Bưởi
Gùi măng thứ ba đã hái đầy, Bưởi lần theo lối cũ ra khỏi rừng tre. Trời đã chiều. Hai chị Chanh và Cam còn đang xõa tóc bắt chí cho nhau bên một gốc tràm. Họ đợi Bưởi hái đầy gùi măng thứ ba để cùng lên đường về buôn. Thấy Bưởi từ dưới rừng tre đi lên, họ đứng dậy phủi áo và mang gùi lên vai. Bưởi cũng đã lên tới. Ba chị em kế tiếp nhau đi thành một hàng. Gùi măng của người nào cũng đầy.
Từ sáng đến giờ chỉ có một mình Bưởi chịu khó làm việc. Chanh và Cam hái mỗi người chưa được một phần ba gùi măng thì đã bỏ gùi tìm chỗ có bóng cây êm mát ngồi chơi và xõa tóc bắt chí cho nhau. Bưởi phải tiếp tục hái măng cho đầy gùi của hai chị rồi mới đi hái cho đầy gùi của mình. Nàng chọn toàn thứ măng non mới từ dưới đất nhú lên. Thứ măng này ăn mềm và ngọt. Hái măng già đã bắt đầu nở lá thì về sẽ bị bà Bảy đánh đòn. Bưởi là con út nhưng không được cưng bằng hai chị, bởi vì nàng là con nuôi. Nhan sắc mặn mà hơn hai chị cho nên nàng thường hay bị ganh tị. Nàng làm việc rất giỏi, nhiều khi làm đỡ cả một phần lớn công việc của hai chị; nhưng vì ganh tị, hai chị vẫn thường nói xấu nàng để nàng bị đòn. Bà Bảy nuôi nàng làm con nuôi là vì bất đắc dĩ. Bưởi là cháu gọi bà bằng cô. Bưởi mồ côi cha, đến khi mẹ mất thì bà Bảy phải đem nàng về nuôi.
Ba chị em đi đến rừng sim gần bờ suối thì dừng lại buông gùi xuống đất nghỉ mệt. Chanh đề nghị đi hái sim ăn. Cam và Bưởi nghe theo. Họ vừa hái sim vừa nô đùa cùng nhau; tiếng cười vang động cả ven rừng. Chẳng mấy chốc mà trăng lên. Bưởi giục hai chị về nhà kẻo muộn, nhưng Chanh và Cam chưa muốn về. Chanh đề nghị xuống suối tắm. Cam tán thành. Vậy là ba chị em đến gốc duối, trút bỏ xiêm y, rồi chạy xuống suối ngâm mình trong nước mát. Họ tiếp tục nô đùa, tát nước lẫn vào nhau và la hét inh ỏi.
Bỗng nhiên Bưởi nghe có tiếng đằng hắng nhè nhẹ. Đưa mắt nhìn quanh, nàng không thấy một bóng người. Tiếng đằng hắng ấy phải là tiếng đằng hắng của đàn ông, không thể là tiếng của một trong hai chị được. Bỗng nhiên Bưởi nhìn lên mặt trăng. Trên mặt trăng, một chàng nông dân đang chống cuốc nhìn xuống, mỉm cười. Bưởi xấu hổ quá; nàng hạ mình xuống thấp cho nước ngâm tới cổ. Trong khi ấy Chanh và Cam vẫn vô tình nô đùa dưới suối. Đợi khi có đám mây tới che lấp mặt trăng, Bưởi mới vội vàng chạy ra khỏi nước, tới dưới gốc cây duối và quấn xiêm mặc áo. Chanh và Cam thấy thế, tưởng Bưởi không muốn tắm nữa, liền gọi:
– Bưởi! Bưởi! Xuống tắm nữa đi, vội vàng về mà làm gì thế?
Không trả lời, Bưởi hất đầu làm dấu chỉ lên phía mặt trăng. Lúc bấy giờ đám mây đã bay khỏi, mặt trăng lại lồng lộng sáng. Hai người nhìn lên thấy chàng nông dân đang chống cuốc nhìn xuống; nhưng chàng nông dân không nhìn họ mà lại nhìn Bưởi đang nấp dưới lá cành. Hai người làm đủ cách mà chàng trai không để ý tới họ. Một lát, nhiều đám mây lớn lại tới che lấp mặt trăng. Họ bực mình chạy lên bờ, quấn xiêm mặc áo và mang gùi lên vai. Trên đường về, hai chị em Chanh và Cam không thèm đả động tới Bưởi. Mặt trăng đêm đó không lộ hình ra lần nào nữa.
Bà Bảy mắng Bưởi vì hai tội: tội về nhà trễ và tội hái măng già. Thật ra măng của Bưởi hái trong ba gùi toàn là măng non, ăn rất mềm và ngọt. Chỉ trong số măng của hai chị hái mới có măng già. Nhưng Cam và Chanh làm thinh để cho Bưởi bị mắng. Tội về nhà trễ cũng không phải là do Bưởi, hai người cũng biết như vậy. Và có lẽ bà Bảy cũng biết như vậy, nhưng bà vẫn mắng Bưởi bởi vì bà đã quen trút tất cả mọi bất bình của mình trên đầu cô gái nuôi biết nhẫn nhục ấy.
Tối hôm sau có hội trăng rằm, cả nhà đều được đi dự, duy Bưởi không được đi. Chanh và Cam không muốn chàng trai trên mặt trăng cứ đăm đăm nhìn Bưởi mà không thèm để ý tới ai khác. Hai chị em bèn thưa với bà Bảy bắt Bưởi ở nhà, lấy cớ là phải có người ở nhà xem chừng lợn kẻo kẻ trộm vào bắt. Muốn cho chắc ăn, hai người lại tìm cách giấu xiêm áo của Bưởi trong bồ lúa. Với xiêm áo xơ xác mặc trong nhà, Bưởi sẽ không dám ra khỏi bếp, và sẽ không có Bưởi tại hội trăng rằm đêm nay.
Trống đã giục từ hồi canh hai và lòng Bưởi nao nao. Một năm có được mấy đêm hát hội trăng rằm? Ở nhà một mình nghe tiếng trống giục, Bưởi sốt ruột quá. Nàng chạy ra sân nhìn trăng cho đỡ buồn. Đêm nay trời trong không có một gợn mây. Trăng vằng vặc. Nhưng không có bóng người con trai chống cuốc nhìn xuống. Xem bộ anh chàng không biết đêm nay dưới đất có hội hay sao? Nhìn trăng và nghe trống giục một hồi thì thấy nôn nao quá, Bưởi định bỏ nhà đi xem hội. Nhưng khi định thay áo thì không thấy xiêm y đâu nữa. Chắc chắn là hai chị đã đem giấu mất rồi. Nàng đi sục sạo một hồi nhưng không thấy. Bưởi ngồi thừ xuống suy nghĩ. Bưởi nhớ lại cách bà Bảy và hai chị đối xử với nàng từ xưa đến nay. Những lần bị bắt nhịn đói, những lần bị đánh mắng oan ức, những lần bị chèn ép, áp chế. Chanh và Cam năm nào cũng được may xiêm áo mới. Còn Bưởi có một bộ từ ba năm qua tuy còn lành lặn nhưng cũng đã mòn cũ đi rồi. Thế mà còn đem giấu mất của người ta. Tại sao con người lại có thể ác độc với nhau như thế, Bưởi thầm nghĩ, và một niềm oán hận trào lên trong lòng nàng. Bưởi quyết định bỏ nhà ra đi. Nàng vào bếp lấy chiếc dao con của nàng mang theo, và bước ra khỏi nhà, khép cửa lại. Bưởi tìm vào rừng mà sống.
Khuya ấy khi Chanh, Cam và bà Bảy đi hát hội về thì không thấy Bưởi đâu nữa. Nghĩ rằng Bưởi đã trốn đi dự hội với bộ xiêm áo rách nát, bà Bảy định bụng sáng mai khi Bưởi về thì sẽ đánh cho một trận nên thân và đuổi nàng ra khỏi nhà vì tội không biết vâng lời. Nhưng suốt một ngày hôm sau, bà vẫn không thấy Bưởi về. Chanh phải lo gánh nước, nấu cơm, quét nhà. Cam phải đi vớt bèo, nấu cháo cám cho lợn ăn. Họ vừa làm vừa thầm rủa Bưởi. Nếu có Bưởi ở nhà thì họ đâu có phải mó tay vào các công việc này. Mấy ngày trôi qua, Bưởi vẫn không về. Họ biết Bưởi đã bỏ nhà ra đi. Thiếu Bưởi, công việc nhà chất đống lại. Ba mẹ con bà Bảy lúc đó mới thấy thiếu Bưởi là thiếu nhiều quá. Chanh và Cam chỉ chịu làm những việc cần thiết như gánh nước, vo gạo nấu cơm thôi, còn những công việc như dọn dẹp, quét tước, trồng tỉa, chăn nuôi, v.v… thì các cô thây kệ. Tin Bưởi bỏ nhà ra đi bây giờ cả xóm đều biết. Dân xóm thì thào vì biết rằng Bưởi bỏ nhà ra đi là vì bà Bảy khe khắt với đứa con nuôi. Trong làng có một chàng thanh niên tên là Ổi. Ổi là người hiền hậu và chăm làm. Chàng từng đem lòng yêu dấu Bưởi. Mẹ chàng đã đến dạm hỏi Bưởi cho chàng nhưng bà Bảy từ chối, nói rằng phải gả Chanh và Cam trước. Bà đề nghị gả Chanh cho Ổi. Nhưng Ổi không chịu. Ổi chờ đợi. Bưởi cũng biết chuyện đó. Bưởi biết là Ổi thương mình, và nàng cũng hơi có cảm tình với người con trai kia. Bưởi chưa nghĩ nhiều đến chuyện vợ chồng.
