Tập khí hạnh phúc

hanh phuc.pngLàm thế nào để thực tập vô ngã? Khi học hỏi điều gì đó lần đầu, chúng ta thường dùng ý thức để hiểu. Sau một thời gian điều đó trở thành tập khí thì ý thức không cần phải làm việc nữa. Tập khí cũng cần một thời gian, một quá trình để hình thành. Khi đã trở thành tập khí, chúng ta chỉ dùng tàng thức của mình và làm một cách tự nhiên. Cho dù không để ý những gì ta đang làm, ta vẫn có thể làm đúng, như đi bộ chẳng hạn. Khi đi, tâm chúng ta có thể hoàn toàn đắm chìm trong những suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ, nhưng nhãn thức hợp tác với tàng thức đủ để chúng ta tránh được tai nạn.

Chúng ta phải cho các thông tin đi vào tàng thức để tạo ra những tập khí mới. Nếu làm việc quá nhiều bằng ý thức, chúng ta sẽ già đi rất nhanh. Những lo lắng, suy nghĩ, quán chiếu, lên kế hoạch tiêu hao rất nhiều năng lượng. Vào thời Trung cổ, ông Ngũ Tử Tư chỉ lo lắng và sợ hãi một đêm mà sáng mai ra tóc đã bạc trắng. Đừng làm như thế! Đừng dùng ý thức nhiều quá. Nó làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của ta. Tốt hơn là chúng ta nên “sống với” mà không nên “nghĩ về”. (It’s better to be than to think.)

Điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh mất chánh niệm mà chánh niệm của ta đã trở thành tập khí, nên ta có thể thực tập một cách tự nhiên, không cần phải ép buộc. Ý thức là nơi để tập luyện tập khí chánh niệm và tập khí này sẽ đi vào tàng thức, tạo ra một năng lương chánh niệm mới ở tàng thức. Chánh niệm có khả năng kích thích não và giúp ta có mặt với những gì chúng ta đang tiếp xúc để chúng ta không hành động một cách máy móc. Liệu chúng ta có thể cài đặt lại tàng thức để trong tàng thức luôn có chánh niệm hay không? Liệu chúng ta có khả năng giữ những tập khí hạnh phúc trong tàng thức hay không?

Để làm được điều đó chúng ta phải học bài học chánh niệm về thân thể và tàng thức mà không phải chỉ về ý thức thôi. Chúng ta phải đối xử với thân thể như đối xử với thức. Sự thực tập phải bao gồm cả thân thể trong đó. Chúng ta không thể chỉ chú trọng về tâm ý, bởi vì thân là một phần của thức và thức là một phần của thân.

Khi tàng thức và năm thức đầu (trong đó có thân thức) làm việc hài hòa với nhau, chúng ta sẽ dễ nuôi lớn tập khí hạnh phúc. Lúc mới thực tập, mỗi khi nghe chuông chúng ta phải cố gắng tập trung tâm ý để nghe chuông, chúng ta dùng nhiều năng lượng để thực tập dừng lại, theo dõi hơi thở chánh niệm, làm cho tâm tư lắng đọng… nhưng sau khi thực tập một thời gian, sáu tháng, một năm, hai năm, tiếng chuông qua nhĩ thức đi thẳng vào tàng thức và chúng ta dừng lại một cách tự nhiên mà không cần ý thức xen vào. Chúng ta không cần phải cố gắng hay dùng nhiều năng lượng như ban đầu. Vì vậy, thực tập có thể trở thành một tập khí. Khi sự thực tập đã trở thành tập khí, chúng ta không cần phải cố gắng quá nhiều bằng ý thức. Điều này cho ta thấy rằng thực tập tốt, ta có khả năng chuyển hóa những tập khí cũ và chúng không còn trở lại quấy rầy ta nữa. Thực tập tốt cũng có thể tạo ra những tập khí tốt. Sẽ đến lúc chúng ta không còn dùng ý thức để quyết định mà ta thực tập một cách tự nhiên. Nhiều người trong chúng ta không cần phải làm quyết định là mình phải thực tập hơi thở chánh niệm. Khi nghe chuông, chúng ta theo dõi hơi thở một cách tự nhiên và chúng ta thấy rất được nuôi dưỡng. Vì vậy một khi sự thực tập đã trở thành tập khí thì chúng ta ít hao tốn năng lượng.

Thực tập chánh niệm là để tận hưởng mà không phải để tạo thêm nhiều lao tác mệt nhọc, và tận hưởng có thể trở thành một tập khí. Một số người trong chúng ta có tập khí khổ đau, một số khác lại nuôi dưỡng tập khí tươi cười và hạnh phúc. Khả năng hạnh phúc là điều quý nhất mà chúng ta có thể vun trồng. Vì vậy, chúng ta hãy đi thiền, ngồi thiền một cách hứng thú. Chúng ta đi thiền, ngồi thiền cho chính chúng ta, cho tổ tiên ta, cho cha mẹ ta, cho bạn bè ta, cho những người ta thương và cho cả những người mà ta gọi là kẻ thù của ta. Hãy đi như Bụt đi, đó là sự thực tập. Chúng ta không cần phải học và hiểu tất cả các kinh điển hay tất cả những điều Bụt dạy mới có thể đi như Bụt. Không, chúng ta không cần thêm gì nữa ngoài đôi chân và ý thức của ta. Chúng ta có thể uống trà trong chánh niệm, đánh răng trong chánh niệm, thở trong chánh niệm hay bước một bước chân trong chánh niệm. Chúng ta có thể làm tất cả những điều đó với sự thích thú mà không cần phải đấu tranh hay cố gắng gì cả. Đó là tận hưởng.

Hạnh phúc chân thực chỉ đến từ chánh niệm. Chánh niệm giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại và định lực giúp ta tiếp xúc sâu sắc hơn với những điều kiện ấy. Nếu chúng ta có đủ niệm và định thì tuệ giác sẽ phát sinh. Khi đã có tuệ giác lớn chúng ta sẽ vượt thoát được những tri giác sai lầm và duy trì được tự do lâu dài. Nếu định sâu, chúng ta sẽ không còn giận, không còn thất vọng nữa và chúng ta có thể tận hưởng được từng phút giây của cuộc sống hàng ngày.

