Chữ Nghiệp trong đạo Bụt

 

Trong đạo Bụt, nghiệp gồm có: ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Khi ta có một tư duy, một ý nghĩ, một tư tưởng đầy tha thứ bao dung thì gọi là thiện ý nghiệp. Lúc ấy ta đang tạo một cái nghiệp về lòng từ bi. Chỉ riêng ý nghiệp lành thôi cũng đã đủ mạnh rồi, chưa cần nói lời ái ngữ, hành động dễ thương thì mình đã đang tự chữa lành cho mình, cho gia đình, cho đất nước và cho thế giới.

Nghiệp có nghiệp chung và nghiệp riêng. Ví dụ chúng ta cùng đến Làng Mai tu tập với nhau là nghiệp chung, vì chúng ta có ước muốn giống nhau là muốn được tu tập và chuyển hóa. Cái nghiệp chung được làm bằng những nghiệp riêng, và cái nghiệp riêng tạo thành nghiệp chung. Nghiệp chung và nghiệp riêng tương tức với nhau. Bụt xác định ta có tự do ý chí, có khả năng chuyển nghiệp. Năng lượng chánh niệm có thể giúp mình chuyển nghiệp. Ban đầu, chúng ta có cảm tưởng ta là một nạn nhân của cái màng lưới nghiệp. Nhưng nếu biết sử dụng chánh niệm, chánh định và chánh kiến thì ta có thể bắt đầu thay đổi. Cần biết là có thể có thêm yếu tố tình cờ, nhưng không nhiều. Hành động trên cái “ một ” có tác động trên cái “ tất cả ” và cái “ tất cả ” có tác động trên cái “ một ”. Ví dụ, khi mỉm được một nụ cười thì mình khoẻ mà thế giới cũng nhờ đó mà được khoẻ. Mình có chánh niệm và chánh kiến thì hành động mới đưa tới giảm thiểu khổ đau và kiến tạo an lạc.

Bụt ân cần dạy dỗ mình phải ráng tập chánh tư duy, nhưng ta chỉ có thể tư duy đầy từ bi khi mình thấy mình trong người đó. Nếu chỉ thấy người đó là một người khó chịu, dữ dằn thì sao mà mình từ bi được? Thành ra phải thấy mình với người đó là một, mình có ở trong người đó, “tam luân không tịch”. Mình với người đó không khác. Giống như tay trái với tay phải, mình là một thực thể với người đó. Khi thấy được như vậy thì mình mới tha thứ, mình mới nghĩ đầy từ bi, đầy thương yêu đối với người đó được. Còn nếu thấy người ta dữ như quỷ, còn mình thì đẹp đẽ như thánh thần, thì chẳng thể nào mà thương được. Cái nhìn nhị nguyên đó không phải là cách nhìn của một người học đạo Bụt, không phải là cách nhìn của một người hành theo con đường Bụt dạy. Phải đi về hướng hiểu và thương, đó là hướng đi của một người tỉnh thức. Điều này không ai ép mình được, nếu bị ép thì không thể thành công. Mình phải thấy được mình là người đó với những khó khăn với những khổ đau. Thấy được thì thương liền, không cần phải cố gắng gì hết.

Điều này không khó, quý vị hãy thử làm đi. Nghĩ tới những người không dễ thương nhất trong cuộc đời mình, và cứ thương. Hãy tập thấy mình với người đó là một, tập nhìn người đó với những khó khăn của người đó; với những khổ đau, dằn vặt của người đó, lúc ấy tình thương sẽ tới một cách rất tự nhiên. Nhờ có tình thương nên những tư duy, hành động, nói năng của mình sẽ rất tự nhiên đi về  hướng từ bi mà không cần phải cố gắng và mình không còn buồn bã, u sầu, héo hắt nữa vì mình là người hiến tặng thương cho sự sống.