Sáng nay Ổi ghé qua nhà bà Bảy để hỏi thăm về cái tin đồn là Bưởi đã bỏ nhà ra đi, gặp lúc bà Bảy đang thuê người lên rừng tìm Bưởi. Ổi tình nguyện đi với đám người này. Họ mang ná, cầm dao, như là đi săn thú. Sau ba ngày sục sạo, họ không thấy dấu vết nào của Bưởi. Có thể là Bưởi đã bị một con trăn nuốt sống hoặc một con cọp nhai xương rồi. Ổi về nhà, buồn lắm; luôn ba hôm chàng không ăn được cơm. Bà Bảy tiếc Bưởi là tiếc một người làm lụng giỏi. Thấy công việc nhà bê bối quá, bà bắt đầu la mắng Chanh và Cam. Không khí trong nhà bây giờ khó thở lạ. Ba mẹ con thầm tiếc sự có mặt của Bưởi.
Bưởi đang hái trái sung ăn thì nghe có tiếng nhiều người đi lại. Nàng nhìn quanh chưa biết trốn ở đâu thì bỗng thấy có một bọng cây rất lớn không xa chỗ mình đứng. Bưởi liền bước vào ngồi thu hình trong bọng cây. Một lát Bưởi nghe tiếng người nói chuyện, biết rằng đám người này được bà Bảy thuê đi tìm mình. Sợ bị bắt đem về thì thế nào Bưởi cũng bị bà Bảy trói lại và đánh đập trong nhiều ngày, Bưởi nín thở ngồi yên thin thít. Một lát sau có người nói:
– Tìm khắp rừng mà không thấy nó, chắc nó bị cọp ăn thịt mất rồi. Thôi, đi về thôi.
Bưởi ngồi đợi thật lâu cho đoàn người đi thật xa rồi mới dám thở mạnh. Nàng bước ra khỏi bọng cây. Ghê quá, nếu trong bọng cây này mà có một con rắn thì nguy cho mình biết mấy. Bưởi biết rằng từ nay người ta sẽ không còn lên tận miền này để tìm mình nữa cho nên an tâm bẻ lá bẻ cành che thành một túp lều để ở. Rất quen với núi rừng cho nên Bưởi tìm ra rau trái rất dễ. May cho Bưởi là từ khi lên rừng cho đến nay Bưởi chưa từng gặp thú dữ rắn độc. Nàng đã nhiều lần gặp nai, gặp thỏ, nhưng chưa bao giờ Bưởi có ý bắt giết những con vật này để ăn thịt.
Một hôm đi hái măng về luộc ăn, Bưởi thấy một mụt măng màu đỏ hồng ngời như mã não, mùi thơm như mùi hoa mộc hoa cam. Bưởi liền lấy con dao ra, đào đất chung quanh mụt măng và bứng cả khối rễ đem về trồng bên túp lều của mình. Để cho cây măng sống, mỗi ngày Bưởi đều tưới cho măng một gáo nước. Cây măng của Bưởi mọc rất mau. Chẳng mấy ngày mà măng đã thành cây tre; vỏ tre xanh biếc, thân tre thẳng, lá tre óng mượt. Bưởi thấy vậy càng thêm yêu quý chăm sóc cây tre. Thấm thoát cây tre đã cao bằng ba lần túp lều của Bưởi. Một đêm kia, trời nóng, thao thức ngủ không yên, Bưởi bứt rứt trỗi dậy ra suối tắm. Trăng rừng sáng tỏ. Đang tắm, bỗng Bưởi nhớ lại đêm trăng ngày xưa, khi đi hái măng về, cùng hai chị tắm suối gần gốc cây duối. Bưởi ngẩng đầu lên nhìn mặt trăng thì lạ chưa, nàng bỗng thấy chàng nông dân trẻ tuổi trên mặt trăng đang chống cuốc nhìn xuống đất mỉm cười với nàng.
Bưởi lại e thẹn: nàng lại ngâm trọn thân hình dưới suối, chỉ chừa có cái mũi và hai con mắt. Một lát, mây kéo tới, che lấp mặt trăng. Bưởi lại vội vàng lội ra khỏi nước, quấn xiêm y lại và chạy về lều. Nhưng từ lúc ấy, trăng rừng không sáng nữa. Mây đen kéo về đầy trời. Rồi trời mưa tầm tã suốt đêm. Mưa như trút nước. Trời vừa hé sáng Bưởi đã bị đánh thức bởi một âm thanh kỳ dị. Đó là tiếng nước suối tràn bờ. Nước từ trên núi đổ xuống đang dâng ngập vùng Bưởi ở. Gió thổi rất mạnh. Nhìn quanh, Bưởi thấy một vùng trắng xóa. Chưa biết phải làm gì thì Bưởi thấy nền nhà của căn lều đã bị nước dâng tràn ngập. Nước đến mắt cá rồi đầu gối của Bưởi. Cuống quá, Bưởi ôm lấy cây tre, trèo lên. Nàng trèo lên cao quá túp lều và nhìn ra xa. Vẫn chỉ thấy có một màu mưa bạc. Nước lại dâng cao hơn, Bưởi lại trèo lên cao hơn. Hai chân và hai tay Bưởi bám chặt vào cây tre. Cây tre rất thẳng và rất khỏe, đứng rất vững trong lòng nước chảy xiết. Hình như cây tre càng lúc càng mọc cao thêm. Bưởi thấy mình đã cao hơn những cây cao nhất trên rừng, mà nhìn lên, đọt tre còn cao tuốt; lá tre xanh thấp thoáng bay trong màn mưa bạc.
Cây tre bỗng oằn xuống dưới sức gió, đọt tre nghiêng về phía buôn của nàng, và Bưởi thấy rõ căn nhà của bà Bảy nằm giữa mấy cây cau đang oằn oại trong gió. Cây tre đưa Bưởi sát tới mái nhà, và nếu Bưởi muốn, nàng có thể nhảy xuống mái nhà và lên tiếng gọi bà Bảy đem thang cho nàng leo xuống. Nhưng nghĩ đến những buổi đánh đập, những cơn đay nghiến của bà Bảy cùng những ghen ghét thường ngày của hai chị, Bưởi ngập ngừng chưa muốn nhảy xuống. Cuối cùng, Bưởi nhất định chết thì chết chứ không trở về mái nhà cũ. Một lát sau, cây tre bỗng vút lên đứng thẳng lại, ngọn tre quất vào mặt trăng. Bưởi thấy mặt trăng chỉ còn cách đầu mình có bốn năm thước. Nàng đem hết sức lực bám vào thân tre, trèo lên. Cuối cùng, Bưởi đã đặt chân lên trên mặt trăng.
Trên mặt trăng vậy mà rộng rãi ghê. Đá, cát và đất ở đây màu vàng chứ không phải màu nâu, màu đỏ và màu mun như dưới mặt đất. Bưởi trông thấy ruộng vườn, làng mạc và những con đường băng qua ruộng. Ruộng ở đây trồng một thứ lúa lạ, không giống lúa ở dưới mặt đất. Nhà cửa cũng không giống. Nhà cửa có rất nhiều cửa sổ và xây cất kín đáo hơn nhà cửa dưới đất. Bưởi nghe tiếng chim hót, ngẩng nhìn lên. Giống chim này Bưởi chưa từng thấy. Mà cái cây trên đó con chim đang đậu và hót cũng là một cái cây lạ. Bưởi không ngớt ngạc nhiên. Bưởi đi trên đường ruộng, và chân Bưởi đưa Bưởi tới một căn nhà nhỏ nhưng có vẻ sạch sẽ và gọn gàng. Định vào hỏi thăm, nhưng không thấy người, cho nên Bưởi cứ đứng chần chừ trước ngõ. Bỗng có tiếng đằng hắng quen thuộc sau lưng. Bưởi quay lại nhìn. Thì ra đó là anh chàng nhân dân mà Bưởi đã thấy trên mặt trăng hôm tắm suối dưới đất. Anh ta vác một cái cuốc, mặt anh ta tươi cười như người bắt được vàng.
Bưởi hơi luống cuống. Nhưng mình đã lên đây, không lẽ không hỏi thăm để cho biết xứ sở của người ta. Bưởi liền lấy lại bình tĩnh và nói:
– Đây có phải là nhà của anh không?
Người nông dân trẻ gật đầu rồi hỏi lại:
– Cô có phải là người dưới đất mới lên không?