Có một số người trong chúng ta cần một liều lượng khổ đau nào đó để có thể nhận diện hạnh phúc. Khi thực sự khổ đau chúng ta mới thấy được không khổ đau là mầu nhiệm. Tuy nhiên, có những người không cần khổ đau mà vẫn có khả năng nhận biết được không khổ đau là một điều kiện hạnh phúc, là một mầu nhiệm của cuộc sống. Nhờ chánh niệm, chúng ta ý thức được những khổ đau đang diễn ra xung quanh chúng ta. Có những người không thể ngồi yên và an toàn như chúng ta được; một trái bom, một tên lửa có thể rơi xuống trúng họ bất cứ lúc nào. Như ở Trung Đông hay ở Iraq, họ mong ước được hòa bình, họ muốn ngưng cảnh giết chóc nhưng họ không làm được. Nhiều người trong chúng ta được sống trong một môi trường an toàn, không có những loại khổ đau như vậy, được có cơ hội ngồi như thế này, bình yên hơn, nhưng dường như chúng ta không biết trân quý.

Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra quanh ta và biết trân quý những điều kiện an lạc, hạnh phúc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Thực ra chúng ta không cần phải đi đâu khác để hiểu được khổ đau là gì. Chúng ta chỉ cần chánh niệm. Chúng ta có thể ở ngay nơi mình đang ở, chánh niệm sẽ giúp chúng ta tiếp xúc được với những khổ đau của thế giới và nhận diện nhiều điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Chúng ta sẽ thấy an toàn, hạnh phúc, vui tươi và có đủ sức mạnh để thay đổi tình trạng xung quanh ta.

Thất vọng là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho con người. Khi thất vọng, chúng ta muốn tự tử hay muốn giết ai đó cho hả giận. Có rất nhiều người đã tự tử để trừng phạt người khác bởi vì họ khổ đau quá nhiều. Làm thế nào để có thể hiến tặng cho họ một giọt nước cam lộ? Làm thế nào để giọt nước cam lộ ấy có thể rơi vào trái tim họ, một trái tim đang chứa đầy hận thù và tuyệt vọng? Thực tập chánh niệm không những giúp chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống để nuôi dưỡng và trị liệu mà còn giúp chúng ta có khả năng tiếp xúc với khổ đau để trái tim của chúng ta tràn đầy thương yêu. Và chúng ta trở thành cánh tay của Bồ Tát Quan Thế Âm – Bồ Tát đại từ đại bi. Chúng ta luôn có khả năng làm được như Bồ Tát Quan thế Âm, mang giọt nước thanh lương đến những nơi còn nhiều khổ đau và tuyệt vọng.

Phương pháp nuôi dưỡng tập khí hạnh phúc

Dựa trên những gì chúng ta đã học về thân và tâm, tôi muốn cống hiến cho quý vị một số bài tập để nuôi lớn Niệm, Định, Tuệ. Đó là: ba định, sáu độ, xây dựng tăng thân và vô phân biệt trí. Đây là những giáo lý căn bản, là trái tim của đạo Bụt và là bí quyết đưa đến hạnh phúc. Những giáo lý này tương tức nhau và nâng đỡ nhau. Nếu định lực của ta đủ mạnh, chúng ta sẽ có những khám phá mới, sẽ có tuệ giác mới. Chỉ cần có mặt một trăm phần trăm, thân và tâm hợp nhất là chúng ta có chánh niệm. Nếu tiếp tục duy trì trong trạng thái đó, chúng ta sẽ có định. Nếu định hùng hậu, chúng ta có cơ hội đập vỡ khối vô minh và đạt được hạnh phúc.

Ba định

Không

Có ba loại định khác nhau. Thứ nhất là Không, Sunyata. Không ở đây là một loại định mà không phải là một triết lý. “Không” không phải là một sự cố gắng để mô tả thực tại mà “Không” là một công cụ. Chúng ta phải hiểu khái niệm “Không” một cách khéo léo để không bị kẹt vào khái niệm đó. Khái niệm về “Không” và tuệ giác về “Không” là hai khía cạnh khác nhau. Chúng ta hãy lấy ví dụ về cây nến: để thắp lên một cây nến, chúng ta cần bật một que diêm. Que diêm chỉ là một dụng cụ, một phương tiện. Nếu không có que diêm chúng ta không thể tạo ra lửa, nhưng mục đích tối hậu của chúng ta là để có lửa mà không phải có que diêm. Đức Bụt cho chúng ta khái niệm “Không” vì chúng ta phải sử dụng ngôn từ và khái niệm để truyền thông.

Sử dụng khái niệm “Không” một cách thông minh, khéo léo quý vị có thể làm phát sinh tuệ giác “Không”. Một khi ngọn lửa biểu hiện, nó sẽ đốt cháy que diêm. Một khi tuệ giác “Không” biểu hiện, nó sẽ đốt cháy khái niệm “Không”. Nếu đủ khéo léo để sử dụng khái niệm “Không”, quý vị sẽ có tuệ giác “Không” và quý vị sẽ vượt thoát được ngôn từ “Không”. Tôi hy vọng quý vị sẽ thấy được sự khác biệt giữa khái niệm và tuệ giác.

Định không phải là một học thuyết, cũng không phải là một sự cố gắng mô tả sự thật. Định là một phương tiện quyền xảo giúp chúng ta đạt đến sự thật. Giống như ngón tay chỉ mặt trăng, mặt trăng rất đẹp nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Nếu tôi chỉ ngón tay và nói rằng: “Này quý vị, đây là mặt trăng”, rồi quý vị nắm lấy ngón tay tôi và nói: “Ô, đây là mặt trăng!” thì quý vị sẽ không thấy được mặt trăng. Quý vị bị kẹt vào ngón tay và quý vị không thể thấy được mặt trăng. Pháp Bụt không phải là mặt trăng mà là “ngón tay chỉ mặt trăng”.

