Bốn Phương Pháp Nghiên Cứu, Sưu Tầm Quán Chiếu
Bụt và chúng sinh không phải là hai
Chúng ta đã từng nói tới cái gọi là Phật sinh bất nhị, tức là Bụt và chúng sinh không phải là hai thực thể riêng biệt. Cái này có dính líu tới ngữ nghĩa học. Khi nói tới Bụt thì chúng ta hình dung Bụt như một thực tại đối lập với chúng sinh. Vì chúng sinh là mê mờ, là trầm luân, là khổ đau; còn Bụt là sáng suốt, là trí tuệ, là từ bi. Hai cái đó trái ngược nhau, giống như tay trái với tay phải. Do đó khi nói Phật sinh bất nhị là chúng ta bắt đầu đặt vấn đề Bụt là cái gì? Chúng sinh là cái gì ? Hai cái đó là hai cái như thế nào mà mình gọi chúng không phải là hai. Ta phải có một cái thấy rõ ràng về Bụt và chúng sinh. Và trong khi quán chiếu thì ta thấy rằng giữa Bụt và chúng sinh có một liên hệ mật thiết. Tức là ngoài chúng sinh không thể nào có Bụt được. Và hễ là chúng sinh thì có giác tánh ở trong. Chỉ khi nào hiểu được điều đó thì mới hiểu Bụt là cái gì, chúng sinh là cái gì. Hễ là Bụt tức là từ chúng sinh mà ra, hễ là chúng sinh thì thế nào cũng thành Bụt, đó gọi là Phật sinh bất nhị.
Đứng về phương diện Thượng đế cũng phải như vậy. Thượng đế thường được gọi là tạo hoá (The Creator). Và con người cũng như thế giới được gọi là tạo vật. Tạo vật tức là cái được tạo ra. Có sự liên hệ gì giữa tạo hoá và tạo vật? Nếu không có gì liên hệ thì làm sao tạo hóa có thể tạo ra được tạo vật, phải có một liên hệ nào đó chứ? Ví dụ người thợ mộc là tạo hóa, còn chiếc bàn là tạo vật, thì người thợ mộc và chiếc bàn đương nhiên là có mối liên hệ với nhau. Như vậy nếu nói Thượng đế là một thực tại hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới do chính Thượng đế tạo ra tức là mình không thấy được vấn đề. Cho nên cái ý niệm của ta về Thượng đế (tạo hóa) bị sai lạc, mà cái ý niệm của ta về tạo vật cũng sai lạc, vì ta tưởng tạo hóa và tạo vật, Thượng Đế và thế giới là hai thực thể nằm ngoài nhau. Đạo Bụt rất cẩn trọng. Ở trong truyền thống Duy Biểu Học có phép quán gọi là “Tứ Tầm Tư”. Tứ Tầm Tư tức là bốn phương pháp nghiên cứu, sưu tầm, quán chiếu.
1. Danh Tầm Tư
Danh là tên gọi, một cái tên dùng để chỉ một vật gọi là “năng thuyên”. Bụt là một tên gọi, chúng sinh là một tên gọi, Niết bàn là một tên gọi, thiện là một tên gọi, ác là một tên gọi. Trước hết mình phải nghiên cứu về danh từ đó, nó thuộc về phạm vi ngữ nghĩa (semantic), để thấy rằng nhiều khi đó chỉ là một cái giả danh thôi mà không phải là sự thật.
Muốn đi sâu vào nền đạo đức học Phật giáo thì phải có nhiều công phu, dù cho nghiên cứu về Năm Giới cũng vậy. Ví dụ như trong bài tập “để Bụt thở, để Bụt ngồi, mình khỏi thở, mình khỏi ngồi.” Khi bắt đầu bài thực tập đó chúng ta thấy Bụt và mình như là hai thực thể riêng biệt. Nhưng Bụt chỉ là một danh từ, và mình cũng chỉ là một danh từ. Cả hai danh từ đó đều là những giả danh hết. Cái này thâm sâu lắm, trước hết nó thuộc về ngữ nghĩa học, sau đó nó đi sâu vào bản thể học. Ban đầu thì mình thấy có hai. Mình thì lười biếng thở, lười biếng ngồi thiền. Nhưng Bụt thì lại rất thích thở và thích ngồi thiền. Vì vậy cho nên mình “để Bụt thở, để Bụt ngồi, mình khỏi thở, mình khỏi ngồi”. Và “Bụt đang thở, Bụt đang ngồi”. Bụt thở rất là đều, rất là nhẹ. Bụt ngồi rất là thẳng. Trong khi Bụt đang ngồi như vậy thì mình cũng được ké, mình cũng được thở, mình cũng được ngồi. Ban đầu thì mình nói “Để Bụt thở, để Bụt ngồi”, mình làm biếng, “mình khỏi thở, mình khỏi ngồi”. Ai dè khi thấy Bụt ngồi đẹp quá mình được hưởng thì mình nói : “ Bụt đang thở, Bụt đang ngồi, mình được thở, mình được ngồi”.