Tiếng nói rất lạ tai, nhưng không biết làm thế nào mà Bưởi hiểu được. Bưởi gật đầu rồi nói:
– Dưới đất có lụt; tôi lên đây chơi ít bữa rồi thì xuống lại.
Chàng nông dân mời Bưởi vào nhà, đem nước ra mời Bưởi uống. Hai người ngồi nói chuyện. Nói chuyện hồi lâu, Bưởi biết chàng nông dân tên là Đan. Đan chưa có vợ. Đan sống một mình. Cha mẹ Đan đã chết rồi. Đan có hai người em gái đã đi lấy chồng xa. Đan có tám mẫu đất; sáu mẫu ruộng và hai mẫu vườn. Vườn trồng trái cây, ruộng thì trồng lúa, trồng khoai. Đan phải một mình chăm sóc cả tám mẫu. Bưởi nói:
– Đây không phải là lần đầu tiên tôi thấy anh đâu.
Đan cũng nói:
– Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi thấy cô. Tôi thấy cô lần đầu hôm cô đi hái măng về với hai người khác và ghé suối tắm. Rồi tôi thấy cô ở rừng, cất lều, trồng tre, tưới nước cho tre, đi hái trái cây và rau rừng. Rồi mới hôm qua đây tôi lại thấy cô tắm suối một mình.
Bưởi nhớ lại cảnh tượng hôm qua khi trăng còn sáng tỏ. Bưởi cúi xuống nhìn, bỗng xấu hổ đưa tay che ngực. Xiêm y của cô không lành lặn, nhiều chỗ rách khiến bày cả da thịt ra ngoài. Nhưng Đan nói: “Không sao đâu, cô Bưởi”, rồi đi vào nhà trong. Một lát, Đan đem cho Bưởi một bộ áo quần lạ, nói là của cô em gái út để lại, bảo Bưởi vào nhà trong mà thay.
Bưởi ngại ngừng nhưng cuối cùng cũng nhận lời, đỡ lấy bộ áo quần. Đan đưa Bưởi vào nhà trong và để Bưởi một mình. Rồi Đan bước ra ngoài, khép cửa lại sau lưng. Bưởi trút xiêm y còn ướt nước mưa của mình, rồi loay hoay mặc bộ quần áo mới. Áo quần gì lạ thật. Bưởi mặc ngược mấy lần. Cuối cùng Bưởi cũng mặc xong được bộ áo quần và mở cửa ra ngoài.
Bưởi xin phép đi giặt bộ áo quần ướt của mình để hôm nào xuống lại mặt đất thì trả lại bộ quần áo trăng mà mặc vào người. Đan đưa Bưởi ra bến nước. Đan đợi Bưởi giặt xong, hai người cùng về. Đan vào bếp một mình. Một lát Đan đem ra một mâm cơm. Mâm cơm thật lạ. Không có đũa. Đan mời Bưởi ăn. Bưởi bắt chước Đan ăn, vừa ăn vừa tức cười. Rồi Đan hỏi chuyện Bưởi. Bưởi vui lòng kể hết cho Đan nghe. Đan nghe xong, thương quá, đề nghị Bưởi cùng Đan kết nghĩa vợ chồng. Đan nói:
– Mình lấy nhau rồi thì ta cùng chung sức làm tám mẫu đất. Ở đây có dư ăn, tội gì về lại dưới đất. Ở nhà bị má Bảy và hai chị hà hiếp. Ở lều thì phải đi hái trái rừng và rau rừng, ăn mãi xót ruột chết.
Nghĩ mãi, thấy tự thương cho thân phận mình, nên Bưởi quyết định ở lại mặt trăng. Hai người thành đôi vợ chồng. Bưởi học tiếng nói của chồng, và trong ít lâu, Bưởi có thể nói chuyện với người trong xóm trong làng. Bưởi học làm ruộng làm vườn theo đời sống trên trăng rất mau. Chẳng mấy chốc mà hai người có một đời sống sung túc. Bưởi sinh được hai đứa con, đứa lớn con trai sinh vào mùa hè, Bưởi đặt tên là Hạ; đứa nhỏ con gái sinh vào mùa xuân, Bưởi đặt tên là Xuân.
Bà Bảy một hôm đi rừng hái măng với hai cô gái đã khám phá ra được túp lều của Bưởi, biết rằng Bưởi còn sống và hiện đã leo tre lên sống trên mặt trăng. Bà ta muốn leo lên mặt trăng để dụ dỗ Bưởi về, hứa hẹn từ đây sẽ thương yêu Bưởi ngang hàng với Chanh và Cam. Nhưng làm sao mà bà leo lên tới mặt trăng được? Bà mập quá. Hai cô con gái của bà cũng không đủ sức. Đó là vào một buổi sáng hạ tuần, mặt trăng chưa lặn, còn lơ lửng trên lưng chừng trời. Đứng dưới đất nhìn lên, thấy thân tre vươn thẳng cao vút, đọt tre như trộn lẫn với cành đa của chú Cuội. Nhìn kỹ bà thấy thấp thoáng dáng điệu quen thuộc của Bưởi đang đi thăm ruộng về. “Cái con nhỏ làm việc thiệt giỏi”, bà thầm nghĩ, “Từ ngày vắng nó, mình mới biết là nó giỏi”. Bà nghĩ ra được một kế để dụ Bưởi. Mừng thầm trong bụng, bà giục Chanh và Cam về.
Sáng hôm sau, bà Bảy đi chợ nói với các bà bạn rằng hễ chàng trai nào leo lên mặt trăng gọi được Bưởi về thì bà sẽ gả Bưởi cho. (Bà đâu biết là Bưởi đã lấy chồng trên mặt trăng!). Phút chốc tin Bưởi lên trăng cả chợ đều biết. Chiều đó bà con trong cả mấy làng lân cận đều hay tin Bưởi leo tre lên trăng. Những chàng trai muốn cưới Bưởi mà bị Chanh và Cam chặn đường, nay lại thấy có hy vọng. Họ tìm tới nhà bà Bảy. Người ta đếm cả thảy là mười sáu chàng, trong số đó có cả anh chàng Ổi dễ thương ngày nọ.
Cả đoàn người cùng lên đường tìm tới túp lều năm xưa của Bưởi. Túp lều đã xiêu vẹo; những tấm tranh mà Bưởi lợp trên mái đã bị gió thổi bay đi gần hết. Duy có cây tre vẫn còn đứng thẳng, xanh mướt, đọt tre chấm thẳng vào mây.
– Có chắc là cây tre lên thẳng mặt trăng không? Một anh chàng hỏi. Hôm nay trời có mây. Không ai thấy trăng cả. Bà Bảy nói:
– Chắc chắn, chính mắt tôi thấy con Bưởi trên trăng, như là đang đi thăm ruộng; cây tre đi thẳng lên mặt trăng.
Cậu nào lên được mà dụ nó về thì tôi sẽ bằng lòng gả nó. Tôi nói thiệt.
Anh chàng vừa đặt câu hỏi hồi nãy liền bước tới, tay tựa vào thân tre. Bà Bảy vội nói:
– Khoan, cậu thong thả để tôi dặn. Nếu lên được trên ấy thì cậu nói với con Bưởi là tôi nhớ nó lắm, nhờ cậu đi gọi nó về, và tôi hứa là từ rày về sau tôi sẽ thương yêu nó, không còn đánh mắng nó như trước nữa đâu.
Chàng trai gật đầu và bám vào thân cây thoăn thoắt leo lên. Nhưng thân tre trơn quá. Mới lên chừng năm sáu thước thì chàng ta tuột xuống. Các mắt tre phía trên không có ngấn nhiều, hai chân không biết bám vào đâu, thành ra không thể bám vào thân tre được. Anh chàng nhổ nước bọt vào hai tay, xoa xoa vài cái, rồi lại bám vào thân tre trèo lên. Nhưng lần này chàng ta cũng không lên cao hơn được lần trước, trước khi chàng ta bị tuột xuống lại.
Các chàng khác lần lượt thử sức mình. Mỗi người thử hai ba lần. Nhưng không ai thành công. Đến lượt Ổi. Chàng cũng thử tới ba lần, nhưng rồi chàng cũng bị tuột xuống.
Thế là cả đoàn người tiu nghỉu ra về. “Cây tre trơn tuột như thế làm sao mà Bưởi leo lên tới trăng được?” Mọi người thầm hỏi như thế. Ổi cũng thầm hỏi. Trong lòng nhiều chàng trai, một mối nghi ngờ dấy lên. Có lẽ không phải là cô gái đã lên tới mặt trăng. Có lẽ đây là một âm mưu để mình bỏ theo đuổi Bưởi mà hướng về Chanh và Cam. Nghĩ như vậy nên nhiều người sinh ra ghét bà Bảy. Ai về nhà nấy, họ không nói chuyện với bà ta nữa.
Riêng Ổi thì khác. Ổi tin rằng Bưởi đã lên tới mặt trăng dù không biết Bưởi làm thế nào mà leo xa như thế được. Ổi có một trực giác, một niềm tin. Sáng hôm sau, vừa tinh sương đã thấy Ổi lên tới túp lều xiêu vẹo của Bưởi. Ổi mang theo một con rựa và một nậm bầu đựng nước. Và Ổi nhất định leo lên.