Tâm Kinh Bát Nhã nói rằng: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” nghĩa là gì? Bồ Tát Quán Tự Tại nói rằng mọi pháp đều Không và chúng ta muốn hỏi lại Ngài: “Ngài nói rằng mọi pháp đều không, nhưng con xin hỏi Ngài không là không cái gì?” Bởi vì không luôn luôn là không cái gì. Đó là một cách khéo léo để phá tan ngôn từ “Không” và đạt được tuệ giác Không. Chúng ta hãy quán chiếu về cái ly. Chúng ta đồng ý với nhau là cái ly này trống không nhưng chúng ta nên đặt câu hỏi, tuy có vẻ như vô ích nhưng lại rất quan trọng: “Không là không cái gì?” Có thể là không trà, không nước. Không, nghĩa là không cái gì đó. Ý thức, nghĩa là ý thức về điều gì. Chánh niệm, nghĩa là chánh niệm về việc gì. Đối tượng và chủ thể luôn luôn có mặt cùng một lúc. Không thể có tâm ý mà không có đối tượng của tâm ý. Điều này rất đơn giản, rất rõ ràng. Vì vậy, chúng ta đồng ý với nhau là cái ly này không có trà nhưng chúng ta không thể nói cái ly này không có không khí. Nó chứa đầy không khí trong đó.

Khi quan sát một chiếc lá, tôi thấy chiếc lá chứa đầy mọi thứ. Tiếp xúc và quán chiếu chiếc lá bằng một dụng cụ tuyệt vời là tâm, tôi thấy được rằng khi tiếp xúc với chiếc lá tôi cũng có thể tiếp xúc được với đám mây. Đám mây có mặt trong chiếc lá. Tôi biết rất rõ là không có mây thì sẽ không có mưa và như thế cây bạch dương sẽ không thể lớn lên được. Vì vậy, khi tiếp xúc với chiếc lá, tôi tiếp xúc với những yếu tố không phải là lá. Một trong những yếu tố không phải lá là mây. Ngược lại, tôi tiếp xúc với mây, với mưa bằng cách tiếp xúc với chiếc lá. Tiếp xúc với chiếc lá, tôi biết rằng nước, mưa, mây có mặt trong chiếc lá. Tôi cũng tiếp xúc được ánh nắng mặt trời trong chiếc lá. Tôi biết rằng không có mặt trời thì không có gì có thể tồn tại được. Tôi đang tiếp xúc với mặt trời mà không bị nóng bỏng và tôi biết rằng mặt trời có mặt trong chiếc lá. Nếu tiếp tục quán chiếu tôi sẽ thấy được rằng tôi đang tiếp xúc với những chất khoáng trong lòng đất. Tôi đang tiếp xúc với thời gian, không gian. Tôi tiếp xúc với thức của riêng tôi. Chiếc lá chứa đầy cả vũ trụ – không gian, thời gian, ý thức, đất, nước, không khí và mọi thứ. Làm sao chúng ta có thể nói nó là  “Không” được?

Sự thật là chiếc lá chứa đầy mọi thứ, chỉ trừ một thứ nó không chứa là một cái ngã biệt lập. Chiếc lá không thể một mình nó có được. Chiếc lá tương tức với những thứ khác trong vũ trụ. Cái một phải nương vào cái tất cả để biểu hiện. Không có cái gì tự nó có thể tồn tại được. Vì vậy, “Không” trước hết là không có một cái ngã biệt lập. Tất cả mọi cái đều chứa đựng trong nó những cái khác. Nhìn vào chiếc lá ta thấy những yếu tố không phải là lá. Bụt chỉ được làm bằng những yếu tố không phải Bụt. Đạo Bụt chỉ được làm bằng những yếu tố không phải đạo Bụt. Và chính tôi cũng vậy, chỉ được làm bằng những yếu tố không phải tôi, nghĩa là những yếu tố vô ngã.

Vô tướng

Định thứ hai là vô tướng, animitta. Vô tướng, nghĩa là không bị kẹt bởi những hình tướng bên ngoài. Đám mây mà chúng ta quan sát trên bầu trời dường như có bắt đầu, chúng ta nói đám mây sinh ra, rồi một lúc nào đó như tối nay chẳng hạn, đám mây không còn trên bầu trời nữa, có vẻ như nó đã chết đi. Từ đó chúng ta có khái niệm về sinh và diệt. Nhưng nếu tập nhìn sâu, chúng ta có thể tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt của đám mây. Nếu sống có chánh niệm chúng ta có thể tiếp xúc được với tính cách vô tướng của sự vật. Uống trà, chúng ta nhận ra được đám mây thân yêu của chúng ta đang có mặt trong ly trà. Đám mây có thể ở dưới hình thức của khối nước đá. Đám mây có thể ở dưới dạng tuyết trên dãy núi Pyrénées hay đám mây có thể có mặt trong cây kem mà em bé đang ăn. Nhờ tuệ giác vô tướng, chúng ta khám phá ra rằng không có gì được sinh ra mà cũng không có gì có thể chết đi, cho nên chúng ta không còn sợ hãi nữa. Hạnh phúc chân thực, hạnh phúc toàn vẹn không thể có được nếu chúng ta không có đức vô úy. Nhìn sâu và tiếp xúc với tính vô sanh bất diệt chúng ta sẽ phá tan được sự sợ hãi trong ta.

Trong chúng ta ai cũng có yếu tố vô minh nhưng đồng thời trong ta cũng có những yếu tố sáng suốt, giác ngộ. Vì vô minh nên ta đau khổ, nhờ sáng suốt nên ta có thể thành Bụt. Vì thế chúng ta có thể giải quyết được cái nhìn nhị nguyên giữa tâm và não. Thực tại có khi được diễn tả như là não, có khi như là thức. Nếu nói rằng não được sinh ra từ tâm hay tâm là tài sản nổi bật của não, điều đó không đúng. Chúng ta không nên nghĩ như thế. Chúng ta có thể nói rằng cả tâm và não đều dựa trên nền tảng của tàng thức và nương vào nhau để biểu hiện. Không có tâm thì não không thể có được mà không có não thì tâm cũng không thể biểu hiện được. Mọi thứ đều nương vào nhau mà biểu hiện, giống như chiếc lá, như đóa hoa. Hoa phải nương vào những yếu tố không phải hoa để biểu hiện. Tâm và não cũng thế.

