Chủ thuyết Công Ích Luận

 

Đường  lối này do  nhà triết học người Anh tên là Jeremy Bentham và một người bạn của ông tên là John Stuart Mill chủ trương. Jeremy Bentham  vốn là một luật sư, còn John Stuart Mill là nhà kinh tế học. Tuy họ là những triết gia nhưng đồng thời họ cũng là những nhà xã hội học. Trước đó họ đã được ảnh hưởng tư tưởng và đường lối của một nhà triết học người Anh khác là David Hume, tư tưởng đó là “Công ích luận”. Theo tôi thì nếu ông này mà được học đạo Bụt thì sẽ đi rất xa.

Chủ trương của Công ích luận là hành động đó là chánh hay tà, thiện hay ác là do nó có mang lại lợi ích hay không. Vì đạo đức học phải đề cập tới cái chánh, cái tà, cái thiện, cái ác. Chánh, tà, thiện, ác không phải là do chính nó mà do kết quả của nó quyết định. Chúng ta hay phán xét cho hành động đó là đúng hay sai, chánh hay tà là do nó đưa tới khổ đau hay hạnh phúc. Theo chủ trương của phái Công ích luận, thì càng ít khổ đau, càng nhiều hạnh phúc càng tốt. Hành động nào đem tới sự giảm thiểu khổ đau và đem tới công ích, hạnh phúc nhiều thì hành động đó gọi là chánh, là thiện. Nhưng có những nhà đạo đức học chống đối lại khuynh hướng này, cho rằng chỉ có một nguyên tắc tối hậu thôi là nguyên tắc của sự lợi ích.

Trong đạo Bụt có chữ thiệnác. Đạo Bụt định nghĩa chữ thiện là những điều gì có khả năng giúp đem tới giải thoát, giác ngộ, thảnh thơi, bớt khổ. Chủ trương của Công ích luận cũng nói tương tự như vậy. Tất cả những điều gì, những hành động nào đưa tới hạnh phúc, giảm thiểu khổ đau đều là chánh còn ngược lại là tà. Vì vậy trường phái này chủ trương là không nên dùng sự trừng phạt, không nên làm cho người ta khổ.

Theo chủ trương của Công ích luận thì bất cứ một cái gì đem lại khổ đau là không nên làm.

Vì vậy cho nên chủ thuyết này chống lại chuyện trừng phạt những người có tội, bắt người ta chịu tội thì đáng thương quá, có lòng từ bi ở trong đó, rất là dễ thương. Họ có chủ trương những nhà tù không phải là chỗ đền tội, chỗ làm cho người ta khổ thêm, mà nó phải là những trung tâm có những phương tiện để giúp cho những tù nhân có cơ hội được học tập cải hóa. Trong đó phải có thư viện, lớp học, trường học nghề… Những người cai tù được gọi bằng cái tên rất đẹp là nhân viên cải tạo và tù nhân gọi là người nội trú.

Có người phản đối điều này, họ nói rằng danh từ thì hay đấy nhưng kỳ thực nó vẫn là nhà tù như thường. Mà sự thực cũng có như vậy. Người ta thấy rằng tuy có nhiều người đi theo chủ thuyết công ích này và đã làm như vậy rồi, nhưng trong những nhà tù ở California vẫn không có tiến bộ gì, cách hành xử cũng vẫn giống hệt như nhà tù, không khác bao nhiêu, người ta vẫn khổ là tại sao? Đây là vấn đề mình phải đặt ra, ý thì rất hay nhưng làm lại không được. Theo tôi thì nguyên nhân là vì trong đó người ta chỉ làm với tính chất hình thức chứ không có nội dung, các nhân viên cải tạo chính họ cũng không biết cách thực tập để điều phục những khó khăn trong mình. Họ cũng có những giận hờn, bức xúc, những bạo động trong tâm, chính họ còn không biết cách chuyển hóa thì làm sao có thể giúp cho người khác chuyển hóa được?

Vì vậy, nếu quý vị đang làm trong ngành luật pháp, hay quý vị là những người thực tập đạo Bụt, thì quý vị phải nghiên cứu, quán chiếu đặt vấn đề tại sao những trại học tập cải tạo ở phương Tây và phương Đông đều đã và đang thất bại? Nếu các vị đó biết được pháp môn tu tập chuyển hoá thì họ có thể đề nghị ra những phương pháp cụ thể và hữu hiệu hơn để tạo ra những cơ hội cho những người lầm đường lạc nẻo có thể trở về. Nếu quý vị có cơ hội, có phương tiện thì hãy tiếp xúc với ngành tư pháp để tìm hiểu thêm, cống hiến cho họ những tuệ giác, những kinh nghiệm đứng về vấn đề cải hoá, cải tạo.

