Chương 05: Chánh niệm là nẻo thoát

 

MÂY TRẮNG THONG DONG

Bao nhiêu tuần lễ trôi qua. Chúng ta hãy tưởng tượng đi! Khi rời sư chị, căn cứ trên lời hứa của cha ‘lập am rồi sẽ rước thầy ở chung’. Thúy Kiều vẫn mong ước có ngày như thế. Về nhà trả được nghĩa và tình rồi thì có thể tiếp tục tu được.

Nhớ lời lập một am mây
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.

‘Nhớ lời lập một am mây’ tức là nhớ lời hứa sẽ lập một cái chùa. Có bản quốc ngữ khi in ra có dấu phẩy (,) sau chữ ‘Nhớ lời’; theo tôi thì không đúng. Không lý làm chùa rồi mới cùng những người thân tín đi rước thầy Giác Duyên! Không phải như vậy. Làm chùa mà làm ở ngay thành phố thì sư Giác Duyên đâu chịu tới! Ý Kiều là muốn mời sư chị tới để hỏi: ‘Bây giờ chị em mình nên làm am chỗ nào để tu? Làm am đàng hoàng vì gia đình em bây giờ có thể cung dưỡng được. Làm một cái am mây trong đó có phòng tắm và lò sưởi đàng hoàng.

Theo tôi, ‘Nhớ lời lập một am mây’ là nhớ lời hứa ngày xưa sẽ lập một cái chùa và mời thầy tới ở chung. Cho nên: ‘Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên’. Tới thưa với ni sư xem ni sư muốn làm chùa ở chỗ nào.

Có lẽ nhiều tuần lễ đã đi qua từ cái ngày cả gia đình đến rước Kiều về. Sư chị Giác Duyên đã thấy được sự thật là gia đình này, sau mười lăm năm xa cách, cần sự có mặt của Thúy Kiều. Sư chị biết phải để cho Thúy Kiều đi, sư chị không tìm cách để giữ lại. Sư chị gật đầu, mỉm cười: ‘Em cứ đi đi. Chị tin tưởng rằng trong hoàn cảnh nào em cũng giữ được tâm Bồ đề và em cũng sẽ tiến tu được.’ Với nụ cười đó, Thúy Kiều đã đi về và đã làm được như mong ước của sư chị. Thời gian đó có thể xảy ra trong một, hai, hoặc ba tuần lễ là nhiều. Tôi nghĩ trong suốt thời gian đó không có ngày nào, giờ phút nào mà sư em không nhớ tới sư chị và mong ước rằng sau khi trả xong món nợ tình nghĩa, hướng dẫn được sự tu học cho gia đình và cho người tình cũ thì mình có thể trở về với sư chị. Một, hai, ba tuần lễ cho đến một tháng là nhiều. Không thể tưởng tượng rằng Thúy Kiều ở lâu hơn mà không đi thăm sư chị, vì tình hai người rất thắm thiết.

Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.

Tôi nghĩ rằng những người kia, dù thân tín cách mấy đi nữa mà tới rước Giác Duyên thì cũng không đủ lễ. Trong chuyến đi này thế nào cũng phải có Trạc Tuyền. Làm sao chịu nổi cái chuyện gởi người ta đi mà mình không đi! Bởi vì ngày nào, đêm nào, bao giờ Trạc Tuyền cũng nghĩ tới người sư chị thương yêu của mình, người đã cứu mình, đã sinh mình ra lần thứ hai, không những bằng thân xác mà bằng cả đời sống tâm linh nữa. Đến nơi thì thấy gì?

Đến nơi đóng cửa cài then,
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.

Sư chị đã đi rồi. Sư chị tự do như một đám mây, như một con hạc trắng. Cái đẹp của sư chị là chỗ đó. Cái đẹp của người tu là cái tự do của người đó. Người tu là một người có không gian. Không gian ở trong lòng và không gian ở chung quanh. Nếu muốn đi thì đi, không có gì có thể giữ người tu được. Có một bài kệ chúng ta thường ngâm:

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.