Trong hai câu đầu đó của bài kệ thì Bụt là khác, mình là khác. Bụt là một thực thể riêng biệt, mình là một thực thể riêng biệt. Rồi tới câu thứ ba, “Bụt là thở, Bụt là ngồi, mình là thở, mình là ngồi” (The Buddha is the breathing itself). Bụt chính là hơi thở đó và khi Bụt thở thì hơi thở của Bụt có phẩm chất rất cao, hơi thở rất nhẹ, rất an lạc. Và chính hơi thở nhẹ và an lạc đó là Bụt. Đi tìm Bụt ở ngoài hơi thở nhẹ và an lạc đó thì sẽ không thấy đâu. Thành ra khi đi tìm sự thật mình có thể bị kẹt vào một danh từ, một giả danh.
Nếu ta may mắn tìm được sự thật, cái sự thật đó được gọi là Sự hay là Nghĩa. Đây là Bụt, và đây là hơi thở của Bụt. Khi Bụt bước chân đi, thì bước chân của Bụt nhẹ nhàng, thảnh thơi, vững chãi, hạnh phúc. Và ta nhận ra Bụt nơi bước chân đó. Ngoài bước chân đó không có Bụt. Nếu quý vị thực tập bài này cho khéo thì quý vị thấy Bụt đang ngồi rất thẳng, Bụt đang thở rất nhẹ. Ta nhận ra Bụt trong thế ngồi đó, trong hơi thở đó chứ ngoài ra không có Bụt, ngoài hơi thở nhiệm mầu, ngoài thế ngồi vững chãi đó làm gì có Bụt nữa. Bụt là thở, Bụt là ngồi, mình là thở, mình là ngồi. Mình đừng có tưởng rằng ngoài hơi thở và ngoài cái thế ngồi này còn có cái mình ở ngoài.
Thành ra từ câu thứ ba trở đi là ta bắt đầu nhờ ngữ nghĩa học, nhờ quán chiếu Danh Tầm Tư mà đi tới sự thật. Tại sao ta nhận ra được Bụt? Ta nhận ra được Bụt là tại hơi thở của Ngài, cái dáng đi của Ngài, cái thế ngồi và lòng từ bi của Ngài. Ngoài những cái đó làm gì có Bụt nữa ? Mà sự thật là như vậy! Làm gì có Bụt ngoài những cái đó? Bụt chỉ là những cái đó thôi. Cũng như đám mây làm gì có ở ngoài những giọt nước nhỏ li ti ? Lấy đi tất cả những giọt nước nhỏ li ti thì làm gì còn có đám mây nữa ? Bụt cũng vậy, Bụt chỉ là một giả danh!
Nhìn kỹ vào chiếc áo ta thấy có mảnh vải, sợi chỉ, cái khuy, người thợ dệt, người thợ may… Ngoài những cái ấy ra thì không có chiếc áo. Chiếc áo là một giả danh. Ta đi tìm một chiếc áo ngoài những đường kim mũi chỉ, ngoài vải, ngoài người may áo thì không tài nào tìm được. Vì vậy cái áo là một giả danh. Nếu buông bỏ được danh từ ta sẽ tìm được sự thật.
Ta đi tìm chính mình cũng vậy, ta là Hương, là Tuấn. Hương, hay Tuấn là ai? Ta phải bỏ cái giả danh đó đi để đi tìm sự thật của Tuấn, của Hương. Những cái sắc, cái thọ, cái tưởng đó làm nên cái người gọi là Tuấn, là Hương. Bụt cũng vậy. Bụt từ những yếu tố không phải Bụt mà ra. Bụt từ chúng sinh mà ra. Ta phải khéo léo để nhận ra Bụt trong hơi thở, trong thế ngồi, trong cách tiếp xử chứ đừng có tìm Bụt ở ngoài những cái đó. Cách Ngài thở, cách Ngài ngồi, cách Ngài đi, cách Ngài mỉm cười, cách Ngài xử sự đó chính là Bụt. Đừng có đi tìm Bụt ngoài những cái ấy. Điều này rất khoa học, rất dễ hiểu. Bụt là thở, Bụt là ngồi. Đi tìm chi nữa ? Mình là thở, mình là ngồi, mình đi tìm mình đó. Ngoài bước chân, ngoài hơi thở của ta thì đâu còn gì nữa ?
Câu thứ ba đưa ta tới sự thật, giúp ta vượt thoát cái gọi là giả danh. Thường thường chúng ta bị kẹt vào giả danh rất nhiều. Cho nên môn học này giúp ta đừng bị kẹt vào danh từ, vào tên gọi. Và nền triết học này lấy cảm hứng từ một nền triết học gọi là Chủ nghĩa thực chứng luận lý, logical positivism. Khởi xướng là August Conter, ông đặt ra những câu hỏi rất là thực tế. Quý vị nói thiện, vậy thế nào là thiện? Quý vị nói ác, vậy thế nào là ác ? Quý vị đừng có chơi với danh từ, đừng có làm cho người ta kẹt vào danh từ. Phải đi đến cái từ What do you mean? (cái bạn làm nghĩa là gì?) Cái đó gọi là ngữ nghĩa học. Trong đạo Bụt cái này rất quan trọng. Đạo Bụt nói rằng tất cả những danh từ như là : tôi, bạn, Bụt và chúng sinh đều là những giả danh. Và ta đừng bị kẹt vào những giả danh đó.