Vô tác

Định thứ ba là vô tác, apranihita. (Có khi dịch là vô nguyện, nghĩa là không mong cầu). Không lo âu, không phiền muộn chúng ta có tự do, chúng ta có thể tận hưởng được từng phút giây của sự sống. Chúng ta không cần phải cố gắng, chỉ cần chúng ta có mặt. Hay lắm! Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với cách sinh hoạt thường nhật của chúng ta. Bình thường chúng ta cố gắng quá nhiều để đạt được hạnh phúc, đấu tranh để có an lạc nhưng có lẽ những cố gắng, những đấu tranh và mục đích của ta lại là những chướng ngại không cho ta đạt được hạnh phúc, nuôi dưỡng bình an. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm là khi ta tìm câu trả lời hay đáp án cho một vấn đề nào đó nhưng tìm hoài không ra; thế rồi chúng ta hoàn toàn buông bỏ không nghĩ tới nữa. Ngay khi chúng ta buông bỏ và thư giãn thì câu trả lời tự động đi lên, không cần cố gắng gì cả. Đó là vô tác. Chúng ta theo dõi hơi thở, uống trà, mỉm cười, đi trong chánh niệm thì tuệ giác sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Vô tác là một sự thực tập rất mầu nhiệm. Rất hay. Rất tươi mới. Các nhà khoa học cũng cần thực tập điều này. Cởi mở tâm ý, ta sẽ thấy được những khả năng ngoài sức tưởng tượng của ta. Nhiều khám phá khoa học cũng đã được dựa trên nền tảng vô tác bởi vì khi không mong cầu đạt được mục đích thì bất ngờ chúng ta lại đạt được tuệ giác mới.

Lục độ

Ba định có thể đưa đến tuệ giác. Ngoài ra, có một cách khác để làm phát sinh tuệ giác là lục độ, sáu phương pháp đem đến hạnh phúc. Độ, paramita, nghĩa là từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia. Hạnh phúc đang ở bờ bên kia. Bờ này có thể là bờ sợ hãi và chúng ta có thể vượt qua bờ vô úy. Bờ này có thể là bờ ganh tị và chúng ta có thể vượt qua bờ vô phân biệt, bờ thương yêu. Đôi khi chỉ cần một giây thôi là chúng ta có thể vượt từ bờ khổ đau sang bờ an lạc.

Bố thí

Phép thực tập đầu tiên của lục độ là bố thí, cho đi, dana paramita. Cho đi là một hành động rất đẹp, rất dễ thương. Khi giận ai, chúng ta có khuynh hướng trừng phạt người đó. Đó là một khuynh hướng tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta tự mình tặng cho người ấy một món quà thì cơn giận của ta sẽ biến mất, ngay lập tức chúng ta sẽ vượt qua bờ bên kia, đó là bờ không giận hờn. Hãy thử đi! Giả sử quý vị giận người hôn phối của quý vị và biết rằng điều này sẽ lập lại trong tương lai. Đức Bụt khuyên chúng ta hãy chuẩn bị sẵn một món quà và cất nó ở đâu đó. Lần tới khi giận người kia, quý vị đừng nói và đừng làm gì cả, lấy quà ra tặng cho người kia, quý vị sẽ không còn giận nữa.

Bụt dạy chúng ta nhiều phương pháp để đối trị cơn giận. Tặng quà là một trong những phương pháp ấy. Khi giận ai, chúng ta hãy tặng cho người đó một món quà. Chúng ta thực tập lòng bao dung và độ lượng. Chúng ta không cần phải giàu sang mới thực tập bố thí. Chúng ta cũng không cần đến siêu thị mua quà. Cách chúng ta nhìn đã là một món quà rồi. Trong đôi mắt của ta có chứa đựng từ bi. Cách chúng ta nói cũng là một món quà bởi vì những gì chúng ta nói đều có chất liệu nuôi dưỡng, ngọt ngào, giải thoát. Lá thư ta viết cũng có thể là một món quà. Chúng ta rất giàu có trong cách suy nghĩ, nói năng và hành động. Chúng ta luôn có khả năng phóng khoáng và hiến tặng. Đừng hà tiện! Chúng ta có thể cho bất cứ lúc nào, điều đó sẽ làm tăng trưởng hạnh phúc cho những người xung quanh. Thực tập dana paramita, bố thí, hiến tặng chúng ta càng trở nên giàu có hơn trong mỗi phút mỗi giây. Đó là hạnh nguyện đầu tiên của Bồ Tát. Tập bố thí, bao dung. Hãy nhớ là chúng ta không cần giàu có mới bố thí, hiến tặng.

Trì giới

Phép thực tập thứ hai là trì giới, shila paramita. Thực tập giới cũng là một sự hiến tặng, hiến tặng cho ta và cho những người ta thương. Hành trì giới luật, chúng ta sẽ bảo hộ và làm đẹp cho chính mình, đời sống của chúng ta sẽ hiền thiện, an lành. Điều đó sẽ làm tăng trưởng hạnh phúc của người khác. Bằng cách trì giới chúng ta sẽ được năng lượng của Bụt, Pháp, Tăng bảo hộ, chúng ta sẽ không gây lỗi lầm, không gây khổ đau cho bản thân và cho những người xung quanh. Vì vậy, thực tập giới đã là một sự hiến tặng rồi. Thực tập năm giới đem lại cho chúng ta tính trung thực, lương thiện và từ bi.

Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, ngăn chận chiến tranh và những tình trạng phá hoại; giới thứ hai là thực tập tâm bố thí, bao dung, biết chia sẻ thì giờ và năng lực của ta với những kẻ thiếu thốn; giới thứ ba là ngăn ngừa hành động dâm dục, sống có trách nhiệm với những người ta thương, không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của ta; giới thứ tư là thực tập chánh niệm, ái ngữ và lắng nghe sâu; giới thứ năm là ăn uống và tiêu thụ có chánh niệm.