Ổi là một chàng trai khá thông minh. Anh leo lên tới chỗ bắt đầu trơn láng của của thân tre thì rút rựa ra chém một lát vào thân tre. Chàng chém nghiêng lát rựa, và chém nhẹ thôi, đủ để tạo ra một cái mắt tre nhân tạo. Rồi Ổi bám hai chân vào nơi ấy mà đứng. Hay quá, Ổi không tuột. Chàng chém thêm một nhát. Lần này nhát chém cao hơn một bước. Dắt rựa vào lưng, Ổi đặt chân phải vào chỗ ấy và leo lên. Cứ như thế Ổi lên cao từ từ. Những vết chém trên thân tre phía dưới bắt đầu lành lặn trở lại. Đến trưa, Ổi đã leo cao đến bốn trăm thước. Nhìn xuống, Ổi thấy rừng cây xanh đậm. Túp lều của Bưởi nhỏ quá, không còn trông thấy nữa. Ổi rút nạm bầu nước ra, mở nút và nghiêng bầu uống một hớp cho đỡ khát. Xong chàng đậy nậm, gài vào lưng. Đường leo còn dài, Ổi phải hà tiện nước. Ổi kiên nhẫn leo, thỉnh thoảng dừng lại ôm cây tre mà thở và nghỉ cho đỡ mệt. Bây giờ Ổi không dám nhìn xuống đất nữa, bởi vì Ổi đã lên cao quá, nhìn xuống sợ chóng mặt. Ổi leo như vậy tới hai ngày hai đêm.
Sáng ngày thứ ba, Mặt Trời vừa lên chiếu ấm thì Ổi nghe một tiếng chim trên đầu. Ngẩng nhìn lên, Ổi thấy mặt trăng đã gần; chàng chỉ cần leo thêm mươi thước nữa thì tới. Lá tre lòa xòa phía trên. Ổi như có thêm sức mạnh. Trong vòng vài ba hơi thở, Ổi đã leo tới mặt trăng. Chàng víu vào một cành tre, bước lên mặt trăng.
Ổi lên tới mặt trăng thì mệt hơn ngày Bưởi lên nhiều, cho nên ta thấy Ổi không chú ý đến cảnh vật. Sẵn con đường rộng, Ổi cứ đi. Cố nhiên là con đường này đưa tới nhà Đan. Tới cổng nhà Đan, Ổi không thấy ai. Chờ mãi không thấy người tới để hỏi thăm, Ổi liền tiện đường đi ra vườn. Bỗng Ổi thấy thấp thoáng dáng Bưởi trong một đám ruộng có trái như trái dưa. Ổi núp sau một đám dưa, đưa hai tay lên miệng, giả làm chim tu hú.
Quả nhiên đang đi thăm dưa nghe tiếng tu hú thì Bưởi dừng lại ngơ ngác nhìn. Năm năm trời ở trên trăng, đây là lần đầu tiên Bưởi nghe âm thanh quen thuộc này. Nàng dáo dác tìm. Ổi kêu thêm một tiếng tu hú nữa thì Bưởi tìm ra được chàng.
Ổi đứng dậy đón Bưởi. Bưởi ngạc nhiên. Năm năm nay mới gặp một người dưới đất, mà là người mình có cảm tình nhiều nhất. Mừng quá, Bưởi hỏi Ổi lên hồi nào. Ổi nói Ổi mới lên. Hai người ngồi bên bờ ruộng nói chuyện. Bưởi nói nghe tiếng chim tu hú Bưởi sinh ra nhớ nhà quá sức.
Chuyện trò hồi lâu thì Ổi biết rằng Bưởi đã có chồng. Ổi nghe đau nhói trong tim, nhưng Ổi gắng không tỏ vẻ thất vọng. Ổi hỏi Bưởi về đời sống trên mặt trăng. Bưởi kể cho Ổi nghe về sự làm ăn, cách phục sức, cách ăn uống và các phong tục tập quán ở trên trăng. Rồi Bưởi hỏi chuyện Ổi về đời sống dưới đất. “Mấy năm nay dưới đất không có lụt lội. Xóm làng được mùa, vui lắm. Bưởi nên về lại dưới đất mà ở. Trên này đời sống khác lạ quá, chắc Bưởi không được sung sướng”.
“Mình có sung sướng không?”, Bưởi tự hỏi. Trong năm năm qua, Bưởi sống yên bình. Đan hiền lành, chưa khi nào nói nặng lời với Bưởi. Công việc làm ăn khấm khá, hai vợ chồng chưa hề bị đói lạnh. Hai đứa con của Bưởi là thằng Hạ, bốn tuổi, và con Xuân, ba tuổi, đều kháu khỉnh, dễ thương. Nghĩ đến đời sống bên cạnh Chanh, Cam và bà Bảy, Bưởi còn rùng mình. “Vậy thì mình sống trên này sung sướng hơn”. Nghĩ như vậy Bưởi nói với Ổi:
– Anh Ổi ạ, tôi ở trên này yên phận rồi. Tôi không về dưới ấy đâu. Về thì thế nào cũng gặp bà Bảy. Tôi khổ sở vì cái gia đình ấy nhiều rồi, anh cũng biết. Với lại tôi ở đây đã có chồng, có con rồi, bỏ về dưới ấy sao được?
Biết không thể thuyết phục Bưởi bỏ cuộc sống trên trăng được. Ổi xoay câu chuyện sang hướng khác. Ổi kể cho Bưởi nghe về đời sống dưới đất. Ổi kể chuyện ngày mùa. Ban ngày trai gái trong làng ra đồng vừa gặt lúa vừa cùng nhau hát đối. Tối đến dưới ánh trăng vàng, họ tụ tập trên sân gạch, vừa đập lúa vừa nô đùa. Mắt Bưởi sáng lên. Biết Bưởi nhớ đất, Ổi nhắc cho Bưởi nghe, tả cho Bưởi nhớ những cảnh tượng quen thuộc dưới đất. Nào những lúc tắm suối, nào những sáng hái sim, nào những đêm hát hội trăng rằm, nào những ngày đầu xuân ấm áp hoa mai, hoa đào nở đầy thôn xóm núi rừng. Ổi lại nhắc tới những món ăn quen thuộc dưới đất như bánh tét, bánh chưng, xôi đậu, bánh bò, me ngào, chuối chưng, đậu đỏ bánh lọt nước dừa, dưa cải kho cá trên, canh chua cá lóc, chè đậu xanh nước dừa đường cát, bánh đúc chấm mật mía… làm Bưởi cứ nuốt nước miếng ừng ực. Lâu nay Bưởi đâu được ăn những thứ ấy.
– Bưởi không xuống dưới đất sống thì thôi, tôi không ép. Nhưng mà Bưởi có thể về thăm chơi vài hôm rồi lên trở lại.
Mắt Bưởi sáng lên. “Ừ thì mình xuống chơi rồi chiều trở lên cũng được. Đan đưa mấy đứa nhỏ sang làng bên thăm cô ruột của chúng, chắc tối mịt mới về”. Nghĩ vậy, Bưởi nói:
– Vài hôm thì nhiều quá, không được anh ạ. Chiều tối ba cha con về không có mặt tôi sao được. Tôi chỉ có thể xuống chơi một buổi rồi tối nay tôi lại trở lên.
Trong trí Bưởi, lên trăng xuống đất chỉ là công việc của một khắc đồng hồ. Ngày xưa Bưởi chỉ trèo có mấy chục thước là lên tới mặt trăng. Bưởi đâu có biết rằng chính cây tre mọc cao đưa Bưởi lên chưa. Bưởi có leo được bao nhiêu đâu. Về phần anh chàng Ổi thì anh biết rất rõ: tuột xuống cây tre có thể là mau, nhưng leo lên mặt trăng thì giỏi lắm cũng phải hai ngày hai đêm. Tuy vậy anh ta làm thinh không nói. Anh ta phải làm sao cho Bưởi xuống đất trước đã. Cả hai người hướng về phía đọt tre. Đến nơi, Ổi bảo Bưởi vịn một cành tre, đặt chân lên thân tre, rồi ôm thân tre mà tuột xuống. Bưởi nghe lời. Bưởi tuột xuống rất mau. Đợi cho Bưởi tuột xuống khá sâu rồi thì Ổi mới bắt đầu ôm lấy thân tre mà tuột. Nhưng anh chàng chỉ tuột bằng hai bàn chân và cánh tay trái. Cánh tay còn lại Ổi dùng để cầm chiếc rựa. Tuột tới đâu Ổi chặt đứt thân tre tới đó. Ổi chặt thật mạnh khiến cho những đốt tre đứt rời ra và rơi xuống đất rào rào tới tấp.