Trong Tứ Tầm Tư, ta phải buông bỏ cái tên để tìm tới sự thật. Rồi rút cuộc ta cũng phải buông bỏ cái mà ta gọi là sự thật. Rời bỏ danh từ để đi tìm tới tự tánh, tự tánh tức là bản chất. Ta rời bỏ danh từ chiếc áo để đi tới bản chất của chiếc áo. Nhưng mà chính miếng vải, đường kim, mũi chỉ… tất cả những cái này cũng vẫn là giả danh, ta cũng phải đi tìm cái bản chất của nó. Vải cũng được làm bằng những chất liệu không phải là vải.
Ban đầu thấy sợi dây thừng, ta tưởng là con rắn, rồi đâm ra hoảng sợ. Nhưng sau khi hoàn hồn ta thấy đó không phải là con rắn, tức thì lúc ấy ta “thả” được con rắn ra. Nhưng sợi dây thừng nhìn cho kỹ cũng là giả danh. Vì sợi dây thừng đó cũng chỉ có chất gai thôi, một cái thứ cây mà người ta bện lại thành sợi dây. Cây gai được những người nông dân trồng, rồi họ đem cắt ra, giã nát, se lại thành sợi dây thừng. Nhìn vào sợi dây thừng thì chỉ thấy chất gai thôi. Vì vậy dây thừng cũng là giả danh. Và cứ từ từ như vậy, ta đi tìm tới được cái bản chất đích thực của sự vật. Cái đó gọi là tự tánh. Mỗi sự vật đều có tự tánh. Nhưng tự tánh của chúng đều là không. Như là bông hoa chẳng hạn, nó là một giả danh. Nhìn cho kỹ thì trong bông hoa chỉ có ánh sáng mặt trời, có đất, có đám mây, có mưa, có hạt giống, có người làm vườn… Ngoài những cái đó ra thì không có hoa. Cái đó là từ Danh mà đi tới Sự.
Bây giờ từ Sự đi tới Bản chất. Tức là đi tìm cái bản chất của nó. Và Tây phương có những nền triết học họ cho Thượng đế là bản chất của thực tại (God is the ground of being). Đó là Ontological ground of being. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, ta được học rằng bản chất của vạn vật là không. Chữ không trong đạo Bụt có nghĩa rất thâm sâu. Chữ không này không có nghĩa là cái không ngược lại với cái có. Cái không này là sự vắng mặt của cả hai cái có và cái không. Nó siêu việt ra khỏi có và không. Trong đạo Bụt ta có thể gọi cái không đó là bản thể, bản chất, là tự tánh. Tự tánh là không. Nói tới không nghĩa là vượt thoát những cặp đối nghịch: không sanh cũng không diệt, không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt, không có cũng không không. Đó là cái thấy của đạo Bụt về vấn đề tự tánh. Có khi mình gọi đó là niết bàn, có khi ta gọi là chân như, có khi gọi là không. Và cái đó là nền tảng của tất cả. Siêu đạo đức học muốn tìm tới cái gốc đó.
Ở phương Đông có khái niệm đạo là bản thể, là tự tánh của vạn sự vạn vật. Một điều rất dễ thương, rất hay là trong khi phương Tây coi Thượng đế là đàn ông thì ở phương Đông coi Thượng đế, coi Đạo là đàn bà, là một người Mẹ. Đạo là Mẹ của vạn vật, là Mẹ của trời đất chứ không phải là Đạo là Cha. Hai văn hoá có tư duy khác nhau. Ở trong văn hoá Cơ Đốc giáo mình thấy God (Thượng đế) như là tự tánh của vạn hữu. Mà nếu đã là tự tánh thì giữa tạo hoá và tạo vật phải có liên hệ. Nếu tìm ra được tạo vật sẽ thấy tạo hoá ngay trong tạo vật. Còn nếu mang cái nhìn nhị nguyên mà nói tạo hoá khác tạo vật thì người ta không thể nào hiểu được. Lão Tử là một người sinh ra vào khoảng thời gian đồng thời với Đức Thích Ca. Ở trong Đạo đức kinh của Lão Tử có một câu như thế này:
“Có một cái vật nó do sự trộn lẫn với nhau mà thành, nó sinh ra trước khi có trời và đất, nó rất là yên tĩnh, vắng lặng. Nó đi khắp nơi mà không mỏi. Tôi không biết tên của nó, tôi tạm gọi nó là đạo. Và tôi không thể diễn tả được nó, tôi tạm gọi nó là lớn. Nó có thể coi là mẹ của cả trời và đất”.