Thực hành giới, hành giả sẽ có một nguồn năng lượng hùng hậu để bảo vệ chính mình, nuôi lớn tự do và vô úy. Thực tập năm giới, chúng ta không còn sợ hãi nữa bởi vì giới thể của chúng ta thanh tịnh. Chúng ta không còn lo sợ bất cứ điều gì. Đây là tặng phẩm cho toàn xã hội mà không phải chỉ dành cho người ta thương. Bồ Tát là người luôn được giới luật bảo hộ và có thể hiến tặng rất nhiều cho người khác qua sự hành trì giới luật của mình.

Nhẫn nhục

Phép thực tập thứ ba để qua bờ bên kia là nhẫn nhục, kshanti paramita, phép thực tập này giúp cho trái tim ta luôn luôn sâu rộng. Làm thế nào để trái tim ta lớn lên mỗi ngày để ta có thể ôm ấp được tất cả mọi người mọi loài? Bụt đã đưa ra một ví dụ rất hay: giả sử chúng ta có một bát nước, nếu có người cho vào bát nước một nắm muối thì bát nước sẽ rất mặn và chúng ta không thể uống được. Nhưng giả sử người đó bỏ nắm muối vào một dòng sông trong xanh thì nước trong dòng sông ấy không hề mặn đi chút nào và ta vẫn có thể uống được vì sông sâu và rộng, nước sông lại bao la.

Vì trái tim chúng ta nhỏ hẹp nên chúng ta khổ đau nhiều. Nếu trái tim của chúng ta rộng lớn thì dù cùng một việc xảy ra cũng không làm cho chúng ta đau khổ. Vì vậy, bí quyết để có hạnh phúc là làm thế nào để trái tim ta lớn lên. Nếu trái tim ta nhỏ bé, ta sẽ không có khả năng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm của người kia. Nhưng khi trái tim ta rộng lớn, ta có nhiều hiểu biết và thương yêu thì ta có thể ôm ấp được người kia.

Chúng ta khổ đau vì trái tim ta nhỏ hẹp. Ta yêu cầu người kia phải thay đổi để ta chấp nhận. Nhưng khi trái tim ta rộng lớn hơn thì ta không còn đặt để một điều kiện nào nữa, chúng ta chấp nhận họ như họ đang là và cho họ có cơ hội để chuyển hóa. Bí quyết là làm thế nào để nuôi lớn trái tim ta. Thực tập hiểu biết giúp cho nguồn năng lượng từ bi phát khởi. Sở dĩ chúng ta khổ đau vì chúng ta không đủ từ bi. Khi chúng ta có nhiều từ bi thì khổ đau không còn. Chúng ta cũng gặp mẫu người đó, tình huống đó nhưng ta không khổ đau vì tình thương của ta đã sâu lớn hơn nhiều.

Nhẫn nhục, kshanti paramita, giúp cho trái tim ta lớn rộng, giúp ta nuôi lớn khả năng ôm ấp mọi người, mọi loài mà không loại trừ bất cứ ai. Trong tình thương chân thực, chúng ta không còn phân biệt nữa. Dù người đó da màu hay da trắng, dù người đó thuộc tôn giáo hay đảng phái chính trị nào đi nữa ta cũng đều chấp nhận tất cả mà không kỳ thị. Nhẫn nhục, bao dung ở đây có nghĩa là vô phân biệt. Thực tập nhẫn nhục được hiểu như là thực tập kiên trì, chịu đựng (endurance). Tuy nhiên, từ kiên trì, chịu đựng có thể bị hiểu lầm vì khi kiên trì chịu đựng, có thể chúng ta khổ đau. Dù sao đi nữa, nếu trái tim chúng ta rộng lớn thì chúng ta sẽ không còn khổ đau. Hãy tưởng tượng chúng ta có một thúng muối và ta đổ thúng muối đó xuống dòng sông, dòng sông không khổ đau bởi vì dòng sông quá bao la. Nếu người ta tiếp tục múc nước nấu ăn và uống, nước vẫn ngon ngọt. Cho nên, chúng ta đau khổ là vì trái tim ta còn nhỏ bé, trong khi Bồ Tát thì luôn luôn hạnh phúc và có thể tiếp tục cười được. Thực tập nhẫn nhục ba la mật, chúng ta không cần phải đè nén hay cố gắng gì cả bởi vì đè nén hay cố gắng chịu đựng có thể rất nguy hiểm. Nếu trái tim ta bé nhỏ mà ta cố gắng quá nhiều thì trái tim ta có thể bị tan vỡ. Thực tập nhẫn nhục, bao dung, cốt là làm sao cho trái tim ta ngày càng lớn hơn. Muốn được như vậy chúng ta phải tập hiểu, tập thương.

Tinh tấn

Phép thực tập thứ tư là tinh tấn, virya paramita. Khi nghiên cứu và học hỏi về các thức trong đạo Bụt, chúng ta nên hiểu nghĩa tinh tấn dưới dạng tàng thức và hạt giống. Trong tàng thức của chúng ta, có những hạt giống khổ đau và hạnh phúc, thiện và bất thiện. Thực tập tinh tấn là tưới tẩm những hạt giống hiền thiện trong ta. Đó gọi là tứ chánh cần. Trước hết chúng ta cần tổ chức đời sống, môi trường như thế nào để những hạt giống xấu không có cơ hội biểu hiện, chẳng hạn như không tưới tẩm những hạt giống bạo động, giận hờn, tuyệt vọng trong ta. Có những người trong chúng ta sống trong môi trường mà những hạt giống tiêu cực bị tưới tẩm mỗi ngày. Đó là không tinh tấn. Chúng ta phải quyết tâm, phải sử dụng sự tự do của mình để tổ chức đời sống của chúng ta, kể cả cách tiêu thụ. Chúng ta biết rất rõ là trong ta có hạt giống của tuyệt vọng, hận thù, bạo động và sợ hãi. Nếu chúng ta để cho chúng bị tưới tẩm và biểu hiện thì chúng ta sẽ sống không lành mạnh. Ngược lại nếu chúng ta sống trong một đạo tràng có thực tập thì những điều chúng ta nghe thấy sẽ giúp chúng ta tiếp xúc được với những khía cạnh tích cực của cuộc sống. Như vậy, những hạt giống tiêu cực ít có cơ hội để lớn lên. Chúng ta phải pháp đàm với nhau, làm thế nào để tạo ra một môi trường tốt, một cách sống lành mạnh giúp chúng ta ngăn ngừa những hạt giống tiêu cực, không để chúng bị tưới tẩm và biểu hiện.