Trong khi đó thì Bưởi cứ tiếp tục tuột xuống, không hay biết gì. Cuối cùng Bưởi xuống tới đất, buông thân tre, nhìn quanh. Bưởi nhận ra khu rừng năm xưa. Túp lều của Bưởi bây giờ xác xơ quá. Trời đã quá ngọ. Bưởi đang đứng nhìn cảnh cũ thì Ổi xuống tới. Ổi bảo:
– “Bây giờ mà mình về xóm của Bưởi thì thế nào cũng gặp bà Bảy, rắc rối lắm. Chi bằng ta về xóm Thượng chơi, ở đây không ai biết Bưởi”.
Hai người men theo con đường rừng để đi về xóm Thượng. Bưởi rất sung sướng khi thấy lại được cây sim, gốc tràm và những loài cây cỏ quen thuộc. Ra khỏi rừng, Bưởi vui mừng đi giữa những nương khoai. Rồi hai người đi vào một con đường rộng, hai bên có lúa lên xanh rì. Đất quả thiệt là quê hương của Bưởi. Một con châu chấu nhảy dưới chân b. Bưởi chạy theo úp tay thộp châu chấu. Con châu chấu lẹ hơn, thoát khỏi tay Bưởi, nhảy mất. Bưởi cười khanh khách như một cô bé. Hết ruộng lại tới vườn. Đi qua gần một cành ổi, Bưởi ngắt một lá ổi vò trong ngón tay và đưa lên mũi: đúng là mùi thơm ngọt của lá ổi. Bưởi lại ngắt một lá chanh đưa lên ngửi. Thật là đúng mùi lá chanh. Bưởi thấy ấm cả lòng. Vượt qua lũy tre xanh, hai người đi tới đầu xóm. Ở đây có giếng nước; có hai cô gái đang sàn sạt kéo gàu. Thấy Bưởi, họ trố mắt nhìn. Đó là tại Bưởi mặc xiêm y gì kỳ lạ. Bưởi hơi ngượng nghịu, rảo bước cho mau khuất. Khỏi lùm cây quanh giếng, Bưởi thấy có một bà bán hàng. Bà ta bán đậu đỏ bánh lọt nước dừa. Nghe tiếng bà ta rao, mấy đứa trẻ trong xóm chạy đến, Bưởi cũng sáng cả mắt. Ổi bảo Bưởi dừng lại. Hai người ngồi xổm xuống. Ổi mua đậu đỏ bánh lọt cho Bưởi và cho mình. Đã lâu quá không được ăn món này, Bưởi thích thú quá, ăn thêm một chén thứ hai. Bọn trẻ ăn xong chạy ra bãi thả diều. Bưởi bảo Ổi cùng đi theo bọn trẻ. Một đứa bé nâng con diều, một đứa khác cầm đầu dây đưa lên cao, bắt đầu chạy. Hai đứa cùng chạy theo một hướng. Đứa sau bỗng đứng dừng lại và buông diều. Diều bắt đầu bắt gió, bay lên cao. Đứa bé cầm dây tiếp tục thả dây cho diều lên cao hơn.
Nhìn theo con diều lên cao, Bưởi bỗng nhớ tới mặt trăng. Trời đã ngả chiều. Bây giờ Đan và hai đứa con cũng sắp về tới. Bưởi giật mình bảo Ổi:
– Tôi phải trở lên trăng ngay mới được. Ổi đưa tôi về tận gốc tre nhé.
Nhưng Ổi lặng thinh. Nghĩ rằng Ổi muốn lưu mình ở chơi vài hôm, Bưởi nói với Ổi:
– Anh Ổi ạ, tôi không thể ở chơi dưới này lâu được. Tôi phải lên trên ấy. Anh Đan và các cháu chờ. Để dịp khác tôi sẽ xin xuống chơi lâu hơn.
Nhưng Ổi vẫn lặng thinh. Ổi vừa có vẻ buồn rầu vừa có vẻ lo sợ. Thúc giục mãi mà vẫn thấy Ổi ngồi yên, Bưởi sốt ruột quá đứng dậy, nói:
– “Thôi nếu anh không đưa tôi về thì tôi về một mình vậy. Chào anh.” Rồi Bưởi hấp tấp bước theo lối cũ về rừng. Thấy vậy Ổi cũng đứng dậy chạy theo Bưởi. Bưởi đứng chờ Ổi một chút rồi lại rảo bước. Hai người đi tới chạng vạng tối mới đến được túp lều ngày xưa của Bưởi.
Trăng đã lên. Bưởi ôm lấy thân tre, chào Ổi và định leo lên thì Ổi nói:
– Bưởi ạ, không thể lên lại mặt trăng được đâu.
Định buông tiếng hỏi tại sao thì Bưởi nhác thấy những đốt tre ai chặt rơi đầy bốn phía. Nhìn lên, Bưởi thấy cây tre chỉn còn cao khoảng bốn năm cây sào, thân tre đứt ngang. Hoảng quá, Bưởi la lớn hỏi Ổi:
– Anh Ổi! Anh Ổi! Tại sao thế này? Tại sao cây tre bị chặt đứt thế này? Làm thế nào bây giờ hả anh Ổi? Anh Ổi!
Thấy Ổi ôm đầu không trả lời, Bưởi càng hoảng sợ. Bưởi tới lắc vai Ổi, hỏi:
– Có phải anh đã chặt đứt cây tre hay không? Ôi trời ơi là trời ơi! Anh Ổi! Anh nói đi! Có phải anh đã chặt đứt cây tre không?
Bưởi khóc rống lên, mái tóc xổ tung, hai mắt đỏ ngầu. Bưởi hết đập hai tay vào ngực mình lại đập hai tay vào vai Ổi. Bưởi hét to vào tai Ổi:
– Anh nói đi chứ! Anh điếc rồi hay sao? Tại sao anh chặt đứt cây ter?
– “Tại vì Ổi thương Bưởi quá!”. Ổi chỉ nói được mấy tiếng đó rồi lại lấy hai tay ôm đầu ra vẻ hối hận.
– Thương tôi! Trời ơi, thương tôi mà chặt đứt cây tre không cho tôi về với chồng, với con! Anh Ổi ơi là anh Ổi ơi!
Cả một khu rừng vang tiếng khóc than kêu gào của Bưởi. Mặt trăng sáng tỏ vằng vặc. Ngẩng nhìn lên trăng, Bưởi không thấy gì hết. Nghĩ tới chồng, tới con giờ này đang trông đợi, Bưởi lại khóc òa như mưa.
Bưởi khóc như vậy trong bảy ngày bảy đêm, không ăn cũng không ngủ. Ổi yên lặng đi chặt lá đốn tre, che lại túp lều cho đỡ mưa nắng và hái mang về cho Bưởi các thứ trái rừng. Nhưng Bưởi không động tới trái cây và nước suối của Ổi mang về. Có lúc khô cổ quá thì Bưởi đi ra suối vốc nước uống. Rồi Bưởi vốc nước rửa mặt và ngồi bên suối. Ngồi nghỉ hồi lâu nhớ tới chồng con, Bưởi lại khóc.
Trong khi đó thì Ổi đã về xóm, gùi lên một ít thức ăn và dụng cụ làm bếp. Ổi lấy một nắm gạo nấu cháo cho Bưởi. Lần đầu tiên Ổi đưa cháo cho Bưởi thì Bưởi gạt ra. Ổi đặt bát cháo xuống giường. Suốt hai ngày Bưởi không động tới cháo. Ngày thứ ba Ổi nấu cháo mới cho Bưởi. Vừa đưa đến Bưởi lại gạt ra. Lần này Ổi không đặt cháo xuống giường nữa mà cứ cầm trên tay. Ổi cầm bát cháo cho đến khi mỏi tay phải thì thay sang tay trái, tay trái mỏi thì thay sang tay phải. Cứ như thế Ổi nâng bát cháo ngồi bên Bưởi suốt một đêm.
Cho đến sáng hôm sau chịu không nổi nữa, Bưởi cầm lấy bát cháo đặt xuống giường. Nhưng Bưởi không ăn, cũng không nhìn tới bát cháo.
Ổi ra rừng đốn cây để làm giường, làm ghế. Ổi ở ngoài rừng suốt ngày. Chiều hôm ấy trở về lều, Ổi vui mừng thấy bát cháo trên giường Bưởi chỉ còn là cái bát không. Mấy trái cây rừng Ổi để trên giường Bưởi bây giờ cũng không còn nữa. Chắc chắn là Bưởi đã ăn rồi. Ổi chạy đến để tay trên vai Bưởi. Bưởi lấy tay hất tay Ổi ra.
Nhưng Ổi không thất vọng chút nào. Bưởi đã khóc hết nước mắt, bây giờ Bưởi không khóc nữa. Ổi biết mình phải kiên nhẫn. Ổi chăm sóc lo lắng cho Bưởi một cách im lặng. Ổi làm việc suốt ngày, chặt tre, đốn gỗ, đan tranh. Túp lều biến thành một ngôi nhà xinh xắn. Một hôm Ổi lại can đảm để tay lên vai Bưởi. Bưởi không hất tay Ổi ra nữa. Bưởi đã tha thứ cho Ổi. Bưởi đã biết chấp nhận số phận của mình.
Ổi phá một khoảng rừng, gieo lúa, trồng bắp. Bưởi và Ổi bắt đầu lại một cuộc sống mới bên nhau. Thỉnh thoảng hai người mới về chợ để bán củi, mua muối, mua đường. Bưởi cố ý không về xóm cũ, sợ bà Bảy bắt gặp.