Nguyên văn chứ Hán như sau: “Hữu vật hỗn thành. Tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề. Độc lập nhi bất cải. Chu hằng nhi bất đãi. Ngô bất tri kỳ danh. Tự chi viết đạo. Tự chi viết đại. Khả dĩ vi thiên địa mẫu”
Ở trong đạo Bụt điều này rất rõ ràng. Tìm Bụt ở đâu? Tìm ngay nơi chúng sinh. Nếu cùng một cách nhìn đó, thì tìm Thượng đế ở đâu? Tìm Thượng đế ở nơi chính bản thân mình. Mà trong Cơ Đốc giáo cũng có hạt giống của tuệ giác đó: “God is in our heart” (Thượng đế nằm trong trái tim chúng ta).
Để vượt thoát được cái nhìn lưỡng nguyên giữa ngữ nghĩa học và bản thể học, ta có một phương pháp gọi là nhận thức luận. Vấn đề nhận thức luận đặt ra là cái bản thể đó có nằm trong khả năng nhận thức của con người hay không? Thành ra chia ra làm hai khuynh hướng. Một là có thể nhận thức được, hai là không thể nhận thức được. Trong ngôn ngữ nhà thiền nói rằng: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”. Giáo ngoại biệt truyền tức là được trao truyền lại ngoài những sự giảng dạy không căn cứ trên ngôn ngữ và văn tự. Bất lập văn tự tức là không thể dùng danh từ để diễn tả được. Trực chỉ nhân tâm tức là chỉ thẳng vào trái tim của con người. Kiến tánh thành Phật tức là thấy được bản chất, thấy được cái tự tánh để thành Phật. Thiền là như vậy.
Bản chất của thiền tông là không bị kẹt vào ngôn ngữ, không bị kẹt vào danh từ. Dù là danh từ Bụt, danh từ Pháp. Khi đi học đạo trước hết ta rất muốn hiểu Bụt là cái gì, Pháp là cái gì, Tăng là cái gì. Khi người ta cho mình một cái nghĩa thế nào là Bụt, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng, mình liền bị kẹt vào những giả danh ấy. Bụt trong ý niệm của ta chỉ là giả danh thôi. Và hàng ngày ta sống, ta lạy, ta cầu nguyện với một cái giả danh. Vì vậy cho nên bất lập văn tự tức là thoát khỏi những danh từ, thoát khỏi những chữ nghĩa. Vì chữ nghĩa chỉ làm cho ta lún sâu vào trong cái vũng bùn, trong cái mê lộ của danh từ, vào đó rồi thì đi ra không được nữa. Vì vậy cho nên khi sử dụng các danh từ ta phải rất cẩn thận. Dù là thiền sư hay thiền sinh cũng phải cẩn thận lắm, nếu không thì cả thầy lẫn trò đều bị kẹt hết.
Ngày xưa có một người tới hỏi Tuệ Trung Thượng Sỹ : “Pháp thân thanh tịnh nghĩa là sao?”. Tại vì thường ngày cúng cơm, mình nói là “cúng dường Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật”. Pháp thân thanh tịnh là gì? Theo nguyên tắc, Pháp thân là bản thể, là cái siêu việt ra khỏi những ý niệm thanh tịnh với không thanh tịnh, không nhơ cũng không sạch nên nói Pháp thân là sạch thì trật rồi. Vì vậy Tuệ Trung Thượng Sỹ đã nói: “Pháp thân thanh tịnh hả? Pháp thân thanh tịnh là cái vũng nước tiểu đó”, để cho người ta thoát ra khỏi cái danh từ “thanh tịnh.”
Có lần một vị thiền sư, khi khai thị cho đại chúng, nói rằng: “Này quý vị, tôi rất là dị ứng với danh từ Bụt. Tôi dị ứng với danh từ Bụt lắm. Bất đắc dĩ tôi mới dùng từ Bụt thôi. Chữ đó nó gây ra rất nhiều hiểu lầm. Vì vậy cho nên mỗi khi phải mở miệng dùng chữ Bụt thì tôi phải đi súc miệng ba lần để cho sạch cái miệng của tôi”. Ông ta nói dữ vậy đó. Đó là cái cách của thiền sư nói chuyện. Mục đích là để cho người nghe đừng dính vào một cái giả danh. “Tôi rất dị ứng với danh từ Bụt. Mỗi khi phải dùng cái danh từ đó tôi phải đi súc miệng ba lần thì mới chịu nổi”. Bữa đó người ta bị sốc nhiều lắm. Giống như Bụt là cái gì nhơ nhớp lắm vậy. Khi ấy có một đệ tử đưa tay lên nói: “Con cũng vậy, mỗi khi con nghe thầy nói chữ Bụt con phải ra bờ sông con rửa lỗ tai ba lần con mới chịu nổi”. Chuyện này cho ta thấy rằng thầy đó, đệ tử đó thoát ra được khỏi danh từ, không bị kẹt vào danh từ nữa. Còn kẹt vào danh từ là còn khổ.