Kế tiếp, nếu lỡ những hạt giống tiêu cực đã bị tưới tẩm và biểu hiện, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải đưa chúng trở về lại hình thức hạt giống càng sớm càng tốt. Có nhiều cách để làm việc đó. Giả sử chúng ta thực tập “như lý tác ý” (yoniso manaskara), chúng ta chú ý vào đối tượng khác của thức, chú ý vào những gì đẹp hơn, an lành và thú vị hơn. Khi chúng ta tiếp xúc với những điều tốt thì những tâm hành bất thiện sẽ trở về nguồn gốc hạt giống. Một trong những phương pháp Bụt dạy là thay chốt. Ngày xưa, người thợ mộc đã sử dụng cái chốt gỗ để nối hai thanh gỗ lại với nhau. Ông ta đục một cái lỗ trên hai thanh gỗ và đóng cái chốt vào cái lỗ đó để nối chặt hai thanh gỗ lại. Nếu cái chốt đó bị hư, chúng ta có thể thay một cái chốt khác bằng cách đóng một cái chốt mới vào cùng lỗ đó. Cái chốt mới sẽ đẩy chốt cũ ra và thay vào lỗ đó. Cách thức thay đổi tâm hành cũng thế. Nếu lỡ tâm hành giận của chúng ta bị tưới tẩm và biểu hiện trên ý thức làm cho ta khổ đau thì ta hãy thử mời một tâm hành khác lên thay thế. Vào thời đại chúng ta, thay vì dùng từ thay chốt tôi dùng từ thay CD. Nếu CD ta đang nghe không hay thì ta tắt máy và thay vào đó một CD khác. Chúng ta có nhiều CD hay dưới tàng thức để chọn lựa. Cho nên, phương pháp thứ hai của tứ chánh cần là thay CD, bởi vì nếu ta cứ để cho cái CD trước ở lại hoạt động, nó sẽ tiếp tục tưới tẩm những điều tiêu cực trong ta và những điều tiêu cực này sẽ hiện hành trở lại. Vì vậy, tinh tấn thứ hai là khi những tâm hành tiêu cực biểu hiện, ta phải đưa chúng trở về dưới hình thức hạt giống càng nhanh càng tốt.

Phương pháp thứ ba là tưới tẩm những hạt giống hiền thiện tốt đẹp trong tàng thức, giúp chúng có cơ hội biểu hiện, như hạt giống từ bi, thương yêu, hy vọng, hỷ lạc… vốn có đầy đủ trong ta. Do vậy, chúng ta phải tổ chức đời sống hằng ngày của mình, thực tập như thế nào để những hạt giống tích cực được tưới tẩm vài lần trong ngày và có thể biểu hiện. Chúng ta có thể thực tập một mình, thực tập với vợ hay chồng mình hay với tăng thân mình, giúp nhau tưới tẩm những hạt giống hiền thiện để chúng có thể biểu hiện lên màn hình ý thức. Khi những hạt giống hiền thiện biểu hiện thì hỷ lạc, tự do và hạnh phúc có mặt.

Phương pháp thứ tư là giữ cho những hạt giống tích cực được biểu hiện càng lâu càng tốt. Khi có những vị khách quý đến thăm, chúng ta mời họ ở lại với mình thật lâu bởi vì họ mang đến cho ta nhiều niềm vui. Cũng vậy chúng ta phải duy trì lâu bền những biểu hiện tích cực trong ta. Chúng càng ở lại lâu với chúng ta thì chúng ta càng có thêm nhiều cơ hội để những hạt giống này phát triển dưới tàng thức. Một khi chúng biểu hiện, chúng đóng vai trò của những cơn mưa tưới tẩm những hạt giống cùng loại ở dưới tàng thức để rồi chúng tiếp tục lớn lên và lớn lên. Cũng giống như khi xem chương trình bạo động trên ti vi thì hạt giống bạo động trong ta cũng tiếp tục lớn lên. Nếu chúng ta tiếp tục nghe pháp thoại thì những hạt giống hiền thiện, hiểu biết, tự do trong ta tiếp tục được tưới tẩm. Vì vậy, tinh tấn phải được hiểu dưới ánh sáng của duy thức.

Thiền định

Phép thực tập thứ năm là thiền định, dhyana paramita. Thiền định nghĩa là chế tác năng lượng chánh niệm và duy trì định lực. Khi có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống để nuôi dưỡng và trị liệu. Thiền định giúp ta tiếp xúc với sự vật một cách sâu sắc để khám phá ra tự tính vô thường, vô ngã và tương tức. Có nhiều loại định: định vô thường, định vô ngã, định không và định tương tức.

Trí tuệ

Độ thứ sáu là trí tuệ, Prajna paramita, vượt qua bờ bên kia. Chúng ta thực tập vun trồng chánh niệm, vun trồng định lực, vun trồng hiểu biết; và trí tuệ là hoa trái của sự vun trồng ấy. Trí tuệ vừa là hoa trái vừa là phương tiện để đạt đến giải thoát, giải thoát được tìm thấy ở bờ bên kia. Tuy nhiên, vấn đề để đến được bờ bên kia không phải là thời gian hay không gian mà là tuệ giác, là chứng ngộ. Buông bỏ bờ vô minh, mê muội, vướng mắc, tri giác sai lầm là chúng ta tiếp xúc được với bến bờ tự do, hạnh phúc ngay lập tức mà không cần phải đợi thời gian.