Vào khoảng thế kỷ thứ 18, sau Cách Mạng Pháp (Cách Mạng Pháp diễn ra vào năm 1789). Lúc ấy người ta rất muốn đi tìm một đường hướng đạo đức cho toàn cầu. Tổng thống Pháp Sarkozy có nói một câu làm tôi chú ý. Ông nói rằng: “Bây giờ chúng ta phải đưa môn đạo đức vào trường học, vì tuổi trẻ bây giờ đạo đức xuống cấp quá, tuổi trẻ bị bế tắc tâm linh, họ không có lối để đi”. Lúc đó cũng có một vài nhà trí thức người Pháp nói: “Ok! Dạy thì dạy, nhưng biết dạy cái gì bây giờ?” Ví dụ một tuần có một hoặc hai giờ đạo đức, nhưng biết dạy cái gì mới được chứ?

Tại Làng Mai chúng tôi có rất nhiều cái có thể đem chia sẻ với học sinh, sinh viên các trường từ tiểu học, trung học, tới đại học. Trước hết phải nói cho họ biết những khổ đau mà họ đang có. Tiếp theo là những phương pháp giúp họ có thể đối diện và chuyển hóa những khổ đau của mình. Những cái đó chính là đạo đức học. Vì vậy cho nên 5 giới, 14 giới đều có thể biến thành tư liệu để giảng dạy hết, mà những cái đó không cần mang màu sắc tôn giáo, không cần mang màu sắc Phật học, nó có thể được mang màu sắc phi tôn giáo.

Nếu trong số quý vị có ai làm trong ngành giáo dục xin hãy suy nghĩ về điều này. Quý vị có thể đề nghị với Bộ Giáo dục quốc gia làm thế nào để người trẻ có được một hướng đi lành mạnh về tinh thần. Tại vì trong mỗi người trẻ đều có sẵn hạt giống của đạo đức. Một nhà giáo dục có thể nhận diện được những yếu tố đẹp đẽ trong truyền thống đạo Bụt để hiến tặng vào con đường tâm linh cho tuổi trẻ. Quý vị có thể dùng con đường của Bụt, cái nhìn bất nhị, cái nhìn tương tức, và những giới pháp để làm việc này.

Hiện giờ các thầy, các sư cô trẻ ở Làng Mai đang thiết lập một phong trào dành cho thanh niên gọi là “Wake up” (tỉnh thức). Phong trào này được tuổi trẻ các nước đáp ứng lại một cách rất nồng nhiệt, tạo thành đoàn thể những người thanh niên, thiếu niên Phật tử sống và hoạt động cho một xã hội lành mạnh hơn, có nhiều từ bi hơn. Cố nhiên là chúng ta rất cần Năm Giới, chúng ta rất cần cái thấy về tương tức, cái thấy không kỳ thị, cái thấy bất nhị. Chúng ta cần phải có sự thực tập để chuyển hoá những kỳ thị, những lo lắng, sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng của chúng ta. Và người trẻ có thể thừa hưởng được những sự thực tập ấy. Nếu quý vị là phụ huynh, là những nhà giáo chức có thao thức đi tìm một con đường như vậy cho tuổi trẻ thì quý vị có thể bàn với các thầy, các sư cô Làng Mai. Quý vị cũng có thể trao đổi qua các trang nhà của Làng Mai.

Chủ nghĩa Công lợi hay Công ích này cũng đơn sơ thôi. Tức là trước hết phải nói ra được những cái gì mình muốn có ở trên đời. Ví dụ mình muốn có việc làm, có đủ cơm ăn, áo mặc, gia đình hòa thuận…  Rồi tiếp đến là nói ra những cái gì mình thấy là hạnh phúc của người dân như: Công ăn việc làm, có tự do, có nhân quyền, hòa bình… Trước hết phải liệt kê ra những cái mà mình cho đó là hạnh phúc. Sau khi thiết lập được những cái mà mình cho rằng rất cần thiết cho nhân loại, thì lúc đó mới đi tìm hành động. Tất cả những hành động nào đưa tới cơm no áo ấm, có việc làm, có tự do, có nhân quyền, có sự bảo hộ đều là những hành động đúng và tốt.