Thiền là một truyền thống, trong đó ta muốn tiếp cận sự thật mà không bị kẹt vào danh từ nhiều. Vì vậy cho nên vấn đề đặt ra là đừng để mình bị kẹt vào những chữ nghĩa mình dùng. Và vấn đề cũng đặt ra là những cái đó ta có thể dùng trí năng mà đạt tới được hay không? Hay là phải dùng tới một cái trực giác nào đó, một trí tuệ nào đó thì mới chạm tới được? Cái đó thuộc phạm vi của nhận thức luận. Trong đạo Bụt có một cái trí tuệ gọi là vô phân biệt trí. Khi sử dụng được cái vô phân biệt đó thì không còn cái thấy nhị nguyên nữa. Ví dụ như chủ thể và đối tượng, hai cái không phải là hai thực tại nằm ngoài nhau nữa, mà chủ thể và đối tượng nương nhau mà có, mà biểu hiện. Bụt và chúng sinh, sinh và diệt, trái và phải cũng vậy. Khi đã có được cái thấy tương tức, cái thấy tương quan, tương duyên rồi thì tự nhiên vượt thoát cái lề thói nhị nguyên và lúc đó mới bắt đầu tiếp cận với sự thật.
Có một triết gia, gần như một nhà đạo học, tên là Trang Tử. Trang Tử còn đi xa hơn Lão Tử. Trang Tử nói rằng Trời Đất với mình nương vào nhau mà biểu hiện ra: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh. Vạn vật dữ ngã đồng nhất”. Tức là trời đất với mình nương vào nhau cùng biểu hiện ra, vạn vật với ta là một. Không có ta thì không có trời đất và không có trời đất thì cũng không có ta. Cái thấy đó rất gần với cái thấy tương tức.
Cái ngã ở đây có thể gọi là chủ thể, mà thiên địa có thể là đối tượng. Chủ thể và đối tượng cùng phát hiện một lần, tịnh sinh. Vạn vật tức là tất cả các hiện tượng như: núi sông, cây cỏ, trăng sao với ta là đồng nhất, ta đồng nhất với vạn vật, chứ ta với vạn vật không phải là hai thực tại riêng biệt. Ta không phải là chủ thể nhận thức và vạn vật không phải là đối tượng nhận thức. Đối tượng nhận thức và chủ thể nhận thức nương vào nhau để phát hiện cùng một lần. Vì vậy nhìn cái kia ta phải thấy ta và nhìn vào mình ta phải thấy cái kia. Tức là không có cái nhìn khách quan nữa. Cái thấy của Trang Tử rất gần với cái thấy của đạo Bụt. Ở ngoài đời, khi nói về đạo đức học họ đã đi rất sâu. Họ đi sâu vào phạm vi ngữ nghĩa học, nhận thức luận và bản thể học trong đạo Bụt.
Nền tảng của giới rất là sâu. Nếu ta không học về những giả danh thì ta chưa thể nắm vững được giới. Và nếu ta không đạt tới những cái này thì ta sẽ bị kẹt vào những danh từ trong giới.
2. Nghĩa tầm tư
Phép tầm tư thứ hai là tầm tư nghĩa, hay là sự, nó là sở thuyên. Khi vị Bồ tát nhìn thì vị Bồ tát nhìn vào sở thuyên chứ không cần nghĩ tới danh từ. Bây giờ hoàn toàn ta không bị lệ thuộc vào danh từ, ta đi tìm tới cái vật đó. Ví dụ như danh từ ba hay là mẹ. Bây giờ ta bỏ danh từ, mà nhìn vào ngũ uẩn. Danh từ như là tôi, anh hay ba má hay là con hay là chị đều là những năng thuyên.
Bây giờ bỏ hết những cái đó và nhìn vào sự thật thì thấy rằng ta đang tiếp xúc với năm uẩn của người ấy. Có thể nhìn vào năm uẩn của mình, nhìn vào năm uẩn của cha mình, ta thấy rất là giống nhau. Và thấy rõ ràng rằng mình là sự tiếp nối của cha mình. Vì vậy cho nên gọi cái đó là cha chắc cũng được, gọi cái đó là con chắc cũng được, giống nhau quá. Vì vậy hai chữ con và cha làm chia cách. Trên bề mặt thì con không phải là cha, cha không phải là con, nhưng trên sự thực con là sự tiếp nối của cha và cha là sự trao truyền của con. Cho nên bị kẹt vào năng thuyên là không tốt. Vị Bồ tát nhìn vào sự vật thì không thấy danh từ đâu hết, chỉ thấy sự vật mà thôi. Vì vậy khi nhìn vào toạ cụ chỉ thấy vải, bông gòn, đường kim mũi chỉ. Sự thật là chỉ có tất cả những cái đó.