Bài này tôi đã dịch tự do từ một bài thơ chữ Hán trong một khóa tu ở miền Nam Cali:

Bồ tát thanh lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung.

(Mặt trăng trong và mát của Bồ tát đi chơi ở cõi không tuyệt đối; nếu những bụi bặm cấu uế trong tâm chúng sanh hết rồi thì hình ảnh giác ngộ hiện ra trong tâm ấy.)

Ta có thể họa tượng đức Bồ tát Quan Thế âm ngồi trên một phiến đá, phía trên có mặt trăng và viết bốn câu thơ này lên chỗ lạc khoản. Bài dịch có thêm hình ảnh hồ tâm, và trăng hiện bóng. Trăng hiện chứ không phải ‘bồ đề hiện’. Trăng ở đây tức là Bồ đề’, chữ trăng được lấy lại, không mất, nên tứ thơ có tính nhất trí hơn trong nguyên bản chữ Hán. Cái đẹp và cái hạnh phúc của người tu được xây dựng bằng chất liệu gọi là không gian, tự do. Con người không có tự do là con người chưa có hạnh phúc lớn. Bài thơ cho chúng ta thấy sự thật đó. Càng nhiều tự do thì chúng ta càng có nhiều hạnh phúc. Ngày nghe thầy Thiện Minh tịch, tôi viết một bài thơ cho thầy, đó là bài Mây Trắng Thong Dong. Thầy Thiện Minh ngày xưa học ở Phật học viện chùa Báo Quốc tốt nghiệp cùng một lúc với lớp thầy Trí Quang. Thầy Thiện Minh là người rất thông minh, mau lẹ, tổ chức rất hay. Nếu cần một thầy ngồi chủ tọa để một đại hội để giải quyết những vấn đề khó khăn thì người làm chủ tọa giỏi nhất, đưa đại hội đi tới sự thành công mau nhất đó là thầy Thiện Minh. Rất mau nhạy, rất thông minh. Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam cho nhân quyền dưới quyền ông Ngô Đình Diệm, thầy Thiện Minh đã được cử làm Trưởng phái đoàn Liên Tông, gồm đại diện của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và các tổ chức Phật giáo khác, đứng ra thương thuyết với phái đoàn Liên Bộ của chính phủ. Bên phía chính phủ phái đoàn Liên Bộ (bộ Nội Vụ, bộ Xã Hội, v.v…) có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm trưởng đoàn. Chúng ta biết thầy Thiện Minh mà hướng dẫn một phái đoàn như vậy là hay nhất. Trong khi họp, phái đoàn Phật giáo đã thành công. Bên chính phủ phải ký vào một thông cáo chung, công nhận quyền tự do của Phật giáo. Khi thông cáo chung được công bố, mọi người thấy đây là một thắng lợi lớn của Phật giáo. Nhưng chính quyền không có thiện chí. Họ ký xong lại phản bội lại thông cáo chung ấy. Trong cuộc tranh đấu của phật giáo để chống lại chế độ độc tài, thầy Thiện Minh đã đóng một vai trò rất lớn. Khi chính phủ của xã hội chủ nghĩa lên, họ sợ thầy Thiện Minh nên đã bức tử thầy. Họ bắt thầy và ép thầy tự tử trong một nhà tù tại Sài Gòn. Thầy Thiện Minh phải xé áo làm dây để tự tử. Khi thầy tịch rồi, sợ quần chúng phản ứng mạnh nên họ chở thầy về Hàm Tân, một hai ngày sau mới báo tử. Thầy Trí Thủ và các thầy khác phải về Hàm Tân mới nhận xác được. Lúc đó tôi đang ở Phương Vân Am. Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, nhận được tin bên nhà, thầy trò làm việc suốt đêm tìm những dữ kiện có được về thầy Thiện Minh, tổ chức họp báo, làm press release, báo cáo về cái chết của thầy Thiện Minh. Buổi sáng, khi làm xong công việc, tôi ngồi lại, tưởng niệm thầy Thiện Minh và viết bài Mây Trắng Thong Dong để cúng dường thầy. Mây trắng thong dong là một đám mây tự do. Thầy Thiện Minh bây giờ đã trở thành một đám mây trắng, thầy có sự thong dong rồi. Trong bài thơ, tôi dùng hai hình ảnh: đám mây và dòng suối; giống như hai người bạn. Mây và suối là hai cái khác nhau nhưng cùng một bản chất. Tôi nói ngày xưa tôi là dòng suối còn thầy Thiện Minh là đám mây. Một bên thì đi xuống để tìm ra biển Đông, một bên thì thong thả rong chơi trên trời. Cả hai đều hẹn nhau đi về biển Đông. Nhưng vì hoàn cảnh khổ đau, khó khăn cho nên đám mây đã biến thành mưa, rơi xuống:

 

MÂY TRẮNG THONG DONG

Nhớ thuở xưa – khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong
ta theo nguồn múa ca về đại dương mênh mông,
ngươi lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông
ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng.
Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng
thì ngươi biến thành mưa, nhỏ xuống tàn đêm đông
mây đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối
người gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong.223
Lòng thảnh thơi đâu,
khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công.
ngươi đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông
trong khi bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực
xương dồn thành gò cao chừ,
trong khi máu đã chảy dài thành sông.
Hai bàn tay ngươi dập nát, thương ôi,
xích xiềng vẫn chưa tháo được
ta gọi sấm sét về bên ngươi,
quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng gan dạ hơn người, trong đêm ngươi hóa thành
Sư Vương rống lớn hàng vạn loài ma quái nghe ngươi,
đã cầm cập run lên trong đêm sương.
Hiên ngang không lùi bước chừ,
dù phía trước dày đặc hầm chông
ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ.
như nhìn vào khoảng không.
Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được?
ngươi gọi tên ta mà cười chừ,
không một lời rên xiết, dù tra tấn cùm gông.
Bây giờ thoát đi, xiềng xích không còn buộc nổi chân thân,
ngươi trở về kiếp xưa mây trắng,
thảnh thơi trên bầu mênh mông;
Đến, Đi tự ngươi – đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại,
cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru ngươi khúc hát bi hùng.

Hình ảnh đó cũng là hình ảnh của tự do. ‘Đỉnh cao nào thích thú thì người dừng lại’, chỗ nào không thích thì đi. Đó là hành tung của đám mây. Sư chị cũng vậy. Chỗ nào thích thì sư chị ở lại, chỗ nào muốn từ giã thì sư chị từ giã. Sư chị là một con người tự do. Sư chị không bị vướng mắc, đam mê. Sư chị quả thật là một người chân tu. Rất thương em nhưng không dính mắc. Nếu cần trả em về vơi gia đình thì sư chị trả. Sư chị luôn luôn muốn tự do của em, không cột em vào trong vòng vướng mắc. Chúng ta có danh từ Duyên Giác. Duyên Giác hoặc Bích Chi Phật là những bậc tu học nhờ quán chiếu về Mười hai nhân duyên mà chứng ngộ. Ở đây không phải là Duyên Giác mà là Giác Duyên (conditions enlightenment), những điều kiện chính để giúp Trạc Tuyền đạt tới giác ngộ và chuyển hóa. Mỗi người trong chúng ta phải là một điều kiện để giúp người thương của chúng ta đạt tới sự hiểu biết, giác ngộ và giải thoát. Mỗi chúng ta khi đi tu rồi, phải là một điều kiện để giúp cho những người thân của chúng ta được giác ngộ. Chúng ta phải giúp cha, mẹ, anh, chị, em, bạn bè của chúng ta được giác ngộ. Chúng ta phải thực hành ý nguyện của sư chị. Giác Duyên là một phần trong con người chúng ta. Chúng ta phải nuôi lớn con người Giác Duyên trong ta để sau này ta có thể giúp cha mẹ, tổ tiên, gia đình và xã hội. Giúp với tư cách những điều kiện đưa tới sự thực hiện hiểu biết, giác ngộ và thương yêu.