Nhìn vào hậu quả, nhìn vào những công ích này mà mình biết rằng phải làm cái gì và không nên làm cái gì. Đó là đường hướng của Công ích luận và nó nằm ở trong hướng đi của Hậu quả luận. Giống như trong đạo Bụt, nó được gọi là sự thực thứ ba và sự thực thứ tư, tức diệt đế và đạo đế. Diệt ở đây có nghĩa là lạc, là hạnh phúc. Muốn có những hạnh phúc như vậy, muốn có hỷ, muốn có lạc, muốn có chuyển hoá, muốn có từ, muốn có bi thì phải làm gì? Câu trả lời là tất cả những cái gì diệt khổ, giúp chúng ta và những người xung quanh có được hạnh phúc thì đều là thiện, là phe chánh. Công ích luận cũng suy nghĩ giống như là Tứ diệu đế vậy. Nhưng Công Ích Luận không thấy được tính tương tức của hạnh phúc và khổ đau. Còn trong đạo Bụt chúng ta có cái nhìn bất nhị, chúng ta thấy được rằng khổ đau đóng góp một phần nào đó để tạo nên hạnh phúc. Và hạnh phúc bây giờ cũng có thể là khổ đau sau này. Ví dụ trong khi uống rượu, sử dụng ma túy thì thấy rất sung sướng, nhưng tới khi hết rượu, hết thuốc rồi mà mình lại lên cơn nghiện, lúc ấy mới thấy khổ thấm thía, chưa kể đến những căn bệnh hiểm nghèo sẽ mắc phải trong tương lai như: ung thư gan, ung thư phổi, tại nạn giao thông, thậm chí có thể mắc bệnh AISD. Vì vậy cho nên hạnh phúc và đau khổ là những danh từ mà mỗi người hiểu một cách khác nhau, khó đồng ý lắm.

Trước hết, những cái gọi là cái hạnh phúc đó là những cái hạnh phúc nào? Và hạnh phúc đối với ai? Ví dụ như trong chúng ta, có người thấy rõ ràng rằng có công ăn việc làm là chuyện quan trọng nhất, còn tự do nhân quyền hay là chuyện môi trường không quan trọng, nên cái ưu tiên trước nhất của người ấy là công ăn việc làm. Có những người khác nói, công ăn việc làm không quan trọng, tình trạng hâm nóng địa cầu mới là nguy cơ, phải lo cho nó trước. Vậy nên khi nói tới cái gì là ưu tiên, thì cũng không ai đồng ý với ai hết.

Do đó, thiết lập nên những cái gọi là quan trọng cũng có khó khăn, phải có một người có đủ trí tuệ để thấy hết được tất cả những nhu yếu, những liên hệ giữa cái này với cái kia mới thiết lập ra được cái đó. Ví dụ như tổng thống Obama đang thiết lập một danh sách những chương trình cần làm để cho cuộc khủng hoảng kinh tế này được giải quyết: Làm thế nào để cho những ngân hàng đừng bị phá sản ? Làm thế nào để cho những công ty không sa thải công nhân? Làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan, ở Iraq càng sớm càng tốt? Làm thế nào để bớt sự căng thẳng giữa Mỹ với Nga, giữa Mỹ với Iran? Tất cả những cái đó được nêu ra như những điều cần phải ưu tiên được làm trước nhất. Khi đã xác định được những việc quan trọng cần phải làm thì bắt đầu đi tìm những phương pháp hành động để đạt được những cái đó. Và những hành động nào giúp chúng ta đạt tới cái đó đều là chính đáng, đều là tốt đẹp hết. Khuynh hướng đó gọi là Hậu Quả Luận.

Một trong những nguyên tắc của Công ích luận là làm thế nào để cho tất cả mọi người đều thấy rằng ai cũng có cơ hội như nhau chứ không phải chỉ lo đạt tới mục tiêu của mình mà làm hại người khác. Phải để ý tới hạnh phúc của người khác chứ không nên chỉ lo riêng cho hạnh phúc của mình. Vì vậy trong Công ích luận cũng có ý niệm về xả, tức là trong chủ thuyết này, công ích chung phải được đặt lên hàng đầu. Do đó cho nên mới có chữ công. Và ai có thể có được cái thấy thì người đó gọi là quan sát viên lý tưởng. Khi có một quan sát viên lý tưởng rồi thì chúng ta mới lập nên một cái danh sách về những gì thật sự cần được ưu tiên, tiếp đó chúng ta mới đoán định được những hành động nào cần phải làm, những hành động nào không nên làm để đi tới mục tiêu đó.

Nhưng trên thực tế, không thể nào có một quan sát viên lý tưởng như vậy. Trong đạo Bụt, ta nói rằng đức Như Lai có cái thấy sâu rộng, bao trùm hết nên ta nói đức Như Lai có thể là một quan sát viên lý tưởng. Và những lời dạy của Ngài gọi là thánh giáo, có thể giúp cho mình vững bước trên con đường đi. Hay là nếu chúng ta là người Cơ đốc giáo thì chúng ta nói Chúa Jesu là một người toàn năng, toàn trí, có cái thấy biết sâu rộng, vì vậy Ngài có thể soi đường chỉ lối cho mình. Cho nên những người theo Chúa Jesu hay theo Bụt thì có một phần căn cứ trên trí tuệ của mình, một phần căn cứ trên trí tụê của Thầy mình, tức là Thánh trí.