3. Tự Tánh Tầm Tư .
Tự tánh tức là Svabhàva. Khi nhìn vào đợt sóng ta thấy bản chất của đợt sóng là nước. Khi chúng ta quán sát cây cối, nhà cửa, đất đá, con người, cầm thú, thì chúng ta muốn biết cái gì là bản chất của tất cả những cái đó. Chúng ta đi tìm cái bản thể của chúng. Từ ngày xưa người ta đã nghĩ rằng bản thể của sự vật là nguyên tử (atom). Có người nói cái bản thể đó là Thượng đế, có người nói cái bản thể đó là đạo, có người nói cái bản thể đó là tứ đại. Có nhiều người đưa ra những ý kiến khác nhau về bản thể của sự vật. Các nhà khoa học đi kiếm nền tảng của sự vật ở nơi các nguyên tử, những chất điểm sơ khởi thì giống như là họ đi tìm nền tảng bản thể cho những sự vật ấy. Và khoa học đang gõ cửa bản thể học. Ở đây cũng vậy. Ta thấy sự vật, và ta cũng muốn đi tìm cái bản chất của sự vật ấy. Chúng ta có niềm tin là tất cả mọi sự vật đều có bản thể của nó. Sáng nay các thầy, các sư cô có tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Tâm kinh cũng là một văn bản về bản thể.
Trong Tâm kinh nói: “Khi Bồ tát Quán Tự Tại quán chiếu về năm uẩn thì thấy rằng bản chất của chúng là không”. Và cái nền tảng, bản thể của năm uẩn là không. Vì vậy cho nên Tâm kinh nói mọi vật đều không có tự tính riêng biệt. Cũng như cái gối ngồi thiền này. Nếu đi tìm cái bản chất của nó thì không thấy có bản chất gì hết. Nó được làm bằng vải, nó được làm bằng bông gòn, nó được làm bằng đường kim mũi chỉ và công khâu vá của các sư cô… Ngoài những cái đó ra thì không có cái gì hết. Không, không phải là không có gì mà không tức là không có một tự tánh riêng biệt. Vì vậy cho nên trong đạo Bụt có khi nó được gọi là vô tánh.
Ví dụ nhìn thấy bông hoa rất đẹp và ta muốn đi tìm tự tánh của nó. Ta có thể nói tự tánh của nó là Thượng Đế hay tự tánh của nó là không. Sự thực thì cũng không có gì rắc rối lắm. Nhìn cho kỹ thì thấy rất nhiều yếu tố đã tới với nhau để làm cho bông hoa biểu hiện. Đó là hạt giống, là đất, là nắng, là mưa, là người làm vườn… Tất cả những cái đó tới với nhau làm nên bông hoa. Ngoài những cái đó, như đất, mặt trời, hạt giống, cơn mưa, mà đi tìm bản chất của bông hoa không thôi thì không có. Bông hoa không có cái nền tảng, bản thể nào hết ngoài những cái đó. Hoa chỉ được làm bằng những cái không phải là hoa. Đó là cái cách nói ở Làng Mai. Cái đó gọi là vô tánh.
Khi tìm hiểu tới cái tầm tư thứ ba này rồi thì ta bắt đầu chạm tới sự thật. Ta nói ta là hình thể này, ta là Hương, là Ngọc, nhưng khi đi tìm bản chất của Ngọc, của Hương, thì ta thấy rằng Ngọc được làm bằng những yếu tố không phải là Ngọc, và tự tánh của ta Ngọc là không. Khi ta chứng đạt cái đó thì ta rất là khoẻ, không có lo lắng, sợ hãi gì hết. Tự tánh của ta là không nhưng mà cái không này không phải là cái không ngược với cái có. Tại vì trong Tâm kinh nói “sắc tức thị không” nhưng mà “không tức thị sắc”. Hay vậy đó. Tự tánh của nó là không. Cái hoa thì không có thật, nó không có thực thể, nhưng mà những yếu tố làm ra bông hoa thì có chứ ? Khi ta nhìn vào bông hoa thì ta thấy bông hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Vì vậy cho nên hoa không có thực thể. Nhưng mà những cái làm ra hoa như: hạt giống, nước, ánh sáng mặt trời, đất…là có thật hay không ? Do đó mình mới cần phải đi tới cái Tầm Tư thứ tư, tức là sai biệt giả lập tầm tư.
4. Sai Biệt Giả Lập Tầm tư
Sai biệt tức là những cái khác nhau. Bông hoa, tự tánh của nó vốn không có, nhưng mà đất, nước, hạt giống thì có. Bây giờ chúng ta tiếp tục nhìn vào nước, khi quán chiếu về nước thì thấy nước cũng được làm bằng những cái không phải là nước. Mây cũng được làm bằng những cái không phải là mây. Cái gì cũng vậy hết. Khoa học lượng tử bây giờ cũng đạt đến cái thấy đó. Ban đầu họ đi tìm những chất điểm, những hạt nguyên tử, tưởng chúng là bản chất nhưng chính chúng cũng phải nương vào nhau mà thành. Nó cũng giống như là tay trái và tay phải. Tay trái là cái gì? Có thật không? Hình như là có thật. Rõ ràng là mình có tay trái, phía bên tay trái mình là có thật. Và tay phải cũng vậy, là có thật. Nhưng sự thật là không có tay trái thì cũng không có tay phải, không có bên trái thì cũng không có bên phải. Đây là một ví dụ rất đơn sơ, tay trái nó chỉ có thể có mặt được nếu có tay phải. Một sự thực rất là khoa học, ai cũng phải công nhận. Đức Thế Tôn trong kinh đã nói tới chân lý này bằng những lời hết sức là đơn giản. Ngài nó rằng là “cái này có vì cái kia có”. Hết sức là đơn sơ.
