người nô lệ như thế nào? Đó là thuộc về phạm vi của đạo đức học miêu tả, Descriptive ethics. Rất là có lợi. Hoặc ví dụ như là diễn tả cách hành xử trong gia đình, cha mẹ với con cái, mẹ chồng với nàng dâu, cách thức cưới hỏi trong mỗi xã hội.v.v.. Tóm lại là họ nghiên cứu về tất cả các nền đạo đức trên thế giới và diễn tả lại cho người ta hiểu.
Đạo đức học quy định
Ngoài ra lại còn có thêm một ngành đạo đức nữa gọi là ngành Đạo đức học quy định (Prescriptive ethics). Ngành này đưa ra những đề nghị mình nên làm cái này thì mới có hạnh phúc, không nên làm cái kia để đừng bị đau khổ. Như bà bác sĩ kê cho bệnh nhân một toa thuốc rồi dặn, uống thuốc này thì phải kiêng không ăn đồ cay, đồ nóng thì mới nhanh lành bệnh. Đó gọi là prescriptive, tức là quy định, chỉ định. Mười Lời Răn của Chúa bên đạo Cơ Đốc cũng thuộc về đạo đức học quy định. Và Năm Giới của đạo Bụt cũng thuộc về Đạo đức học quy định. Chúng ta đã sử dụng danh từ gọi là Đạo đức học tiêu chuẩn (Normative ethics), mười giới bên đạo Cơ Đốc và năm giới của đạo Bụt cũng thuộc Đạo đức học tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn tức là đưa ra một cái thước đo, cho mình biết đâu là đúng, đâu là sai; còn quy định là chỉ định đâu là ranh giới của cái đúng và sai, của cái thiện và cái ác, của cái chánh và cái tà. Nhưng siêu đạo đức học vượt thoát cả hai khuynh hướng này, nó đặt vấn đề một cách căn bản.
Quý vị nói về tốt – xấu, nhưng thế nào là tốt, thế nào là xấu? Vì vậy siêu đạo đức học trước hết đặt vấn đề về ngữ nghĩa, tức là ý nghĩa thật sự của chữ đó. Ví dụ khi bàn về vấn đề có Thượng đế hay không có Thượng đế, có thể chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian mà không đi tới đâu hết vì chúng ta không biết Thượng đế là ai. Trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau Thượng đế là cái gì, sau đó mới tới cái chuyện có hay không được. Cho nên tuy chúng ta có danh từ đó nhưng mỗi người lại hiểu danh từ đó một cách khác nhau, không sao đồng ý với nhau được. Vì vậy Siêu đạo đức học bắt buộc chúng ta phải xét lại hết những danh từ, những ý niệm chúng ta đang có. Nói cái này tốt, cái này xấu, cái này đúng, cái này sai. Nhưng thế nào là tốt, thế nào là xấu? Cũng như khi nói tu tập là để đạt tới Niết bàn, và người ta hỏi, thế Niết bàn có hay không ? Niết bàn nằm ở đâu? Trước khi đặt những câu hỏi ấy thì ta phải hỏi Niết bàn là cái gì đã. Bạn dùng chữ Niết bàn nhưng bạn hiểu về chữ đó như thế nào ? Bạn mới chỉ có khái niệm thôi chứ chưa chạm tới sự thật.
Biệt nghiệp và cộng nghiệp
Trong đạo Bụt có luật gọi là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Cái gì cũng có hai mặt chung và riêng. Ví dụ mặt trời là của chung tất cả muôn loài nhưng có nơi thì có nhiều ánh nắng mặt trời, có nơi ít hơn. Mỗi trung tâm tu tập là một cộng nghiệp, trong đó mỗi người có mức độ an lạc khác nhau gọi là biệt nghiệp. Ở trong cái riêng có cái chung. Người kia có đau khổ, thì khổ đau của họ cũng có một chút ít dính líu tới mình. Nếu trước đây mình làm công việc bồ tát khá hơn thì chưa chắc bây giờ họ đã khổ nhiều như vậy. Tại vì lâu nay mình cứ lo cho bản thân nhiều hơn lo cho họ, cho nên họ không có đường đi, họ rơi vào nẻo khổ, trách họ hoàn toàn cũng không được. Cố nhiên là họ đi trên con đường lầm mê thì họ khổ đã đành rồi nhưng trong quá khứ nếu mình ưu ái đến họ một chút, mình hướng dẫn cho họ một chút thì bây giờ họ đâu đến nỗi như vậy? Vì vậy cho nên trong cái biệt nghiệp của họ cũng có cái cộng nghiệp với mình. Nếu trong đời sống mình để một chút thì giờ, một chút năng lượng can thiệp vào thì họ sẽ bớt khổ hơn. Vì vậy thuyết gọi là báo ứng có thể thay đổi bằng lý tưởng Bồ tát. Bồ tát có mặt để làm cho cuộc đời bớt khổ.
Đây là buổi giảng cuối cùng của khóa An Cư Kết Đông (2008-2009). Trong ba tháng qua, chúng ta đã có cơ hội được tìm hiểu những cái thấy của khoa học, cái thấy của các tôn giáo khác và cái thấy của đạo Bụt về một nền đạo đức và tâm linh toàn cầu. Chúng ta cũng đã dành thời gian nghiên cứu, pháp đàm, học hỏi và tu chỉnh lại Năm Giới cho phù hợp với thời đại. Năm Giới mới này chúng ta có thể sử dụng được trong khoảng hai mươi, ba mươi năm. Khi hoàn cảnh xã hội thay đổi thì giới bản sẽ tiếp tục được tu sửa để phù hợp với tình trạng của xã hội hiện thời.