Trong đạo Bụt có nói tới hiện lượng, tức là trực giác, là cái thấy trực tiếp mà không cần phải lý luận, là công cụ để cho mình đạt tới sự thật. Và công cụ thứ hai là tỷ lượng. Tỷ tức là so sánh. Thấy đằng kia có khói lên thì mình biết chắc chắn là ở đấy có đám cháy. Nhờ so sánh và lý luận mà tìm được sự thật gọi là tỷ lượng. Nhưng ngoài hai công cụ đó ra mình còn có công cụ thứ ba gọi là thánh giáo lượng. Tức là chúng ta có thể nương vào tuệ giác của những bậc thầy lớn đã đạt tới những cái thấy rất thâm uyên, chúng ta có thể lợi dụng cái thấy của các vị, đó gọi là thánh giáo lượng. Là Phật tử chúng ta có thể nương vào cái thấy của Bụt, là người Thiên chúa giáo chúng ta có thể nương lời dạy của đức Kitô. Đó là ba phương tiện để đạt tới sự thật

Trước hết chúng ta phải sử dụng trí tuệ của chúng ta qua ba phương pháp đó để thiết lập ra chương trình. Phải nói rất rõ ràng chúng ta muốn cái gì, cái chúng ta muốn không phải cho riêng cá nhân mình mà là cho cả nhân loại. Khi chương trình đã được thiết lập rồi thì chúng ta mới biết rằng phải hành động như thế nào để đạt được kết quả đó. Nó cũng giống như đạo đế và diệt đế vậy. Trên thực tế thì những nhà Công ích luận này họ không tin vào Thượng đế, họ cũng chẳng tin vào thánh giáo luận, họ chỉ tin vào lý tính của con người thôi. Một điểm đặc biệt của Hậu quả Luận, Công ích luận là đặt Thượng đế và kinh điển sang một bên, chỉ sử dụng chính con mắt và lý tính của mình để phân biệt đâu là thiện, đâu là ác, đâu là đúng, đâu là sai chứ không nhờ cậy gì vào Thượng đế hay kinh điển hết, hoàn toàn căn cứ trên kinh nghiệm của mình.

Chúng ta nói rằng khổ đau đóng một vai trò nào đó để tạo nên hạnh phúc. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cũng cần có một liều lượng khổ đau nào đó thì mới lớn lên được, mới có hạnh phúc. Nhưng liều lượng đó là bao nhiêu? Khôn g ai muốn có khổ đau nhiều hết. Và nếu theo đúng luật nhân quả, thì mỗi khi ai đó gặp khó khăn mình sẽnói: “Ráng chịu đi, ai bảo gây ra cái nhân đó, gieo gió thì gặt bão, tại sao tôi phải giúp chứ”. Nhưng một vị  Bồ Tát không bao giờ nói và nghĩ như vậy, vị Bồ Tát luôn luôn muốn giúp những người đang lâm vào hoàn cảnh khổ đau. Bồ Tát có khuynh hướng muốn theo Công Ích Luận tức là cho rằng đời đã có quá nhiều đau khổ rồi, trừng phạt nhau làm chi cho khổ thêm. Ví dụ có một ông hàng xóm tính tình ích kỷ, không bao giờ chịu giúp đỡ ai điều gì. Hôm ấy ông ta bị hỏng xe và nhờ mình chở giúp tới cơ quan. Thường thì mình suy nghĩ cái kiểu Chủ Nghĩa Báo Ứng, mình nghĩ: cái ông này đáng ghét lắm, mặc xác ông ta, để ông ta đi làm muộn cho đáng đời. Nhưng theo chủ thuyết Công Ích Luận mình thấy người ta đang khổ mà bỏ mặc người ta thì tội nghiệp quá. Thôi giúp đỡ đi, trừng phạt làm chi, và mình nói: “Ok, lên đây tôi chở.” Mình không trừng phạt mà mở lòng từ bi để giúp đỡ. Nhiều khi không trừng phạt mà lại làm cho người ta thay đổi. Nhờ hành động bao dung của mình mà sau này người ta không còn ích kỷ nữa. Cái dễ thương của khuynh hướng này là mở rộng lòng từ bi tới cả những loài cầm thú, họ không thích việc lấy động vật để làm thí nghiệm gây đau đớn cho các loài động vật. Vì vậy chủ thuyết này rất là gần với đạo Bụt, chỉ thiếu yếu tố tương tức và bất nhị mà thôi. Trong các chủ thuyết về đạo đức học trên thế giới, chủ thuyết này có thể gọi là thành công nhất. Nếu nghiên cứu về đạo đức học Phật giáo thì quý vị nên tìm hiểu về chủ thuyết này, chủ thuyết này có nguồn gốc từ Anh.