Trong nguyên lục, khi Kiều cùng với một số người đến tìm sư chị Giác Duyên tại chùa thì họ thấy cửa đóng, sư chị đã đi rồi, trước cửa lại có để lại một câu thơ chữ Nho:

Nhược vấn ngõ thân hà xứ khứ
Thường bạn chi hạc bán không vân.

‘Nếu hỏi thân tôi đã đi về hướng nào thì trả lời rằng bây giờ tôi đang bay theo con chim hạc ở giữa đám mây trên từng không.’ Có nghĩa là: Tôi là một con người tự do, muốn đi đâu thì đi; tôi không có địa chỉ nhất định. Vì câu đó trong nguyên lục nên cụ Nguyễn Du viết:

Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?

‘Hái thuốc phương xa’ là lấy ý từ bài thơ Tùng hạ vấn đồng tử của thi sĩ Giả Đảo đời Đường. Bài thơ rất hay:

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: Sư thê diệp khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.

(Khách ngừng lại) dưới cây tùng và hỏi chú tiểu. Đáp: Thầy tôi đi hái thuốc, chỉ quanh quẩn trong núi này thôi, (nhưng vì) mây dày đặc quá (nên) không biết chỗ nào)

Chú tiểu này là một chú tiểu rất thương thầy. Không muốn những người khách tới làm quấy thầy cho nên dầu có biết thầy ngồi ở đâu chú cũng không nói. Cả mười năm nay tôi có cốt truyện này mà chưa viết được: Trong ngôi chùa có một ông thầy và một chú tiểu. Thầy làm trọn bổn phận của một ông thầy và chú tiểu cũng thương ông thầy lắm. Thỉnh thoảng thầy dắt chú tiểu lên khu rừng phía sau chùa. Một bữa vui miệng thầy nói chơi với chú tiểu: ‘Đây mới là chùa của thầy còn chùa dưới đó không phải. Dưới đó thầy phải làm nhiều việc, phải tiếp khách quá nhiều. Trên này có những cây thông cao vút, ngồi ở đây thầy rất sung sướng. Đây mới thật là chùa của thầy.’ Hai thầy trò chỉ nói chơi với nhau thôi. Có bữa nọ, chú tiểu đang làm việc thì có ông khách tới: ‘Thầy đâu chú?’ Chú đáp: ‘Trên chùa.’ Chú không chánh niệm lắm, chú đang nghĩ đến khu rừng ở trên đồi, ‘chùa thiệt’ của thầy. Ông khách hí hửng, đi vào chánh điện, ngó quanh ngó quất không thấy thầy đâu. Đi một vòng cũng không thấy. Ông ta hỏi: ‘Chú nói thầy chú ở trên chùa mà sao tui không thấy?’ Biết rằng hồi nãy mình không có chánh niệm, chú nói; ‘Chùa này là chùa của bác. Chùa của thầy ở trên cao kìa. Nhưng bác đừng lên đó! Chùa của bác là ở đây. Trên đó là chùa của thầy.’ Cốt truyện là như vậy. Tôi có ý viết truyện ngắn đó nhưng mười năm nay chưa viết được. Chú tiểu ở đây giỏi quá! Chú biết thầy ưa ngồi chỗ nào trên núi nhưng chú đã nói: ‘Thầy tôi hái thuốc, chỉ ở trên núi nầy thôi nhưng mây dày quá không biết chỗ nào.Có lên tìm cũng không thấy đâu, chi bằng đừng lên.’ Có nghĩa là: ‘Để cho thầy tôi yên.’ Đọc câu thơ của Nguyễn Du ‘Sư đà hái thuốc phương xa’ chúng ta hiểu là sư chị không muốn bị quấy rầy.

Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.