Nếu mình hỏi cái này có trước hay là cái kia có trước, thì đó là một câu hỏi sai. Nó vốn vượt thoát thời gian. Nếu cái này có trước được thì đâu cần phải nhờ cái kia mà có? Chính hai cái nương nhau mà có. Những cái điện tử dương và những cái điện tử âm cũng vậy chúng không thể có mặt độc lập với nhau được. Cái này có vì cái kia có. Phải và trái cũng vậy, không có phải thì không có trái, ngược lại không có trái thì cũng không thể có phải được. Vì vậy không thể đi tìm bản chất của bông hoa được.
Tới phép Tầm Tư thứ tư là sai biệt giả lập cũng thấy giống hệt như ba phép tầm tư kia tức là không có tự tánh. Nó cũng là giả lập hết. Những danh từ mà chúng ta dùng đều là những giả danh. Những sự vật mà chúng ta thấy và chúng ta nhận thức cũng vậy. Mà cái ta gọi là tự tánh cũng là giả danh. Cái mà chúng ta gọi là sai biệt cũng giả danh. Trái và phải cũng vậy, chúng nương nhau mà có. Bản chất của trái là không , bản chất của phải cũng là “không”. Nhưng không ở đây không phải là không có bàn tay, mà là bàn tay không có một thực thể riêng biệt, nhờ nương vào những cái khác mà bàn tay được biểu hiện. Cái đó gọi là duyên sinh. Đây là một phép quán rất quan trọng trong trường phái gọi là Duy Biểu Học.
Trong đạo Bụt có nhiều trường phái, có trường phái chú trọng về cái tánh, nổi bật nhất là tánh không, tức là trường phái Bát Nhã. Lại có trường phái đối lập chuyên nói về cái tướng, nó nghiên cứu về phần hiện tượng như sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thấy rõ tất cả đều do tâm thức biểu hiện. Trường phái ấy gọi là Duy Thức, Duy Biểu hay Pháp Tướng tông.
Thường thì người ta nghiên cứu riêng biệt, khi nghiên cứu về tánh thì chỉ nói về tánh, khi nghiên cứu về tướng thì chỉ nói về tướng mà không lẫn lộn giữa hai cái. Ví dụ khi nói về vũ trụ vạn hữu và nghiên cứu về vũ trụ vạn hữu là ta đang đứng về pháp tướng.
Khi nói tới Thượng đế thì không thể đặt Thượng đế trên cùng bình diện với hiện tượng được, tại vì Thượng đế phải coi như là cái nền tảng của mọi hiện tượng, là bản thể. Vì vậy cho nên không thể dùng những phương pháp, những danh từ mà mình sử dụng trong khi nghiên cứu hiện tượng để mà nói về bản thể được, phải tách riêng ra. Cái đó trong đạo Bụt gọi là tánh tướng biệt quán. Thành ra khi mình nói liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng thì đừng có đem Thượng đế vào, tại vì Thượng đế thuộc về tánh.
Khi nói về Thượng đế thì không được đưa luật nhân quả của thế giới hiện tượng vào, là tánh tướng biệt quán. Cũng như khi nói tới sóng thì có thể nói sóng lên xuống, cao thấp, lớn bé, đẹp xấu. Nhưng khi nói tới nước thì những danh từ như lên xuống, cao thấp, lớn bé không thể dùng được nữa. Những danh từ, những tính từ diễn tả sóng không có thể đem để diễn tả nước được. Những cái mà mình nói về thế giới tạo vật không thể nào đem áp dụng cho Thượng đế tức là tạo hoá được. Nhưng mà trong đạo Bụt có một sự móc nối giữa tánh và tướng. Ban đầu mình nghiên cứu về tướng, về thế giới hiện tượng; mình nghiên cứu về năm uẩn; mình phân biệt, nghiên cứu, đi sâu vào năm uẩn, nghiên cứu về cái sai biệt. Rồi từ cái sai biệt mình có cơ hội đi vào tánh, đi vào bản thể.
Một ví dụ khác là khi nhìn vào bông hoa, ban đầu ta nghiên cứu về những yếu tố làm nên bông hoa như mặt trời, đám mây, đất, hạt giống, người trồng hoa… Đó là ta đang nghiên cứu về phương diện hiện tượng, về tướng. Nhưng nhìn kỹ một hồi tự nhiên ta gặp tánh. Ta thấy rằng bông hoa nó không có tự tánh, mà những yếu tố làm ra hoa nhìn cho kỹ thì cũng không có tự tánh. Nguyên tắc đó gọi là tùng tướng nhập tánh. Đây là những điều rất quan trọng trong nền đạo đức học Phật giáo. Chúng là những điều căn bản thuộc về lĩnh vực siêu đạo đức học.