Thỉnh thoảng lại nhớ chồng con giờ này đang thui thủi trên trăng, Bưởi lại ôm mặt khóc. Và những đêm trăng rằm, Bưởi hay ngồi nhìn trăng. Bưởi nhìn mãi mà không thấy bóng Đan, Hạ và Xuân trên đó. Chỉ thấy lá cành của cây đa phất phơ như vẫy tay gọi Bưởi.
Cuối năm ấy Ổi bàn với Bưởi dọn nhà về xóm Thượng. Ổi nghĩ xóm Thượng có chợ, có người, vui vẻ hơn, ít làm cho Bưởi nhớ tới người cũ. Họ dọn về xóm Thượng. Chẳng mấy lúc mà Ổi tậu được ruộng vườn. Bưởi lại thêm được nghề dệt vải.
Mùa thu năm sau vào ngày rằm tháng tám, Bưởi sinh hạ được một bé gái rất kháu khỉnh. Hai vợ chồng đặt tên con là Thu. Có Thu, lòng Bưởi như ấm lại, tim Bưởi như mọc rễ. Rễ bám vào lòng đất. Hương quê đằm thắm đã khiến tóc Bưởi xanh lại, mặt Bưởi tươi cười. Có bữa ru con, Bưởi hát:
“Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Tới đây mẹ phải đổi buồn làm vui”.
Vườn rau sau nhà của Bưởi có đủ thứ rau húng, rau ngò, rau tần, lá cải, lá dứa. Những giàn khổ qua và mướp hương cho Bưởi thật nhiều trái.
* * *
Tay phải ẵm Xuân, tay trái dắt Hạ, Đan bước vào nhà nói lớn:
“Cha con chúng tôi đi chơi mới về”. Cửa nhà lạnh tanh. Lấy làm lạ. Đan đặt bé Xuân xuống, chạy ra vườn sau tìm Bưởi. Nhưng Đan không thấy dáng Bưởi. Ruộng vườn mênh mông. Bóng tối đã lảng vảng xung quanh. Ra tới vườn dưa, Đan thấy dấu chân của vợ và dấu chân của một người đàn ông khác. Hoảng hốt Đan chạy về phía đọt cây tre. Đọt tre không còn đó nữa. Nhìn xuống thật xa, Đan cũng không thấy cây tre. Có lẽ cây tre đã bị chặt rồi.
Đan về nhà, ngồi ôm hai con, khóc. Trời tối, nhà tối, không ai thắp đèn, không ai làm cơm. Nhà Đan lạnh lẽo như một nhà mồ. Xuân gọi mẹ, Hạ dỗ em. Đan đi tìm bánh nguội cho các con ăn.
Ngày này sang ngày khác, Bưởi vẫn không về. Đan cố gắng nuôi con, cố gắng tiếp tục cuộc sống. Nhưng khó khăn cho Đan và hai đứa bé quá. Thà Bưởi không lên đây. Bưởi lên rồi Bưởi lại về. Đan hay chống cuốc nhìn xuống đất, nhưng không hề thấy dáng Bưởi dưới đó. Bưởi ơi! Tại sao Bưởi lại bỏ Đan và hai con?
Năm ấy trên trăng có đại hạn. Trời không mưa đã lâu, mùa màng của Đan thất bát. Hai đứa con thiếu mẹ cứ ngồi khóc hoài. Đan cũng chảy nước mắt, ngồi ôm hai con mà dỗ dành. Một hôm đi ruộng về, Đan không thấy hai con đâu. Ra vườn không thấy, vào nhà cũng không thấy. Tới chỗ hai đứa ngồi khóc thương nhớ mẹ, chỉ thấy có một vũng nước mắt. Thì ra hai đứa vì khóc quá mà đã biến thành một vũng nước mắt lớn. Đan chấm nước vào ngón tay nếm thì thấy mặn, biết đây là nước mắt của con mình. Đau xót quá, Đan ngồi khóc mãi. Cuối cùng Đan cũng biến thành nước mắt. Nước mắt của Đan đã hòa với nước mắt của hai con thành một vũng khá lớn. Trời nắng to làm vũng nước bốc hơi, bay lên, biến thành một đám mây. Đám mây theo gió lang thang bay quanh trên mặt đất cố ý tìm tòi. Đám mây bay như vậy trong hơn hai năm thì một hôm dừng lại trên sân sau của nhà Bưởi. Hôm ấy trời nóng bức, hình như sắp có một cơn giông. Ổi ẵm con đi chợ mua quà vẫn chưa về. Đợi mãi mà trời không mưa, Bưởi định ra giếng sau nhà để tắm cho bớt nực. Giếng nhà Bưởi có trồng một hàng rào bông bụp xung quanh, hoa bụp nở đỏ chói trên màu lá xanh đen. Bưởi cởi bỏ xiêm y, kéo nước xối ào ạt. Đang tắm, Bưởi bỗng nghe tiếng mưa rào rào. Nhìn lên Bưởi thấy một đám mây sa thật thấp. Đám mây đó chính là hiện thân của ba cha con Đan mà Bưởi đâu có biết. Thấy đám mây lạ xuống rất thấp, Bưởi đăm đăm nhìn. Đám mây trông thấy thân thể của Bưởi; hai con nhận ra mẹ, chồng nhận ra vợ, bỗng nhiên đám mây rùng mình biến thành mưa trút hết xuống thân thể Bưởi. Bưởi cảm thấy thân hình nóng lên, như mùa đông tắm bằng nước ấm. Chạm tới da thịt Bưởi, nước mưa của đám mây kia bỗng nhiên biến hình. Phút chốc Đan và hai con trở lại hình người. Thấy hai con và chồng cũ đột nhiên xuất hiện, Bưởi mừng quá. Bưởi ôm chặt lấy Hạ và Xuân rồi ngước mắt nhìn Đan, lòng tràn ngập hân hoan. Bưởi không cần biết tại sao Đan và hai con tìm xuống được dưới này. Bưởi chỉ cần biết là Đan và hai con hiện đang ở dưới đất, ngay trước mặt Bưởi.
Bưởi quấn vội xiêm y, đưa ba cha con vào nhà. Đan hỏi Bưởi: “Tại sao em lại bỏ anh và các con mà đi như thế hả Bưởi? Em không thương anh và các con hay sao?”.
Bưởi nước mắt ràn rụa đáp:
– Không phải là em không thương chồng, thương con. Em nhớ Đất, định xuống thăm Đất một buổi rồi lại lên với Đan và hai con. Rủi thay cho em, khi trở lên thì cây tre đã bị chặt mất rồi. Em khóc mười ngày mười đêm. Em nhớ anh và nhớ con. Có khi nào em muốn bỏ anh và bỏ con đâu.
Rồi Bưởi kể cho Đan nghe tất cả cơ sự. Nghe xong Đan nói:
– “Bây giờ em sửa soạn cùng về trên ấy với anh và hai con”. Đan nói như thế nhưng không biết mình sẽ trở lên trăng bằng cách nào. Đan chỉ muốn có Bưởi trở lại như cũ, rồi sau đó ra sao thì ra. Nhưng Bưởi giật mình. Lên trăng thì có Đan và hai con. Nhưng mà mất Thu và Ổi. Gần ba năm trời ở với Ổi, ân nghĩa cũng đã nặng. Lên trăng thì chắc chắn Bưởi sẽ nhớ Ổi và nhất là nhớ Thu.
– Không được đâu, lên trăng thì em bỏ Ổi và bỏ Thu. Em sẽ khổ lắm. Trời ơi, khổ cho tôi quá – Ở lại Đất thì nhớ Trăng, nhớ Đan, nhớ Hạ, nhớ Xuân; còn lên Trăng thì nhớ Đất, nhớ Ổi, nhớ Thu – Biết làm sao đây hỡi Trời!
Trong lúc đó thì ngoài ngõ vọng vào tiếng cười tíu tít của Thu. Ổi ẵm con đi chợ đã về. Hoảng hốt quá, đau khổ quá, không biết phân xử như thế nào cho trọn cả hai bên, Bưởi bèn nhặt lấy con rựa của chồng để ở góc nhà, cầm rựa trong hai tay, bổ ngược lưỡi rựa vào đầu mình. Đan ngơ ngác chưa kịp cản ngăn thì lưỡi rựa đã phập vào trán Bưởi. Lúc ấy đúng vào giữa trưa, mặt trời chính chắn ở trên đỉnh đầu ba người. Lưỡi rựa của Bưởi phập trúng vào đầu Bưởi đúng vào một giờ rất thiêng, giờ Hoàng Đạo, nên phép lạ hiển hiện. Lưỡi rựa sắc bén từ trên đỉnh đầu theo đà tay Bưởi đi thẳng xuống cổ, xuống ngực, xuống bụng và chẻ Bưởi ra làm hai mảnh đều đặn. Trong phút chốc, đứng trước ba cha con là hai cô Bưởi giống nhau y hệt, tuy rằng thân hình mỗi cô nhỏ bé hơn trước. Một trong hai cô Bưởi, tức là cô mà tay còn cầm rựa, nói với cô kia:
– Chị đưa Đan ra ngả sau và tìm đường về Trăng. Em ở lại.