Đọc hai câu thơ này tuy thấy hay nhưng nếu chưa biết gốc rễ của chúng thì ta cũng chưa thấm lắm. Sư chị như một đám mây tự do, như một con hạc trắng. Muốn đi đâu thì đi. Thật ra sư chị đã dựng cái am này ở bờ sông Tiền Đường để làm gi? Làm am đó để sống với sư em thôi. Nếu sư em đi rồi thì giữ am làm gì nữa? Thà bỏ đi. Tìm về am cũ thấy ‘Rêu trùm kẽ ngạch cỏ len mái nhà’ thì cảm thấy thế nào? Buồn. Buồn vì không gặp được sư chị được nữa. Nhưng ta thấy sư chị đẹp vô cùng. Sư chị là một con người tự do, không dính mắc. Khi cần thì sư chị làm chùa để sống với sư em. Khi sư em không cần nữa thì sư chị bỏ, đi về với đời sống tự đo thanh thoát của mình. Như một con chim hạc, như một đám mây trắng. Những câu thơ này đẹp lắm:

Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.
Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu.

Sư chị đã trở thành huyền thoại. Rất đẹp. Tu, chúng ta chỉ muốn trở thành sư chị mà thôi.

Từ đó về sau ngày nào Trạc Tuyền cũng lên am thắp nhang. Cố nhiên là cũng cắt cỏ và ngồi đó để nhớ sư chị.

Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.

Ngày xưa người ta đi không để lại địa chỉ. Người ta chưa có bưu điện, điện thoại, điện tín và điện thư (e-mail) thành ra sư em không có cách nào liên lạc được với sư chị. Cách liên lạc duy nhất là mỗi ngày sư em lên chùa quét dọn, cắt cỏ, thắp nhang, thắp đèn, ngồi thiền. Tôi muốn, và nếu tôi làm không được thì một vị trong đại chúng này sẽ làm, viết tiếp cốt truyện này (tức là sau đó cái gì sẽ xảy ra.) Tôi nghĩ Trạc Tuyền đủ thông minh để đi tìm sư chị vì sư chị là một người đã được biết đến trong giới xuất gia. Ngày xưa Kiều đã từng tu với sư chị ở Chiêu Ẩn Am, Kiều có thể đi tới Chiêu Ẩn Am. Kỳ này có thể đi bằng xe ngựa đàng hoàng vì gia đình Kiều bây giờ đã giàu có (em trai làm quan, em gái là vợ một ông quan.) Tới Chiêu Ẩn Am hỏi thì thế nào người ta cũng có thể có một ý kiến là sư chị bây giờ đang ở đâu. Có thể sư chị đang ở đó, biết đâu! Nếu tôi viết không được thì quý vị sẽ viết. Viết tiếp chuyện Kiều. Không hẳn phải viết bằng thơ lục bát, không hẳn là phải viết hay như cụ Nguyễn Du. Nhưng mình có thể tiếp tục được. Tôi nghĩ rằng sau năm, bảy tháng tìm kiếm thì Trạc Tuyền có thể tìm lại được sư chị và trở lại sống đời sống của người xuất gia với sư chị. Điều đó ta có thể viết ra được, phù hợp với tình tiết của đoạn truyện này. Ở đây truyện được chấm dứt bằng hình ảnh rất tuyệt vời của sư chị.

Nhớ lời lập một am mây
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà,
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.

Bây giờ nói về gia đình của Kim Trọng và Vương Quan:

Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần.

Có Phước tức là gia đình đoàn tụ, ba thế hệ được ở chung. Có lộc là có tiền bạc lợi tức, được thăng quan tiến chức. (Chưa nói đến Thọ.)

Thừa gia chẳng hết này Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.

Thúy Vân đóng vai trò người vợ cả đảm đang, sanh ra khá nhiều các bé tí.

Phong lưu phú quý ai bì,
Vườn xuân một thửa để bia muôn đời.

Vườn xuân là hạnh phúc gia đình. Để lại tiếng khen, người đời truyền tụng mãi.