Hãy tư duy về sự tương tức, sở dĩ người đó như vậy nên mình mới như vậy, người đó hành xử như thế này nên mình mới vụng về như thế kia. Có được tư duy tương tức, tương nhập ấy thì mình mới có thể chấm dứt giận hờn, mở lòng ra tha thứ được; mới nói lời ái ngữ được. Lúc này những lời nói thân ái của mình được thốt ra một cách rất tự nhiên mà không gượng ép, không dối lòng. Như vậy là mình đang tạo dựng những nghiệp lành. Khi nói tới nghiệp người Việt mình thường cho rằng đó là những quả báo xấu. Nhưng không phải như vậy. Nghiệp là những thói quen, mà thói quen thì có thói quen tốt và thói quen xấu. Khi nghĩ những điều lành (cảm thông, thương yêu, tha thứ…) tức là mình đang tạo ra ý nghiệp lành. Khi mình nói những lời dễ thương, đem lại sự tự tin, an vui và hy vọng cho người khác tức là mình đang tạo khẩu nghiệp lành. Khi mình làm những việc tốt, mang lợi lạc tới cho những người xung quanh tức là mình đang tạo thân nghiệp lành. Nếu chỉ chế tác toàn ý nghiệp, thân nghiệp, khẩu nghiệp đi về hướng thiện thì nghiệp báo của mình rất đẹp. Nhờ những nghiệp lành đó nên mình được sinh ra trong cõi bình an, được gặp và thân cận với những bậc thiện tri thức. Còn nếu mình suy nghĩ điều ác; nói lời thô tục, dữ dằn; làm những việc gây khổ đau cho người khác thì mình sẽ phải hứng chịu quả báo xấu. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi tư duy một khi đã phát khởi thì lập tức tác thành quả báo dù rằng mình không nói ra, dù rằng không ai biết nhưng mình lãnh nhận quả báo rất đương nhiên. Quả báo lành hay quả báo dữ tùy theo nhân lành hay nhân dữ mà mình đã gieo trồng.

Nếu lắng nghe và hành theo lời Bụt dạy thì ta sẽ kiến tạo được những quả báo đẹp đẽ. Hồi nhỏ, khi học về y báo và chánh báo tôi hiểu rất mù mờ, chỉ hiểu trên bề mặt danh từ. Nhưng càng thiền quán tôi lại càng thấy rõ ràng rằng tư duy, lời nói, hành động của mình có hai phần rõ rệt, đó là y báo và chánh báo:

–          Chánh báo là bản thân mình, tức là dáng người, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các bộ phận cơ thể, khối óc, tư duy, trình độ học vấn …

–          Y báo: là môi trường xung quanh như mình sinh ra trong gia đình đó, xã hội đó, đất nước đó, địa cầu đó…

Chiếc lá xanh vừa mới sinh ra trên cành cây vào mùa xuân là một biểu hiện mới của cái lá, đó là chánh báo của cái lá. Còn những thứ xung quanh như cái cây, nước, đất, không khí, mưa… là y báo của chiếc lá. Bạn cũng vậy, bạn có thân thể này, mang cái tên này nhưng đó chỉ là tên tạm thôi, đừng tưởng đó là tên thật. Với những điều kiện đó thì mình mang cái tên đó, nhưng phải biết rằng trong cái tên này có cả ba mẹ, ông bà, tổ tiên chứ không phải cái tên nằm riêng độc lập đâu. Cho nên mình là chánh báo của mình mà cũng chính là y báo của mình. Đừng có nói rằng “Tôi là cái thân thể này, mẹ tôi sinh ra tôi làm chi, để tôi phải khổ, ghét quá” hay là “Sao tôi không sinh ra trong gia đình tử tế hơn, mà lại sinh ra trong gia đình này, ai cũng dữ dằn, làm khổ nhau”… Đó là tại vì mình cũng dữ dằn, mình cũng hành xử không dễ thương nên kết quả mới sinh vào gia đình không dễ thương. Thành ra mình chính là môi trường của mình. Đó là một sự thật không thể chối cãi được. Điều này mình phải xác thực bằng chính mình, phải quan sát và nghĩ xem có đúng hay không.

Nhà xuất bản Parallax ở Mỹ đã phát hành một cuốn sách của tôi với tựa đề “The World We Have” (Thế giới mà chúng ta đang có). Chúng ta chỉ có một thế giới này để sống thôi. Tựa đề của cuốn sách được nhà xuất bản lựa chọn. Có người nói rằng nên để “The World We Are” tức là “Thế giới mà chúng ta là” thì đúng hơn. Vì khi nghĩ rằng “đang có” có nghĩa là mình riêng và thế giới riêng, còn “thế giới mà chúng ta là” có nghĩa là mình vừa là chánh báo, vừa là y báo. Vì vậy tôi muốn các bạn hãy để vài phút thiền quán thật sâu, không những mình gửi tình thương tới cho người làm khổ mình, để có những tư duy rất từ bi đối với người đó, mà còn viết thư cho người đó, điện thoại cho người đó. Trước hết nên nói chuyện với người đó trong tâm của mình, đối xử với thân và tâm mình cho đàng hoàng. Quý vị phải hứa với y báo của mình, tức là môi trường của mình rằng mình phải sống làm sao cho xứng đáng với môi trường mà mình đang sống. Quý vị phải nuôi dưỡng địa cầu, nuôi dưỡng môi trường sống. Từ hôm nay, khi mà quý vị đi, quý vị nhìn mọi sự vật như là mình, bụi tre đó là mình, không khí đó là mình, mây đó là mình, cây này là mình, và mình phải có trách nhiệm che chở, gìn giữ.