Khi chúng ta sống sâu sắc mỗi phút giây trong niệm, định thì sự hiểu biết và tuệ giác của ta sẽ lớn lên. Chính hiểu biết mang đến cho ta từ bi, giúp ta vượt thoát được những phiền não như sợ hãi, giận hờn. Vì thế một vị Bồ Tát phải sống như thế nào để sáu yếu tố của sự thực tập này lớn lên mỗi ngày. Từ bờ khổ đau, sợ hãi, Bồ Tát có thể vượt qua bờ an lạc, vô úy một cách rất nhanh chóng. Bởi vì quý Ngài có một công cụ hùng hậu để làm chuyện đó.

Cùng sống trong một tăng thân, mỗi người chúng ta đều có khả năng chế tác niềm vui và có bổn phận vun trồng chánh niệm. Thân tâm chúng ta là một khu vườn. Khi lạy các vị Bụt và Bồ Tát, chúng ta tiếp xúc được với Bụt và Bồ Tát trong ta. Chúng ta nên biết rằng Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm không phải là một thực thể ngoài ta. Vì vậy chúng ta có khả năng nuôi lớn từ bi trong ta.

Tìm bạn lành

Một cách khác giúp ta có tập khí hạnh phúc là quan hệ với những người hiền thiện. Trong Kinh Phước Đức, Bụt có dạy:

“Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất”

Có hai loại trí tuệ: căn bản trí và hậu đắc trí. Đức Bụt có nói đến một loại trí tuệ như tâm chói sáng. Khi tâm chói sáng không hoạt động là do có những phiền não trấn ngự trong ta. Nếu chúng ta lấy những phiền não ấy đi thì tâm chúng ta hoạt động như một tấm gương, thật trong thật sáng. Khi tàng thức hoàn toàn được chuyển hóa, nó trở thành Đại viên cảnh trí. Đó là vô phân biệt trí (direct, non discursive wisdom) hay còn gọi là căn bản trí (root wisdom). Trí này hoạt động khi chúng ta lấy đi những phiền não như sợ hãi, vô minh, giận dữ và tham lam ra khỏi ta.

Khi học hỏi, nghiên cứu, phân tích, chúng ta dùng một loại trí khác gọi là hậu đắc trí (later-aquired wisdom). Đây là loại trí tuệ mà các nhà triết học, khoa học thường dùng để phân tích, lý luận và suy diễn. Thế nhưng bẩm sinh trong ta cũng có một loại trí tuệ có thể ôm ấp và hiểu thấu thực tại một cách trực tiếp mà không cần phải so sánh, phân biệt. Chung quanh chúng ta cũng có những người đang nuôi dưỡng tuệ giác này, đang chuyển hóa những vô minh, sợ hãi, giận hờn để Đại viên cảnh trí được hiển lộ. Nếu cả hàng trăm người chung quanh ta cùng làm chuyện đó thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tập thể rất hùng hậu.

Năng lượng tập thể này gọi là tăng thân. Tăng thân là một đoàn thể hòa hợp. Nếu không có hòa hợp, không có hạnh phúc, không có tình huynh đệ thì tăng thân đó không phải là một tăng thân đích thực. Khi tình thương chân thực và sự hòa hợp có mặt thì tăng thân trở thành một cơ thể sinh động và ta không còn là một cá nhân riêng lẻ nữa, mỗi chúng ta là một tế bào của tăng thân. Khi ba trăm, năm trăm, hay một ngàn người cùng nghe chuông thì năng lượng chánh niệm hùng hậu của tập thể sẽ đi vào cơ thể và tâm thức của mỗi người.

Muốn xây dựng một tăng thân thực thụ, chúng ta phải biết thực tập thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Trong truyền thống đạo Bụt, chữ “yêu thương” được dịch là tình huynh đệ hay tình bạn, maitri. Chúng ta dịch maitri là “Từ”. Maitri xuất phát từ chữ mitra, nghĩa là bạn. Trong một đoàn thể xuất gia, chúng ta sống với nhau như anh chị em một nhà. Khi thương nhau, chúng ta không phải là sở hữu của nhau, người này không phải là đối tượng tiêu thụ của người kia. Tình thương có chất liệu maitri (từ) bên trong là tình thương có khả năng hiến tặng tình bạn và hạnh phúc cho người khác.

Một yếu tố khác của tình thương chân thực là “Bi”, karuma. Bi là một loại năng lượng giúp lấy đi những nỗi khổ, niềm đau trong người kia. Cùng thực tập với nhau trong một tăng thân, chúng ta rất hùng mạnh và chúng ta sẽ không trở thành nạn nhân của tuyệt vọng. Chúng ta sống với nhau như thế nào để mỗi người có thể là một nhân tố tích cực làm thay đổi xã hội, xoa dịu niềm đau nỗi khổ của kẻ khác và mang đến cho họ niềm tin yêu hy vọng. Khi có tăng thân trong tâm thì đi đâu chúng ta cũng mang theo tăng thân, bất cứ những gì ta nói sẽ là những gì tăng thân nói để mang đến sự an ủi, vỗ về và hy vọng, đồng thời làm vơi bớt khổ đau cho những người chung quanh.

Tôi luôn cảm thấy mầu nhiệm khi được ngồi với tăng thân thực tập hơi thở. Chừng đó thôi cũng đủ mang đến cho tôi hạnh phúc rồi. Thở vào tôi ý thức là tăng thân đang ngồi với tôi, chung quanh tôi. Gia đình quý vị cũng là một tăng thân nho nhỏ. Có thể gia đình quý vị có hai, ba hay bốn người, nhưng nếu khéo léo, quý vị cũng có thể biến gia đình thành một tăng thân. Nếu biết thực tập, quý vị có thể xây dựng một tăng thân xinh đẹp và quý vị có khả năng sống trong một đoàn thể gồm một trăm, hai trăm hay ba trăm người. Biết thực tập thì ba trăm người cũng có thể sống hòa hợp với nhau, có hạnh phúc, có tình huynh đệ. Còn nếu không thực tập thì dù chỉ có hai hay ba người cũng có thể tạo thành địa ngục. Dựng tăng là một sự nghiệp rất cao đẹp. Mỗi thành viên trong tăng thân là một hành giả. Người đó biết cách chế tác an lạc cho mình và biết cách giúp người khác chế tác an lạc.