Bưởi Chị nghe vậy lập tức tay đẩy hai con, tay đẩy chồng đi ra ngả bếp. Không kịp nghĩ ngợi, Đan đi theo, quên cả ngoảnh lại chào Bưởi Em. Bốn người đi ra ngả giếng rồi tìm ra bờ ruộng.
Trong khi đó thì cha con Ổi đã vào tới cửa trước.
– “Có ai ở nhà không? Cha con chúng tôi đi chợ mới về nè”. Ổi lớn tiếng nói. Bước vào, Ổi thấy Bưởi đang ngồi trước khung cửi. Khung cửi chạy lách tách. Bưởi đang dệt vải, Bưởi không trả lời Ổi.
Hơi lấy làm lạ, Ổi tới gần nhìn Bưởi. rồi Ổi nâng cằm Bưởi lên, nhìn vào mặt Bưởi. Ổi thốt kêu lên:
– Này lạ chưa: mặt này là mặt Bưởi, thân hình này là thân hình Bưởi, mà tại sao hôm nay Bưởi nhỏ con như thế này?
Bưởi ngừng dệt nói:
– Tại vì Bưởi chỉ còn một nửa. Nửa kia, Đan xuống mang về Mặt Trăng rồi.
* * *
Bưởi Chị đưa Đan và hai con băng khỏi đất vườn của nhà Ổi và ra tới đầu xóm Thượng. Không muốn những người trong xóm thấy mình, Bưởi đưa ba người đi tắt theo ngả ruộng và ra khỏi địa phận xóm. Ra khỏi xóm, Bưởi còn đang phân vân chưa biết đưa chồng con đi đâu thì bỗng Bưởi sực nhớ tới túp lều ngày xưa của Bưởi mà Ổi biến thành căn nhà gọn ghẽ với nhiều khoảnh vườn chung quanh. Từ ngày Ổi và Bưởi dọn về xóm Thượng đến nay, căn nhà và khu vườn hoàn toàn bị bỏ trống, không có ai chăm sóc. Bưởi liền đưa Đan và hai con đi theo con đường dẫn tới khu rừng cũ.
Cảnh xưa có vẻ điêu tàn. Hai vợ chồng Bưởi sửa chữa lại ngôi nhà và xới lại những khoảnh vườn. Họ gieo lúa, trỉa bắp, trồng rau, nuôi gà. Hạ và Xuân tha hồ chạy chơi ở triền đồi, dốc núi, cửa rừng. Chúng được mẹ chỉ cho những trái cây rừng có thể ăn được. Bưởi đưa Đan tới dòng suối nơi đó ngày xưa lúc tắm, Bưởi đã trông thấy Đan chống cuốc nhìn xuống mỉm cười. Hai người ngồi trên tảng đá cạnh suối đợi trăng lên. Bưởi bảo Đan kể hết những chi tiết của cuộc đời ba cha con từ ngày Bưởi theo Ổi bỏ Trăng xuống Đất.
Đan kể cho Bưởi nghe cơ sự xảy ra trên Trăng từ ngày Bưởi đi, không bỏ sót một chi tiết nào, từ lúc ba cha con đi về không thấy Bưởi cho đến khi cả ba cha con vì khóc quá mà biến thành một vũng nước mắt. Đan lại nói: “Nước biển đông mặn, có lẽ đó cũng là nước mắt của con người tích tụ lại. Xưa nay biết bao nhiêu cảnh vợ xa chồng, con xa cha mẹ, anh em xa nhau. Một lần cách biệt, biết bao giờ cho được đoàn tụ. Nay anh và con đã gặp lại em, ta quyết không để cho xa cách nhau nữa”. Bưởi rơi nước mắt… Trăng đã lên, sáng chói trên đỉnh đầu. Hai người cùng nhìn trăng. Một lát lâu, Bưởi thấy nước mắt đọng trên mi Đan. Bưởi biết Đan nhớ cảnh, nhớ nhà trên Trăng, cũng như ngày xưa, Bưởi đã nhớ cảnh, nhớ nhà dưới Đất. Bưởi nhớ lại hồi mình mới xuống đất, ngửi lại hương lá ổi, lá chanh, Bưởi thương quý quê hương vô cùng. Được nghe lại tiếng hát của mục đồng, được thấy trẻ em thả diều, được lượm me chua, được ăn trái cóc chấm muối, lúc ấy Bưởi thấy tất cả tình thương yêu của mình đối với Đất. Thì bây giờ Đan cũng vậy. Chắc Đan đang nhớ đời sống trên Trăng, nhớ nhà, nhớ vườn, nhớ ruộng, nhớ những thức ăn, nhớ những tiếng chim, nhớ cây cối và giọng nói câu cười trên đó. Bỗng nhiên Bưởi thấy thương Đan vô hạn. Bưởi để tay lên vai Đan và nói:
– Bưởi biết Đan nhớ nhà lắm. Cái gì dưới này cũng lạ lùng với Đan hết; hột lúa, con chim, thức ăn, giọng nói cũng vậy. Nhưng mà Đan có Bưởi và có hai con ở chung với Đan, biết rằng xa cách nhau, chúng ta không sống được, (nói đến đây Bưởi im lặng một lát, không biết Bưởi nghĩ gì. Rồi Bưởi tiếp), Đan và hai con thiếu Bưởi thì Đan và hai con sống không được. Vậy Đan kiên nhẫn mà sống, tìm niềm vui ở đây; biết đâu một ngày nào đó chúng ta trở về trên Trăng sống với nhau như cũ.
Đan nhìn Bưởi, hỏi:
– “Nhưng giá chúng ta lên lại được trên Trăng thì liệu Bưởi còn nhớ Đất hay không? Bưởi có còn bỏ Đan và hai con để mà tìm xuống Đất như lần trước hay không?”
Bưởi nắm lấy tay Đan, trả lời một cách chân thật:
– “Không đâu, lần này được lên Trăng thì Bưởi sẽ không còn tìm xuống Đất lại nữa, Bưởi đã sống dưới Đất và Bưởi cũng đã sống trên Trăng. Bây giờ một nửa Bưởi đã ở luôn dưới Đất rồi, một nửa kia sống luôn trên Trăng cũng được. Bây giờ Bưởi coi cả hai nơi như là quê hương. Đan không biết chứ trong thời gian ở dưới Đất, Bưởi nhớ đời sống trên Trăng lắm, không những nhớ Đan và hai con mà còn nhớ cả cây cỏ, chim chóc, sông suối và mọi thứ trên ấy, kể cả những món ăn mà Đan dạy cho Bưởi làm nữa”.
Bưởi nói chân thành bởi vì trong tâm chân thành Bưởi nghĩ như vậy. Đan tin lời Bưởi. Đan vui vẻ đứng dậy đưa Bưởi về nhà. Hạ và Xuân đã ngủ say. Hai người vào thăm con, đắp chiếu lại cho hai trẻ và cùng đi ngủ.
Bưởi Em sống với Ổi và Thu rất hạnh phúc. Bưởi tuy được ta gọi là Bưởi Em nhưng không khác gì Bưởi Chị, nghĩ là Bưởi chỉ là Bưởi. Bưởi Em không trẻ hơn cũng không nhỏ hơn hình Bưởi Chị. Mỗi khi nhớ đến Bưởi Chị, Bưởi mỉm cười và thấy lòng đầy trìu mến. Đã có Bưởi Chị săn sóc cho Đan và hai con, Bưởi thấy lòng an ổn. Bưởi không lo lắng cho Đan, cho Hạ và cho Xuân nữa. Biết đã có Bưởi Chị bên cạnh những người ấy, Bưởi đinh ninh là họ sẽ có hạnh phúc. Cái gì mà ở đây Bưởi làm được thì ở trên ấy Bưởi cũng làm được. Bưởi tin chắc (không biết sao) rằng Đan, Hạ và Xuân đã lên tới Trăng và hiện đang sống ở ngôi nhà cũ. Nghĩ tới ngôi nhà cũ có nhiều cửa sổ với những bức tường dày cộm, nghĩ tới ruộng vườn, hạt đậu, hạt lúa và quả dưa trên ấy mà Bưởi mỉm cười. Thật không giống với cảnh quê ở đây chút nào.