Ở Lộc Uyển, quý thầy, quý sư cô có thể làm ra điện từ năng lượng mặt trời để sử dụng, họ không cần điện của thành phố. Các thầy các sư cô lấy năng lượng mặt trời ở California để dùng điện thoại, máy tính, đèn điện trong các phòng, có khi còn dư điện để tặng lại thành phố nữa. Họ cũng có những ngày không sử dụng xe hơi để tránh làm ô nhiễm bầu khí quyển. Họ tìm được những loại xe hơi chạy bằng dầu cặn, tức là dầu thực vật sau khi chiên xào thải ra và đem đi lọc rồi dùng thay xăng. Mỗi tuần ở các tu viện của Làng Mai chúng tôi có một ngày không sử dụng xe hơi. Nhiều bạn thiền sinh tới đây tu tập cũng bắt chước chúng tôi, hứa rằng trong tuần cũng thực tập một ngày không sử dụng xe và họ cũng bắt đầu tập ăn chay 15 ngày trong tháng hoặc giảm 50% lượng thức ăn động vật trong mỗi bữa ăn. Họ làm như vậy chẳng phải là để được lòng của Bụt, tại vì phần lớn họ là người theo Thiên Chúa giáo, mà họ làm như vậy là có lợi cho chính họ.

Mình là chánh báo nhưng cũng là y báo. Mà y báo là quả địa cầu này nên ta chăm sóc cho quả địa cầu cũng chính là chăm sóc mình. Trong khi súc miệng, rửa mặt có nhiều người cứ để cho nước chảy tràn lan. Nhiều khi rửa một cái ly mà mình mở vòi nước quá mạnh. Rồi đang rửa lại bỏ đấy đi lấy cái ly khác để cho nước chảy ròng rất là uổng phí. Đừng nghĩ rằng nước rẻ, đừng nghĩ rằng mình trả tiền thì mình có quyền sử dụng thoải mái. Nước cũng là tài nguyên của địa cầu, phí phạm nước là phí phạm tài nguyên của địa cầu. Để có được những giọt nước trong lành ấy phải mất công sức của biết bao nhiêu người, bao nhiêu tài nguyên khác góp vào như: điện, xăng, dầu, gang, thép…

Chỉ cần nhận ra điều này rồi thực tập tiết kiệm lại mọi thứ: điện, nước, đồ ăn… là đã làm một hành động thương yêu đích thực rồi. Đi ra khỏi phòng phải tắt đèn, đó là thực tập yêu thương. Hãy mời Bụt biểu hiện trong mình bằng những hành động chánh niệm, tư duy chánh niệm, sử dụng chánh niệm. Đừng tìm Bụt ở ngoài, Bụt ở trong mình. Chánh niệm chính là Bụt. Bụt thì đi đứng rất đàng hoàng, ngồi rất đàng hoàng, hành xử rất đúng mực.

Cứ mùa hè đến, tại Làng Mai mỗi tuần có một ngàn người tới tu tập trong suốt bảy ngày. Trong bốn tuần lễ, bốn ngàn người đó không ăn thịt, cá, trứng, sữa. Thành ra trong một tháng có biết bao nhiêu con gà, con bò, con lợn được cứu sống. Không ăn trứng thì người ta sẽ hạn chế chăn nuôi mà hạn chế chăn nuôi thì sẽ giảm thiểu được các chất thải (phân của gia súc gia cầm), một nguyên nhân của hiện tượng hiệu ứng nhà kính, hâm nóng địa cầu.

Vì vậy trong một tuần, mình có năm ngày đi làm, một ngày cuối tuần đi mua sắm và ngày còn lại không sử dụng xe thì cũng không sao hết, mà đó là một hành động rất từ bi.

Chúng ta phải biết nghĩ tới các thế hệ con cháu của ta. Đừng để đến lúc con cháu ta không còn không khí để thở, không còn điện để dùng, không còn nước để uống. Như vậy là mình đã đoạn tuyệt sự sống của con cháu mình. Mà con cháu mình chính là mình đó. Thành ra sử dụng các nguồn tài nguyên một cách chánh niệm tức là mình che chở cho địa cầu.