Tìm đến một đoàn thể thực tập hết lòng là điều rất quan trọng cho hạnh phúc của chúng ta. Những pháp môn thực tập sẽ đêm ngày đi vào tàng thức ta, giúp tưới tẩm những hạt giống tốt trong tàng thức bởi vì tàng thức của chúng ta vừa mang tính riêng vừa mang tính chung. Chúng ta luôn nhận vào những thứ từ tâm thức cộng đồng. Khi tiếp nhận những thứ tích cực từ tâm thức cộng đồng thì hạt giống vô phân biệt, thương yêu, hỷ lạc trong ta sẽ được tưới tẩm. Một trong những cách hiệu quả nhất để chuyển hóa thức mạt na – thức chứa nhiều vướng mắc và vô minh – là có mặt trong một tâm thức cộng đồng tích cực.

Bốn yếu tố thương yêu

Khi chung quanh chúng ta có những người đang đi chánh niệm thì chúng ta cũng dễ dàng bước được những bước chân chánh niệm. Chúng ta để cho năng lượng chung của tăng thân ôm ấp và chuyển hóa. Sống trong tăng thân, chúng ta không còn là một thực thể riêng biệt nữa. Chúng ta không chỉ là những cá nhân riêng lẻ mà chúng ta trở thành một tế bào của tăng thân. Chúng ta và tăng thân có cùng chung một sự hòa điệu.

Thực tập trong một tăng thân với những người có nhiều kinh nghiệm thâm sâu là một điều rất may mắn và mầu nhiệm, bởi vì khi nhìn thấy họ, tiếp xúc với họ, chúng ta có thêm nguồn cảm hứng muốn làm như họ. Có một số người trong chúng ta sống rất đơn giản, không cần tiêu thụ nhiều, ăn uống đơn giản, nhà cửa và phương tiện đi lại cũng đơn sơ nhưng những người này có hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc của họ rất thâm sâu. Họ có đủ tự do, đủ hạnh phúc, đủ niềm vui bởi vì cuộc sống của họ có ý nghĩa. Mỗi ngày họ đều có thể làm bất cứ điều gì vì lợi ích của người khác, của anh, của chị, của em họ. Niềm vui và hạnh phúc là điều ta có thể đạt được mà không cần phải có nhiều tiền tài, danh vọng và quyền hành. Sống chánh niệm, xây dựng tình huynh đệ, làm nơi nương tựa cho người khác, chừng đó đã mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui và hạnh phúc rồi.

Khi chúng ta ý thức về một điều gì và chánh niệm hoàn toàn có mặt thì chúng ta có khả năng nhìn sâu vào đối tượng nhận thức và chúng ta tiếp xúc được với bản tánh vô ngã, tương tức, tương duyên của vạn pháp. Trong khi quán chiếu như vậy thì yếu tố tuệ giác được chuyển đến tàng thức. Đó là cơn mưa tuệ sẽ nuôi dưỡng những hạt giống trí tuệ, từ bi trong ta đồng thời làm yếu đi những hạt giống mặc cảm, tự ái và vô minh.

Trong nhiều quyển sách dạy về nghệ thuật sống, người ta nói tự ái là nền tảng của hạnh phúc. Thế nhưng trong đạo Bụt, tự ái là một sự phân biệt: “Đây là tôi và kia không phải là tôi. Tôi chỉ chăm sóc tôi thôi. Tôi không cần chăm sóc những yếu tố không phải là tôi.” Khi có chánh niệm can thiệp vào ý thức thì trí tuệ phát khởi và sẽ được chuyển vào tàng thức. Tuy nhiên, trí tuệ này đã có sẵn trong tàng thức rồi. Chúng ta chỉ cần tưới tẩm và cho phép nó biểu hiện. Đó là “vô phân biệt trí”, phát sinh từ tuệ giác tương tức, vô ngã. Chính vô phân biệt trí sẽ làm các quyết định dưới tàng thức và sẽ thay thế cho tư lượng (mentation). Nhờ thực tập mà sự phân biệt sẽ được chuyển hóa từ từ để trở thành vô phân biệt trí. Khi vô phân biệt trí có mặt thì những hình ảnh hão huyền mà thức mạt na cất giữ sẽ tan rã, không còn phân biệt hay vướng mắc nữa và tình thương trở nên vô lượng.

Bốn yếu tố của tình thương chân thật là matri (từ), karuna (bi), mudita (hỷ) và upeksha (xả). Xả nghĩa là vô phân biệt. Tình thương vô phân biệt là tình thương của Bụt, còn tình thương phân biệt là tình thương tạo ra khổ đau cho ta và cho người khác. Nuôi lớn upeksha, sự vô phân biệt, thì tình thương của chúng ta sẽ trở thành tình thương chân thực, tình thương của Bụt. Khi chúng ta thực tập thì sự phân biệt, tư lượng sẽ được chuyển hóa dần dần cho đến khi được thay thế hoàn toàn bởi vô phân biệt trí, nirvikalpajnana. Khi đó người thương của ta sẽ trở thành người thương đích thực, chúng ta không đánh mất người thương của mình. Chúng ta thay thế người thương không thật thành người thương chân thật. Và người thương chân thật luôn luôn có phẩm chất của vô phân biệt trí bởi vì người thương chân thật có tuệ giác. Người đó biết rằng ngã được làm bằng những yếu tố vô ngã và để chăm sóc cho cái ngã chúng ta phải chăm sóc những yếu tố vô ngã. Vì vậy, thay vì nói tự ái là tinh yếu của hạnh phúc chúng ta có thể nói vô ngã là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc. Đó là vai trò của sự thực tập.