Vậy thì ta áp dụng như thế nào? Giả sử như khi nói về thiện và ác, chính và tà, thì trước hết ta nói thiện là một danh từ (tầm tư danh) chỉ cho một số các việc. Tiếp đó thì ta đi tới cái Tầm Tư thứ hai là tầm tư sự. Sự là sự vật, những cái được gọi là thiện là những cái nào? Tức là đi tìm bản chất của những cái thiện đó. Khi đi sâu vào theo tinh thần Phật giáo thì cái thiện được làm bằng những cái không phải là thiện. Và lúc đó ta không còn thái độ giáo điều nữa. Đạo đức học của Phật giáo không có tính chất giáo điều. Trong tôn giáo người ta đồng nhất hoá cái thiện với Thượng đế. Một bên là thiện, một bên là ác. Thiện thuộc về Thượng đế, phe ác thuộc về ma vương, quỷ Sa Tăng. Hai phe đối lập nhau.
Nhưng trong siêu đạo đức học của Phật giáo tức là metta ethics của đạo Bụt, thì nền tảng của thực tại gọi là chân như đó vượt thắng ý niệm về thiện ác, chánh tà. Nó không có sinh, không có diệt, không có cấu không có tịnh, không có tăng không có giảm, không có xấu, không có tốt. “Không” chính là như vậy. Trong khi đó phần lớn những người theo Cơ Đốc giáo lại nói Thượng đế đồng nhất với cái tốt, cái thiện, và như vậy Thượng đế không phải là nền tảng của vạn hữu. Trong khi đó thì đạo cũng như là niết bàn, cũng như là không, là những cái vượt thoát quan niệm về thiện ác, chánh tà. Tất cả những cái đó đều là những cái giả danh.
Vì vậy cho nên khi ta nói tới thiện thì ta nói tới những yếu tố cấu thành nên cái gọi là thiện. Đó chẳng qua chỉ là giả danh thôi. Nó không có giá trị tuyệt đối. Khi nói tới ác cũng vậy. Trong Tâm kinh nói là tánh không của vạn pháp vượt khỏi quan niệm về sinh, về diệt, về cấu về tịnh, về tăng về giảm. Cũng như hoa sen ở trong bùn, lớn lên ở trong bùn. Ai cũng biết rằng nếu không có bùn thì không có hoa sen. Vì vậy nếu ta chạy theo hoa sen mà bỏ bùn lại phía sau lưng thì đó là thái độ không khôn ngoan. Tại vì nếu ta trừ hết bùn thì hoa sen sẽ biến mất.
Đứng về phương diện khổ đau và an lạc cũng vậy. Nếu ta chạy trốn khổ đau để đi tìm an lạc thì không thể có được, vì an lạc được làm bằng những yếu tố không phải an lạc, sen được làm bằng những yếu tố không phải là sen. Sen rất cần tới bùn và con người chúng ta muốn có an lạc thì cũng phải biết nếm qua sự đau khổ. Vì vậy phải nhìn khổ đau bằng con mắt khác, bằng con mắt gọi là bất nhị. Tức là thấy được tính tương tức của khổ đau và hạnh phúc, cũng như tính tương tức của trái và phải. Thái độ bỏ một cái để chạy theo một cái là thái độ nhị nguyên.
Con người luôn có khuynh hướng chạy trốn khổ đau để đi tìm an lạc, không biết rằng chính những khổ đau dạy chúng ta nên người, từ khổ đau mà con người lớn lên. Nếu chưa bao giờ quán chiếu về đau khổ, về nỗi tuyệt vọng thì làm sao bạn có khả năng cảm thông, có khả năng thương yêu? Mà không có khả năng cảm thông, không biết thương yêu thì làm sao có hạnh phúc được?
Trong con người có Mạt nza thức. Đó là thức thứ bảy. Nó luôn luôn có khuynh hướng chạy trốn khổ đau, đi tìm hưởng thụ. Và nó không biết sự thật là khổ đau rất hữu ích. Khi nhìn khổ đau bằng con mắt đó thì ta không sợ hãi nữa. Ta có thể ôm lấy khổ đau của mình để lớn lên. Và lúc đó ta mới thật sự có hạnh phúc. Thành ra hạnh phúc dựa trên bối cảnh của khổ đau.
Nếu không thấy đói thì ta ăn không thấy ngon. Phải thật đói thì ăn mới cảm thấy ngon miệng. Vì vậy cho nên tất cả những quan niệm về thiện ác, chánh tà, trước hết chỉ là danh từ thôi. Chúng ta phải đi tới sự thật. Tới sự thật rồi thì ta thấy rất rõ là sự thật đó được làm bằng những sự thật khác, hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Cái thiện cũng vậy, mà cái ác cũng vậy. Do đó quan niệm về thiện – ác, chánh – tà trong đạo Bụt chỉ có tính chất tương đối. Cái mà khoa gọi là metta ethics (siêu đạo đức học) chỉ mới xuất hiện có mấy chục năm gần đây thôi nhưng rất sâu sắc, đạo Bụt cũng nhấn mạnh về cái này rất nhiều.