Chỉ trong vòng ba hôm sau khi Đan, Bưởi và hai con đi, Bưởi đã lớn lên bằng cũ. Bưởi thèm ăn hơn và vì vậy Bưởi đã lấy lại dáng vóc xưa. Thật giống như khi người ta chiết cành trên một thân cây để làm thành một thân cây khác. Cây mới tiếp tục cuộc sống của cây gốc, tiếp tục làm nụ, làm lá, làm hoa, làm quả. Hai cây mà cũng như một cây. Một cây mà thành hai; có thể một cây thành năm, thành mười cũng nên. Bưởi mỉm cười nhớ lại mẹ Bưởi ngày xưa. Mẹ Bưởi ngày xưa đẹp lắm. Ngày ấy bà ngoại còn sống và Bưởi được ở chung với ngoại, nghe thật nhiều truyện cổ tích. Có một hôm Bưởi đang chơi ngoài bờ ao thì nghe tiếng cha nói lớn: “Con Bưởi đi đâu rồi, mình để nó chơi la cà ngoài bờ ao thì có thể nó rơi xuống ao chết đuối đấy”. Bưởi nghe nhưng không lên tiếng. Đợi cho mẹ kêu lớn: “Bưởi ơi! Vào đây mẹ bảo!”, Bưởi mới chạy vào. Bưởi chạy vào thấy mẹ đang xoa dầu trên trán ngoại. Bưởi cười. Mẹ Bưởi mắng yêu: “Ai cho con ra bờ ao chơi hả? Ai cho phép con thế? Vậy mà còn cười.” Bưởi nắm lấy tay áo mẹ. Đúng vào lúc đó có tiếng xèo xèo dưới bếp. Mẹ Bưởi nói: “Chết rồi, nồi canh sôi đã trào hết ra ngoài”. Rồi mẹ Bưởi buông chai dầu gió, hất cánh tay Bưởi ra và chạy xuống bếp. Cũng vào lúc ấy, cha Bưởi từ ngoài sân kêu vọng vào: “Má nó ơi, ra giúp tôi một tay, kẻo một mình tôi khiêng không nổi cái cửa chuồng bò đây này”. Mẹ Bưởi lưỡng lự, định vào bếp bớt lửa, nhưng cuối cùng bà không vào bếp mà chạy ra sân đỡ cánh cửa chuồng bò cho cha Bưởi. một lát trở vào bà nói với Bưởi: “Nếu tao có bốn tay thì tao có thể vừa nấu canh, vừa thoa dầu cho ngoại, vừa khiêng cửa chuồng bò với cha, vừa giữ con đừng chạy ra bờ ao. Nhưng tao chỉ có hai tay thôi”.
Cha chả, người mà có bốn tay thì trông kỳ lạ lắm! Lúc ấy Bưởi nghĩ như thế. Nhưng có một hôm đi chùa, Bưởi thấy một tượng Phật có rất nhiều cánh tay, mỗi cánh tay cầm một dụng cụ khác nhau, tay thì cầm bút, tay thì cầm bông sen, tay cầm ống sáo, v.v… Có lẽ mỗi tay để làm một việc. Mẹ Bưởi nói đó là Đức Phật Quan Âm, Ngài có tất cả một ngàn cánh tay và một ngàn con mắt. Một ngàn con mắt để nhìn thấy một ngàn chuyện và một ngàn cánh tay để làm một ngàn việc. Mẹ Bưởi chỉ cầu có bốn cánh tay thôi. Có lẽ vì vậy mà mẹ Bưởi hay đến chùa lạy Đức Quan Âm, trí óc non nớt của Bưởi ngày xưa đã nghĩ như thế. Nhưng mẹ Bưởi đâu cần bốn tay. Một mình mà mẹ lo cho ngoại, giúp cho cha, nuôi Bưởi, quán xuyến cả công việc trong nhà, ngoài ngõ. Mẹ Bưởi chắc cũng giỏi gần bằng Phật Quan Âm. Chỉ tiếc là mẹ mất sớm cho nên Bưởi chẳng được mẹ nuôi cho lớn, cho nên Bưởi mới lọt vào tay bà Bảy.
Bây giờ đây Bưởi ngồi dệt vải mà nhớ lại cái ngày cha con Đan từ Trăng xuống năn nỉ Bưởi đi theo họ về Trăng. Bưởi nhớ lại giây phút cha con Ổi đi chợ về trong lúc cha con Đan đứng trước mặt Bưởi và cái lòng của Bưởi lúc đó hoảng hốt, phân vân, dằn xé, khổ sở tới mức nào. May mà lát rựa có phép chứ nếu không giờ này Bưởi đã chết rồi, và để lại khổ đau cho cả bao nhiêu người. Người đàn bà nào trong xứ của Bưởi cũng muốn biến thành bốn, thành năm để một thân lo cho cha mẹ mình, một thân lo cho cha mẹ chồng, một thân lo cho chồng con, một thân lo cho bếp núc vườn tược. Bưởi thầm mong cho ai nấy đều có thể phân thân như Bưởi, hoặc như cây được chiết ra nhiều cành, mỗi cành thành một cây mới. Lòng Bưởi đã thương Trăng, thương Đan, thương Hạ, thương Xuân cho nên Bưởi chỉ có thể sung sướng khi về Trăng ở với Đan; lòng Bưởi cũng đã thương Đất, thương Ổi và thương Thu cho nên Bưởi chỉ có thể sung sướng khi ở lại Đất sống với Ổi. Bưởi an lạc vì Bưởi vừa được ở trên Trăng mà vừa được ở dưới Đất. Nhưng mà mấy ai đã được phép Phật nhiệm mầu phân thân như Bưởi. Bưởi thấy mình an lạc hạnh phúc dưới đất thì Bưởi tin chắc rằng trên Trăng, Bưởi cũng đang an lạc hạnh phúc. Bưởi không biết giải thích sao, nhưng Bưởi thấy điều đó rõ ràng như Bưởi thấy mặt mũi dễ thương của con Thu mỗi ngày.
Căn nhà ở trên rừng đã được Đan biến thành một ngôi nhà khang trang. Lúa bắp ở các rẫy quanh nhà lên xanh tốt. Đan đã trở nên quen thuộc với loại ngũ cốc và rau trái dưới đất. Đan đã có thể ưa thích những món ăn dưới đất như bắp luộc, chả cá, canh khoai mỡ, cá nướng trui, mắm cà,… Theo Đan thì những món ăn này ngon không kém gì những món Đan ưa thích trên Trăng cả. Bưởi cười hồn nhiên khi Đan nói như thế. Có Đan và hai con bên mình, Bưởi thấy như có cả mặt Trăng bên mình, Bưởi không thấy thiếu thốn và nhớ nhung mặt Trăng nữa. Bưởi biết Đan đã tìm thấy niềm vui ở dưới Đất nhưng Bưởi cũng biết rằng Đan chưa có hạnh phúc hoàn toàn, bởi vì Đan chưa được như Bưởi: Đan còn phân biệt trên Trăng, dưới Đất nhiều quá. Bưởi đã có lần nói với Đan là nếu lên được Trăng thì Bưởi lên, Bưởi sẽ không hối tiếc Đất. Bưởi nói như vậy là vì Bưởi thấy được rằng Đất không phải Đất, Trăng không phải Trăng; Đất hay Trăng đều nằm trong lòng mình. Đó là cái lý do khiến cho Bưởi an lạc. Hoài bão của Bưởi là làm cho Đan và hai con cũng được an lạc như mình. Hạ và Xuân vốn sinh trưởng trên Trăng nên hai đứa cũng thường nhắc đến đời sống trên ấy.
Một hôm khi ra suối gánh nước về nhà, Bưởi nghe tiếng con Xuân từ sân trong gọi ra: “Mẹ ơi mẹ, mẹ vào xem cái này lạ lắm”. Bưởi đặt gánh xuống hỏi: “Gì đó con?” thì Xuân kéo tay áo Bưởi về phía góc vườn. “Lạ lắm mẹ à. Con thấy một mụt măng màu hồng như ngọc bích và mùi thơm như hoa sói, hoa cam.” “Mụt măng mọc ở đâu hả con?”, vừa đi theo con, Bưởi vừa hỏi. Theo ngón tay con, Bưởi nhận ra là ở dưới gốc cây tre năm cũ. Cây tre ấy tàn rụi đã lâu, Bưởi tưởng nó đã chết khô lâu rồi, ai ngờ hôm nay một mụt măng lại mọc bên gốc. Bưởi bảo Xuân đi tìm Đan về. Khi Đan từ đám rẫy quảy đầy một gánh bí rợ về nhà thì Bưởi đưa Đan tới gốc măng mới.
“Đan xem, chính cây tre này đã mọc lên Trăng, đã đưa Bưởi lên Trăng, rồi bị Ổi chặt đứt mà chết. Bây giờ một mụt măng của nó lại mới mọc ra. Mụt măng này cũng sẽ mọc thành một cây tre như cây tre cũ. Chúng ta có thể trở về mặt Trăng được rồi.”
Đan đã từng nghe Bưởi kể chuyện cây tre cho nên Đan hiểu ngay. Mặt Đan rạng rỡ lên, Bưởi thấy mà thương. Hạ và Xuân cũng đứng bên cha mẹ lúc ấy. Nghe nói mình sẽ được lên Trăng trở lại, hai bé vỗ tay reo mừng. Chưa bao giờ Bưởi thấy ba cha con họ vui vẻ thế. Bưởi nói với Hạ: “Con lấy cho mẹ cái gáo nước, Đan xách hộ cho Bưởi một thùng nước lại đây. Mình phải tưới cho măng mỗi ngày thì măng mới lớn mau thành tre được.”
Từ đó, chẳng hôm nào mà họ quên tưới nước cho măng, cho mầm hi vọng của họ.